Tiếc Thương


Cờ vàng hay cờ đỏ

Từ lâu đề tài “cờ vàng hay cờ đỏ” luôn được tranh luận một cách gay gắt ngay trong vòng giữa tất cả các anh em đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam của chúng ta. Tôi luôn đứng ngoài cả hai ý kiến, vì từ lâu, tôi không có ý tôn sùng một lá cờ nào trong tâm trí mình, vì với tôi điều đó mơ hồ khó định hướng, và không đượm nhiều cảm xúc... Nhưng rồi, hôm nay, khi viết ra những dòng này, là khi trong tâm tưởng của tôi đã có điều gì đó rất đặc biệt...

Tôi lớn lên trong chế độ cộng sản, khi mà miền Nam thân yêu của bố mẹ tôi bị quân miền Bắc cưỡng chiếm thì tôi chỉ mới lên ba, không biết gì về thời thế đã thay đổi kinh khủng, mà tôi hằng nghe mẹ tôi kể lại rằng, nhà tôi lúc đó mới xây trong khu cạnh cầu Bình Triệu, kế bến xe miền đông bây giờ. Vì hồi đó còn trống trải chưa có nhiều nhà mọc lên san sát, khu bến xe ngày xưa là đất của ông chủ điền Lâm văn Đô, và hình như là dự án khu đó của chính phủ miền Nam sau này sẽ thành lập khu của phủ tổng thống gì đó. Năm 75 nhà tôi và nhà ông chuẩn tướng Lê văn Tư vừa cất xong, nhà ông Tư hoành tráng lắm, năm tầng lầu, đã bị bọn cộng sản vào chiếm làm đồn công an phường, và ngôi nhà này sau đó mẹ tôi thường có “hân hạnh” được vào ra như đi chợ bởi những lần bị bắt lên công an vì mang tội buôn gánh bán bưng đầu đường xó chợ..., tôi thường nghe mẹ kể với mọi người rằng, buổi trưa ngày 30/4, bố và mẹ đứng trên sân thượng nhà nhìn xuyên qua cầu Bình Triệu, xe tăng của giặc miền bắc tràn vào cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn với lá cờ đỏ sao vàng phần phật mà lòng mẹ chỉ muốn nhảy xuống lầu tự vẫn. Nhưng nhìn lại 3 chị em tôi nheo nhóc nên thôi ráng sống... để rồi chịu đựng những tháng ngày tăm tối của cuộc đời nuôi chúng tôi lớn khôn.

Và rồi, bố tôi đi tù cộng sản, và mẹ tôi ở nhà “một nách con thơ” như bà vẫn thường nói. Ngôi nhà rộng lớn không dưới trăm lần bọn cán bộ vào hâm dọa lẫn dụ dỗ đủ điều để mẹ tôi đi vùng kinh tế mới nhằm tước đoạt tài sản cuối cùng trong tay mẹ, nhưng mẹ đã quyết là chết trong căn nhà chứ không đi đâu cả. Rồi năm qua tháng lại bọn chúng nản lòng phải thua chí kiên cường của người đàn bà ba con, thôi không quấy nhiễu nữa....

