Nguyễn Hoàn Nguyên


Đất lạ

Tôi quẹo xe vào con đường đất đá lởm chởm, lái tới phía trước khoảng vài chục thước rồi ngừng lại. Trước mắt tôi và Thanh Đạm, vợ tôi, khu đất rộng lớn đã được dọn sạch cây cỏ, phân thành từng lô tương đối đều nhau. Khung cảnh chung quanh vắng lặng vào buổi chiều chủ nhật. Ă đàng xa, chiếc xe ủi đất nằm ngất ngưởng nửa trên nửa dưới một hố sâu, cạnh gốc cổ thụ già lởm chởm rễ ngả nghiêng trên nền đất. Vài cái caravan dã chiến dành cho nhân viên của công ty xây cất nằm phía sau. Gần đó là tấm bảng gỗ lớn với tên công ty được kẻ sơn màu, cho biết đây là công trường xây cất sáu mươi căn nhà của thành phố.


Thanh Đạm đi trước với mảnh họa đồ nhỏ trong tay. Sau một lúc tìm kiếm, chúng tôi dừng lại trước một lô đất. Thanh Đạm nhìn lại họa đồ lần nữa, cười hể hả tuyên bố:

“Cuối năm nay mình sẽ đặt cây Giáng Sinh ở nơi này.”

Tôi đứng im nhìn lô đất hình chữ nhật đã bị cày xới lởm chởm. Sau mười năm sống ở xứ người, chúng tôi đã ký giấy mua nhà trả góp. Arie, bạn đồng nghiệp của tôi, đã vồn vã báo cho tôi biết dự án xây sáu mươi căn nhà của thành phố, hùng hồn thuyết phục chúng tôi phải ghi danh mua cho bằng được một căn nhà của dự án này. Phần Arie thì khỏi nói. Anh chàng dự định mua nhà từ lâu, chạy đôn chạy đáo tìm kiếm, dọ hỏi giá nhà khắp các văn phòng địa ốc. Có điều mua một căn nhà của dự án này coi vậy mà không đơn giản. Chỉ có sáu mươi căn nhà nhưng đến hàng trăm người ghi danh mua. Phải qua một vòng cứu xét mức lương thu nhập hàng năm. Trên một trăm người bị loại ra. Đến vòng thứ hai, công ty địa ốc phải mướn văn phòng chưởng khế bắt thăm để chọn sáu mươi kẻ may mắn trong số trên hai trăm người bon chen còn lại. Tên tôi nằm trong số người may mắn đó. Arie cũng vậy. Anh chàng bắt thăm được căn nhà cách chúng tôi sáu số.

Sau khoảng thời gian bận rộn với mọi thứ thủ tục, thể thức mượn tiền ngân hàng, cộng với cảm giác sẽ có một căn nhà riêng của mình, chúng tôi mới bình tĩnh nhìn căn nhà tương lai với ý nghĩa đích thực hơn của nó. Cái ý nghĩa nhà lần này đã bớt đi dấu vết của niềm kiêu hãnh ngầm về sự thành công nào đó hay của một thứ status trong đời sống. Khoảng không tinh khôi của căn nhà mới sẽ bao bọc những con người trong lòng nó được an toàn, ấm áp dưới mưa tuyết bão bùng. Nó sẽ dần dần chứng kiến đời sống riêng tư, rồi cả giây phút chào đời của những đứa con của chúng tôi trong tương lai. Theo thời gian, nó sẽ cất giữ trong lòng khối kỷ niệm vui buồn của chúng tôi, cái quá khứ hình thành càng lúc càng lớn dần.

