Nguyễn Ngọc Chính


“Sến” hay “Sang”?

Kho từ vựng Sài Gòn xưa có một thuật ngữ đã đi sâu vào cuộc sống và cho đến ngày nay người ta vẫn còn dùng với hàm ý miệt thị, chê bai hay chí ít cũng là đánh giá thấp. 

Chỉ một chữ “Sến” cũng đủ để gây nhiều chuyện bất bình, thậm chí còn khiến người ta phải đỏ mặt tía tai vì tranh cãi.

Một bức thư tình mùi mẫm với những lời lẽ như “… đêm nay trăng thượng tuần lên cao, anh nhớ em vô vàn, em có biết chăng em một kẻ si tình đang độc hành trong đêm lạnh lẽo?” sẽ bị cho là “thư viết theo kiểu… sến”. Nhiều người cho rằng tán gái theo kiểu sỗ sàng “Em đi đâu đó cho anh theo cùng?” cũng là một cách tống tình theo kiểu… sến. Cô gái áo quần lòe loẹt có tông màu xanh đỏ chỏi nhau thế nào cũng bị xem là “diện theo kiểu… sến”.

Bước sang hội họa, họa sĩ Trịnh Cung lại khẳng định, "Trong tranh vẫn có "sến" chứ! Ví dụ như tranh của họa sĩ Lê Trung trước đây. Ông thường vẽ phụ nữ ngực tròn, mặc áo bà ba đội khăn hoặc nón rất Sài Gòn. Nói chung là bình dân…”. Tranh vẽ của Lê Trung (1) thường xuất hiện trên các báo “lá cải” như Phụ nữ Diễn đàn, Sài Gòn Mới… và dĩ nhiên những tạp chí này cũng được xếp vào loại báo… sến! 

Tranh của họa sĩ Lê Trung

Nhưng trước hết chúng ta hãy thử tìm hiểu nguồn gốc của chữ “sến”. Cho đến nay, có rất nhiều cách giải thích trong việc truy tầm từ nguyên. 

Giáo sư Cao Xuân Hạo (2) giải thích, "Theo tôi, gốc của từ ‘sến’ phải bắt đầu từ chữ ‘sen’ trong nghĩa con sen, là đứa ở, con ở […] Còn nếu ứng dụng vào văn chương, nghệ thuật thì ám chỉ khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị.”.

Lối giải thích từ “sen” biến thành “sến” có thể tạm chấp nhận nhưng kể cũng lạ khi giáo sư Hạo theo chuyên ngành ngôn ngữ học lại dùng cụm từ “khẩu vị thấp hèn”. Thường khi nói đến “khẩu vị” người ta liên tưởng đến cái “gu” trong ăn uống chứ làm sao lại có được "khẩu vị" trong văn chương, nghệ thuật?

Có một cách giải thích khác, không mang tính học thuật như giáo sư Cao Xuân Hạo, mà lại dựa vào thực tế hồi đầu thập niên 60 tại Sài Gòn. Đó là thời thịnh hành của bộ phim Anh em nhà Karamazov (The Brothers Karamazov), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga, Fyodor Dostoyevsky.  

Trong phim có cảnh một vũ nữ hộp đêm vừa múa vừa hát bài Mambo Italiano theo điệu mambo – cha cha cha. Cô vũ nữ mặc y phục “nghèo nàn”, thân hình bốc lửa, tóc tai rũ rượi, gào thét và rên rỉ, quằn quại và khiêu khích… Diễn viên đóng vai vũ nữ ấy là Maria Schell trước đó chưa hề nổi tiếng nhưng nhờ màn múa đầy ấn tượng này, tên cô được quảng cáo ngang hàng với tài tử Yul Brynner của Hollywood.  

Poster phim “Anh em nhà Karamazov”, với Yul Brynner và Maria Schell

Phim chiếu tại các rạp ở Sài Gòn cả tháng vẫn chưa hết người xem, sau đó bắt đầu xuất hiện những người ái mộ Maria Schell. Người ta nói, cái tên Maria Schell được Việt hóa thành “Mari Sến”.  

