Cao Xuân Tứ


Gamboeng ngày cuối
1 Tháng Hai 1918

 

Ông đứng đấy trong bóng mát dày đặc cạnh bìa rừng. Mấy vệt nắng lung lay dưới chân. Khi ông ngước mắt nhìn, cái nắng chói chang ban trưa bừng lên trên kia, sau đám cây lá đung đưa. Đất còn ẩm ướt sau những trận mưa vừa qua, không gian đặc mùi thảo mộc, cái mùi của Gamboeng. Ông nghe gió rì rào trên những ngọn cây, tiếng xào xạc, lạo sạo trong đám cây rừng chằng chịt.

Trước mặt ông là công trình xi măng với cái bia khắc tên vợ ông, ngày sinh, ngày mất. Cái bia nằm bên phải không có tên; cách một khoảng nữa là một ngôi mộ không bia. Bốn mươi lăm năm trước ông đã trồng những gốc chè đầu tiên ở đất này.

Ông chống tay lên gậy, bây giờ đi đâu không có cái batoong này là không xong. Có gì nhưng nhức ở phần dưới cơ thể, nhưng chưa hẳn là đau đớn. Ông biết cái cảm giác này sẽ không rời ông nữa, có gì từ bên trong như đang gậm nhấm cơ thể. Ông biết mình đang dần tới ranh giới cuộc đời. Đây là lần chót ông về thăm Gamboeng.

Một năm trước đây ông dọn về Bandoeng sống với con gái trong ngôi nhà mua từ trước nhưng chưa bao giờ ở. Người thuê nhà giao lại thật đúng lúc. Cách đấy không xa là ngôi nhà thứ ba mà ông đã tậu trong đời; nó thật đồ sộ, sang trọng, nếu vợ ông còn sống hẳn bà ấy sẽ vừa lòng: những cái thềm lớn, phòng khách rộng mênh mông, trần cao, sàn lót toàn cẩm thạch. Dù tình trạng sức khỏe suy sút, ông cố gượng cùng với Betha đi Batavia đặt mua bàn ghế, đèn đóm…, những thứ mà ông nghĩ Jenny rất thích. Ngôi biệt thự tọa lạc ở một địa điểm tuyệt vời; Kenboen Karet là nơi dân địa phương sùng bái như khu đất thiêng vì ở đấy có mấy cây đa mọc từ lâu đời. Ngôi nhà quét vôi trắng, kiến trúc hiện đại, cân xứng, là di sản ông để lại cho đàn con cháu, đấy là nơi chúng gặp gỡ mỗi khi từ Gamboeng, Malabar hay Negla xuống thành phố; ngôi nhà dành cho đại gia đình Kerkhoven, một thứ biệt thự ‘Hunderen' ở vùng nhiệt đới.

Ông đúng dậy để giã từ Gamboeng lần cuối. Ông đã dạo một vòng thăm nhà máy, những cái kho trang bị máy móc mới toanh có chức năng làm khô, sấy, lựa chè. Trong đám công nhân bận bịu làm việc, ông nhận ra có người sinh trưởng ở Gamboeng, con cái của Martasan Moehiam, Kaidan, Moentajas, Sarta, những kẻ tiên phong theo ông vào giờ phút đầu tiên.

Vì đi đứng khó khăn, lại không thể cưỡi ngựa được nữa, ông phải bỏ ý định đi thăm đồn điền. Vợ chồng Emile, lúc này cai quản công việc ở đây đặt cho ông cái ghế bành trước thềm, để ông nhìn ngắm phong cảnh tùy thích. Nhưng dù có nhắm mắt lại, cảnh trí quen thuộc ấy đã ghi sâu vào tâm não của ông; những thửa đất thoai thoải như sóng lượn, trải dài xuống thung lũng Tji Enggang, rặng rasamala bao quanh nhà, những bụi dương xỉ vợ ông trồng ngày trước nay đã thành cây cao lớn; những nét màu lục, xanh, tím của núi gần xa. Suốt một đời cái cảnh quan này đã trở thành một phần của chính ông. Ông chợt nhớ có lần Julius, em ông, đã nhận xét: “Dù sao cần phải làm một cái gì bền lâu.” Lúc ấy ông chỉ mỉm cười. Cũng từ vị thế này ông đưa mắt nhìn khắp cả. Một cái gì bền lâu? Cứ nhìn thì biết!