Cách đây hai năm, tôi cùng anh bạn đến bệnh viện thăm một người bạn thân khác. Anh lớn hơn tôi gần mười tuổi, sống độc thân, vừa không may bị chứng nghẽn mạch máu não, chứng bệnh chỉ thường xảy ra cho những người lớn tuổi. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh anh nằm trên giường với gương mặt trắng bệch, giương đôi mắt mệt mỏi nhìn chúng tôi. Nửa thân hình bên phải theo chiều dọc của anh hoàn toàn bất động. Một phần bộ não đã tạm ngưng hoạt động. Anh lắng nghe chúng tôi thăm hỏi, hiểu gần như tất cả những gì chúng tôi nói với anh. Nhưng anh không thể diễn tả được những gì anh muốn bày tỏ cùng chúng tôi. Miệng anh méo xệch thảm hại, mệt nhọc tuôn ra thứ tiếng ê a như rên rỉ. Dĩ nhiên chúng tôi chẳng ai hiểu anh muốn nói gì. Anh cố gắng thêm vài lần. Vẫn vô ích. Cánh tay trái còn lại của anh bỗng đập mạnh xuống nệm giường. Cái đập phẫn nộ về sự bất lực của mình. Cuối cùng anh phải dùng cánh tay đó để bút đàm với chúng tôi. Cố gắng đến cả vài phút, anh mới vẽ được nguệch ngoạc một chữ mà chúng tôi cũng cố gắng lắm mới đọc ra. Chữ nhà. Chúng tôi phân trần rằng anh đang bị bệnh nặng, bác sĩ không cho phép anh về nhà vội. Cánh tay anh lại nện xuống nệm giường. Chúng tôi nhìn nhau khó xử. Sau cùng anh bạn cùng đi với tôi nhanh trí hỏi phải anh muốn nói đến nhà anh ở Việt Nam. Như có phép lạ, cánh tay anh nằm êm xuôi dịu dàng trở lại, nhưng miệng anh lại thốt ra những âm thanh ê a ngắt quãng. Một dòng lệ tuôn chảy ướt một bên gối. Cố gắng tiếp xúc với anh đến quá giờ thăm bệnh, chúng tôi mới hiểu ra. Trong giây phút tuyệt vọng, anh chỉ còn mỗi niềm mong ước mãnh liệt được gởi thân ở quê nhà.

Nhìn nét chữ gãy gập quái gở và nhìn lại số tuổi bốn mươi của anh, tôi bỗng lạnh cả sống lưng. Bấy lâu nay, tôi tưởng mình cũng rất bận tâm đến một nơi chốn trở về. Một thứ quê hương tâm linh nào đó. Hay một quê hương hiện thực hơn đang nằm oằn oại ở phần bên kia quả đất. Ũt ra, tôi cũng là con người có ý thức, một kẻ có lòng. Giờ đây, tôi mới khám phá ra tất cả sự hời hợt, phè phỡn của mình trong cuộc tìm kiếm này. Có nhiều việc quan trọng hơn tôi cần phải ưu tiên thực hiện trong cuộc sống. Mua một căn nhà chẳng hạn. Đợi đến lúc thật sự cần một nơi chốn trở về — dù chỉ để gởi thân xác mình như anh bạn tôi — mới chợt nhận ra thân phận bi thảm của kẻ còn mải mê lang thang trên vạn dặm trường. Chưa kể, nếu rất nghiêm túc trong cuộc tìm kiếm này, tôi có tìm được cái mà tôi muốn tìm hay không. Rồi còn cái quê hương bên kia quả đất. Nó vẫn muôn đời thật sự là nhà như tôi vẫn nghĩ hay không? Ũt ra là cho anh bạn tôi. Cho tôi. Chữ ‘nhà’ ngả nghiêng xiêu vẹo của anh bạn ngày hôm đó như một dấu ấn lạnh lùng đóng sâu vào não bộ tôi. Nhưng đồng thời nó lại là cái phao bềnh bồng, cứu giúp tôi không chìm hút vào khoảng không mênh mông của đời sống hàng ngày.

 

 

Một tháng sau buổi đi thăm đất, tôi và Thanh Đạm ngồi dùng điểm tâm vào sáng thứ bảy. Tôi có thói quen nhâm nhi thêm một tách cà phê sau buổi điểm tâm của ngày cuối tuần. Cũng là cách nhâm nhi thời gian thật sự của chính mình. Lúc đang nâng tách thoải mái, mơ màng thèm nghe tiếng chân trẻ con chạy lạch bạch chung quanh, tôi bỗng nghe Thanh Đạm reo lên, anh xem nè. Nàng mở rộng tờ báo địa phương, trải ra trước mặt tôi, chỉ vào một tấm hình được in giữa trang báo. Tôi tò mò nhìn vào, đọc chú thích bên dưới. Tấm hình chụp nguyên một cái stonehenge vào cuối thời đại đồ đá, mới vừa được khám phá trong lòng đất. Thật ra bài báo sử dụng danh từ này cũng không ổn lắm, bởi vì stonehenge là ngôi mộ hoặc một thứ đài kỷ niệm cổ sơ được người tiền sử tạo thành bằng cách chồng chất những khối đá to lớn lên nhau. Tôi và Thanh Đạm đã được nhìn thấy những khối đá như thế trong chuyến du lịch miền nam nước Anh cách đây mấy năm. Nhưng ‘stonehenge’ trong hình lại là những cây trụ bằng gỗ, được dựng lên với những khoảng cách tính toán chính xác nào đó để theo dõi sự di chuyển của mặt trời. Đó là một thứ đồng hồ hay lịch của những con người cổ sơ. Những trụ gỗ bị thời gian gặm nhấm, mục nát rất nhiều. Nhưng chuyện gỗ hay đá không thành vấn đề. Dẫu cho mấy cây trụ vẫn còn bướng bỉnh trơ gan cùng tuế nguyệt, chúng cũng không thể hấp dẫn tôi và Thanh Đạm nếu tờ báo không chú thích nơi chốn các nhà khảo cổ vừa tìm được. Nơi chốn đó nào có xa lạ gì. Chính là thành phố này, đúng ngay trong khu đất có căn nhà tương lai của chúng tôi sắp mọc lên. Tại sao khi vừa mới phát hiện, người ta biết ngay đó là một thứ cổ vật giá trị để gìn giữ nguyên vẹn hình hài thì bài báo không đề cập đến. Chỉ biết rằng tin tức khám phá được giữ kín cho đến khi các nhà khảo cổ đã kiểm chứng cẩn thận, tái tạo lại nguyên vẹn hình hài của thứ dụng cụ theo dõi thời gian thô sơ này.

