Multatuli
Max Havelaar – Chương 1
Tôi là nhà buôn cà phê, ngụ tại số 37 Lauriergracht, Amsterdam. Tôi không có thói quen viết tiểu thuyết hay viết lách lăng nhăng, nên từ lâu tôi định bụng mua thêm vài gam giấy để viết cái mà, hỡi độc giả thân mến, bạn vừa bắt đầu đọc đây, và bạn phải đọc nó nếu bạn là một người buôn bán cà phê hay là gì chăng nữa. Không những tôi chưa từng viết một cái gì giông giống cuốn tiểu thuyết, tôi cũng không thích đọc nó, bởi vì tôi là môt thương gia. Từ lâu tôi thường tự hỏi loại sách này có ích gì, và tôi ngạc nhiên về sự dối trá mà những ông nhà thơ nhà văn áp đặt vào độc giả, những chuyện chẳng bao giờ xảy ra và thường là không thể nào có thật. Nếu một kẻ trong nghề như tôi – như đã nói, tôi là nhà buôn cà phê, ngụ tại số 37 Lauriergracht – làm hóa đơn cho một khách hàng bán sĩ trong đó có có một tí dối trá, những điều mà ta thấy nhan nhản trong thi ca, tiểu thuyết, chắc chắn là anh ta sẽ bỏ tôi mà đến với hãng Busselinck & Waterman ngay tức thì. Đấy cũng là hãng môi giới, nhưng bạn không cần biết địa chỉ của nó ở đâu. Vậy thì... tôi cố tình không viết tiểu thuyết, hay làm tờ hóa đơn giả mạo. Và tôi có thể nói thẳng thừng là những ai quen thói làm ăn kiểu này kết cục thường gặp chuyện không lành. Tôi đã bốn mươi ba tuổi rồi, lăn lộn ở thị trường đấu giá từ hai chục năm nay, kinh nghiệm đầy mình chẳng kém ai. Tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu hãng phải lụn bại! Và nếu muốn biết lý do tại sao thì nên xét lại con đường mà rất nhiều người đã chọn nhầm thủa còn trai trẻ.
Trung thực và lẽ phải – đấy là phuơng châm mà tôi luôn luôn tuân thủ. Cố nhiên cuốn Thánh Kinh là một ngoại lệ khác. Mọi rắm rối khởi đầu từ khi ông thi sĩ Van Alphen viết câu thơ đầu tiên nói về những 'con mọt thân yêu'. Làm sao một ông già như Van Alphen (1) có thể nghĩ rằng mình là kẻ ái mộ Gertie, đứa em gái tôi với cặp mắt toét, hay người anh trai tôi với cái tật hay cạy rỉ mũi? Dù vậy lão ta nói: "hắn ca lên những lời thơ vì tình yêu thôi thúc." Khi còn bé tôi thường nghĩ: "Bác ơi, cháu rất muốn gặp bác, và nếu bác chẳng chịu cho cháu mấy hòn bi cẩm thạch mà cháu xin bác, hoặc nếu bác chẳng cho cháu cái bánh làm theo tên cháu (2) (cháu tên là Batavus), cháu sẽ gọi bác là kẻ nói khoác." Nhưng tôi không bao giờ được gặp Van Alphen, ông ta đã chết rồi khi ông ấy bảo bố tôi là người bạn tốt nhất ở đời – thực tình tôi thích Paulie Winser hơn, láng giềng ở cùng đường Bataviersstraat (3) – và con chó thân yêu của tôi biết ơn tôi. Sự thực thì nhà tôi... chẳng bao giờ nuôi chó cả vì chúng bẩn quá.