Tôi không tin là như vậy. Sến xuất hiện trong ngôn ngữ Sài Gòn ngay sau khi có cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc vào Nam năm 1954, nghĩa là trước khi phim anh em nhà Karamazov đến Sài Gòn. Trước 1954, người miền Bắc dùng từ “con sen” để chỉ người giúp việc trong khi miền Nam gọi là "ở đợ" và ngày nay còn được gọi là “Ô-Sin”.  

Gánh nước thời Pháp thuộc

"Sen" thường là những cô gái quê, con nhà nghèo, ít học, phải ra Hà Nội để kiếm sống bằng nghề giúp việc nhà. Sau 1954, “Sen” cũng di cư vào Nam. Ở Sài Gòn khi đó nước máy chưa được đưa tới từng nhà nên chiều chiều các cô sen lại tụ tập quanh máy nước (fontaine) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên "Mari-Phông-tên".

Cảnh gánh nước phông-tên thời Sài Gòn xưa

Và Mari Sến hay Mari Phông-ten cũng đã đi vào thơ văn. Một nhà thơ nào đó đã không hết lời ca tụng người em... Sến: 

Em phải là người em Sến không
Sao môi em đỏ, ngực em phồng
Thân hình ngào ngạt mùi son phấn
Anh muốn gì em, em biết không?

Cũng có giải thích đại loại như Sến bắt nguồn từ tiếng Anh “sentimental”, có nghĩa là đa cảm, ủy mị… Tôi không tin là như vậy vì sentimental hoàn toàn không hàm ý miệt thị, chê bai còn Sến của ta lại mang đậm nét mỉa mai, châm biếm. Nói theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan: "sến" là biểu hiện những dạng thị hiếu thẩm mỹ dưới mức trung bình.

Cứ như thế, chữ “sến” bị lạm dụng trong ngôn ngữ hàng ngày để gán cho những gì thuộc loại “hạ cấp” theo suy nghĩ của người sử dụng từ ngữ. Nổi bật nhất trong lãnh vực âm nhạc là “trường phái” nhạc… sến khởi đầu từ thập niên 60 với tiết điệu boléro, rumba... Những nhạc sĩ tiêu biểu của trường phái này có thể kể đến Lam Phương, Hồ Đình Phương, Vinh Sử, Thanh Sơn…

Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, điệu bolero mang âm hưởng bình dị của dân ca Nam Bộ: “Phần đông ca sĩ, nhạc sĩ là người miền Nam nên hát và viết bài hát mang chất dân ca bình dân của người Nam. Họ viết nhạc phần đông ở giọng thứ, khi hát với bolero, nó đúng cái nhịp của người miền Nam. Dân ca miền Nam rất hợp bolero. Bên tân cổ giao duyên, phần đông hát vọng cổ xong đều chuyển qua bolero. Hai cái đó dính liền, pha với nhau. Từ đó có âm hưởng bolero trong âm nhạc Việt Nam”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Bình luận về điệu bolero của Nguyễn Ánh 9, một nhạc sĩ người miền Nam, lại gợi đến một ý cho rằng những người Bắc di cư năm 1954 không thích nhạc phẩm do người Nam sáng tác, họ cũng không quen với cách phát âm của các ca sĩ người miền Nam khi hát. Ngoài ra, họ lại sợ cạnh tranh với nhạc tiền chiến của những nhạc sĩ người miền Bắc nên mới đặt ra danh từ “Nhạc Sến” với ý chê bai.

Nhà thơ Hữu Loan, người miền Bắc, làm bài thơ Mầu tím hoa sim rất nổi tiếng nói về một cô gái lấy chồng đi bộ đội, chồng không chết mà cô ta chết. Một chuyện tình rất lâm ly vào thời kháng chiến với kết cuộc:

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương.  

