Nguyễn Lê Hồng Hưng


Mắt xích của thời gian

Trời đổi mùa rồi. Những ngày gió nam đã hết hẳn, gió bấc non hiu hiu đem cái lạnh từ miền trên đổ về. Bây giờ mùa lưới cũng đã mãn, các ghe đánh cá ven vàm sông Ông-Đốc vô ra cũng vắng vẻ hơn những ngày chánh mùa.
Chiều nay có chiếc ghe lưới mang bảng số Rạch-Giá chạy bon bon vô vàm sông Ông-Đốc. Mặt sông vắng vẻ im lìm, nhưng tiếng máy bành bạch cùng tiếng lướt nước ào ào gây chú ý cho những người trên xóm. Chuyện ghe lưới vô ra vàm sông là lẽ thường trong những ngày mùa. Nhưng chiếc ghe này hôm nay chạy vô một cách trái mùa như vậy, hỏi người ta không chú ý làm sao cho được.
Chiếc ghe nọ chạy khỏi chợ vàm, tới đầu khu vực hai mới tấp đậu vô một bến trống. Người tài công tuổi trạc trên dưới hai chục, đầu đội chiếc nón rơm, bận bộ đồ ka-ki đen bước ra tươi cười nói với giàn bạn phía trước vài câu gì đó rồi leo lên bến đi ngược vô xóm trong. Những đứa con nít trong xóm tò mò rình ngó, có vài đứa lẽo đẽo theo sau. Anh tài công với gương mặt vui tươi, chưn tung tăng như một kẻ đi xa mới về. Anh đi tới một căn nhà lá giữa khu vực hai rồi ngần ngừ đứng lại ngó vô.


Trên chiếc chõng tre trước hàng ba có hai người đàn bà ngồi tán chuyện, thấy anh ta dở chiếc nón rơm xuống rồi cười một cái. người đàn bà hỏi, giọng mừng rỡ:
- Thằng Minh đó phải hôn?
Anh nọ rộ lên vẻ vui mừng:
- Dạ... dạ, tui nè chị Ba.
Hai người đàn bà bật đứng dậy. Người được kêu là chị Ba rối rít:
- Chèn ơi, mấy năm nay mầy đi đâu mất biệt vậy?
- Tui đi mần ăn ở Rạch-Giá, chị.
Minh bước vô hàng ba đứng trước hai người. Người đàn bà nãy giờ đứng bên không có dịp nói, bây giờ thấy có kẽ mới chen vô:
- Thằng Minh, bộ mầy quên tao rồi chắc?
- Đâu có, chị là chị Hấu mấy năm trước bán rượu chịu cho tui hoài, làm sao tui quên chị được.
- Vậy mà tao tưởng mới xa đây có mấy năm mà mầy quên tuốt luốt hết rồi chớ.
- Đâu có tệ vậy chị.
Day qua chị Ba, Minh hỏi:
- Mấy năm nay gia đình chị thể nào?
- Thì vẫn vậy.
- À, anh Ba đâu, sao nãy giờ tui hổng thấy?
- Thằng chả chắc quính cờ tướng ở nhà chú Hai Nhị, mầy vô nhà ngồi chơi để tao chạy kêu thằng chả dìa.
Chị Ba nói đoạn xăng xái đi ra cửa. Minh bước vô nhà ngồi trên bộ ván. Chị Hấu cũng vô ngồi cạnh bên. Minh hỏi thăm:
- Dạo nầy chị còn bán rượu hôn?
- Hông - chị Hấu cười cười - Từ sau ngày mầy đi tao bán rượu ế quá nên mới sang qua hùn với thím Ba mần khô bán.
Minh cười:
- Chị làm như tui là hạm rượu vậy đó.
Chị Hấu dã lã:
- Chú thím Bảy giờ thế nào?
- Ba tui mần ruộng ở Quơn-Long. Hôm rồi ba tui có nói ở trên ấy mần ăn khó lắm, nên tính xong mùa lúa nầy, ông bà dời dìa đây đó chị.
- Ừa, dìa đây ở cho vui... Khi không mần ăn đương ngon trớn, một hai chú thím đòi dìa xứ cho bằng được. Còn mầy nữa, lưu linh lưu địa hết mấy năm rồi?
- Mới có ba năm mấy.
- Mau quá há!


