Phạm Ɖình Lân


Chuyện những người viết quốc ca

Quốc ca của một nước là tiếng ca muôn thuở của hồn nước. Người soạn quốc ca phải có tối thiểu các điều kiện sau đây:

– lòng yêu nước dạt dào.

– sống và chứng kiến một giai đoạn lịch sử đặc biệt nào đó trong nước.

– buông thả hồn mình vào dòng lịch sử thăng trầm của đất nước.

Có như thế quốc ca mới hào hùng và sống động gây phấn khởi cho quốc dân.

Hầu hết những bài quốc ca đều là những bản nhạc yêu nước hùng tráng. Tác giả thường là nhạc sĩ hay thi sĩ hay nhạc sĩ phổ nhạc một bài thơ yêu nước, hùng tráng nào đó.

Chúng tôi xin chọn vài bài quốc ca trên thế giới trong đó có quốc ca Việt Nam để tìm hiểu chút ít về hoàn cảnh chào đời của quốc ca và thân phận của tác giả khai sinh ra chúng.

LA MARSEILLAISE

(1792)

La Marseillaise là quốc ca của Pháp ra đời năm 1792 trong thời kỳ cách mạng Pháp sắp sửa lật đổ chế độ quân chủ do dòng Bourbons đại diện. Ngục Bastille, biểu tượng của sự bắt bớ giam cầm bất công của chế độ quân chủ chuyên chính, bị phá vỡ ngày 14-7-1789. Ngày 14-7 (Quatorze Juillet) trở thành ngày Quốc Khánh của Pháp.

Khi cách mạng bùng nổ ở Pháp các vương quốc Âu Châu như Anh, Áo-Phổ, Nga tìm mọi cách bóp nghẹt cách mạng để cách mạng không có ảnh hưởng gì ở Âu Châu. Tháng 6-1792 vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette, người Áo, định vượt ra khỏi nước Pháp để được Áo- Phổ che chở. Vua và hoàng hậu bị bắt ở Varennes-en-Argonne và đưa về quản thúc trong điện Tuileries rồi giam ở Temple.

Quân Áo-Phổ bắt đầu tiến vào lãnh thổ Pháp. Pháp kêu gọi TỔ QUỐC LÂM NGUY. Sau cách mạng 1789 quân đội Pháp rất yếu vì thiếu chỉ huy. Dưới thời quân chủ chỉ có người quí tộc mới được học các trường võ bị để trở thành cấp chỉ huy quân đội. Sau cách mạng những vị này bị cách mạng ruồng bố. Một số khác bỏ nước ra đi. Trong cảnh hỗn độn và nhốn nháo sợ sệt, Claude Joseph Rouget de Lisle cho ra đời Chant de Guerre pour l’armée du Rhin (Chiến Khúc Ca của Quân Đoàn sông Rhin) gây phấn khởi cho người Pháp và quân sĩ Pháp. Bài hát được các chí nguyện quân Marseille ca ở Paris nên trở thành La Marseillaise. Từ năm 1795 đến 1799 La Marseillaise được xem là quốc ca của Pháp. Bài hát này đã giúp cho đoàn quân cách mạng ô hợp của Pháp đạt chiến thắng đầu tiên trước quân Áo-Phổ (Prusse) tại Valmy năm 1792.

Từ năm 1799 đến 1870 La Marseillaise không còn là quốc ca. La Marseillaise là quốc ca cách mạng. Nó không có ý nghĩa dưới chế độ Tổng Tài của tướng Napoléon Bonaparte, rồi hoàng đế Napoléon I, vua Louis XVIII, vua Charles X, vua Louis Philippe, hoàng đế Napoléon III.

Năm 1871 La Marseillaise trở thành La Marseillaise de la Commune (Khúc hát Marseillaise của Công Xã < Paris >). Công Xã Paris là chánh quyền Cộng Sản đầu tiên trên thế giới thời Đệ Nhất Quốc Tế Cộng Sản.

