Phan Văn Song


Tâm Thư Đầu Năm Của Một Người Tỵ Nạn Cộng Sản:            

Ngày 30 Tháng Tư: Uất Hận Riêng, Quốc Hận Chung.
40 Năm Tỵ Nạn, Tự Do Chưa Đến Việt Nam 

1/ Đôi lời chia sẻ:

Khai bút đầu Xuân, trước khi vào bài, người viết Phan Văn Song tôi, xin đôi lời xin lỗi, rằng đầu năm lắm chuyện khô khan. Xin thưa trước với quý độc giả, đặc biệt với tất cả các bạn bè quen biết gần xa, đồng tâm, đồng cảnh, đồng chí đồng hướng, (nếu có ai hổng đồng, hổng giống thì xin tha thứ cho đám tỵ nạn chúng tôi ưa ôm đồm gắn bó lôi kéo nhau), sau xin chia sẻ cùng với tất cả anh chị em. Thưa rằng gần 40 năm cùng nhau đấu tranh chống độc tài, chống Đảng Cộng sản Hán Ngụy đang cướp nước giựt quyền của người dân Việt, cũng chỉ để quyết giữ một chánh nghĩa, xem như một nghĩa vụ: cố giữ linh hồn một người Việt Tử Tế (Tử Tế xin được viết hoa) – một người Việt được thấm nhuần giáo huấn bởi cả ngàn năm văn hóa của tổ tiên đã dày công giữ vững hồn và gốc dân tộc Việt, dựng nước và giữ toàn vẹn đất nước. Giữ được linh hồn, gieo được hột giống người Việt Tử Tế nơi tạm trú, để ngày mai khi Tự Do phục hồi trên đất nước thân yêu, góp phần đóng góp cho một quê hương Việt Nam Tử Tế với người Việt Tử Tế, cho người Việt Tử Tế.

Người Việt Tử Tế, trong nhà kính cha thương mẹ bảo bọc gia đình, ra đường tiếp láng giềng gần, quý người khách xa, trọng lân bang, giúp hàng xóm. Đó là tề gia, giữ xóm.

Người Việt Tử Tế khi làm quan, biết trọng dân, nghe dân, hiểu dân, hỏi ý dân, lấy công tâm làm luật, lấy công bằng làm lệ, quyền thế, cứng rắn, nhưng nhơn ái, công bằng, giữ luật lệ nhưng nhơn từ giáo huấn. Người Việt Tử Tế khi làm dân biết phán đoán, chọn mặt gởi vàng, bầu người ngay, cử người giỏi, biết suy luận, góp ý với quan, chấp hành luật tốt, chỉ trích lệ sai, cùng quan xây dựng việc nước nhà. Đó là bảo quốc, bình dân.

Bài viết hôm nay khai bút đầu Xuân Ất Mùi, lý ra là phải lạc quan, hào hứng để đón Xuân, nâng cao ly “Rượu Mừng Xuân” (như lời bài ca của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương) cùng tất cả bạn bè khắp năm châu hải ngoại hay tại quê nhà, trái lại người viết chúng tôi xin phép quý độc giả được tỏ chút bi quan, bận lòng đất nước, nói lời đắng cay. Và, tuy là năm mới, tuy là mùa Xuân, nhưng với bổn nhơn và gia đình bổn nhơn không có Mùa Xuân, vậy kính xin được phép nhỏ vài giọt lệ, ngậm ít tủi, nuốt tí hờn, uống ly cà phê đắng, để buồn cho thân phận cá nhơn, khóc cho số phận bạn bè, đồng chí, đồng hướng, đồng cảnh, đồng ngộ, tiếp tục sống kiếp tha hương 40 năm mất quê cha đất mẹ, mai đây vùi thân đất người.

Năm nay, năm thứ 40, của những ngày lang thang đi trên đất người. Chúng ta, người dân Việt tỵ nạn Cộng sản Việt Nam, như dân tộc Do Thái năm xưa, sau khi thoát khỏi ách độc tài đô hộ của Ai Cập, đã phải lang thang trong sa mạc 40 năm để tìm vùng đất hứa, mãi sau nầy mới tìm được đất Israël. Ngày nào chúng ta chưa trở về Sài gòn Tự do thì chúng ta cũng như dân Israël vẫn còn chưa đến vùng đất hưa Tự do. Vậy thì chúng ta như dân Do Thái trước khi về lại Israël vẫn chúc nhau: “Hẹn năm tới ở Jérusalem!”, chúng ta cũng cùng nhau “Hẹn năm tới ở Sài gòn!”

Và cùng nhau, chúng ta một nhóm đồng hành, mang cùng toàn dân tộc Việt, toàn dân tộc Việt Tử Tế, mãi mãi niềm Uất hận cùng ngày Quốc hận (Vốn gốc Nam kỳ, Uất Hận và Quốc Hận chúng tôi phát âm như nhau) cho đến Ngày có Tự do!