Tính ra hơn ba năm có mau, nhưng cộng thêm những năm Minh sống nơi đây nữa thì thời gian ấy cũng đủ làm cho nhiều hoàn cảnh đổi thay.
Hồi nhỏ..., hồi mà Minh còn theo nấu cơm cho một ghe lưới gộc trong vùng nầy. Lúc đó anh ba Thắm làm tài cải, ông hai E làm tài công. Cái ông E đó được đào tạo hồi còn ghe buồm nên tánh ông khó dàng trời. Người nào làm chung với ông cũng kêu gào bực bội. Ông E có kinh nghiệm đánh cá rất là tài, ông coi thiên văn thiệt đúng, đón con nước trúng phóc, canh nước chảy đánh rạng thiệt chính xác. Cái tài đánh rạng của ông trong làng ngư phủ, ai nghe tới cũng phải phục. Sáng sớm ông cứ cho ghe ra khỏi cồn, canh khoảng cách đám rạng, lấy hòn Hàn, hòn Chuối làm điểm tựa. Xong ông bủa lưới cho nước chảy, lưới trôi vừa tới mé rạng thì nước cũng vừa dừng...
Những kinh nghiệm của ông có là hồi ghe buồm. Nhưng khi đổi lại ghe máy như bây giờ, ông không điều khiển được. Việc chạy lái đều do anh ba Thắm đảm đương. Vì vậy mà quyền hành của ông cũng bị giảm bớt. Hình như ông chưa nhận ra điều nầy nên đôi khi ông cứ làm trời làm đất. Ông thì ghiền ăn ớt. Có một hôm, đầu con nước lưới, ghe chạy ra tới ngoài cồn, lỡ quên đem theo hũ ớt, ông chửi Minh một chặp rồi bắt anh ba Thắm phải chạy ghe vô lấy ra, nếu không thì ông sẽ nghỉ việc. Ý chừng anh ba Thắm cũng không ưa gì ông hai E, cho nên hai người thường đụng chạm với nhau về nghề nghiệp.


Nhớ lần đó nhằm mùa gió nam, ghe nằm ngoài hòn Khoai. Cơn giông chiều thường nhựt thổi lên. Lưới thì còn dưới biển. Ông hai E sợ quá, nổi quạu cằn nhằn:
- Mấy chuyến nay tao biểu mần tấm chấn phong (1) mà hổng có thằng nào chịu mần để bây giờ đụng chuyện hổng có mà xài.
Cả giàn bạn nhìn nhau cười làm ông tỏ vẻ khó chịu. Anh ba Thắm dã lã:
- Thôi đi bác ơi, thời buổi nầy mà còn ba cái vụ dị đoan lẩm cẩm, mệt quá.
- Mày ăn nói vậy đó hả - hai E nổi cáu - Riết rồi tụi bây hổng coi thần thánh ra gì hết, rồi có ngày...
Ông tính nói "có ngày chết biển chết giả" gì đó, nhưng sợ gở lời nên ông ngưng. Anh ba Thắm nhỏ nhẹ nói:
- Bác nói... linh thiêng gì cái tấm da chó mà ngăn nổi trận giông. Nếu thiệt tình có ông thần giông tiêu biểu như bác nghĩ, tui tin chắc rằng mấy ổng thấy bác đem tấm da chó treo lên cột cờ như vậy, mấy ổng tưởng bác khi dễ, mấy ổng giận đổi giông thành bão, lúc đó có môn cuốn cờ chạy hổng kịp.
Cả giàn bạn nghe anh ba nói vậy, xúm nhau cười làm ông Hai nóng mặt bực tức. Ông đứng dậy sân si:
- Đ. m.., mần nghề nầy hổng tin thần thánh, có ngày chết mẹ nghe con!
Anh hai Thắm nghe ông chửi bậy cũng nổi nóng, đứng dậy chồm tới trước ca-bin, hằn học:
- Tui cho bác biết, bác lớn bác ăn nói đàng hoàng một chút. Làm gì mà bác chửi tui om sòm trời đất vậy? Tui tin Ba Cậu Năm Ông chớ hổng có tin bậy bạ ba tấm da chó thúi ình như bác tưởng.
Ông hai E ngang giọng:
- Nhưng tao là tài công, tao có quyền.
- Đúng, bác có quyền coi con nước, quyền coi sao định hướng đoán thời tiết, quyền chỉ tay năm ngón.
Ông hai E giận quá, đến nỗi nói giọng run run:
- Mầy... mầy nói có gì mà chỉ tay năm ngón?!
- Thì bác không biết lái vô-lăng, bác chỉ đâu, tui đánh đó. Nhưng đó là chuyện làm phải, chớ bác kêu tụi tui làm miếng da chó cản giông, gió là bác tầm bậy. Tụi tui hổng có đứa nào ăn thịt chó hết, chớ nói chi tới chuyện bắt chó lột da!
- Nhưng tao mần là để bảo đảm sanh mạng chung!
- Tụi tui không cần da chó. Nếu bác sợ thì dìa chuyến nầy, bác bắt chó lột da mần tấm chấn phong chấn bão gì đó thì mần. Nhưng yêu cầu bác một điều là mỗi lần thấy giông thấy gió lên, đừng nên kiếm chuyện chửi người ta là được.
Câu chuyện êm dịu nhờ anh ba Thắm có lý. Riêng hai E có lẽ tự ái bị tổn thương nên nói dọa già:
- Dìa chuyến nầy, tao nói với chủ tao nghỉ, coi tụi bây mần sao cho biết!