Năm 1875 Đệ Tam Cộng Hòa Pháp chào đời. Năm 1879 La Marseillaise trở thành quốc ca của Cộng Hòa Pháp.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến thời Đức chiếm đóng; thống chế Pétain lập chánh phủ thân Đức. La Marseillaise bị bãi bỏ và được thay thế bằng bài Maréchal Nous Voilà! Bài này được phổ biến từ năm 1941 đến 1944.

Năm 1944 nước Pháp được giải phóng. Thống chế Pétain bị đưa ra tòa lãnh án tử hình về tội phản quốc. Tướng De Gaulle, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống phát xít Đức, nghĩ đến công lao của ông Pétain trong trận đánh Verdun năm 1916 và tình nghĩa của cấp trên của ông trong đệ nhất thế chiến nên chuyển bản án tử hình thành bản án chung thân. Quốc ca La Marseillaise được phục hồi cho đến ngày nay.

****

Tác giả Chant de Guerre pour l’armée du Rhin tức La Marseillaise là Claude Joseph Rouget de Lisle (1760- 1836).

Claude Joseph Rouget de Lisle sinh năm 1760 ở Lons-le-Saunier, hạt Jura ở miền đông nước Pháp. Ông là kỹ sư công binh mang quân hàm đại úy. Khi ông đóng quân ở Strasbourg, Pháp tuyên chiến với Áo vì nước này lăm le xâm lăng Pháp để bóp nghẹt cách mạng hầu cứu vãn các nền quân chủ chuyên chế Âu Châu. Claude Joseph Rouget de Lisle là người yêu nước. Nhạc của ông là nhạc cách mạng, nhạc yêu nước giữa lúc gia đình ông và bản thân ông đều bảo hoàng!

Năm 1793 là năm đẫm máu ở Pháp với chánh sách Đại Khủng Bố của Robespierre. Tháng giêng năm 1793 vua Louis XVI bị xử chém về tội phản quốc, âm mưu móc nối với Áo để dập tắt cách mạng. Năm sau hoàng hậu Marie Antoinette cũng bị xử chém. Máy chém được sáng chế để giết người phản động, phản cách mạng nhanh chóng. Giết không kịp phải bỏ người vào tầu cũ đưa ra Đại Tây Dương dìm cho chết tập thể nhanh chóng hơn. Rouget de Lisle không tuyên thệ trung thành với tân hiến pháp nên bị hạ ngục. Có lẽ ông thoát chết nhờ bài La Marseillaise hát ở Paris trước điện Tuileries ngày 10-08-1792. Dân chúng biểu tình lên án vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette phản quốc sau khi bị bắt ở Varennes. Bài ca nầy gây phấn chấn tinh thần quân sĩ Pháp chiến thắng quân Áo-Phổ ở Valmy ngày 20-09-1792. Bài Chant de Guerre pour l’armée du Rhin tức La Marseillaise sáng tác ở Strasbourg ngày 25-04-1792.

Bài ca La Marseillaise là một bài ca yêu nước ra đời trong thời cách mạng từ một kỹ sư công binh, một nhạc sĩ có óc bảo hoàng theo sự gợi ý của nam tước Philippe Frédéric de Dietrich, thị trưởng Strasbourg, trong một bữa cơm khoản đãi các sĩ quan đóng quân ở Strasbourg. Người bảo hoàng có lòng yêu nước nầy sáng tác bản nhạc cách mạng nhưng bản nhạc này gặp nhiều thăng trầm éo le thậm chí có lúc bị vất bỏ:

Số phận của Rouget de Lisle cũng lận đận như bản nhạc do ông sáng tác trong lúc Tổ Quốc Lâm Nguy.

Claude Joseph Rouget de Lisle chết nghèo ở Choisy-le-Roi, Val-de-Marne, năm 1836. Mãi đến năm 1915 tro cốt của ông mới được cải táng ở Invalides, Quận VII Paris, nơi có mộ của hoàng đế Napoléon I.

