Cao Xuân Tứ
Ông (cựu) tu sĩ
…Hầu như ngày nào ông cũng ăn chỗ này, thường chỉ một mình, có khi với một sinh viên, giữa khoảng một giờ và ba giờ chiều. Sáng ông ăn cháo bột yến mạch, bữa tối ăn súp. Thức ăn nóng ngày ba bữa là một trong rất ít thói quen còn sót lại từ thời đi tu.
“Không kể cái này,” ông nói, sờ phần đầu trọc, đưa tay hất mảng tóc xõa phía trước ra sau tai, “nhưng đó là di sản của một trật tự khác, kém tự nguyện.”
Đáp lại câu tôi hỏi, ông kể về cuộc sống trong tu viện, học thói quen mới, cạo đầu.
“Nhìn cho đúng thì gần như hình thức hủy hoại thân thể,” ông nói, “như đóng dấu vào một con thú trong bầy, để lại cái vết không thể nào xóa được, ai cũng có thể nhận ra ta thuộc về ai hoặc cái gì. Phụng sự điều gì thiêng liêng tức là mình đứng riêng, cách ly với nhân quần xã hội. Tôi nhớ đến điều này khi nghe em đọc bài của mình. Đã vào tu viện thì phải cắt đứt mọi hệ lụy với cuộc đời trước kia. Ta trở nên hoàn toàn cô lập, mang một tên mới, mặc y phục mới, học thứ tiếng mới, ăn thức mới và tự hành hạ thân xác. Phải tận diệt cái cá tính trước đó để tái sinh làm con người mới. Tất cả đều là tà đạo, thật đấy, các tục lệ nhập môn cổ lỗ theo tiến trình mặc định gồm nhiều chặng.
“Anh có thiên chức không?” Tôi vội hỏi, sợ ông bỏ dở, chấm dứt câu chuyên.
“Khi đó thì mình nghĩ thế,” ông đáp, chìm trong suy tư, “lúc ấy thì có. Về sau tôi học môn tâm lý, bây giờ tôi nghĩ có lẽ tôi nghe theo tiếng gọi của mẹ tôi trên hết. Tôi cảm nhận cái ý muốn mãnh liệt của bà là có đứa con thiêng liêng. Và tôi muốn làm đứa con ấy cho bà. Cho Bà, chứ không phải cho Chúa. Em thấy lạ lùng không?”
Tôi thì không. Tôi lắc đầu, mỉm cười khuyến khích ông tiếp tục.
“Tôi nhớ nó thật sinh động, cái ngông của tôi muốn phủ nhận câu chuyện tội lỗi của con người, tôi định xoay ngược thời gian và loại nó khỏi thế giới này một lần và mãi mãi. Tôi thấy Chúa thật đáng thương. Chủ đích của Chúa thật tốt, Chúa dựng nên một Thiên Đàng thật toàn hảo cho ta, những điều tuyệt nhất, chẳng thiếu thứ gì. Đời sống bảo đảm, an ninh, vững chắc. Không ai buông lời giận dữ giữa người và người, không ai phải khổ đau, chẳng có gì đáng sợ chờ đợi ta. Ta không bị ai săn đuổi, ám ảnh bởi bất cứ gì, chẳng bao giờ hoài nghi vì ta chỉ việc đi theo con đường Chúa vạch sẵn và làm theo ý Chúa. Chúa muốn điều tốt cho ta.
“Rồi Eva để cho quỷ thần dụ dỗ và cắn vào cái cây kiến thức ấy. Kinh thật! Tôi hình dung ra tất cả, Chúa mục kích cảnh đó, bất lực nhìn sinh linh của mình rơi vào hư không, tận số. Ý tưởng này khó mà chịu đựng nổi nhưng giờ nhìn lại, tôi nghi là mình đã thích cái suy diễn ngông ấy. Câu chuyện tội lỗi của con người đeo đẳng tôi mãi. Đến hồi Eva ngập ngừng trước gốc cây, dễ thường tôi hét lên vì sợ: “Đừng làm thế! Xin đừng làm thế!” Nhưng Eva đã làm. Và cứ tiếp diễn. Và Chúa tội nghiệp kia phải chứng kiến mỗi lần như thế. Tôi chỉ muốn khóc.”
Ông nhìn. Câu chuyện làm ông buồn.
Tôi cũng thế.