Bài thơ này được phổ nhạc thành 2 nhạc phẩm: Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh (nguời miền Nam) và Áo anh sứt chỉ đường tà, của Phạm Duy, người Bắc. Áo anh sứt chỉ đường tà với âm điệu lên xuống, luyến láy, rất khó hát và hình như chỉ những giọng ca điêu luyện của Vũ Khanh, Sĩ Phú, Duy Quang, Duy Trác, Elvis Phương mới thành công còn Những đồi hoa sim thì ca sĩ nào cũng có thể hát được, từ Phương Dung, Tuấn Vũ cho đến Thanh Tuyền, Như Quỳnh…  

Trong trường hợp này, nếu làm một cuộc khảo sát bỏ túi về sự lựa chọn giữa “nhạc sến” và “nhạc sang”, ta sẽ có ngay kết quả: Những đồi hoa sim là “nhạc sến”. Nhưng thiết nghĩ, đó là sự lựa chọn mang tính cách “địa phương” của những người có gốc từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.

Sự khác biệt về cá tính giữa người Nam và người Bắc nói riêng và giữa hai miền Nam-Bắc nói chung là người miền Nam thì bình dị, thường nói “huỵch tẹt” ý nghĩ của mình, trong khi Bắc Kỳ thì lại khách sáo, ưa màu mè… trong lòng muốn lắm nhưng ngoài mặt cứ giả vờ như không.

Lời ca của dòng nhạc bolero miền Nam rất bình dân, mộc mạc, dễ nhớ và cũng dễ hát. Đó là những lời chân thực từ trái tim, chẳng hạn như trong bài Duyên kiếp của Lam Phương, cô gái cất tiếng hát "Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao, biển rộng biết đâu mà tìm…" hoặc bài Quen nhau trên đường về của Thăng Long có câu "Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng...”.

Rõ ràng là nhạc sến không có triết lí cao siêu, mà toàn là những câu, những chữ mà ngay cả anh xích lô và chị "buôn thúng bán mẹt" ngoài chợ có thể hiểu được vì đó là những lời... “nghĩ sao nói vậy”: “Tại anh đó nên duyên mình dở dang, em nào mộng mơ quyền quý cao sang…” hoặc "Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau. Tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu...”.

Theo nhiều người, ca khúc Người yêu cô đơn của Đài Phương Trang là một bản nhạc “đặc sệt” chất sến. Nghe Chế Linh than thở, rên rỉ khiến có người nghe phải… rùng mình, rợn tóc gáy, nổi da gà: 

“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn / Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành / Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang / Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi… Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây / Tôi không hề trách đời hay giận đời mau đổi thay” (3).

Cũng trong Người yêu cô đơn được remix với tiết tấu nhanh hơn pha trộn những đoạn “nói lối” theo kiểu rap, ca sĩ Ken Nguyễn đã khiến bài hát bớt đi chất sến và dĩ nhiên là được nhiều người chấp nhận (4). 

Thế cho nên, sến hay không là còn tùy cách trình diễn của người hát chứ không phải “một khi bản nhạc đã sến thì ai hát cũng vẫn là sến”!  

Ở một thái cực tương phản, cái gọi là nhạc "sang" lại dùng những ca từ mà chính những người “trí thức” cũng không hiểu hết những gì mình hát. 

Mấy ai đã cảm nhận hết những câu hát đại loại như “Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi” hoặc “Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua”. 

Tôi nghĩ, ngay chính bản thân người nhạc sĩ khi viết những lời như trên sẽ lúng túng khi có người cắc cớ nhờ giải thích cho rõ!

Phạm Duy với ca khúc Giết người trong mộng là một trường hợp khác hẳn. Từ bài thơ Hành khất của Hàn Mặc Tử ông đã phổ nhạc thành một bài hát mang sắc thái “sắt máu”, lập đi lập lại những động thái “giết người”, “giết người đi”… để “trả thù duyên kiếp phũ phàng” và để trừng phạt kẻ “quên tình nghĩa phu thê”.  

Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?

Có lẽ không ai coi Giết người trong mộng là nhạc sến nhưng nhiều người vẫn không thoải mái khi phải hát những câu giết chóc từ đầu đến cuối bài hát. Bảo Giết người trong mộng là nhạc sang lại càng không đúng vì nó thiếu tư tưởng “hàn lâm” của một bản nhạc sang trọng.

Cũng cần phải nói thêm, miền Nam trước đây có tới hai dòng nhạc chính. Đầu tiên là Nhạc Vàng và tiếp đến là Nhạc Sến. Vào đầu thập niên 60, nhạc sĩ Phó Quốc Lân cho ra mắt ban Nhạc Vàng trên đài truyền hình Sài Gòn, ông cũng là tác giả những bản nhạc như Xuân ly hương, Hương lúa miền Nam, Mong ngày anh về, Vui khúc tương phùng…  

Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với tên gọi “Nhạc Vàng” như Hương Giang, Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, và Shotguns của Ngọc Chánh. Tại miền Nam, nhạc vàng khi đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu, có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của người lính chiến.  

Những tác giả với tên tuổi gắn bó với Nhạc Vàng phải kể đến Phạm Duy, Văn Phụng, Anh Bằng, Nguyễn Văn Đông… và thế hệ nhạc sĩ kế tiếp là Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trần Thiện Thanh… 

Đó cũng là thời của các ca sĩ như Thái Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Khánh Ly, Hà Thanh, Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Giao Linh, Thanh Lan, Hùng Cường và Mai Lệ Huyền…

Chế Linh hát nhạc “sến” hay “sang”?

Thời của Nhạc Vàng nổi bật với những ca khúc đã đi sâu vào tâm thức người miền Nam như Giọt mưa trên lá (Phạm Duy), Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)...

Ở Miền Bắc, dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, từ thập niên 1950 đã du nhập khái niệm "nhạc màu vàng" từ Trung Hoa và bị coi "là thứ âm nhạc lãng mạn, bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp hèn". Phong trào bài trừ "nhạc màu vàng" dưới thời Mao Trạch Đông cũng lan sang miền Bắc nên dòng nhạc tiền chiến thịnh hành trước năm 1954 cũng phải câm nín vì bị cấm.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, nhạc vàng gần như biến mất và thay vào đó là… nhạc "đỏ" của cách mạng. Thật ra thì nhạc vàng vẫn sống trong lòng người Sài Gòn qua những khúc hát nghêu ngao từ cửa miệng người dân, hoặc nghe trộm qua BBC, VOA hoặc nghe lén qua băng cassette còn sót lại sau chiến dịch “bài trừ văn hóa đồi trụy”.

Mãi đến khi bắt đầu thời kỳ Đổi Mới thì các loại nhạc vàng, nhạc sến mới dần dà được chính quyền “xét lại” và cho phổ biến một cách hạn chế, tùy theo tác giả và tác phẩm. 

Năm 1986, lần đầu tiên nhà nước cho ra danh mục 36 tác phẩm âm nhạc của Miền Nam trước kia nay được phép công khai trình diễn. Danh sách này sang thập niên 1990 thì bỏ, thay vào đó là danh sách nhạc cấm có liên quan đến người lính Việt Nam Cộng Hòa.  

Cơ quan văn hóa đề nghị cổ xúy nhạc xanh, tức nhạc trẻ của thời đại Đổi Mới, nhưng xem ra không thành công. Trong khi đó, số người nghe nhạc vàng ngày càng đông, không chỉ ở phía nam vĩ tuyến 17, ở hải ngọai mà cả ở miền Bắc, thậm chí còn theo chân người Việt đi lao động ở Liên Xô và Đông Âu vào thập niên 1980.  

