Nguyễn Lân Thắng
Chuyện một con ốc
Mấy hôm nay mình đang sửa nhà cửa. Lâu rồi không động chân tay đến mấy việc lặt vặt sửa chữa nên khá là bận rộn. Một ngày chỉ quáng quàng vào facebook độ nửa tiếng cho đỡ lạc hậu thông tin rồi lại cắm mặt vào đống dây điện, ống nước, gạch lát. Có vài chi tiết mình phải dùng mấy con bu lông inox nên bắt đầu lọ mọ lên internet đi tìm hiểu về nó. Phải nói rằng là thị trường vật liệu xây dựng và kim khí bây giờ rất phát triển nên cái gì cũng có. Tuy nhiên nếu tìm hiểu sâu về bu lông ốc vít mới thấy đúng là đồ sản xuất ở Việt Nam so với nước ngoài khác nhau một trời một vực.
Đây là mấy con bu lông M5 đầu bịt tròn, inox 304, mình đi lùng mua ở mấy hàng đầu phố Thuốc Bắc. Nhìn thoáng qua thì khá là đẹp, nhưng đến khi mua về mình mới thấy nó có vấn đề. Một sản phẩm kim khí đơn giản, thế giới đã làm ra cả trăm năm trước, vậy mà đến khi siết vào mình mới thấy nó rất tệ. Vặn hết cả mấy vòng ren vào độ rơ của nó rất lớn, cái cao cái thấp. Lâu nay mình vẫn nghe người ta nói Việt Nam còn chưa sản xuất nổi con ốc vít cho tử tế mà cứ đòi hội nhập quốc tế, đúng là sờ vào mới biết, nói không sai một ly nào.
Tại sao người Việt Nam nổi tiếng thông minh, cần cù, vậy mà không thể sản xuất ra một con ốc cho tử tế? Cũng chừng đó nguyên vật liệu, cũng một máy móc công nghệ như nhau, cũng mất công mất sức làm việc, tại sao nước ngoài họ làm ra cái gì là chuẩn cái đó?
Tại sao người Việt Nam nổi tiếng thông minh, cần cù, vậy mà không thể sản xuất ra một con ốc cho tử tế? Cũng chừng đó nguyên vật liệu, cũng một máy móc công nghệ như nhau, cũng mất công mất sức làm việc, tại sao nước ngoài họ làm ra cái gì là chuẩn cái đó? Nếu chỉ xét theo thuần tuý về mặt kỹ thuật thì không thể lý giải được. Rõ ràng ở đây chỉ còn có một vấn đề, đó là do yếu tố con người. Trong một bài giảng của tiến sỹ Lê Thẩm Dương, ông đã đúc kết đặc điểm lao động Việt Nam như thế này:
Rất cần cù, nhưng lại dễ thoả mãn.
Rất thông minh, nhưng lại dùng thông minh để đối phó.
Rất khéo léo, nhưng lại chỉ nửa vời, đại khái.
Rất thích tụ tập mà không liên kết.
Rất xởi lởi, nhưng lại hời hợt.
Rất đoàn kết, nhưng lại chỉ đoàn kết trong khó khăn. Lúc thuận lợi là thay sự đoàn kết bằng đố kị. Người ta nói rằng một thằng Việt Nam thì hơn hẳn một thằng Tây. Nhưng ba thằng Việt Nam chập vào là hỏng chuyện.
Tất cả những đặc điểm đó không dưng mà có. Nếu một người Việt Nam đi ra nước ngoài sống, anh ta dễ dàng loại bỏ những thứ xấu kể trên và phát huy rất tốt các mặt tích cực của mình. Nhưng một thằng Tây đến Việt Nam làm việc một thời gian, lâu dần rồi nó cũng mất đi tính chỉn chu kỷ luật của phương Tây, và rồi nó sẽ tệ không khác gì thằng Việt Nam.
Từ chuyện một con đinh ốc thôi, nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng, nếu chúng ta không thay đổi điều nhỏ nhất như thế thì đừng nói đến chuyện thay đổi được thứ lớn hơn. Ai cũng mong muốn Việt Nam rồi sẽ có tự do dân chủ, có thịnh vượng. Nhưng đó chỉ là mơ ước. Muốn mơ ước trở thành hiện thực thì chúng ta phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Giữ chữ tín. Làm việc của mình một cách chỉn chu. Biết tiết chế bản thân để làm việc theo nhóm. Từng ngày một chúng ta sẽ thay đổi tất cả để vươn tới một tương lai tươi sáng, nơi ở đó mỗi con người sẽ được sống một cuộc đời đầy sự sung túc bình an.
.
Nguyễn Lân Thắng
(Trích blog cá nhân)