NGHĨA DŨNG QUÂN TIẾN HÀNH KHÚC

Yiyongjun Jinxingqu (1934)

Yiyongjun Jinxingqu (Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc) còn được biết dưới nhan đề Chee Lai (Vùng Lên!) vì bài hát mở đầu bằng lời kêu gọi vùng lên. Bài hát yêu nước này được tìm thấy trong phim Phong Vân Nhi Nữ năm 1935. Lời của Tian Han (Điền Hán) và nhạc của Nie Er (Nhiếp Nhĩ). Cả hai đều là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Vào đầu thập niên 1930 phe quân phiệt Nhật chủ trương bành trướng lãnh thổ sang lục địa Đông Á. Thực tế Nhật chi phối các đốc quân từ thời Yuan Shikai (Viên Thế Khải). Phong Trào Ngũ Tứ (4-5-1919) là phong trào yêu nước chống Nhật và cũng là sự bắt đầu của sự hình thành phong trào Cộng Sản ở Trung Hoa. Bài ca Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc là bài ca yêu nước trước sự bành trướng của Nhật nhắm vào Trung Hoa. Năm 1932 Nhật thành lập Mãn Châu Quốc (Manchukuo), một quốc gia bù nhìn của Nhật. Vua Pu Yi (Phổ Nghi) được đưa về làm vua Mãn Châu Quốc. Trước sự bành trướng và đe dọa của Nhật, Cộng Sản Trung Hoa sớm giương ngọn cờ chống Nhật trước phe Quốc Dân Đảng (Kuomintang) của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) để giành lấy chánh nghĩa trong tâm não người Trung Hoa.

Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc (Yiyongjun Jinxingqu) hay Chee Lai (Vùng Lên!) được chọn làm quốc ca của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc năm 1949. Nó được cử hành ở Hong Kong năm 1997 và Ma Cau năm 1999. Bài hát này bị cấm ở Taiwan từ năm 1949 đến 1990.

Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc bị cấm khi Tian Han (Điền Hán), người viết lời bài ca, bị bắt trong Cách Mạng Văn Hóa. Bài hát được thay thế bằng bài Đông Phương Hồng (Dong fanghong). Năm 1978 nó được hồi sinh nhưng lời bài hát sửa đổi nhằm tôn vinh Đảng và Lãnh Tụ (thời Hua Guofeng – Hoa Quốc Phong. Lúc ấy Mao đã chết nhưng phải hiểu lãnh tụ ở đây vẫn là Mao Zedong). Đến năm 1982 lời của bài quốc ca trở lại nguyên văn bản đầu của nó.

****

Tian Han (Điền Hán 1898-1968) là người viết lời của bản nhạc Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc. Ông sinh năm 1898 tại Changsa (Trường Sa), tỉnh Hunan (Hồ Nam – tỉnh sinh quán của Mao Zedong) trong một gia đình nông dân khá giả (phú nông). Nếu không, ông tiếp tục làm nghề nông chớ không thể có đủ thì giờ và tiền bạc học trường Sư Phạm Hunan rồi sang Nhật du học.

Sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm Hunan ông sang Nhật học trường Cao Đẳng Sư Phạm Tsukuba, phủ Ibaraki. Bây giờ là trường Tsukuba Daigaku tức Đại Học Tsukuba, một đại học cổ xưa và uy tín của Nhật thành lập từ năm 1872. Năm 1925 ông về nước, viết văn, làm thơ, soạn kịch, dựng phim. Năm 1931 ông gia nhập đảng Cộng Sản Trung Hoa giữa lúc phe quân phiệt Nhật Bản chủ trương biên cương của Nhật trải dài đến tận bờ sông Hắc Long (Hei Longjiang). Thơ, kịch và phim của Tian Han (Điền Hán) nhằm mục đích kích thích lòng yêu nước của người Trung Hoa trước tham vọng bành trướng của Nhật. Ông nặng về lòng yêu nước chớ không quan tâm đến Đảng hay lãnh tụ vì lúc ấy đảng Cộng Sản chưa nắm chánh quyền và Mao Zedong chưa là lãnh tụ đảng và quốc gia.

