Nguyễn thanh Hùng


Quá nổi loạn để trở thành ni cô

 

Bài học đời: Sư cô Chân Không (1938) là một người tranh đấu cho hòa bình trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Bà đã cống hiến đời mình cho lý tưởng Phật giáo.  "Tự hồi nhỏ đến giờ, tôi luôn luôn đối chọi với quyền lực".

 

Bài học số 1: chọn một người Thầy tốt

Tôi sinh ra trong một gia đình phật tử trung lưu. Hồi nhỏ, tôi thấy các thầy tu hay sư cô không có gì đặc biệt. Điều mà tôi được thấy, được nghe, trong các ngôi chùa, là họ hay thuyết giảng về những trí tuệ sâu sắc. Nhưng tôi thấy họ chẳng đụng tay làm điều gì cả. Chà, thì họ cũng có tụng kinh ở những đám tang. Trong con mắt tôi, họ bận rộn với cái chết nhiều hơn là với sự sống.

Khi tôi lấy được bằng tú tài, lúc ấy tôi được 18 tuổi, ba tôi đã dẫn tôi đến gặp một vị sư để xin được thọ năm giới. Không ăn cắp, không sát sinh v.v. Tôi không muốn làm cho cha mẹ phiền lòng, nên tôi ngoan ngoãn đi theo. Tôi có rất nhiều câu hỏi cho vị sư. Tại sao các phật tử không làm gì hết cho những người nghèo? Theo tôi thấy, số người công giáo ở Việt Nam ít hơn số người theo đạo Phật, nhưng họ lại làm được nhiều việc hơn. Chẳng phải đức Phật đã bỏ lâu đài ra đi với mục đích đi tìm cách giải thoát nhân sinh ra khỏi bể khổ đó sao?

Vị sư không trả lời các câu hỏi của tôi. Đối với các thầy tu, làm việc thiện nguyện là một chuyện đáng nghi ngờ. Họ cho rằng, đi giúp đỡ người khác nhưng kỳ thực là tìm cách tạo phước riêng cho mình. Vị sư giải thích cho tôi biết, tôi sẽ không bao giờ đạt được giác ngộ qua công việc đó. Có may mắn lắm, thì tôi sẽ được tái sinh trong một gia đình giàu có trong một kiếp sau. Ông ta không hiểu chút nào những điều tôi đang thao thức trong lòng. 

Chuyện kiếp sau không làm tôi chú ý. Ngay trong kiếp sống hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, còn có vô số việc cần làm. Nhưng các bài giảng về đạo Phật làm tôi say mê. Tôi quyết định trở thành một sư cô. Nhưng vị sư lắc đầu, gạt bỏ ngay ý định xuất gia của tôi: tôi không có khả năng xuất gia. Quá nổi loạn!

Cho dù một số tu sĩ chịu trả lời những câu hỏi tôi đặt ra, nhưng tôi vẫn không thấy hài lòng. Cho tới khi tôi được gặp Thầy, đó là cách tôi gọi tu sĩ Thích Nhất Hạnh. Thầy không bao giờ trả lời một câu hỏi nào của tôi cả. Cách của Thầy là khiến cho tôi phải tự tìm cho ra câu trả lời cho chính mình, chứ không nhắm mắt tuân theo suy nghĩ của Thầy. Khi Thầy nói với tôi là Thầy ủng hộ những công tác thiện nguyện tôi đang thực hiện trong những khu ổ chuột, ngoại ô nghèo, thì tôi biết rõ rằng người này là vị thầy mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay.