Nhìn gương mặt cao hứng của Thanh Đạm lúc đọc bài báo lần thứ hai, tôi cũng cảm thấy thú vị lây. Một ngày êm đềm trôi qua. Nhưng buổi tối, khi đặt lưng xuống giường, cái “stonehenge” gỗ lại hiện hình nguyên vẹn, lơ lửng trước mắt tôi. Tôi nằm đó, ngắm nó qua bóng đêm trong khi vẫn nghe tiếng thở đều nhịp trong giấc ngủ say của Thanh Đạm bên cạnh. Trước khi đọc bài báo, tôi chỉ nhìn khu đất rậm rạp cây cỏ nằm sát ranh thành phố — khu đất sẽ có sáu mươi căn nhà tọa lạc — như một thứ đất hoang. Nó không gây cho tôi ấn tượng nào trong những lần có dịp lái xe ngang qua. Tôi không hề lẩn thẩn nghĩ đến chuyện có những con người đã từng sinh sống nơi đó, trải qua bao biến động thịnh suy, đã nằm xuống và xương thịt của họ đã hòa tan vào lòng đất. Nhưng giờ đây, mảnh đất đó lại làm tôi bận tâm. Thật ra nó đã quấy rầy tôi suốt cả ngày hôm nay. Tôi lờ mờ nghĩ đến khoảng thời gian lúc những con người cổ sơ dựng lên cái ‘stonehenge’ trên khu đất, có lẽ bên việt Nam còn đang ở vào thời kỳ các vua Hùng. Chắc những con người cổ sơ này cũng không hề nghĩ đến chuyện vài ngàn năm sau sẽ có một cặp vợ chồng trẻ, từ một xứ sở xa xôi diệu vợi nào đó, đến lập nghiệp trên mảnh đất này. Nếu đời sống quả thật là những liên hệ nhân duyên trùng điệp, những tiến trình luân hồi sinh diệt biến chuyển không ngừng, thì biết đâu chính tôi hay Thanh Đạm cũng ít nhiều đã từng là một trong những con người này, đã từng tham dự vào sinh hoạt cổ sơ hỗn mang của họ. Chúng tôi có thể đã từng vui sướng, sợ hãi, thương tâm với họ. Đã từng đứng trong ánh nắng, ngắm bóng những trụ gỗ ngã trên nền đất để có ý niệm thời gian đang trôi qua. Và mối liên hệ nào đó dẫn dắt chúng tôi ngày hôm nay trở lại chốn cũ. Biết đâu trong tận cùng tiềm thức của tôi vẫn còn đọng lại chút xíu ký ức nào đó trong khoảng thời gian xa xưa này. Và nếu quả thật vậy, cái ý niệm về khoảng cách không gian, thời gian sẽ thật hạn hẹp, vô nghĩa biết bao trong cuộc phù thế này. Bỗng dưng tôi bắt gặp mình chợt cất tiếng cười khan trong bóng tối. Giật mình quay qua, tôi yên tâm nghe Thanh Đạm vẫn nằm yên thở đều đặn.