Nhưng niềm tự tin, lòng kiêu hãnh của ông không còn nữa. Từ khi Jenny qua đời, ông tự hỏi biết đâu những điều vợ ông đay nghiến mỗi khi bà nổi khùng là đúng; ông đã hi sinh tất cả – đời ông, đời vợ ông, tuổi trẻ của lũ con – chỉ vì cái chí muốn chứng tỏ giá trị bản thân đã thôi thúc ông cật lực làm việc, mà cũng vì thế mà ông không thể bỏ qua, không thể tha thứ khi ông cho rằng người ta đã xúc phạm, khinh thị ông. Ông không bao giờ kiêu cả, bản tính ông không đa nghi. Ông sẵn sàng hi sinh đời mình cho những người thân yêu. Nhiều đêm ông thức trắng, rà soát lương tâm. Henny đã nhầm khi nghĩ rằng ông không dám nhận chân sự thật.

Ông nhìn tấm mộ chí khắc tên vợ ông, bây giờ cái thân xác yêu quí ấy đã trở thành cát bụi nằm trong lòng đất Gamboeng. Máu thịt vợ ông chan hòa, nuôi dưỡng cây cỏ xung quanh.

Qua thư từ trao đổi với Marie, em gái Jenny, ông kinh ngạc thấy rằng ngay từ lúc mới lấy nhau Jenny đã trải qua những lúc đắng cay, thất vọng ông chẳng ngờ tới. Marie gửi cho ông một trang thư được viết từ những năm 1890, ông nhận ra ngay nét chữ bay bướm, quen thuộc: “Chị không muốn dối lòng. Chị không hạnh phúc. Không thể nào được. Chị muốn tin lòng đam mê chỉ là một hình thức của hạnh phúc. Thứ xa xỉ này chị không được hưởng. Nhưng đời chị đã có chủ đích. Ta có thể tìm thấy thỏa mãn khi ta làm tròn bổn phận. Mấy đứa con là niềm vui của chị.”

“Đam mê thứ xa xỉ phẩm!” Ông làm phụ lòng vợ ông điều gì? Suốt một đời ông chỉ biết một người đàn bà duy nhất, đó là vợ ông. Ông hiến tất cả đam mê cho bà. Bà đã vượt trội một người tình. Marie hàm ý ông chẳng hiểu gì về bản chất, nhu cầu đàn bà. Ông trả lời: “Mỗi ngày tôi đều có nhu cầu nói chuyện với Jenny về những điều mình nghe thấy, mọt vài suy nghĩ, đôi điều đọc được đâu đấy, ngay cả đến những chuyện không đâu, ít ra là trong những năm sức khỏe Jenny còn tốt; và ngay cả sau này, vào những lúc bà ấy không bị chứng thần kinh dày vò. Jenny mất rồi, tôi chẳng biết sống để làm gì. Lúc nào tôi cũng thấy hứng thú làm việc và tôi hài lòng về thành công của mình. Nhưng trên hết là cho bà ấy. Đấy là nguồn cảm hứng của đời tôi ngay từ những năm tháng đầu của cuộc sống vợ chồng, còn bây giờ tôi chẳng biết sống trên đời để mà làm gì. Đôi khi tôi mơ được ở lại trong cái nhà gỗ nhỏ bé với năm đứa con, dù cuộc sống lúc ấy thực là quá khổ nhọc. Tôi sẽ đổi tất cả để được sống bên cạnh Jenny, người vợ dịu dàng năm nào!”

Hồi tưởng những năm ‘khó khăn' của vợ mình vẫn còn làm ông bức xúc, như mới hôm qua. Bà đã xúc phạm ông, gán cho ông cái tội muốn làm chủ cái gia tài thừa kế của bà – thực ra nhờ quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng chỗ, ông đã làm cho cái vốn riêng của bà tăng trưởng bội phần. Lúc đầu ông tưởng sở dĩ bà có cái tính đa nghi là vì bà sợ rằng sau này không có vốn liếng, vạn bất đắc dĩ phải nhờ vả họ hàng, ăn bám người dưng. Về sau tình hình ở Gamboeng, Malabar và Taloen hết sức khả quan, đáng lẽ bà nên yên tâm mới phải. Thế nhưng bà cứ than phiền là không được quyền sử dụng vốn riêng tùy thích, lúc nào cũng cần có sự thỏa thuận của chồng về mặt pháp lý.

