Cao Xuân Tứ


Cuộc tranh luận không lối thoát

(tựa đề của bài do Ban Biên Tập tạm đặt, dựa theo tinh thần đoạn trích)

 

Thứ Sáu, khoảng sáu giờ Valeer về nhà thì gặp anh Piet ở đấy – Piet về nhà chơi mấy ngày vào dịp cuối tuần, nhưng chẳng thấy mẹ đâu. Anne viết giấy để trong bếp cho biết có thể chị sẽ về trễ không kịp nấu cơm tối, ở nhà mấy cha con có đói thì cứ tự làm săng-đuých mà ăn. Hai cậu con chẳng hiểu ất giáp gì, cả bố Henk cũng thế. Sớm muộn gì thì bà ấy cũng xuất hiện mà. Piet cho biết là Johan Lagerwey, tức Johan Foppenbrouwer, vừa nhận được thư của Lievenbach. Lão vui vẻ nhận lời cộng tác với chương trình truyền hình. “Tốt quá,” Valeer nói, và gọi điện thông báo tin vui cho Jos biết, nhưng nghe xong Jos không tỏ ra hồ hởi như Valeer tưởng.

“Phải cẩn thận đấy,” Jos nói. “Arie, Toos và chú đã nói chuyện với mọi người trong nhóm chúng ta. Có thể tin là không ai dính líu tới vụ nổ bom ấy, nhưng cảnh sát đang theo dõi chúng ta. Ngoài ra chú cũng tự hỏi không biết cái việc ta định làm có thể... chú muốn nói nếu ta hành động như thế thì có khác gì cái trò bôi nhọ bẩn thỉu của lão Lievenbach không?’
“Chấp làm gì,” Valeer nói, “cháu thấy ta phải tiếp tục.”
“Chú sẽ bàn lại. Cùng lắm thì chủ nhật chú sẽ cho cháu biết.”

Khoảng bảy rưỡi thì Anne về. Chiều nay chị đạp xe đi Brouwershaven và thuê một chiếc thuyền buồm. Từ khi xây đập chắn cửa biển, chị không về Grevelingen nữa, cũng hiếm khi lái thuyền đi chơi đâu.
Anne muốn tìm hiểu ngọn ngành về sự bất đồng ý kiến giữa chồng và hai cậu con. Thoạt đầu chúng chỉ là những vụ lục đục nhỏ, những cuộc tranh cãi mà Henk luôn dành phần thắng với cái vốn hiểu biết của anh. Chị thường cười xòa, nói lảng sang chuyện khác hoặc chọn đúng lúc đem bánh ra mời mọi người. Về chuyện Oosterschelde chị đứng về phe chồng, thái độ nhất quán: phải xây đập.

Gần đây lập trường hai bên trở nên cứng rắn rõ rệt. Cách đây mấy hôm nổ ra cuộc cãi vã gay cấn Anne còn nhớ rõ mồn một. Hai ngày trước Piet vừa về đến nhà, nói ngay: “Mấy ông ở Bộ Công Chánh khùng thật.”
“Đỉnh cao trí tuệ hiện nay nằm cả ở mấy ông sinh viên hỉ mũi chưa sạch này,” Henk nói.
“Ít ra thì bọn sinh viên không nghĩ rằng cứ làm đường cao tốc là phải có sáu chiều, chạy thẳng một lèo.”
“Đấy là ý kiến của Bộ Công Chính?”
“Gần như thế.”
“Chớ nói bừa bãi. Phải cẩn thận mồm mép. Thế thì tốt nghiệp xong mày định kiếm việc ở đâu?”
“Nếu không được coi họ là những anh chỉ biết hùng hục trải nhựa lót đường, thì cũng chẳng cần làm việc ở đấy.”
“Chúng mày hò hét làm như bọn tao là những thằng chuyên gia đầu óc thiển cận không bằng, thế thì chúng mày là gì? Một lũ hăng máu chỉ thích gây sự, nghe chuyện tơ mơ chẳng biết ngọn ngành là gì. Cứ xem vụ Oosterschelde thì biết. Chúng mày đòi để mở cửa biển, cứ thế mà la hét ầm ĩ, át cả tiếng nói của những kẻ khác quan điểm với chúng mày, nói gì đến chuyện tìm hiểu.”
Piet mặt mày đỏ bừng: “Vô lý thật. Chính cơ quan Delta mới không chịu nghe ý kiến của người khác. Chính sách của họ là: Quan điểm của ta là nhất quán, đừng đem dữ kiện làm ta rối loạn.”
Đúng lúc ấy Anne đã làm một điều rất ngốc nghếch. Với bộ mặt thật vô tư, chị nói: “Có khó gì cái chuyện Oosterschelde này. Cứ làm cho cạn hết nước là xong.”