 

 

Đến chiều hôm nay, việc dọn nhà của chúng tôi tạm ổn định. Công việc phải làm vẫn còn đầy ăm ắp. Nhưng ít ra chúng tôi đã lo liệu xong chỗ ăn chỗ ngủ trong căn nhà mới này. Đồ đạc vẫn còn nằm ngổn ngang trong phòng khách. Thỉnh thoảng anh bạn đồng nghiệp Arie của tôi — giờ cũng trở nên ông hàng xóm — chạy qua thăm hỏi, tiếu lâm vài câu, uống vội ly cà phê đen rồi lại hối hả chạy về. Arie cũng bận rộn tối tăm mặt mũi. Nhưng tôi đọc được niềm vui có nhà riêng, lại là nhà mới toanh, toát ra trong mỗi dáng điệu, câu nói của Arie. Anh chàng lăng xăng chạy qua chạy lại chỉ vì niềm vui đó đang bùng vỡ trong lòng. Niềm vui tương tự cũng hiện rõ trên gương mặt, trong ánh mắt và nụ cười của Thanh Đạm. Trong khi tôi vẫn chưa hề cảm nhận được đây là căn nhà của mình.

Dù bận rộn đến đâu, chúng tôi cũng tạm gác qua mọi chuyện để chuẩn bị cho việc quan trọng nhất trong ngày: cúng đất đai dương trạch. Tôi nhìn đồng hồ. Đã quá trễ, tám giờ rưỡi tối rồi. Thật ra chuyện cúng kiến do tôi đề xướng, nhưng Thanh Đạm đã mau mắn đồng ý. Nghi thức phải được thực hiện chính xác như thế nào, trước hay sau khi dọn nhà, cả hai chúng tôi đều mù tịt. Ngay cả hai chữ ‘dương trạch’ có nghĩa là gì chúng tôi cũng không rõ. Tôi chỉ lập lại máy móc cụm từ của bà ngoại tôi thường sử dụng ngày xưa. Mấy quyển tự điển hãy còn nằm trong thùng giấy cứng được dán kín bằng mấy lớp băng keo. Nhưng dù sao thì Thanh Đạm cũng đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết.

Tôi bày biện lễ vật theo những gì bà ngoại tôi đã làm mà tôi còn nhớ được ít nhiều. Bày lễ vật trên bàn mà lòng tôi cứ bất an. Tôi chỉ sợ lúc mình đang cúng kiến trang nghiêm, khói hương nghi ngút, ông hàng xóm Arie của tôi lại chạy qua bấm chuông, xông vào phòng khách theo cung cách thăm viếng chớp nhoáng, bất ngờ như vẫn làm từ mấy ngày qua. Mà điều đó có thể xãy ra ngay lúc này. Tôi hoàn toàn không cảm thấy hứng thú để giải thích cho Arie hiểu rõ chuyện tôi làm. Tôi không hề sợ hãi một thế lực huyền bí nào trong ngôi nhà mới cất này. Tôi cũng không tin rằng chuyện tôi cúng kiến sẽ mang đến sự bình an cho đời sống của chúng tôi sau này. Nhất là tôi cũng không thể nói cho Arie biết rõ về một tập quán hay tín ngưỡng dân gian mà chính tôi cũng hiểu biết rất cạn cợt. Nhưng tôi hiểu rõ động lực nào đã
thúc đẩy tôi bày chuyện cúng kiến đất đai. Một điều cả chục năm nay tôi không hề nghĩ tới.

Sau khi lâm râm khấn vái những câu tôi suy nghĩ rất tùy tiện, cắm ba nén nhang vào chiếc lọ nhỏ, tôi và Thanh Đạm ngồi trên ghế dựa, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng. Nhìn cảnh khói hương nghi ngút, hai ngọn lửa nến phất phơ, tôi cảm thấy căn phòng khách bừa bãi đồ đạc bỗng trở nên trang nghiêm, tịch mịch. Không khí như chùng xuống. Thanh Đạm vặn ngọn đèn halogen sáng vừa phải. Mùi nhang lãng đãng pha đậm thêm nồng độ tĩnh lặng trong phòng. Mọi bận rộn trong mấy ngày qua tạm thời lắng xuống. Tôi chợt cảm nhận lại ít nhiều khung cảnh lúc bà ngoại tôi cúng giỗ khi tôi còn ở quê nhà. Cái không khí trầm lắng của âm dương, đất trời quyện lẫn vào nhau.