Năm 1966 Cách Mạng Văn Hóa nổ bùng ở Trung Quốc. Tian Han bị xem là một nhà soạn kịch phản động. Ông bị cẩm tù, bị hành hạ, hạ nhục. Năm 1968 ông mất trong ngục. Năm 1979 ông được phục hồi danh dự.

****

Nie Er (Nhiếp Nhĩ – 1912- 1935) là một nhạc sĩ đa tài yểu mạng. Ông sinh năm 1912 ở Kunming (Côn Minh), Yunnan (Vân Nam) và mất ở Nhật năm 1935. Ông có khiếu về âm nhạc từ lúc ấu thời. Ông sử dụng vĩ cầm và dương cầm rất nhuần nhuyễn từ lúc còn bé. Điều này chứng tỏ ông xuất thân từ một gia đình giàu có chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương.

Từ Yunnan ông lên Shanghai (Thượng Hải), nơi thành lập đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1921. Ông gia nhập đảng Cộng Sản năm 1933. Năm 1935 ông phổ nhạc bài Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc của Tian Han để đưa vào phim Phong Vân Nhi Nữ. Bài hát này trở thành quốc ca của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc sau này.

Nie Er (Nhiếp Nhĩ) sang Nhật thăm anh năm 1935. Ông chết đuối khi bơi lội ở Fujisawa, Nhật Bản, năm 23 tuổi. Lúc bấy giờ dư luận cho rằng ông bị Quốc Dân Đảng ám sát hay Nhật giết. Nhưng cuộc khán nghiệm không thấy dấu hiệu bị đâm chém, ngộ độc mà có đầy đủ dấu hiệu của người bị chết đuối. Hài cốt của ông được đưa về cải táng ở Yunnan (Vân Nam).

TIẾN QUÂN CA

(1944)

Tiến Quân Ca là quốc ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tác giả bài ca là Nguyễn Văn Cao tức nhạc sĩ Văn Cao. Tiến Quân Ca được Văn Cao sáng tác vào mùa đông năm 1944 tại Hà Nội.

Vũ Quý, một cán bộ Mặt Trận Việt Minh, quen biết với nhạc sĩ Văn Cao. Một hôm ông gặp Văn Cao ở Hà Nội và vận động Văn Cao gia nhập vào Mặt Trận Việt Minh. Ông yêu cầu Văn Cao sáng tác vài bản nhạc kích thích lòng yêu nước và sự hận thù của người Việt Nam đối với Pháp, Nhật.

Từ năm 1940 đến 1945 Việt Nam đặt dưới sự thống trị của Pháp và Nhật. Nạn đói diễn ra ở Bắc Bộ làm cho 2 triệu người chết năm 1944 và 1945. Mặt Trận Việt Minh hoạt động ở các tỉnh miền thượng du Bắc Bộ. Du kích Việt Minh thiếu võ khí trầm trọng nhưng vẫn hoạt động mạnh nhờ sự hỗ trợ của đồng bào thiểu số. Bài Tiến Quân Ca được hát vang rền trong chiến khu Việt-Bắc. Ngày 19-08-1945 nó được ca tại Nhà Hát Hà Nội rồi tại Quảng Trường Ba Đình ngày 02-09-1945, ngày khai sinh ra Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Tiến Quân Ca sống hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trở thành quốc ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong thời kỳ đất nước qua phân. Năm 1976 Tiến Quân Ca trở thành quốc ca của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sau khi Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn sụp đổ.

****

Tác giả của Tiến Quân Ca là Nguyễn Văn Cao tức Văn Cao (1923- 1995).

Văn Cao chào đời năm 1923 tại Lạch Tray, Hải Phòng. Ông gốc ở Nam Định nhưng thân phụ ông làm giám đốc nhà máy nước ở Hải Phòng nên ông ra đời ở Lạch Tray, Hải Phòng. Ông học nhạc khi học ở trường St Joseph, một trường tư thục Thiên Chúa Giáo. Vào thời Pháp thuộc mà thân phụ ông làm giám đốc nhà máy nước Hải Phòng và bản thân ông học trường tư thục Thiên Chúa Giáo thì phải nói rằng đó là một gia đình công chức cao cấp khá giả.

