Lê Hữu


Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (ngồi) chụp tại tư gia của ông năm 2014
cùng các ca sĩ Giao Linh, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc, Kim Anh, Michael, nhạc sĩ Trần Quốc Bảo

(Hình do nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả hai tình khúc nổi tiếng “Chiều Mưa Biên Giới” và “Sắc Hoa Màu Nhớ”, đã qua đời ngày 26/02/2018 tại Sài Gòn, vào tuổi 85.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh năm 1932 tại Sài Gòn. Ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp với việc theo học trường Thiếu Sinh Quân và chấm dứt đời lính ngày 30/04/1975 với cấp bậc đại tá, Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Phó, bộ Tổng Tham Mưu. Từ khi còn trong trường Thiếu Sinh Quân, ông đã là một thành viên của ban quân nhạc TSQ và đã viết “TSQ Hành Khúc” cho trường.

Ông viết nhạc với nhiều chủ đề và dưới nhiều tên khác nhau. Trong gần 100 bản nhạc nổi tiếng do ông sáng tác, người ta biết nhiều đến những tình khúc viết về tâm tư của lính, với tên thật. Bút hiệu nổi tiếng thứ hai, Phượng Linh, được ông dành cho những bản tình ca ướt át hơn, trong hơn 20 bản này những bản nổi tiếng nhất là “Thầm Kín” và “Thương Muộn”. Ca sĩ trình bày nhạc tình của ông tuyệt vời nhất là Hà Thanh.

Ông là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, là Trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian. Ngoài nhạc, ông đã là đạo diễn cho hơn 50 vở tuồng.

Sau biến cố tháng 4/75, ông bị đi học cải tạo 10 năm, sau đó ông quyết định ở lại Việt Nam, ngưng hẳn mọi sáng tác và hạn chế việc giao thiệp.

Để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa này, chúng tôi giới thiệu đến các bạn đọc bài viết dưới đây của Lê Hữu, trích từ tác phẩm “Âm Nhạc Một Thời”, xuất bản năm 2011. Trong bài chúng tôi cũng dẫn thêm một số link để quí vị có thể nghe một số bản nhạc ông viết về lính.

BBT caidinh.com

******

Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông

Anh như ngàn gió
ham ngược xuôi theo đường mây…

     (“Mấy dặm sơn khê, Nguyễn Văn Ðông)

Hôm ấy tôi còn nhớ, một chiều hè năm 1969, chúng tôi ngồi ở một quán nước quen dọc bờ biển Nha Trang. Bên cạnh tôi là H., người bạn học cũ. Ðã lâu lắm chúng tôi mới gặp lại nhau kể từ ngày rời xa mái trường cũ ở một thị trấn miền cao nguyên đất đỏ. H. cho biết anh sắp sửa nhập ngũ, thì giờ rảnh rỗi như thế này sẽ chẳng còn được bao lâu nữa. Anh có người yêu ở thành phố biển này. Tôi thì vẫn lang thang trên sân trường đại học, tấm giấy chứng chỉ hoãn dịch trong tay vẫn còn hiệu lực.

Trên mặt bàn là những chai bia đã cạn và câu chuyện cũng đến lúc cạn đề tài. Chúng tôi ngồi im lặng, cùng phóng tầm mắt nhìn ra vùng biển bao la trước mặt, chờ mặt trời lặn để ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi biển trong lúc tiếng nhạc bập bùng vọng ra từ một góc quầy.

Người đi giúp núi sông
hàng hàng lớp lớp chưa về
hàng hàng nối tiếp câu thề
giành lấy quê hương

“Bài gì vậy?” H. quay sang tôi, hỏi.

“‘Hàng hàng lớp lớp’,” tôi trả lời.

“Tên gì lạ vậy?”

“Gọi tắt là vậy,” tôi cười, “tên đầy đủ là ‘Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp’.”

H. lặng thinh, có vẻ chăm chú lắng nghe. Lời ca tiếng nhạc khi réo rắt, khi trầm bổng…

Còn đây đêm cuối cùng
nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em

“Giọng Hà Thanh phải không?” H. lại hỏi. “Còn giọng nam?”

“Hùng Cường.”

“Thiệt sao?” giọng hỏi thoáng chút ngờ vực.

Tôi hiểu, anh bạn tôi đâu biết rằng, ngoài những bài “tủ” như “Vọng ngày xanh” (Khánh Băng), “Ông lái đò” (Hiếu Nghĩa), “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn)…, ca sĩ Hùng Cường–một nghệ sĩ cải lương khá nổi tiếng thời ấy–với chất giọng ténor khoẻ khoắn, còn hát rất “tới” một ít bài tân nhạc khác nữa, đặc biệt là những bài của Nguyễn Văn Ðông.

Bài hát chúng tôi đang nghe là của Nguyễn Văn Ðông.

Anh bạn tôi đã nương theo câu hát ấy mà đi vào cuộc chiến. Anh đã nhập vào “hàng hàng lớp lớp” những đoàn người “nối tiếp câu thề giành lấy quê hương”.

Mùa hè năm sau, tôi cũng “lên đường nhập ngũ tòng quân”, nghĩa là chỉ sau anh bạn H. một năm. Bạn bè tôi kẻ trước người sau lục tục vào lính. Chiến cuộc ngày càng leo thang, ngày càng trở nên khốc liệt…

H., anh bạn cùng ngồi với tôi buổi chiều ấy, cùng nghe với tôi bài nhạc ấy, cùng ngắm nhìn với tôi cảnh hoàng hôn trên bãi biển ấy, đã không còn nữa. Anh đã nằm sâu dưới lòng đất. H. đã hy sinh trong chiến trận ít năm sau đó, như biết bao người lính khác, như hơn một nửa bạn bè tôi đã nằm xuống trên khắp các mặt trận trong cuộc chiến nghiệt ngã ấy. Chiến tranh như con quái vật khổng lồ đã nuốt chửng bao nhiêu bè bạn tôi, anh em tôi.