Thanh Đạm đã lên lầu tiếp tục sắp xếp đồ đạc trong phòng ngủ. Tôi ngồi một mình dưới phòng khách, đắm mình trọn vẹn trong thứ không khí tôi vừa cảm nhận. Càng lúc tôi càng nhận rõ động lực thúc đẩy tôi cúng đất đai vào buổi chiều nay. Dĩ nhiên tôi khó giải thích được cho Arie hiểu có một cái gì đó rất mong manh, đặc thù mà tôi muốn tìm. Hay muốn trở về. Rồi còn chuyện khám phá cái ‘stonehenge’ bằng gỗ trong khu đất này. Mảnh đất dưới căn nhà mới bỗng phập phồng nhịp thở, chuyển động từng đường gân thớ thịt. Nó cuốn hút tôi kỳ lạ, đến nỗi tự dưng tôi sinh kính trọng những con người đã từng sống trên đó, đã chết và hòa thân xác của họ vào lòng đất. Có thể một ngày nào, chính tôi cũng nằm xuống trên mảnh đất này. Một quá khứ hỗn mang cứ lừng lững chờn vờn, dai dẳng ám ảnh tôi, muốn nuốt trọn con người tôi vào cái mịt mù mênh mông của nó. Tôi biết chắc chắn anh chàng hàng xóm kiêm bạn đồng nghiệp Arie của tôi sẽ cười thật to, cười chảy nước mắt, cười chết bỏ nếu nghe tôi nghiêm trang bày tỏ điều này.

 

 

... Chỉ mình ông ngoại tôi với đồng lương căn bản của một thầy giáo, còn phải nuôi vợ và bầy con, không thể nào tạo dựng được một khu đất gia đình rộng lớn như vậy. Khi tôi bắt đầu ghi nhận được ít nhiều sinh hoạt gia đình trong ký ức, một ngôi trường trung học do ông ngoại và cậu Ba tôi hùn nhau xây cất, đã nằm sừng sững tự bao giờ, chiếm gần một phần ba mảnh đất nhà. Phần đất còn lại, trên đó có căn nhà của ông bà ngoại, hầu hết là vườn cây ăn trái. Mặc dù vẫn còn tráng kiện, ông ngoại đã làm xong di chúc chia các phần đất còn lại cho đám con cháu.

Ạng bà ngoại có tất cả bảy người con, năm trai hai gái. Mẹ tôi là con gái út. Dì Sáu tôi mất lúc lên hai tuổi. Ngoài đồng lương thầy giáo cố định của ông ngoại, bà ngoại còn kiếm thêm lợi tức cho gia đình bằng cách làm và trữ mắm. Bạn hàng đến lấy mắm đi bằng ghe bầu rộng lớn, chèo chống vô tận con rạch trong vườn. Sau này bà ngoại còn có thêm một sập vải ngoài chợ thị xã. ƒn nên làm ra, ông bà ngoại mua dần từng mảnh đất của hàng xóm chung quanh để có được khu đất nhà rộng lớn như ngày nay.

Ạng ngoại là thầy giáo do chế độ thực dân Pháp đào tạo. Là vợ của thầy giáo, nhưng bà ngoại mù chữ. Bù lại, bà có trí nhớ rất tốt. Bà tính nhẩm nhanh cấp kỳ, thuộc nằm lòng vài bộ kinh Phật, hầu hết các bộ truyện Tàu, các tuồng tích hát bội và cải lương. Chính bà là người chủ động mọi sinh hoạt gia đình. Một mình bà cưu mang cả một quá khứ mênh mông dày đặc với những tập tục cổ truyền, những ngày giỗ lớn nhỏ trong năm, những buổi cúng ngày rằm, xá tội vong linh... Hết lòng với những người đã khuất phía trước, bà còn gánh gồng cả tương lai thăm thẳm phía sau. Niềm mơ ước thiết tha của bà là được nhìn thấy đám con cháu sẽ cùng nhau sống quây quần, thuận hòa trên mảnh đất do chính phần lớn bàn tay bà tạo nên.

Khí thế bừng bừng pha lẫn chất men lãng mạn của cuộc cách mạng kháng chiến dành độc lập đã thúc đẩy cả năm ông cậu tôi hăng hái rủ nhau ra đi đáp lời sông núi. Cậu Hai đã tốt nghiệp trường đào tạo y tá, cậu Năm đang theo học ngành này. Mẹ tôi kể cậu Hai sau này giữ chức vụ Trưởng ban Y tế của một khu, vùng nào đó tôi không rõ. Cậu Ba tính là người học khá nhất nhà, tình nóng như lửa. Cậu có bằng tú tài Pháp, chơi đàn vĩ cầm rất giỏi. Cậu Tư có hơi khật khùng một chút, nhưng tánh tình rất dễ thương. Cậu chỉ học qua vài lớp tiểu học, xem như kém nhất nhà. Cậu Bảy đã có bằng tiểu học, đang theo học trung học thì bỏ nhà ra đi. Nhà chỉ còn mẹ tôi sau này theo học trung học ở Sài Gòn.