Trong con mắt Thầy, đàn ông và đàn bà đều ngang nhau, bình đẳng. Vào thời điểm đó, đây là một cái nhìn thật phóng khoáng. Tự hồi còn nhỏ đến giờ, tôi luôn luôn đối chọi với quyền lực. Tôi không có nhu cầu trở trở thành một cô gái ngoan. Luật lệ, luật lệ, luật lệ: đó là cung cách ứng xử theo văn hóa Khổng Mạnh. Phục tòng cha rồi chồng, đến khi cha và chồng mất thì phục tòng con trai, tiếng nói chính trong một gia đình. Tôi không tin điều đó. Tuổi già không phải lúc nào cũng đến chung với tuệ giác. Tôi vẫn thường được nghe dạy rằng, nếu tôi cố gắng làm việc hết sức mình, thì trong kiếp sau tôi sẽ đầu thai thành một người đàn ông. Nếu biết khéo tu một số kiếp tiếp nữa, thì rất có thể tôi sẽ trở thành một tu sĩ giỏi. Rồi phải nhiều kiếp sau nữa, thì may ra, tôi có thể đạt đuợc giác ngộ. Tôi hoàn toàn không hiểu nổi điều này. Quá nhiều người đàn ông chỉ biết nghĩ cho chính bản thân, không ngó ngàng gì đến người khác, không làm điều chi ích lợi. Tôi không cần trở thành đàn ông. Hay được giác ngộ. Tôi chỉ muốn chiến tranh chấm dứt.

 

Bài học thứ 2: hơi thở

Có những thời điểm tôi không còn thiết sống. Vào năm 1963, tôi có mặt trong cuộc tự thiêu nổi tiếng của thầy Thích Quảng Đức. Đó là cuộc tự thiêu đầu tiên mà hình ảnh đã được phổ biến đi khắp thế giới. Ngồi trên xe gắn máy, tôi đã chứng kiến thầy ngồi tĩnh tọa trên đường phố, uy nghi và bình an, trong khi những ngọn lửa đỏ bốc cháy rực trên thân thể. Chỉ duy nhất trái tim của ngài còn sót lại. Từ sâu thẳm trong tâm hồn, tôi dâng một lời thề nguyền: sẽ có ngày tôi cũng thực hiện một nghĩa cử cao đẹp như vị sư đó. Tôi muốn là một chứng nhân của Phật. Ngài đã từ bỏ ngai vàng, từ chối cương vị là vua để đi tìm niềm an lạc cho thế giới.
Giữa chiến cuộc, vào năm 1966, Thầy Nhất Hạnh xuất du Âu châu và Hoa Kỳ: Thầy đi vận động hòa bình. Ở lại Việt Nam, chúng tôi tuyệt vọng tìm đủ mọi cách để trợ giúp Thầy. Một trong những người bạn gái của tôi đề nghị tuyệt thực và sau đó cùng mổ bụng tập thể. Trong bốn ngày liên tiếp, tôi ở trong phòng, khóa trái cửa lại để ngồi thiền và suy nghĩ về quyết định đó. Tôi để ý đến hơi thở của mình, và từng giờ qua, đầu óc tôi trở nên minh mẫn hơn. Tôi quyết định rằng chúng tôi không có quyền hành động như thế. Chúng tôi đã hứa với Thầy cùng cộng tác xây dựng ‘Phong trào thanh niên phụng sự xã hội’ – một đạo binh cho hòa bình với hơn 300 người trẻ thiện nguyện. Họ sẽ xoay sở thế nào nếu chúng tôi vắng mặt? 

Một thời gian sau đó, vâng, người bạn gái của tôi cũng đã kết liễu đời mình bằng hành động tự thiêu. Thầy đã chống đối điều đó. Nhưng bạn tôi, với sự dâng hiến thân mạng, đã đạt được ý nguyện mong ước. Rất nhiều người đã rúng động và sau đó, một số lớn đã gia nhập vào phong trào thiện nguyện của chúng tôi. 

Rồi tôi đi sang Pháp. Ở đây, tôi tìm cách quyên tiền cho những dự án mà chúng tôi đang thực hiện ở Việt Nam. Tôi quyên được 150.000 đô la Mỹ: đủ để giúp cho hơn 14.000 trẻ em nghèo. Đại sứ quán Việt Nam ở Paris hứa sẽ giúp tôi chuyển số tiền đó tới Giáo hội Phật giáo thống nhất ở Việt nam. Rồi Giáo hội sẽ phân phát tiền cho các trẻ em. Phần lớn là các trẻ em mồ côi. Cha bị chết vì bom đạn, mẹ chết vì mìn bẫy, các em thường được các ông bà nội ngoại đui mù đem về nuôi.