Thật là, của riêng là của chung, niềm đau cá nhơn, nỗi đau tất cả!

 

2/ Lý lịch người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại:

Chúng tôi cũng xin nói rõ rằng chúng tôi không chỉ trích, không chống đối, phản kháng tất cả những quan điểm hay lập trường khác.

Định nghĩa lý lịch từ “chúng ta” dùng trong bài viết:

“Chúng ta” là một số đông những người gốc Việt đang sống tại Hải ngoại, khi nhập cư nơi quê người với lý lịch tỵ nạn chánh trị, và đa số nay đã là công dân quốc tịch của xứ sở trú ngụ.

“Chúng ta” nhứt địnhkhông phải là những Việt Kiều tức là kiều dân của xứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hiện đang tạm trú (có thể thường trú) tại hải ngoại vì công tác ngoại giao, nghiệp vụ hay công tác ngoại thương hay tập sự du học hoặc đi du lịch.

Tóm lại, “Chúng ta” tuy có gốc gác, huyết thống, chủng tộc, dân tộc, văn hóa truyền thống Việt, thuần chủng cha mẹ cùng người gốc Việt hay lai huyết thống Việt có cha, tên Việt, hay có mẹ, tên người bản xứ.

Nhưng không phảingười (quốc tịch - công dân) Việt Nam (với thông hành CHXHCNViệt Nam với các chiếu khán xuất cảnh Vìệt Nam và nhập cảnh nước nhập cư).

Chúng tôi người viết, hoàn toàn không phản đối những lý luận hay phản bác những ý kiến hay quan điểm của những người muốn nhờ các Chánh phủ bản xứ chủ nhà ngoại nhơn (hiện nay chỉ có Mỹ và Canada) – mặc dù chúng tôi luôn luôn trân trọng, ơn cao nghĩa nặng, lòng nhơn đạo cao quý của những chánh phủ chủ nhà đã cưu mang người gốc Việt tỵ nạn từ 40 năm nay, và đang cho người mình, người Việt tỵ nạn Cộng sản ở đậu và hội nhập – biến ngày 30 tháng Tư đau buồn, đen tối, uất hận, của dân tộc Việt Nam ta, thành một ngày kỷ niệm, trọng đại, sáng sủa, sáng giá (?) cho cuốn lịch ngoại nhơn. Vì lịch ngoại nhơn không thể gọi một ngày hành chánh, là Ngày Đen hay Ngày Buồn hay Ngày Hận, vì quá tiêu cực, nên họ phải đề nghị gọi là Ngày Việt Nam Cộng Hòa hay Ngày Thuyền Nhơn hay Ngày Hành Trình đi tìm Tự do cho có vẻ tích cực, hồ hởi-phấn khởi nói kiểu Việt Cộng hay positive attitude nói kiểu Mỹ.

Xin cám ơn tất cả những hảo ý đó. Nhưng nếu quý vị biến Ngày Tang Chung của toàn dân Việt chúng ta thành một ngày lễ tầm thường như một ngày kỷ niệm khác thì quá phũ phàng cho chúng ta! Chúng ta đã mất mát quá nhiều, nay chỉ còn một Ngày Tang chung để Khóc, mà quý vị cũng sung công luôn, xóa bỏ luôn, thì chúng ta mất tất cả, quá khứ, kỷ vật, lý lịch, mất cả cội nguồn gốc gác! Ngày nay, chúng ta, người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở hải ngoại chỉ còn lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của Việt Nam hải ngoại Tự do không biên giới và Ngày Quốc Hận để làm dấu mốc đổi đời. Có một cuộc đời trước 30 tháng Tư 1975, và có một cuộc đời sau ngày ấy. Không so sánh đoạn nào, cuộc đời nào, trước hay sau ngon, hay dở, chỉ biết từ nay, ở mỗi chúng ta hai cuộc đời, hai hình ảnh, hai cuộc sống. Vi vậy, chúng tôi không cần Ngày 30 tháng Tư của Người Việt Tỵ nạn Cộng sản Việt Nam chúng ta được cầu chứng tại Tòa (marque déposée – Trade mark)!

Nếu gọi là “Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do”, thì mỹ từ ấy, tên đẹp ấy ẩn ý gì? Để nói lên một kỷ niệm? Hay để nói xin tha thứ? Hay để trân trọng nói tiếng xin lỗi hay nói tiếng “Sorry” “vì người Mỹ chúng tôi đã bỏ rơi các anh”? Hay thì thầm an ủi rằng “Người Mỹ (cũng) thương Việt Nam Cộng Hòa! (lắm, lắm!”, Hay chắt lưỡi tội nghiệpTội Nghiệp Thuyền Nhơn Việt Nam” quá!… Nếu như vậy thì thật là tất cả đều là giả dối, giả nhơn giả nghĩa! Tất cả chỉ là những giọt lệ cá sấu! 