Văn Cao có năng khiếu âm nhạc thiên bẩm. Ông cũng là một họa sĩ. Những bài Buồn Tàn Thu, Bến Xuân, Thiên Thai… của ông mang màu sắc tiểu tư sản của thời kỳ văn thơ lãng mạn ở Việt Nam vào thập niên 1930. Lòng yêu nước của trí thức tiểu tư sản Việt Nam sống dậy mạnh mẽ trong đệ nhị thế chiến. Đó là thời kỳ đau khổ nhất của dân tộc Việt Nam khi đất nước trong cảnh một cổ hai tròng. Tiến Quân Ca ra đời khi Vũ Quý gặp Văn Cao ở Hà Nội. Từ đó Văn Cao cuốn theo dòng lịch sử đấu tranh võ trang. Trong thời gian 1944-1945 ông không sống ở Chiến Khu Việt Bắc ngày nào mà chỉ hoạt động ở thành phố. Ông tham gia vào ban ám sát nhắm vào các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, các phần tử hợp tác với Nhật. Từ năm 1946 đến 1954 ông tham gia kháng chiến chống Pháp và trở về Hà Nội sau khi hiệp định Genève được ký kết. Trong thời kỳ đất nước qua phân ông như mất nguồn cảm hứng để sáng tác thơ hay nhạc. Năm 1956 ông cùng vài văn thi sĩ, nhà báo trong tờ Nhân Văn và Giai Phẩm đòi tự do sáng tác, tự do văn nghệ. Vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm này ông bị học tập cải tạo. Tất cả các bài hát của ông, ngoại trừ bài Tiến Quân Ca, đều bị cấm chỉ. Mãi đến thập niên 1980 những bài hát của ông mới được hồi sinh. Danh dự của ông được phục hồi vì dù sao ông cũng là một đảng viên Cộng Sản thuần thành.

Nhạc sĩ Văn Cao mất năm 1995.

THANH NIÊN HÀNH KHÚC

(1939)

Đây là một khúc ca hùng tráng, nhạc của Lưu Hữu Phước và lời bằng tiếng Pháp của Mai Văn Bộ. Tựa đầu tiên của bản nhạc là La Marche des Étudiants (Sinh Viên Hành Khúc). Bản nhạc chào đời năm 1939 khi các ông Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng còn học ở trường Pétrus Ký. Từ đó bài ca được phổ biến rộng rãi chẳng những trong Nam mà cả ngoài Bắc. Khi ông Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ ra Hà Nội học đại học Y khoa, Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương xem đó là khúc hát của sinh viên Đông Dương ở Hà Nội (1941). Bản Sinh Viên Hành Khúc được trình bày lần đầu tiên tại Nhà Hát Hà Nội năm 1942 bởi hai nữ sinh viên ngành hộ sinh gốc miền Nam. Đó là hai cô Nguyễn Thị Thiều và Phan Thị Bình. Sau nầy Phan Thị Bình kết duyên cùng ông Nguyễn Tôn Hoàn, lãnh tụ đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tựa và lời bài ca La Marche des Étudiants thay đổi luôn: Sinh Viên Hành Khúc, Thanh Niên Hành khúc, Tiếng Gọi Công Dân, Công Dân Hành Khúc.

Lời của bài ca thay đổi qua ba giai đoạn:

- giai đoạn 1: do Mai Văn Bộ đặt lời bằng Pháp ngữ (1939).

- giai đoạn 2: do các ông Lê Khắc Thiều và Đặng Ngọc Tốt chuyển lời tiếng Việt (1941).

- giai đoạn 3: do Huỳnh Mai Lưu sửa lời bằng tiếng Việt (1945).

Huỳnh Mai Lưu là ba họ của Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước. Ba vị này rất thân thiện với nhau khi học ở trường Pétrus Ký cũng như lúc học và hoạt động với các sinh viên trong Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương ở Hà Nội. Có rất nhiều bản nhạc của Lưu Hữu Phước do Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng viết lời.

