Hoàng Giang
Bầu cử Tổng thống Hoa kỳ 2016 báo hiệu xu hướng mới?
Phải chăng phong trào “rút về cố thủ, bảo vệ bản sắc quốc gia” đang hình thành?
Những chuyện lạ trong kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016
Hơn 4 tháng sau khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit (23/06/2016) đưa đến kết quả trái ngược với các cuộc thăm dò dư luận những ngày trước đó, ngày 08/11 toàn thế giới lại chấn động khi ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ngược lại lời tiên đoán của đại đa số các cơ quan thăm dò ý kiến đưa ra vài ngày trước đó. Ba trang web cá cược nổi tiếng: Next President, Paddy Power và ngay cả Lad Brookes – công ty đánh bạc & cá cược nổi tiếng thế giới, cũng đã tiên đoán trật lất là bà Hillary có cơ may thắng cử với xác suất 83% vào giờ chót. Sai lầm lớn tới mức chỉ trong vòng nửa ngày, mọi hy vọng đảng Dân Chủ thắng cử đã nguội lạnh và sau khi Florida tuyên bố kết quả “ngựa về ngược” của tiểu bang thì nó xẹp như bóng xì hơi.
Ngay cả tạp chí danh tiếng Newsweek cũng quá lạc quan, 125.000 số báo đặc biệt với chân dung Hillary Clinton cùng cái tựa “Madam President” vừa phát hành trong những giờ đầu của cuộc đầu phiếu mong chạy trước các đối thủ, đã lập tức bị thâu hồi, chỉ sót 7 số, chúng sẽ trở thành bảo vật cho giới sưu tầm! Rick Nieman, phóng viên kiêm nhà văn kiêm người đọc tin và dẫn chương trình truyền hình RLT Nieuws của Hà Lan, tự nhận là người thấu hiểu xã hội Mỹ, với tác phẩm “Wat Wij van Amerika Kunnen Leren” (Những Gì Chúng Ta Có Thể Học Hỏi Từ Mỹ), tháng 9 còn tuyên bố: “Nếu Trump thắng, tôi sẽ nuốt gọn tác phẩm của tôi”, thế mà sau ngày 08/11 ông đã chẳng dám ra một tuyên bố nào về chuyện “ngựa về ngược” này.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa lần nào xẩy ra biểu tình rầm rộ phản đối vị tổng thống trong tương lai mặc dù chỉ mới có kết quả sơ khởi. Chưa lần nào, cho dù kết quả đếm phiếu sơ bộ đã rõ ràng và bà Hillary đã gọi điện chúc mừng đối thủ, mà nhiều người còn vớt vát cho một hy vọng sát con số zero là cuộc bầu chính thức của các đại cử tri đoàn vào tháng 12 sẽ đảo ngược kết quả.
Trong lịch sử bầu cử Hoa Kỳ, chưa lần nào suốt 1 tháng trường sau ngày bỏ phiếu, tên Donald Trump với những chuyện lăng nhăng hậu bầu cử vẫn còn xuất hiện liên tục trên trang nhất các nhật báo, không những ở Mỹ, mà còn ở Âu châu.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa có cuộc vận động bầu cử nào có tác động sâu rộng đến xã hội Việt Nam, phần lớn vì nó sẽ quyết định chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và vùng biển đông, cũng như vấn đề hiệp định mậu dịch xuyên Thái Bình Dương còn bỏ ngỏ, đang chờ sự phê chuẩn của lưỡng viện Hoa Kỳ. Qua lời tuyên bố của Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử, viễn tượng TPP có nguy cơ tan thành mây khói.
Và trong lịch sử bầu cử Hoa Kỳ, chưa có lần nào người dân nhiều nước Âu Á ngán ngẩm khi thấy trước là vị nguyên thủ tương lai của Hoa Kỳ, cường quốc số 1 trên thế giới, lại là: hoặc một ông “vô tư cách” ăn nói hồ đồ, tuyên bố vung vít; hoặc một bà hám danh tráo trở hay bươi móc đời tư người khác. Chịu để một tay như thế này ra giọng đàn anh đàn chị với mình sao?!
Số báo Newsweek bị thâu hồi (trái) và cuộc biểu tình trước Trump Tower ở New York ngay sau khi công bố kết quả đếm phiếu sơ bộ (phải)
Donald Trump: Phải chăng lãnh đạo một quốc gia cũng giống như cai quản một cơ sở làm ăn, chỉ khác ở tầm vóc?