Anh Ba nín thinh, không nói gì. Lúc đó gió lên mạnh, cơn giông bắt đầu. Ông hai E ra lịnh nổ máy giung (2), bỏ lưới lại chạy ghe vô cồn núp chờ qua giông rồi hẵng ra kéo lưới. Anh ba Thắm thì sợ cả đêm chạy vô chạy ra làm mất sức giàn bạn, đó là chưa nói tới tai hại rủi ro mất lưới do nước cuốn đi. Người đòi chạy, người đòi kéo... Hai bên dằng co một hồi, anh Ba mới day qua hỏi ý kiến giàn bạn. Mọi người đều đồng ý kéo lưới rồi hẵng vô cồn. Ông hai E cứ bảo thủ ý mình mới chửi thề ỏm tỏi. Anh ba Thắm không nói gì, cứ cho ghe chạy để đám bạn làm việc. Trong lúc người ta kéo lưới, ông hai E ọ ẹ làm sao không biết mà bị anh Ba tống cho một đạp. Lúc đó ông mới chịu ngồi yên trong góc ca-bin, mà miệng ông cứ cằn nhằn cử nhử.
Khi kéo lưới xong, ghe chạy vô cồn neo lại. Bữa nay bị giông gió, làm việc chậm, ăn cơm trễ nên mọi người đều đói. Cơm chưa xong mà tất cả đã xếp bằng ngồi chờ trong ca-bin. Ông hai E thì kiếm chuyện cằn nhằn thằng Minh làm biếng làm nhác nên trễ bữa cơm. Đó là thói quen của ông khi tức bực nên không ai để ý làm gì. Lật bật một hồi, bữa cơm cũng xong. Chiều nay ăn cơm với đầu cá rúng nấu chua, thân cá rúng kho lạt. Trong lúc dọn cơm, vô tình sóng lắc làm đổ tô canh. Ông hai E có dịp trút cơn giận hồi chiều, sẵn nắm đũa trong tay, ông xáng lên đầu Minh một cái tóe lửa... Một nắm đũa lên đầu vì tội làm đổ tô canh, thiệt là vô cớ. Ai cũng nhìn ông tỏ vẻ bất bình. Riêng Minh thì mở to đôi mắt nhìn ông tỏ thái độ căm hờn.
Thường ngày, cho cá xuống dưới hầm ướp nước đá, sau đó mới tắm rửa. Xong đâu đó là tới giác uống trà với đường tán để bàn chuyện hôm nay mà rút kinh nghiệm cho con nước ngày mai.


