Hoàng Giang


Kỳ thị trong dịch thuật

.

Từ trái: Victor Obiols, Amanda Gorman và Marieke Lucas Rijneveld

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (tháng 3/2021) đã có 2 sự kiện đáng chú ý xảy ra trong làng dịch thuật. Hai dịch giả bị phản đối dựa trên căn bản chủng tộc.

Mọi sự bắt nguồn từ bài thơ “The Hill We Climb” do nhà thơ nữ 23 tuổi người Mỹ gốc Phi châu, cô Amanda Gorman, đọc trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden ngày 20.01.2021.

Danh tiếng Amanda Gorman lập tức nổi như cồn, qua bài thơ với cách dùng từ bóng bẩy, mang nhiều ngụ ý, cùng cách cô diễn đạt bài thơ qua nét mặt, qua giọng đọc và nhất là qua đôi tay. Và với lời khẳng định “nền dân chủ không bao giờ thất bại vĩnh viễn”. Đó là niềm cảm hứng dâng lên trong cô, qua sự kiện một nhóm người trong cơn khích động đã đột nhập vào điện Capitol và làm náo loạn cuộc kiểm phiếu bầu chung kết ngày 06.12.2020. Cũng phải nói thêm, cô là nhà thơ trẻ nhất từ trước tới nay được chọn để đọc cảm tác trong ngày lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống, theo như truyền thống Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên một bài thơ hoặc bài văn vang danh toàn thế giới thì có cả trăm ứng viên hy vọng được chọn làm dịch giả chính thức.

Ngoài ra, chắc có cả vài trăm, không chừng cả ngàn người, vì lý do này hay lý do khác, tự dịch mà không trả tác quyền. Điểm qua các trang mạng, bạn có thể thấy bài thơ đã được nhiều người dịch ra tiếng Việt với nhiều tựa khác nhau. Như “Ngọn Đồi (Chúng) Ta Leo/Trèo (Lên)” (Trần Mộng Tú, Trần Quốc Việt, Ian Bùi, Trần Ngọc Cư, Lưu Diệu Văn, Thụy Mân,  Lê Vĩnh Tài, Bắc Phong, Trần Thị Nguyệt Mai, ĐQD, Nguyễn Văn Thái), “Ngọn Đồi (Chúng) Ta Bước/Đi Lên” (Nguyễn Hoàng, Hàn Thủy), “Ngọn Đồi Chúng Ta Chinh Phục” (Nguyễn Chí Long), “Ngọn Đồi Cần Vượt” (Vũ Hoàng Thư), “Ngọn Đồi Chúng Ta (Cũng) Vượt Qua” (Minh Phượng, Ngọc Ánh), “Trèo Lên Đồi Cao” (Hương Nam), “Chúng Ta Lên Đồi” (Minh Sơn Lê), “Vượt Đồi” (Uyên Phương), “Leo Đồi Thế Kỷ” (Pháp Hoan Mai Công Lập)… Hơn 20 bản dịch khác nhau, đó là chưa kể tới những dịch giả “ẩu tả” Google Translate, Lyrics Translate v.v., tự cho mình thông thạo cả trăm ngoại ngữ!

Nhưng ta hãy bỏ qua tổng kết để quay về vấn đề chính, là sự phân biệt chủng tộc trong tiến trình chọn dịch giả.

Ngày 10/03/21, nhà thơ Victor Obiols nhận được thông báo của nhà xuất bản Univers cho biết là nhà xuất bản gốc ở Hoa Kỳ – Viking Books – thấy ông ‘không phải là người đúng’ (not the right person) để có thể được chọn làm dịch giả bài thơ “The Hill We Climb” ra phương ngữ Catalan (vùng phía đông nam Tây Ban Nha). Lý do được nêu ra là vì ông là ‘mẫu người sai lầm’ (wrong profile). Nhà xuất bản muốn bài thơ trên được dịch bởi ‘một cô còn trẻ, năng động và tốt hơn nữa là da đen’. Đúng ra, đây có thể xem như một lời tạ lỗi, vì Victor Obiols đã coi như chính thức được Univers chọn là dịch giả, và ông đã hoàn thành bản dịch trước khi nhận được thông báo này.

Hai tuần trước đó, Marieke Lucas Rijneveld đã rút lại lời nhận dịch bài thơ, chỉ vì những áp lực từ những nhóm tranh đấu người da đen với lý do: nhà thơ Hà Lan này không phải người da đen!

Victor Obiols sinh năm 1960, là nhà thơ và nhà nghiên cứu âm nhạc, đã có gần chục tập thơ được xuất bản. Ông đã dịch những tác phẩm văn học nổi tiếng ra phương ngữ vùng Catalan, như The Canteville Ghost của Oscar Wilde, vở hài kịch The Taming of the Shrew của William Shakespeare v.v.. Ông đã phẫn nộ khi được lời từ chối (mặc dù ông đã được Univers trả tiền công dịch – tuy nhiên danh tiếng là chuyện khác). Ông tuyên bố với hãng thông tấn AFP: “Họ không đặt nghi ngờ về khả năng của tôi. Nếu tôi không thể dịch được bài thơ của một thiếu nữ trẻ, da đen, là dân Mỹ của thế kỷ 21 thì tôi cũng không thể dịch Shakespeare được, vì tôi không phải là người Anh vào thế kỷ 16.” Chỉ vì ông không đen, và đáng tuổi cha cô Amanda, cho nên không cảm nổi tâm tư của cô gái trẻ người Mỹ gốc Phi.