Sang thế kỷ 21, những nhà kinh doanh và tổ chức ca nhạc trong nước đã thực hiện nhiều buổi trình diễn nhạc vàng, họ đưa ca sĩ từ hải ngoại về hát. Vào tháng 8/2010 hai ca sĩ mà tên tuổi gắn liền với nhạc sến là Hương Lan và Tuấn Vũ đã trình diễn những bản nhạc vàng ở Nhà hát Lớn Hà Nội suốt nửa tháng trời với giá vé lên đến 1,7 triệu mà mỗi suất vẫn kín chỗ.  

Ca sĩ Tuấn Vũ

Trong một bài phỏng vấn, “Vua Nhạc Sến” Vinh Sử đã lên tiếng: “Với tôi, không hề có “nhạc sến” mà chỉ có nhạc hay và nhạc dở mà thôi (đương nhiên nhạc hay mới có giá trị). Nếu từ "nhạc sến" là dùng để chỉ dòng nhạc dành cho giới bình dân thì tôi chịu lắm và tôi rất tự hào khi được rộng rãi quần chúng hát nhạc của mình”.

Theo nhạc sĩ Vinh Sử, ở Sài Gòn trước 1975, giới làm nhạc rất dễ kiếm tiền. Tiền tác quyền một bản nhạc có khi mua được cả một chiếc xe hơi, nhạc sĩ lại được "đặt hàng" tới tấp, do vậy mới nảy sinh ra loại "nhạc thị trường" được viết theo kiểu “mỳ ăn liền”. Đó chính là thời kỳ Vinh Sử tung ra các ca khúc như Nhẫn cỏ cho em, Yêu người chung vách, Trả nhẫn kim cương...  

Sau 1975, nhạc của Vinh Sử có "e" (air) nhạc dân gian, mang âm hưởng cổ nhạc, chẳng hạn như Tình ngoại, Bằng lòng đi em, Để tóc nàng ngủ yên, Qua ngõ nhà em, Làm dâu xứ lạ, Nhành cây trứng cá... Vinh Sử than thở: 

“Cái đẹp của quê hương mình sao mình lại không ngợi ca, tôn vinh mà lại dè bỉu là... "sến"? […] Tôi đã từng nói: "Bao giờ nước mình giàu, không còn người đạp xích lô, thợ hồ, ô sin... lúc đó tôi sẽ viết... nhạc sang!”  

Nhạc sĩ Vinh Sử

Có người lại quả quyết nhạc sến được khai thác từ cổ nhạc. Điều này tôi nghĩ không chính xác vì cổ nhạc, chẳng hạn như vọng cổ, viết theo ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cống), còn tân nhạc nói chung và điệu boléro nói riêng có đến 7 nốt (do, re, mi, fa, sol, la, si). Phải chăng kết luận như thế vì sự lầm lẫn khi nghe những bài “tân cổ giao duyên” nên cứ tưởng là phần tân nhạc lấy từ cổ nhạc (?).

Nếu nhạc sĩ Vinh Sử được phong tặng là “Vua Nhạc Sến” thì ngôi vị “Nữ Hoàng Nhạc Sến” chắc phải dành cho ca sĩ Hương Lan, con gái của kép cải lương Hữu Phước. 

Hương Lan vào nghề hát từ ngày hãy còn là “Em bé Hương Lan” và đã được rất đông người ngưỡng mộ với chất giọng miền Nam mượt mà, mùi mẫm. Tuy nhiên, cũng có những người không thích vì họ cho là cô chuyên hát dòng nhạc sến. Ca sĩ Hương Lan khẳng định: 

“Âm nhạc có nhiều dòng khác nhau: nhạc dân ca, nhạc trữ tình..., nhưng không có dòng nhạc sến. Tôi không biết những người hay dùng từ sến để chê một bài nào đó, họ có hiểu "sến" là gì hay không; hay cái gì không thích thì đều cho là "sến".