Hôm nay ông hai E còn giận anh ba Thắm nên không nói chuyện con nước con nôi gì hết ráo. Ông day qua tán dóc với đám ngư phủ. Ông khoe chuyện đánh bắt hồi trào còn ghe buồm. Câu chuyện cũng không có gì mới mẻ, nhưng mọi người muốn an ủi ông để bù lại cái đạp hồi chiều nầy nên cố ngồi lắng nghe ông nói. Anh ba Thắm với thằng Minh bị bỏ rơi mới rủ nhau ra trước mũi ghe ngồi.
Sau khi vấn châm lửa điếu thuốc rê, anh Ba nói:
- Hồi chiều tao nóng quá rồi sanh bậy.
Minh với vẻ bực tức:
- Anh làm phải.
- Đành vậy, nhưng chuyện gì phải trái nói với nhau, chớ đạp ổng như vậy rồi ân hận lắm. Dù sao đi nữa ổng cũng đáng tuổi cha chú mình.
- Anh đạp ổng có lý do mà anh còn nói ân hận, ổng quánh tui vô cớ mà ổng lại tỉnh bơ.
Anh ba Thắm rít một hơi thuốc, nhả khói. Anh nói:
- Suy đi nghĩ lợi, có thời ổng mới có thời mình. Những kinh nghiệm đánh cá bây giờ mình có là do những người đi trước truyền lợi.
Minh cãi lý:
- Nhưng cái đó không phải là một cái cớ để ổng làm ông làm cha. Với lại cái thời của ổng là thời ghe buồm lưới gai, còn thời nầy là thời ghe máy lưới cước!
Anh ba Thắm sửa lại thế ngồi, nhỏ nhẹ nói với Minh:
- Nếu mầy thấy cái thời nào mà để lưới trên ghe, cá tự nhiên từ dưới biển nhảy lên đóng, lúc đó mầy hẵng từ chối kỹ thuật đánh bắt của người trước. Hiện bây giờ vẫn còn bủa lưới, kéo lưới, gỡ cá, xẻ cá, muối cá như hồi đó, có khác chỗ nào đâu? Tao nói như vậy, không có nghĩa là từ bỏ máy móc, nói theo chữ nghĩa là phản khoa học gì đó. Như mầy đã thấy, con người lúc nào cũng chỉ huy máy móc. Ngoại trừ những con người chạy theo cuống cuồng mà hổng chăm chú theo tài năng thiệt sự của mình, để rồi đi hết thất bại nầy qua thất bại khác, cũng tại họ mất niềm tin nơi chính họ.
Anh Ba giơ điếu thuốc lên rít một hơi cuối cùng. Liệng tàn thuốc xuống nước, anh tiếp:
- Như ghe ông hai Từ, mầy biết đó, ổng tiếc tiền nên hổng dám mướn tài công, mới giao ghe cho rể ổng. Nghe nói rể ổng học giỏi lắm, có một thời gian đi dạy học nữa. Ông ta tối ngày cứ ôm khư khư cái ra-dô để nghe tiên đoán thời tiết. Mà đài khí tượng thì mấy khi nói trúng, làm cha nội có khi cả đêm chạy vô chạy ra hòn cả năm lần bảy lượt.
- Ủa, có chuyện đó nữa sao?
- Bộ mầy chưa nghe à?
- Có nghe phong phanh là ông ta chuộng khoa học lắm.
- Cũng vì chuộng khoa học mà ổng xấc bấc xang bang kỳ đó. Nhè mùa nam giông, gió bất thường, còn mấy cha nội đài khí tượng lại bất thường hơn. Rể ông Từ ôm cái ra-dô nghe mấy cha nói gió cấp bảy cấp tám, từ động đến động gì đó, hoảng hồn chạy vô hòn núp. Vô neo một đỗi, thấy trời không giông gió gì mới nhổ neo chạy ra. Ra cào đâu được một lát, nghe đài báo động lần nữa, liền xách ghe chạy vô hòn neo. Cứ chạy vô chạy ra như vậy suốt cả đêm, thử hỏi mầy, còn cào cấu gì nữa. Cho nên ghe ổng chuyến nào cũng thua người ta, có khi lỗ chi phí. Riết rồi những ngư phủ giỏi hổng ai thèm đi. Mà ghe ổng thì mầy thấy đó, máy kéo, cần trơi đầy đủ cả.
- Như vậy người ta mần đài khí tượng để mần chi?
- Theo tao, chỉ để nghe bão thì được, nhưng người nghe cũng phải biết khoa nghe mới được. Chớ không thôi nghe bão đâu ngoài trung ngoài bắc gì đó, mà ở trong nầy cuốn cờ chạy thì cũng như không.
Nhờ anh Ba đẩy xa câu chuyện một cách lý thú mà Minh quên đi cái bó đũa xáng lên đầu hồi chiều nầy.
Rồi từ đó về sau Minh coi anh Ba như bậc thầy, nhứt nhứt cái gì nó cũng nghe theo lời anh. Còn anh Ba thì thương nó lắm. Thời gian sau ảnh lên làm tài công mới giao cho Minh làm tài cải. Đâu vài năm sau Minh lên Rạch-Giá tiếp tục làm tài cải cho những ghe đánh cá trên ấy. Nhờ siêng năng và chịu học hỏi, Minh được lên làm tài công trong những tháng gần đây.


