Hương Trà
30 Tháng Tư - Những hoài niệm
Tháng tư bẩy mươi lăm – Bao nhiêu bút mực đã tuôn ra để viết về ngày nầy, thế nào cho đủ? Chắc không có câu trả lời, bởi những uất ức, những đau thương, mất mát… vẫn còn đó trong ký ức! Mỗi người miền Nam ở mỗi hoàn cảnh riêng biệt đều có những trải nghiệm đau thương của mình, không ai giống ai, biết nói sao cho hết nỗi niềm. 43 năm rồi đã trôi qua, thời gian hơn nửa đời người, với những buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống, nhưng tâm tư của những người con Việt, bên nầy hay bên kia bờ đại dương, còn trăn trở với sự tồn vong của đất nước, vẫn nặng trĩu ưu tư!
Sau ngày người cộng sản miền Bắc đặt chân cưỡng chiếm phần đất nầy, hành động được gọi bằng cái cụm từ mỹ miều “giải phóng miền Nam” (một sự cưỡng bức từ ngữ thô bạo không tưởng được và đầy tính mỉa mai, khôi hài!!), nhiều văn, thi, nhạc sĩ đã mô tả về những ngày nầy, những ngày tháng kinh hoàng như cơn ác mộng, riêng tôi cũng xin chia xẻ những suy nghiệm riêng về một giai đoạn đen tối không thể nào quên của miền Nam.
Tôi đã sống hơn 6 năm dưới chế độ mới, thời gian tạm đủ dài để chứng kiến những đổi thay làm đảo lộn tận gốc rễ cuộc sống của người dân bị trị. Tôi gọi giai đoạn nầy là giai đoạn mà người cộng sản làm rơi rớt dần cái bộ mặt giả nhân nghĩa họ đã đeo lên trong suốt thời gian chiến tranh. Những tay lãnh đạo đảng CS huênh hoang tự đắc với chiến thắng đã thấy không cần phải che đậy nữa, điển hình là chỉ một năm ngắn ngủi sau đó, so với thời gian 16 năm nó hiện diện, cái gọi là “Mặt trận giải phóng miền Nam” được dựng lên bởi những tay phù thủy ngồi trong Bắc bộ phủ để đánh lừa thế giới, đã bị bức tử một cách thản nhiên lạnh lùng! Miếng chanh đã vắt hết nước, và bị quẳng đi không thương tiếc! Số thành viên ngây thơ cả tin của tổ chức nầy chắc đã phải nghẹn ngào mà ngậm đắng nuốt cay trước sự lật lọng bởi những “đồng chí’’ thân mến của họ!!
Dù chỉ là một thiếu nữ mới lớn còn ngờ nghệch, thời gian trước 1975 tôi chưa bao giờ tin vào miệng lưỡi tuyên truyền của CS, bởi chứng kiến cảnh bọn chúng pháo kích vào thành phố, vào khu đông đúc dân cư, giật mìn xe đò, đào đường đắp mô gài mìn…v.v… để giết hại dân lành vô tội, người chết càng nhiều thì họ càng reo vui, ăn mừng thắng lợi! Một chính quyền có tính nhân bản sẽ không hành động như vậy, và điều nầy đã được chứng minh rõ nét sau ngày 30 tháng tư, khi dân chúng miền Nam bắt đầu bước vào địa ngục trần gian! Bức màn sắt đã sập xuống, với chính sách bưng bít thông tin, thế giới bên ngoài không biết điều gì đã xẩy ra cho dân tộc khốn khổ bị bỏ rơi nầy.
Khởi đầu là chiến dịch đốt sách, được gọi là tiêu diệt văn hóa đồi trụy, nọc độc của Mỹ Ngụy, và cả một nền văn học phong phú, đa dạng, nhân bản và khai phóng của miền Nam đã bị hủy diệt không thương tiếc. Nhìn cảnh tượng đau thắt lòng đó, tôi đã linh cảm điều không may rất lớn lao sẽ đến với người dân miền Nam mà tôi không hình dung ra nổi. Chưa hết bàng hoàng thì một cái bẫy lừa đảo tinh vi dàn dựng khôn khéo đã được tung ra: – tập trung học tập 10 ngày – tôi gọi là “cú lừa thế kỷ” đã đẩy các quân cán chính VNCH và văn nghệ sỹ miền Nam vào các trại học tập, để rồi 10 ngày trở thành 5 năm, 10 năm, 20 năm…, có khi vĩnh viễn bỏ thân âm thầm chốn rừng núi âm u trong uất hận. Người miền Nam ngây thơ chăng? Có lẽ! vì họ tưởng lầm rằng những người đang có quyền lực trong tay nầy cũng là đồng bào của họ, cũng có từ tâm của một con người, cũng có nhân cách và yêu nước non, giống nòi như họ, cũng chán ngán chiến tranh và khao khát hòa bình như họ. Than ôi, sự thật đã quá đỗi phũ phàng, tồi tệ!