Ðã nhiều năm, nhiều năm trôi qua, hình ảnh một chiều nào biển xanh cát trắng và những câu hát của Nguyễn Văn Ðông giữa biển trời mênh mông vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi, mặc cho những lớp sóng của thời gian như từng đợt sóng biển cứ “hàng hàng lớp lớp” xô nhau, xô nhau tràn mãi vào bờ, rồi lại rút xuống trong con nước thủy triều của buổi hoàng hôn.

Người lính Nguyễn Văn Ðông

Anh bạn tôi khi còn sống đã thích bài nhạc ấy vì hai lẽ: thứ nhất, đấy là một bài nhạc lính khá hay, gợi nhiều cảm xúc; thứ hai, nội dung bài hát khá “hợp tình hợp cảnh” đối với anh ta vào lúc ấy.

Chỉ nghe cái tựa thôi, “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”, người ta cũng biết được rằng đấy là bài tình ca viết về lính, viết cho lính.

Người đi giúp núi sông / hàng hàng lớp lớp chưa về… Không chỉ là “chưa về”, trong số “hàng hàng lớp lớp” những “người đi giúp núi sông” ấy, đã có biết bao người đi không về, không bao giờ về lại nữa. Trong số những người đi mãi không về ấy có anh bạn của tôi, người “yêu” câu hát ấy của Nguyễn Văn Ðông, trong lúc tôi và những người lính khác, những chiến hữu, những bè bạn của anh, đã may mắn hơn anh, đã sống sót trở về sau cuộc chiến; và hơn thế nữa, đã được định cư trên miền đất tự do này để nhớ về những đồng đội cũ đã hy sinh hay còn ở lại trong nước, kéo dài cuộc sống lây lất, âm thầm của những người lính già trong buổi hoàng hôn của đời người.

Trong số những người lính vẫn còn ở lại trong nước ấy có người lính Nguyễn Văn Ðông, tác giả “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”. Ông hiện sống ở Saigon, và hầu như không còn viết nhạc nữa. Ðiều này không có gì lạ, đối với một nhạc sĩ vốn sở trường và khá nổi tiếng về những bài “nhạc lính”. Không chỉ vì chiến tranh đã đi qua, tình trạng đất nước hiện nay chắc không phải là môi trường thuận lợi giúp ông tìm lại được nguồn cảm hứng để tiếp tục sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh trưởng tại Saigon (nguyên quán thuộc tỉnh Tây Ninh). Ngay từ thời niên thiếu, năm 14 tuổi, ông đã có cơ hội học hỏi về âm nhạc từ các giáo sư người Pháp trong thời gian năm năm theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Ðây cũng là nơi ông sáng tác ca khúc đầu tay, “Thiếu Sinh Quân hành khúc”, năm 16 tuổi, được trường chính thức công nhận và sử dụng làm bài “đoàn ca” trong các sinh hoạt tập thể. Ông vừa là thành viên của dàn quân nhạc gồm trên 40 “nhạc sĩ” thiếu niên, từng thi thố tài năng qua nhiều buổi hòa nhạc do một nhạc trưởng người Pháp điều khiển trong các lễ duyệt binh long trọng, vừa là thành viên trong ban nhạc nhẹ của trường, sử dụng thuần thục nhiều nhạc cụ như kèn, trống, mandoline, guitare hawaïenne.

Ngoài sự nghiệp sáng tác, những nét chính về hoạt động âm nhạc có thể kể ra được của chàng nghệ sĩ “tay súng, tay đàn” Nguyễn Văn Ðông:

Từ năm 1958, là Trưởng Ðoàn Văn Nghệ Vì Dân (với sự góp mặt của các nghệ sĩ và ca nhạc sĩ tên tuổi, như Kiều Hạnh, Kim Cương, Khánh Ngọc, Minh Diệu, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, Quách Đàm, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Thu Hồ, Hoài Linh, vũ sư Trịnh Toàn…).

Cũng từ năm 1958, là Trưởng ban nhạc Tiếng Thời Gian của đài phát thanh Saigon, quy tụ các ca nhạc sĩ quen thuộc thuở ấy như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Tâm Vấn, Minh Diệu, Hà Thanh, Anh Ngọc, Quách Đàm, Mạnh Phát, Thu Hồ, Trần Văn Trạch… (Từ năm 1962, được tăng cường thêm các ca sĩ Thái Thanh, Thanh Thúy, Minh Tuyết, Duy Khánh, Nhật Trường, Thanh Vũ, Hùng Cường… và ban nhạc Y Vân).

Từ năm 1960 đến 1975, cùng người bạn là Huỳnh Văn Tứ, một nhà doanh nghiệp ở Saigon, đứng ra thành lập các hãng dĩa và băng nhạc Continental Sơn Ca (được sự cộng tác của các nhạc sĩ tân và cổ nhạc Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Y Vân, Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm…), gửi đến giới yêu nhạc nhiều chương trình âm nhạc chọn lọc. Ðây cũng là trung tâm băng, dĩa nhạc đầu tiên thực hiện một số album nhạc cho các ca sĩ. Một số ca sĩ trong làng ca nhạc trước năm 1975 như Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, Hà Thanh… đã “thành danh” nhờ vào sự hướng dẫn và giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Nghệ Thuật của các hãng dĩa này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sử dụng các bút danh Vì Dân, Phượng Linh, Phương Hà... cho các thể loại và chủ đề nhạc khác nhau. Ít người được biết, với các bút danh trên, ngoài những sáng tác về tân nhạc, ông còn viết nhạc nền cho trên 50 vở tuồng cải lương thuộc loại “kinh điển” ở miền Nam như “Mưa rừng”, “San hậu”, “Nửa đời hương phấn”, “Sân khấu về khuya”, “Tiếng hạc trong trăng”… và hàng trăm chương trình “tân cổ giao duyên”, một hình thức “phối hợp nghệ thuật” giữa tân và cổ nhạc khá phổ biến trong đại chúng vào thời ấy.