Vài chuyện trước đây ông không nhận ra hoàn toàn, bây giờ hiện về rõ nét dưới một ánh sáng mới. Khi Jenny đưa Ruud và Edu sang Hà Lan ăn học năm 1893, bà cứ nhiều lần hoãn lại chuyến về, đưa ra những lý do khó mà hiểu nổi. Có một dạo bà chẳng buồn trả lời những bức thư ông gửi cho bà mỗi tuần. Trước khi bà xuống tàu ở Genoa , ông không biết làm cách nào để liên lạc với bà. Sau này bà giải thích là nhân cơ hội bà muốn thăm thú vài nơi ở Ý – Florence , Verona – ông cũng chấp nhận trong niềm vui hội ngộ. Lên đường từ Tjikalong, Jenny cưỡi ngựa, dáng dấp kiêu kỳ, y phục màu đen thật trang nhã như ông mới thấy lần đầu. Họ nhắm hướng Gamboeng, nơi Emile, Karel và Bertha đang chờ. Bà đã làm cho ông say mê, những nét thân quen pha với một cái gì khang khác mà ông cho là do ảnh hưởng của khí hậu châu Âu và chuyến hải hành. Từ khi Marie tiết lộ cho ông những chuyện thật không ngờ, ông tự hỏi cái gì – hoặc ai – đã làm bà thay đổi, dù rằng nó quá ngắn ngủi. Có bao giờ bà định bỏ ông?

Bây giờ ông nhận ra là từ 1893 trở đi, bà hoàn toàn không còn giống như trước. Bà muốn dịch sách để ‘kiếm tiền tiêu vặt' như bà nói một cách châm biếm, gửi du ký, tiểu luận về các tác giả hiện đại Anh, Pháp tới các báo lớn ở xứ Anh-Đô này. Bà rất hận vì ông dùng cách vòng vèo để giới thiệu bà với ban biên tập tờ Thời Báo Java , làm như bà là người ông chỉ biết qua loa (Bà X, tạm giấu danh tính, trước khi gửi bài muốn biết nhuận bút phỏng độ bao nhiêu). Tòa báo trả lời không cần cộng tác của hạng tài tử. Bà cũng trách ông chẳng lưu tâm gì về tình hình quốc tế, những biến cố đang làm rung chuyển cái thế giới văn minh. Quả tình ông chỉ chú ý đến những vấn đề thường nhật có liên quan đến trang trại do ông cai quản. Thái độ thực tiễn ấy giới hạn cái nhìn của ông ở tầm quốc tế. Ông theo dõi tin tức trên báo chí chủ yếu là muốn tìm hiểu tình hình thế giới có ảnh hưởng như thế nào, nhất là về mặt kinh tế, đến Hà Lan và xứ Đông Ấn này. Ông nhìn cuộc đại chiến giữa phe Đồng Minh và khối Đế quốc Trung Âu hiện nay chẳng khác gì cuộc chiến giữa người Anh và dân Transvaal ở Nam Phi, hay cuộc xung đột Nhật Nga.

