Phạm Cao Phong
Đỗ Phượng Như, đôi cánh phượng dàn nhạc giao hưởng BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH: CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM. Nghệ sỹ piano Đỗ Phượng Như cùng cây đàn violon yêu dấu
Việt Nam tác thành những tài năng âm nhạc như Đỗ Phượng Như, Đặng Thái Sơn trên trường quốc tế kích thích sự tò mò trong tôi.
Câu hỏi vần vũ chắc không chỉ của riêng tôi, vì sao một đất nước chưa có một móng vững vàng cho nền âm nhạc bác học, chưa có tầng lớp khán giả say mê âm nhạc cổ điển lại có được những người con như vậy?
Dịp qua London hồi 2019, gặp lúc em đang bị đau tay, không chơi đàn được, nên lỡ chuyến đi trình diễn tại Tokyo, song Phượng Như vẫn hồn nhiên, vui vẻ:
- Hôm nay em khá hơn rồi anh ạ, chơi nhạc được 10 phút mà không đau đầu ngón tay nữa.
Em luôn sống với những cảm xúc của mình, cảm xúc của một nghệ sĩ bắt đầu những nốt nhạc đầu tiên với cha khi mới bốn tuổi rưỡi.
Là cây vĩ cầm bè một, bè chủ đạo của dàn nhạc, em phải luyện đàn 8 - 9h một ngày, phải vác đàn về nhà tập. Các cây vĩ cầm bè hai cùng đi lưu diễn, họ có thời gian thăm thú cảnh vật, ra biển, thả lỏng… Còn Phượng Như về phòng luyện cho buổi biểu diễn ngày mai.
Với em, cuộc đời của một “global trotter” với những thủ đô lẫy lừng, những ánh đêm kỳ ảo của những sàn diễn đầy mê đắm, những bó hoa khổng lồ… gần như không có trong câu chuyện em tâm sự với tôi.
Thời thơ ấu ngắn ngủi
Cô bé Phượng Như chào đời tám tháng sau một câu chuyện ly kỳ:
“Mẹ em kể năm 1972 máy bay B 52 của Mỹ ném bom phố Khâm Thiên, nhà em mất nhà nhưng bố mẹ may mắn thoát chết. Vì đêm đó bố đi thu thanh về muộn nên mệt quá, đến lúc nghe tiếng còi báo động bố mẹ lười, không ra khỏi nhà, chui vào gầm cầu thang chứ không xuống hầm trú ẩn như mọi khi.
Mẹ em nhớ lại là bom rơi gần tới mức mẹ chỉ cảm thấy hẫng đi rất lâu và ù tai khủng khiếp vì sức ép của bom...
Đến khi thoát được ra khỏi đống đổ nát bố mẹ mới nhìn thấy một quả bom đã rơi trúng căn hầm mà bố mẹ vẫn hay xuống...”
Người cha đặt cho em cái tên Phượng Như, mong con làm cánh chim Phượng duyên dáng. Song chắc ông không nghĩ rằng cuộc đời con gái mình cũng sẽ chìm nổi như con chim cao quý, hồi sinh từ đống tro tàn trong các truyền thuyết ?
Ông yêu con với tình yêu bất tận, ngày ngày đạp xe đưa Phượng Như đi học tận Dịch Vọng. Ngay khi đã lớn, Phượng Như lập gia đình, ông vẫn mua những đồ trang sức cho con gái, những món đồ mà các chàng trai yêu em không mua nổi.
Vợ ông – một vũ nữ ballet – cũng ấp ủ con trong tình yêu nghệ thuật. Bà truyền cho con gái nét thanh tao của một nghệ sĩ múa.
Em là lẽ sống, niềm tin của hai vợ chồng.
Thời ấu thơ đẹp nhất của em có lẽ chỉ kéo dài ngắn ngủi, những năm đầu, ngày hai buổi học đàn với cha.
Lên sáu, Phượng Như thi vào sơ cấp âm nhạc. Em thi trượt. Người cha ngỡ ngàng. Phượng Như trình diễn ba bản, trong khi các thí sinh khác chỉ chơi một bản.