“Ðoàn Văn Nghệ Vì Dân” trong một chuyến lưu diễn tại Ðồng Tháp Mười (dưới chân Tháp Mười Tầng, Gò Tháp, một địa danh lịch sử) ngày 11 & 12/4/1959

– Hàng đầu, từ trái sang phải: Trần Ðô (chuyên viên sân khấu); nghệ sĩ Kiều Hạnh (thân mẫu của ca sĩ Mai Hương); tam ca nhi đồng Phước Vân, Bích Vân, Ngọc Vân (và một em bé tập sự); nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, trưởng đoàn (có dấu “X”); bà kịch sĩ Ba Vân; ca sĩ Khánh Ngọc; ca sĩ Minh Diệu; nghệ sĩ Trần Văn Trạch; vũ sư Trịnh Toàn; ca sĩ Mai Ly; nhạc sĩ Mạnh Phát; diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim; các ca sĩ Kim Lan, Kim Oanh.

– Hàng thứ nhì, từ trái sang phải: Anh Việt (chuyên viên ánh sáng); Trần Quang, Trần Thịnh, Trọng Tuyến (các chuyên viên âm thanh); nghệ sĩ Ba Vân; các ca sĩ Ngọc Quang, Thanh Nguyên; nghệ sĩ Bảy Xê; nhạc sĩ Minh Kỳ; nhạc sĩ Thu Hồ; nghệ sĩ Quách Ðàm; nhạc sĩ Hoài Linh. Các hàng sau là tài xế, nhân viên an ninh…

“Là chàng trai trẻ độc thân,” ông nói, trả lời một câu phỏng vấn, “với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến ấy…” (1)

Sau những “bước nhẹ tênh” ấy là cánh cửa mở rộng cho “chàng trai trẻ độc thân” Nguyễn Văn Ðông đặt những bước chân đầu tiên lên “đoạn đường chiến binh”, để từ đó dấn thân vào cuộc sống mới đầy hứng thú, đầy sôi động và cũng đầy ý nghĩa trong suốt những năm dài quê hương chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Chàng lính trẻ ấy từng phục vụ tại các đơn vị tác chiến, từng đóng quân tại các vị trí được xem là “điểm nóng” của các cuộc giao tranh, như: chiến khu Ðồng Tháp Mười, vùng Tam Giác Sắt…, từng tham dự những trận chiến khốc liệt tại các địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái (Tân Thành)…, từng được ân thưởng nhiều huy chương về các chiến tích, trong đó có Bảo Quốc Huân Chương là huân chương cao quý nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Hầu như khắp bốn vùng chiến thuật, nơi đâu cũng in hằn dấu chân người lính Nguyễn Văn Ðông (đúng như “Mấy dặm sơn khê”, tên một bài nhạc khá nổi tiếng của ông). Ông đã cầm súng chiến đấu vì yêu quê hương này, vì yêu dân tộc này. Ông đã yêu đời lính như yêu mảnh đất này, như yêu những đồng đội, như yêu người mình yêu… Hình ảnh người lính chiến thể hiện qua dòng nhạc của ông xem ra cũng không khác gì lắm với hình ảnh “người lính Nguyễn Văn Ðông”, cũng “áo anh mùi thuốc súng”, cũng “ngược xuôi theo đường mây”, cũng “tóc tơi bời lộng gió bốn phương”. (Ông không phục vụ ở Cục Tâm Lý Chiến như nhiều người vẫn lầm tưởng)… Mặc dầu không hề “tơ vương khanh tướng” vì “người đi giúp nước nào màng danh chi”, nhưng do lòng “tận trung báo quốc” qua các thành tích chiến đấu và phục vụ, ông cũng đã leo dần lên mãi những nấc thang binh nghiệp với chức vụ sau cùng là sĩ quan tham mưu cao cấp Bộ Tổng Tham Mưu. Có lẽ Ðại tá Trần Văn Trọng (nhạc sĩ Anh Việt, tác giả “Bến cũ”, “Thơ ngây”…) và ông được kể là những người lính có cấp bậc cao nhất trong số các nhạc sĩ phục vụ trong quân ngũ.

Sau “ngày tàn chiến cuộc” năm 1975, như số phận của “hàng hàng lớp lớp” sĩ quan kẹt lại ở trong nước, ông đã phải lầm lũi đi vào những trại tập trung, những lò cải tạo (Suối Máu, Chí Hòa) để trả giá cho các thành tích trong quân ngũ và trong hoạt động âm nhạc.

Không rõ ông đã “học tập” được những gì, có điều là cơ thể ông đã “tiếp thu” đủ thứ mầm bệnh trong những năm “cải tạo” ấy khiến sức khỏe ông có lúc suy kiệt đến trầm trọng. Chứng phong thấp, căn bệnh quái ác, đã khiến các đốt xương ngón tay của ông sưng tấy lên, các ngón tay co quắp đến gần như không còn cử động được nữa.

Anh xem này,” ông nói với người bạn “tù cải tạo” ở cùng trại Suối Máu, giọng bùi ngùi. “Bàn tay tôi như thế này là coi như ‘phế bỏ võ công’ rồi, làm sao còn chơi đàn được nữa!

Tay đã thế, chân lại càng tệ hơn, các khớp xương đầu gối biến dạng và đau nhức đến mức ông phải nằm điều trị nhiều năm trong các bệnh viện ở Saigon trước khi rời bỏ đôi nạng gỗ để đi đứng bình thường được trở lại.

Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn
Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn

Như là câu hát trong bài “Về mái nhà xưa” của ông, sau đúng mười năm “học tập cải tạo” (ông được thả về đầu năm 1985), tác giả bài nhạc ấy đã về lại sau cuộc chiến, về lại sau những năm đọa đầy, về lại với một thân xác đầy tật bệnh, với một tâm hồn đầy thương tích. Xa lạ trước cuộc sống mới, trước một xã hội có lắm đổi thay sau cuộc bể dâu, ông bày tỏ lòng hối tiếc về những năm dài lãng phí, không tìm lại được nguồn cảm hứng nào cho hoạt động âm nhạc cũng như không đóng góp được chút gì có ý nghĩa cho đời. Ðối với con người nghệ sĩ tài hoa, đầy sức sáng tạo, và có thói quen làm việc không ngưng nghỉ, không mệt mỏi như ông thì, nói như ông, đấy quả là một sự “hối tiếc vô bờ”.

