Nguyễn Hoàn Nguyên


Thằng Cuội

 

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ...

Chẳng có bóng trăng buông xõa, chẳng có cây đa cổ thụ, cũng chẳng có thằng Cuội cổ tích. Chỉ có bầy chim hải âu đang bay lượn trắng xóa trong ánh nắng dìu dịu hạ tuần tháng chín. Một buổi sáng chớm thu đẹp trời.

Nam đứng trên ban công tầng thứ năm của chung cư, thong thả ném từng mẩu bánh mì vụn ra phía trước. Bầy chim hải âu kêu nháo nhác, bay vụt đến. Bằng động tác nhanh gọn, chúng kẹp mẩu bánh mì giữa chiếc mỏ rồi lượn nhẹ nhàng theo một đường cong ngoạn mục. Mỗi mẩu bánh mì vụn ném ra bỗng hóa thành một con chim trắng. Nam thầm nghĩ, bầy chim hải âu vậy mà hạnh phúc, tự do bay lượn khắp nơi, thích nghi dễ dàng với mọi hoàn cảnh. Rất nhiều lần trên đường từ sở làm về nhà, bị kẹt cứng giữa dòng xe cộ dài ngoằng trên xa lộ, Nam thường tắt máy xe, hạ kính xuống nếu bên ngoài trời ấm. Đôi khi nghe tiếng hải âu thét lên đâu đó giữa lưng trời, Nam muốn mình hóa thành một con hải âu, rời bỏ cỗ xe bay thoát lên cao. Thật cao.

Mấy chậu hoa phong lữ thảo do chính tay Chi trồng treo ngoài lan can nở hoa rực rỡ dù trời đã chớm thu. Sống giữa xứ sở uất kim hương, Chi lại yêu hoa phong lữ thảo hơn. Chi thường nói: "Hoa tulip tuy đẹp, đủ màu sắc lộng lẫy, nhưng hoa nở rộ thật ồn ào rồi khi tàn úa cũng thật ồn ào, cánh hoa rơi rụng tơi bời, bay tan tác theo gió thật ảm đạm. Chắng bù với phong lữ thảo, khi nở cũng như khi tàn thật từ tốn, đằm thắm, thanh thoát...". Có lần Nam cười nói với Chi: "Coi bộ em khắt khe, đầy thành kiến, chẳng công bằng chút nào". Hình như có nỗi sợ hãi sự tàn phai nào đó, rất đàn bà, đã biểu hiện ít nhiều trong việc thẩm định vẻ đẹp và cung cách chăm sóc hoa phong lữ thảo của Chi.

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ...

Tiếng Chi từ bên trong phòng khách vọng ra: "Anh làm gì mà cứ nghe đi nghe lại bài Thằng Cuội từ nãy giờ?". Nam không trả lời câu hỏi của Chi, lẳng lặng đến bên góc ban công. Kế bên chiếc máy hát nhỏ, vài đoạn trúc khô dài gần hai thước được xếp ngay ngắn dựa vách tường. Mày mò mấy ngày qua ở các vườn ươm cây kiểng, Nam mới mua được mớ trúc tạm vừa ý, thứ trúc người ta vẫn dùng để chống đỡ các nhánh cây. Cuối tuần tới là rằm tháng tám âm lịch. Chi bảo: "Anh sắp xếp  thời giờ cố gắng làm xong hai chiếc đèn lồng cho con nội trong tuần này". Oanh gần sáu tuổi, còn biết chút ít về Tết Trung Thu qua lời mẹ kể. Khoa vừa mới lên ba, chẳng biết gì, nhưng háo hức khi thấy cha mẹ bày trò vui.

Hai đứa bé từ trong phòng khách chạy ùa ra khi Nam vừa chẻ xong cây trúc đầu tiên thành từng cọng nhỏ. Chúng dành nhau chổ ngồi gần Nam. Nam gắt nhẹ: "Oanh tránh xa ra, coi chừng mũi dao của ba". Tiếng Chi lại từ trong nhà vọng ra: "Hai đứa ngoan, đừng quấy rầy ba". Oanh nhắc lại câu hỏi từ cả tuần nay: "Ba làm lồng đèn con bướm cho con, còn con thỏ cho em Khoa phải không ba?".