Vì, tại sao “Thuyền Nhơn Cu Ba” thiếu chi? Biển Ca-ri-Bê cũng đầy xác người Trung Mỹ,… Cu Ba, Porto Rico, Haiti,… Không tội nghiệp sao? Biển Địa Trung Hải ngày nay thiếu chi Thuyền Nhơn? Không tội nghiệp sao? Sao không có Ngày Syrie? Ngày Crimée? Hay Ngày Tây Tạng? Cuộc “Hành trình đi tìm Tự do” của người dân Tây Tạng vượt Hy Mã Lạp Sơn đầy tuyết giá năm 1959 đáng nói lắm chứ! Ấn Độ còn cho Tây Tạng và Ngài Đạt Lai Lạt Ma cả một thành phố, một đại bản doanh, một vùng đất để tạo một giang sơn nho nhỏ cho Chánh phủ Tây Tạng Tự do. Nhưng người Tây Tạng không xin chánh phủ Ấn Độ cho một Ngày kỷ niệm cuộc Hành Trình người Tây Tạng đi tìm Tự do!

Còn nếu nói phải vinh danh, hay phải kỷ niệm bằng gọi ngày 30 tháng Tư là “Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do”? Thì thử hỏi: Ngày ấy của ai? Cho ai? Của riêng người Việt tỵ nạn Cộng sản ta? Cho tất cả người Việt di cư tỵ nạn ta? Người Việt tỵ nạn Cộng Sản đã tạm trú tại một xứ Tự do, nhưng đã tìm lại được thấy lại được Tự do cho Việt Nam, quê hương mình gốc mình chưa?

Cám ơn dân chúng Canada đã cưu mang, cám ơn dân chúng Mỹ đã cưu mang dân tộc chúng tôi. Nhưng chúng tôi trước đây, trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, đâu có thiếu Tự do, chúng tôi đã có Tự do rồi, chúng tôi biết quý Tự do, chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ Tự do mà!... Nhưng tại sao chúng tôi người Việt Nam phải (hành trình) đi tìm Tự do? Và chỉ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 thôi! Tại sao ngày ấy? Từ đâu nên nỗi? Chúng tôi suốt 20 năm đã biết sống trong Tự do. Một Tự do nhỏ xíu hè! Và rất mong manh! Vì vậy thật đáng quý! Tự do thật đấy, và vì thế, chúng tôi phải đổ máu để giữ. Và suốt thời gian lúc chiến tranh, trong vòng 20 năm, chúng tôi đâu có “vượt biên đi tìm Tự do”? Trái lại, nếu có phải đi công vụ xa nhà, xong việc chúng tôi trở về.

Một thí dụ nhỏ: bổn nhơn người viết, và cũng của rất nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, cùng chung trường hợp du học sanh, khi tốt nghiệp, đa số chúng tôi đều trở về phục vụ Việt Nam Cộng Hòa.Du học sanh vào tuổi thanh niên, thoát quân dịch, tốt nghiệp xong, cá nhơn tôi vẫn trở về, dù với cô vợ người bản xứ Pháp, tôi có thể dễ dàng ở lại lập nghiệp ở Pháp. Với 10 năm sống ở ngoại quốc, bằng cấp quốc gia Pháp, gia cảnh vợ người Pháp, công ăn việc làm cũng ở Pháp, có đủ điều kiện nhập quốc tịch người, sống ăn đời ở kiếp xứ Tây. Nhưng chúng tôi trở về, đem cả gia đình (vợ Pháp, con quốc tịch Pháp) trở về sống và làm việc ở Sài gòn, để phục vụ đất nước Tự do của Sài gòn. Và để được giữ cái giá của Tự do của đất nước mà chúng tôi tự do lựa chọn phục vụ và sanh sống, chúng tôi dù còn trong thời gian hoãn dịch vì du học sanh trở về, vẫn tình nguyện nhập ngũ để được hợp lệ tình trạng quân dịch. Cho đến ngày phe ta tan hàng, bổn nhơn là quân nhơn được biệt phái phục vụ ngành giáo chức Việt Nam Cộng Hòa. Nghề tư chức chỉ là nghề tay trái để kiếm thêm cơm.