Chúng tôi lớn lên đi học, chào cờ đỏ. Chào cờ đỏ và mang khăn quàng đỏ, và học những điều chống lại cha mẹ mình. Hằng ngày ra rả những lý thuyết muôn nẻo rằng chế độ miền Nam là một chế độ bán nước, phi lý và “ăn thịt người”. Cha chúng tôi là ngụy, là tay sai... Mẹ vì cơm áo cũng chẳng thể cứ réo rắt bên tai con mà giải thích hay thanh minh, cha thì đi tù. Ngày cha về tôi được 11 tuổi, mang huy hiệu Đội, rồi 2 năm sau lên Đoàn viên, còn tự hào là một đoàn viên trẻ nhất trường, hãnh diện lắm, đâu biết rằng lòng cha tôi buồn và bất lực. Lá cờ đỏ là hiện thân cho nỗi đau của lòng cha mẹ, là những kẻ bại trận không còn sức lực giữ nổi lý tưởng, niềm tin cũng như hi vọng của cả một thế hệ miền Nam, đã bị ngay cả chính con cái mình quay ngược lại và chế giễu. Cờ vàng ba sọc là gì? Trong đầu tôi suốt hơn 40 năm không một mảy may suy nghĩ về nó, nếu có chỉ là thoáng qua, và luôn với ý nghĩ, lá cờ của những kẻ bại trận, không đáng để nhắc nhở, và có khi còn cho rằng thực là mất thời gian khi mà cứ nhắc về một quá khứ không mấy sáng sủa và nhất là chính bản thân không từng trải.

...và rồi cuộc đời với bao đổi thay, tôi không phải là người cộng sản thực thụ vì tôi đã hiểu được thế nào là dối trá, nhưng tôi đã là một con chiên của Chúa, nên đối với tôi lá cờ nào cũng không còn quan trọng nữa.

Chúng ta thường cho rằng sự lãng quên một quá khứ đau thương là một điều cần thiết cho sự hòa nhập và hàn gắn. Vì thế, không ít con em miền Nam chúng ta hầu hết trong tâm trí không còn hình ảnh của lá cờ vàng nữa, mà thay vào đó hiển nhiên là một màu đỏ, và cho rằng đó mới là lá cờ của VN. Nhưng hãy nhìn nước Đức, trong quá khứ họ đã bị chế độ độc tài Hit-le thao túng và gây ra bao tội ác tày trời với dân Do Thái, và cho đến bây giờ, mọi nỗ lực của họ trên chính trường thế giới và xây dựng một xã hội dân chủ thành công vượt bậc, có người đã nói với tôi rằng: vì họ đã có lỗi, và họ phải phấn đấu để chuộc lại lỗi lầm. Họ luôn phải bị nhắc nhở lại một quá khứ tối tăm, Holocaust hiện diện tại Berlin đã 50 năm qua, và còn mãi kéo dài, người Đức thế hệ sau này có người cũng cảm thấy khó chịu, nhưng là điều họ cần phải ghi nhớ và cúi đầu nhìn nhận những sai trái của một thế hệ đã đi qua....


Tiến sĩ Uwe Siemon-Netto trong ngày ra mắt tác phẩm "Duc, Der Deutsche. Mein Vietnam..." tại Witten (Đức)

...ngày 22-03-2014, đúng vào ngày sinh nhật tôi và cũng là ngày tôi được tham dự buổi ra mắt cuốn sách của một người phóng viên Đức quả cảm đã dành một món quà rất quí cho những người con Miền Nam một cuốn sách: Vinh Quang của sự Phi Lý... và lần đầu tiên, tôi được dự nghi lễ chào cờ với lá cờ vàng. Trong giây phút đó, tôi chợt nhận ra rằng, tôi thật là vô tình đối với cha mẹ tôi. Lần đầu tiên tôi chào lá cờ mà cha mẹ tôi đã từng sống và tranh đấu suốt khoảng thời tuổi trẻ của họ, và suốt khoảng thời gian tiếp sau đó khi họ đã hoàn toàn thất bại, họ âm thầm suốt bao nhiêu năm tháng với nỗi đau mà chính con cái họ không thể chia sẻ hay nói đúng hơn là không muốn chia sẻ... tôi hiểu nỗi đau này là rất lớn, vì tôi đã từng đau những nỗi đau mà chỉ có ta với ta và Thượng đế biết, xung quanh chẳng có ai cùng chia sẻ...

