Nguyễn văn Trần
30/04/75, nếu Hà Nội thua cuộc
Vài lời về ngày 30/04
Năm nay, 30/04 tới với người Việt-nam hải ngoại sôi nổi hơn hẳn các năm trước. Đài TV, phát thanh, báo chí giấy và mạng đồng loạt nhắc tới dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Với lý do 40 năm? Nhưng con số 40 năm được ghi đậm nét.
Phải chăng những người nặng nợ với 30/04 nay đã thấy già yếu, không dám nghĩ tới năm mất nước thứ 50? Các thế hệ sau có nghĩ tới 30/04 cũng không được trọn vẹn như họ. Hay lại nghĩ khác hơn hoặc không nghĩ tới.
Nhắc tới 30/04, người nói tháng 4 đen, kẻ chọn quốc hận. Với họ, dứt khoát không ai có quyền quên hay bôi bác ý nghĩa của ngày 30/04, tuy cách nay đã 40 năm. Vì nó thiêng liêng. Nó là cả nước Việt-nam của những người mất nước. Nó là linh hồn của hằng triệu người hi sanh trên chiến trường, mất mát trên đường tìm tự do,… Người Do thái có shoah hay holocauste thì người Việt-nam mất nước có ngày 30/04. Ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ, người Do thái vẫn nhắc nhở nhau shoah để giữ gìn ký ức tập thể và tìm thủ phạm để truy tố.
Cá nhơn mất ký ức, lịch sử mất nước sẽ phai nhạt.
Quốc hận là tiếng được nhiều người chọn để cho ngày 30/04 có nội dung lịch sử của nó. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, “hận” có nghĩa là oán giận. Như “hận nhập cốt tủy” là oán giận thấu đến xương, đến tủy.
Còn Đại Từ Điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý Chủ biên, Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam ở Hà nội xuất bản năm1999, định nghĩa hận là lòng câm giận sâu sắc với kẻ hại mình. Như hận thù, căm hận.
Nghĩa thứ hai, hận là buồn day dứt vì không làm được như mong muốn. Hận vì thua mất,…
Qua định nghĩa trên đây, Quốc hận là người dân cả nước oán giận, căm giận sâu sắc những kẻ hại mình làm nước mất, nhà tan… Sau 40 năm, quốc hận nếu có dịu đi thì trở thành nỗi buồn ray rứt của những người Việt-nam mất nước mà vẫn không thực hiện được điều như lòng mong muốn…
Nhìn nước Việt-nam ngày nay, người nặng lòng thương nước có thấy oán hận không?
Việt-nam qua những con số
Ngoài những thảm nạn xã hội do chế độ gây ra, nội tình Việt-nam bất ổn vì độc tài làm lòng dân căm hận, đối ngoại, chẳng những lệ thuộc Tàu mà còn mất lảnh thổ và lảnh hải cho Tàu. Thực tế Việt-nam ngày nay được thế giới nhìn qua những con số thống kê:
“Về dân số, Việt-nam đứng thứ 13 của quốc gia đông dân, thứ 61 về diện tích đất đai, thứ 33 quốc gia có bờ biển dài, 1/3 các quốc gia đứng đầu về diện tích rừng, thứ 5/20 quốc gia sản xuất lúa gạo.
Việt Nam không nhỏ với đơn vị kích thước, dân số, đất đai, biển đảo, rừng cây v..v… nhưng lại yếu kém về phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội, và văn hóa… do quản lý quá tồi.
Về giáo dục, theo chỉ số Human Development, Việt-nam đứng thứ 121/187, về trí tuệ, thứ 108/130, về ô nhiễm, thứ 102/193, về thu nhập tính theo đầu người, thứ 123/180, về tham nhũng, theo Transparency International, thứ 116/177, về tự do ngôn luận, thứ 174/180, về phẩm chất đời sống của người dân, được 22,58 điểm, thứ 72/76, về y tế, thứ 160/190.
Việt-nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác? Chỉ có cái đảng cộng sản ở Hà nội có thể trả lời vì cái đảng này cai trị toàn diện và triệt để xứ Việt-nam từ 40 năm nay, sau khi cướp được trọn vẹn chánh quyền. Nhưng trả lời được chỉ khi nào đảng cộng sản dám tháo gỡ bộ máy độc tài kìm kẹp xã hội và nhứt là thoát khỏi vòng vô minh về tiền bạc.