Ngày 30 tháng Tư năm1975, vì đồng minh Huê Kỳ hứa tiều, hứa wảng, hứa cuội, phản thùng, bỏ cuộc nửa chừng, cúp viện trợ quân sự, nên Việt Nam Cộng Hòa đành phải thua trận. Và toàn thể chúng ta, công dân Việt Nam Cộng Hòa, toàn thể người dân người miền Nam Việt Nam đều đi tù Cộng sản, người thường dân vô tội và gia đình quân cán chính của phía miền Nam ta thì ở tù lớn, còn quân cán chính phe ta đều đi tù nhỏ. Con trẻ, nam hay nữ chưa được thành niên phải lao động công trường, từ đấy thất học, lớn một tý thì Thanh Niên Xung Phong làm mồi cho đỉa ruộng, muỗi rừng, sốt rét, còn đã trưởng thành rủi đã làm quân cán phe miền Nam, thì lao động cải tạo mút mùa lệ thủy, mút chỉ cà tha. Cả miền Nam Việt Nam chúng ta thua trận đều phải bị phạt, đi phải tù, phải mất nhà, mất cửa, bị đuổi khỏi thành phố, đi lao động cuốc đất, đào mương, làm rẫy, đi đày lên rừng thiên nước độc, đi khai quang khẩn ấp, dưới mỹ từ di cư đi vùng Kinh tế mới, chỉ vì chúng ta là người của xứ Tự do, chỉ vì chúng ta ở phía, chỉ vì chúng ta ở phe Tự do, và cuối cùng cũng vì Tự do bị tước đoạt luôn cả Tự do. Cũng vì Tự do bị sang đoạt, nên chúng ta đành phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng sản, dũng cảm, liều mạng, vượt biên đi “vùng Kinh tế mới”… tìm lại Tự do ở nước ngoài. Và ngày nay, cũng vì nạn Cộng sản, vì không muốn sống trong không khí Tự do đã bị tước đoạt, nên chúng ta phải sống tỵ nạn Cộng sản nơi đất khách, nơi tuy có Tự do, nhưng chúng ta phải lê kiếp sống lang thang tha hương cầu thực từ 40 năm nay. Vì những lẽ ấy, thiển nghĩ:

Ngày 30 tháng Tư không thể là ngày đi tìm Tự do của tôi, mà là ngày Cộng sản chiếm nước! Và vì uất hận, tôi bắt buộc phải đi tỵ nạn Cộng sản thôi!

Ngày đi tìm Tự do của bổn nhơn là ngày 15 tháng 8 năm 1971, ngày gia đình nhỏ của tôi trở về Sài gòn sau 10 năm du học để phục vụ một quê hương đang chiến đấu để giữ Tự do, và cũng để đóng góp với toàn dân cùng bảo vệ cái Tự do của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, Tự Do Nhân Bản Dân Chủ. (Xin hãy chú ý giùm, chúng tôi gọi Việt Nam Cộng Hòa là một nước, một quốc gia, chứ tôi không gọi là một chế độ hay một chánh thể).

Vì vậy tôi là người Việt của Quốc Gia Việt Nam.

Nhưng thưa, nếu tất cả quý anh quý chị, đều cho rằng “Nhờ có ngày 30 Tháng , mới Hành Trình đi tìm Tự Do cho người Việt”, thì xin cứ tự nhiên, Vì thiển nghĩ, quý anh chị, ngày nay, có cái lý của quý anh quý chị. Quý anh quý chị sống nhờ có Tự do nơi xứ người, sống ngon lành hơn thời ở quê nhà. Nếu đối với quý anh quý chị, chỉ có ngày nay quý anh quý chị mới có Tự do, xin quý anh chị cứ tự nhiên quảng bá cái không khí thoải mái Tự do ở xứ người ấy. Đấy là quyền của quý anh quý chị.

Nhưng quý anh quý chị, trước khi cám ơn chánh phủ Canada, nhớ cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể, vì nhờ nó cướp nước mình nên gia đình quý anh chị mới chạy giặc vượt biên nên mới được Tự do như ngày nay!

Nhưng đối một số anh em chúng tôi, chúng tôi xin từ chối cái Ngày Hành Trình do Chánh phủ Canada tặng cho. Không dám nhận! Xin cám ơn, vì chúng tôi đã hưởng đượcTự do rồi. Và nếu nhận, chúng tôi chả lẽ khinh, và khi dễ cái Tự do của Việt Nam Cộng Hòa đã cho chúng tôi sao? Sao chúng tôi dám quá vô ơn bạc nghĩa với các cha chú bác anh em bạn bè chúng tôi đã đổ máu, bỏ xác để giữ cái Tự do cho Việt Nam Quốc Gia, cho Việt Nam Cộng Hòa, cho miền Nam Việt Nam trong vòng 20 năm. Tội nghiệp cho các cựu quân nhơn, các góa phụ các cô nhi, các nạn nhơn đã bỏ thây, trên đường vượt biên của Việt Nam Cộng Hòa!