Tôi chợt nghĩ ra rằng, đối với tôi, kể từ nay, cũng vẫn là cờ vàng hay cờ đỏ đều thật không quan trọng. Nhưng trên bước đường còn lại của cuộc đời, sẽ không còn dù chỉ 1 lần nào nữa tôi đứng chào lá cờ đỏ và nghĩ rằng nó là lá cờ của quê hương tôi. Cờ vàng đối với tôi gần như vô nghĩa, vì tôi không phải là kẻ theo đuổi chính trị, và càng không có được động cơ thúc đẩy để bảo vệ lá cờ vàng và tôn sùng. Nhưng lá cờ đỏ đối với tôi là một sự sỉ nhục ghê gớm nếu như tôi phải đứng trước nó một lần nữa. Tôi sẽ sỉ nhục cha mẹ tôi thêm lần nữa, và công nhận mọi điều dối trá mà bấy lâu tôi đã biết... Tôi khai tử lá cờ đỏ trong tôi, mặc dù nó vẫn hiện diện khắp năm châu cùng sự giả dối đáng khinh bỉ kia.

...và một điều nữa tôi muốn chia sẻ: rằng chúng ta, những người con của miền Nam thế hệ sau, có thể chúng ta không muốn biết, không muốn nghe, và ngay cả không muốn tin những gì cha mẹ ta đã trải qua... rằng chế độ VNCH có tốt đẹp hay không, có đáng để chúng ta nói đến và tranh đấu hay không, hay ngay cả có đáng để chúng ta bỏ chút thời gian mà nhắc đến hay không... nhưng hãy nghĩ lại và chỉ bỏ 1 phút thôi để nhắc lòng mình: đừng làm đau thêm nỗi đau của cha mẹ mình là những kẻ bại trận, đừng nên công nhận lá cờ của sự giả dối trắng trợn kia mặc cho nó có là “hợp pháp” đến đâu đi nữa... chúng ta sẽ tìm ra đâu là lá cờ cho tương lai của VN ta, cũng có thể là lá cờ vàng ba sọc đỏ trở lại, nhưng chắc chắn không phải là lá cờ đỏ sao vàng với câu ca đầy bạo lực đường vinh quang xây xác quân thù kia....

Thắng hay thua chưa phải là kết thúc, hãy nhìn người phóng viên Đức quả cảm kia, ông đã mạnh dạn nói rằng: bên sai trái đã thắng cuộc, và ông vẫn nghiêng mình kính cẩn dưới lá cờ vàng của miền Nam chúng ta, bất kể thế giới có công nhận hay không, và trò chuyện với chúng ta, những người lưu vong mất nước. Tình yêu đó của ông đã đánh thức trái tim tôi, và cho tôi biết một sự thật rằng, tôi cần khai tử lá cờ đỏ....

...Có một nỗi buồn nhẹ tôi dành cho những con người miền Nam VN đã ra nước ngoài, nhưng đã nhân danh một lý do gì đó để trực tiếp hay gián tiếp công nhận lá cờ đỏ, trong đó có chính tôi của quá khứ....

Lời sau cùng tôi xin dành cho hai điều: thứ nhất, tạ lỗi với vong linh cha tôi. Tôi biết giờ này ông đã ở trên thiên đàng vinh hiển với Chúa, nhưng tôi cũng muốn ông mỉm cười vì đứa con gái ông cưng nhất muốn nói lời tạ tội muộn màng cùng ông. Và một người nữa, tôi muốn nói lời xin lỗi ông, vì trong quá khứ, tôi đã phỉ báng chính ý kiến của ông rằng ông không công nhận và không muốn con cái ông chào lá cờ đỏ cùng bài hát quốc ca đầy bạo lực kia, là mục sư Nguyễn Hồng Quang. Tôi biết ông lúc trước rất nhiều lần bị tù tội ở VN, lâu rồi không có tin tức, tôi không biết lúc này ông thế nào. Nhưng dù sao, tôi cầu xin Chúa luôn giữ gìn ông và ban phước trên những việc ông làm.

Lübeck ngày 23-03-2014
Tiếc Thương

 


Cái Đình - 2014