Nguyễn Thị Thanh Bình


Tụng Ca Những Phụ Nữ Yêu Nước

Không hiểu sao tôi nhìn thấy rất rõ những giọt lệ chừng như bất lực ly hương trên khoé mắt của người phụ nữ vốn kiên cường ấy: Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh! Bất lực vì hẳn nhiên cô thừa bản lãnh để biết nhà cầm quyền này đang dùng chiến thuật ‘điệu hổ ly sơn’, để đẩy cô ra khỏi những bờ rừng xông pha thách đố. Nói cho rõ hơn, người phụ nữ dũng cảm yêu nước này đã buộc phải ra đi. Và như thế, sao chúng ta không thể gọi là bị tống xuất, khi một người đã phải đoạn lìa quê cha đất tổ với không còn một sự lựa chọn nào khác, hơn là tù mọt gông hoặc ra đi biệt xứ?

Bạn cũng đâu thể so sánh sự chọn lựa mỗi người là mỗi hoàn cảnh, mỗi sứ mệnh khi đến với cuộc đời như tù nhân chính trị nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức, hay Mẹ Nấm, Phạm Đoan Trang, Đỗ Thị Mình Hạnh... Với tấm lòng son vĩ đại của Trần Huỳnh Duy Thức đi nữa, chúng ta cũng chỉ muốn dù thế nào anh phải biết bảo vệ thân mình và tồn tại để còn đón chào ngày mai.

Sự chấp nhận lãnh bản án lưu vong từ tay nhà cầm quyền này, với sự ban phát từ tâm của cộng đồng thế giới, đặc biệt là đất nước bậc nhất quốc tế về lòng nhân đạo và nhân bản đã một lần vinh danh mình là người phụ nữ quốc tế can đảm, chúng ta hiểu được sự giằng xé khôn cùng của Mẹ Nấm trong mấy tháng qua.

Với một người phụ nữ chân yếu tay mềm, giữa một nhà nước dày đặc những bủa vây côn(g) an và lá chắn quân đội, cộng thêm với những thần phục thiên triều, khi hàng triệu triệu người dân xung quanh sợ hãi đến an phận và vô cảm, thì những gì Mẹ Nấm đã nỗ lực đóng góp đủ để cô ấy có thể không thấy mình ‘quịt nợ’ đất nước để... an lòng bay đi như những cánh chim về vùng trời tự do. Hơn thế nữa, chắc hẳn Mẹ Nấm vẫn thừa nhiệt huyết và sáng tạo để có được một con đường rộng mở ‘cứu nước’ hứa hẹn nhiều hiệu quả hơn chăng.

Câu hỏi và cũng vừa là câu trả lời cho mỗi người trong chúng ta, trong cũng như ngoài nước, phải tự tìm kiếm lấy. Đất nước không của riêng ai và chúng ta không nên ích kỷ cứ thích ùn hết trách nhiệm cho một cá nhân hay thậm chí một đoàn thể nào để dễ bề yên thân.

Đứng ngoài để dèm pha và phê phán coi bộ dễ hơn nhiều. Và như thế, coi chừng chúng ta lọt vào mưu kế của họ là làm phân hoá, chia rẽ và gây hoang mang trong cộng đồng.

Chào đón Mẹ Nấm không những sẽ làm ấm lòng những ‘chiến sĩ’ ở lại, mà còn để cho chính phủ này thấy rằng nếu cứ đẩy hết những tinh hoa là những người con yêu nước mình lưu vong bất đắc dĩ như thế, thì họ có thể sẽ dễ nắm đầu cai trị hơn, nhưng đó là một thất bại tổn thương không nhỏ khiến đất nước sẽ càng ngày càng bị thụt lùi, và thế giới chắc chắn sẽ lánh xa và chẳng có một thể chế độc tài, phản dân chủ nào có thể còn tồn tại trước đà tiến hoá của văn minh nhân loại.

Nhạc phẩm “Tụng Ca Những Người Phụ Nữ Yêu Nước” vẫn với giai điệu vững vàng điệu nghệ của Vĩnh Điện, qua sự thể hiện mãnh liệt của tiếng hát đấu tranh Hoàng Tường, xin được có mặt như một lời chúc mừng, chúc tụng hy vọng không đến nỗi thừa thãi với Mẹ Nấm đã thoát cảnh ngục tù, để khởi sự tiếp những đường bay hứa hẹn nhiều ngoạn mục không kém nơi vòm trời tự do.

Hẳn nhiên chúng ta cũng không thể không chạnh lòng khi nhớ đến thân phận của những người phụ nữ Việt Nam yêu nước khác, khi phải gánh chịu muôn vàn những bất công chịu đựng hy sinh, đặc biệt là những phụ nữ có con dại vì một lòng tham gia đấu tranh đã lãnh những bản án tù đày khắc nghiệt như Trần Thị Nga 9 năm, cũng như bạn tù cùng trại giam với Mẹ Nấm là một khuôn mặt trẻ đầy bất khuất Nguyễn Đặng Minh Mẫn với 8 năm thanh xuân cũng sắp trả xong món nợ phi lý cho quỷ dữ.

Ca khúc này vậy mà cứ định bụng tháng 11 này, khi Mẹ Nấm có dịp về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn điều trần trước QH để cất lên tiếng nói mạnh mẽ cho những TNLT còn kẹt lại ở bên nhà và (biết đâu) sẽ có một cuộc gặp gỡ chào đón thâm sâu của đồng bào D.C thì sẽ tung ra cũng chưa muộn.

Thật tình mà nói hình ảnh đẹp nhất, bi tráng bi hùng nhất của Mẹ Nấm, hay của Trần Thị Nga, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh… chưa hẳn là những hình ảnh xuống đường dương cao biểu ngữ, mà chính là hình ảnh với nụ cười tự tại giữa những vây bủa đầy răn đe bạo lực của công an, nhà tù và quan tòa với những bản án bỏ túi hôm nào.

Rồi thì những đợt sóng và đợt sóng sẽ phải tiếp nối, như sẽ có một ngày Lũ bị càn quét không thương tiếc bởi chuỗi sóng thần vũ bão bất ngờ, không ai có thể lường trước được.

Trong vai trò của truyền thông, vật chất được coi là “hậu phương” nơi hải ngoại, sẽ tiếp tục ủng hộ, yểm trợ “tiền tuyến” nơi quê nhà, để chúng ta đồng hành đeo đuổi giấc mơ tự do sáng ngời. Một giấc mơ đã hơn một lần buộc chúng ta phải xem quê nhà như quán trọ, hay bất hạnh hơn là phải lưu vong, tù đày trên chính quê hương mình nếu thứ ánh sáng cuối đường hầm vẫn chưa hé lộ. Khi tại sao nhà cầm quyền này không bao giờ tự hỏi đất nước gì mà những người dân giàu có, có lòng và có tài đều phải bỏ nước ra đi hoặc bị “mời đi” như một món hàng mặc cả nhân quyền.

.

Nguyễn Thị Thanh Bình

_________

Nghe: "Tụng Ca Những Phụ Nữ Yêu Nước"
Thơ: Nguyễn Thị Thanh Bình. Nhạc: Vĩnh Điện.
Tiếng hát: Hoàng Tường.


Cái Đình - 2018