Nguyễn Lê Hồng Hưng
Đêm giao thừa
Đêm ba mươi mốt tháng Chạp dương lịch. Trên đường Reeperbahn đèn rọi sáng cả
một vùng thành phố Hamburg. Những tiệm bán sách báo và phim ảnh khiêu dâm coi
mòi ế ẩm. Các cô gái ngồi trong buồng kín với thân hinh trần trụi cho khách
làng chơi bỏ tiền vô coi, những chị em bán dâm ngồi trong các nhà kiếng, hoặc
tập trung trong một chung cư đã đóng cửa gần hết.
Xe đường hầm mỗi đợt đỗ khách xuống ào ạt, một lát sau người ta biến đi đâu
mất. Trên đường phố thưa thớt bóng người. Những người nầy có lẽ cũng như anh,
không có nơi đón Tết, mới đi thất thơ giữa trời đông giá lạnh. Lúc phố xá bắt
đầu hực hỡ nhiều màu sắc, cũng là lúc anh tà tà từ đầu phố đi đến cuối phố và
từ cuối phố đi ngược lại. Mới hơn mười giờ mà anh đi tới, đi lui không biết
bao nhiêu bận rồi. Nghe người thấm lạnh, anh quẹo vô quán bia ôm quen thuộc.
Tony đứng quày rót rượu, thấy anh vô nó vẫy tay chào:
– Hi, tàu mầy mới ghé phải không?
– Không, ghé hồi sáng.
– Sao giờ nầy mầy mới lên?
– Tao lên từ hồi chiều, nhưng tao đi rảo ngoài đường.
– Ở ngoài giờ nầy đâu có khỉ gì, giao thừa mới vui. Mầy uống gì tao rót?
– Cho tao cái cognac.
Tony rót rượu đưa anh:
– Ly nầy tao đãi mầy.
– Cám ơn.
Tony có lẽ không nghe, vì bận day ngang tiếp khách mới vô. Là người Phi Luật
Tân, Tony với anh tâm đồng ý hợp nhờ hai đứa sống trên hai đất nước tài nguyên
cạn kiệt do những tên ăn cắp và con người ở hai xứ sở ấy đều bết bát như nhau.
Có lần anh nói với Tony, hai quốc gia Việt, Phi phải chờ tạo thiên lập địa một
lần nữa may ra mới ngóc đầu lên được. Đúng ra anh leo lên chiếc ghế trước quày
ngồi chờ Tony rảnh rang trò chuyện. Nhưng đêm nay anh không thích nói về hai
xứ sở chằng ăn trăn quấn đó nữa. Anh bưng ly rượu lại ngồi bên chiếc bàn trống.
Trên bàn có cuốn sách khiêu dâm của ai đó bỏ quên, vậy khỏi tốn gói đậu phộng
làm mồi, anh móc thốc châm, hít một hơi dài, phà ra ngụm khói lớn góp phần vào
khối hôi hám đày đặc trong không khí. Anh tiếp tục lật quyển sách vừa xem hình
vừa nhâm nhi cognac.
– Chào ông anh.
Lẫn trong âm thanh ồn ào tiếng ngoại quốc tự nhiên anh nghe tiếng Việt thanh
tao của một người phụ nữ. Cái gì đây? Anh ngó lên, chưa kịp hỏi thì cô ả tiếp:
– Ông anh còn nhớ em không?
A, thì ra cái cô người Việt Nam mà anh đã gặp trước đây trong hội quán ở Bremen,
cô ‘làm ăn’ chung với phụ nữ Phi Luật Tân. Hôm đó cô ngồi với anh, hai người
vui vẻ chuyện trò với nhau bằng tiếng Anh, cô có vẻ hơi rụt rè giữ kẽ khi ngồi
nói chuyện, nhưng tiếng Anh cô nói rất lưu loát, trong khi anh thì xối xả tiếng
bồi. Ngồi chơi với anh được một lát, cô tự giới thiệu là người Việt. Anh mừng
quá liền hô lên bằng tiếng Việt:
– Tui cũng là người Việt chánh hiệu con rồng vàng đây.