Trong lúc nóng nảy Henk đã gọi vợ là ”đồ ngu”. Có bao giờ anh nói năng thô bạo như thế đâu. Piet tự hỏi phải chăng bố nổi đóa như vậy là do sức ép của công việc ở cơ quan Delta làm cho tinh thần căng thẳng. Piet nói thêm: “Của đáng tội, tốn bao nhiêu công sức cũng uổng. Oosterschelde sẽ tiếp tục mở.”
Cuộc tranh cãi còn tiếp tục thêm một lúc trước khi xẹp xuống. Anne cảm thấy buồn nếu hục hặc kiểu này còn tái diễn.
Chị tự hỏi có thể là Henk và chị không để tâm mấy tới quan điểm của hai cậu con trai. Nhưng thật là vô lý nếu phải bỏ dở công trình xây đập sau khi đã khởi công, hợp đồng đã ký, các nhà thầu đã mua máy móc, quốc hội đã biểu quyết dự án phí tổn cả tỉ gulden. Thật vô lý, khi thấy mấy cô cậu thanh niên, với sự yểm trợ của một nhóm nghiên cứu gồm mấy anh kỹ sư và dăm anh làm nghề bắt nghêu, dám đứng lên thách thức chính phủ, quốc hội, bộ công chính, báo chí địa phương nhất là dân bản địa, những người đã kinh qua cái cảnh bão lụt tang thương. Vô lý hết sức.

Nhưng bọn trẻ vững lòng tranh đấu, ảnh hưởng của nhóm ngày một tăng. Họ không sờn lòng khi bị xem như một lũ điên. Các tổ chức bảo vệ môi trường bày tỏ sự đoàn kết. Báo chí toàn quốc đăng những bài nghiêm túc về hoạt động của họ. Họ tiếp tục tranh đấu. Họ tin tưởng vào việc mình làm. Anne muốn biết tại sao họ giữ vững niềm tin như thế. Rồi đây nhánh biển Oosterschelde sẽ biến thành cái hồ, cũng như Grevelingen trước đây. Có gì mà phải bận lòng? Anne muốn tìm hiểu ngọn ngành tại sao, dù thâm tâm chị không muốn chuyện Oosterschelde làm cho tình cảm gia đình giữa Henk, chị và hai đứa con trai bị sứt mẻ. Vì thế chị đi xem cái hồ Grevelingen. Một mình.

*

Khi Anne đạp xe về Zierikzee, đầu óc chị rối tung. Không những chị không hiểu gì về mấy đứa con, chị cũng chẳng còn hiểu gì về bản thân mình nữa. Chị đã lái thuyền đến Hompelvoet và Voermanplaat, chị đi ngang Batternoord (nhưng không cập bến), chị đến Mosselbank – bãi nghêu –, đi dọc bờ phía bắc Duiveland rồi trở lại, chị đến xem những con lạch ở Bommenede nhưng cảm thấy mình không hiểu biết gì thêm.
Cố nhiên là đã có nhiều đổi thay. Những con lạch ngày trước nước mặn tràn vào ngày hai bận nay đã cạn khô. Những bãi nước cũng thế. Nhiều nơi người ta trồng lên từng lớp lau sậy. Những bãi đất phẳng được trồng cỏ lên một cách đơn điệu. Ngoài ra không thấy có gì khác lạ so với ngày xưa. Trên bờ mọc nhiều loại cây cỏ khác nhau mà chị không biết tên.