Năm 1945 Thanh Niên Tiền Phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch dùng bản nhạc Thanh Niên Hành KhúcLên Đàng của Lưu Hữu Phước để kích thích lòng yêu nước và sự dấn thân của thế hệ trẻ trong việc tranh đấu giành độc lập.

Năm 1949 cựu hoàng Bảo Đại về nước lãnh đạo chánh phủ Quốc Gia. Bài Thanh Niên Hành Khúc được chọn làm quốc ca cho Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam). Đến năm 1956 phần đất phía Nam vĩ tuyến 17 mang quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa cũng dùng bài quốc ca nầy dưới tựa Công Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân.

GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

(1961)

Cuối năm 1960 Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng ra đời. Năm 1961 Lưu Hữu Phước sáng tác bài Giải Phóng Miền Nam dưới tên Huỳnh Minh Liêng như để che giấu họ Mai của Mai Văn Bộ và họ Lưu của Lưu Hữu Phước vì cả hai đều nổi tiếng và đang sống ngoài Bắc. Nhà in in chữ Liêng thành Siêng nghĩa là chữ L trở thành chữ S nên tên tác giả bài hát là Huỳnh Minh Siêng thay vì Huỳnh Minh Liêng (Chữ Minh tượng trưng cho họ Mai và chữ Liêng tượng trưng cho họ Lưu). Với Huỳnh Minh Siêng thì không ai có thể biết được đó là Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước được.

Năm 1969 Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng lập chánh phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm thủ tướng. Bản Giải Phóng Miền Nam trở thành quốc ca của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (1969-1976). Năm 1972 Lộc Ninh tạm xem là thủ đô của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam với chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và thủ tướng Huỳnh Tấn Phát. Lưu Hữu Phước là bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa trong chánh phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

****

Lưu Hữu Phước là tác giả của hai bản quốc ca. Ông sinh năm 1921 ở Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Sau khi học xong ở trường Pétrus Ký ông ra Hà Nội học đại học Y khoa. Ông, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng là ba người bạn chí thân từ trường Pétrus Ký ra đến trường Cao Đẳng Hà Nội. Cả ba đều hoạt động khi còn là học sinh ở Sài Gòn và sinh viên ở Hà Nội. Vì tham gia hoạt động cách mạng Lưu Hữu Phước không tốt nghiệp ngành học của mình. Trái lại ông nổi tiếng với những bản nhạc yêu nước, hùng tráng của ông. Lưu Hữu Phước mất năm 1989.

Mai Văn Bộ sinh năm 1918 ở Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (An Giang). Khi còn học Trung Học ông đã viết Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng… được Lưu Hữu Phước phổ nhạc. Sau khi tập kết ra Bắc ông nổi tiếng trong ngành ngoại giao. Ông là đại sứ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở các nước Âu Châu như Pháp, Ý, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo. Ông mất năm 2002.

Huỳnh Văn Tiểng sinh năm 1920 ở xã Tân Phú Trung, Củ Chi. Ông viết lời cho nhiều bản nhạc của Lưu Hữu Phước như Lên Đàng, Giải Phóng Miền Nam… Ông hoạt động trong ngành truyền thông. Ông mất năm 2009.

****

Nhìn tổng quát các bài quốc ca của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam), Việt Nam Cộng Hòa (République du Vietnam), Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chúng ta thấy:

- tác giả các bài quốc ca Yiyongjun Jinxingqu (Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc), Tiến Quân Ca, Thanh Niên Hành Khúc, Giải Phóng Miền Nam đều là những trí thức tiểu tư sản. Tian Han (Điền Hán) học trường Sư Phạm Hunan rồi du học sang Nhật. Nie Er (Nhiếp Nhĩ) biết đàn vĩ cầm và dương cầm ở tuổi 10. Anh của ông sống ở Nhật Bản. Bản thân ông ấy cũng từng được huấn luyện ở Liên Sô. Văn Cao từng học trường tư thục Thiên Chúa Giáo ở Hải Phòng. Cha ông là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng thời Pháp thuộc. Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng đều ra Hà Nội học đại học trong một xứ thuộc địa trong thời kỳ người có bằng tiểu học được xem là trí thức.