Đi kháng chiến không bao lâu, cậu Tư tôi quay trở về nhà. Vốn tánh người vui vẻ, vồn vã, cậu giao thiệp với tất cả mọi người, bất kể những người bạn của cậu là người Pháp, kẻ thù hiện tại của dân tộc. Ă nhà ít ngày đâm chán, cậu lại nhảy vào trong bưng. Cung cách kháng chiến đi đi về về kiểu tài tử cộng bản tính xã giao dễ dãi có lẽ đã dẫn đến cái chết của cậu. Cậu bị thất tung trong lần ra đi sau cùng. Ạng bà ngoại không hề nhận được tin tức gì về cậu, không biết đích xác cậu chết thế nào, vào lúc nào. Theo lời truyền miệng của nhiều người cùng đi trong bưng với cậu trở về thành sau này, cậu bị Việt Minh thủ tiêu. Họ nghi ngờ cậu làm gián điệp cho Pháp.

Cậu Ba trở về thành vì bất mãn đường lối sắt máu của cộng sản. Ũt lâu sau đến lượt cậu Năm. Cặu Năm tiếp tục học ngành y tá. Cậu Ba, với bằng cấp hiện có, nhứt định không thèm làm việc cho Pháp, xoay qua kinh doanh. Cậu Hai và cậu Bảy vẫn trung kiên với lý tưởng kháng chiến của mình. Khi chiến tranh Việt Pháp trở nên cao độ, mẹ tôi bỏ học về nhà sống cùng ông bà ngoại. Thời gian sau, có người đưa tin cho hay cậu Hai tử nạn trong một trận dội bom của Pháp. Cuộc kháng chiến dành độc lập tiếp diễn. Sau ngày đất nước chia đôi, cậu Bảy tập kết ra Bắc.

Như giai đoạn nghỉ giải lao, chiến cuộc tạm ngưng để rồi cường độ leo thang dần dần mãnh liệt. Ạng ngoại giờ chỉ như con ngựa già, nằm ngoái cổ ngóng quá khứ, giao trường cho cậu Ba quản lý, về hưu trí non. Ạng trải qua tháng năm cuối cuộc đời với công việc chăm sóc vườn tược, cây kiểng. Đôi khi có chuyện xung đột với cậu Ba, ông lớn giọng gây gổ chỉ bằng tiếng Pháp. Nhiều cây ăn trái bị đốn bỏ, một vài căn nhà mới mọc lên trong khu đất gia đình. Mẹ tôi, rất hợp tánh ông ngoại, thuộc sử Pháp hơn sử Việt, mê thơ Lamartine, trở thành công chức. Cậu Năm vẫn hành nghề y tá. Cậu đặt tin tưởng vào giải pháp chính trị của Hoa Kỳ. Cậu Ba sau đó cho người mướn trường, gia nhập quân đội, trở thành sĩ quan rồi được đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Đi tu nghiệp về, nhìn thấy tận mắt những biến động của đất nước, ông nổi cơn thịnh nộ chửi bới cộng sản nát nước. Ạng chửi tràn qua phe quốc gia, chửi các cường quốc là bọn đế quốc, kể cả ‘thằng Mỹ’, nơi ông mới vừa đi tu nghiệp.

Trong ngôi nhà lợp ngói âm dương, bà ngoại vẫn âm thầm làm những công việc thường ngày. Một trong những niềm vui của bà là làm các món ăn ngon, tụ họp đám con cháu quây quần trong ngày cuối tuần hay trong những ngày giỗ lớn nhỏ trong năm, ngày Tết. Tôi dần dần lớn lên trong khoảng thời gian này. Mẹ tôi là vợ bé của ba tôi, bất kể sự cấm cản quyết liệt của ông ngoại. Tình yêu — hay sự dại dột — của mẹ tôi vẫn có thứ ngôn ngữ và sự hợp lý của riêng nó. Ba tôi chỉ thỉnh thoảng ghé qua thăm mẹ con tôi. Với sự hỗ trợ tài chánh của ông bà ngoại, mẹ tôi cất được ngôi nhà khá khang trang trên mảnh đất gia đình. Suốt ngày làm việc ở công sở, bà phải gởi tôi cho ông bà ngoại giữ. Lúc bấy giờ, cùng ở chung nhà với ông bà ngoại chỉ có hai bà chị họ, con của cậu Hai. Một năm sau ngày hay tin cậu Hai mất, mợ Hai gởi hai đứa con gái cho ông bà ngoại nuôi, đi lấy chồng khác.