Có thể khi ở quê nhà, tụi tui nghèo hơn bây giờ, cực hơn bây giờ. Con cái chúng tôi lúc ấy có thể ngu hơn bây giờ, nhưng chúng cũng có cái Tự do của chúng tôi. Cái Tự do ấy, chúng tôi không cắt nghĩa được, nhưng chúng tôi đã hưởng trọn vẹn, nay phải mang ơn cái Tự do ấy! Chúng tôi đã sống rất thoải mái, với cái Tự do đầy tánh dân tộc Việt ấy, với cái thoải mái của toàn người dân miền Nam Việt Nam, với cả nước Việt Nam Cộng Hòa. Tự do trong tình Việt tộc với nhau, với tình đồng hương, với nghĩa đồng bào!

Các anh các chị có quyền hãnh diện thành tích đề nghị Chánh phủ Canada lấy một ngày trong lịch Canada làm một ngày kỷ niệm gọi là “Ngày Hành Trình đi tìm Tự do” tặng dân tỵ nạn gốc Việt, đúng với truyền thống Thiên chúa giáo Âu Mỹ, nâng đở và cưu mang người tỵ nạn trên thế giới. Và các anh các chị cũng có quyền hãnh diện có tài năng thuyết phục, lôi kéo được các quan chức Canada! Từ nay Canada có nghĩa là Tự do, đến đích rồi! Xin các anh, các chị hưởng lấy thành tích chánh trị ấy! Xin mừng cho các anh các chị! Congratulations!

Nhưng cám ơn các anh các chị, hãy xin quên dùm chúng tôi đi! Đừng rủ chúng tôi! Và chúng tôi xin van quý anh, quý chị, nghĩ tình quen biết, cũng đừng nhơn danh toàn người dân Việt Hải ngoại tỵ nạn Công sản tụi tui! Tội nghiệp tụi tui lắm, quý anh chị có lẽ bỏ nước đi trước, nên chắc không biết rõ Việt Cộng. Chứ dám tụi nầy, rành sáu câu lắm! Toàn là dân ở tù Cộng sản! Đứa dở lắm cũng gỡ nguyên một cuốn lịch! Đấy là giá rẻ đấy, chỉ vì tội vượt biên thôi. Còn số đông dân xấu số, bị đi “du lịch” thăm viếng tất cả các trại tù từ Nam đến Bắc, từ Đại Lợi Sài gòn đến Nam Hà Bắc Việt, gỡ cũng vài cuốn lịch.

Và nếu có ai có thích làm Ngày Kỷ Niệm Vượt Biên, nếu có thể, xin đừng lấy ngày 30 tháng Tư, xin tha cho cái Ngày Khốn Nạn Đầy Tội Nghiệp ấy! Đỡ cho tụi tui khỏi buồn, khỏi tủi thân, tuổi trên thất thập, sắp chết trên quê người rồi mà còn bị hất hủi!

Quý vị ráng nhớ xem, những hình ảnh hãi hùng ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến bào, quân trang, vũ khí quân ta thất trận vứt ngổn ngang đầy đường, dân chúng hôi của các nhà bỏ trống, xác Đại Tá Long bên đường trước cửa Hạ Viện, cổng Dinh Độc Lập bị ủi sập…, ấy là tôi chỉ nói Sài gòn, ấy là chỉ nói khu vực cá nhơn chúng tôi biết và nhìn thấy… còn những khu khác, vùng khác… như khu vực trước những cổng trại binh sĩ ta, nghe nói có giao tranh lớn, thỉnh thoảng có xác của địch quân Việt Cộng nằm co bên vệ đường, nghe nói có những anh em quân nhơn Việt Nam Cộng Hòa, ôm nhau cùng mở chốt lựu đạn tử tiết anh hùng. Làm sao quên được những hình ảnh ấy? Quý vị quên sao các vị Tướng anh hùng của ta đã tuẫn tiết? Quý vị quên sao được những ngày tháng trước, suốt tháng Ba? Suốt tháng Tư? Quý vị có thể không thích, không muốn nghe những thành tích quân sự, đấu tranh giết chóc, vì ngày nay ra sống với người Âu Mỹ lâu năm, đâm ghét chiến tranh, ghét giết chóc, hận thù, nhưng xin quý vị lấy bình tâm một phút nhớ lại những làn sóng người thường dân lánh nạn, chạy giặc Việt Cộng! Hàng ngàn người thường dân vô tội, bị pháo địch giết hại trên đường tỵ nạn ra sao? Quên sao đường tỵ nạn số 19 từ An Khê tiến về biển Đông? Người chết như rạ vì pháo địch? Thế mà quý vị đành lòng gọi là Hành trình đi tìm Tự Do được sao? Vượt cầu Sông Ba bao người chết? Và Huế? Và Đà Nẵng? Và Nha Trang?... Phải, hãy gọi đấy là cuộc Bỏ Phiếu bằng chưn, hay Cuộc Lánh Nạn Cộng Sản, hay Cuộc Tỵ Nạn! Vì khi là thường dân bỏ Tây Nguyên đi lánh nạn Công Sản tiến về phía Đông, hay bỏ Huế tiến về Nam chỉ để tìm… phe Tự Do ta… đó thôi! Tự Do lúc ấy là Sài gòn, là miền Tây vùng Bốn, là đồng bằng Sông Cửu Long còn yên lành hiền hòa và còn… Tự Do. Tất cả người dân miền Nam lúc ấy, đi tìm Tự Do, đi tìm Yên Lành, Lánh Nạn, Tỵ Nạn tránh quân Giải Phóng tước đoạt Tự Do của chúng ta trong những vùng đất nước quê hương của chúng ta. Dân chúng miền Nam Việt Nam Tự Do của chúng ta không thể quên cuộc tàn sát người dân vô tội tại thành phố Huế của Tết Mậu Thân năm xưa. Dân chúng miền Nam chấp nhận, chết vì pháo kích, chết trên ven rừng, ven bụi, ngoài biển cả, chớ không để Việt Cộng đập đầu hay chôn sống! Vì vậy Uất Hận, vì vậy Quốc Hận!