Nhà cầm quyền ở Việt-nam vẫn đổ lỗi cho tình trạng đất nước tụt hậu là do chiến tranh tàn phá nhưng không nói ai làm chiến tranh và làm chiến tranh cho ai?
Cùng chịu hậu quả chiến tranh, trong lịch sử phục hồi và phát triển đất nước, có hai nước Đức và Nhựt là hai trường hợp điển hình cần học hỏi.
A. Trường hợp nước Đức
1. Dưới chế độ Quân quản
Thế chiến kết thúc, các cường quốc Huê kỳ, Anh và Pháp chiếm phía Tây-đức quyết định đưa cho Tây-đức một bản hiến pháp để tổ chức chánh quyền và xã hội tái thiết đất nước. Tháng 7/1948, Ban Quân quản chuyển cho các vị Tổng trưởng-Chủ tịch Tiểu bang (Ministre-Présidents des Lander) những tài liệu nêu lên những yếu tố then chốt để soạn thảo bản hiến pháp, gọi là những tài liệu Francfort.
Người Đức tiếp nhận không mặc cảm. Họ xem xét và đúc kết lại thành bản hiến pháp của Tây-đức, chấp thuận và ban hành ngày 8 tháng 5/1949, dưới tên gọi “Luật Căn bản” vì họ muốn dành “Hiến pháp” cho nước Đức thống nhứt. Đến khi nước Đức thống nhứt ngày 3 tháng 10/1990, “Luật Căn bản” vẫn tiếp tục áp dụng và trở thành Hiến pháp, với vài tu chính.
Bản văn thể hiện ý muốn sâu xa của nhơn dân Đức rút ra bài học thất bại của Cộng hòa Weimar và chống lại chế độ quốc xã, quyết tâm bảo vệ những quyền tự do căn bản. Về điểm này, sự bảo đảm các quyền tự do căn bản không phải ghi ở phần tiền văn như hiến pháp của Cộng hòa Pháp hay ở phụ lục (Bill of Rights) như hiến pháp Huê kỳ, mà ghi nguyên vẹn ngay trong thân bản hiến pháp.
Hơn nữa, mọi sửa đổi luật căn bản qui định những nguyên tắc về phẩm giá con người, về quyền phản kháng bảo vệ chủ quyền quốc gia, về tổn thương đến tự do dân chủ, đều bị ngăn cấm. Nhờ đó mà tinh thần dân tộc Đức mạnh, toàn dân đoàn kết phát huy nội lực phát triển đất nước.
2. Hậu quả chiến tranh
Ngày 8 tháng 5/1945, thế chiến kết thúc, nước Đức bị tàn phá sạch. Người ta nói nước Đức trở về thời điểm Zéro (0) hay “nước Đức của Năm 0”, để mô tả tình trạng cực kỳ thảm hại hoặc ý muốn nêu lên khái niệm Đức phải bắt đầu lại làm một cuộc hành trình mới xây dựng xứ sở từ đầu.
Dân Đức hằng chục triệu người sống trong khốn cùng, không có chỗ ở, không có thực phẩm, phải đi về nhà quê tìm lương thực. Quân nhơn rã ngũ, tù nhơn ra về, Đông Đức trục xuất nhiều người Đức qua Tây-đức, tất cả làm cho cái ăn, cái mặc, chỗ ở càng thêm khốn đốn. Sau chiến tranh, có 12 triệu người cần nhà ở.
Đồng Minh cung cấp thực phẩm tính ra 1800 calories/người/ngày. Nhà thờ cho thêm nhưng vẫn không đủ.
Ở Hội nghị Potsdam, Đồng Minh quyết định tháo gỡ 1800 cơ xưởng chiến tranh của Đức, thu hồi vật liệu như phần đền bù chiến tranh. Mỹ và Anh giới hạn việc tháo gỡ, muốn giữ lại để củng cố nền kinh tế Đức.