“Tại sao ông không xin định cư ở nước ngoài trong lúc có đủ điều kiện của người tù cải tạo?” Trả lời câu hỏi này, ông cho biết, “Do những căn bệnh ngặt nghèo tưởng như ‘hết thuốc chữa’ và do tinh thần suy sụp đến tột cùng, có lúc tôi đã nghĩ rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Vì thế, tôi chẳng còn thiết tha bất cứ chuyện gì, chỉ muốn từ bỏ tất cả để cho tâm trí được thảnh thơi ở cuối đời.”

Vậy mà, nhờ “thần dược” hay nhờ… phép lạ, ông vẫn sống sót được đến ngày hôm nay. Vợ chồng ông có một cửa hàng tạp hóa nhỏ (nơi gia đình ông cư ngụ), là nguồn thu nhập chính cho “kinh tế gia đình”. Tuy sức khoẻ có sa sút, tuy cuộc sống có chật vật, “người lính Nguyễn Văn Ðông” vẫn có lúc quên đi nỗi đau của riêng mình, vẫn có lúc để lòng mình nghiêng xuống những số phận rủi ro, những số kiếp hẩm hiu của bao người kém may mắn hơn mình. Những bản tin tôi đọc được ở trong, ngoài nước nói về các công tác cứu trợ những mảnh đời rách nát, những kiếp người lầm than, vẫn nhắc đến bàn tay nhân ái, trái tim nhân hậu của người lính, người nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông.

“Ðoàn Văn Nghệ Vì Dân” “Ðoàn Việt Nam” (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là Trưởng Đoàn), năm 1961, Saigon

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông (đứng ngoài cùng, bên phải) và các ca nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi thời ấy: Hoàng Thi Thơ, Lê Thương, Lê Mộng Bảo, Thu Hồ, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Út Trà Ôn, Trần Văn Trạch, Trịnh Toàn, Ngọc Phu, Bảy Xê, Ba Vân, Tùng Lâm, Phi Thoàn, Anh Sơn, Anh Lân, Quách Ðàm, Thúy Nga, Bạch Yến, Tuý Hoa, Tuý Phượng, Minh Diệu, Thẩm Thúy Hằng…
(Nhạc sĩ Lê Thương, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, Giám đốc nxb “Tinh hoa miền Nam”, và nghệ sĩ Út Trà Ôn là khách mời, không ở trong Ðoàn Vì Dân hay Ðoàn Việt Nam)

Nhạc Lính Nguyễn Văn Ðông

Nhạc lính, nói sao đi nữa cũng từng là “nhạc thời trang” ở miền Nam Việt Nam một thời nào. Loại nhạc thời trang “đặc biệt” này khá phổ biến và có tuổi thọ đo được bằng chiều dài của cuộc chiến tranh hai miền Nam-Bắc, nghĩa là kéo dài hơn bất cứ loại nhạc thời trang nào khác. Còn chiến tranh là còn nhạc lính, và nhạc này có lúc trở thành cực thịnh, là thời kỳ cường độ cuộc chiến gia tăng đến mức khốc liệt nhất.

Trong những năm dài chinh chiến ấy, có rất nhiều ca khúc khá hay viết về người lính và đời lính của một số tác giả ở trong và ngoài quân ngũ, ngợi ca tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh cao cả và thầm lặng của người lính chiến. “Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông” là một trong số ấy. Hơn thế nữa, nhạc lính của ông có những nét rất “riêng”, mang sắc thái đặc biệt, được rất nhiều người yêu nhạc (lính hoặc không phải lính) yêu thích.

Trong phạm vi nói về “nhạc lính” của Nguyễn Văn Ðông, những ca khúc quen thuộc của ông nhưng không kể là “nhạc lính” (đôi lúc được ông ký dưới những tên khác) sẽ không đề cập trong bài này hoặc chỉ nói sơ qua.

Những năm trước ngày chiến tranh kết thúc, ngoài những bài “chiến đấu ca” trong quân đội và những bài hát cộng đồng, có vẻ những bài nhạc đề cao lý tưởng, chính nghĩa, tinh thần chiến đấu và hy sinh của người lính ngày càng ít đi (trừ ít bài ngợi ca những tên tuổi cá biệt của người lính đã đền nợ nước, như “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” của Phạm Duy, “Anh không chết đâu em”, “Người ở lại Charlie” của Trần Thiện Thanh…). Không còn nghe thấy nữa những bài nhạc một thời làm nức lòng chiến đấu của người lính vì nước quên mình:

Khi nước nhà phút ngả nghiêng / em mơ người trai anh dũng
mang thân thế hiến giang san / chí quật cường hiên ngang
     (“Chiến sĩ của lòng em”, Trịnh Văn Ngân)

Em chúc cho chàng lập chiến công oai hùng
vang vang lời chiến thắng
muôn thu danh chàng lừng lẫy với núi sông
     (“Chàng đi theo nước”, Hiếu Nghĩa)

Anh đi mai về chiến thắng
khi súng quân thù thôi vang trên non sông
tươi thắm màu cờ / vui reo trên kinh thành

     (“Anh đi mai về”, Hoàng Nguyên)

Anh đi xây chiến thắng / dưới màu cờ quật cường
cho loài người hòa bình
     (“Dặn dò”, Thanh Châu)

Anh sẽ là anh đàn em nhỏ
là con của mẹ giữ quê hương
     (“Tình quê hương”, Ðan Thọ & Phan Lạc Tuyên)

Không quên lời xưa đã ước thề
dâng cả đời trai với sa trường
     (“Anh đi chiến dịch”, Phạm Ðình Chương)

Và ít bài nhạc khác như:

Nhạc Lính Nguyễn Văn Ðông, trong lúc ấy, trước sau vẫn dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, vẫn ngợi ca người lính chiến, vẫn đề cao lý tưởng và chính nghĩa cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam (mà không phải… “tuyên truyền tâm lý chiến”).