Chỉ sau vài năm, với vô số thông cáo,chiến dịch, chỉ thị, biện pháp… ngu xuẩn, họ đã quất cho dân miền Nam những ngọn roi chí tử, phá nát nền kinh tế trù phú và kéo mức sống sung túc của dân Nam xuống ngang bằng với người dân đói nghèo lạc hậu miền Bắc, được mô tả hiện thực qua mấy câu nhại Kiều dân gian dí dỏm mà chua chát rằng:
bắt quần đùi phải quần đùi
cho may ô mới được phần may ô
hoặc:
một năm hai thước vải thô
làm sao che nổi cụ Hồ em ơi
Mỉa mai thay cái bình đẳng của lý tưởng cộng sản!! Mỉa mai thay mấy chữ vàng Độc Lập -Tự Do - Hạnh Phúc, vẫn in đậm nét trên tất cả các giấy tờ, công văn hành chánh, nhan nhản trên các bảng khẩu hiệu đường phố, nói lên sự dối trá cùng cực đến buồn nôn. Độc Lập đâu khi hoàn toàn lệ thuộc Nga, Tầu, hãy nghe Lê Duẩn khẳng định: “Ta đánh giặc là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”! Tự Do ở chốn nào khi người dân bị khóa miệng, không nói được điều muốn nói, nếu không muốn bị quy chụp là phản động, một tội tầy trời. Và Hạnh Phúc ở nơi nào khi ở nơi nầy chỉ có nước mắt, tù đầy, đói rét, lầm than!
Có lẽ phải xin nhại hai câu thơ của thi sĩ Trần Dần để viết lại rằng:
Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà
chỉ thấy vây quanh lọc lừa dối trá.
Có lần đi với đứa cháu trai trên đường, tôi đã đố cháu tôi: con à, mình thấy trên các bảng hiệu các cơ quan, nào là Quân đội nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bệnh viện nhân dân v.v. và v.v. vậy cô đố con, còn kho bạc hay ngân hàng thì được gọi là gì? Lúc ấy cô cháu tôi đang đứng trước cửa một ngân hàng bên kia đường, treo bảng chữ to tướng “ngân hàng nhà nước” cháu tôi nhìn thấy và à lên… giác ngộ! Ờ há! Bây giờ con mới để ý, chỉ có ngân hàng là không phải của nhân dân thôi, ngộ thiệt!! Chắc cái giác ngộ nầy của cháu tôi cũng na ná như của cô giáo Trần thị Lam ở trường THPT Hà Tĩnh:
“Đất nước mình ngộ quá phải không anh!”
Ngày trước, khi được đọc quyển “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” của cụ Hoàng văn Chí và nhiều tài liệu về vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, cũng như tác phẩm Docter Zhivago của nhà văn Nga Boris Pasternak, thực tình mà nói, tôi không mường tượng được những gì đã xẩy ra trong thế giới cộng sản, bởi nó vượt ra ngoài sự tưởng tượng của tôi về mức độ tàn ác của con người đối xử với đồng loại của mình. Vậy mà, sau ngày tháng tư đen tối đó, chính tôi trở thành nhân chứng bất đắc dĩ cho một giai đoạn đau thương của miền Nam trong đó cái ÁC đã lên ngôi, nhân tính không còn, và người đối xử với người tệ hơn cầm thú, những điều trước kia không tưởng nổi, giờ xẩy ra trước mắt hằng ngày, uất ức và căm hờn phải nén xuống để sống còn, mỗi người đều tự mang mặt nạ khi bước ra đường, cái mặt nạ ngoan ngoãn thuần phục giả dại qua ải! Cố nhạc sĩ Nhật Ngân khi viết ca khúc Một Mai Giã Từ Vũ Khí ông đã mơ ước có một ngày - ta lại gặp ta - khi ấy ông chưa được sống dưới chế độ mới nên không biết cái mơ ước ấy nó tha thiết đến dường nào, cho những người đang phải đeo mặt nạ sống trong uất hận triền miên.
Trong lịch sử đất nước, người Việt chưa bao giờ rời bỏ quê hương, cho dù khốn khó đến đâu. Năm 1954 hàng triệu người Bắc chạy trốn bạo quyền cộng sản đã đổ về vùng đất tự do miền Nam, mà “…dù là xa đó cũng là quê nhà, và miền nắng soi vui gia đình ta….” (1954 Cha bỏ quê 1975 Con bỏ nước – nhạc sĩ Phạm Duy). Năm 1975, bao triệu người cũng muốn chạy trốn bạo quyền, nhưng họ không còn đất để nương thân, họ đổ xô vượt rừng, ra biển, đến những nơi xa lạ, nương cậy vào từ tâm của thế giới, của những người khác chủng tộc, mầu da, để chạy trốn những kẻ cùng mầu da, cùng tiếng nói! Nghịch lý nầy có ai thấu hiểu cho chăng?!