Tưởng nói vậy cô ta sẽ mừng rỡ biết bao. Nhưng không, cô biểu lộ tình đồng hương
bằng cách xịu mặt xuống, bẽn lẽn đứng dậy mượn cớ đi toilet, rồi cô biệt dạng.
Bỗng dưng đêm nay cô xuất hiện trong chiếc áo lông dầy, màu xám, dài tới đầu
gối, vai mang bóp da với phong cách gái giang hồ thứ thiệt.
– Nhớ chớ làm sao quên được.
– Anh cho em ngồi với nhé.
Anh chỉ chiếc ghế trước mặt nói như ra lịnh:
– Cô ngồi xuống đi, nhưng không được đi toilet như lần trước nữa nghe không.
– Ông anh nầy.
– Anh là anh, ông là ông gọi lộn xộn nghe kì cục thấy mồ. Cô muốn uống gì?
Cô ta dợm ngồi xuống. Nghe anh hỏi cô liền đứng dậy:
– Để em đi lấy. Anh uống thêm?
Anh bưng ly ngước cổ ực một hơi, giơ ly qua cho cô và kèm theo tờ Đức mác. Cô
cầm chiếc ly nhưng không lấy tiền.
– Anh cất tiền đi, em có.
Đúng là tết với nhứt. Ngồi chưa nóng ghế đã được hai ly cognac miễn phí. Không
biết một lát còn cái nào miễn nữa không? Anh gấp cuốn sách lại, vói tay để qua
chiếc bàn bên cạnh. Người vô quán mỗi lúc một đông. Các cô gái Phi Luật Tân
áo quần đẹp đẽ, đi tới đi lui, lăng xăng chào mời khách, chưa tới giao thừa
mà các cô đã hớn hở, chúy choé:
– Happy new year...
Có hai người đàn ông bao hai cô gái, bày tiệc bàn phía sau góc quán. Trong ánh
sáng lờ mờ, mỗi anh ôm chặt một cô, tay thọt vô váy mò mẫm và cũng chính bàn
tay đó khi cần rút ra bưng bia uống và bốc đậu phộng rang muối bỏ vô miệng nhai
ngon lành, sau đó thọt tay dính đầy muối trở lại chỗ cũ. Hai cô gái cứ thản
nhiên ngồi xuôi chưn, dang háng uống champagne, miệng phì phà thuốc lá. Cứ điệu
này nếu trò chơi tiếp tục tới giao thừa thì phần giữa háng của hai cô gái chắc
cũng vừa đủ mặn.
Cô gái bưng rượu để lên bàn, cô uống rượu pha, màu trắng đục, anh không biết
rượu gì. Thấy anh ngồi trầm ngâm ngó vô góc quán, cô yên lặng cởi áo lạnh vắt
lên thành ghế và kéo ghế đối diện ngồi xuống. Anh bưng ly nói lời cám ơn, hít
hơi thuốc cuối cùng và dụi tàn vô chiếc gạt.
– Anh tên Tân phải không?
– Không tôi tên Đủ.
– Nhưng sao Tony nói anh tên Tân.
– A, thì ra vậy. Tôi tên là Nguyễn Tấn Đủ, nhưng người ngoại quốc phát âm chữ
đủ nghe kì cục quá nên tôi mới lấy chữ lót làm tên cho họ dễ kêu.
– Vậy em phải kêu anh tên nào.
– Tùy cô, thấy tên nào tiện cứ kêu.
– Anh Đủ nhé, cho có vẻ miệt vườn một chút.
– Được. Còn cô, cô có tên Việt không, hay mang cái tên ngoại lai nào đó mà tôi
đã quên mất rồi?
– Em tên Bích, còn tên ngoại lai thì nhiều lắm, hồi đó giới thiệu với anh tên
nào em còn không nhớ nói chi anh.
Anh nâng ly:
– Mời Bích.
