Nguyễn Ngôn


Người bạn của tôi?

 

Lời mở đầu:
Đây chỉ là truyện giả tưởng, người viết không có ý ám chỉ ai, hoặc một trường hợp nào.
Nếu có sự trùng hợp, thành thật xin cáo lỗi.

 

Chúng tôi ba người bước vô nhà hàng. Đây là một nhà hàng sang trọng, ba bên bốn bề bằng thủy tinh trong suốt. Nhà hàng nằm thêu lêu trên mặt nước trong xanh trên bãi biển Scheveningen của thành phố Den Haag, thủ đô chính trị vương quốc Hòa Lan.

Sau khi kêu nước uống, tôi bắt đâu câu chuyện:

– Tôi được yêu cầu của anh Tiếng, với sự đồng ý của anh Tùng, làm trung gian giải quyết câu chuyện của hai anh. Bây giờ hai anh vẫn còn giữ ý định đó không?

– Vâng, cả hai mau mắn trả lời, chúng tôi nhờ anh giúp cho.

Tôi chỉnh sắc mặt trang nghiêm, trịnh trọng bắt đầu:

– Tôi sẽ chủ tọa cuộc nói chuyện hôm nay. Nếu hai anh chấp nhận tôi làm chủ tọa, hai anh phải thừa nhận quyền chủ tọa của tôi. Hai anh có đồng ý không?

Tiếng và Tùng trả lời ngay không do dự:

– Đương nhiên, phải là như vậy.

Tôi chậm rãi từng tiếng như ra lệnh:

– Các điều tôi yêu cầu sau đây, là nội qui cuộc nói chuyện hôm nay. Thứ nhứt: Chỉ có tôi được hỏi thôi. Mỗi anh phải trả lời câu hỏi của tôi. Thứ hai: Chỉ có người được hỏi mới được trả lời. Thứ ba: Phải tôn trọng quyền phát biểu của người đang nói, không được nói chen vào. Thứ tư: Phải trả lời đúng ngay câu hỏi của tôi, không được nói lạc đề. Thứ năm: Khi tôi yêu cầu chấm dứt phát biểu, người đang phát biểu phải ngưng ngay. Thứ sáu: Chỉ có tôi mới có quyền tuyên bố kết thúc cuộc nói chuyện. Ai bỏ đi coi như vi phạm nội qui thảo luận hôm nay. Đây là nhà hàng, không ai được lớn tiếng. Nếu hai anh đồng ý, xin ký tên vào Bản Nội Qui thảo luận nầy.

Tôi mở cặp lấy hai tờ giấy đã đánh máy sẵn và cây viết. Hai anh ký tên, trên mặt hiện lên nét căng thẳng. Chờ cho họ ký xong, tôi thu lại cất vào cặp, như một hợp đồng kinh doanh.

Cuộc thảo luận bắt đầu, tôi đặt câu hỏi:

– Xin anh Tùng cho biết, lần chót anh gặp người bạn gái của anh, cô Vương Tiết Trinh cách đây bao lâu?

– Cách đây một tháng chúng tôi giận nhau, có cãi cọ chút chút, rồi từ đó đến nay không gặp nhau nữa. Nhưng…

– Ngưng. Tôi chận lại không cho Tùng nói tiếp. Tôi quay qua Tiếng:

– Anh kết bạn với cô Vương Tiết Trinh cách đây bao lâu?

– Chúng tôi gặp nhau cách nay khoảng hơn tháng.

– Ngưng. Xin anh Tiếng nói chính xác thời gian nào. Các chữ “khoảng”, “hơn” của anh dùng rất hàm hồ, tôi xen vào.

– Vâng, cách đây một tháng, chúng tôi quen nhau và bắt đầu yêu nhau từ nửa tháng nay

Tôi kết luận phần đầu:

– Như vậy không phải anh Tiếng nhào vô phá đám mối tình gắn bó của anh Tùng và cô Trinh. Trước đó anh Tùng và cô Trinh đã có xích mích, tiếp theo anh Tiếng và cô Trinh mới quen nhau. Cuộc nói chuyện đến đây tạm nghỉ xả hơi mười lăm phút. Sau mười lăm phút, xin hai anh cho biết quyết định của riêng mình để giải quyết vấn đề mối tình tay ba nầy.

Cả ba đều kêu thêm cà phê và châm thuốc hút. Tôi bắt gặp sự căng thẳng tinh thần của Tùng qua các ngón tay rung nhẹ khi mồi thuốc. Ba người vẫn còn ngồi bên nhau, không một tiếng động. Những vòng khói thuốc tỏa ra. Bên ngoài sóng biển vẫn rạt rào, như dòng thời gian vẫn trôi miên viễn.

Sau mười lăm phút, cuộc nói chuyện tiếp tục. Tôi bắt đầu:

– Xin anh Tiếng cho biết, điểm đáng quí trọng nào của anh Tùng, đã lôi cuốn anh trở thành bạn của anh Tùng.

Anh Tiếng chưng hửng, không ngờ tôi lại đặt một câu hỏi chẳng ăn nhằm gì hết với đề tài đang nói. Cả anh Tùng cũng ngạc nhiên không kém. Họ nhìn tôi dò hỏi. Tôi xác định:

– Xin anh Tiếng trả lời.

Tiếng ngập ngừng khoảng vài phút, rồi trả lời:

– Tôi quí trọng anh Tùng vì tinh thần dấn thân của ảnh cho đại cuộc và đặc biệt cá tính của anh Tùng, thẳng thắn, rộng lượng, không chấp nệ các chi tiếc nhỏ nhặt.

Tùng ngồi trầm ngâm, có vẻ cảm động. Bạn của nhau đã lâu năm mà họ chưa hề nói thẳng cho nhau nghe nhận xét của riêng mình, bây giờ mới có cơ hội.

