Nguyễn Lê Hồng Hưng


Hết Mê

Trong email trước anh hỏi trên biển thì làm sao biết được chuyện xảy ra trên đất liền, những ngày tàu lênh đênh  rảnh rang thì làm gì và tàu ghé bến có được lên bờ chơi không? Những câu hỏi mấy chục năm qua tôi đã nghe nhiều người hỏi, có lẽ từ đây tới ngày tôi nghĩ hưu vẫn còn có người gặp mặt tôi hỏi những câu tương tợ, thường những người trên đất liền hỏi cho có thôi chớ thiệt ra hổng ai muốn nghe câu đáp lại. Tôi phân vân có nên trả lời anh hay không thì chiều nay tôi nhận của anh một email nữa. Trong mail một mặt anh trách tôi dạo sau này hông muốn liên lạc với bạn bè luôn cả những lần về bờ cứ ‘ru rú ở nhà chơi với vợ’ và mặt khác anh than phiền: “Tao chán ngấy cái thế giới đàn ông giống như con chó giữ nhà và đàn bà là chủ nhân khó tánh; nấu nướng thì không biết, người ta nấu dọn ra thì trề cái môi đỏ chét chê nấu dở ăn không vô, mở miệng ra thì hậm hực, quanh co không thành thật; ra ngoài thì gian lận tuổi tác bằng cách tô lên tóc màu mè xanh đỏ, lắp lên mặt một lớp hoá chất dầy và không bao giờ thấy được mặt thật...” Anh  kể cho tôi nghe những phiền toái trong gia đình và ao ước được làm “Cánh chim bạt ngàn để khỏi phải vật lộn từ trong nhà ra tới xã hội với công việc và nhìn mọi tiêu cực hàng ngày xảy ra làm chướng tai gai mắt...”.

Tôi nhìn vào điện thoại biết tàu đương chạy ven bờ biển Thụy Điển, chuyện xác định vị trí con tàu trước kia thủy thủ muốn biết thì phải hỏi thuyền trưởng hoặc thuyền phó, bây giờ không cần hỏi, ngồi trong phòng cũng biết vị trí con tàu đương ở trên hải phận quốc tế hoặc vào hải phận nước nào. Thời buổi này một việc xảy ra trong một nơi xa xôi hẻo lánh trên trái đất chỉ vài giờ sau cả thế giới điều biết. Cũng như tôi biết chuyện buồn phiền của anh qua chiếc di động nằm gọn trong lòng bàn tay này.

Bây giờ là giờ rảnh của tôi và tôi đương ngồi sau lái tàu nhìn chiều Mùa Thu trên vùng biển Baltic. Trời không gió, mặt biển êm láng và nước biển xanh màu cẩm thạch. Nền trời trắng đục, mặt trời trốn đâu mất nhưng ánh sáng vẫn còn tỏa sáng đủ để phóng tầm mắt nhìn xa vô dải đất liền mù mờ trong làn sương mỏng. Tôi trở vô phòng, để điện thoại lên bàn và ngồi xuống mở laptop. Thường ngày giờ này nếu đường truyền internet tốt thì tôi nối mạng tìm đọc cái gì đó, không thì gõ lên bàn phím những chuyện xảy ra trong ngày hay một ý nghĩ vẩn vơ nào. Tín hiệu cho biết đường truyền internet khá cao nhưng tôi không nối mạng, tôi thấy mình cần gõ cho anh vài dòng, kể anh nghe một vài chuyện. Hy vọng khi đọc xong anh vơi bớt phần nào ưu phiền, không còn phẫn nộ và nhìn đâu cũng thấy cảnh chướng tai gai mắt.