Ông tôn trọng mối quan tâm của vợ ông về những vấn đề chính trị, xã hội, biểu hiện qua những cuộc thảo luận bằng điện thoại thao thao bất tận với người đồng chí hướng. Ông sẵn sàng yểm trợ cụ thể, nếu điều kiện tài chính cho phép, những mục tiêu tốt đẹp mà vợ ông theo đuổi: bà hăng hái vận động lấy chữ ký ở khán đài, và ở câu lạc bộ trong kỳ đua ngựa tổ chức tại Bandoeng năm 1899 – sáu tháng sau khi Emile Zola công bố bài văn ‘J'accuse' – gửi kiến nghị bày tỏ cảm tình của dân thuộc địa Đông Ấn đối với ‘đại úy Dreyfus'. Khi ông còn là sinh viên, ông nghĩ mình thuộc về cái không gian mở rộng ngoài kia, không như những người ông thường quen biết, nhưng đấy chỉ là ảo vọng mà thôi. Thực ra cái thế giới của ông chỉ bao gồm cha mẹ, anh em và xa hơn, một vài kẻ thân thuộc, hậu duệ của cố ông, cố bà Van der Hucht. Với Jenny và mấy đứa con, ông đã lập ra một ‘chi' mới trong nhánh gia hệ. Thực ra ông đã kinh qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cái khuôn sáo họ hàng chật hẹp ấy: liên minh và chiến tranh nóng, xung đột và chiến tranh lạnh. Ông sẵn sàng thú nhận rằng cả một đời, tham vọng lớn nhất của ông là đạt được một chỗ đứng danh dự trong nhóm người này, những người mà ông xem là ‘cùng giống' với mình, ông chỉ mong được họ đánh giá cao, khâm phục và yêu thương. Cái không gian ông đã mượn tạm để làm khuôn mẫu cho đời sống mang rất ít tính chất người; không gian với ông là Gamboeng. Suốt trong mười năm qua, mỗi khi có dịp về thăm Gamboeng, ngày nào ông cũng ra đây trầm ngâm một mình dưới rặng rasamala ở mép rừng, thường vào buổi sáng sớm khi núi rừng vừa bừng tỉnh, sương còn đọng trên lá, giữa muôn ngàn tiếng chim chào đón bình minh. Để tưởng nhớ người vợ đã khuất, ông hết lòng chăm nom cho cô con gái Bertha; trong khi ấy cô giúp ông vơi bớt nỗi cô đơn, cô là bà chủ trong nhà, nắm giữ chùm chìa khóa của mẹ cô trước đây, cô là bạn đồng hành mỗi khi ông có việc phải đi Bandoeng hay Batavia, cô là niềm hãnh diện của ông mỗi khi cô cưỡi con Sandalwood màu đen cùng ông phóng lên những con đường núi. Ông cho phép cô mặc tình mua sắm áo quần, đồ trang sức, sách vở, âm nhạc, đồ bày biện đặt từ Paris . Cô trang hoàng phòng riêng với đồ đạc gửi mua từ khắp nơi trên thế giới. Cô có thể mời bạn đến ở lại nhà, đi chơi xa với bạn (nhưng không được quá lâu vì ông bố sẽ nhớ cô con gái rượu).

Để làm cho đời sống Bertha được đa dạng hơn, nhân thể thăm ba đứa cháu trai con của Edu và Madeleine, năm 1912 ông cùng với con gái về Hà Lan nghỉ ngơi một thời gian khá lâu. Họ sống thật vương giả, thuê phòng tại những khách sạn nổi tiếng: Amstel ở Amsterdam , Kurhaus ở Scheveningen… Bertha thăm thú nhiều nơi. Ông nghĩ rằng cô con gái đã tận hưởng những ngày ở đấy. Nhờ cô mà ông cảm thấy bớt ngỡ ngàng, khó chịu về con người và nếp sống ở quê hương. Trở lại Java, họ lại hòa vào nhịp sống cũ. Karel đã lập gia đình và sống ở Negla. Emile cũng đã đính hôn, dự định sau khi cưới vẫn tiếp tục làm việc ở Gamboeng. Ruud vẫn còn giữ chức phụ tá ở Malabar. Rudolf giận Kar Bosscha vì anh này không có ý định nhường lại chức giám đốc cho Ruud như đã thỏa hiệp từ trước. Nhưng Kar làm việc rất hiệu quả, lại được lòng công nhân ở Malabar, anh có chiều hướng đi theo con đường Karel Holle vạch sẵn. Ruud và Jo thì hầu như an phận nép bóng người anh họ xa này. Kar còn có triển vọng bỏ xa Karel Holle trong ý đồ trở thành người bạn một lòng tận tụy với dân vùng Prangan, anh đã bỏ công bỏ của không ít vào việc nâng cao đời sống văn hóa xã hội sở tại, nhất là ở Bandoeng.