- Tác giả bài La Marseillaise, Claude Joseph Rouget de Lisle, bị cầm tù năm 1793 nhưng ông thoát khỏi máy chém của nhà độc tài Robespierre. Tian Han (Điền Hán) chết trong ngục năm 1968. Ông là nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa do Mao Zedong (Mao Trạch Đông) và vợ là Jiang Qing (Giang Thanh) phát động. Nie Er (Nhiếp Nhĩ) yểu thọ. Hai bản La MarseillaiseYiyongjun Jinxingqu (Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc) trải qua những thời kỳ lận đận như tác giả khai sinh ra chúng. Văn Cao đã trải qua cảnh lao tù sau năm 1956. Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ không bị tù tội. Cả ba Huỳnh, Mai, Lưu đều có danh phận trong xã hội Cộng Sản. Nhưng bài Thanh Niên Hành Khúc, một bài ca lịch sử, rơi vào nghịch cảnh từ lời Pháp sang lời Việt, từ chuyển lời đến sửa lời nhiều lần cuối cùng là quốc ca của chánh quyền đối nghịch với chánh quyền Cộng Sản mà hai ông Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ phục vụ để rồi tuổi thọ của bài ca bị rút ngắn (1949-1975).

Âm điệu và lời của các bản quốc ca Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc, Thanh Niên Hành Khúc, Tiến Quân Ca, Giải Phóng Miền Nam dựa vào cảm hứng của La MarseillaiseL’internationale (Quốc Tế Ca). Cách mạng 1789 của Pháp gây ấn tượng đấu tranh to lớn trên thế giới mặc dù nó ra đời sau cuộc Chiến Tranh Cách Mạng của Hoa Kỳ (1775-1783). Pháp là nơi khai sinh ra Công Xã Paris, chánh quyền Cộng Sản đầu tiên trên thế giới (1871). Đó là nơi Karl Marx, Lenin, Trotsky từng sống lưu vong như người tỵ nạn chánh trị. Thi sĩ cách mạng xã hội Eugène Edine Pottier (1816-1887) soạn lời cho bản L’internationale (Quốc Tế Ca) năm 1871 được Pierre de Geyter phổ nhạc năm 1888. Vào thập niên 1930 thanh niên tranh đấu ở Shanghai (Thượng Hải) ca bản La Marseillaise bằng tiếng Hoa.

Câu Liberté, liberté chérie! (Tự do mến yêu) trong La Marseillaise là chủ đề đấu tranh của loài người trên trái đất. Lưu Hữu Phước dựa vào đó để có Tự Do Mến Yêu trong Khúc Khải Hoàn của ông. Phạm Duy đã đưa khẩu hiệu cách mạng Pháp Liberté, Egalité, Fraternité (Tự Do, Bình Đẳng < Công Bình >, Bác Ái < Huynh Đệ >) vào bài ca Việt Nam! Việt Nam! của ông.

Bài Quốc Tế Ca (L’internationale) mở đầu bằng hai câu: Debout, les damnés de la terre. Debout, les forçats de la faim (Vùng lên! Hỡi những người bị đày đọa trên trần gian. Vùng lên! Hỡi những người tù tội đói khó cơ hàn). Câu mở đầu và điệp khúc của quốc ca Trung Quốc là Chee lai! Chee lai! Chee lai! (Vùng lên!). Trong bài Giải Phóng Miền Nam cũng có Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng. Vùng lên! xông pha vượt qua bão bùng.