Tôi thấy rất may là đã sống ít năm sau ngày Sài Gòn đổi chủ, và thoát được ra ngoài an toàn bằng đường vượt biển, để tự thân hiểu thấm thía thế nào là sống dưới chế độ cộng sản. Những người di tản vào tháng tư ‘75, dù có nghe kể lại nhiều bao nhiêu cũng không thể nào thâm cảm được hết cái khổ nạn cùng cực cả vật chất lẫn tinh thần của người dân vào thời kỳ ấy. Một người bạn đàn chị của tôi khi toan tính đưa đàn con nhỏ đi vượt biển, đã trải qua những dằn vặt ray rứt trước khi lấy quyết định, chị thổ lộ: các con còn nhỏ quá, có hiểu gì đâu, mình phải tính thôi, nhưng biết rồi ra sao? Thành công thì không nói làm gì, lỡ thất bại thì chính mình đưa con vào chỗ chết, mình sống thế nào được nữa hở trời! Mà để con lớn lên trong cái chế độ man rợ nầy, làm cha mẹ thật mình không đành lòng! Tôi nghĩ không phải riêng chị, mà còn vô vàn những bậc làm cha làm mẹ khác trong những năm tháng hãi hùng đã phải đối mặt với chọn lựa đau đớn nầy, khi nghĩ đến tương lai con cái. May mắn cho bạn tôi, chuyến đi được bình yên, gia đình chị đến được vùng đất tự do. Còn bao nhiêu gia đình không may khác đã bỏ thân trong lòng biển sâu không thấy được bến bờ??!
Vào thời điểm ấy chính tôi cũng đã rất ngờ nghệch tiếc cho những người lãnh đạo CS đã bỏ qua một cơ hội bằng vàng, ngàn năm có một, để thống nhất đất nước, cả địa lý và lòng người, hòa hợp dân tộc để cùng chung tay xây dựng lại quê hương hoang tàn đổ nát, và từng bước đưa đất nước đi lên một tương lai tươi sáng, bởi vì họ, những kẻ chiến thắng, đã có trong tay mọi yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa vô cùng thuận lợi. Tiếc thay, và thương thay cho dân tộc Việt, kẻ chiến thắng, những người được đào luyện trong môi trường ý thức hệ cộng sản, lại là những người vô tổ quốc, mục tiêu tối hậu của họ chỉ là lợi dụng chiêu bài cộng sản để xua người dân vào cuộc chinh chiến nhằm cướp chính quyền, và một khi đã nắm được quyền lực trong tay thì họ dùng mọi thủ đoạn dù là tàn độc, đê hèn, xảo quyệt để giữ chặt lấy nó không buông, rồi tha hồ vơ vét cho đầy túi tham. Rốt cục, họ hiện nguyên hình là những tên cướp cạn muốn nắm giữ cái ghế ngồi muôn đời, quá quắt hơn cả những chế độ phong kiến, thực dân mà chính họ hô hào đòi phá bỏ (bài Phong đả Thực):
“cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”
Sự thật chua chát nầy đã được phơi bầy trước mắt mọi người qua 43 năm cầm quyền của đảng cướp mạo danh CS, và để cố giữ cái ghế quyền lực, họ đã không ngần ngại bán đứng cả đất nước cho ngoại bang, vì như đã nói, họ chẳng đếm xỉa gì đến tổ quốc, họ chỉ cần quyền và tiền, nên từ trên xuống dưới, bộ máy quyền lực của họ chứa rặt những quan tham gian ác, đang từng ngày tiếp tục phá tan đất nước không thương tiếc. Bao nhiêu xương máu và nước mắt của người dân cả hai miền đã đổ ra suốt mấy chục năm dài điêu linh thống khổ trong chiến tranh, để cuối cùng chỉ được một trái đắng dị tật như ngày nay, và nhiều thế hệ ra đời trong môi trường nầy đã bị thui chột thật đáng thương, khi họ chỉ biết chạy theo đam mê hưởng thụ vật chất như con thiêu thân, và vô cảm đối với sự suy vong của đất nước. Bất hạnh thay cho dân Việt!
Để thay lời kết, xin mượn câu nhận định đầy minh triết của người lãnh đạo tinh thần nước Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, nói về chủ nghĩa CS:
“Cộng sản sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực, và sẽ chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của nhân loại.”
.
Tháng tư - 2018
Hương Trà