Bertha là nguồn khích lệ, niềm an ủi của Rudolf. Cho dù mấy cô quản gia có tháo vát, lịch lãm đến đâu, ông cảm thấy họ như những cái gai trước mắt. Kinh nghiệm cho thấy tốt hơn hết là để một mình Bertha quản lý nhân sự ở đây: ba anh bồi, ba chị vú em, hai người bếp, hai người giặt quần áo, dăm anh làm vườn, một cô thợ may, mấy thằng bé chăn ngựa, anh đưa thư. Càng ngày ông càng cảm thấy con gái ông đáng nể trọng, ông hài lòng thấy cô dậy từ sớm tinh mơ, bảo ban đám gia nhân, cắt đặt công việc trong ngày, tự tay chọn mua gạo, hoa quả, gà vịt người ta mang đến tận nhà, kiểm tra việc giặt giũ… Nhất là những khi nhà có khách (chuyện thường xảy ra), cô lo toan việc trà nước, chăm lo cho đám khách ở chơi vài hôm. Nếu không có gì đặc biệt phải lo, cô dắt bầy chó đi dạo ngoài vườn, bóng dáng của cô làm cho cảnh quan đẹp hẳn lên mỗi khi ông nhìn ra từ cửa sổ văn phòng. Ông chỉ muốn được như thế này mãi mãi, thế là mãn nguyện.

Nhưng một hôm, Bertha nói với ông: “Bố ạ, sang năm là con ba mốt tuổi rồi.” Cô con dâu Jo vốn trực tính, gặp riêng ông và nói thẳng thừng là ông đang giết mòn con gái mình nếu còn muốn giữ Bertha mãi ở Gamboeng. Nhìn lại con gái lần đầu tiên ông bàng hoàng nhận ra rằng cô đã đứng tuổi, thân hình có vẽ đẫy đà hơn trước, má và cằm không còn giữ được những nét thanh tú như xưa. Ông ra lệnh cho bọn thầu khoán người Hoa khởi công xây cất ngay ngôi biệt thự Karet ở Gamboeng.

Từ xa, tiếng xe ô tô quen thuộc của Ruud từ thung lũng Tji Enggang băng qua con đường lát sỏi đang tới gần. Chẳng cần quay lại ông cũng hình dung được cậu con và cô vợ Jo bước xuống xe đỗ ngay trước thềm nhà, anh chàng trong bộ đồ complê màu trắng nhiệt đới thẳng thớm, đội cái mũ cát két vải, đeo cặp kính bão vệ mắt, nàng cũng mặc toàn trắng, đầu buộc tấm voan cứ bay phất phơ tung cả ra ngoài xe, mặc dù anh chồng đã cảnh báo như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng. Ông chẳng thích ô tô tí nào, tuy thế ông cũng phải công nhận rằng nó chạy rất nhanh. Khó mà tưởng tượng nổi bốn chục năm trước đây, phải mất cả nửa ngày để đi cùng đoạn đường mà nay chỉ cần một giờ ô tô! Ông chống tay lên gậy, mới đứng một lúc mà đã thấy mệt, ông lan man nghĩ đến Cateau và Henny, cả hai nay đã là người thiên cổ, ông chẳng bao giờ viếng thăm mộ của họ. Có một lần, khi soạn lại giấy tờ dịp dọn nhà ở Bangdoeng, ông tìm thấy bức thư Henny viết cho ông mà hồi ấy ông cho nó có tính cách phỉ báng, bóp méo những đề nghị của ông về Gamboeng, về việc xây ngôi nhà mới, chuyện đi nghỉ hè ở châu Âu, việc đảm bảo tài chính cho vợ ông và mấy đứa con. Sau bao nhiêu năm, bây giờ bức thư vẫn ấy gợi lại cho ông một niềm xót thương khôn nguôi và ông hiểu tại sao Henny đã bác bỏ đề nghị tăng bổng lộc cho ông. Cái ngôi nhà tầm thường ấy, cái công khó nhọc khai hoang rừng rú, xây dựng đồn điền làm sao sánh được với niềm hạnh phúc có một mái ấm gia đình riêng cho mình. Giờ thì ông hiểu rằng không những Cateau mà cả Henny cũng thật lòng thương yêu hai thằng con trai ông, trong ba năm rưỡi trời chúng sống với họ, thật đáng hổ thẹn chỉ vì lòng kiêu hãnh bị tổn thương mà ông đã gây cho họ bao nhiêu buồn khổ.