Cảnh máu đổ và chém giết trở nên quen thuộc trong các bài quốc ca. Trong La Marseillaise có: L’étendard sanglant est levé (Cờ pha máu giương lên). Qu’un sang impur abreuve nos sillons (Một giọt máu nhơ bẩn thấm sâu các luống cày). Ils viennent jusque dans nos bras égorger nos fils, nos compagnes (Chúng < quân thù > đến tận tay cắt cổ con cái và các chiến hữu của chúng ta). Trong Tiến Quân Ca có: Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước. Thề phân thây uống máu quân thù. Câu này được sửa thành: Đường vinh quang xây xác quân thù vì uống máu quân thù không thích hợp với xử thế thời đại văn minh của loài người. Thanh Niên Hành Khúc dù lời tiếng Pháp hay lời tiếng Việt đều có vẻ lý tưởng và hiền hòa vì tác giả là những thanh niên bậc trung học. Trái lại bài Giải Phóng Miền Nam sôi sục hận thù với: Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời sông núi bao nhiêu năm tách rời. Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước; Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù. Bài ca được soạn khi các ông Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng đều được vào đảng Lao Động (đảng Cộng Sản) và có chút địa vị trong xã hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lòng yêu nước nguyên thủy và lý tưởng tuổi thanh xuân của ba ông dần dần được thay thế bằng sự trung thành và tôn vinh Đảng và Lãnh Tụ.

- Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng sáng tác nhạc yêu nước và hùng tráng đượm màu sắc lịch sử đấu tranh.

Trước khi sáng tác Tiến Quân Ca, Văn Cao sáng tác nhiều bản nhạc ủy mị, lãng mạn và thơ mộng. Văn Cao soạn Tiến Quân Ca khi mới gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, chớ chưa dấn thân vào cuộc tranh đấu.

Thanh Niên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước ra đời cuối năm 1939 khi ông còn là một học sinh trường Pétrus Ký. Khi ra Hà Nội ông dấn thân vào các hoạt động yêu nước với các sinh viên bằng những bài ca lịch sử hùng tráng trong giai đoạn 1940-1945. Ông có lòng yêu nước, có dấn thân nghĩa là chấp nhận hiểm nguy để hoàn thành nghĩa vụ yêu nước. Nhưng những bài Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hồn Tử Sĩ (Hát Giang Trường Hận), Hội Nghị Diên Hồng… là những bài hùng ca lịch sử chống Tàu chớ không trực diện chống Pháp. Đến năm 1954 miền Bắc theo chủ nghĩa quốc tế (Internationalism) và chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nên các bản nhạc yêu nước trên trở nên lạc lõng ở miền Bắc và chìm trong quên lãng. Rồi đất nước qua phân khiến bản Hờn Sông Gianh của ông cũng bị mai một vì nó có vẻ mâu thuẫn với đường lối chánh trị của chánh quyền mà ông phục vụ qua hiệp định Genève. Câu: Thôi nhắc nhở chi khi Bắc, Nam đoạn tình tàn sát sinh linh như lời oán trách thời nội chiến Trịnh-Nguyễn. Nó lại trái ngược với những gì ông Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng cổ xúy trong bài Giải Phóng Miền Nam. Từ năm 1990 về sau ảnh hưởng của Trung Quốc càng đậm nét khiến Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng của ông càng bị o ép tựa hồ như không có cơ hội hồi sinh.

Lưu Hữu Phước là tác giả của hai bản quốc ca: một là quốc ca của phần lãnh thổ đối nghịch với phần lãnh thổ nơi ông phục vụ và một bài khác là quốc ca của một quốc gia chưa có trên bản đồ và chưa có thủ đô rộn rịp như Sài Gòn, Hà Nội hay Huế. Cả hai bài quốc ca đều yểu thọ. Bài Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân thọ 26 năm. Bài Giải Phóng Miền Nam chỉ thọ 07 năm (1969-1976).

Dù sao cũng phải chấp nhận khả năng thiên phú của Lưu Hữu Phước trong kho tàng nhạc yêu nước, hùng tráng trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh thời hậu đệ nhị thế chiến. Trên thế giới không có nhạc sĩ nào sáng tác nhiều bản nhạc hùng tráng và là tác giả của hai bài quốc ca như ông. Ông học Y khoa nhưng chưa tốt nghiệp. Ông tự học nhạc lý Tây Phương chớ không phải là một nhạc sĩ chánh qui chuyên nghiệp. Đó là đặc điểm thiên phú về âm nhạc và sáng tác nhạc hùng của ông vậy.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2020