Cuộc vận động tranh cử lần này diễn ra rất khác. Donald Trump xuất thân là một doanh nhân thành đạt trong ngành địa ốc, sòng bạc và giải trí trên truyền hình, gần như chẳng có một kinh nghiệm chính trường nào đã đánh bại Hillary Clinton nhiều năm lăn lóc trong giới chính trị qua những chức vụ cao cấp trong chính phủ như Thượng Nghị Sĩ đại diện cho tiểu bang New York trong 8 năm và sau đó là 4 năm Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Chưa kể bà còn được hậu thuẫn của tổng thống đương nhiệm Obama.
Tiến trình vận động tranh cử cũng rất khác. Đây là một cuộc vận động tranh cử Tổng thống giả tạo nhất, thô bỉ nhất, kỳ thị chủng tộc nhất và khinh thường phụ nữ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Nó phá những quy luật “bất thành văn” của một cuộc tranh cử tổng thống theo mẫu mực nghiêm chỉnh – ít ra là tôi thiểu – mà quần chúng mong đợi được nghe một giải pháp cứu vãn tình hình nước Mỹ. Ngay cả truyền thông trong suốt kỳ vận động bầu cử này cũng không còn giữ được vai trò khách quan nữa, họ đã lèo lái cả những cuộc thăm dò. Những tháng đầu của chiến dịch vận động cử tri thì diễn ra như một trò múa rối, hay như một soap serie trong đó hai nhân vật chính dùng những thủ đoạn nói xấu, bươi móc chuyện gia đình cho bàng quan thiên hạ thấy, thay vì đưa ra một quốc sách cho một nhiệm kỳ 4 năm, phương hướng giải quyết những vấn đề nội bộ (xã hội, công ăn việc làm) và ngoại giao (bị sa lầy trên nhiều mặt trận) đang đe dọa Hoa Kỳ. Thế nhưng rõ ràng các cử tri Hoa Kỳ thích thú với trò phường chèo này.
Dường như dân Hoa Kỳ đã quen xem những soap serie? Hay là họ đã quá quen với những vị Tổng thống tiền nhiệm cứ hứa hẹn những chuyện trên trời? Chương trình bảo hiểm sức khỏe Obamacare tưởng là để bảo vệ người dân nghèo, cuối cùng đã làm giới trung lưu bực tức khi họ phải nộp thuế nhiều hơn, lý do là vì dân trí chưa được chuẩn bị để tiếp nhận ý thức này, để rồi nó trở thành nơi cho những người thất nghiệp, dân nhập cư lợi dụng những sơ hở. Đó là một trong nhiều ví dụ.
Donald Trump coi việc lãnh đạo cường quốc số 1 trên thế giới chắc hẳn cũng giống như chuyện điều hành một công ty. Trong suốt mấy thập niên làm ăn, ông đã quá quen với việc tự quảng cáo mình và dùng những thuật ngữ mập mờ để đánh vào tâm lý người dân. Ngay cả khẩu hiệu tranh cử “Make America Great Again” (hãy làm cho nước Mỹ lớn mạnh trở lại), tuy là chớp của cựu tổng thống Ronald Reagan 35 năm trước, nhưng qua phong cách tự tin, ông Trump đã làm mới lại, đã cấy vào vô thức dân Mỹ ý tưởng “như thế có nghĩa là Hoa Kỳ hiện đang có vấn đề gì đó, mà Trump sẽ giải quyết được”.
Mức độ liều lĩnh của ông Trump trong chiến dịch quảng cáo “tự đánh bóng mình” bằng cách hạ nhục các đối thủ gần như không có giới hạn. Ông phỉ báng mọi cá nhân, phỉ nhổ cả những tầng lớp xã hội (tóm gọn tất cả những người hồi giáo thành những kẻ khủng bố, coi dân nhập cư – ám chỉ người Hồi giáo và Mexico – là những tên ăn cắp, hãm hiếp phụ nữ…), miệt thị nữ giới (khoe khoang đã sàm sỡ với phụ nữ, gọi đối thủ là “Hillary lươn lẹo”..), lên án ngay cả các quốc gia đồng minh là ăn bám. Một số đảng viên Cộng Hòa trong nhóm vận động vì không thể chịu nổi sự tự bôi nhọ mặt mình của vị lãnh tụ “cà chớn”, đã rút lui với chiến lược “bỏ rơi ghế Tổng thống, cố giữ đa số trong Quốc hội”. Có những người còn đánh tiếng là sẽ bầu cho đảng Dân Chủ.