Chị mới đọc xong một bài viết về bao nhiêu thứ cây cỏ với những cái tên phần lớn hoàn toàn lạ lẫm. Nhưng liệu hai thằng con chị có biết gì hơn chị không? Chúng có phân biệt các loại bèo, các loại hoa cỏ dại đặc trưng ở vùng nước mặn này không? Anne dám chắc là chúng chẳng biết gì. Nếu chúng nó có dịp đi chơi Oosterschelde chúng không thích gì hơn là lái thuyền máy chạy vùn vụt trên nước.
Dù sao hồ Grevelingen vẫn còn là một dải nước mênh mông, tha hồ mà chơi thuyền. Sau này Oosterschelde cũng thế thôi. Có gì đâu mà hai thằng bé con phải làm to chuyện như thế.

Thế nhưng có chút gì như mầm mống của sự hoài nghi nhú lên trong lòng chị. Chị cảm thấy cái gì đó thiêu thiếu. Cái sôi nổi của những lần chị đi thuyền trên sóng nước Grevelingen không còn nữa. Phải chăng vì chị đã già hơn? Chị cố hát lại bài ca năm xưa: Nới chi cho nhiều hò dô/ Nước mặn như muối hò dô. Cái vui nhộn ngày nào không còn nữa. Tuy vậy nước hồ vẫn còn khá mặn – chị nếm thử – và khi những cái cửa tháo nước ở đập Brouwerdam làm xong, có thể còn mặn hơn nữa.
Vậy thì chị tiếc cái gì? Hay là chị cảm thấy bực bội vì cái đập bê tông đã che khuất Bắc Hải ngoài kia? Hay là chị nhớ dòng nước triều? Bây giờ mặt nước phẳng như tờ, chẳng cần biết nước lên hay xuống. Có chữ nghĩa nào để diễn tả tại sao chị không yêu cái hồ Grevelingen bằng cái nhánh biển Grevelingen ngày trước. Ta không thể hành động vì cảm tính mà thôi. Hai thằng con trai của chị đôi khi cũng hành động theo cảm tính chăng? Khi chị cất xe vào nhà kho, chị vẫn không nghĩ ra.

Anne kể cho chồng con mình vừa ở đâu về. Ai nấy đều ngạc nhiên. Valeer ôm choàng lấy mẹ. Nó cao hơn mẹ một khúc.
“Mẹ nhỏ bé thế này mà dám đi thuyền ở Grevelingen một mình.“
“Ngày xưa mẹ chúng mày suốt ngày đi thuyền ở đấy,” Henk nói.
“Mẹ đi Grevelingen tìm kiếm gì thế?”
“Chao ôi, nói ra chắc là các người không hiểu đâu, bởi vì các người là đàn ông.”
“Cho đến nay vẫn chưa ai chứng minh được bộ não đàn ông thua kém đàn bà,” Henk nói.
“Không phải thua kém đâu, nhưng đàn ông dùng óc não của họ kỳ cục lắm. Nhưng em cũng cố thử một lần.”
“Mẹ nói chầm chậm xem nào.”
“Dùng từ dễ hiểu thôi nhé.”
“Này nhé,” Anne nói. “Các người mà ngồi với nhau thì cứ hét bai bải về chuyện Oostershelde: kẻ đòi mở, người muốn đóng, mở đóng... chối tai lắm.”
“Làm gì có chuyện ấy,” ba bố con cùng phản đối.
“Toàn tranh luận thôi mà,” Piet nói.
“Anne ạ, em nói đúng phân nửa,” Henk nói. “Cho đến nay bọn trẻ chưa đưa ra được một luận cứ xác đáng.” (Valeer lắc đầu phản đối) “Nhưng phải công nhận một điều phũ phàng là mấy ông già điếc cả rồi.”
“Đó chính là điều em muốn nói. Cứ nghe mấy cha con bàn tới bàn lui, em thấy đầu óc mình chẳng sáng thêm tí nào. Vì thế mà em phải tự mình đi Grevelingen xem xét sự đổi thay ra sao kể từ ngày xây đập.“
“Và với cái trí tuệ thông thái đặc trưng của phụ nữ em có thấy rằng Oosterschelde cần phải để ngỏ?” Henk hỏi.
“Không,”Anne nói. “Thực lòng thì không. Cây cỏ mọc ít hơn trước, quang cảnh đơn điệu hơn, nhưng chẳng có gì đáng để gây ra cãi cọ trong gia đình.”
Piet nhấc ngón tay đưa lên cao: “Xin phát biểu.”
“Cứ tự nhiên.”
“Chỉ cần xem dữ kiện thì biết,” Piet nói. “Hiện nay phân nửa sinh vật ở dưới đáy hồ Grevelingen đã biến mất. Bốn chục phần trăm các loài rong biển cũng thế. Chín loại cá không còn nữa. Số lượng nói chung đều giảm đi. So với các nhánh biển nước triều chảy vào thì...”
“Ngưng ngay!” Anne ngắt lời. “Con có thấy tận mắt không? Con có tự mình kiểm tra bầy cá không? Nhớ chúng lắm chứ gì?”
“Không, dĩ nhiên là không.”
“Vậy thì hăng tiết lên như thế để làm gì? Con có yêu gì mấy con cá ấy đâu, trừ lúc rán chúng lên hay nấu với nước sốt bơ.”
Piet tạm dừng trước khi vào chuyện. Thừa cơ Henk đề nghị:
“Ngày mai đến lượt tôi,” Henk nói, giọng đầy mỉa mai. “Tôi sẽ đưa ra những luận cứ thật khúc chiết, thật tinh tường không thể nào chối cãi được nhằm thuyết phục các cậu tại sao phải đóng cửa biển Oosterschelde. Không ai được nói gì cả. Chỉ có nghe thôi. Xin lỗi nhé, bắt buộc phải nghe. Nhưng mà tối mai nếu tôi vẫn chưa đủ sức thuyết phục các cậu – điều này khó mà tưởng tượng nổi – thì chủ nhật tới các cậu có quyền phản biện. Lúc ấy các cậu tha hồ mà nói. Đồng ý chứ?”
“Vâng,” Piet và Valeer đồng thanh trả lời.
“Hay quá,”Anne nói. “Bây giờ thì cùng nhau nấu cái gì ăn thôi, mấy bố con vẫn chưa rục rịch gì cả. Tôi nói là cùng nhau đấy. Chắc tôi phải khùng mới không mặc kệ cho các người đói meo. Khổ nỗi, cái phận làm mẹ lại phải khùng như thế.