“Điều lạ lùng là tôi không kiểm soát được giấc mộng hão ấy. Mọi nỗ lực can thiệp nhằm thay đổi tình thế, đóng vai người hùng kiệt xuất tay không bóp cổ con rắn, phi ngựa đến báo Chúa kịp thời, tất cả chỉ gây cái cảm giác tê liệt. Tôi không làm gì được với giấc mộng hão của mình, lần nào cũng vậy, tôi phải để mặc nó như thế.”
“Anh không ở ngoài. Chính anh ở trong ấy.”
“Đúng,” ông nói, “nhưng trong ai?”
Ông thăm dò vẻ mặt tôi, căng thẳng. Ông sợ điều tôi sẽ nói, ông sợ điều ông vẫn tự trả lời trùng với câu tôi đáp. Tôi biết câu trả lời nhưng tôi không thể nói cho ông, tôi không nỡ.
“Chúa trời hay quỷ sứ,” tôi khẽ nói, “với em thì cũng thế thôi.”
Anh bồi đặt hai đĩa thức ăn nóng hổi trước mũi chúng tôi.
Clemens Brandt chồm ra trước, cúi người trên miếng heo sữa xắt lát, bỏ mấy miếng đầu tiên vào mồm, nhanh thật nhanh. Hai cùi chỏ bành ra như hai cái cánh chặt thành khúc. Đầu ông lún xuống giữa hai vai, bóng dáng cái bướu thấp thoáng sau vành tai. Chẳng buồn đặt dao nĩa xuống hay lấy khăn chùi cái miệng bóng nhẫy, vẫn tư thế đó ông chụp cái cốc, nốc vang lùa thức ăn xuống cổ ừng ực. Thi thoảng ông chỉ ngước mắt nhìn miếng cừu rán trên đĩa tôi.
Tôi nhìn ông, trào dâng ngạc nhiên. Ông nghĩ chẳng ai để ý mình. Có thể vì ngu ngốc hoặc vô tư, tâm trạng tôi chuyển từ kinh tởm sang cảm động và ngược lại. Tôi cố nhớ mình đã hồi hộp, phấn chấn thế nào trước khi làm quen với ông, cái tên Clemens Brandt gợi chút gì trong tôi trước khi ngồi đây đối diện ông. Nó khiến ngày hôm nay không thực chút nào, và cái hỗn độn của kinh tởm, tò mò và thương hại càng rõ rệt.
Dạ dày tôi phản ứng do bất ngờ phải đối phó với cái món thường dành cho bữa tối vào cái giờ thất thường này. Tôi chậm rãi ăn. Tôi lo những âm thanh rầm rì trong bụng phát thành tiếng. Vì Clemens chẳng nói chẳng rằng, tôi kể hồi bé có lần đến ông linh mục xứ đạo tôi hỏi làm thế nào để trở thành tu sĩ. Tôi vừa kể vừa ngó ông, cái hàm đang nhai, miệng ông, hai tay ông, khuôn mặt ông. Thấy câu chuyện chẳng làm ông cảm động tôi càng bịa thêm. Mặt ông không chút phản ứng. Thất vọng trước vẻ ơ thờ đó, tôi ngưng kể, e làm ông chán thêm.
Khi Clemens Brandt ngả người về phía sau, hai tay xoa cái bụng hình quả lê, thì tôi mới ăn được chút thịt. Ông ngó trân trân cái xương nằm giữa miếng thịt cừu ngon lành. Tự dưng tôi có cảm giác lạ lùng là bất thình lình ông phóng tay qua bàn chụp miếng thịt của tôi rồi ngấu nghiến gặm chẳng chút ngại ngùng.
Ông kiềm lại được.
“Sao em chú tâm đến chuyện này?” ông hỏi khi tôi đặt dao nĩa xuống bàn.
“Cái gì ạ?”
“Tu Sĩ, Chúa Trời, lễ thụ phong, những chuyện ấy,” ông nói.
Những câu người ta hỏi thường làm tôi khó xử. Nghe cứ như tôi chưa hề tự tra vấn, và những câu càng lạ lẫm thì càng nặng cân. Phải có lý do nào đó, tại sao ta không tự đặt những câu hỏi mà người khác thắc mắc, đúng không? Có bí mật gì ta không muốn biết, một điều xấu xa ẩn giấu, một nét cá tính khó thương, một ngõ ngách trong ta mà người kia, kẻ chất vấn, mò được? Tôi khoái chứ, thế, nhưng tôi thích đem chúng về, nơi tôi có một mình, chỉ lúc ấy tôi mới có thể nghĩ ra câu trả lời. Câu trả lời tức thì chỉ là tạm bợ, thiếu sót, cái sơ đoán.