Nam không ngờ con gái mình lại háo hức đến thế. Có lẽ còn hơn cả nỗi háo hức vào chiều tối ngày mười một tháng mười một mỗi năm, khi Oanh cùng đám trẻ con bản xứ, theo phong tục, xách lồng đèn đi đến bấm chuông từ nhà, hát bài đồng ca "Thánh Maarten" để được người lớn cho bánh kẹo. Ngay cả Nam cũng có nỗi háo hức không ngờ. Làm hai chiếc lồng đèn cho con thật ra cũng là làm đèn cho bản thân mình, cho chính Nam cách đây hơn ba mươi năm. Từ lúc đi tìm mua mấy đoạn trúc, Nam nhận ra mình đang rơi vào một nhịp chỏi hứng thú của điệu sống hàng ngày, tiết nhịp đánh thức niềm vui nào đó xa xăm trong quá khứ nhưng vẫn nằm nguyên vẹn sâu kín trong tâm tưởng Nam. Nam thấy mình cần phải làm hai chiếc lồng đèn.

Mấy bài hát thiếu nhi về chủ đề Trung Thu đã được hát đi hát lại cả tuần nay. Oanh vẫn vòi vĩnh ba mẹ kể chuyện Thằng Cuội dù đã nghe Chi kể vài lần. Chi bảo: "Anh kể chuyện cho Khoa nghe luôn, năm nay con đã hiểu được ít nhiều". Nam cao hứng, khôi hài: "Ngày xửa ngày xưa có thằng bé chuyên môn nói dối...". Chi kêu lên: "Không phải chuyện đó". Nam cười: "Chớ chuyện gì bây giờ? Chuyện anh sắp kể có chứa giá trị thực tế của đời sống cho cả thế giới người lớn". "Nhưng không phải chuyện em muốn anh kể cho các con nghe", rồi Chi kể: "Ngày xưa có một thanh niên tên là Cuội, tính tình hiền lành, chất phác, làm nghề đốn củi...".

Chi có tài kể chuyện rất tượng hình, lôi cuốn. Chi vừa kể vừa diễn tả nét mặt, lên xuống thanh giọng trầm bổng và thực hiện cả động tác tay kèm theo. Một lần Chi kể chuyện Ăn Khế Trả Vàng cho Oanh và Khoa nghe, đến đoạn người anh ngồi trên lưng chim bay qua đại dương trở về, vì tham lam hốt quá nhiều vàng vào bao, chim chở nặng, kiệt sức, sắp buông rơi người anh xuống biển. Chi diễn tả thân chim kiệt sức bằng bàn tay chao qua đảo lại trước mặt Oanh. Bất ngờ, con bé bỗng đưa cả hai bàn tay của mình ra hứng bên dưới bàn tay của mẹ. Gương mặt Oanh căng thẳng, thành khẩn, lo sợ người anh vô hình sẽ bị rơi xuống biển. Khoa không hiểu gì, bắt chước chị chìa hay tay ra. Nam và Chi sững sờ nhìn bốn bàn tay nhỏ nhắn, mọng đỏ, hứng bên dưới bàn tay Chi. Sau một thoáng im lặng, Chi nhanh trí đổi động tác tay, cho "chim" bay vào bờ kịp thời và người anh bước xuống mặt đất an toàn. Kết cuộc truyện rất có hậu. Sau đó người anh ăn năn, trở nên hiền lành, nhân ái với tất cả mọi người và thương yêu em mình hơn. Kể từ đó, tất cả truyện cổ tích do Chi hay Nam kể cho Oanh và Khoa nghe đều có kết cuộc tốt đẹp. Những nhân vật xấu xa, đê tiện, những bà mẹ ghẻ, phù thủy, vua chúa xảo quyệt cuối cùng đều ăn năn, tự chuyển hóa để trở thành người tốt lành, nhân ái.