Nhạc Lính Nguyễn Văn Ðông không có những “tô son điểm phấn” cho đời lính kiểu “anh tiền tuyến, em hậu phương”, “người yêu của lính”… Trong những lời nhạc của ông không có những mộng mơ, lãng mạn kiểu “Anh là lính đa tình…” (“Tình lính”, Y Vân), hay “Ba-lô thay người tình yêu dấu…” (“Ai nói với em”, Minh Kỳ & Huy Cường), hay “Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới…” (“Những đóm mắt hỏa châu”, Hàn Châu), cũng không có những lời thở than hoặc cay đắng như “Nhiều đông lắm hạ nối tiếp đi qua / thiếu bóng đàn bà…” hay “Đến với tôi / hãy đến với tôi / đừng yêu lính bằng lời…” (“Kẻ ở miền xa”, Trúc Phương) vân vân… (Người viết chỉ nêu những khác biệt, không có ý bình phẩm).

Nhạc Lính Nguyễn Văn Ðông, như đời lính của ông, là cuộc chiến đấu gian khổ, là những lần xông pha trận mạc, là những cuộc hành quân không giống như là đi… picnic để “đem cánh hoa rừng về tặng em” (“Người yêu của lính”, Anh Chương), mà luôn kề cận những bất trắc, những hiểm nguy… Ở một đôi bài Nguyễn Văn Ðông, giai điệu có lúc gần gụi với nét nhạc phóng khoáng, mênh mang của Lâm Tuyền (tác giả “Tiếng thời gian”, “Khúc nhạc ly hương”, “Hình ảnh một buổi chiều”…). Lời nhạc Nguyễn Văn Ðông như có “khẩu khí” riêng, đôi lúc phảng phất cái khẩu khí đầy vẻ thi vị trong thơ Quang Dũng, Thâm Tâm hoặc trong… “Chinh phụ ngâm khúc”, tạo nên sắc thái đặc biệt tiêu biểu cho dòng nhạc lính của ông. Có thể nói, Nguyễn Văn Ðông là một trong những nhạc sĩ sử dụng sớm nhất những từ ngữ “đường mây”, “sơn khê”, “giang đầu”, “khanh tướng”, “sa trường”, “biên thùy”, “khu chiến”, “tang bồng”, “hội trùng dương”… Những từ ngữ khá cổ điển nhưng qua nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thích ứng, lại đặc biệt có vẻ phù hợp với chất “lính tráng”, làm dậy lên những cảm xúc rất “lính”, khiến nhạc lính Nguyễn Văn Ðông như có một “khí hậu” riêng, mang mang thi vị của hơi thơ cổ, đồng thời nhuốm vẻ hùng tráng và lãng mạn như bức họa đẹp và buồn của một “thuở trời đất nổi cơn gió bụi” (2).

Anh như ngàn gió / ham ngược xuôi theo đường mây
(“Mấy dặm sơn khê”)(Hùng Cường) ===> Nghe bản nhạc này

Ngoài mưa khuya lê thê / qua ngàn chốn sơn khê
(“Mấy dặm sơn khê”)” (Hà Thanh) ===> Nghe bản nhạc này

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?
(“Chiều mưa biên giới”)

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
(“Chiều mưa biên giới”)

Thương mầu áo gửi ra sa trường
(“Chiều mưa biên giới”) (Trần Văn Trạch) ===> Nghe bản nhạc này

Chốn biên thùy này xuân tới chi?
(“Phiên gác đêm xuân”) (Elvis Phương) ===> Nghe bản nhạc này

Xưa từ khu chiến về thăm xóm
(“Sắc hoa màu nhớ”) (Thanh Tuyền) ===> Nghe bản nhạc này

Lòng này thách với tang bồng
(“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”) ( Hà Thanh) ===> Nghe bản nhạc này

Hội trùng dương hát câu sum vầy
(“Hải ngoại thương ca”) (Hà Thanh) ===> Nghe bản nhạc này

“Đường mây” chẳng hạn (trong “đường mây chân núi xa…” hay “ngược xuôi theo đường mây…”) là từ ngữ cũ, rất cũ, từ thuở… “Chinh phụ ngâm khúc” (Sứ trời sớm giục đường mây…), khi được đưa vào lời nhạc Nguyễn Văn Ðông, lại như có vẻ “mới” và nghe rất “lính”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí trước năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cho biết ông chịu ảnh hưởng ít nhiều nền văn hóa Pháp trong các sáng tác âm nhạc và nhắc đến tên vài bài nhạc cũ của những thập niên 1940’s, 1950’s như “J’attendrai”, “Ma Normandie”, “La vie en rose”…

“Lòng này thách với tang bồng…”

Người Lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông là lính trận, là lính tác chiến, là những người lính “áo anh mùi thuốc súng”, những người lính vừa trở về từ chiến trường lửa đạn.

Hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác viết về lính, nhạc Nguyễn Văn Ðông làm nổi bật lý tưởng của người quân nhân cầm súng chiến đấu. Mặc “ai công hầu, ai khanh tướng”, người đi vì lý tưởng đã vẽ lên những hình tượng đẹp, lãng mạn và đầy hào khí của những chàng Kinh Kha thời đại.

Người đi giúp núi sông
hàng hàng lớp lớp chưa về / hàng hàng nối tiếp câu thề
giành lấy quê hương

Người đi giúp nước nào màng danh chi
cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy
     (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
thì đường trần mưa bay gió cuốn / còn nhiều anh ơi!

     (“Chiều mưa biên giới”)

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (3), những chàng trai đất Việt nặng một lời thề, mang tổ quốc trên vai, mang tình yêu nước trong tim, hàng hàng lớp lớp theo nhau lên đường. Từng đoàn người tiếp bước những đoàn người đi viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc Việt.