Tất cả đều là dối trá! Giáo dục thì vẫn cứ thế. "Em bé gái được mua về trong cái bắp cải do bà hàng rau đem tới." "Dân Hà Lan thật là quả cảm và độ lượng" "Quân La Mã mừng rỡ vì dân Batavia đã tha tính mạng cho chúng" "Lãnh chúa Tunis sợ són đái khi nghe lá cờ Hà Lan đập phần phật trước gió." "Quận công Alva là con quái vật." "Nước triều xuống thấp năm... 1672 đã kéo dài hơn mọi khi là để bảo vệ cho nước Hà Lan." Láo toét! Sở dĩ nước Hà Lan vẫn còn Hà Lan là vì tiền nhân của chúng ta làm ăn nghiêm túc và vì họ giữ đức tin chân chính. Chỉ có thế thôi.
Và sau này họ còn nhồi sọ thêm nhiều chuyện dối trá khác. "Mỗi cô bé là một thiên thần." Đúng là giọng điệu của kẻ chưa hề sống với chị em dưới cùng một mái nhà. "Tình yêu thật kỳ diệu." Làm ta bay bổng với cái gì đó đến tận cùng trái đất; nhưng trái đất không có chỗ tận cùng, cái tình yêu kiểu ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ai dám bảo là tôi không sống đàng hoàng với vợ tôi – con gái ông chủ Last & Co, chuyên môi giới cà phê - Ai dám nói rằng cuộc hôn nhân của tôi có gì đáng chê trách. Tôi là hội viên hội Artis (4), vợ tôi có cái khăn quàng trị giá chín mươi hai gulden, và chúng tôi không bao giờ nhắc tới cái thứ tình yêu ngu xuẩn ấy, cái tình yêu không thể nào ở yên nếu nó không nằm tít mù ở tận cùng quả đất này! Khi chúng tôi cưới nhau, vợ chồng tôi đi chơi ở Den Haag một thời gian ngắn. Vợ tôi mua một ít nỉ và may cho tôi mấy cái áo vét mà bây giờ tôi vẫn còn mặc; tình yêu chưa đẩy chúng tôi đi xa hơn nữa trên quả địa cầu. Tất cả đều vô nghĩa, láo khoét!
Và có phải đời sống hôn nhân của tôi kém hạnh phúc hơn những kẻ phải tự đày đọa thân xác chỉ vì tình ái, đến nỗi phải bứt tóc vò tai? Hay là chuyện gia thất của tôi bây giờ chắc sẽ tốt đẹp hơn nếu mười bảy năm trước tôi chịu khó làm thơ để cầu hôn với vợ tôi? Láo! Mặc dù tôi cũng có thể làm được như ai, bởi vì làm thơ chỉ là một nghề như bao nhiêu nghề khác, lại là thứ nghề dễ ợt – chắc chắn là dễ hơn nghề khắc ngà voi. Nếu không, tại sao người ta lại bán những cái bánh ca-ra-mel có những vần thơ kèm theo với giá rẻ mạt? Frits gọi chúng là "bonbons", tôi không hiểu tại sao... Và thử hỏi người ta bán một bộ banh bi-da là bao nhiêu, ôi chao sao mà đắt thế!
Thực tình tôi có chống đối thơ ca gì đâu. Nếu có ai muốn ghép bốn chữ thành một dòng, tôi cũng chấp nhận. Nhưng chớ nói những gì không có thật. "Trời lạnh như cắt, tôi bỗng đau mắt". Tôi chẳng chấp làm gì nếu trời quả thật lạnh như cắt và ai đó thật sự đau mắt. Nhưng nếu người ấy đau răng, thì tôi – kẻ không biết ghép chữ – sẽ nói: "Trời rét như cắt, tôi bỗng đau răng." Nhưng anh làm thơ vẫn kẹt cứng với "đau mắt" bởi vì anh đã lỡ viết "lạnh như cắt" rồi. Đối với anh thì hoặc ta phải đau mắt, hoặc là trời không thể rét như cắt. Như vậy anh đã bóp méo sự thật. Hoặc là phải thay đổi thời tiết, hoặc là phải thay đổi căn bệnh. Và trong trường hợp ấy, một trong hai sự kiện nói trên là điều bịa đặt.