Marieke Lucas Rijneveld sinh năm 1991, là một tài năng đang lên trong làng thơ Hà Lan. Năm 2020 bạn Marieke Lucas (Marieke Lucas không thích người ta dùng từ ‘cô’ hoặc ‘chị’ để gọi mà chọn từ ‘mình’ hay ‘bạn’ để ám chỉ bản tính nửa trai nửa gái của mình) là người Hà Lan đầu tiên nhận giải International Booker Prize (giải trao cho các dịch phẩm Anh ngữ của các tác phẩm viết bằng ngôn ngữ khác), và cũng là nhà văn trẻ nhất nhận giải này. Nhà xuất bản Meulenhoff đã nhắm Marieke Lucas là dịch giả. Tuy nhiên khi lời mời được Marieke Lucas chia sẻ trên Twitter thì đã làm dậy lên làn sóng chống đối. Ngoài những viện dẫn ‘không có đủ kinh nghiệm dịch thuật’, ‘không nắm vững Anh ngữ’…, còn có những lời khác như ‘không cùng màu da’, ‘không có cùng nền tảng văn hóa xã hội’… Một ngày sau đó, Marieke Lucas đã quyết định không dịch bài thơ nữa. Và bạn này sau đó phản ứng lại bằng một bài thơ châm biếm.

Tóm lại, ý muốn của (một nhóm) công chúng – và lần này các nhà xuất bản cũng phải chiều theo – là dịch giả xứng đáng thì phải là ‘người nữ, trẻ, và không thể chối cãi là người da đen’.

Không thể phủ nhận một số biến động thời sự đã ảnh hưởng lên sự lựa chọn này. Phong trào “Black Lives Matter” với những cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ và nhiều nước Âu châu trong năm 2020, những cuộc hành hung người gốc Á do giận lây từ định kiến được cấy vào đầu là Covid-19 do Trung Quốc gây ra, một số cuộc bạo loạn nhắm vào người da màu ở Hoa Kỳ và Âu châu v.v. Người ta trở nên nhạy cảm với những vấn đề có liên quan đến màu da.

Với đại đa số tác giả, có lẽ sự quan trọng đối với họ là tác phẩm được quảng bá rộng rãi, được dịch ra nhiều ngôn ngữ bởi những dịch giả được chọn lọc và có tiếng tăm. Tác giả không thể nào đọc hết các bản dịch, và hơn nữa, không thể nào cảm nhận được hết những nét tinh tế đặc thù trong từng ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình.

Nhưng đòi hỏi phải có một nhà văn nữ trẻ, năng động, da đen và có kinh nghiệm để có thể dịch một bài thơ, có phải là đòi hỏi quá đáng không? Cô Amanda Gorman sinh ra ở Hoa Kỳ, cái gốc Phi châu của cô còn được bao nhiêu? Giả sử có một nữ dịch giả trẻ tuổi nào đó thông thạo tiếng Anh, ở Phi châu nhận (hoặc được tuyển chọn để) dịch bài thơ The Hill We Climb, lấy gì để bảo đảm cô dịch giả đó chuyển tải đúng được cảm xúc và ý tưởng Amanda Gorman đã gửi gấm vào bài thơ. Đặt ngoại hình, nguồn gốc… lên trên nội dung của dịch phẩm, phải chăng văn chương đã bị điều kiện hóa, hoặc chính trị hóa? Để có được một lời giới thiệu dịch giả chói lọi hào quang?

Tác giả của mấy chục bản dịch Việt ngữ của bài thơ, như liệt kê trên đây, chẳng có ai ‘đen’ và chỉ có vài người trong số đó là người ‘trẻ’ (tuổi). Tôi không nghĩ là nếu có ai ‘đen da’, là nữ và là di dân thì sẽ dịch bài thơ hay hơn.

Chỉ có điều lạ: Nhiều người Việt hải ngoại đã tạo được một số thành quả trên thế giới qua những tác phẩm của họ viết bằng ngôn ngữ bản xứ, nhiều người đã được giải văn học. Tại Hoa Kỳ, có Andrew Lam, Ocean Vuong, Viet Thanh Nguyen, Angie Chau, Yung Krall, Le Ly Hayslip… Úc có Nam Le. Canada có Kim Thúy. Ngay cả một nước rất nhỏ như Hà Lan cũng có Nhung Dam v.v.. Nhưng hỏi có mấy người Việt chịu bỏ công dịch hay phổ biến những tác phẩm của họ.

Chẳng lẽ những người Việt trong giới sáng tác thích đọc văn thơ của một cây bút không phải là người Việt? Hoặc giả người ta sợ bản dịch những sáng tác của các cây bút Việt viết ngoại văn sẽ bị chỉ trích là ‘dùng từ Việt Cộng’, ‘không phản ánh đúng tâm tư người tị nạn’…?

.

Hoàng Giang
(03.2021)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/diendan/kythitrongdichthuat.htm


Cái Đình - 2021