Hôm nay mãn con nước lưới, từ mũi Cà-Mau chạy về Rạch-Giá. Trên đường về, đi ngang vàm sông Ông-Đốc, Minh nhớ lại xóm cũ mà nó đã một thời sanh sống nơi đây, mới ghé vô tìm sư phụ nó là anh ba Thắm và bạn bè cũ để nhậu nhẹt chơi.
Sau khi tìm gặp anh Ba, Minh có hứa bán cho chị Ba với chị Hấu một mớ cá vụn để hai chị mần khô, rồi mời anh Ba với những người bạn cũ xuống ghe bày tiệc nhậu.
Tối hôm đó, sau khi cùng anh ba Thắm tâm sự và trao đổi nhau về kỹ thuật đánh bắt, Minh cùng các anh em ngư phủ đập bồn đập bát, ca hát om sòm vui vẻ lắm.


Ông hai E bây giờ hết thời rồi nên không còn ra biển được nữa. Đầu ông bạc trắng, lưng còng lại, nghe nói bây giờ ông nghèo lắm. Ông lụm khụm xuống ghe thăm Minh và hỏi xin cá. Minh tự tay dở hầm nước đá lấy lên cho ông một con cá thu rồi mời ông ngồi nhậu cho vui. Vô vài cốc khề khà, ông hai E hỏi:
- Chuyến nầy trúng thất Minh?
Bưng cốc rượu định nhấp một cái, nghe ông hỏi, Minh ngừng tay kiêu hãnh trả lời:
- Dạ, cá gộc đâu được hơn hai trăm con, còn cá vặt được đâu chừng ba bốn tấn.
- Mãn mùa mà đánh được như vậy thì khá lắm à nhe mậy. Mà ghe mầy máy mấy?
- Sáu mươi đầu bạc.
- Còn giàn lưới mầy bao nhiêu sải?
- Khoảng một ngàn hai trăm sải, bác.
Rượu cứ tiếp tục vô đều đều. Ông hai E say ngà ngà lại bắt đầu câu chuyện hồi trào ghe buồm, câu chuyện mà ông đã nhơi đi nhơi lại hồi những năm trước tới nay vẫn chưa nhàm. Anh ba Thắm là người hiểu biết nên không cãi với ông làm gì, để cho ông nói. Lúc đầu Minh thấy sư phụ mình còn như vậy nên nó cũng không dám hó hé một lời, mặc dầu những chuyện lỗi thời của ông đôi khi làm nó hơi bực bội. một hồi sang qua chuyện đánh rạng. Anh ba Thắm mới bốc ông một câu:
- Tui nói thiệt nhe bác hai, tui phục sát đất về cách đánh rạng của bác. Chỉ mỗi cách đó mà tui tập đứt hết mấy chục khúc lưới mới đánh được.
Ông hai E nở mũi day qua Minh:
- Còn thằng Minh, mầy biết đánh cách đó chưa?
- Cách nào bác?
- Thì cách canh nước bủa lưới, khi lưới xuống vừa tới mí rạng nước cũng vừa dừng lại mà mấy năm trước tao chỉ mầy hoài đó.
Minh hớp nửa cốc rượu, còn lại một nửa giơ qua cho ông Hai rồi nói:
- Đánh cái kiểu bác bây giờ không có ăn nữa đâu.
Ông Hai nốc nửa cốc rượu thiệt nhanh, rồi để xuống, hấp tấp hỏi:
- Sao vậy mậy?
Minh sửa lại thế ngồi:
- Hồi đó lưới gai, bác sợ rạng là phải. Với lại lúc đó ghe ít, không có máy móc như bây giờ, cá còn thảnh thơi bơi lội, mà lợi nhiều hơn. Còn bây giờ ghe nào lưới cũng dài, mà lại lưới cước bén, bắt cá chạy nữa. Cá càng ngày càng ít ỏi, phần nghe tiếng động của máy nên thường núp vô rạng. Nếu mà đánh theo lối cũ như bác nói, cứ rà rà ngoài mé rạng thì làm sao cá ăn?