Ngồi ngoài ban công, Nam cảm nhận được cái không khí ẩm ướt, se lạnh hơn  của vùng biển, báo hiệu sự chuyển mùa rõ rệt từ hè sang thu. Nam biết cây phong đầu ngõ sẽ rơi hết lá trong vòng hai hay ba tuần, rồi bầy chim hải âu sẽ kéo về nhiều hơn, lượn trên khoảng không giữa các chung cư. Mọi chuyện nhỏ nhặt, xa lạ lúc ban đầu đều đã trở thành quen thuộc, thân thương. Nhưng điều đó lại tạo cho Nam cảm giác bât an. Nó xô đẩy Nam gần gũi thêm cuộc sống hiện tại, đồng thời cũng xô đẩy Nam xa dần cội nguồn quá khứ. Có một cái gì đó chẳng trọn vẹn, chui rúc, gặm nhấm như một thứ vi khuẩn ray rức tâm hồn Nam.

Càng sống với nhau lâu năm, Nam càng thấy rõ Chi vững chãi, thực tế hơn Nam nhiều. Khác với Chi, Nam cứ sẵn sàng đương đầu trực diện với mọi vấn đề nội tại nhỏ nhặt và tìm cách lý giải triệt để. Nam thấy điều đó thật hứng thú, thật đàn ông nhưng cũng thật ngu xuẩn. Với Chi, nàng né tránh những vấn nạn phức tạp. Né tránh không phải để chạy trốn mà để tìm một lối khác đi tới dễ dàng hơn cho chính nàng. Phong cách yêu hoa phong lữ thảo của Chi đã ít nhiều cho thấy điều đó.

***

Đầu mùa thu năm rồi Nam được công ty cử đi công tác ở Việt Nam. Oanh đã tựu trường gần một tháng. Nam thu xếp hành lý đi một mình. Cũng là lần đầu tiên Nam trở lại quê nhà sau thời gian dài xa cách.

Đi thăm những người thân, gặp lại ông chú, ông nói: "Nhờ kinh tế thị trường đời sống quả có dễ thở hơn nhiều năm trước. Nhưng dù có theo dõi tin tức bên ngoài, cháu vẫn còn là người ở cung trăng mới xuống, chưa thấu hiểu tường tận hết những nỗi niềm hoạt cảnh ở đây đâu". Bà chị họ kể: "Đời sống chị khá giả hơn nhờ chăm chỉ đào tạo thế hệ tương lai. Chị phụ trách môn toán, cứ mở lớp cho tụi nhỏ đi học thêm, học hè, học tối, học cả luôn ngày chủ nhật". Một trong những thằng bạn thân ngày xưa đang là giám đốc một xí nghiệp, kéo Nam đi ăn, triết lý: "Lương tâm là thứ trẻ con rất dễ ru ngủ, khi nó yên giấc, mày sẽ thấy trí tuệ của mày có những khả năng tháo vát không ngờ". Nam cười, nhớ đến những truyện cổ tích của Chi, bảo: "Thứ trẻ con của mày quả là ngoan ngoãn, dễ bảo. Tụi mày vượt qua được những khó khăn cho đến giờ này là đã hay hơn tao bội phần. Nhưng tao không biết khi thứ trẻ con đó nếu thức giấc thì cái gọi là trí tuệ sẽ giải quyết làm sao?".

Sau gần ba tuần bận rộn, xôn xao gặp lại người thân, Nam tựa như cánh chim hải âu mất định hướng, chao đảo bềnh bồng giữa cơn giông bão trên cao nhìn xuống. Hình ảnh trước mắt Nam như tảng băng lạnh căm, chập chờn. Quê hương nằm sóng soài bên dưới với dòng sông uốn khúc đục ngầu phù sa, những thửa ruộng ngập nước, những mái nhà tôn xám xịt, thành phố lúc nhúc người, khói xe, khách sạn năm sao...