*

“Hôm nay đúng là ngày của công tố viên,” Valeer nói vào lúc ăn sáng ngày hôm sau. “Ngày mai luật sư của bị cáo sẽ biện hộ.”
“Mẹ sẽ là quan tòa đấy nhá,” Piet nói tiếp.
“Vậy có thể cho quan tòa biết ai là kẻ bị cáo?”
“Biển.”
“Được rồi,” Henk nói. “Công tố không thể gọi nhân chứng đến đây được thành thử ông ta phải đưa cả toà án đi gặp nhân chứng.”
Henk lái ôtô đưa vợ con đi qua đập Grevelingen về hướng Overflakee.
“Ta cũng có thể đi Tholen hay ở lại Schouwen cũng được,” Henk nói. “Hai trăm năm mươi ngàn hecta bị bão lụt tràn ngập. Gần tám phần trăm lãnh thổ Hà Lan. Nhưng mẹ các cậu và tôi đã chứng kiến tai biến này ở Flakkee, nên rõ tình hình hình ở đấy hơn đâu hết.”
Họ dừng xe ở Oude Tonge, cạnh cái mồ tập thể.
“Nhân chứng thứ nhất,” Henk lạnh lùng nói. “Oude Tonge, ba trăm linh hai người chết. Đêm ấy đê Oudelandse bị vỡ. Nước cao ba mét ập vào đồng ruộng, không gì cản nổi, tràn nhanh tới làng. Một cảnh tượng kinh hoàng. Những con đường phía ngoài – Julianastraat, Josefdreef – bị cuốn sạch không còn dấu vết. Những ngôi nhà nhỏ với những gia đình đông con. Ở những đường cao hơn, cư dân có thời gian leo lên tầng trên tránh nước, nhưng chắc gì đã may mắn hơn. Nhà không chống nổi dòng nước chảy xiết, từng cái bị cuốn đi. Cha mẹ con cái – có gia đình đông tới mười con – cố bám vào sườn nhà trôi lênh đênh trên nước một vài giờ, người tê cóng vì lạnh. Người khỏe đưa mắt nhìn người yếu dần dần buông tay, chìm xuống cho đến lúc mình cùng chung số phận. Phe bị cáo có muốn hỏi gì không?”
Piet và Valeer im lặng.
“Vậy thì ta đi gặp nhân chứng thứ hai.”