Nhưng không phải chỉ có những vần thơ là có khả năng dụ dẫm bọn trẻ mắc vào cái tật không trung thực mà thôi đâu. Hãy đến rạp hát mà nghe những chuyện dối trá diễn trên sân khấu. Một kẻ suýt chết đuối được một anh chàng (sắp sửa bị khánh tận) kéo vào bờ. Để tỏ lòng biết ơn anh thưởng cho chàng kia một nửa gia tài của mình. Chuyện rất khó tin. Cách đây không lâu, khi đang đi trên đường Prinsengracht bỗng nhiên cơn gió cuốn phăng cái mũ của tôi vèo xuống kênh. Có người nhặt lên đem đến cho tôi. Tôi cho anh ta mươi xu và anh ta hài lòng. Tôi cũng hiểu rằng nếu anh ta vớt tôi ra khỏi con kênh tôi phải cho anh ta nhiều hơn thế nữa, nhưng chắc chắn không phải nửa cái gia tài của mình, bởi vì rõ ràng là nếu làm cách này, chỉ cần ngã xuống kênh hai lần là tôi trở thành ăn mày. Điều tệ hại nhất với loại kịch kiểu này là khán giả quen dần với những chuyện không thực như thế, cứ việc vỗ tay tán thưởng. Tôi chỉ muốn ném cả bọn xuống nước để xem ai là kẻ thực lòng vỗ tay tán thưởng. Tôi là kẻ chuộng sự thật; và tôi cảnh báo là tôi sẽ không đền công đắt giá cho bất cứ ai vớt tôi lên. Người nào không bằng lòng cứ để mặc tôi nằm dưới nước. Chỉ vào ngày chủ nhật là tôi sẵn lòng cho nhiều hơn, bởi vì hôm ấy tôi diện sợi dây chuyền vàng buộc đồng hồ và mặc một cái áo vét khác.
Vâng, vẫn cái sân khấu ấy đã làm hư hỏng biết bao nhiêu người, tai hại hơn cả những cuốn tiểu thuyết. Thấy tận mắt mới tin được! Với một ít kim tuyến và đăng ten cắt từ giấy, trông hấp dẫn làm sao! Nhất là đối với bọn trẻ con và những người không phải tay nghề. Ngay cả lúc diễn viên cố tình biểu hiện sự nghèo khó, họ chỉ gây được cái ấn tượng giả dối. Một cô gái làm việc giúp đỡ gia đình sau khi ông bố bị phá sản. Tốt đẹp thay! Cô ta ngồi đấy, may, đan, thêu thùa... Nhưng nếu quan sát kỹ thử xem cô ta làm được bao nhiều mũi suốt cả một màn kịch. Hết nói chuyện, thở than, lại chạy tới cửa sổ, làm việc thật sự thì chẳng có gì. Công việc như thế mà nuôi đủ cả gia đình thì cũng lạ đời. Cô gái ấy là diễn viên chính. Cô xua đuổi mấy anh chàng đến tán tỉnh, cô xuống cầu thang, mồm kêu không ngớt: "Mẹ ơi! Mẹ ơi!", và như thế có nghĩa là cô ta biểu trưng cho đức hạnh. Đức hạnh kiểu gì mà phải mất một năm mới đan nổi một đôi tất len? Có phải đây là ý tưởng giả dối về đức hạnh, về chuyện "làm ăn kiếm sống"? Tất cả đều vô nghĩa và láo toét.
Đến lượt mối tình đầu của cô – chàng trước kia là thư ký quèn, nhưng bây giờ đã trở nên giàu sụ – đột nhiên trở về và cưới cô. Lại láo toét! Một anh giàu đâu có thèm lấy một cô bé thuộc gia đình thuộc dạng phá sản. Và nếu bạn chấp nhận những gì xảy ra trên sân khấu là ngoại lệ, riêng tôi vẫn cho rằng nếu cứ tiếp tục như thế thì cái cảm tính tiếp nhận sự thật của người ta sẽ bị thui chột, vì ngoại lệ cũng được xem là thông thường, đạo đức công chúng sẽ tiêu hao dần vì thói quen vỗ tay tán thưởng những gì diễn ra trên sân khấu, mà kỳ thực ở ngoài đời bất cứ kẻ bán buôn, người doanh nghiệp nào cũng cho là chuyện điên rồ, lố bịch. Này nhé, khi tôi cưới nhà tôi, Công ty Last của ông nhạc tôi có đến mười ba nhân viên, ai nấy làm việc quần quật suốt ngày.