Còn vài ngày nữa là chuyến đi chấm dứt.  Nam đã thu thập tạm đủ các dữ kiện để làm một bản tường trình cho công ty. Buổi chiều, trời nhạt nắng, Nam bước thơ thẩn dạo chơi trong khoảng sân rộng trước nhà. Khi dừng lại bên chậu mai chiếu thủy, lơ đãng nhìn vào chậu cây, Nam chợt thấy một vết nứt gần đáy chậu. Nam thấy lại vết nứt thì đúng hơn. Một tia chớp vừa vụt qua trong tâm tường. Nam có cảm giác mình vẫn chưa hề rời khỏi nơi này. Bao nhiều năm hình như không hề trôi qua dẫu cho cội mai chiếu thủy già cỗi, gốc rễ u nần, vặn vẹo như đang lớn tiếng khẳng định với Nam rằng bước chân thời gian có thật. Vết nứt nguyên thủy trên chậu cây đã có sẵn tự bao giờ, nhưng chính tay Nam ngày nào nghịch ngợm dùng một que sắt nhọn khơi cho vết nứt rộng thêm. Cũng chính nơi này trong một đêm vài ngày trước Tết Trung Thu, Nam đã vô ý làm chiếc đèn con cá của mình cháy một lỗ to bằng bàn tay ở sườn bên phải. Dù đã năn nỉ ỉ ôi cho đến rơi nước mắt, ba mẹ vẫn nhất định không mua cho Nam chiếc đèn khác. Từ đó cho đến ngày rằm, Nam bứt rứt, bất an, cứ đem chiếc đèn con cá ra săm soi như thể điều đó sẽ làm lành vết cháy. Và đến lúc này Nam chợt nhận ra rằng vết cháy, một cái gì vẫn xuất hiện như biểu hiện bất toàn của đời sống, cùng nỗi bức xúc vẫn theo đuổi Nam từ hàng chục năm nay.

Nam bỏ bữa cơm chiều hôm đó, đi lang thang đến bờ con rạch cuối xóm. Một chiếc ghe nhỏ của hàng xóm nằm trơ trọi kế bên cầu ao. Nam lẳng lặng mở dây cột, bước xuống ghe, chèo len lỏi theo con rạch. Khoảng nửa giờ sau, con sông cái hiện ra phía trước. Nam chèo ra xa rồi dừng tay ngó mông. Trời đã bắt đầu sụp tối. Ánh đèn ần hiện sau những tàn cây rậm đen bên kia bờ sông nhấp nháy như những vì sao.

Gió thổi gờn gợn trên mặt sông. Nam cảm thấy nhớ Chi và các con da diết dù chỉ còn vài ngày nữa là Nam sẽ trở lại thành phố biển với căn nhà ở tầng lầu năm. Nam nhớ lần qua gác chuông nhà thờ nhọn đâm lên bầu trời xám đục, nhớ tàn cây phong đổi màu vào chớm thu ở đầu ngõ, nhớ xe bán cá haring ăn chơi ở khu chợ gần nhà, nhớ những buổi sáng mùa đông phải cạo lớp băng đóng ở kính xe trước khi đi làm... Những niềm nhớ về đất nước bên kia của Nam chẳng có gì đặc biệt. Chúng đơn giản, bình thường, mộc mạc. Nhưng ngồi một mình trong đêm giữa dòng sông rộng trên chính quê hương của mình sau bao năm xa cách, Nam mới khám phá rằng mình yêu quê hương thứ hai tha thiết hơn là Nam tưởng. Điều này thật ra cũng giản dị, chơn chất. Nhưng với Nam nó cũng thật phức tạp và giằng co đau đớn. Ngay lúc này Nam bỗng muốn hóa thành một cánh chim hải âu bay vút lên cao. Thật cao.

***

Máy  hát đã ngừng. Hai đứa bé bỏ vào nhà từ lúc nào. Chắc Chi đã bày trò gì đó trong nhà để Oanh và Khoa khỏi quấy rầy Nam. Chúng còn ngồi đây thì hai cái lồng đèn đến cuối tháng tới cũng chưa xong. Nhất là Oanh cứ rối Nam với hàng loạt câu hỏi của nó. Khoa bắt chước chị, lập lại câu hỏi của Oanh. Nam không coi thường các câu hỏi của con, kiên nhẫn trả lời từng câu. Nam còn nhớ rõ Oanh, sau khi được nghe mẹ kể chuyện Thằng Cuội, cứ theo Nam đặt những câu hỏi ngây thơ:

– Ba ơi, mình trồng cây thuốc thần của thằng Cuội ở đây được không?

Loại câu hỏi trộn lẫn vào nhau hoang đường và thực tại, tượng nghĩa và vô nghĩa của con vẫn thường xô đẩy Nam vào cơn bối rối. Chi sẽ trả lời câu hỏi của Oanh dễ dàng hơn bằng phương cách riêng biệt của nàng. Nam đành chống chế:

– Ở đây mùa đông trời quá lạnh, đầy băng tuyết chắc là khó trồng. Nhưng nếu mình chịu khó hết lòng chăm sóc cây, ba nghĩ rằng sẽ trồng được.