Trong khi những nhà phân tích bình luận thời cuộc nhận định có lẽ phải xếp ông Trump vào một trong hai loại: phát xít hay tâm thần, thì ông vẫn lừng lững tiến tới, đôi lúc nhường một bước nhỏ rồi tiếp tục tấn công mọi hướng bằng những ngôn từ đến cả người bình thường cũng phải đỏ mặt, như ông chế nhạo tướng mạo đối thủ, nói xấu đến cả mẹ và vợ của họ. Ngay cả Đảng Cộng Hòa mà ông đã được cử làm đại diện, ông cũng không tha, vì ông chẳng cần nhờ vả đến họ một đồng xu. Ông tự bỏ tiền ra vận động, rồi mạnh miệng nói chẳng cần lương Tổng thống nếu đắc cử.
Xem ra những lời ông tuyên bố trong suốt cuộc vận động chẳng khác nào những tên say xỉn trên bàn nhậu, làm ra vẻ anh hùng, nói năng huyên thuyên tùy hứng, chửi bới vung vít, mục hạ vô nhân. Mình đã chịu trả tiền chầu nhậu, thì mình có quyền nói, hạ hồi tính sau.
Nhưng ông là một doanh nhân thành đạt, con người đã có tài sản mà theo Forbes dự đoán vào thời điểm hiện tại là 3,7 tỉ USD – dù đã lỗ trong năm vừa qua 800 triệu USD, vẫn đứng trong nhóm 500 người giàu nhất thế giới – với một ngoại hình vững chãi, thái độ tự tin, thì ta không nên coi thường.
Theo tôi, ông đã áp dụng hai trong những nguyên tắc căn bản của sự tranh thương là: thứ nhất, hiểu tâm lý đối tượng và thứ hai, tạo hỏa mù trong khi mình vẫn tỉnh táo, để bắt các đối thủ phải chạy theo chiến lược của mình. Những doanh nhân nắm được cái nhìn bao quát tình hình thường đạt thành công, ông biết rõ điều này.
Vì thế, ông khích động những dồn nén của người dân Hoa Kỳ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu và nhất là những người đang bị thời cuộc làm cho tuột dốc trong nấc thang xã hội. Trong thâm tâm, họ đổ lỗi cho dân nhập cư chuyên lợi dụng hệ thống an sinh xã hội, người hồi giáo làm xã hội xáo trộn, sự tham lam của các đại công ty chuyển sản xuất sang các nước chậm tiến… Ông Trump không cần lấy phiếu của những người nhập cư bằng cách ve vuốt họ (vì giữa những người nhập cư lâu đời và dân ma mới cũng có nhiều bất đồng nội bộ do tâm lý sợ hãi bị vạ lây và lòng ghen tức), mà bằng cách khác…
Ông gợi cho họ sự nghi ngờ những chính khách đảng Dân Chủ là không thật lòng. Qua những phanh phui về những trò ma lanh của tổ chức Clinton Foundation, mà Hillary bị gán là một trong những kẻ chủ mưu, ông đã biến một người đàn bà có khuôn mặt trẻ thơ (theo khảo cứu của khoa tâm lý, người có khuôn mặt trẻ thơ dễ thuyết phục người khác vì người ta tin họ không dối trá – cựu Thủ tướng Balkenende của Hà Lan cũng tạo được thiện cảm qua diện mạo trẻ thơ kiểu Harry Potter) thành một mụ phù thủy khoác áo bà tiên. Ông đã khiến cho đối thủ Hillary cuối cùng điên lên, phải bỏ phong thái đứng đắn mà chạy theo cách phường chèo của ông, nhưng bà thất thế, vì phải buộc lòng dùng những lời chanh chua trái với khuôn mặt của bà. Bằng những cách nói, bằng bộ dạng toát ra vẻ tự tin, bằng minh chứng qua một gia đình khá gọi là có nề nếp, ông Trump đã gây trong dư luận ý nghĩ “nếu Đảng Dân Chủ thắng thì họ còn tồi bại tráo trở hơn hiện tại vì họ phải ráng vớt cú chót trong nhiệm kỳ thứ ba”. Trò “sàm sỡ với gái” xét ra chỉ là một tật nhỏ của nam giới nói chung, nhất là khi người đàn ông có tiền và có địa vị như ông, nó đã không làm ông mất điểm bằng cú tiết lộ vụ nhập nhằng hàng trăm ngàn email công và tư của bà Hillary trong những ngày cuối, cú dứt điểm của ông Trump. Ngay cả nữ giới, chưa chắc họ đã ủng hộ người cùng phái, khi họ nghĩ rằng để giữ vững vai trò số 1 trên thế giới, cần phải có một người “đàn ông” dám ăn nói mà không sợ ai.