Đời tôi quân nhân / chút tình gửi cho núi sông
     (“Sắc hoa màu nhớ”)

Nước non còn đó một tấc lòng
không mờ xóa cùng năm tháng
     (“Mấy dặm sơn khê”)

Đời dâng cho núi sông
Dù ngàn nắng lửa mưa dầu
lòng người nhất quyết không đầu / giành lấy mai sau
     (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Khi lòng đã “nhất quyết không đầu”, khi đời đã “dâng cho núi sông” thì… “Mẹ thà coi như chiếc lá bay” (4)

Mẹ hiền ơi chớ buồn vì con / nước non chưa tròn
     (“Lá thư người lính chiến”)

Chút tình riêng đành gác lại, vì tình nước sâu hơn tình lứa đôi.

Đường đi biên giới xa / Lòng này thách với tang bồng
Đừng sầu má ấy phai hồng / buồn lắm em ơi!…
Hỡi người anh thương / chưa trọn thề ước
Nhưng tình đất nước / ôi, lớn lao không đành lòng
dệt mối thắm riêng tư

     (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Vầng trăng xẻ đôi / vẫn in hình bóng một người
     (“Chiều mưa biên giới”)

“Chiều mưa biên giới” (sáng tác năm 1956 tại Đồng Tháp Mười, biên giới Việt-Miên), một trong những bài nhạc lính rất được yêu thích của Nguyễn Văn Ðông, là trường hợp khá đặc biệt. Bài hát nổi tiếng do hai sự kiện: thứ nhất, nhờ sự trình diễn thành công của nghệ sĩ Trần Văn Trạch qua các làn sóng phát thanh và truyền hình Paris, dẫn đến một hợp đồng thu thanh bài hát bằng hai thứ tiếng Việt, Pháp với một hãng dĩa lớn của Pháp (là việc chưa từng có trong lịch sử tân nhạc Việt thời bấy giờ); thứ hai, nhờ quyết định… cấm phổ biến của Bộ Thông Tin thời ấy, lý do là lời nhạc không thích hợp.

Tại sao cấm phổ biến? Tại sao “lời nhạc không thích hợp”? Nghe lại “Chiều mưa biên giới”, tôi không thấy có “vấn đề” gì đáng gọi là cấm kỵ. Có thể là những lời lẽ như thế này chăng(?):

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?…
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay?…

Người lính chiến… mất phương hướng, không biết sẽ đi đâu, về đâu! Hoặc những câu hát:

Kìa rừng chiều âm u rét mướt…
Một vùng mây nước cho lòng ai thương nhớ ai…

Cờ về chiều tung bay phất phới
gợi lòng này thương thương nhớ nhớ…

Người đi khu chiến thương người hậu phương…

Người lính chiến “nhìn trời hiu quạnh”, lòng còn vương vấn chút tình… riêng.

Nếu không phải vì những lời nhạc kể trên, có thể là do giai điệu u uẩn, man mác của bài nhạc dễ làm… nản lòng binh sĩ, làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân đội(!).

Những câu hát ấy, thực sự chẳng thấm tháp vào đâu so với những bài bản “phản chiến” những năm về sau này, phổ biến tràn lan một thời mà chẳng ai cấm cản nổi, như là “Tôi có người yêu chết trận Pleime…” (“Tình ca người mất trí”, Trịnh Công Sơn), “Quyết chối từ chém giết anh em…” (“Chính chúng ta phải nói”, Trịnh Công Sơn), hoặc “Anh trở về bại tướng cụt chân…” (“Kỷ vật cho em”, Phạm Duy & Linh Phương), “Ngày mai đi nhận xác chồng… / Anh lên lon giữa hai hàng nến chong…” (“Tưởng như còn người yêu”, Phạm Duy & Lê Thị Ý)…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nghệ sĩ Trần Văn Trạch và nhạc sĩ Lê Thương

“Chiều mưa biên giới” bị cấm phổ biến chỉ vì ra đời… sớm vài năm, trở thành một trong những bài nhạc đầu tiên được khoác cho cái tên gọi là “phản chiến”.

“Chiều mưa biên giới” trở thành bài nhạc lính tiêu biểu của Nguyễn Văn Ðông, gắn liền với tên tuổi của ông, gắn liền với giọng ca Trần Văn Trạch, gắn liền với câu hát “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng / thì đường trần mưa bay gió cuốn / còn nhiều anh ơi!…” vừa mang tính “triết lý” về đời lính, vừa đượm vẻ… “lãng mạn Nguyễn Văn Ðông”.

Nghệ sĩ Trần Văn Trạch trong trang phục Tây Nguyên, hát “Chiều mưa biên giới” tại đài truyền hình Pháp (1961)

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông

“Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
xếp bút nghiên theo việc đao cung” (2)

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc luôn có những năm thái bình thịnh trị và những năm chinh chiến điêu linh. Khi vận nước ngả nghiêng, những chàng trai thời loạn đã hiến dâng tuổi trẻ, lên đường theo tiếng gọi của non sông, bỏ lại sau lưng những mộng ước chưa tròn… Hình tượng người lính chiến qua dòng nhạc Nguyễn Văn Ðông, ngoài lý tưởng, lòng yêu nước thương dân, tinh thần hy sinh và chiến đấu, vẫn không thiếu nét lãng mạn của “chí lớn chưa về bàn tay không, thì không bao giờ nói trở lại…” (4).

Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em
     (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên... 
     (Mấy dặm sơn khê)

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông đẹp tựa câu thơ cũ, “chàng từ đi vào nơi gió cát...” (2), câu thơ về những chàng trai, những người lính chiến ôm mộng hải hồ, bạn cùng sương gió. Trên khắp các nẻo đường đất nước, từ miền địa đầu giới tuyến đến những nơi đầu sóng ngọn gió, từ những tuyến đầu lửa đạn đến những tiền đồn heo hút xa xăm, nơi đâu cũng in hằn dấu chân người lính. 

Anh như ngàn gió / ham ngược xuôi theo đường mây
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương

     (“Mấy dặm sơn khê”)

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông đẹp tựa huyền thoại “trăng treo đầu súng” trong một “phiên gác đêm xuân” giữa vùng hành quân đồi núi chập chùng.

Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngỡ rằng pháo tung bay / ngờ đâu hoa lá rơi

     (“Phiên gác đêm xuân”)

Đêm nằm gối súng / chung ánh trăng
cho người này gợi nhớ thương người kia

     (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Câu hát gợi nhớ câu lục bát Nguyễn Du, “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.

Lãng mạn Nguyễn Văn Ðông không chỉ ở những bản tình ca gợi nhớ những mùa xuân thanh bình một thuở, như là “Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người… / Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá!” (“Nhớ một chiều xuân”), mà còn ở trong những câu hát của một mùa chinh chiến.

Trong khói lửa chiến tranh, bên cạnh những nỗi bất trắc, tình yêu vẫn nở hoa, như những đóa hồng vẫn nở bên những hầm hố và hàng rào kẽm gai. Vẫn có chút tình yêu làm quà tặng cho những người lính cầm súng chiến đấu, vẫn có những ánh mắt, “nụ cười xinh tươi” trong câu chuyện tình thời chiến, câu chuyện tình “người hùng và giai nhân”.

Còn đây giây phút này
còn nghe tiếng hát / nụ cười xinh tươi
còn trông ánh mắt / còn cầm tay nhau

     (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Tình yêu thường xen lẫn thân phận người lính xa nhà, xa người mình thương yêu. “Chàng thì đi cõi xa mưa gió / Thiếp lại về buồng cũ gối chăn”. (2) Một người đi, một người ở lại và những năm chờ tháng đợi mỏi mòn.

Một người gối chiếc cô phòng
còn người góc núi ven rừng / chân mây đầu gió

     (“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”)

Con đường đấu tranh gian khổ còn dài, những chuyến về thăm, những lần về phép, người lính chiến dừng chân trong chốc lát, rồi lại lên đường, lại miệt mài đi khi quê hương còn tiếng súng, khi máu xương còn rơi…

Anh đến thăm / áo anh mùi thuốc súng…
Anh đến đây / rồi anh như bóng mây…
Anh hỡi anh / đường xa vui đấu tranh

     (“Mấy dặm sơn khê”)

Tôi lại đi giữa trời sương gió
Mầu hoa thắm vẫn sống trong tôi

     (“Sắc hoa mầu nhớ”)

Người nghe đôi lúc bắt gặp đâu đó trong lời nhạc Nguyễn Văn Ðông những câu hát thật là đẹp.

Cầm tay nhau đi anh
Tơ trời quá mong manh

     (“Mấy dặm sơn khê”)

“Tơ trời”?… Là sợi nắng lung linh hay sợi mưa phùn giăng mắc? Tơ trời mong manh hay những phút giây gần nhau cũng mong manh như những sợi… tơ trời?

Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông vẫn có những phút để hồn mình lắng xuống, để lòng mình bâng khuâng vì một sắc hoa, một mầu áo…

Chiều hành quân nay qua lối xưa
giữa một chiều gió mưa / xác hoa hồng mênh mông…

Nhìn mầu hoa vừa tan tác rơi
Nhớ muôn vàn nhớ ơi! / Hát trong mầu hoa nhớ…
     (“Sắc hoa mầu nhớ”)

Và cuộc đời lính chiến, nhờ vậy, cũng sẽ đẹp thêm lên một chút.

Người Lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông không phải là “không có trái tim đắm say mộng mơ” (“Ai nói với em”, Minh Kỳ & Huy Cường). Những ước mơ của người lính thật đơn sơ và “trắng như mây chiều”.

Ước mong nhiều đời không (cho) bấy nhiêu
vì mơ ước trắng như mây chiều
     (“Phiên gác đêm xuân”)

“Mơ ước” gì vậy? Nếu không phải là nỗi ước mơ của những người đi đấu tranh để mang về mùa xuân mới cho quê hương.

Mong sao nước Việt đời đời
anh dũng oai hùng chen chân thế giới…

Người về đây giữa non sông này
Hội trùng dương hát câu sum vầy
Về cho thấy con thuyền nước Nam
đi vào mùa xuân mới sang
xa rồi ngày ấy ly tan

     (“Hải ngoại thương ca”)

 

“Người lính già không bao giờ chết”

“Hải ngoại thương ca” cũng là trường hợp đặc biệt khác, sau “Chiều mưa biên giới”. Không rõ động lực nào, hoàn cảnh nào đã khiến nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cho ra đời ca khúc ấy. Trước và sau ông hầu như chưa có nhạc sĩ nào viết về đề tài tương tự. Ðiều thú vị, các “cán bộ” văn hóa văn nghệ ở trong nước đã lầm tưởng “Hải ngoại thương ca” là “sáng tác mới” của Nguyễn Văn Ðông, đến lúc hiểu ra rằng đấy là bài nhạc cũ (1963), đã phải thốt lên, “Làm sao mà ở miền Nam ngày trước lại có bài nhạc hay đến như thế, lại phù hợp với hiện tình đất nước đến như thế!”

Cái “hay” trong lời ngợi khen ấy có thể hiểu là cái hay của nội dung bài nhạc được diễn dịch theo chiều hướng có lợi và phù hợp với “chính sách kiều vận”, với chủ trương “hòa hợp và hòa giải dân tộc” của “nhà nước ta” đối với “khúc ruột ngàn dặm” là cộng đồng người Việt ở nước ngoài, một “bộ phận không thể tách rời” của dân tộc. Cái “hay” ấy là cái hay của những câu hát được xem là thể hiện tâm tư tình cảm của bà con “Việt kiều yêu nước” trong những chuyến về thăm quê nhà.