Năm 1947, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Ông George C. Marshall, đề nghị “European Recovery Program”, quen gọi là “Plan Marshall”. Chương trình này nhằm giúp tái thiết Âu châu, đồng thời cũng nhằm ngăn chận sự bành trướng của cộng sản. Có 16 nước tham gia nhưng vài nước Đông Âu từ chối vì bị Liên-xô ngăn cản. Mỹ chi phí tất cả 12 tỷ đô-la, dành cho Tây-đức 1,5 tỷ.
Đông Đức tái thiết chậm hơn Tây-đức. Để đền bù chiến tranh, Đức phải trả cho Liên-xô 20 tỷ đô-la, đó là lý do làm cho tình hình tái thiết cho tới năm 1948 chưa được cải thiện.
Tiếp theo, Liên-xô tái thiết Đông Đức theo mô hình kinh tế liên-xô. Chấm dứt chế độ tự do và kinh tế thị trường. Nhà nước tịch thâu những cơ xưởng lớn biến thành xí nghiệp nhà nước hoặc công ty quốc doanh, chỉ chừa lại xí nghiệp nhỏ thủ công và nhà hàng ăn còn tư nhơn. Đến năm 1950, nhà nước đưa những cơ sở nông nghiệp nhỏ vào hợp tác xã. Chánh sách tập thể hóa và kế hoạch hóa sản xuất của Staline từ đây tiêu diệt những sản xuất nhỏ tư nhơn.
Sự tái thiết Đông Đức vì đó không hiệu quả làm dân chúng bất mãn. Năm 1953, được tin Staline chết, 60.000 thợ thuyền xuống đường đòi hủy bỏ chế độ sản xuất tập thể, bầu cử tự do,… bị xe tăng Liên-xô đàn áp đẫm máu.
Staline đề nghị 2 nước Đức thiết lập quân đội quốc gia để quân đồng minh sẽ rút về trong vòng một năm nhưng Thủ tướng Đức Adenauer và Đồng Minh từ chối vì thấy đó chỉ là thủ đoạn nhằm cộng sản hóa trọn vẹn nước Đức.
3. Thu hồi độc lập
Nhận thấy Tây-đức bảo đảm được tính dân chủ cho chế độ, Mỹ, Anh và Pháp đồng ý khôi phục chủ quyền cho Thủ tướng Adenauer, ngưng tháo gỡ cơ sở kỹ nghệ, giúp tân trang để phục hồi kinh tế mau chóng.
Thủ tướng Adenauer mở rộng quan hệ ngoại giao với Âu châu, Tây-đức trở thành hội viên của nhiều tổ chức quốc tế, chấm dứt qui chế bị chiếm đóng năm 1955. Ông đưa ra ý kiến thống nhứt chánh trị Âu châu được các chánh khách lớn như Churchill, Schuman, Alcide De Gasperi hưởng ứng và các dân tộc Âu châu nên hợp tác nhau chặt chẽ hơn. Hội đồng Âu châu ra đời với 10 nước tham dự, Adenauer đặc trách bảo vệ nhơn quyền và dân chủ, cả văn hóa và xã hội. Tổng trưởng Ngoại giao Pháp, Ông Schuman, đề nghị đặt sự sản xuất than và thép của Pháp và Đức dưới một thẩm quyền chung, đồng thời thành lập một tổ chức cho nhiều quốc gia Âu châu tham gia. Cộng đồng Âu châu ngày nay ra đời từ đây.
Xã hội Tây-đức do kinh nghìệm đau thương qua chế độ quốc xã và chiến tranh đổ nát từ từ chuyển mình vững chắc theo dân chủ tự do dưới sự lãnh đạo khéo léo của Thủ tướng Adenauer.
Kinh tế Tây-đức phát triển như một phép lạ cho tới năm 1973 gặp cuộc khủng hoảng dầu hỏa. Tình hình gay gắt thêm do cạnh tranh giữa Âu châu và Á châu khi kinh tế các nước bắt đầu đi vào hướng toàn cầu hóa.