Cũng theo Hương Lan, “cải lương” là một loại hình nghệ thuật thì làm sao người ta có thể tùy tiện sử dụng “cải lương” như một tính từ mỗi khi muốn chê cái gì đó, chẳng hạn như “văn chương cải lương”, “ăn nói cải lương”… với ý dè bỉu, coi thường bộ môn nghệ thuật dân gian vốn có từ lâu của người Việt nói chung và người miền Nam nói riêng. Hương Lan thẳng thừng tuyên bố: 

“Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa. Nhưng đó là khán giả chê. Đáng buồn hơn, ngay cả người trong giới [ca nhạc] cũng nói như vậy. Các em [ca sĩ] dù có nổi tiếng đến đâu, hát nhạc sang thế nào thì cũng đừng nên coi thường các loại nhạc khác".

Ca sĩ Hương Lan

Có khoảng hơn 2.000 bài hát được sáng tác dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa tại miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Điều rõ ràng là không thể phân biệt được bài nào thuộc loại sến, bài nào thuộc loại không sến chứ chưa nói gì đến loại nhạc sang trọng theo kiểu hàn lâm.

Thiết nghĩ, sến hay sang còn tùy vào nhiều yếu tố bao gồm nhạc điệu, lời ca và kỹ thuật trình diễn. Ba yếu tố đó có tầm ảnh hưởng lẫn nhau vì không phải cứ điệu bolero hay rumba là bài hát trở thành sến, ca từ không phải cứ mộc mạc là thuộc dòng nhạc sến và người hát nếu chú ý đến phong cách biểu diễn cũng có thể biến một bản nhạc cứ tưởng như thuộc loại sến trở thành một ca khúc được người nghe chấp nhận. 

 

Nguyễn Ngọc Chính
Trích từ "Hồi Ức Một Đời Người"

*****

Chú thích:

(1) Họa sĩ Lê Trung sinh năm 1919 tại Châu Đốc. Ông là cựu sinh viên trường Mỹ nghệ Gia Định và trường Mỹ thuật Hà Nội. Lê Trung chuyên về chân dung, phong cảnh, tĩnh vật trên phấn màu và thủy họa.

Họa sĩ Lê Trung

(2) Cao Xuân Hạo (1930-2007) là một nhà ngôn ngữ học người Việt với nhiều đóng góp trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng Việt. Ngoài ra, ông còn là một dịch giả, giáo sư văn chương uyên bác.

Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng với giai thoại tự học nghe, nói và viết thành thạo tiếng Pháp chỉ từ việc chơi với một người bạn Pháp. Ông từng làm giảng viên ngôn ngữ học, khi đó ông đảm nhận phần lớn công việc dịch sách và hiệu đính các sách dịch tại bộ môn ngôn ngữ học, tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.  

Ông nổi tiếng cả với tư cách nhà ngôn ngữ học và dịch giả, và là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam. Giáo sư Cao Xuân Hạo từ trần ngày 16/10/2007 tại Sài Gòn sau hai tuần nằm bệnh từ một cơn đột quỵ.

Tác phẩm của Cao Xuân Hạo về ngôn ngữ học:
Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998)
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt (Nhà xuất bản Trẻ, 2001)
Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng. (Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Công ty văn hóa Phương Nam, 2006).

Truyện dịch:
Người con gái viên đại uý (truyện 1959)
Chiến tranh và hòa bình (tiểu thuyết 1962)
Truyện ngắn Goócki (1966)
Con đường đau khổ (tiểu thuyết 1973)
Tội ác và hình phạt (tiểu thuyết - xuất bản năm 1983 với tên Tội ác và trừng phạt do BTV tự ý sửa)
Đèn không hắt bóng (1986)
Papillon (1988)
Nô tỳ Isaura (tiểu thuyết 19??).

Giáo sư Cao Xuân Hạo

(3) Người yêu cô đơn, Chế Linh hát:

(4) Người yêu cô đơn, Ken Nguyễn hát:


Cái Đình - 2015