Tôi gửi tiền đi rồi chờ tin, tôi chờ mãi, chờ mãi. Tiền đã đến tay các em chưa? Cho tới khi tôi có được liên lạc, thì mới hay tin số tiền đó đã biến mất. Tôi nghĩ rằng chính quyền đã nghi ngờ chúng tôi chuyển tiền lậu cho tổ chức CIA. Tôi có cảm giác mình như là một cái cây bị chặt hết bộ rễ. Tôi không còn thiết muốn sống nữa. Đây là một số tiền do rất nhiều bè bạn thân thiết quyên góp. Từ khắp nơi như ở Đức, Hà Lan, Pháp, của những người ủng hộ công tác cứu trợ của chúng tôi. Vậy mà số tiền đó bỗng nhiên biến mất.

Thầy chỉ nói với tôi thế này: ‘Hãy trở về với hơi thở của mình’. Thầy dẫn tôi ra ngoài. ‘Đây, cô hãy ngồi trồng xà lách, cà rốt. Đừng nghĩ về Việt Nam và các trẻ mồ côi’. Sau nhiều tháng làm việc một mình ở ngoài vườn, chuyên chú tập trung vào hơi thở, một ý định nảy ra trong đầu tôi. Tôi sẽ giả danh, gửi qua đường bưu điện những gói thuốc men về quê nhà. Các người thân trong gia đình tôi, bè bạn tôi sẽ đem những gói đó đi đổi lấy gạo và thực phẩm: thời gian đó các dược phòng rất khan hiếm thuốc men. Bằng hệ thống đó, trong nhiều năm trời, chúng tôi đã giúp đỡ hơn hai ngàn gia đình. Tất cả là nhờ ngồi trồng xà lách và chuyên chú tập thở đó.

 

Bài học thứ 3: cuộc đời không phải là một ảo tưởng

Thuở mới bắt đầu học Phật pháp, tôi thấy đạo Phật như là một vách núi dựng đứng, không có cách nào để mà trèo lên trái núi được. Những cuốn kinh Phật dầy cộm đầy những bài giảng của Phật tôi thấy rất thú vị nhưng tôi không biết phải áp dụng chúng như thế nào vào đời sống thường nhật. Các thầy tu cũng như sư cô thường hay thuyết giảng cho chúng tôi rằng cuộc đời là một ảo tưởng, và vì thế chúng ta phải gác bỏ giận dữ qua một bên.

Nhưng đối với tôi, cuộc đời hoàn toàn không phải là ảo tưởng. Bởi vì trong cuộc sống, nỗi khổ và sự bất công ở những khu xóm nghèo ổ chuột, ở những vùng quê xôi đậu quá hiển nhiên, quá nhiều và nỗi giận dữ của tôi cũng thế. Tôi muốn học ứng xử với những thực tế ấy. Chứ không tìm cách phủ nhận chúng. Sau này, tôi được học hỏi rằng Bụt không thuyết giáo như thế, là cuộc đời là một ảo tưởng. Điều ngài muốn dạy đó là, những nhận thức của chúng ta về cuộc đời thường không phải là thực tại. Bởi vì các nhận thức của chúng ta được dựa trên những kinh nghiệm rất là hạn chế.

Tôi đã lớn lên trong một giai đoạn mà những nhận thức sai lầm hiện diện nhan nhản khắp mọi nơi. Không ai chịu lắng nghe người khác nói. Những người Pháp phe quốc gia giết những phần tử chống đối họ, còn phe cộng sản cũng không tốt hơn một mảy may nào. Có khi, mẹ tôi dặn tôi khi đi chợ mua đồ ăn: ‘Hôm này con nhớ đừng có mua tôm’. Vì trước đó mấy ngày, có nhiều xác người quốc gia bị cộng sản giết trôi đầy ngoài sông.