Cụng ly nhấp một hớp, để ly xuống, anh rút thuốc đưa qua mời. Bích rút thuốc
gắn lên môi. Anh bật lửa châm.
– Ở đây có còn cô nào người Việt nữa không?
– Không anh.
Người vô quán mỗi lúc một đông, toàn là dân tứ phương, đông nhứt là dân Phi
Luật Tân. Tiếng nhạc hòa cùng tiếng người cao giọng ồn ào. Anh và cô gái muốn
nói chuyện phải hả họng lớn và kề sát mặt nhau mới nghe được.
– Nghe Tony nói anh ở Hòa Lan.
– Thì đã sao?
Ngồi đây nói chuyện thấy hơi phiền, mặt dầu cuộc sống của Bích không cần phải
che đậy, kể cả thân thể của cô, nhưng đàn bà mà mỗi khi há họng lớn, nói to
trước chỗ đông người cũng khó coi lắm. Anh chồm qua hỏi lớn:
– Đêm nay cô có bận khách không?
Bích nhíu mày một cái rồi kề miệng sát vô tai anh, nói:
– Không, đêm nay anh là khách của em?
– Chấm mút được gì đâu?
– Liếm láp chút ít cũng được, cần chi chấm mút.
– Nói chuyện hay quá vậy.
– Nghe Tony nói anh là người đàng hoàng, Sao nói chuyện nghe phát lợm.
– Ngồi đây hít vô ám khí, nói ra sao được thơm tho.
Cô gái cười khúc khích. Anh tiếp:
– Nếu muốn có không khí sạch sẽ cô đi với tôi ra ngoài kia?
– Đi đâu?
– Kiếm chỗ sạch sẽ ngồi nói chuyện chơi. Chịu không?
– Chịu.
Hai người uống hết rượu, đứng dậy sửa lại khăng cổ, choàng áo lạnh và đi ra
khỏi quán. Trời lạnh câm, đường dán băng trơn nhớt, pháo nổ xa gần. Bích nép
sát anh:
– Em nghe nói bên Amsterdam cũng có khu như thế nầy.
– Bên Amsterdam các cô gái ngồi trong lồng kiếng day mặt ra lộ, cô nào cô nấy
gần như trần trụi. Còn ở đây các cô tập trung vô một chung cư, mỗi cô ngồi mỗi
phòng, có những con hẻm dành cho các cô ngồi lồng kiếng, người ta ngăn bít hai
đầu. Nhờ vậy con đường ngoài thanh lịch hơn và những người chưa quen sinh hoạt
khu nầy đi ngang cũng không khó chịu.
Hai người đi bên nhau nói chuyện trời trăng mây gió một lát đã tới giao thừa.
Sớm tới giờ anh cứ nghĩ ngày Tết ai ai cũng quây quần bên nhau trong căn nhà
ấm cúng, cho nên ngoài đường phố vắng tanh. Chỉ có những người vô gia cư mới
lang thang giữa trời đông giá lạnh. Dè đâu đúng giờ giao thừa trên trời pháo
bông sáng tua tủa, dưới đất pháo nổ như chiến tranh. Người ở trong các quán
ba tràn ra đường đông như ong vỡ tổ. Trong khói pháo mịt mù người ta uống bia,
rượu, ca hát vang trời.
Anh và Bích đứng bên góc phố coi người ta đón Tết. Anh thấy có một người con
trai đầu trọc lóc ôm bọc pháo đủ loại, tay cầm súng chĩa lên trời bắn đùng đùng.
Đợi anh ta ngưng bắn, anh tới hỏi chia hai cây pháo cầm tay. Anh ta lẹ làng
móc nắm pháo chìa cho anh, còn cho thêm hai lon bia và nói chúc mừng năm mới.