Họ tìm đến một ông tên là Franse tuổi đã cao. Piet nghĩ rằng đêm trước bố đã gọi điện cho ông để chuẩn bị trước. Henk hỏi ông Franse còn nhớ gì về vụ bão lũ năm 53 không. Nhớ chứ. Tuần lễ sau cơn thiên tai ông có mặt ở Nieuwe Tonge chứ gì? đúng rồi. Vậy ông có vui lòng kể cho hai cậu này nghe nó xảy ra như thế nào? Sẵn sàng ngay. Franse kể.
“Phải chôn những xác chết cho nhanh. Chấm dứt tình trạng hoang mang. Khi nước xuống chúng tôi tìm đến những nhà chưa bị cuốn đi. Có khi vừa tông cửa vào đã thấy ngay xác người nằm ở hành lang. Có khi tìm thấy trong bếp, trong phòng khách. Có nhiều xác kẹt trong những cái phòng ngủ nhỏ xíu. Khi chúng tôi dùng băng-ca đưa ra ngoài để chở đến nhà xác, người ta muốn biết đấy là xác của ai. Chúng tôi không nói ngay vì phải chờ có ít nhất bốn người nhận diện. Chúng tôi muốn cho thật chắc chắn.
“Sau đấy một nhóm chúng tôi đi vào đồng. Bảy người tất cả. ở đâu cũng tìm thấy xác người đã thối rữa nằm trong những cái rãnh. Ngày 15 tháng Ba, đồng ruộng khô ráo. Đúng sáu tuần sau trận bão lụt. Tôi không tả hình dung ra sao, chẳng đẹp đẽ gì cho cam. Ngày nào bọn tôi cũng cần một chai nước hoa, buổi tối phải uống hết chai jenever(1), nói thực đấy.”
“Còn thắc mắc gì nữa không?”
“Chôn cất thế nào?” Valeer hỏi.
“Hội Chữ Thập Đỏ gửi hòm tới. Ngày nào cũng có đám tang. Khi ba lần, khi bảy lần. Hết tuần này sang tuần khác.”
“Tôi không thắc mắc gì,” Piet nói.

Họ cảm ơn ông Franse. Henk lái xe đi vào pônđơ. Anh dừng lại cạnh một mảnh đất trồng cỏ, có dây kẽm gai bao quanh.
“Nhân chứng thứ ba. Dây kẽm gai này người ta thay lại sau này. Chính ở đây, người ta tìm thấy cậu Piet, em trai của mẹ, xác cậu mắc vào giữa hàng dây kẽm gai giống như thế này. Lúc ấy cậu mới mười bốn tuổi.”
“Này Henk, có cần kể ra dây không?” Anne hỏi.
“Có chứ. Cứ đưa tất cả lý lẽ ra đây mới mong thông suốt vấn đề.”
Henk chờ xem hai cậu con muốn nói gì không nhưng họ giữ im lặng. Anh nói: “Cậu Piet là một người quí hiếm nhất đời này. Mới mười bốn tuổi mà cậu ấy to khỏe hơn bố nhiều – lúc ấy bố lớn hơn cậu ấy mười tuổi – nhưng cậu không bao giờ để lộ ra ngoài. Tính tình hiền lành, can đảm mà lại khôn ngoan nữa so với cái tuổi ấy. Một người tuyệt vời. Cậu chết chìm lúc đang ẵm trong tay đứa bé mà cậu muốn cứu. Anne, anh có nói gì quá đáng không đây?”
Anne lắc đầu, mắt chị ươn ướt.