 

Bài học thứ 4: nhìn sâu

Thiền định dạy mình biết khiêm tốn trong những nhận thức của mình. Để thực tập nhìn cho sâu. Nhìn sâu vào sự vật để mình có thể tiếp cận với thực tại. Mình đừng có quá tin vào kiến thức đã tích lũy được. Nếu mình biết khiêm tốn và cởi mở thì mỗi ngày mình đều có thể học được đôi điều mới mẻ.  

Thiền định có thể đem lại những phép lạ trong đời sống. Đối với tôi, thiền tập đã chữa lành một số thương tích lâu năm. Vào năm 1965, tôi đã trải qua một tuyệt vọng tràn ngập tận xương tủy. Lúc ấy chúng tôi đang đi phát gạo cứu trợ ở một vùng quê. Bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng la thét từ trong một căn chòi. Ở đây vừa mới có cuộc bắn nhau. Một phụ nữ ôm một đứa bé đến gần tôi, trao đứa bé máu me đầy mình cho tôi. Tôi ôm cháu chạy băng qua cánh đồng. Tôi không phải là bác sĩ, tôi không làm được gì hơn là đi tìm cứu viện. Khi đã ngồi trên chiếc ghế cứu trợ, tôi khẩn cầu: nếu ghe đi mau, tôi có thể tìm được thuốc men để chữa trị cho đứa bé thoát chết. Nhưng đứa bé bỗng nấc lên một tiếng như nấc cục, rồi cháu ngừng thở!

Trong nhiều năm sau đó, biến cố này cứ thỉnh thoảng lại tái diễn trong đầu óc tôi như một đoạn phim, vào những lúc bất ngờ nhất.

Đến cuối thập niên 90, tôi tháp tùng Thầy đi giảng pháp ở Florence, Ý quốc. Tôi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ trong khi đang đi trên đường phố. Ở tu viện chúng tôi ở, khi có tiếng chuông ngân, chúng tôi đều thực tập dừng lại. Chúng tôi ngừng công việc đang làm, thở trong chánh niệm ba hơi vào ra, mỉm cười – đó là một thực tập thiền định ngắn. Vì vậy, ở Florence tôi cũng làm như thế. Sau đó chừng hai mươi bước, lại có tiếng chuông một ngôi nhà thờ khác đổ, rồi lại tiếng chuông một ngôi nhà thờ khác nữa. A, thật nhiều cơ hội để thực tập. Ở quanh tôi, có tiếng trẻ con reo hò đá banh. Tôi cảm được niềm vui của lũ trẻ. Tôi là một với chúng nó. Không gian chung quanh tôi nhẹ nhàng và bình an. Tôi thấy một người đàn bà bán vé vào cửa. Tôi cũng là một với bà.

Tôi bước vào đền Florence, dừng bước trước một pho tượng chúa Giê Su bị đóng đanh trên thập giá. Tôi vẫn luôn thấy cuộc khổ hình của chúa là một câu chuyện bi thảm và nhẫn tâm, tôi cũng luôn có thái độ nghiêm khắc đối với Thiên chúa giáo. Nhưng ngày hôm đó, trong ngôi đền công giáo, tôi có cảm giác thân quen như đang ở trong một ngôi chùa phật giáo. Một trong những tông đồ của chúa trên khung kính màu làm tôi nghĩ đến một người cậu ruột, một vị tông đồ khác lại nhìn giống như một người bạn thân. Mắt tôi nhìn tới một vì thiên thần. Tôi nhìn thật kỹ lần nữa. Có phải đó là đứa bé năm xưa? Tôi nhìn thấy máu chảy? Không, đó chỉ là màu đỏ của tấm khăn quàng. Từ khung kính chì, cháu giơ tay vẫy vẫy tôi. Miệng cháu mỉm cười. Tôi thấy mình hốt nhiên giác ngộ. Khi tâm bình an, tâm biến thành một tấm kiếng. Mình có thể nhìn sâu vào trong đó.’

