Hoàng Giang
Lòng dân và lòng tin
Dân chúng biểu tình trong khu vực nhà thờ Đức Bà, trước Dinh Độc Lập ngày 10/06/2018
Tháng 06/2018 vừa qua ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tranh đấu của người dân Việt. Lần thứ nhất kể từ khi Cộng sản Việt Nam nắm quyền cai trị, những cuộc biểu tình, xuống đường toàn diện đã nổ ra khắp nơi, cả trong lẫn ngoài nước.
Đặc biệt ngày 10/06/2018 đã xảy ra Tổng biểu tình với hàng chục vụ xuống đường tại Việt Nam. Từ Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang… cho tới nhiều địa điểm tại Sài Gòn, tới cả chục ngàn người nơi khu Nhà Thờ Đức Bà. Tại hải ngoại, từ Mỹ châu, Âu châu cho tới Úc châu người Viêt đã tụ tập trước cửa các tòa đại sứ, lãnh sự quán Việt Nam (và cả Trung Quốc). Nhiều người bị bắt, các báo chí quốc tế đều loan tin. Nhà văn Trần Tiến Dũng viết trên Facebook: "Đây là cuộc biểu tình lớn nhất! Tôi là người cầm bút không hề phóng đại. Tôi và nhà văn Mai Sơn, từ góc nhìn hạn hẹp chúng tôi đoán phải hơn cả vạn người dân tham gia (riêng ở khu công trường Lam Sơn). Tôi cho là so với mọi cuộc biểu tình từ sau 1975, lần này mới thấy hết sức mạnh của người Việt yêu nước không khoan nhượng giặc Tàu và tay sai."
Trong những tuần sau đó, người dân trong nước vẫn tiếp tục “biểu tình” qua nhiều hình thức khác nhau. Ở hải ngoại mỗi cuối tuần đều có những vụ biểu tình phản đối tại các sứ quán, lãnh sự quán Hoa Kỳ, Pháp, Úc v.v…
Vì sao?
Tất cả những người biểu tình đều đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải rút lại Dự luật Đặc Khu vì nguy cơ Hán Hóa đã quá rõ ràng. Hơn nữa, dự luật này cho thấy âm mưu của ĐCS Việt Nam bán nước bán biển cho Tàu. Dự luật Đặc Khu là văn bản pháp luật quy định ba nơi sẽ thành đặc khu kinh tế với ưu đãi cho những nhà đầu tư nước ngoài, tới mức có thể cho họ thuê với thời hạn 99 năm. Ba nơi này là ba địa điểm hiểm yếu về quân sự trải dài suốt bờ biển Việt Nam: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Trung Quốc hiện đang hung hãn phô bày âm mưu bành trướng, trong khi chính phủ Việt Nam quá nhu nhược, nhượng bộ hết bước này tới bước khác một cách vô lý. Chỉ có cách lý giải duy nhất là có đồng thuận với nhau chia chác quyền lợi bè phái, bất chấp sự tự chủ quốc gia. Trung Quốc chiếm được ba địa điểm này, thì Việt Nam như nằm trong rọ. “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu” lại tái diễn.
Không những phản đối dự luật Đặc Khu, mà người dân còn phản đối dự luật về An Ninh Mạng, mà họ cho là một hình thức trắng trợn bịt miệng những người có ý kiến trái với chủ trương của nhà nước, là một hành vi xâm phạm trắng trợn quyền tự do ngôn luận của người dân. Luật An Ninh Mạng dự trù được ban hành trước Luật Đặc Khu để họ dễ bề thao túng.
Về câu hỏi vì sao lại chọn ngày 10/06 làm ngày tổng biểu tình, thì có lẽ phát xuất từ những bài báo tường trình về buổi khai mạc kỳ họp lần thứ 5 vào ngày 21/05/2018, trong đó có đưa ra danh sách những dự án luật cần được biểu quyết thông qua, do đó quần chúng mới chú ý. 10/06 là ngày gần nhất để có đủ thời giờ thực hiện công tác kêu gọi trên các mạng xã hội và các website, mọi người có đủ thời gian chuẩn bị.