Một mùa thương kết muôn hoa lòng
Người về đây nối câu tâm đồng…

Tôi đi giữa trời bồi hồi
Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa…

Người về đây giữa non sông này
Hội trùng dương hát câu sum vầy…

Không có gì ngạc nhiên khi các báo trong nước đưa tin “Hải ngoại thương ca” là một trong những bài đầu tiên được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa Thông tin nhanh chóng duyệt qua, trong số 18 ca khúc của Nguyễn Văn Ðông được phép lưu hành trong nước kể từ năm 2003. (Trong số, có vài ca khúc quen thuộc như “Nhớ một chiều xuân”, “Về mái nhà xưa”, “Thầm kín”, “Khúc xuân ca”, “Núi và gió”, “Trái tim Việt Nam”... Tất nhiên là không có những bài… nhạc lính).

Trong lúc “Hải ngoại thương ca” được viết với nhạc điệu Slow Rock khá thịnh hành giữa thập niên 1960’s, thể hiện tình cảm phấn chấn như những bước chân đi tới, như niềm tin phơi phới vào một vận hội mới về trên quê hương, “Mấy dặm sơn khê” có tiết tấu chậm rãi hơn, tình cảm sâu lắng hơn, phác họa nét đẹp của người lính ngược xuôi trên khắp các nẻo đường đất nước. “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” là bức tranh hoành tráng về đời lính được vẽ bằng những giai điệu, những khúc hát dạt dào tình nước, khi réo rắt, khi trầm bổng, khi lãng mạn như một khúc tình ca, khi hùng tráng như một khúc quân hành.

Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông từng được thể hiện qua những giọng ca khác nhau, từ Thái Thanh, Lệ Thanh, Hà Thanh, Khánh Ngọc, Hoàng Oanh, Lệ Thu, Khánh Ly… đến Trần Văn Trạch, Hùng Cường, Thanh Hùng, Duy Trác, Elvis Phương, Anh Khoa… và cả những ca sĩ “học trò” của ông. “Chiều mưa biên giới” phù hợp với chất giọng “nam bộ” và làn hơi ấm áp của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, trong lúc “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” lại phù hợp với chất giọng mềm mại, ngọt ngào của Hà Thanh quyện với giọng ténor vang lộng của Hùng Cường. Người nghe “Mấy dặm sơn khê” qua giọng hát Thái Thanh và Hà Thanh đều nhận ra mỗi giọng có cái hay riêng, có nét đẹp riêng trong cách thể hiện.

Hình tượng người lính chiến, khắc họa qua dòng nhạc Nguyễn Văn Ðông, như được “nâng” lên ở tầm mức cao hơn và đẹp hơn. Lý tưởng của những người trai anh dũng hiến thân vì tổ quốc như được tô đậm hơn, chính nghĩa của cuộc chiến đấu gian khổ của quân dân miền Nam như được soi sáng hơn. Người đời, qua đó, thấy yêu mến và gần gũi hơn những người lính, thấy cảm kích và ngưỡng phục những hy sinh cao cả và thầm lặng của người chiến binh vì nước quên mình. Không thể nào không cám ơn ông, cám ơn người nhạc sĩ đã gieo vào lòng người những mối cảm xúc sâu đậm, những ấn tượng đẹp và sắc nét về người lính và đời lính.

Chiến tranh đã đi qua, những bài nhạc lính như thế ngày nay ít còn được nghe hát, thế nhưng dư âm lời ca tiếng nhạc của một mùa chinh chiến ấy và hình tượng hào hùng của người lính chiến quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đọng lại mãi trong tâm tưởng biết bao người, như câu nói bất hủ của một danh tướng Hoa Kỳ, “Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ nhạt mờ đi thôi.” (“Old soldiers never die; they just fade away.” — Douglas MacArthur).

Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu giông tố dập vùi, “người lính già” Nguyễn Văn Ðông, ở độ tuổi gần 80, vẫn một niềm tin sắt son vào hồn thiêng sông núi, vẫn chưa mất niềm tin vào vận mệnh đất nước, vẫn còn nguyên vẹn trái tim chàng lính trẻ Nguyễn Văn Ðông – nặng trĩu tình quê, tình nước – của những ngày đầu bước chân vào đời quân ngũ.

Non nước ơi!
Hồn thiêng của núi sông / kết trong lòng thế hệ
nghìn sau nối nghìn xưa…

     (“Mấy dặm sơn khê”)

“Nghìn sau nối nghìn xưa”, những thế hệ tiếp nối những thế hệ, những bàn chân tiếp nối những bàn chân, rộn ràng theo nhau lên đường đi xây lại những ước mơ chưa thành tựu của những người đã nằm xuống cho một vận hội mới về trên quê hương.

“Mai sau dù có bao giờ” (5), nghe lại những khúc hát về người lính và đời lính, những khúc hát của một mùa nào ly loạn, hẳn người đời vẫn còn nhớ tới những người hùng tên tuổi hay những chiến sĩ vô danh, những người con yêu của tổ quốc, những người “nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây” (2), những người đã hy sinh cả máu xương, đã hiến dâng cả tuổi trẻ, cả những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người cho tình yêu đất nước.

“Chinh chiến đã qua một thì” (6), thế nhưng những bài hát về người lính anh dũng cầm súng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất quê hương, như những bài Nhạc lính Nguyễn Văn Ðông, mỗi lần nghe lại là mỗi lần nghe dậy lên một niềm kiêu hãnh, một nỗi tự hào về một thiên anh hùng ca của dân tộc.

Cám ơn anh, người lính già, người nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông.

.

Lê Hữu
(Trong sách “Âm Nhạc của Một Thời”)

___________________________________

(1) Trả lời phỏng vấn, Hoàng Lan Chi (đài phát thanh “Việt Nam hải ngoại”, WA. DC, 19/5/07)

(2) Chinh phụ ngâm khúc, Ðặng Trần Côn/Ðoàn Thị Ðiểm

(3) Tây tiến, thơ Quang Dũng

(4) Tống biệt hành, thơ Thâm Tâm

(5) Kiều, thơ Nguyễn Du

(6) Người về, nhạc Phạm Duy


Cái Đình - 2018