Nếu muốn nói kỷ niệm “Hành Trình Đi Tìm Tự Do”, nếu nói riêng cho năm 1975 là năm kết thúc cuộc Hành trình 20 năm giữ nước, giữ Tự Do của Việt Nam Cộng Hòa, thì ta có thể nên bắt đầu bằng Ngày mất Ban Mê Thuột 10 tháng Ba 1975? Hay Ngày mất Huế 30 tháng Ba? Còn nếu chỉ để đánh dấu kỷ niệm những ngày dân chúng Việt Nam ùn ùn chạy lánh nạn Cộng sản? Cuộc Hành Trình đi tìm Tự Do có thể bắt đầu từ năm 1954, khi 1 triệu người miền Bắc bỏ xứ vào Nam để tìm Tự Do. Ngày Hành Trình có thể là Ngày 20 tháng Bảy?

Nhưng tại sao không lấy ngày 1 tháng 05? Nầy nhé, Việt Cộng chiếm Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4, qua ngày 1 tháng 5 quân dân cán chánh phe ta bắt đầu vượt biên. Lấy ngày 1 tháng 05 là ổn thoả nhứt.

Còn nếu khư khư giữ ngày 30 tháng Tư để làm Ngày Hành Trình đi tìm Tự Do, thì tội nghiệp cái đám “cựu dân Miền Nam” tụi tui lắm! Thằng tui đây, chỉ là lính 9 tuần, giáo chức hạng chót, tư chức hạng quèn, nên sơ sơ chỉ biết tý tý nhà tù Phan Đăng Lưu, trại T20, lao công chiến trường, theo sư đoàn Gia Định giải phóng Cam Bu Chia sau Tết 1979, lao công cực khổ, dọc đường số 1 Sài gòn lên đến phà Nek Luong, cũng gỡ gần hết 4 cuốn lịch, mất trên chục kilô, liệt đi một giò. Còn hầu như một số đông anh em dân ka ki hay dân hành chánh thứ thiệt, đều nếm mùi Lý Bá Sơ hãi hùng, Nam Hà khốn nạn hay Cổng Trời rùng rợn! Vậy thì, thử hỏi ngày 30 tháng tư là ngày tụi tui đi “Hành Trình Đi Tìm Tự Do” ở đâu?

Và cũng xin các anh các chị cũng đừng vội vàng kê tủ đứng chụp mũ chúng tôi, vì viện cớ, thừa nước đục, rằng Việt Cộng cũng phản đối “Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do”, (của quý vị), nên quý vị nhét chúng tôi nhập bọn Việt Cộng, cá mè một lứa, chụp cho chúng tôi một cái nón cối, một đôi dép râu… thì kẹt tụi tui quá!

Cả đời chống nón cối, mà trên 70 tuổi lại đội nón cối, thiệt tình hổng giống ai!

Thôi xin các anh cho phép chúng tôi giữ cái niềm Uất Hận cùng cái tên Quốc Hận, phát âm chung là Wất Hận! Đúng giọng Nam kỳ, cho dzui cửa dzui nhà, đề huề phe miền Nam mình (có cả Bắc kỳ Di Cư 54)!

3/ Ngày 30 tháng Tư, Uất Hận cá nhơn, Quốc Hận Cả Nước:

Từ ngữ “Nước” ở đây, chúng tôi chỉ xin hạn chế trong phạm vi nhỏ một nước Việt trừu tượng, không biên giới, không chánh phủ, không thể chế, không quốc gia nhưng cùng dân tộc, nước Việt Nam hải ngoại của người Việt Hải ngoại tỵ nạn Cộng sản, phần đông là cựu công dân nước Việt Nam Cộng Hòa. Nước Việt hải ngoại chúng tôi gồm nhiều cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản trú ngụ trên nhiều quốc gia trên thế giới.