Đồng thời, về mặt xã hội, dân chúng mở ra những cuộc thảo luận về tương lai của Nhà nước Phúc lợi (Etat-Providence). Văn hóa xã hội thay đổi, tinh thần con người phóng khoáng, bắt đầu thị trường tiêu thụ mở rộng,…
4. Tái thiết
Năm 1957, Liên-xô phóng vệ tinh Spoutnik làm cho Tây phương lo sợ lúc nào đó có thể bị Liên-xô tấn công nhưng Tây-đức lo sợ hơn về mặt kỹ thuật sẽ bị phía Đông Âu qua mặt. Năm 1964, Tây-đức mở rộng giáo dục đến các cấp vừa lo đào tạo những thế hệ tương lai nhằm canh tân kỹ thuật và kỹ nghệ Tây-đức.
Sự đóng góp rất quan trọng của nền giáo dục Đức cho chương trình hậu chiến nhờ nó mang đậm chất “Nhân bản - Trải nghiệm - Thực tế”, lấy “người học làm trung tâm” nhằm cân bằng và phát triển được ba yếu tố cần thiết để trẻ bước vào xã hội sau này là: Tính cách cá nhân (tính cách, thái độ, các mối quan hệ, nhân cách), tính chuyên nghiệp (tri thức, khả năng tư duy) và tính thực tiễn (cách thức vận dụng, khả năng sáng tạo).
Nhờ những đổi mới này mà Tây-đức phát triển mạnh, nhanh về kinh tế và xã hội. Cùng lúc, việc mở rộng giáo dục cũng giúp đông đảo tuổi trẻ vào đại học. Khi ra trường, chúng nó tủa ra khắp nơi làm việc để giúp xã hội phát triển đồng bộ. Tiếp theo, số thanh niên học xong trung học và giáo chức gia tăng nhờ chánh phủ từ 1963 tới 1975 đầu tư vào giáo dục 46,5 tỷ đức mã, ưu tiên xây dựng nhiều đại học mới ở nhiều nơi.
Phải nói trong những năm 60, xã hội Tây-đức chuyển biến vô cùng tích cực, lấy những giá trị qui chiếu mới
tập trung về cá nhơn, như sự thành công của cá nhơn và sự tiêu thụ. Những thay đổi này, trước tiên, nhờ ở tình hình kinh tế phát triển tối ưu, và cũng nhờ ở xã hội Tây-đức ngã theo hướng Mỹ hóa mà vẫn giữ được sự đồng bộ trên cả nước. Phẩm chất đời sống cải thiện đề cao giá trị cá nhơn. Năm 1968, những thay đổi này
dồn dập hơn do thế hệ sinh viên mới tiến lên. Xã hội Tây-Đức chuyển mình đổi mới sâu xa nhưng vẫn còn vài mặt giữ truyền thống và bảo thủ.
Nước Đức chuyển mình thay đổi do sự xuất hiện một xã hội tiêu thụ. Có hiện tượng mới này vì kinh tế phát triển, đưa xã hội từ tình trạng thiếu thốn mọi thứ tới có đầy đủ mọi thứ, từ nghèo khổ qua mọi người có ăn, có để. Lúc đó, kinh tế tăng trưởng từ 5 tới 7%, lương bổng tăng, điều kiện làm việc được cải thiện rất nhiều, 40 giờ/tuần, nghỉ có lương từ 3 tuần lên 5 tuần/năm.
Người dân Đức vừa có tiền, vừa có thì giờ để tiêu xài.
5. Thống nhứt trong hòa bình
Từ năm 1969, Thủ tướng Tây-Đức Willy Brandt thực hiện một chánh sách nhằm tiến tới làm cho 2 nước Đức gần lại nhau hơn. Năm 1972, một hiệp ước căn bản được hai bên Đông-Tây ký kết cho phép trao đổi đại diện ngoại giao và năm sau gia nhập Liên Hiệp Quốc (Đông-đức có 16,5 triệu dân, 10 triệu mỹ kim xuất cảng; Tây-đức có 56,5 triệu dân và 75 triệu mỹ kim xuất cảng). Hai nước Đức vẫn riêng biệt cho tới khi bức tường Bá-linh sụp đổ năm 1989, chắm dứt chiến tranh lạnh, kết thúc số phận cộng sản liên-xô và đông âu. Vào mùa thu năm 1990, ngày 3 tháng 10, hai nước Đức thống nhứt, Đông-đức về với Tây-đức để ngày nay có một nước Đức dân chủ, tự do và cường quốc Âu châu.