Trong một làn chớp nhanh hơn cả một thoáng chim lướt qua ngọn cây, ông thấy lại mình đang chơi đùa với chị Bertha trong khu vườn ở Hunderen thủa nào. Bertha vừa cho ông một cái bạt tai vì ông đã làm vấy bùn lên cái áo dài carô của chị. Ông đã khóc không phải vì cái tát tai, mà vì Bertha là con gái lớn trong nhà, chị chỉ hơn ông có một tuổi, thế mà mọi người ai cũng khen chị nào đẹp, nào khôn, nào ngoan. Lúc ấy Cateau mới là một đứa trẻ ẵm ngửa còn August, Julius và Pauline thì chưa ra đời nên không có ai để tranh giành lòng yêu thương của bố mẹ. Vết thương ngày xưa ấy cứ âm ỉ suốt một đời bỗng nhói lên đau đớn. Phải chăng vì thế mà mối liên hệ giữa ông và các em ông không được mặn mà?

Thâm tâm ông bị tổn thương, dày vò vì ông không được xem là đứa con yêu duy nhất của mẹ, cũng không được là niềm kiêu hãnh duy nhất của cha.

Vào năm 1880, bố ông lâm bệnh nặng ở Ardjassari, ít có hi vọng qua khỏi. Ông từ Gamboeng đến chăm sóc cha. Đêm đêm, ông thức canh chừng cụ trong căn phòng với cái trần thật cao và những bức tường trống trơn, ngọn đèn mờ không đủ sáng để đọc sách. Cụ thường nằm bất động trong lúc hôn mê. Ông ngồi im trên ghế, ngắm nhìn nét mặt cha im lìm trên gối sau tấm màn hoa hoặc đưa mắt theo dõi những con thạch thùng rượt đuổi ruồi muỗi trên tường.

 

Một đêm, ông cụ tỉnh lại và nói chuyện với ông. Ông ngồi bên mép giường, nắm lấy hai bàn tay của cha. Cụ nói: “Con là con trưởng trong gia đình,” cụ thì thào, rồi cụ chỉ nơi cất giữ hổ sơ về trang trại Ardjassari; dặn dò nơi chôn cất sau khi cụ mất (khu vườn ngay sau nhà ‘trên mảnh đất của riêng ta.”). Trong giây phút nghiêm trọng, những lời tâm huyết, cái nắm tay yếu ớt của bố đã mang đến cho ông một cảm giác thật hạnh phúc. Ông vừa lập gia đình được hai năm, mới có một đứa con trai. Cha ông nghĩ rằng mình sắp sửa lìa đời, cụ đã giành những lời trăn trối cho riêng ông. Ông cảm động vì bố đã không cho gọi mẹ, August hay Julius đến bên giường bệnh trong căn phòng chật hẹp này. Nhưng về sau, khi ông cụ đã khỏi bệnh, cụ chẳng bao giờ đả động đến chuyện cũ. Có tiếng chân gần trên lối đi, tiếng áo sột soạt sau lưng:

“Bertha?”

“Ta đi thôi bố ạ! Ruud và Jo đang đợi lái xe đưa bố con mình lên Bandoeng, chiều nay bố còn phải nghỉ ngơi nữa đấy. Tại sao bố lại cười?”

Repos ailleurs ”– (Yên nghỉ nơi khác). “Đấy là phương châm của Marnix van Sint Aldegonde. Karel Holle muốn ghi nó lên mộ chí chú ấy sau này, bố phải chọn câu gì cho mình đây?”

Cô đến đứng cạnh cho, và theo thói quen nắm lấy tay ông. “Chưa cần nghĩ đến điều ấy đâu bố ạ.”

Ông nội con muốn được chôn ở Ardjassari, nhưng mà lúc này ông đang nằm ở Amsterdam , bố không muốn chôn ở Gamboeng.”

“Con xin bố, đủ rồi bố ạ.”

Ông nhìn xuống đất:

“Đây”, ông nén giọng, gần như thì thào, “chính ở chỗ này.”

 

 

Trích từ ‘Những Ông Vua Chè', nguyên tác: ‘De Heren van de Thee', tiểu thuyết của Hella Haasse, dịch giả: Cao Xuân Tứ.

 


Cái Đình - 2007.