Có một dạo tôi sống trong một xóm nhỏ miệt U Minh hạ. Nói là xóm nhưng thật ra chỉ vài ba trăm căn nhà lưa thưa cách nhau một hai công đất, day cửa ra dòng kinh. Khoảng giữa con đường cách nhà này qua nhà kia có một cây mắm hay cây bần gì đó mà lâu quá tôi quên mất rồi, gốc cây bự gần cả ôm, dưới gốc có miễu thờ cục đá cuội tròn bằng cái trứng ngỗng màu đen láng bóng mà người ta gọi là miễu ông Tà. Theo lời kể thì cục đá do một anh mò tôm càng mò được rồi đem để lên gốc cây, sau đó có người đồn ra khắp xóm rằng có điềm lạ. Nghe có điềm lạ bà con chạy tới xem và đem nhang, đèn, bông, trái ra chỗ cục đá bày ra cúng. May sao năm đó cả xóm được trúng mùa lúa. Nhờ trúng mùa lúa bà con trong xóm càng tin tưởng nhờ cục đá linh thiêng phù hộ, họ bèn rủ nhau góp tiền mua gạch ngói về cất lên cái miễu, đặt bàn thờ có lư hương, chưn đèn, riêng cục đá thì được bọc vô miếng vải màu đỏ kính cẩn để lên bàn thờ và đặt tên cho cục đá cuội là ông Tà. Về sau có dịp đi đó đi đây, tôi thấy nơi thờ bình vôi, chỗ thờ lưỡi tầm sét..., những biểu tượng như vậy đều có những câu chuyện huyền thoại linh thiêng tương tợ như nhau. Dạo đó tôi cũng tin tưởng ông Tà như tất cả mọi người quê mùa ấy, mỗi khi đi cắm câu ngang miễu tôi tạt vào đốt nhang, đứng ngay ngắn trước bàn thờ ông Tà xá ba xá và cầu xin phù hộ cho câu được nhiều cá thì tôi sẽ cúng ông một nải chuối.

Từ ngày ra nước ngoài, sống chung chạ phần đông với dân có học, nhứt là sống trong đất nước văn minh, tôi nghĩ là người trí thức thì không ai mê tín dị đoan. Nhưng sau một thời gian, tôi mới biết mình lầm, biểu tượng lại xuất hiện khắp nơi, người ta đặt tên biểu tượng là Chánh Nghĩa.  Lúc còn ở U Minh tôi hổng biết tại sao bà con lấy tên ông Tà đặt cho cục đá, bây giờ tôi mới hiểu ra, có  Tà (Tà Nghĩa) tức phải có ông Chánh (Chánh Nghĩa), đúng quá xá rồi còn gì nữa. Dù sao đi nữa dân quê thờ ông Tà cũng không tổn hại tới ai, trái lại còn có lợi về mặt tinh thần nữa. Ở một nơi hẻo lánh quê mùa không có nhà hội, không hàng quán, nhân dịp ngày rằm mùng một bà con tụ tập trước miễu cúng quảy luôn tiện tán dóc, trao đổi chuyện hay, chuyện dở, chuyện mùa màng và nhờ vậy mà con nít với mấy đứa chăn trâu cũng kiếm ké được chút ít bánh, trái, xôi, chè. Ở nước ngoài, những người thờ ông Chánh có phương tiện hơn, họ bày tiệc thù tạc, tâng bốc, vinh danh, phong chức cho nhau và phô trương kích thích lòng hận thù.  Họ tưởng rằng có ông Chánh trong tay tức có thần linh phù hộ cho một sức mạnh vạn năng có thể thay trời đổi đất, họ tụ tập lê la ông Chánh đi khắp chỗ đông người, vào nơi hội hợp chìa ông Chánh ra hù dọa. Đến chùa chiền cũng phải dành một chỗ thờ ông Chánh, nếu không thầy chùa khó mà ngồi yên gõ mõ công phu. Có người hiểu biết khuyên họ dừng mê tín nữa tức thì họ bài bác, chửi bới đôi khi dùng thủ đoạn ác độc hại người hoặc thượng cẳng tay, hạ cẳng chưn bề hội đồng người ta đến lỗ đầu máu tuông linh láng. Thiệt tình tôi không mấy hứng thú nói ra ba cái chuyện nặng nề này, nhưng muốn anh hiểu cho tôi vì sao không liên lạc với bạn bè. Hơn nữa đọc mail anh tôi thấy như cả một trời ưu phiền đương phủ xuống cái thân thể ốm yếu của anh, tôi muốn đem chuyện ông Chánh, ông Tà để cho anh thấy mê tín đị đoan nó đã thấm vào máu tim của mọi tầng lớp người Việt ở khắp nơi chớ không riêng dân quê mùa dốt nát trong hóc Bò Tó nào ở miệt U Minh.