(Dự) Luật Đặc Khu là gì? Và sự ra đời của dự luật này
Đặc Khu Kinh Tế (SEZ – Special Economic Zone) là một mô hình phát triển kinh tế cấp quốc gia hay liên quốc gia để tập trung nỗ lực vào những mục tiêu cụ thể bao gồm những hình thức ưu đãi về thuế má và thủ tục hành chính cho các cơ sở hoạt động đặt trong SEZ. Định nghĩa về SEZ mơ hồ, nó tùy theo hoàn cảnh, kế hoạch của từng quốc gia. Nhưng rõ ràng đây là một mô hình phát triển thời nay. Nếu dùng định nghĩa của Ngân Hàng Thế Giới thì hiện nay đã có 130 quốc gia có SEZ với tổng cộng trên 4000 SEZ.
Việt Nam đương nhiên muốn – nếu không nói là bắt buộc – chạy theo trào lưu này, đó là lẽ thứ nhất. Và lý do thứ hai là muốn dồn các công nghiệp cao cấp quốc tế vào một nơi chưa có hạ tầng cơ sở (để dễ xây dựng) và đồng thời dồn các sinh hoạt ăn chơi xa hoa vào nơi đó để dễ kiểm soát.
Ba “đặc khu” mà dự luật đề cập thực ra đã có từ lâu, dưới tên “Khu Kinh Tế”. Khu Kinh Tế Vân Đồn được thành lập năm 2007. Khu Kinh Tế Bắc Vân Phong được thành lập năm 2004 và Khu Kinh Tế Phú Quốc năm 2004. Ngoài 3 Khu Kinh Tế kể trên, Việt Nam còn có hơn 10 Khu Kinh Tế khác, hai trong số này được nhiều người biết đến qua những vụ biểu tình chống đối, là Khu Kinh Tế Dung Quất và Khu Kinh Tế Vũng Áng.
Qua (dự thảo) Luật Đặc Khu, chính quyền Việt Nam muốn nâng cấp ba Khu Kinh Tế thành Đặc Khu Kinh Tế, với hướng phát triển đặc thù cho từng đặc khu (1), và có luật lệ đặc biệt dành riêng cho những đặc khu này. Ba khu này có một đặc tính chung, chúng có một phần là những vùng đảo nằm ngoài biển, dễ kiểm soát, giá đất hiện đang tương đối thấp, dễ hấp dẫn các công ty đầu tư, và dễ quy hoạch theo diện rộng. Các cơ sở muốn kinh doanh đầu tư phải có quy mô hoạt động lớn – dự án phải có kế hoạch tối thiểu 6.000 tỉ tới 45.000 tỉ VND, tùy lãnh vực đầu tư hoạt động.
“Dự Luật Đặc Khu” có nguyên văn là: “Dự thảo luật Đơn Vị Hành Chính – Kinh Tế Đặc Biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. Dự luật này được đệ trình ngày 20/02/2017, và dự trù sẽ được quốc hội biểu quyết thông qua vào kỳ họp lần thứ 5 của quốc hội khóa 14. Nếu được thông qua, luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019 (Cùng lúc, kỳ họp quốc hội lần thứ 5 này cũng xét biểu quyết thông qua dự thảo Luật An Ninh Mạng. Dự thảo này được đệ trình ngày 06/06/2017. Quốc hội biểu quyết thuận ngày 12/06/2018, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019).
Cả hai dự luật đã để ra một thời gian hơn 1 năm cho những góp ý của những người được giao trách nhiệm. Các luật gia, trong cùng thời gian, có thể dễ dàng tham khảo nghiên cứu hai dự luật này trên mạng internet cho đại chúng, nhưng dường như mọi người ơ hờ. Cho tới những tuần cuối trước ngày biểu quyết, dư luận mới sôi sục vì một số điểm đầy nghi vấn được nêu ra. Ngay cả những cư dân tại những đặc khu trong suốt 10 năm qua, chẳng có ai lên tiếng vì bị chiếm đất!