Có những khoảng thời gian không khí trong nhà bỗng lạnh tanh. Ạng ngoại im lặng, lầm lì suốt cả ngày, thỉnh thoảng chỉ lẩm bẩm đôi ba tiếng gì đó trong miệng. Bà ngoại càng khác thường hơn. Bà trở nên đăm chiêu, lo lắng, sắc mặt đột ngột đổi ra tươi vui rồi lại rơi về trạng thái cũ. Bà bận rộn đi chợ mua sắm suốt ngày. Hai bà chị họ lại có dịp châu đầu thì thầm với nhau. Bà nội sắp sửa đi thăm chú Bảy, hình như ở đâu bên Miên lận. Thấy tôi đứng xớ rớ gần đó lắng nghe, hai bà cùng chỉ vào mặt tôi, trợn mắt răn đe. Con nít con nôi không biết gì, cấm không được đi kể bậy với bất cứ ai, nếu không cảnh sát tới bắt bỏ tù đó. Bà ngoại cắn răng giữ kín chuyện lâu lâu có giao liên về đưa bà đi thăm cậu Bảy. Giữ kín với người ngoài đã đành, bà ngoại cũng không hở môi cả với hai ông cậu, nhất là cậu Ba. Một lần trong bữa giỗ gần tàn, câu chuyện bắt qua vấn đề thời cuộc, cậu Ba, lúc bấy giờ đã rời quân đội, bỗng vỗ bàn, lớn tiếng: “Nếu tôi gặp thằng Nhân (cậu Bảy), tôi bắn bỏ nó lập tức.” Mọi ngưòi trong nhà hiểu rõ tánh tình cậu Ba, biết ông không quá chén hay hùng hổ đe dọa suông. Ạng sẽ làm thiệt. Ạng ngoại gầm gừ một tràng tiếng Pháp. Bà ngoại lẳng lặng rời bàn, bỏ đi xuống bếp. €nh mắt bà đọng thành lời, dầu gì nó cũng là em ruột mày.

Cuối tháng sáu năm bảy mươi lăm, cậu Bảy trở về từ đơn vị đóng gần biên giới Miên. Cậu mặc quân phục, cỡi chiếc Honda cũ, đèo theo túi hành trang nhỏ và một con chó cò. Chàng trai trẻ vất bút nghiên ra đi kháng chiến năm nào trở thành thượng úy bộ đội, mái tóc ngắn hoa râm, gương mặt gày gò chằng chịt nếp nhăn. Cậu Ba không thực hiện được lời nói cương quyết của mình năm nào. Cậu chết vì bạo bệnh trước đó hai năm. Ạng ngoại mất trước cậu một năm. Mộ ông nằm cuối lô đất dành cho cậu Bảy. Nỗi vui mừng mẹ con xum họp sau mấy chục năm xa cách không xóa nhòa được niềm đau khi bà ngoại nhìn thấy cảnh con cháu đứa bị đi học tập cải tạo, đứa từ bỏ đất nhà tứ tán vượt biên. Nếu trong nhà mình, anh em, con cháu không phục vụ cho Mỹ, Ngụy, tôi đã là sĩ quan cấp tá, cậu Bảy kể. Nên tự nguyện hiến ngôi trường cho Cách Mạng. Lời khuyên đầu tiên của cậu Bảy. Với hoàn cảnh sống ngày càng khó khăn, nhiều căn nhà trong khu đất sau này cũng bị đám cháu bán đi khi thủ tục giấy tờ trở nên dễ dàng hơn. Mảnh đất nhà rụt rè thu nhỏ lại. Cơn gió bụi lịch sử lừng lững cuốn phăng niềm mơ ước của bà ngoại dành cho đám con cháu. Trên mảnh đất „u Châu, sau hơn ba năm kể từ ngày vượt biên, tôi nhận được tin mẹ tôi báo bà ngoại mất.