Còn có những cộng đồng người Việt sống ở hải ngoại khác gốc gác với gốc cựu công dân Việt Nam Cộng Hòa Tỵ Nạn Cộng Sản chúng tôi. Họ có thể tỵ nạn chánh trị (bất đồng ý kiến) hay tỵ nạn kinh tế. Ngoài những người Việt Kiều là công dân của nước Việt Nam Cộng Sản, như đã định nghĩa rõ ràng ở phần bài trên; ở hải ngoại cũng có những người Việt gốc công dân hay cựu công dân của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tỵ nạn kinh tế hay tỵ nạn chánh trị vì hoặc bất mãn, bất đồng ý kiến, hay không sống nổi với nguồn kinh tế ở Việt Nam ngày nay. Cũng có những cá nhơn có thể chống hẳn, ly khai, đấu tranh đối lập với Đảng Cộng Sản hay Nhà Nước Cộng sản vì lý do quyền lợi cá nhơn, hay quyền lợi tập thể. Chúng tôi kính trọng tất cả, nhưng chúng tôi không dám rủ rê kéo họ họp vào cái nỗi đau Quốc Hận của chúng tôi, cũng như kéo họ vào đứng chung với lá cờ vàng ba sọc đỏ của chúng tôi.  

Với 40 năm cầm quyền đất nước Việt Nam, Đảng Cộng sản đã thống nhứt về phương diện địa dư, nhờ chiếm đất cướp nhà, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam chưa hoàn toàn thống nhứt lòng dân, và cũng gây nhiều uất hận, tạo nhiều bất bình. Trước, đối với người dân cư ngụ ở cựu miền Nam, cựu công dân Việt Nam Cộng Hòa đã đành, nhưng đối với công dân thứ thiệt của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì ôi thôi cũng lắm chuyện bất bình. Thời thế nhiễu nhương, cháy nhà ra mặt chuột, sự thật dấu đầu lòi đuôi, ngày nay, lòi mặt láo khoét, mỵ dân, gạt dân, nên tạo ra nhiều thành phần bất bình, chống đối. Một loạt phong trào chống đối, phản đối bắt đầu chỉ vài năm sau hết chiến tranh, im tiếng súng và ngay trong lòng thành phần giai cấp cán bộ cầm quyền. Bắt đầu là những “cá nhơn” biến qua phong trào nào “phản tỉnh”, nào là “tỉnh ngộ”, rồi “ly khai”, ấy là nói đến cán bộ, đảng viên, hay cựu đảng viên, tuy đã về hưu hay sắp về hưu; rồi đến “bất mãn” lan rộng đến thành phần các cảm tình viên, một thời nuôi cách mạng nay thất vọng, hoặc thành phần nông dân mơ được “làm chủ đất “ nay bị “Nhà nước gọi là cách mạng cướp đất” tạo nên các phong trào “dân oan khiếu kiện”! Rồi ngày nay nhờ khoa học tin học, giấu tin không được, nói láo không thông, thế hệ trẻ đọc tin, học hỏi nước ngoài, biết thế nào là Tự do, thế nào là Dân chủ, thế nào là Nhơn quyền, đòi “cởi mở”, vì không được nên thế hệ trẻ bất mãn, đấu tranh người “Dân chủ” kẻ đòi “các quyền Tự do”, qua các mạng lưới tin học, tạo nên “phong trào bloggers”… Tóm lại đây là một cuộc Hành Trình tìm Tự Do tại chỗ bắt đầu, tại quốc nội.

Một cuộc Hành Trinh đi tìm Tự Do khác cũng đang bắt đầu thành hình. Đây là cuộc Hành Trình trốn chạy kinh tế, một loại Vượt Biên Mới với tánh cách Kinh tế, bắt đầu do “dân xuất khẩu lao động” trước 1975 gốc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, hay sau nầy gốc Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa trốn ở lại nước ngoài, phần đông ở Đông Âu, các quốc gia cựu khối Cộng sản Đông Âu hoặc do dân đi công vụ xong trốn ở lại, vờ xin tỵ nạn chánh trị không về, cũng có những thành phần khác với những lý do khác, nào là du học sanh tốt nghiệp có việc làm, cũng ở lại không về. Nhưng phương cách hiện hành do thành phần quan chức Cộng sản đương nhiệm gởi con đi du học, phần đông còn trẻ vị thành niên, gởi gia đình người thân theo để săn sóc, và từ từ tẩu tán tài sản ra ngoại quốc ra, và cuối cùng bỏ xứ di cư, xin nhập cư bằng đầu tư (tùy quốc gia giá từ 500 ngàn đến 1 triệu dollars) hạ cánh an toàn. Họ thuộc thành phần gia tộc giai cấp đương quyền, cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản, nhờ tham nhũng nên giàu có, chuyển tiền di cư trú ngụ đất người!