Còn nhiều trò dối trá khác trên sân khấu. Khi diễn viên nam lên đường làm nghĩa vụ cứu nước với những bước chân đầy giả tạo, tại sao cái cửa ở đàng sau sân khấu luôn luôn tự động mở ra cho hắn. Đã hết đâu... làm sao một người nói chuyện bằng thơ có thể đoán trước câu trả lời của người kia để mà gieo vần cho hợp. Ví dụ khi ông Tướng nói với bà Công Chúa: "Thưa Công Nương, kẻ thù đã đóng cổng thành", làm sao ông ta biết bà Công Chúa sẽ trả lời: "Rút gươm ra, đánh cho chúng tan tành"? Giả sử khi nghe quân trong thành đã đóng cửa, bà ta trả lời là trong trường hợp ấy hãy chờ cho chúng mở cửa, hoặc tha cho chúng lần này lần sau sẽ tính, như thế vần điệu câu chữ sẽ ra thế nào đây? Vì vậy diễn kịch là cái trò cực kỳ giả dối như khi ông Tướng nhìn Công Chúa dò hỏi ý định phải làm gì sau khi được tin kẻ thù đã đóng cổng thành, có phải thế không ạ? Và nếu Công chúa cảm thấy đi ngủ sớm là tốt hơn cả, chẳng phải rút gươm đánh nhau với ai thì sao? Toàn chuyện dối trá.
Bây giờ là tới chuyện đức hạnh được đền bù xứng đáng! Chao ơi, tôi làm nghề buôn cà phê mười bảy năm rồi – số 37 đường Lauriergracht – vì thế tôi chẳng lạ gì những chuyện trên đời này; tuy vậy tôi vẫn hết sức bực mình khi thấy cái chân lý tuyệt vời của Chúa bị bóp méo một cách đáng hổ thẹn. Đức hạnh được đền bù? Nếu quả có thế, thì đức hạnh là một vật để trao đổi mua bán? Nhưng trên đời này nó không phải như thế và đấy là điều hay. Bởi vì đức hạnh còn có giá trị gi nữa khi có sự thưởng công? Vậy tại sao người ta phải bịa ra những điều vô luân như thế?
Lấy trường hợp Lucas, người giữ kho hàng cho công ty Last (lúc ấy còn có tên Last & Meyers, nhưng Meyers đã rút lui). Lão này đúng là một kẻ đức độ thứ thiệt. Chẳng bao giờ lấy gì làm của riêng cho mình, thường xuyên đi lễ nhà thờ, không rượu không chè. Mỗi khi ông nhạc tôi về Driebergen (5) nghỉ ngơi, Lucas chăm nom nhà cửa, tiền bạc, lo lắng tất cả. Một hôm ngân hàng đưa nhầm cho lão mười bảy gulden, lão đem trả lại không thiếu một xu. Bây giờ lão già rồi, lại bị chứng phong thấp, không làm lụng gì đươc nữa. Thế là lão đói, nhưng chúng tôi là giới kinh doanh, chúng tôi cần người trẻ. Vậy thì... lão Lucas là người đạo đức, nhưng lão có được ân thưởng gì không? Có ông hoàng nào đến biếu lão một ít kim cương? Có bà tiên nào đến quết bơ vào bánh mì cho lão ăn? Chắc chắn là không! Lão nghèo, lão sẽ mãi nghèo, đời phải thế. Tôi không thể giúp gì cho lão, ở đây chúng tôi cần người trẻ vì chúng tôi phải cật lực làm ăn. Nhưng giả thử tôi có thể giúp lão, thế thì cái đạo đức của lão phải đặt ở đâu nếu lão được sống thanh nhàn khi về già? Lúc ấy không những các người giữ kho sẽ trở nên rất mực đạo đức mà ai ai cũng vậy. Nhưng Thượng đế đâu có muốn như thế, bởi vì sẽ không còn phần thưởng đặc biệt nào dành cho kiếp sau. Nhưng trên sân khấu họ lại cố tình bóp méo... Toàn chuyện dối trá, dối trá đến kinh người.