“Em không rõ lắm,” tôi đáp. “Có thể vì làm tu sĩ là cái gì thật tuyệt đối. Nói cho cùng, đấy không phải cái nghề mà ta có thể kiếm sống thường nhật, và ngoài ra, ta có một đời sống khác những khi nhàn rỗi. Nó bao trùm tất cả cuộc sống, em nghĩ thế. Đời sống trùng với công việc, với cái nghiệp của ta, em muốn nói vậy. Em không biết phải diễn đạt thế nào cho đúng. Theo em, đấy là sự cống hiến tuyệt đối, đấy là cái gì bao trùm tất cả, và vì thế nó cao quý. Thật đấy. Với nghệ sĩ cũng vậy. Có thể so sánh được. Đấy cũng là cách chọn lựa lối sống cho mình.”
“Vậy theo em, tôi là gì,” ông hỏi, “nghệ sĩ hay tu sĩ?”
“Tu sĩ,” tôi đáp ngay, dù biết ông sẽ thất vọng. “Với em, anh là tu sĩ, em chẳng biết tại sao, anh không giống vị tu sĩ nào em biết. Với lại hình ảnh của em về tu sĩ chẳng giống cái phong cách em thấy ở anh. Dù thế anh vẫn là tu sĩ.”
Câu trả lời của tôi không xóa được nét thất vọng trên mặt ông, tôi nói thêm rằng ông là kẻ ưa khoái cảm hơn nhiều, trần tục, đời thường hơn, một kẻ thích khoái lạc.
Ông mỉm cười.
“Có thể em đúng đấy,”ông trầm tĩnh nói, “nhưng tôi không thấy mình còn là tu sĩ. Bây giờ tất cả đều xa vời. Đã lâu rồi tôi mới kể với ai đó về chuyện này. Em gợi tôi nói cái chuyện mới ấy, về cái nghiệp tu sĩ, về Chúa. Tôi chẳng hiểu sao tự mình không nghĩ về nó, nhớ về những ngày xưa ấy. Rất có thể tôi vẫn làm cái việc ấy – có lẽ đó là lý do. Làm tu sĩ thực ra có dính đến sự sùng bái; và cũng như tu viện hoặc nhà thờ, trường đại học cũng thế với lễ nghi, kết nạp, thầy với trò. Tôi vẫn làm cái nghiệp phụng sự con chữ.”
“Anh thấy chẳng có gì hay ho để nói về chuyện này sao?”
“Không, không hẳn thế,” ông nói cố làm tôi yên lòng, “nó mang đến những cảm giác rắm rối. Một mặt nó rất thú vị, tôi có cảm tưởng là nói với em về điều gì thật cơ bản, nhưng mặt khác có gì đó chẳng mấy thú vị, là tôi đang lừa dối em khi nói về điều mà mình không còn tin nữa, có lẽ chưa bao giờ tin cả. Chúa: phải chăng Chúa là một cái thuyết mà trong quá khứ tôi bám vào và sau này tôi từ bỏ vì nó trở nên cằn cỗi. Tôi thấy Chúa bị truất khỏi cái ngôi của mình bởi những từ viết hoa khác. Tôi không tin ở bản thân khi nói về Chúa. Tôi nghĩ tôi chỉ dùng cái tên Chúa để làm mê hoặc em đấy thôi.”
Giọng ông nói như phạm nhân thú tội, mong được người kia khoan thứ. Tôi để ý thấy ánh mắt ông đôi khi không đi đôi với giọng ông nói. Mọi khi thì con mắt ông nó như lúc này: thách đố, khiêu khích, không nhân nhượng.
Tôi tiếp tục dựa vào cái giọng nói.
Tôi cúi người ra trước, đặt tay trên tay ông một lúc.
“Đừng bận tâm,” tôi nói, “chuyện kể ra là có mục đích ấy.”
“Mục đích gì?”
“Để làm mê hoặc.”
…….
Trích từ tác phẩm ‘De Wetten’ (Quy Luật), tác giả: Connie Palmen.
Dịch giả: Cao Xuân Tứ.
Bấm vào đây để xem thêm chi tiết về tác phẩm