Người cha bày tỏ nỗi bực dọc với bác ruột Phượng Như là nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991). Tác giả của những ca khúc tiền chiến, bản “Trưng Vương” ở tuổi 17, các ca khúc khác như: “Chim than”, “Lời cha già”, sau này là “Du kích sông Thao”, cũng không bênh cháu mù quáng.
Ông đưa cháu về nhà ở 65 Nguyễn Thái Học tự kiểm tra trình độ Phượng Như. Ông đánh piano nghe cháu hòa đàn, kiểm tra cách thể hiện, nghe những bản solo cháu gái trình diễn. Ông nói: “không ai có thể đánh trượt được cháu” và đến gặp Viện trưởng Nhạc Viện Hà Nội. Kết quả, Phượng Như được đặc cách đỗ vớt với một “suất dự bị”.
Bước chân ra các nhạc viện quốc tế
Năm 12 tuổi, Phượng Như được chọn là một trong ba sinh viên của Nhạc viện đi thi quốc tế Wieniausky tại Ba Lan. Phượng Như nhớ lại, đó là lần đi thi quốc tế đầu tiên của em. Phượng Như giành ngay giải Đặc biệt. Hai thí sinh cùng đoàn Việt Nam trượt ngay vòng đầu.
Em được thưởng một cây đàn violon cho thành tích cá nhân. Song, thầy cô cùng đi có những cái quên nghệ sĩ, “ân cần” giữ hộ món quà đến tận hôm nay, không trả lại cho cô bé.
Một năm sau, chuyên gia Liên xô sang Nhạc Viện Hà Nội chọn những mầm non âm nhạc để giúp bồi dưỡng nhân tài cho Việt Nam, cô bé Phượng Như “đỗ vớt” được chọn sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Bà chuyên gia dằn mặt những quan chức trong trường: “Tôi chọn cô bé này, không được đánh tráo đấy nhé!”
Những ngày học trên đất Nga của Phượng Như cũng như phổ trên nền bản giao hưởng đầy chiều sâu rung động, quằn quại thống khổ của bản Giao hưởng “Lacrymosa” (Giao hưởng “Nước mắt”- Mozart).
“Mới sang em khóc hu hu cả ngày anh ạ, nhớ mẹ, cái gì cũng phải tự lập. Mẹ em nghe em kể cũng nói với bố em, hay xin cho em về, sống một mình như thế thì nó chết.”
NGUỒN HÌNH ẢNH: CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM
'Mất đàn như gãy tay'
Cô bé Phượng Như mảnh dẻ như một con hạc gầy đang kéo đàn thì ba kẻ nói tiếng Việt đột nhập vào phòng, nói là em có thư của gia đình từ Hà Nội. Chúng bắt em trói lại, bịt băng keo vào miệng, nhét vào buồng tắm và cướp đi cây đàn của em.
Những bạn học, mà có nên dùng từ “bạn” ở đây không nhỉ, ghen tức tài năng của em, đứng sau sự việc đốn mạt ấy? Còn ai vào đây nữa?
Chẳng thể nào phũ phàng hơn. Cũng chẳng ai giúp em. Sứ quán Việt nam hay cảnh sát Nga đều bất lực. Họ đều có những bận tâm riêng. Ai màng đến một con bé con vô danh? Tất cả đều nói, các băng đảng người Việt bắt rễ sâu từ lâu, thành cáo cả rồi, khó bắt lắm.
- Họ chỉ điểm, bán đàn của em đi, họ được chia chác.
Cây đàn violon đối với người nhạc sĩ vĩ cầm như trái tim thứ hai, là linh hồn chia sẻ buồn vui với họ trọn vẹn phần đời.
- Em mất đàn thì em gãy tay!
Cô gái Phượng Như rời cha mẹ sang nước Nga xa xôi với giấc mơ vô định, chinh phục đỉnh cao âm nhạc ở tuổi 13 tuổi bắt đầu cuộc sống tự lập như thế.
- Sau đó một thời gian rất lâu em không dám chơi với một cây đàn đắt tiền nào. Mà cũng không có tiền để mua. Em cũng thu được một vài CD. Sau thấy không thể chơi như mình muốn với một cây đàn ngớ ngẩn. Nên cũng để tâm tìm một cây đàn chấp nhận được, với một cái giá em cũng chịu đựng nổi.