Bản thân tôi là kẻ đạo đức, nhưng tôi có đòi hỏi ân thưởng gì đâu? Nếu công việc làm ăn của tôi phát đạt – và thực sự là nó phát đạt... nếu vợ con tôi được khỏe mạnh nhờ thế mà tôi khỏi bận tâm về những ông bác sĩ, dược sĩ... nếu tôi chịu khó dành dụm năm này qua năm khác phòng khi về già... nếu thằng Frits sau này nên người có thể thay tôi một khi tôi về Driebergen dưỡng lão... Được như thế thì tôi rất mãn nguyện. Nhưng tất cả đều tùy thuộc vào hoàn cảnh, và cũng vì tôi làm ăn đàng hoàng. Tôi không chờ mong gì ở cái đạo đức ấy. Đạo đức là phần thưởng của chính nó!
Và người ta có thể nhận ra tôi là người đạo đức bởi vì tôi yêu chuộng chân lý. Đây là cá tính nổi bật của tôi, sau lòng tin ở Chúa. Và tôi mong thuyết phục được quý độc giả, bởi vì đấy là cái cớ khiến tôi viết cuốn sách này.
Một cá tính khác của tôi mạnh mẽ không kém sự yêu chuộng chân lý là lòng tận tụy với nghề nghiệp. Tôi là tay buôn cà phê, 37 đường Lauriergracht. Thưa quý độc giả, chính vì lòng yêu chân lý vô bờ và sự tận tụy nghề nghiệp mà tôi đã viết ra những trang này. Tôi sẽ kể cho bạn nghe đầu đuôi câu chuyện. Nhưng giờ thì tôi phải xin kiếu, vì tôi phải đi đến trụ sở thị trường đấu giá cà phê, tôi mời bạn thưởng thứ chương 2. Tạm biệt nhé!
À, xin đợi một chút. Làm ơn cho cái này vào túi... Ồ, chẳng khó nhọc gì cả... Biết đâu đấy, có ngày bạn sẽ cần tới nó... À, đây rồi: danh thiếp của tôi! Chữ "Co" ấy chỉ về tôi bởi vì ông Myers đã rút khỏi công ty rồi... Last là ông bố vợ tôi ấy mà...
LAST & Co. |
Multatuli
_____________
Chú thích:
(1) Hironymus van Alphen (1746-1803): nhà thơ Hà Lan chuyên viết cho thiếu nhi.
(2) Bánh hạnh nhân làm theo hình chữ đầu của tên (ví dụ hình chữ ''B'' cho tên ''Batavus'')
(3) Batavierstraat: đường Batavier. Batavier: Bộ tộc người thượng cổ sống trên vùng đất ngày nay là nước Hà Lan. Batavia, thủ phủ của Đông Ấn được đặt theo tên này, bây giờ là Jakarta.
(4) Artis: Hội Động Vật Học Hoàng Gia Hà Lan, cũng là tên vườn Bách Thú ở Amsterdam ngày nay.
(5) Driebergen: làng nhỏ gần thành phố Utrecht, có nhiều biệt thự của giới thượng lưu.
_____
Phụ chú:
Bản thảo Max Havelaar nguyên thủy không chia thành chương. Việc chia thành chương như trong các bản hiện lưu hành là do ý kiến của Jakob van Lennep để cuốn sách dễ đọc hơn. Ngoài ra trong bản Việt ngữ có một số từ Hà Lan cổ, để tôn trọng nguyên tác dịch giả đã không sửa lại theo như cách viết tiếng Hà Lan hiện nay.