Anh ta khoát tay không lấy tiền rồi day qua nạp pháo vô súng tiếp tục bắn. Anh
đưa cho Bích nắm pháo, và móc hộp quẹt bật lửa châm. Pháo cháy như hoa nở, Bích
cầm giơ qua giơ lại, cười thích thú. Trông cô hồn nhiên vui vẻ như bao cô gái
bình thường, ai biết được cô đã từng năm tao bảy tiết. Cô cầm pháo cho anh châm
lửa, đốt lần lượt hết nắm pháo. Anh khui bia đưa Bích một lon và giơ lên nói
lời chúc mừng. Bích cũng giơ bia lên nói chúc mừng và hai người ôm nhau hôn
trong mùi bia nồng nặc.
Giờ giao thừa trôi qua. Bây giờ hai bên đường phố người ta đông nghẹt. Hai người
tiếp tục vừa đi vừa uống bia, khi cạn hai lon bia họ liệng lon vô thùng rác.
Ánh đèn khu phố nhợt nhạt chiếu xuống, gương mặt Bích thoáng chút u buồn. Cô
nắm chặt tay anh thỏ thẻ:
– Đêm nay không có anh chắc em... (ngập ngừng) ... không biết ra sao.
Anh nghĩ tới mấy cô gái ngồi tiếp khách trong căn phòng thiếu ánh sáng ban nãy.
Anh định nói, thì em cũng như các bạn em đương làm ăn trong quán, nhưng thấy
tàn nhẫn quá, dù sao cô cũng chịu thiệt thòi một đêm đi chơi với anh. Anh ân
hận nói sang chuyện khác:
– Không có tôi giao thừa cũng qua.
– Khinh bạc thế à?
– Cuộc sống nầy có gì trân trọng. Cô cũng nên tập sống như vậy.
Bích thở hắt một cái như ra chiều thất vọng. Anh đoán chừng cô ta muốn tâm sự.
Anh nói:
– Mình vô quán ngồi cho ấm.
– Được, nhưng đừng trở lại quán Tony ngột ngạt hơi người em ớn lắm
Quán không tên, hiệu quán vẻn vẹn hai con số. Bên trong đầy đủ ánh sáng, sạch
sẽ, không khí thoải mái. Đàn ông, đàn bà ngồi dọc theo chiều dài của quày rượu.
Người Âu ăn ra ăn, nhậu ra ra nhậu. Ồn ào nhưng không xô bồ xô bộn, đông đúc
nhưng không hỗn tạp như người Á. Anh mua một chai champagne và một dĩa ô-liu.
Ôm hết mọi thứ và hai cái ly đến để trên chiếc bàn cuối quán, rồi anh day qua
phụ Bích cởi áo lạnh máng lên chiếc móc gần bên. Cô ngồi xuống, kéo tay anh
ngồi cạnh bên và day ngang rót rượu. Bích bưng rượu đưa cho anh:
– Uống đi anh.
– Anh cụng ly với Bích, nhấp miếng rượu. Anh mở gói thuốc, còn chỉ một điếu.
Anh đứng dậy lại chiếc thùng đựng thuốc, bỏ tiền vô rút ra một gói. Anh đi lại
châm thuốc giơ qua cho Bích, anh ngồi xuống rít một hơi thuốc rồi nhìn thẳng
mặt cô:
– Cô giống như người tình.
– Anh muốn ‘chim’ em hả?
– Vui miệng nói chơi chớ chim chóc gì.
Gương mặt rạng rỡ môi điểm môi một nụ cười, Bích nói:
– Trước kia gặp nhiều người Việt mình em cũng ngồi tiếp, nhưng không thấy ai
nói chuyện như anh.
Mấy người đi chơi bời mà làm như con nhà tử tế lắm, lên giọng thầy đời dạy dỗ,
khuyên nhủ em đủ điều, họ bươi móc chuyện riêng tư, soi rọi từ lông tơ kẽ tóc,
nói chuyện với họ em nghe như bị mắng vô mặt. Em bán ba mà họ làm như em bán
cả bốn ngàn năm văn hiến của họ vây. Vì vậy lần đó gặp anh em bỏ trốn. Mấy lần
sau, lần nào anh đến em không ra mặt và dặn mấy nhỏ bạn đừng cho anh biết gì
em.
– Như vậy mỗi lần tôi đến cô không mần ăn gì được hết.
