Nguyễn Lê Hồng Hưng


Giáng Sinh Có Gì Khác

Tàu anh ghé cảng Gdynia, Phần Lan vào giữa trưa tháng mười hai dương lịch. Chiều hôm ấy cha Edward lái xe xuống tận bến rước anh lên bờ, trên đường đi anh nhờ cha ghé vào phố để anh mua ít món cần dùng cho bữa tiệc Giáng Sinh. Mua sắm xong cha đưa anh về hội quán. Vừa về tới nơi thì có vài thủy thủ nhờ cha chỉ cách gọi điện thoại về gia đình hoặc chỉ dẫn cách xài vi tính... Nhìn cha bận rộn, khiến anh nghĩ tới một người cha hiền lo cho đàn con tứ xứ vừa mới tụ tập về đây. Tới đây anh thấy cũng không có gì để làm phiền cha nữa, bèn tháo laptop nối mạng. Vừa mở e mail lên thì đã thấy thư và thiệp Giáng Sinh của em gởi tới. Em hỏi anh năm nay Giáng Sinh có gì khác lạ không? Chuyện không lạ là hiện giờ anh ngồi trong căn phòng rộng, cạnh anh cây thông tươi, trên cành treo lủng lẳng đồ chơi lóng lánh ánh kim tuyến và mùi nhựa thông thoang thoảng làm lòng anh ấm áp và lâng lâng một niềm thương nỗi nhớ...

Chuyện khác với những năm trước thì có khá nhiều, cuộc sống luôn luôn thay đổi cũng là lẽ đương nhiên. Trước kia anh thường làm việc chung với người In Đô và Hòa Lan. Đông và Tây khó hòa hợp, đó là lẽ đương nhiên, nhưng từ ngày những người bên Đông Âu sang Tây Âu làm việc thì những va chạm tập tục văn hoá và chuyện kỳ thị chủng tộc bắt đầu lộ liễu hơn.

Viên thợ máy tàu người Ukrainia năm nay đã trên năm mươi tuổi, ông sống rất bình dị. Có lẽ trong cuộc đời ông chưa bao giờ trải qua cuộc sống cao sang, cho nên khi sang đây, ngồi trước một bàn bày biện đầy thức ăn ông lúng túng không biết ăn món nào bỏ món nào hay ăn món nào trước món nào sau. Hôm nào dọn món bít tết, cốc lết thì ông đứng dậy đi vào bếp hỏi xin cá hộp hoặc thịt hộp ra khui ăn, gà thì ông chỉ ăn được đùi và cánh. Cái món ông thích nhứt là món thịt xay nhuyễn, trộn cơm, vo tròn, chiên vàng rồi đem hầm.

Tuy nhiên trước khi tiếp câu chuyện, có lẽ anh phải kể em nghe về món thịt xay trộn cơm của Ukrainia. Trong những năm đầu người Ukrainia sang làm việc, có một thủy thủ người Ukrainia đưa anh recept, ông nói đây là món đặc biệt của nước ông. Trong recept thành phần gia vị cũng giống như món thịt bầm vò viên theo cách Tây phương, chỉ khác nhau là có thêm một phần ba cơm trắng. Anh nghĩ trong thời buổi nhiều người sợ mập, món nầy ít ra cũng bớt được một phần ba chất mỡ, rất thích hợp cho những người ăn kiêng, thấy hay hay, anh liền thực hiện món thịt bò xay nhuyễn trộn cơm trắng của Ukrainia vào ngày hôm sau.

Thường thì đầu bếp khám phá được thực đơn mới, trên tàu ai cũng háo hức muốn thử trước. Vậy mà hôm ấy, khi mọi người ngồi hết vào bàn, anh dọn thức ăn ra và vui vẻ giới thiệu món thịt xay trộn cơm của Ukrainia. Tức thì thuyền trưởng ụ mặt, im lặng làm cho những người ngồi cùng bàn ngỡ ngàng, mất hứng và yên lặng theo... Anh cảm thấy bầu không khí bữa ăn có gì đó không ổn, bèn trở vô bếp nếm thử lại các món ăn. Đối với một đầu bếp kinh nghiệm lâu năm như anh, nếu món thịt xay nầy trộn cơm bằng gạo lúa dẻo, thơm thì hương vị sẽ tăng thêm, rất tiếc trên tàu chỉ ăn loại gạo rẻ tiền, tuy nhiên món thịt vò viên trộn cơm hôm ấy không đến đỗi tệ, phải nói là ngon tuyệt và nhứt là lạ miệng mới đúng.