Qua những lời không đẹp với ngay cả những đảng viên Cộng Hòa, ông đã gây trong cử tri Hoa Kỳ một cảm nghĩ là ông là người độc lập, bất chấp ngay cả sự lèo lái của những người chóp bu, cho dù người đó có là bạn đi nữa. Lời tuyên bố một mức giảm thuế cụ thể cho mọi giới – nhất là giới có tiền – của ông đã là một trong những động lực giúp ông có thêm phiếu. “Cứ bầu cho ông ta đi, ít nhất ông ấy còn đưa ra được những con số cụ thể.” Trong cuộc bầu cử này, cuối cùng cử tri đành phải chọn một giải pháp xem ra ít xấu hơn, và hy vọng nó sẽ phần nào vực Hoa Kỳ dậy. Theo ý nghĩ thô thiển của những người không am hiểu những ràng buộc hữu cơ của xã hội hiện đại, mô hình: rút sản xuất về lại để tạo công ăn việc làm, buộc những người thất nghiệp phải đi làm, trục xuất người ngoại quốc để bớt tệ nạn xã hội, giảm đóng góp cho quốc tế để chấn chỉnh lại hạ tầng cơ sở… là một mô hình quá đẹp, rất logic, như thể logic mà chủ nghĩa cộng sản đã đưa ra trong thế kỷ trước mà ngay cả nhiều nhà trí thức bằng cấp đầy mình cũng cả tin.
Vì thế, Trump đã đại thắng landslip tức “trời long đất lở”, Đảng Cộng Hòa đã chiếm luôn đa số ghế trong lưỡng viện Quốc hội, và lấy luôn đa số trong Tối Cao Pháp Viện, do hoàn cảnh tình cờ đưa đẩy.
Ông Trump giờ lại có thể nhìn xuống những đảng viên Cộng Hòa với ý nghĩ: “Thấy không, tôi tự xoay xở được luôn cho các bạn đó. Sau này chúng ta không cần phải lo sợ sự chống đối khi cần thông qua các sắc luật.”. Sau khi kết quả đếm phiếu được công bố, ông đã đọc lời tuyên bố với một giọng điệu trầm tĩnh lại, khá xứng đáng với một vị nguyên thủ tương lai của Hoa Kỳ biết đặt cái chung lên cái riêng. Ông cũng tuyên bố sẽ tách rời nhiệm vụ tổng thống của ông với cơ sở làm ăn của gia đình nhà Trump. Không đồng ý với lời bình luận bi quan mà truyền thông tiếp tục gieo rắc, là nếu ông Trump đắc cử thì sẽ có bất ổn lớn về chính trị và kinh tế, chỉ số chứng khoán Dow Jones tiếp tục lên, hối suất euro tiếp tục giảm, chứng tỏ giới làm ăn tin tưởng kế hoạch ông Trump vạch ra mang nhiều hứa hẹn.
Trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới đây sẽ có thay đổi trong nhiều lãnh vực, nhiều phương diện trên thế giới. Năm 2008 khi vào Nhà Trắng, Obama làm ngược lại các chính sách kế hoạch của chính phủ cũ Bush con và bây giờ Trump cũng sẽ làm y như vậy với kế hoạch của Obama. Trên thực tế, những lời hứa của ông Trump với cử tri sẽ gặp nhiều trở ngại vì các quy định sẵn có của luật pháp Hoa Kỳ. Mang sản xuất trở lại Mỹ không phải là chuyện đơn giản như nhiều người nghĩ. Do những khắt khe trong luật về bảo hiểm lao động, về môi trường đã đẩy giá thành của các sản phẩm lên quá cao, chính các công ty Hoa Kỳ đã cho dời cơ sở sản xuất sang các nước chậm tiến. Mang sản xuất trở về lại Hoa Kỳ gần như là tự gây hại cho dân Mỹ. Đó là lý do có lẽ Hoa Kỳ, như theo lời ông Trump tuyên bố khi tranh cử, lại chấp nhận thả nổi vấn đề môi trường, song song với biện pháp dùng hàng rào quan thuế ngăn chặn nhập khẩu. Chắc chắn một điều: Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump sẽ lui một bước để tự củng cố nội bộ. Nhiều người tiên đoán EU có nguy cơ sẽ bị Hoa Kỳ bỏ rơi, nhưng diễn biến có thể đi theo chiều khác. Là nhà kinh doanh, ông Trump hẳn sẽ có sự đánh giá đối tác khác hơn các chính trị gia. Với ngón nghề của nhà kinh doanh khi thương lượng hợp tác, ông sẽ bắt EU cuối cùng phải đành cầu viện Hoa Kỳ vì không đủ can đảm bắt tẩy trò tháu cáy dọa sẽ giảm tối đa sự đóng góp cho NATO. Khu vực Biển Đông có thể sẽ bị bỏ ngỏ một phần. Nhưng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng cứng rắn trả đũa một khi bị đe dọa trực tiếp. Co cụm nhưng cứng rắn. Đó sẽ là hướng mới của Hoa Kỳ trong bốn năm tới.
Nhưng không phải mô hình trên của ông Trump không có người hưởng ứng. Tại Hà Lan, chủ tịch hiệp hội lớn nhất của các chủ nhân VNO-NCW cũng như Cơ quan Hợp tác Phát triển Kinh tế (OESO) cuối tháng 11 đã đưa ra lời khuyên là quốc hội (Hà Lan) nên theo gương Donald Trump, rút sản xuất từ ngoại quốc về và đầu tư mạnh hơn về kinh tế. Theo nghiên cứu của họ, kế hoạch như ông Trump đưa ra sẽ giúp kinh tế vươn lên, không những ở Hoa Kỳ mà còn ở khắp nơi. Tóm lại, chính phủ nên thúc đẩy đầu tư để tạo thêm công ăn việc làm.
Đề xuất này thế nào cũng tạo được ít nhiều đồng thuận, và nếu mô hình này thành công, người ta sẽ nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 như thế nào.
***
Và, khi nhìn toàn bộ, người ta không thể không tự hỏi: cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016 phải chăng là một xác nhận cho một phong trào toàn cầu đang lên: những quốc gia tiên tiến phương Tây đang chọn giải pháp “lui về cố thủ nội bộ quốc gia để chặn trước hiểm họa tấn công trên hai mặt văn hóa tôn giáo (khối hồi giáo) và kinh tế (các nước đang phát triển châu Á, điển hình là Trung Quốc)”?
Brexit là tiếng chuông cảnh báo công khai đầu tiên. Nước Pháp đang lo ngại sự lớn mạnh của phong trào cực hữu với sự gia tăng ủng hộ của dân Pháp cho Mặt Trận Quốc Gia của nữ dân biểu Marine Le Pen. Tại Đức, đảng “Đường Khác cho nước Đức” (AfD – Alternative für Deutschland), với chủ trương chống di dân, đang lấy phiếu đảng CDU của bà Angela Merkel sau những đợt Đức gánh cả triệu người tị nạn đang gây nhiều xung đột trong xã hội, hiện là mối đe dọa cho đường hướng chính trị Đức trong tương lai. Tại Hà Lan, Đảng Vì Tự Do (PVV – Partij voor de Vrijheid) của ông Geert Wilders với chủ trương bài hồi giáo, chống xã hội đa văn hóa và chống thái độ thiếu cứng rắn của EU, tuy hiện nay chỉ nắm 1/10 số ghế trong quốc hội (15/150) nhưng qua những biến chuyển xã hội, đang nhận thêm hậu thuẫn của dân Hà Lan. Nhất là qua vụ kiện Wilders khích động dân chúng hô khẩu hiệu “bớt đi, bớt đi” (người Ma-rốc) đang chờ xét xử, mà oái oăm, dù thắng hay thua Wilders cũng tranh thủ được thêm hậu thuẫn của cử tri Hà Lan.
Các nền chính trị Tây phương trong thời gian tới sẽ ngả thêm về bên hữu, tốc độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự ứng xử giữa những cư dân lâu đời và những người mới nhập cư, để tạo ra một thế quân bình mới trên thế giới.
Hoàng Giang
(11/2016)