Cô cái nghẻo đầu cười. Anh tiếp hỏi:
– Sao hôm nay cô không trốn nữa?
– Nghe mấy đứa bạn nói anh keo lắm, còn Tony thì khen anh là người đàng hoàng.
– Keo kiệt, đàng hoàng nghĩa là sao?
– Nghĩa là mấy bạn em không khi nào uống của anh một ly đáng tiền. Tony khen
anh là người tốt vì anh không bậy bạ.
– Như vậy keo kiệt với các cô chưa đến đỗi xấu?
– Không biết, nhưng ít ra đi với anh em yên tâm trò chuyện.
– Vậy sao?
Một bà già ôm bó bông chìa ra trước mặt và mời mua bằng câu chúc mừng năm mới.
Anh rút một cọng bông hồng gói trong giấy kiếng, móc túi đưa cho bà tờ Ðức mác,
anh khoát tay kêu bà lão đi đi khỏi thối tiền. Anh đưa cọng bông cho cô gái:
– Tặng cô đó.
Cô ngước lên đón nhánh bông:
– Ồ đẹp quá.
Cô cúi hôn bông hồng rồi day qua hôn anh. Anh nhìn người con gái, đôi mắt lơ
là, vầng trán vài nét nhăn, đôi môi son mỏng, trông cô có vẻ mệt mỏi nhưng nét
đẹp của một thời vẫn còn phảng phất trên gương mặt dạn dày gió sương.
– Khuya rồi, uống hết rượu mình chia tay.
Cô gái giật mình bấu cánh tay anh.
– Anh không về với em sao?
– Tôi sống trên sóng nước quanh năm, khi gần đàn bà những dồn nén trong người
lâu ngày nó cứ trực trào ra.
Cô gái nghiêng đầu tựa vai anh:
– Thì anh cứ trút hết sự dồn nén của anh qua em.
– Để làm gì?
– Hy vọng có một đứa con cuộc sống em sẽ thay đổi.
– Muốn có con để thay đổi cuộc sống sao cô không kiếm một tấm chồng?
– Không biết còn ai lấy em không?
– Tìm sẽ gặp, xin sẽ được.
– Thế thì em xin anh một đứa con.
– Xin gì mà kỳ cục vậy. Chồng trước, con sau, xin đầy đủ như vậy mới được, xin
có một phần thánh cũng không cho cô nữa, nói chi tui.
– Lớn tuổi rồi sống một mình đôi khi em thấy hụt hẫng.
Anh cốc nhè nhẹ lên đầu cô gái:
– Đàn bà ngu ngốc, muốn thì đòi chớ không biết lường hậu quả, cho nên đi tới
đâu cũng nghe các bà than khổ.
Bích buông tay anh ra, ngồi chống tay lên càm nhìn thẳng mặt anh, vui vẻ nói:
– Em hiểu anh nói gì rồi.
– Vậy thì bỏ qua chuyện con cái đi.
Anh móc bóp moi ra xấp tiền đưa cho Bích:
– Ngày mai đổi tiền Euro, tôi không có thời giờ lên nhà băng, nhờ cô đổi dùm.
– Anh có trở lại đây nữa không?
– Có chớ.
– Có gặp em không?
– Không biết.
– Nếu không gặp lại số tiền nầy em làm sao đưa lại cho anh?
– Thì cô cứ xài.
– Không được.
– Hổng ấy cô tìm mua một món quà nào đó, coi như tôi tặng cô làm kỷ niệm.
– Nhưng anh muốn tặng em cái gì?
– Tùy cô.
– Không, anh chọn cho em.
– Vậy thì như vầy, một cái xú chiêng và một cái quần xì líp loại tốt. Được hông
?
– Được, nhưng ý nghĩa gì?
Trên đời nầy không chuyện nào có nghĩa hết, ý nghĩa do người ta bày đặt ra đó
thôi, như chuyện cô đi chơi với tôi nãy giờ cũng chẳng ý nghĩa gì ráo.
– Nhưng em thấy vui.