Trong khi đó, công tác xây dựng hạ tầng cơ sở, đặt nền móng cho các công trình xây dựng, ngay cả việc đắp đất lấn biển đã được tiến hành từ nhiều năm qua (như ở Phú Quốc) và vẫn tiến hành với một tốc độ chóng mặt (như công trình làm đường cao tốc nối liền với đất liền, làm sân bay mới tại Vân Đồn)…
Hai điểm nổi bật được những người biểu tình nêu ra để phản đối là: 1. thời hạn cho thuê đất là 99 năm, và 2. Trung Quốc sẽ mướn đất và lập ra những khu vực sinh hoạt riêng cho dân của họ đến sinh sống. Bộ luật này cũng ấn định là chính quyền Việt Nam không có quyền can thiệp vào những sinh hoạt của các cơ sở trong đặc khu. Như thế mặc nhiên Việt Nam cho Trung Quốc sử dụng vùng đất vùng biển của mình để họ khống chế Biển Đông, theo kế hoạch “một vành đai, một con đường” mà Tập Cận Bình đề ra với mục đích đưa Trung Quốc thành cường quốc số 1 về kinh tế. Thí dụ cụ thể là vị trí chiến lược hiểm yếu Vân Đồn, nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên đã bị Trần Khánh Dư đánh tan vào cuối thế kỷ 13.
Những điểm khác là:
Nếu ta biết rằng theo luật hiện hành, cơ sở ngoại quốc khi đầu tư tại Việt Nam có thể thuê đất tới 70 năm, nếu ta biết rằng những khu vực mới phát triển khó thoát khỏi nạn bội chi, nếu ta biết rằng hai đặc khu Phú Quốc và Bắc Vân Phong đang có những dự án khai thác có giá trị hàng chục tỉ USD – đại đa số của những người Mỹ gốc Việt và người Việt từng làm việc tại các nước trong khối CS, nếu ta biết rằng những tranh chấp về kinh doanh liên quốc gia có thể được xử tại một tòa quốc tế (như vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam tại tòa Stockholm Thụy Điển và tòa Paris)…, và nếu ta còn nhớ rằng năm 1975 nhiều người đã nuôi hy vọng Saigon sẽ được hưởng một quy chế đặc khu tự trị (một hy vọng hão huyền như kẻ đang bị bọn cướp dữ xông vào nhà mà còn nuôi hy vọng chúng không cướp sạch tài sản), thì chuyện làm ra một bộ luật cho những đặc khu này để cho các bên được rõ ràng trước khi bước vào sân chơi là một điều không có gì gọi là bất hợp lý. Như thế, những uất ức của người dân đưa tới những cuộc biểu tình chống Luật Đặc Khu phải mọc rễ từ chỗ khác.
Chỗ đó là dân hoàn toàn mất tin tưởng nơi chính quyền.
Kể từ năm 1979, khi Trung Quốc muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” và rồi họ rút quân về sau một cuộc chiến ngắn ngày (miễn bàn về nguyên nhân rút quân), chính phủ Việt Nam ngày càng tỏ ra quỵ lụy Trung Quốc. Có thể dễ dàng nêu ra một chuỗi những bằng chứng cụ thể:
Với một dọc những bằng chứng hiển nhiên như trên, sự nghi ngờ của người dân về những ẩn dấu đằng sau Luật Đặc Khu (và cùng lúc là Luật An Ninh Mạng là lưỡi dao chặn họng người dân) không phải là không có căn cứ. Chẳng lẽ bị Trung Quốc chơi ép mãi mà mình cứ im thin thít? Không ai có thể đưa ra một bằng chứng về những mối lợi tương đương mà Việt Nam đã thu được từ Trung Quốc. Chỉ thấy dân ta thán vì Việt Nam dần dần biến thành một nơi cho người Tàu tung hoành, những kế hoạch dụ dỗ dân bán sản phẩm rồi bỏ đi mất. Chưa kể hai hiện tượng đã trở thành chuyện đương nhiên, đó là thông đồng rút ruột công trình, và nạn tham nhũng bất trị. Những công trình xây dựng vĩ đại và những đặc quyền dành cho các công ty khai thác chắc chắn sẽ mang tới nhiều món quà không nhỏ cho các vị lãnh đạo nhà nước.