Bốn mươi năm cầm quyền, Đảng Cộng sản đã làm xáo trộn đất nước, xáo trộn tình người, tạo nền văn hóa hỗn độn, đất nước hỗn độn, dân tình ta thán. Trong nước hổ lốn, nhưng Nhà đương quyền không lo chỉnh đốn; trái lại, như một con bạch tuộct, Đảng Cộng sản lại thò những vòi ra đến tận hài ngoại để xáo trộn các cộng đồng người Việt tỵ nạn. Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, từ nay vì vậy lẫn lộn vàng thau, cộng trừ nhơn chia, chẳng còn biết ai gốc gác thiên về ai thuộc phe Tự do, hay ai thuộc gốc Ngụy quyền Cộng sản?

 

 Kết Luận:

“Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do” không phải do ngoại nhơn hay người Việt hải ngoại ban cho mà do chính bổn thân toàn thể nhơn dân Việt Nam đề nghị:

Để quý anh quý chị thấy chúng tôi không có hồ đồ chống đề nghị đổi ngày của quý vị, và chúng tôi nhận định rõ ràng phải trái, chúng tôi có lời cám ơn quý anh quý chị đã nêu cho chúng tôi thấy cái ý niệm của “Hành Trình Đi Tìm Tự Do”. Chúng tôi đề nghị nên áp dụng ý niệm đó cho tất cả cuộc đấu tranh trong nước. Từ các phong trào “Đòi Nhơn quyền, đòi Dân chủ, đòi Tự do Tôn giáo” qua đến các cuộc biểu tình “Trường sa, Hoàng sa – Đả đảo Tàu Cộng” hay “Dân Oan Khiếu Kiện”, đến các “Phong Trào Bloggers”, các bài viết đòi Dân Chủ, và nay “Phong trào Tôi không thích Đảng Cộng sản… tất cả đều là những chặng đường trong cuộc Hành Trình đi tìm Tự do đó.

Vì vậy, chúng ta phải trân trọng tất cả những chặng đường đã qua của “Cuộc Hành Trình đi tìm Tự Do”. Ta đừng quên “Cuộc Hành trình” đã bắt đầu bằng những đấu tranh ngay từ những ngày đầu phe ta mất nước và nay đang tiếp tục tiếp diễn trong nước, mỗi người một vẻ, tùy giai đoạn, tùy trường hợp, tùy thời cơ... Từ những Phong trào Phục Quốc, Vinh Sơn những năm 1976/77, đến các anh hùng Trần Văn Bá và các chiến hữu anh em đã bỏ mình, tù tội, những năm 80, qua đến các cựu cán bộ đảng viên Cộng Sản phản tỉnh, các nhà đấu tranh đòi Dân Chủ, gốc hai miền Nam Bắc, các nhà đấu tranh đòi Tự do Ngôn luận, Tự do tôn giáo với linh mục Nguyễn Văn Lý, đến các bloggers, các nhà đấu tranh chống nạn Hán Hóa… Cuộc Hành trình thoạt đầu đi chậm, lẻ tẻ, cá nhơn, bí mật, dần dần đang chuyển thành công khai, đầy sáng tạo, tạo một sức mạnh chung, tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc, rồi đây sẽ là một giòng thác lũ cuốn lũ độc tài!

Hãy vững tin, hãy nhẫn nại, tiếp tục ủng hộ các nhà đấu tranh, tiếp tục đấu tranh, mỗi người một tay, một kiểu, ồn ào hay lặng lẽ, chờ mong và tin tưởng ngày mai, một ngày mai rất gần, cuộc “Hành trình đi tìm Tự Do” của cả nước thành công, lật đổ Đảng Cộng sản cầm quyền, lấy lại quyền Tự quyết, tìm lại được Tự do. Lúc ấy toàn thể người Việt Tỵ nạn Cộng sản chúng ta ở hải ngoại sẽ nhập giòng “Hành trình Tự do” ấy, trở về cùng cả Nước, cùng cả Dân Tộc, xây dựng lại Non Sông.

Lúc ấy toàn dân tộc Việt Nam chúng ta vinh danh một ngày, lựa một ngày trong lịch Việt Nam làm “Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do cũng sẽ không muộn. Và chắc chắn sẽ vinh quang hơn, vì quyết định chung của cả Nước, cho cả Nước! Vì là đây là cuộc “Hành trình đi tìm Tự Do” của cả một dân tộc Việt Nam Tử Tế để xây dựng một đất nước Việt Nam Tử Tế góp mặt với thế giới.

Mong Lắm!
Hẹn nhau tại Sài gòn!!
À Saïgon bientôt!
See You soon in Saigon!

Hồi Nhơn Sơn, Mùa Chay Hải Ngoại thứ 40
Phan Văn Song


Cái Đình - 2015