Phượng Như sống trong một môi trường thù nghịch như vậy, môi trường chằng chịt những mối liên hệ đổi chác, tàn ác, bất nhân, trong xã hội đen cả Việt lẫn Nga. Môi trường nhộn nhạo tạo ra những tỷ phú Việt Nam bây giờ, những người được tán dương, ca ngợi. Với số điểm 5+ tuyệt đối, Đỗ Phượng Như đã tốt nghiệp khóa thứ 130 của Nhạc viện Tchaikovsky.
- Cuối cùng một người bạn thân người Nga tìm được cho em một cây đàn cổ của Đức. Mà anh thấy buồn cười không, bạn em tên là Kalashnikov (tên nhà phát minh súng AK47). Cây đàn cũ lắm, không được giữ cẩn thận, vẹo vọ, như đánh rơi, hay ai ngồi lên nó. Kalashnikov trước cũng chơi vĩ cầm, nhưng cuối cùng quay ra làm nghề sửa đàn. Giá thành cây đàn cũng không nhiều. Bạn em nói, mua đi, tớ sửa cho cậu. Lúc đó em đang rất cần một cây đàn tử tế, vì lúc đó em đã đánh tứ tấu rồi.
Đó là một cây đàn Karl Smidt chế tạo vào cuối thế kỷ 19, thuộc hàng danh giá nhưng gãy vỡ tệ hại. Cây đàn rạn nứt, bị vỡ như có ai đó cố tình đập nát, chỗ lên dây cũng phải thay. Nó làm tôi liên tưởng đến số phận cây violon của Sa Hoàng Nicolas II, người đã bị giết cùng toàn thể gia đình năm 1917.
Bàn tay vàng của Kalashnikov trả lại cho cây đàn âm thanh tròn trịa, da diết như tâm hồn Nga, phù hợp với Phượng Như. Khổ nỗi, cây đàn là một cậu bé ốm lăn lóc tùy theo thời tiết. Mỗi khi lạnh cây đàn 200 năm tuổi co ro, tuột cả dây, trời hanh khô thì làm nũng kêu rè rè, trái gió, đổi mùa lại lừ khừ ốm.
- Cách đây 5 năm, bố em mới kiếm được cho em một cây đàn Ý mà em rất ưng. Ông mua lại từ gia đình một cha cố người Pháp.
Và Phượng Như dành dụm đủ tiền mua được một cây vĩ (archet) của nhà tạo archet người Pháp Charles Louis Bazin (1881-1953). Cây đàn trở thành người bạn đời tri kỷ thứ hai, đồng hành theo em đến bây giờ.
Tứ tấu 'Dominant'
Ở Việt Nam, đa số chỉ biết âm nhạc Nga qua Alla Pugacheva với giọng mezzo-soprano “Triệu triệu bông hồng”. Cao hơn thì tỏ ra biết mấy từ “Bolshoi Theatre”, dàn quân nhạc “The Alexandrov Choir”, hoặc “The Cranes Are Flying” (Đàn sếu bay qua).
Âm nhạc Nga có tứ tấu Borodin với Valentin Berlinsky (1925-2008). Ai yêu âm nhạc chắc hẳn đều biết tứ tấu di sản âm nhạc Nga này.
Bộ tứ tấu Borodin đã thực hiện hơn sáu trăm tour du lịch ở năm mươi bốn quốc gia, đạt một kỷ lục khổng lồ. Họ là những danh cầm chơi những hợp âm tiễn đưa Stalin và Prokofiev năm 1953.
Có bốn cô gái dám thách thức uy tín của tứ tấu Borodin ấy, với cái tên ban nhạc “Dominant”
Đó lại tên do bốn tên các cô gái ghép lại. Cây vĩ cầm đầu đàn đại diện ban nhạc với vần 'Do' (Đỗ Phượng Như), phía sau là các cô gái Ekaterina Pogodina-violon thứ hai, Anna Sazokina-viola, Tatiana Egorova-cello.
“Dominant” thành lập năm 1995, với Đỗ Phượng Như đã bướng bỉnh tạo ra thách thức cả về kỹ thuật biểu diễn lẫn trí óc người nghe. Và bốn cô gái đã thành công. Họ đã giành Giải nhất cuộc thi Tứ tấu cho đàn dây mang tên nhạc sĩ vĩ đại Shostakovich tại Saint Peterburg năm 1996.