Phải qua nhiều năm sau khi đã an ổn định cư trên xứ người, nhớ lại cảnh mẹ tôi cúi gập người xuống khóc nức nở, đóng sập cánh cửa lúc tôi từ giã bà ra đi vượt biên, tôi mới phần nào cảm nhận được nỗi thống khổ của bà ngoại lúc các cậu đồng loạt rủ nhau ra đi kháng chiến. Tôi không biết ngày xưa bà ngoại từ giã các cậu như thế nào. Nhưng ngày tôi ra đi, bà ngồi chồm hổm trên nền đất, dáng người nhỏ thó, khóc thút thít. Bà cầm chéo khăn vắt trên vai lau nước mắt liên tục. Và bà ngoại, chính bà, mới làm hiển lộ rõ ràng, trọn vẹn cái động lực sâu xa cho việc tôi tẩn mẩn cúng kiến trên một mảnh đất vào buổi tối hôm nay. Bà trở về, nhưng không một mình, vẫn cùng với cái quá khứ mênh mông và ước mơ mà bà đã cưu mang giữa cuộc sống. Khối quá khứ đặc quánh sương mù đó dần dần hé mở, để lộ ra hình bóng ông ngoại, các cậu tôi. Để lộ dần bóng dáng những con người không rõ mặt, những con người xa lạ đã nằm xuống trên đất nưóc từ bao nhiêu năm. Rồi hàng hàng lớp lớp những con người cổ sơ — những con người còn xa xăm mịt mù hơn cả những người đã dựng cái ‘stonehenge’ trong khu đất này — vụt trỗi dậy từ lòng đất. Nhưng tựa hồ như họ vẫn đứng đấy tự bao giờ. Không chủng tộc, không quốc tịch. Bình thản, an nhiên. Những con người không rõ mặt của mịt mùng tương lai cũng đang hiện diện. Họ cũng đứng đây tự bao giờ, bình thản, an nhiên, nhìn tôi như tôi đang nhìn lớp người cổ sơ của quá khứ. Từng đám bụi dày đặc của thời gian, bao tầng lớp chớn chở của vô số biến cố trên trái đất chỉ là làn gió thoảng, nhẹ nhàng xuyên suốt qua cái đám đông im lặng đó, cái đám đông đang có tôi tham dự. Trời ơi, lát nữa đây, tôi chỉ có thể kể cho Thanh Đạm nghe ít nhiều về giây phút này, nhưng làm sao san sẻ cùng nàng cái kinh nghiệm tôi đang trải qua...

 

“Trí ơi, cúng như thế chắc đủ rồi. Nhang gần tàn rồi đó anh.”
Hình như Thanh Đạm lập lại câu nói của nàng lần thứ hai hay thứ ba gì đó. Nàng đứng bên tôi từ lúc nào, nhìn tôi với đôi mắt dò hỏi lẫn đôi chút chế riễu nghịch ngợm. Chắc nàng nghĩ tôi thiếp đi vì mỏi mệt sau mấy ngày quá bận rộn. Trong lọ cắm, ba nén nhang đã cháy gần hết phần màu vàng nghệ. Hãy còn bàng hoàng, tôi tảng lờ truớc ánh mắt của Thanh Đạm, lẳng lặng đến rút nhang rồi mở cửa sau, bước ra vườn. Tình cờ, đêm nay trời có trăng. Nhưng mặt trăng như mẩu bánh bị cắn dở, ngập ngừng lộ ra trong khoảng không còn sót lại giữa những đám mây đen đặc. Ánh sáng nhờ nhờ, nhợt nhạt rơi tà tà xuống đất vườn, phản chiếu trong mấy vũng nước còn đọng lại của trận mưa vừa qua. Mảnh đất vườn hãy còn là đất hoang mới khai phá, hang ụ lởm chởm, nhớp nháp bùn lầy. Tôi ngồi xuống, cắm phần màu hồng của chân nhang vào lòng đất. Vẫn giữ thế ngồi chồm hổm như vậy, tôi nhìn về khoảng tối đen ở cuối vườn, trầm ngâm về kinh nghiệm tôi vừa trải qua. Đám mây đen nuốt dần mảnh trăng còn lại. Khu vườn trống trải trở nên tối tăm hơn. Trộn lẫn trong hương nhang thoang thoảng, một thứ mùi nồng nàn, mộc mạc bốc lên, xông mạnh vào khứu giác. Bỗng nhiên, một niềm vui dâng nhè nhẹ trong lòng cùng với sự thanh thản mà tôi không hề có được trong suốt thời gian qua. Tôi nhận ra rõ ràng mùi hương quen thuộc, thân thương. Mùi hơi đất của vườn nhà ông bà ngoại bốc lên sau cơn mưa đầu mùa.

 

 

Nguyễn Hoàn Nguyên
(Trích từ tuyển tập ‘Mùa Đất Thấp’)


Cái Đình© - 2003