Tưởng cần nhắc lại vài điểm quan trọng để thấy nước Đức quả thật là một tấm gương tái thiết và phát triển thành công. Chế độ giáo dục và đào tạo của Đức dạy trẻ con học hỏi hiểu biết thật sự, làm việc đạt kết quả hoàn hảo. Công nhơn đoàn kết bảo vệ quyền lợi công nhơn nhưng vẫn không quên quyền lợi chủ nhơn. Không có tinh thần xung đột giai cấp, theo khái niệm mác-xít, công nhơn bị chủ nhơn bóc lột nên phải giết chủ nhơn như ở Pháp. Một trường hợp đáng ghi nhớ. Cách nay ít lâu, hãng xe Volkwagen bị lỗ, chủ nhơn hợp với nghiệp đoàn công nhơn thông báo sẽ phải giảm bớt công nhơn để giải quyết tình trạng tài chánh xí nghiệp. Nghiệp đoàn quyết định công nhơn chấp thuận giảm lương 15% để tránh một số công nhơn bị nghỉ việc. Từ đó, Volkwagen ổn định sản xuất và giữ được thị trường.
Vế chánh quyền hiện tại, bà Thủ tướng Merkel, gốc Đông-đức cũ, tiết gìảm chi phí tối đa cho ngân sách quốc gia, làm việc tận tâm, tận lực cho nước Đức nhưng lại sống vô cùng đơn giản. Chánh phủ của bà chỉ có 8 Tổng Bộ trưởng và tất cả 300 nhơn viên các loại, các cấp, quản lý nước Đức gần 90 triệu dân. Công xa của Thủ tướng phủ chỉ có 37 chiếc. Cũng như những cộng sự viên, bà ở căn nhà (appartement) của bà, trả điện, nước và các chi phí khác bằng tiền lương 15.830€/tháng của bà. Khi di chuyển xa, tất cả đi xe lửa hay máy bay của hàng không Đức.
Đất nước giàu mạnh và ổn định chỉ khi nào người dân biết thương nước, chánh quyền có khả năng, lương thiện, đầy tâm huyết.
B. Trường hợp Nhựt bổn
1. Thời gian chiếm đóng và khởi điểm tái thiết
Trong Đệ II Thế chiến, chỉ có nước Nhựt bị 2 trái bom nguyên tử và thất trận. Tổng thống Harry Truman của Mỹ đã quyết định dùng bom nguyên tử sau khi nghe Thủ tướng Nhựt, Ông Kantaro Suzuki, tuyên bố ở buổi họp báo là “không biết tối hậu thư ở Potsdam là gì cả” (đòi Nhựt đầu hàng vô điều kiện vì Đồng Minh sửa soạn chiến thắng).
Ngày 14 tháng 8/1945, Hoàng Đế Showa (Hirihito), sau khi xem xét sự tổn thất do hai trái bom gây ra và Liên-xô đang chiếm Manchukuo, tuyên bố đầu hàng.
Tướng Douglas Mac Arthur của Mỹ lãnh nhiệm vụ chiếm đóng nước Nhựt bại trận thê thảm, có những thành phố đổ nát tới 40%. Ông yêu cầu đừng đưa ông Vua và Hoàng gia ra trước Tòa án Quốc tế Nhơn quyền Tokyo. Nhà vua chấp nhận những điều khoản của bản tuyên bố Potsdam với điều kiện ông vẫn giử những đặc quyền của nhà vua.
Mỹ chiếm nước Nhựt từ 1945 tới 1952. Thời gian này, Mỹ cải tổ sâu xa nước Nhựt về mặt chánh trị, thanh lọc (200.000 người bị thanh lọc) và dân chủ hóa, về mặt văn hóa-xã hội, cải tổ hệ thống Thần đạo Quốc giáo vốn dạy người dân tuyệt đối tuân phục nhà vua mà trở về như một tín ngưỡng bình thường, xóa bỏ hệ thống quí tộc và về kinh tế, phá bỏ những phe cánh tài phiệt để nhằm phá vỡ chế độ dân tộc cực đoan và quân phiệt Showa, lấy chế độ dân chủ làm nền tảng.