 

Bài học thứ 5: hãy can đảm

Có lần tôi bị cảnh sát bắt với ấn bản một cuốn sách của Thầy, cuốn ‘Hoa sen trong biển lửa’ dấu trong người. Lúc đó, cuốn sách này bị cấm ngặt lưu hành ở Việt Nam. Trong lưng áo, tôi còn dấu một bản tài liệu phản chiến. Ngồi đằng sau xe cảnh sát, tôi đã nhẹ nhàng xếp nhỏ tờ tài liệu phản chiến, bỏ vào miệng nhai nát rồi nuốt luôn. Tôi không có cách nào khác.

Những ngày sau đó, tôi bị bắt giam trong đồn cảnh sát, trong một phòng giam nhỏ hẹp mỗi bề 2 thước với 8 người tù khác và tôi đã làm một sai lầm. Trong số người bị giam, có hai em bé mới 12 tuổi. Bị bắt oan, vô tội. Khi tôi bị ông đồn trưởng kêu lên thẩm tra và tôi chứng minh được mình vô tội, tôi mới nghĩ mình cũng có thể xin tha cho hai em nhỏ. Nhà giam không phải là chỗ cho trẻ em. Nhưng thay vì thả hai em bé gái ra, ông đồn trưởng lại ra lệnh cho cai tù kiểm soát phạm nhân chặt chẽ hơn nữa, vì các phạm nhân đã có thể nói chuyện với nhau được. Do mở miệng ra xin tha, mà tôi đã làm cho hoàn cảnh của hai em nhỏ càng bi đát hơn.

 

Bài học thứ 6: nói với người khác là mình thương họ

Tôi có biết một người mẹ thích khoe khoang với người khác về đứa con gái của mình, nhưng lại luôn luôn quên không chịu nói với con tại vì sao mình lại hãnh diện về con. 
Hãy nói khi mình thương một người nào đó rằng mình thương. Con người cần điều đó. Hãy ôm lấy mẹ của bạn khi có thể, trước khi bà không còn đó nữa. Hãy nói với mẹ rằng mẹ tuyệt vời như thế nào. Tôi gọi đó là tưới tẩm hạnh phúc.

 

—o—

Sư cô Chân Không

Sư cô Chân Không (tên họ Cao ngọc Phượng, quê quán Bến Tre, Việt Nam, năm Cọp 1938) là một nhà tranh đấu cho hòa bình trong thời chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh nghề nghiệp là giảng viên sinh vật học tại đại học, bà giúp đỡ các gia đình nghèo đói ở những khu ổ chuột và các vùng quê xôi đậu. 

Bà cấp phát thực phẩm cứu trợ, giúp đỡ các thiếu nhi được đến trường học, lập ra các nhà giữ trẻ để các bà mẹ có thể đi làm. Cùng với tu sĩ Nhất Hạnh, bà phát động phong trào canh tân Phật giáo. Trường phái Phật giáo dấn thân của Thầy Nhất Hạnh, trên thực tế, phần lớn đã được khởi hứng từ những công tác xã hội của sư cô Chân Không.

Từ năm 1969, bà cư trú ở Pháp quốc. Nhiều năm sau, vào tuổi 49, bà mới xuất gia. 

Từ tu viện ở vùng Dordogne, cùng với tăng đoàn, bà tiếp tục công tác cứu trợ. Trong các khóa tu chánh niệm, bà hay dạy pháp môn rất phổ biến là Hoàn toàn buông thư. Tháng sáu năm 2012 vừa qua, đã có một khoá tu dành cho người Hà Lan ở Keulen. Xem www.aandacht.net

 

Nguyên tác: Ik was te rebels om non te worden – Marije van Beek − Nhật báo Trouw ở Hòa Lan, số ra ngày 18/12/2012. Xem nguyên bản tiếng Hòa Lan
Nguyễn thanh Hùng dịch – sư cô Chân Không nhuận sắc

 


Cái Đình - 2013