Còn anh Tùng, tôi hỏi, anh Tiếng có điểm nào để anh kết bạn?

Bây giờ có lẽ cả hai đã hiểu dụng tâm của tôi. Không khí đã bớt căng thẳng. Tùng dịu giọng:

– Anh Tiếng rất bén nhạy, thông thạo nhiều ngoại ngữ, khi anh đi thông dịch giúp đỡ người Việt ty nạn, anh làm với tấm lòng của anh, chứ không phải với thái độ của công chức.

– Cám ơn anh Tiếng và anh Tùng. Bây giờ đến câu hỏi khó đây, xin anh Tiếng trả lời trước, bây giờ theo anh, nên giải quyết sự việc như thế nào?

Tiếng bối rối thấy rõ, bắp thịt hai bên má của anh căng cứng lên. Tùng ngồi nín thở bất động. Giọng của Tiếng thoáng qua rất nhẹ:

– Tôi đã lỡ yêu Trinh rồi. Tùy anh Tùng quyết định.

Tùng ngồi yên, mắt đứng tròng nhìn vào hư vô đâu đó trên biển, môi mím lại. Tôi ngồi im chờ đợi. Bất ngờ Tùng lên tiếng:

– Anh Tiếng dám nói thẳng trước mặt tôi là đã yêu Trinh, tôi xin kính phục cái đởm lược nầy. Tôi hy vọng là anh yêu Trinh bằng cả cuộc đời của anh. Nếu Trinh còn yêu tôi thì đã không đến với anh. Tôi đã thua cuộc rồi, anh Tiếng khỏi phải áy náy. Trinh đã có một quá khứ đầy đau khổ, tôi hy vọng anh đem lại hạnh phúc cho Trinh.

– Xin hai anh bắt tay nhau. Như vậy vấn đề đã giải quyết. Tôi xin chấm dứt vai trò chủ tọa nơi đây.

Tôi để tay lên hai bàn tay đang nắm.

 

***

 

Cái quá khứ của hơn hai mươi năm xưa lộn về khi đầu dây bên kia lên tiếng:

– Tiếng đây anh.

– Trời! Ðã hơn hai mươi năm qua rồi không gặp!

– Vâng, hai mươi năm qua mau. Tôi định hôm nào đến nằm với anh một ngày nói chuyện đời.

– Welcome.

– Lúc nầy anh còn hoạt động nữa không?

– Trong máu mà, bỏ sao được. Tôi đang chuẩn bị tụ tập các bạn già đã hoạt động từ ba mươi năm nay ở Hòa Lan lại để nói chuyện cho vui đây.

– Vui quá, chừng nào tụ tập cho tôi hay với, tính làm gì nữa đây?

– Chưa biết, bốn mươi cái miệng nầy mà gặp nhau, tất nhiên sẽ bày trò. Khi mở miệng nói ra thì sẽ dính chấu, sau nầy không né được, cái nầy gọi là “Thần khẩu hại xác phàm”.

Tôi sực nhớ ra, tên nầy chưa bao giờ xin-làm-người-khách-được-mời, sao bây giờ lại khác?

Anh Tiếng có thời gian sống chung hạnh phúc với Trinh. Năm 1994, anh nhập cảng về Việt nam một tàu chở xe buýt đã xài rồi. Vì hối lộ chưa đủ, tàu không được cập bến cảng ở Việt Nam. Tàu sang Singapore, không được phép lên hàng. Cuối cùng anh phải bán sắt vụn. Vố đầu tư nầy làm anh sạt nghiệp, anh bỏ Hòa Lan về Việt Nam mở tiệm bán computer. Thỉnh thoảng tôi nhận được điện thoại của anh từ Đức, từ Chili, từ Sudan. Tôi vẫn chưa hiểu chính xác mục đích các chuyến giang hồ nầy. Bây giờ anh trở về Hòa Lan “mục đích là để cho con tiếp cận được với một nền giáo dục tốt”. Anh đề nghị một phương án cùng kinh doanh hợp pháp. Ngoài việc đến thăm tôi, anh còn có hẹn với hai người bạn cũ ở chùa. Hai nhân vật nầy thuộc thành phần trí thức đáng ngờ, đã từng sống ở Hòa Lan, có quốc tịch Hòa Lan, nhưng không phải là cư dân của Hòa Lan! Một anh ở Mỹ làm Sư, có bằng tiến sĩ, một anh dạy đại học Việt Nam. Tôi tự hỏi tại sao có sự trùng hợp hy hữu thế nầy?

Anh cho biết, anh có một khách sạn nhỏ ở khu đặc biệt ở Sài gòn. Người bạn vong niên của tôi cho người check lại về khu phố đặc biệt nầy. Đây là một khu phố được tịch thu để làm cơ sở tình báo của công an, một khu phố mà có dư tiền cũng mua không được. Bạn tôi, anh Tiếng, không dư tiền, nhưng nói thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan và Tây Ban Nha.

Anh bạn vong niên còn nhắc lại việc Việt cộng tung ra một trăm năm mươi cán bộ để thực hiện nghị quyết 36 làm cho tôi ngẫm nghĩ, mọi chuyện chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên tài tình như vậy, hay do một bàn tay quyền lực phù phép? Tôi vẫn chưa quan trọng đến mức trở thành mục tiêu của một kế hoạch. Hay bạn tôi chỉ “mượn đỡ” tôi để sử dụng như một đầu cầu xâm nhập Hòa Lan?!

Người ta có thể vì lợi ích cá nhân mà hy sinh tình bạn?

 

Nguyễn Ngôn

 


Cái Đình - 2012