Oanh lại hỏi:

– Thằng Cuội sống một mình ở trên cung trăng chắc Cuội buồn lắm phải không ba? Nên mẹ kể, ngày rằm Cuội ngồi dựa gốc đa ngó xuống mặt đất.

Nam nhìn đứa con gái đầu lòng, một thoáng lo ngại chớm lên. Con bé này lớn lên rồi cũng bày đặt lý giải lẩm cẩm giống cha, đời sống của nó rồi cũng sẽ có những rối rắm, phiền não, bất trắc. Nam xoa đầu Oanh, lại chống chế:

– Ừ, Cuội buồn lắm. Nhưng rồi Cuội cũng sẽ thấy thương mến nơi mình ở là cung trăng và Cuội sẽ bớt buồn.

– Rồi Cuội có trở về mặt đất không ba?

Oanh càng lúc càng đưa Nam vào chỗ bí. Về bằng cách nào? Trở về mặt đất với những đau thương, phức tạp của đời sống mà chính Cuội cũng là nạn nhân? Nam ngẫm nghĩ rồi khẽ gật đầu, trả lời Oanh: "Ba nghĩ là có, rồi Cuội cũng sẽ trở về". Và Nam tìm cách giải thoát mình ra khỏi câu hỏi kế tiếp của Oanh – hay ra khỏi những ý tuởng rối rắm của chính mình – bằng cách nhờ con bé đi khui cho Nam một chai bia lạnh.

Giờ đây bận rộn làm hai chiếc lồng đèn ngoài ban công trên tầng lầu năm, Nam lại mơ ước được ngồi bên chậu hoa mai chiếu thủy trong sân nhà, ngắm Oanh và Khoa tung tăng với đèn con bướm và con thỏ. Hai chiếc lồng đèn xinh đẹp rực rở không có vết cháy. Cỗ bàn trông trăng được Chi xếp đạt khéo léo, mỹ thuật. Trên đĩa sứ những chiếc bánh nướng nhân đậu xanh và trứng, những chiếc bánh dẻo trắng mịn nhân hạt sen thơm hương hoa bưởi đã được cắt thành từng miếng nhỏ đều nhau. Chi đang châm một bình trà sen. Gương mặt Chi rạng rỡ trăng rằm. Gió ngoài sông cái thổi mơn man vào sân. Những ngọn đèn xếp treo trên cành ngọc lan gần đó tỏa sáng lung linh. Rồi Oanh và Khoa bỗng chạy đến, cùng chỉ tay lên bầu trời sáng vằng vặc: "Ba mẹ có thấy thằng Cuội với cây đa trên mặt trăng không?".

Tiếng Chi gọi, anh ơi tạm nghỉ tay vào ăn trưa. Nam chợt thấy hai bàn tay mình nắm lại thành quả đấm tự lúc nào, chạm vào nhau, mỗi nắm tay giữ một đầu cọng trúc. Cọng trúc - nếu không được chuốt công phu đã bịp gãy gập từ lâu - cùng đôi nắm tay làm thành một vòng tròn trước mắt Nam. Cái vòng tròn lung linh chuyển dịch của đời sống. Nếu Nam buông khẽ tay ra, vòng tròn sẽ biến dạng. Đời sống nặng nề, trầm trọng  mà cũng thật nhẹ tênh, mong manh. Những ý tuởng cứ tuần tự chạy qua đầu Nam. Nam nhìn thấy những sợi gân xanh trên cổ tay mình. Nếu tình cờ ở gần bên chắc Chi sẽ bảo: "Bàn tay anh xem vậy mà yếu đuối hơn bàn tay của Oanh và Khoa hôm nào". Một con hải âu thét lên đâu đó giữa lưng trời. Nam chợt thấy mình giống thằng Cuội năm xưa, cố gom hết sức lực nắm lấy rễ cây trường sinh kéo xuống mặt đất.

 

Nguyễn Hoàn Nguyên

 


Cái Đình - 2011