“Dominant” được yêu mến và có chỗ đứng dưới ánh sáng mặt trời. Cây violon chủ đạo Đỗ Phượng Như được chào mời cho những vị trí danh giá nhất trong sinh hoạt nghệ thuật nước Nga bao la. Phượng Như là người nước ngoài đầu tiên có chân tại Hãng biểu diễn âm nhạc Giao hưởng Quốc gia Moscow (The Moscow State Philharmonic Society).
Thầy giáo violon của hai cô con gái tổng thống Nga Vladimir Putin là một danh cầm, cũng đồng thời là một doanh nhân có thế lực. Một mình ông có tới hai dàn nhạc thính phòng. Ông đề nghị trả cho Phượng Như mức lương rất cao, tương đương với chơi nhạc giao hưởng tại các nước Pháp, Anh, Đức. Những đại lộ công danh và vật chất mở rộng trước mắt Phượng Như.
Đỗ Phượng Như đã đoạt các giải thưởng quốc tế không đếm hết: Giải nhì cuộc thi quốc tế tại Đức (1990), Giải nhì cuộc thi quốc tế Kamo tại Paris (1991), Giải nhì cuộc thi Shato de Courcion tại Pháp (1993)…
'Chim Phượng' hạ cánh ở xứ sở sương mù
Đang yên đang lành thì Phượng Như phá ngang. Con chim đầu đàn rời nhóm, đi sang nước Anh theo tình yêu.
Cuộc phiêu lưu mới ở nước Anh sương mù bắt đầu bằng chuyện đi thử việc.
Giao hưởng Symphony Orchestra BBC chỉ chọn nhạc công 10 năm một lần, nếu đỗ, họ sẽ gắn bó với giàn nhạc cả đời, nên các cuộc tuyển chọn rất khắt khe. Phượng Như thi đỗ nhẹ nhàng trong cuộc thi tổ chức năm 2009.
Em trở thành cây vĩ cầm bè một của Symphony Orchestra BBC để thi thố với những danh cầm cự phách nhất thế giới mỗi mùa Proms.
'Proms' được định nghĩa theo Nhạc trưởng Giàn nhạc Giao hưởng Praha Jiří Bělohlávek là một “sự kiện âm nhạc quan trọng nhất, đồng thời dân chủ nhất trong thế giới âm nhạc cổ điển” có lịch sử từ năm 1895.
Bản tổng phổ viết cho những cây đàn violon khai mở có sự khác biệt hoàn toàn bản viết cho những cây violon khác. Đó là những cánh rừng đại ngàn, những cạm bẫy, những nắng và hoa, thiên nhiên và mầu sắc. Phần còn lại dành cho bè thứ hai là những cánh rừng đước chắn sóng, những thảo nguyên ngẩng đầu ngắm cánh đại bàng.
Tôi có hỏi Phượng Như, sao em chưa trở về biểu diễn ở Việt nam.
- Có một lần một bác Bộ trưởng Văn hóa nói muốn mời em về biểu diễn. Song đối tác Việt nam yêu cầu em phải trả tiền thuê thính phòng, tiền thù lao cho các nhạc công anh ạ. Em không đủ khả năng như thế. Em có thể bỏ tiền vé máy bay và biểu diễn cho bạn bè như về thăm nhà thôi.
Phượng Như gửi cho tôi bản “Dòng sông lơ đãng” em mới chơi. Đó là bản do nhạc sĩ Việt Anh sáng tác. Cả hai vốn là hàng xóm, ngày xưa thân nhau. Việt Anh bây giờ cũng đã trưởng thành, ra sống ở nước ngoài.
Phượng Như chơi bản đàn bằng chiếc violon ngạt mũi Karl Schmid. Chiếc đàn Ý em để trong két sắt ở London. Cấm di chuyển do đại dịch, nên em không đi lấy về được.
Tôi chìm ngập trong “ Dòng sông lơ đãng” ấy và nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được gặp cả Phượng Như và Việt Anh biểu diễn tại Việt Nam.
Không biết, đó có phải là một mong ước viển vông?
.
Phạm Cao Phong
Trích từ: www.bbc.com/vietnamese, 07.08.2021
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/amnhac/dophuongnhudoicanh.htm