Quân quản Mỹ đưa cho Nhựt một bản hiến pháp theo mô hình dân chủ tây phương, xét lại vai trò nhà vua không còn nắm giữ quyền chỉ huy tối cao lực lượng quân sự cũng như mọi quyền chánh trị, mà chỉ là tiêu biểu cho sự thống nhứt quốc gia, vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh, giải thể quân đội hoàng gia,…
Quyền lực quốc gia từ nay do lưỡng viện Quốc hội nắm giữ. Phụ nữ có quyền bầu cử. Thiết lập quyền tự do báo chí, xóa bỏ công an chánh trị, xóa bỏ giai cấp quí tộc, ngoại trừ hoàng gia nhưng chỉ tính con cháu trai của nhà vua mà thôi.
Mỹ xóa bỏ phe phái tài phiệt nhưng cải tổ trở thành những tập đoàn kỹ nghệ mới và lớn để phát triển kinh tề Nhựt.
Trong thời gian bị chiếm đóng, Nhựt bắt đầu một sự thay đổi văn hóa quan trọng do lính Mỹ đem lại như âm nhạc, ẩm thực, y phục, thời trang phụ nữ,...
2. Khôi phục nền độc lập
Ngày 8 tháng 9/1951, Nhựt ký kết tại San Francisco Hiệp ước chấm dứt chiến tranh Thái bình dương và tổ chức nền hòa bình giữa Nhựt và đa số các nước Đồng minh, trừ Liên-xô, Tàu, Ấn-độ,.... Hiệp ước đồng thời chấm dứt tình trạng nước Nhựt bị chiếm đóng, ngoại trừ Okinawa còn Mỹ cai quản để ngăn ngừa hiểm họa cộng sản bành trướng. Một hiệp ước thứ hai qui định Nhựt, về an ninh, phụ thuộc vào Mỹ và Mỹ có quyền đơn phương quyết định về quân số Mỹ trên đất Nhựt.
Sau chiến tranh Triều tiên, Nhựt nắm giữ vai trò chiến lược trong chiến tranh lạnh.
Năm 1960, nhờ tài ngoại giao khéo léo, Nhựt ký kết một hiệp ước mới với Mỹ qui định lại tương quan quân bình về quân sự giữa hai nước. Mỹ cần tham khảo chánh phủ Nhựt để quân đội Mỹ đồn trú trên đất Nhựt hoặc đưa võ khí nguyên tử vào lãnh thổ Nhựt. Mỹ và Nhựt duy trì những đặc quyền giữa hai nước.
Tiếp theo, Nhựt tiến tới quan hệ song phương với những nước Á châu-Thái bình dương như Đài-loan, Liên-xô,...
Sau cùng, ngày 18 tháng 12/1956, Nhựt gia nhập Liên Hiệp Quốc.
3. Vươn mình lên cao
Vào đầu thập niên 50, cán cân thương mãi của Nhựt bị thâm hụt: 407 triệu đô-la năm 1953 và qua năm sau, 794 đô-la. Nhờ chiến tranh Triều tiên làm thay đổi kinh tế nước Nhựt. Quân đội Mỹ đặt hàng các xí nghiệp Nhựt giúp Nhựt thu nhiều ngoại tệ, lên tới 1,32 tỷ đô-la vào cuối năm 1959 và Nhựt chỉ còn mất 140 trìêu đô-la cho cán cân ngoại thương. Ngoài ra, Nhựt còn học được ở Mỹ cách sản xuất lớn và kiểm soát phẩm chất hàng hóa. Người công nhơn Nhựt được đánh giá và đề cao qua khả năng sản xuất và tinh thần tôn ti trật tự, trong một xã hội kết hợp chặt chẽ.
Sự thay đổi văn hóa còn thể hiện rõ qua đám cưới của Thái tử Akihito với con gái của một nhà kỹ nghệ gốc thứ dân. Phe bảo thủ phản đối nhưng dân chúng ủng hộ vì cho đây là một biểu tượng đổi mới và dân chủ hóa thật sự nước Nhựt. Trên khoảng đường dài 8,8km, có nửa triệu người đứng chào mừng hôn lễ.