– Lát nữa cô sẽ buồn, mai kia mốt nọ cô sẽ quên, mọi chuyện cứ tuần tự đâu vào
đó. Vậy tùy cô, cô cho chuyện đêm nay một ý nghĩa nào cũng được.
– Ý nghĩa có rồi.
– Là gì?
– Là kỷ niệm như anh vừa nói đó.
– Vậy thì cất tiền đi.
Bích cầm tiền bỏ vô bóp.
– Uống hết rượu anh đưa em về nhà nhé.
– Không, tới bến tắc xi thôi.
– Ừ, cũng được.
•••
Anh đã trở lại phố Hamburg sau hơn sáu tháng hải hành đó đây bên miền nắng ấm
châu Phi. Chiều nay anh ghé quán Tony. Còn sớm, quán vắng. Tony ngồi chong ngóc
sau quày rượu, vừa thấy anh nó chào một cái, rồi đi vô trong, một lát sau trở
ra không hỏi anh uống gì như thường lệ. Tony bắt đầu câu chuyện bằng cách đưa
anh một bao thơ. Anh mở ra, thấy bên trong có hai tờ Euro.
– Cái gì đây mậy?
– Con Bích gởi cho mầy đó.
– Cô ta đâu?
– Nó nghỉ làm ở đây rồi.
– Nghỉ rồi cô ta đi làm ở đâu?
– Ai biết.
– Bích có nhắn gì không?
– Nó nhắn tao nói với mầy, đây là số tiền mầy nhờ đổi dùm, nó chỉ lấy ra đủ
mua món quà mà mầy tặng cho nó.
Anh để bao thư xuống mặt bàn và leo lên chiếc ghế cao cẳng ngồi. Anh móc thuốc
đưa qua mời Tony và kêu rượu. Tony vừa rót rượu vừa nói:
– Con nhỏ cũng ngộ, trước kia nó gặp người Việt Nam thì nó lánh, nhưng không
hiểu sao từ khi gặp mầy nó như người mất hồn, cứ hỏi tao một chuyến đi của mầy
là bao lâu. Nhứt là lúc gần nghỉ việc, nó có ý ngóng trông mầy.
– Trông tao chi vậy?
– Mầy không biết làm sao tao biết.
– Đàn bà!
Tony đi vô trong, lụi hụi sắp đồ, chỉ còn anh ngồi ở quầy hớp rượu và châm thuốt
hút. Quán vắng khách. Ánh sáng tờ mờ trông lạnh lẽo. Nhìn cô gái Phi Luật Tân
đương lau chùi bàn ghế, chợt nhiên anh nghĩ tới chuyện Kiều. Có thật không một
nàng Kiều? Mà thiên hạ xôn xao bàn tán và đã làm rơi nước mắt biết bao nhiêu
người chỉ vì thân Kiều trôi dạt. Ngày nay biết bao nhiêu mảnh đời vô định, như
Bích, như anh, như Tony, như cô gái đương lau chùi bàn ghế và còn nhiều nhiều
nữa...
Không biết có phải vì gặp anh lần đó mà Bích quyết định thay đổi cuộc sống hay
không? Nhưng dù sao đi nữa anh cũng cầu mong Bích tìm được cuộc sống khác hay
hơn. Đừng rời khỏi hố sâu nầy rồi sang qua vực thẳm khác như biết bao nhiêu
cô gái mà anh đã gặp trên bước đường luân lạc.
Tony bưng dĩa đậu phộng đi ra để trước mặt anh. Nó bắt đầu câu chuyện như mọi
lần:
– Hè năm nay mầy có về Việt Nam không?
Anh nghĩ tới mấy lần về nước, ăn không ngon, ngủ không yên. Khi trở ra bị ám
ảnh làm anh như người khật khùng. Chợt nghe Tony hỏi. Anh phát ớn lên tới cổ,
anh bưng ly hớp một hớp rượu đầy:
– Không, năm nay tao không về đó nữa!
Baltic chủ nhật, 19 tháng năm 2002
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cái Đình - 2004