Sau bữa ăn, súp, khoai tây, rau cải đều hết sạch..., chỉ có dĩa thịt vò viên thì ngoài viên thịt của ông già người Ukrainia ra và viên thịt của anh, phần còn lại không ma nào rớ tới. Thường thì phần đông thuyền viên, hễ nghe thuyền trưởng chê cái nào thì cả đám chê theo cái đó và không ăn món nào thì cả đám không ăn theo, mới hay cái thói a dua của loài người muôn đời vẫn thế. Anh mang máng đoán được phần nào cái nguyên nhân. Nhưng cái nguyên nhân được xác định ngay chiều hôm đó. Trong lúc anh sửa soạn cho buổi ăn chiều, thuyền trưởng vào phòng bếp nói nhỏ với anh:

– Ông có thể nấu món của Việt Nam, Tàu, In Đô... hay bất cứ món nào nhưng không được nấu món Nga.

Có hơi khó chịu nhưng anh cũng cười, nói:

– Món nầy đâu phải của Nga.

– Nga hay Ukrainia cũng giống nhau.

Đúng ra thuyền trưởng vô kỷ luật, sai nguyên tắc! Nhưng trên tàu chỉ có ông ta là... thuyền trưởng, mà thuyền trưởng là cha me mà, cãi vã với ông có ích lợi gì, hơn nữa những chuyện bất công dường có mặt khắp nơi trên trái đất nầy, chớ chẳng riêng gì trên tàu. Anh chỉ tiếc bỏ cả buổi thực hiện được một món ăn ngon, chỉ vì lòng dạ hẹp hòi của con người, làm anh phải đành đem công sức của mình trút hết vô thùng rác.

Tuy nhiên anh không bỏ cuộc, anh chờ thời gian sau không ai nói tới chuyện xảy ra hôm đó nữa, anh thực hiện lại món bò xay trộn cơm và im lặng dọn bàn... Bắt đầu từ đó trở đi món thịt xay trộn cơm trắng của Ukrainia lần nào anh dọn ra cũng hết sạch. Anh có tánh hay tò mò, mỗi khi biết được món ăn lạ, anh hay tìm hiểu nguồn gốc, nhờ vậy anh biết được món thịt bầm trộn cơm vò viên có từ thời nước Nga còn hợp tác xã. Nghe nói lúc đó một lần phân phối thực phẩm, mỗi gia đình chỉ được vài ba trăm gram thịt. Thịt ít quá, xào nấu bình thường thì ăn không đủ, người ta mới nghĩ ra cách đem xay nhuyễn ướp gia vị trộn với cơm, vo cục tròn chiên vàng rồi đem hầm cho cục thịt nở to ra, như vậy mới đủ cho nhiều người ăn. Anh sực nhớ tới câu chuyện của ông chú kể lại hồi ông đi cải tạo, chỉ có cơm trắng, lâu lâu mới được cục thịt bằng lóng tay, cho nên ông và mấy người bạn lấy mì ăn liền đâm nhỏ trộn với muối đường giả làm muối mè ăn tạm, vậy mà khi được thả cho về nhà thỉnh thoảng vẫn còn nhớ món nầy.

Hòa Lan cũng có một cũng có câu chuyện tương tợ về món hachee. Nghe đâu món nầy được sáng chế hồi sau đệ nhị thế chiến, lúc đó thịt bò mắc như vàng, còn củ hành thì rẻ như cám, nhiều gia đình nghèo, đông con, mới nghĩ ra cách mua nửa ký lô thịt bò và năm sáu củ hành tây đem về. Đoạn một, thịt xắt cục nhỏ bằng đầu ngón tay cái, ướp gia vị để đó, năm sáu củ hành tây lớn cắt nho nhỏ ra. Đoạn hai, bắt chảo lên lò, cho một hai muỗng mỡ vào và vặn lửa cao, khi mỡ nóng thiệt nóng, bỏ thịt vô chiên cho vàng rồi vớt ra, sau đó bắt chảo mới cũng cho dầu và lửa cao cho củ hành vô xào tới khi vàng rồi, trút thịt bò trở vô chảo, trộn đều với củ hành, cuối cùng đổ nước vô hầm tới khi thịt mềm và củ hành rục ra nước sền sệt là vừa, món nầy được gọi là hachee. Hachee chan lên khoai tây luộc hoặc cơm trắng kèm với cải đỏ luộc ăn rất bắt. Ngày nay món hachee đã trở thành món ăn truyền thống của dân Hòa Lan. Như vậy món thịt xay trộn cơm cũng đáng được ghi vào món ăn truyền thống của dân Ukrainia lắm chớ. Chuyện rất hay và có sáng tạo, ấy vậy mà những người trẻ sau nầy biến câu chuyện thành khôi hài, mỗi lần tán chuyện họ kể nhau nghe để mà cười chơi.