- Vậy mầy phải đánh làm sao?
- Tui đánh trùm lên rạng luôn.
- Vậy thì nát lưới hết còn gì?
- Hổng sao. Bác nhớ không, hồi đó bác đánh hai cách. Một là bác đánh cho lưới trôi vừa qua tới mé rạng, nước cũng vừa trả lợi; hai là bác đánh gần tới rạng thì kéo nhanh lên cho lưới trôi qua khỏi đám rạng phải hôn?
- Thì vậy chớ sao.
- Tui thì không đánh hai cách của bác vì nó đã lỗi thời. Tui bủa lưới trên nước, đợi trôi gần tới mé rạng, tui xả ranh cho lưới trôi từ từ vô tới rạng, tui mới giựt hết ranh cho lưới nằm luôn tại chỗ. Chờ khi nước đứng, tui lên ranh, đợi nước vừa trở, tui bắt đầu kéo. Lưới cọ vô rạng tuy có rách hơi nhiều, nhưng tiền bán cá mua cước vá cũng còn dư chán.
Ông hai E nghe nói vậy, gật gật đầu, vuốt nhẹ một câu:
- Tao hổng ngờ tao có một đệ tử ngon như mầy, chưa đầy hai chục tuổi mà đủ kinh nghiệm đánh khơi.
Từ nhỏ tới lớn, khi bước chưn ra đời Minh bị bạc đãi quá nhiều. Chỉ có anh ba Thắm là người thương yêu, dạy dỗ cho nó đến trưởng thành trong làng ngư phủ, cho nên Minh coi anh ba Thắm như một người thầy. Ngoài ra, ai Minh cũng coi như bạn ngang hàng, hoặc kính trọng tuổi tác, hoặc... xem thường. Người mà Minh xem thường nhứt là ông hai E. Hôm nay ngồi nhậu, đối xử với ông như vậy cũng tốt quá rồi... Bây giờ ông còn đòi làm thầy. Bộ ông muốn kể công sao? Đâu có được! Đối với Minh, ông có công gì? Rượu vào lời ra, Minh không ngần ngại để nhẹ ông một câu:
- Ngày trước đệ tử nhờ thầy cho nắm đũa lên đầu lúc neo ghe trong cồn, chắc sư phụ còn nhớ?... Cũng nhờ vậy mà đệ tử mới có ngày hôm nay.
Đưong nhốn nháo vui vẻ, tự nhiên mọi người im lặng khi thấy ông hai E đứng dậy, bỏ lên bến một nước. Minh ngó anh ba Thắm, tỏ vẻ ân hận, rồi nó đứng dậy chạy theo kêu vói:
- Bác Hai! Bác Hai! Bác bỏ quên con cá...
Anh ba Thắm đứng dậy, đến vỗ vai Minh:
- Thôi lợi nhậu chơi đi Minh! Bác ấy hổng lấy cá đâu. Đừng kéo bác lợi mà làm bác tủi thân!


___________
1.- Hồi trào ghe buồm, ngư dân lột da chó đem theo mỗi khi ra biển. Gặp gió to, người ta lấy căng lên cột buồm. Nghe nói gió sẽ dịu (?).
2.- Giung là một sợi dây dài nối liền từ đầu lưới đến mũi ghe sau khi lưới bủa xong.



Nguyễn Lê Hồng Hưng
(Trích từ tuyển tập ‘Dòng Sông Sữa Mẹ’)

***

Nguyễn Lê Hồng Hưng có nhiều sáng tác đã được đăng trên một số lớn tạp chí văn học tại Hòa Lan, Đức, Hoa Kỳ. Trong giới sáng tác tại Hòa Lan, anh là một trong những người viết đều và phong phú.


Cái Đình© - 2003