Làm cánh chim bạt ngàn đôi khi cũng gặp giông gió bão bùng, hổng khôn khéo lèo lái sẽ bị rơi nhào đầu xuống chết không kịp ngáp, tôi đã chứng kiến mỗi lần giông bão, chim va vô mũi tàu chết hoài. Đứng trên bờ nhìn ra biển khơi rồi mơ ước viễn du và từ biển khơi trông về một nơi nào đó trong đất liền để mơ mộng chuyện trùm mền với vợ, giống như người đứng núi này trông qua núi nọ thấy núi nọ cao hơn núi này và ngược lại, thì cũng đâu khác nào chuyện mê tín dị đoan. Nếu anh chưa bỏ được đố kỵ, hận thù trong lòng anh, thì cho dù có là cánh chim đại bàng cõng cả trời mây, bay khắp chưn trời góc biển thì chuyện buồn phiền vẫn cứ bám miết theo anh như hình với bóng.

Kiến thức và lao động tạo nên tiếng tăm lừng lẫy và cả một gia tài lớn lao đưa ta lên địa vị cao tột đỉnh cũng chỉ là tạm thời, không gì bền vững. Nói chung bất cứ vật gì ta tạo ra và thu góp được, kể luôn cả vợ và con, khi chết đi chúng ta cũng để lại, không mang theo được một cái nào. Lên voi xuống chó của ngày hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ. Người bạn đời mà ta thương yêu và sáng tạo ra biết bao ngôn từ đẹp đẽ để gọi, nào là người yêu quí, một nửa của anh hoặc của em... Trau chuốt những lời hoa mỹ và tặng bông hoa màu mè, những cử chỉ âu yếm, hôn hít làm đẹp lòng nhau chẳng qua vì chữ SỢ. Sợ mất nhau rồi không còn chỗ để nương tựa “đời mất em rồi anh sống với ai”. Mua chuộc, nài nỉ ỉ ôi thậm chí van xin tình yêu, cuối cùng không cách này thì cách khác tình yêu cũng lần hồi phai mất. Thân thể con người ta, từ kẻ bần cùng cho tới những người quyền cao chức trọng, ai ai cũng bị thời gian bào gọt hao mòn, teo tóp, bệ rạc và lăn lóc như cá đồng mùa hạn bị mắc cạn trên bùn lầy, lây lất ngoi ngóp hớp không khí sống qua ngày chờ đất khô rồi chết khô theo đất. Thân ai  nấy lo, hồn ai nấy giữ còn hổng xong nói chi nương tựa đỡ đần cho nhau, ai gánh vác ai đây.

Cha mẹ thương con vô bờ vô bến, con thương cha mẹ có giới hạn.  Tục ngữ Việt Nam có câu “cha mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương cha mẹ tính tháng tính ngày”. Con bịnh cha mẹ buồn lo mất ăn mất ngủ; cha mẹ bịnh con dòm qua và hỏi han vài câu, đứa nào nghĩ tình tới thăm và nấu cho vài bữa cháo, đưa đi bác sĩ vài lần cũng là hiếu thảo lắm rồi. Bịnh dai dẳng năm này qua tháng nọ chẳng đứa con nào túc trực bên giường đâu. Khi con còn nhỏ xin tiền cha mẹ thì không ngần ngại; con khôn lớn lập nghiệp, dù nó thành công tột đỉnh, giàu sang nhứt bậc, cha mẹ lân la hỏi xin tiền cũng không dễ dàng gì. Trái ngược nhau hết, đây là sự thật và không lấy gì bảo đảm để nương tựa cho đời mình, vậy thì sao ta không coi việc lo liệu cho con cái là bổn phận, là một niềm vui, không lợi dụng lòng hiếu thảo mong báo đáp công đưỡng dục sanh thành, cũng như không bám cẳng gây phiền chúng để tự hành hạ tâm mình.  Suy cho cạn nghĩ cho cùng, có phải chúng ta đương sống trong cảnh trái chiều rồi ôm một đống khổ đau đến nỗi dùng lời lẽ thâm độc chê trách vợ, con và trong lòng sanh ra một chuỗi muộn phiền. Cuối cùng chính ta là thủ phạm gây phiền phức từ trong nhà lan ra xã hội mà ta hổng hay, cứ day ra hận đời, oán người....

Tuy nói là vậy nhưng tôi không có ý đả phá tuyệt đối khuyên anh từ bỏ đời sống trần gian đầy bạo loạn này để tôn thờ một tôn giáo nào đó và dồn hết thì giờ đi nhà thờ, nghiền ngẫm Kinh Thánh hay là cạo đầu vô chùa gõ mõ tụng kinh cho vơi bớt nỗi khổ niềm đau. Chúng ta chỉ cần bỏ ra một ít thời gian và bỏ đi sự đam mê các thú vui thường tình, dùng một phần thời giờ còn lại học hỏi và luyện tập thương yêu, loại hết thói quen ích kỷ và mở lòng vị tha để giữ thăng bằng trong cuộc sống xao động hiện nay.

Những ý tưởng với những mẩu chuyện vặt vãnh này tôi đã tìm tòi góp nhặt được và nghiền ngẫm là nhờ những ngày tháng lênh đênh trên biển và thời gian “ru rú ở nhà chơi với vợ”. Dĩ nhiên đây hổng phải ý của riêng tôi, mà là của những bậc cao nhân đã có sẵn trên đời ít ra cũng hơn hai ngàn năm trước. Tới nay tôi thấy những ý tưởng này vẫn còn giá trị, tôi đã lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống đời mình. Nhờ đó mà tôi đã dọn dẹp sạch sẽ rác rến lo âu trong lòng, tẩy hết dơ bẩn muộn phiền trong tâm trí và cũng không còn mê tín dị đoan nữa. Một người không mê, tức là người tỉnh, một người tỉnh táo thì thoải mái, sung sướng biết bao và không dại gì biến mình thành nhà đô vật để “vật lộn từ trong nhà ra ngoài xã hội”.

Chuyến này tàu khởi hành từ cảng Hamburg, đi ngang kinh đào Kill vào vùng biển Baltic, chuyển và nhận hàng các nước thuộc Scandinavian. Mùa Thu vùng này rất đẹp, tuy hơi lành lạnh nhưng trên biển nước vẫn xanh và lờ mờ trong sương vài cánh buồm trắng. Trên bờ cây đã trổ lá vàng và bắt đầu rơi rụng...  Ngày mai tàu ghé Stockholm, thủ đô nước Thụy Điển. Mỗi lần tới đây lòng tôi rộn rã, tâm hồn phơi phới. Tôi rất thích thành phố sạch sẽ, nhứt là con người ta sống rất hiền hòa và rất nhân bản. Nhìn đất nước con người nơi đây tôi ngậm ngùi nhớ và thương cho dân Việt mình quá. Biết đến bao giờ người Việt mới có cuộc sống an bình, trong một xã hội văn minh với những con người hiền lành và chứa chan tình cảm, để những người anh, em nhìn nhau với tấm lòng đầy thương yêu không nhỏ nhen, không đố kỵ và không hận thù.

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Baltic 20-9-2012

 


Cái Đình - 2012