Viên thợ máy hay phàn nàn ở nước ông hiện nay giàu nghèo chênh lệch nhau nhiều quá, hối lộ, đĩ điếm, ma cô đầy dẫy..., ông chê đám trẻ thời nay chỉ biết tôn trọng đồng tiền, coi rẻ đời sống tinh thần. Cũng vì hay nói nhiều về quá khứ và chê bai hiện tại, cho nên bị đám trẻ trêu chọc, nói ông là món đồ cổ, cho vô bảo tàng viện là vừa. Mới hay dù cho một xã hội bị đánh giá tồi tệ cỡ nào đi nữa, khi nó qua rồi thì cũng có những cái tốt đẹp in đậm trong lòng người. Riêng anh thì rất tôn trọng sự trung thành với quá khứ của ông, ít ra ông cũng có một thời sống trong yên bình, hạnh phúc, ngay trên quê hương mình. Anh nói về viên thợ máy có hơi nhiều là vì mấy năm qua anh chung sống với dân Nga và Ukrainia, anh thấy nhiều người cùng lứa tuổi như ông đều có suy nghĩ giống y chang nhau, họ mơ ước trở lại thời trước, cái thời ai cũng có ăn có mặc, tuy không có nhiều tiền nhưng mọi người đều bình đẳng như nhau.

Về tiệc mừng chúa Giáng Sinh, để cho thức ăn bớt thừa mứa và mọi người vui vẻ trong mùa Giáng Sinh, trước khi ra menu, anh có hỏi mấy người Nga và Ukrainia về món ăn truyền thống Giáng Sinh của nước họ. Mấy đứa trẻ thì nhao nhao nói ăn thịt thà nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Anh cười nói:

– Chuyện ăn nhiều thịt đâu cần tới Giáng Sinh, tao nói thiệt cho tụi mầy biết, trước kia thịt ăn không hết tao thường dành lại cho những người khuân vác trên bến. Từ ngày dân mầy sang đây làm việc, thịt thà nấu ra bao nhiêu hết sạch bấy nhiêu. Tao chỉ hỏi món ăn thuyền thống Giáng Sinh thôi.

Mấy đứa lắc đầu ngơ ngác... Một hồi viên thợ máy già từ tốn nói với anh:

– Sau thời nước Nga mở cửa, dân chúng Nga và Ukrainia mới được ăn mừng ngày Chúa ra đời, nhưng Giáng Sinh nước tui bắt đầu từ bảy tây tháng Giêng. Thường thì gia đình tui làm một dĩa salade Nga ăn với bánh mì và uống vodka.

– Món salade Nga đã nổi tiếng thế giới lâu lắm rồi, nhưng nó có phải món truyền thống Giáng Sinh không?

Ông lắc lắc đầu cười vui vẻ:

– Trước kia ở nước Ukrainia không được ăn mừng Giáng Sinh thì làm gì có truyền thống, tạm thời bây giờ mạnh ai nấy chế món ăn sao cho ngon là được, còn chuyện truyền thống có lẽ phải chờ thế kỷ sau.

Thế giới đổi thay, nhiều tập tục cũng theo đó mà thay đổi. Không biết từ năm nào, cái món gà tây đút lò và thỏ hầm rượu chát truyền thống của Giáng Sinh không còn xuất hiện trên bàn tiệc Giáng Sinh trên tàu và anh cũng đã quên luôn cách làm hai món ấy.

Năm nay thực đơn Giáng Sinh có phần phong phú hơn mọi năm. Khai vị rượu champagne với nhiều món nhắm khác nhau. Đặc biệt có món thịt bò xay trộn cơm vò viên, chiên vàng, vì là món nhậu anh vò viên nho nhỏ cho dễ ăn; bữa ăn chánh anh dùng thịt ức gà tây xốt yoghurt, đùi và cánh ướp ngũ vị nướng oven, thỏ chiên vàng xốt nước trái cây và món Russische salade thay cho món xúp.

***

Cha Edward thông báo sắp tới giờ seamen’ mission đóng cửa. Anh đành lưu thư lại trong hộp hồ sơ và tắt laptop, củng với các thủy thủ sửa soạn ra xe để cha chở xuống tàu.

Trên đường xuống cảng, cha cho xe chạy một vòng trong phố. Đường phố Gdynia hôm nay người ta treo đèn kết hoa đủ màu sặc sỡ. Không khí Giáng Sinh đã tràn ngập khắp phố phường. Tàu anh sẽ khởi hành vào giữa khuya, vậy là năm nay tụi anh bày tiệc Giáng Sinh trên biển. Anh ngán ngẩm khi nghĩ tới cái cảnh mọi người vui vẻ, ăn uống no nê, say xỉn rồi ói mửa... Để rồi sáng hôm sau nhìn những giương mặt vui vẻ của đêm chúa Giáng Sinh nó bầy nhầy bạn nhạn giống y như tấm mền rách...

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten tháng 15.11.2009


Cái Đình - 2009