Năm 1965, Nhựt ký Hiệp ước với Nam-hàn, nước bị Nhựt chiếm đóng, để bình thường hóa bang giao giữa hai nước.
Vào lúc này, kinh tế Nhựt cũng bắt đầu phát triển mạnh, sản lượng quốc gia tăng 11,5% mỗi năm. Năm 1968, sản lượng nội địa của Nhựt đạt được 150 tỷ đô-la, vượt qua Đức.
Đồng yen bám chặt đồng đô-la từ năm 1949, 1 đô-la bằng 360 yens, nhưng tới năm 1971, tiền Mỹ thả nổi vì bỏ bản vị vàng, đồng yen bắt đầu cao giá.
Khi chiến tranh Việt-nam kết thúc, Nhựt tăng cường quan hệ ngoại giao và thương mại với các nuớc Đông-nam-á.
Kinh tế Nhựt tăng trưởng, một phần, cũng nhờ dân số tăng do người Nhựt ở hải ngoại thời Nhựt chiếm đóng hồi hương và mặt khác, mức sanh đẻ từ sau 1945 cũng gia tăng.
Suốt trong ba thập niên 1960, 1970, 1980, kinh tế Nhựt phát triển ngoạn mục. Từ năm 1968, Nhựt trở thành cường quốc thứ nhì thế giới. Từ những năm 1980, sự tăng trưởng và đổi mới phương pháp làm việc của Nhựt ảnh hưởng rất mạnh đến các nước Đông-Nam Á làm cho các nước này cũng lần lượt phát triển.
Kết luận
Điều đáng ghi nhận khi xem lại trường hợp 2 nước Đức và Nhựt bắt đầu tái thiết xứ sở là cả hai đều biết mình thua trận. Những anh hùng dân tộc làm chiến tranh bành trướng bị đưa ra xét xử trước Tòa án Nhơn quyền quốc tế Nurenberg và Tokyo. Là một nỗi nhục lớn! Nhưng họ vẫn có niềm tự hào dân tộc, yêu nước thật sự, sáng suốt chọn bạn, lấy việc tái thiết đất nước từ hoang tàn đổ nát làm mục tiêu tối thượng.
Hai ông Adenauer và Yoshida, là người có thực tài và đạo đức, chấp nhận hợp tác thật lòng với Huê kỳ, kẻ đã đánh bại mình, không chút mặc cảm. Cả hai ông đã khéo léo, chỉ vài năm sau, cởi bỏ “chế độ bị chiếm đóng” để trở thành nước độc lập, thành viên của Liên Hiệp Quốc và cường quốc ở Âu châu và Á châu.
Hai người đã học được tư tưởng của người xưa “Nhập nô, xuất chủ”!
Về phía Huê kỳ, Huê kỳ đã dự bị chiến thắng nên đã chuẩn bị chương trình hậu chiến cho hai nước bại trận. Ngoài việc giúp tái thiết và phát triển đất nước, Huê kỳ đặt trọng tâm trong quan hệ ứng xử, xóa bỏ mặc cảm kẻ thua cuộc, xóa bỏ trách nhiệm ở hai nước đã gây ra chiến tranh đau thương cho cả thế giới.
Riêng Nhựt chủ tâm dạy trẻ con Nhựt bài học quí giá về đức khiêm tốn “Nước Nhựt nghèo, không có tài nguyên, thiên tai dồn dập, dân Nhựt không anh hùng vì thua trận. Tương lai nước Nhựt là ở lớp trẻ”.
Phải chi, ngày 30/04, Hà nội bại trận và học được ở người Nhựt và cả người Đức bài học kẻ thua cuộc thì Việt-nam ngày nay chắc chắn không đội sổ về các mặt ổn định và phát triển đất nước hậu chiến!
Việt-nam phải chịu bất hạnh vì hoàn cảnh lịch sử đất nước đã lỡ tạo ra cộng sản tuy đây là điều chẳng có ai mong muốn.
Nguyễn văn Trần