Chính sự mập mờ và những trò gian lận của CSVN từ khi thành lập (nói như “Vẹm” là một thành ngữ phổ thông trong thập niên ‘40 - ‘50) cho tới nay (lệnh tập trung cải tạo sĩ quan QL/VNCH, cướp trắng tài sản qua những vụ đổi tiền, trục xuất người Hoa qua hình thức vượt biên bán chính thức, đền bù bất công cho người dân trong những dự án chỉnh trang thành phố) chứng tỏ sự dối trá của chính phủ, coi dân chúng như thú vật.
Chính phủ vì thế cũng chẳng cần biết, chẳng đếm xỉa gì đến lòng dân. Để chạy chối trong vụ dự luật Đặc Khu, bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trơ tráo tuyên bố: “Bộ Chính trị quyết rồi, bàn để ra luật chứ không thể không ra luật”.
Ơ hay! Bộ Chính trị gồm các Ủy viên cao cấp trong ĐCSVN. Đảng CSVN về danh nghĩa cũng như về thực chất không phải là đại diện của toàn dân Việt Nam, mà chỉ là những bậc công thần được các đảng viên khác cất nhắc lên. Quốc hội, trên danh nghĩa là do toàn dân bầu lên. Như thế hóa ra một nhóm người của một đảng lại tự cho mình có quyền ngồi xổm lên trên cả những đại diện dân hay sao?
Bàn tới bàn lui, chỉ rút ra vài điều: những đặc khu đã thành hình từ lâu rồi. Các nhà tranh đấu thiếu cảnh giác và thiếu theo dõi diễn tiến biểu quyết dự luật. Quốc hội đã ra quyết định dời ngày biểu quyết dự luật đến kỳ họp quốc hội lần sau (tháng 10/2018), nhưng đó chỉ là một kế hoãn binh. Đòi bỏ các đặc khu là chuyện không tưởng.
Người dân có lẽ cũng biết vậy, cho nên kỳ tổng biểu tình lần thứ nhì, một tuần sau đó, họ đã đổi yêu sách là: nhà nước cho ai vào đầu tư trong các đặc khu cũng được, miễn là không phải các công ty Trung Quốc, người láng giềng không tốt bụng. Chuyện này, theo luật quốc tế, là vô khả thi (không được phép đối xử phân biệt đối với một quốc gia nào), nhưng rõ ràng đó là lòng dân muốn.
Riêng tôi, ngồi gõ bàn phím lóc cóc cũng không thay đổi được những chuyện đã sắp xếp. Chỉ muốn nêu ra một triết lý: chỉ có lòng tin của dân vào chính phủ cộng với sự hiểu lòng dân của nhà cầm quyền thì mới làm nên chuyện. Và buồn khi biết rằng một khi Luật Đặc Khu thành hình, cho dù chính phủ có thay đổi, thì nó vẫn còn đó, không xóa được. Ai cũng biết rằng không thể cấm các nhà đầu tư sang tay cơ sở của mình, thì Trung Quốc là một hiểm họa hàng đầu. Ai cấm các hãng xưởng Trung Quốc thuê đất 99 năm, đến năm thứ 98 họ trả lại và tráo bằng một tên công ty mới, lại ký giao kèo thuê 99 năm nữa? Chiêu trò này rất phổ thông tại Ấn Độ.
Chỉ có một cuộc cách mạng toàn diện mới mong xóa được cái họa này.
.
Hoàng Giang
(06/2018)
________
Chú thích:
(1) Tại đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển các ngành, nghề: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch và công nghiệp văn hóa; cảng hàng không, cảng biển, thương mại.
Tại đặc khu Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển các ngành, nghề: công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển; du lịch, khách sạn; trung tâm thương mại - tài chính.
Tại đặc khu Phú Quốc ưu tiên phát triển các ngành, nghề: du lịch, khách sạn; thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản; y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển.