Trịnh Bình An


Ngọc Đan Thanh: cô gái ngọc với trái tim hồng

 

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
(Xưa nay hỏi có ai không chết?
Hãy để lòng son chiếu sử xanh)

 

Lấy chữ “đan” và chữ “thanh” trong  câu thơ của Văn Thiên Tường ghép lại sẽ được chữ “đan thanh”. Như một ngẫu nhiên định mệnh, cuộc đời của nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của câu thơ. Cùng nổi trôi theo vận mệnh đất nước, Ngọc Đan Thanh là một trong rất hiếm hoi những nghệ sĩ sân khấu đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Dân Tộc, cho Nghệ Thuật và cho Tự Do.

Không ai có thể phủ nhận Ngọc Đan Thanh là một nữ nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn, một viên ngọc quý lóng lánh trên sân khấu cải lương và thoại kịch. Thế nhưng, cũng không ai quên rằng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, cải lương nói riêng, nghệ thuật sân khấu nói chung, đã có nhiều nữ nghệ sĩ tài danh hơn như Bạch Tuyết, Thanh Nga, Lệ Thủy, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… cái tên Ngọc Đan Thanh vào lúc đó không đủ khiến khách hâm mộ kìn kìn kéo vô rạp. Vậy mà 40 năm sau, trong khi những tên tuổi kia dần đi vào quên lãng, hay chỉ còn là một vang bóng trong lòng người thưởng ngoạn, Ngọc Đan Thanh lại được nhiều người nhắc đến một cách hết sức trìu mến, thân thương; không những thế, dường như trong đó còn pha chút tự hào, hãnh diện.

Không hãnh diện sao được khi đất Việt đã có một người con tuyệt diệu như Ngọc Đan Thanh: có tài nhưng không kiêu căng, có sắc nhưng không sa đà, nhưng trên hết, là tấm lòng yêu nghề, yêu người hiếm có. Tình yêu ấy đã phát khởi rất sớm ở người con gái có tên Ngọc Huệ, khi cô quyết định gia nhập binh chủng Biệt Động Quân năm 1968. Dù không là lính xông pha lửa đạn, cô cũng phải dầm mưa dãi nắng, chấp nhận đánh đu mạng sống để đi phục vụ suốt ba năm ròng cho các chiến sĩ VNCH trên khắp các vùng chiến thuật.

Thật khó tưởng tượng từ khuôn mặt mềm mại và dáng vẻ với những nét “đan thanh”, người con gái ấy lại sở hữu một sự gan dạ ít thấy ở phụ nữ. Soạn giả cải lương Nguyễn Phương kể chuyện Ngọc Đan Thanh từng đóng phim kiếm hiệp có tựa đề “Báo Kiếm Rửa Hận Thù” do hãng phim Mỹ Ảnh thực hiện năm 1972. Để quay cảnh phi thân lên cây, cô phải làm động tác từ trên cao nhảy xuống để sau đó máy sẽ chiếu cảnh quay ngược lại. Ngọc Đan Thanh đã nhảy xuống từ một cành cây cách mặt đất trên bảy, tám thước. Dù bên dưới là nhiều thùng giấy carton rỗng, bên trên để hai tấm nệm mousse, nhưng làm được điều ấy ở một thiếu nữ chân yếu tay mềm là điều không hề dễ dàng. Soạn giả Nguyễn Phương khi hồi tưởng lại chuyện cũ đã phải thốt lên rằng: Mấy ai có thể diễn xuất “hiên ngang” như Ngọc Đan Thanh!

Sau năm 1975, Ngọc Đan Thanh, lại một lần nữa đánh đu số mạng, nhưng lần này là để vượt thoát, đi tìm tự do.

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử - Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

 

Những ngày tháng lênh đênh trên biển và cuộc sống bơ vơ trong trại tị nạn lại một lần nữa làm bùng lên tình yêu đồng bào và lòng dũng cảm của Ngọc Đan Thanh. Trong video phim tài liệu trên YouTube “Ngọc Đan Thanh Theo Cùng Mệnh Nước Nổi Trôi” của Vietnam Film Club, cô tâm sự rằng mình vốn được cha mẹ thương yêu nên khá yếu đuối, nhưng khi trực diện với hiểm nguy trong khi chung quanh có nhiều phụ nữ còn yếu đuối hơn, cô đã cố gắng vượt lên trên chính mình để chăm lo không chỉ cho người con mà còn cho những đứa trẻ khác nữa. Ơn trên đã ban cho Ngọc Đan Thanh một trái tim hồng, và nó ngày càng tỏa sáng.

Môi trường hải ngoại không hề dễ dàng cho những người nghệ sĩ Việt, nhất là những người thuộc thế hệ 60, khi tuổi tác tỉ lệ nghịch với khả năng, khi khán giả có thói quen chạy theo những khuôn mặt tươi trẻ. Ngọc Đan Thanh, dù vẫn giữ được chất giọng ngọt ngào, nhân dáng thanh tú với khuôn mặt trẻ hơn tuổi, vẫn không thoát khỏi quy luật tự nhiên. Thế nhưng, với tấm lòng tận tụy với nghệ thuật, với tình yêu khôn nguôi đối với khán giả, Ngọc Đan Thanh đã cùng nghệ sĩ Chí Tâm thực hiện chương trình “Tiếng Tơ Đồng” – một chương trình về cổ nhạc trên đài SBTN mỗi tuần đã đem lại những kiến thức quý báu về bộ môn nghệ thuật cải lương đặc sắc của Việt Nam.

Ngọc Đan Thanh và Chí Tâm - 2014

Ngọc Đan Thanh thường tự cười, rằng: “mình là người tham lam, cái gì cũng thích làm”. Nhưng chính nhờ cái tính “tham lam” ấy nên rất nhiều tổ chức, hội đoàn đã thực hiện được các hoạt động của mình một cách tốt đẹp hơn. Các đại hội Tri Ân Thương Phế Binh VNCH, các tổ chức từ thiện… đều được người nữ nghệ sĩ tận tình tham gia. Ngọc Đan Thanh còn là giọng đọc chính cho các bộ phim tài liệu của Vietnam Film Club, một giọng miền Nam ấm áp ngọt ngào nhưng có lúc đầy cương nghị như  tiềm tàng một tinh thần bất khuất của tổ tiên.

Sinh ra tại một nơi nghèo nàn nhất nhì Sài Gòn, nơi có tên là “Xóm Sở Rác”, nhưng Ngọc Đan Thanh vẫn luôn ghi nhớ lời khuyên “rác vẫn có thể làm nên bức tranh đẹp” . Thế nên, dù cuộc đời thường khi xấu xí, nhưng với sự chân thành và niềm tin yêu, người nữ nghệ sĩ ấy đã biến cuộc đời chính cô thành một bức tranh đẹp. Trong tranh là một người con gái thanh mảnh với mái tóc đen dài.  Ở nơi người con gái lấp lánh tỏa ra một miền ánh sáng trong trẻo, ấm áp của loài ngọc quý, phải chăng vì trong cô luôn luôn tiềm tàng một tấm lòng son sắt với đất nước, với con người.

Có người gọi Ngọc Đan Thanh là “hoa nở muộn” vì sự tỏa sáng của cô trong khi hầu hết những bạn đồng nghiệp đã lui vào hậu trường. Điều ấy không sai nhưng chưa thật đúng. Hoa nở rồi tàn, nhưng chất ngọc quý và tấm lòng son ở Ngọc Đan Thanh chưa bao giờ mất, mà mãi vẹn nguyên dù trải qua bao thăng trầm của đời người, nổi trôi của đất nước. Vì thế, xin được gọi người cựu chiến sĩ Biệt Động Quân-Ngọc Huệ, nghệ sĩ sân khấu-Ngọc Đan Thanh là: “Ngọc Đan Thanh: cô gái ngọc với trái tim hồng”.

 

Trịnh Bình An
Tháng Hai, 2015

_________

Tài liệu tham khảo thêm:

Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh

Ngọc Đan Thanh – Theo Cùng Mệnh Nước Nổi Trôi

Văn thiên tường & xế xảng [Tấu cầm đoản khúc]

Tâm sự cùng Ngọc Ðan Thanh

 

 


Cái Đình - 2015