Cả nhà leo lên ôtô.
“Vậy thì sẽ không gọi thêm nhân chứng nữa,” Henk nói. “Muốn thì cũng không khó gì. Vậy ta sẽ khỏi phải đi Tholen để nghe một ông kể lại tình cảnh phải chịu bó tay nhìn vợ và mười hai đứa con bị chết đuối. Ta cũng sẽ không đi Stelledam để nghe một bà kể lại lúc bà ấy vô vọng cố đẩy cửa vào phòng dưới sức ép của nước để cứu ông chồng bị kẹt trong ấy. Nước lên đến trần, ông chết chìm. Có muốn nghe nhân chứng nào nữa hay không?”
“Không cần đâu,”Valeer nói, giọng run run.
Họ đi Battenoord. Cái đê phủ cỏ ngày xưa được thay thế bằng một cái đê mới trải nhựa đường, cao hơn trước nhiều. Nó được làm xong kịp thời trước trận bão mùa thu 1953. Vẫn còn lại một khúc đê cũ, so sánh thì cái đê mới trông bề thế hơn nhiều.
“Có cải thiện nhiều đấy chứ,” Piet nói.
“Hẳn rồi, nhưng chưa đủ. Sở dĩ ở đây được an toàn là nhờ cái đập Brouwersdam ngoài kia. Sau khi thăm Hennie và Rien xong, ta sẽ đến đấy xem.”

Cái trại ngày trước của ông Strijen bị nước cuốn trôi nay nhường chỗ cho một trại mới. Gia đình Henk không nói rõ lý do chuyến đi, làm như là họ đang dạo chơi quanh đây. Uống cà phê xong, họ lên xe, lần này do Piet lái theo chỉ dẫn của bố ngồi bên. Trước tiên là đến xem những cửa đập điều hòa mực nước ở Haringvliet, sau đấy là quan sát đập chắn biển Brouwersdam. Hai bố con bàn nhau về những vấn đề kỹ thuật của công trình trị thủy vĩ đại, có một không hai trên thế giới này. Họ rất hãnh diện là các kỹ sư Hà Lan có thể thực hiện được những công trình như thế.
“Khắp nơi người ta mời những ông kỹ sư công chính Hà Lan làm tư vấn,” Henk nói. “Con chọn ngành tốt đấy.”
“Ta có khả năng làm được nhiều thứ,” Piet nói, “nhưng đâu cần phải làm ngay tất cả những gì ta có khả năng làm được.”
“Nào, tôi xin cậu,” Anne nói. “Có nhận xét gì cứ chờ đến mai.”
“Con biết câu nói của người Pháp chứ gì,” Henk nói, “Thượng đế tạo ra thế giới, nhưng người Hà Lan tạo ra xứ Hà Lan.”
“Thế thì Thượng đế đã bắn nhầm chỗ ngày 1 tháng Hai 1953,” Piet nói.
“Thôi mà.”

Họ ra khỏi xe, bước lên cái đập Brouwersdam khổng lồ, mặt trên trải nhựa đường. Henk gọi Valeer lại gần.
“Thử so sánh cái đập này và cái đê mà con vừa thấy ở Batternoord. Chỉ có đập như thế này mới làm cho người dân cảm thấy an toàn. Và sau tai biến năm ấy, ta có bổn phận làm cho họ yên tâm. Khả năng cái đập này không chống nổi bão táp chỉ xảy ra một lần trong bốn ngàn năm mà thôi.”
Piet định nói gì, nhưng lại thôi.
“Còn điều này nữa,” Henk nói tiếp. “Khi hệ thống đập làm xong rồi, thì nhánh biển Oosterschelde càng bị xói mòn thêm, có đắp đê cao nữa cũng không ích gì. Piet thừa biết vào một thời điểm nào đó, một khúc đê có thể bị vỡ ra, gây hiểm họa tức khắc. Thực vậy có nhiều lý do chống lại việc đắp đê cho cao hơn. Ví dụ cụ thể là việc bảo quản một con đê dài 9km khác xa con đê dài 250km. Thêm nữa, phần đê nằm dưới nước có thể bị xói mòn mà không nhận ra kịp thời. Cũng có những phần đê đã hỏng nhưng không biết mà tu sửa, cứ thế mà đắp cao lên. Và sau hết nếu cứ xây rộng ra, nâng cao các cái đê hiện hữu thì sẽ có hại cho môi trường ở cả phía nước lẫn phía đất.”
Piet muốn nói gì đấy nhưng lại thôi.
Henk tiếp: “Đây là lời kết của tôi. Thứ nhất, người dân có quyền được che chở chống lại hiểm họa bão lụt. Thứ hai, biện pháp an ninh duy nhất là đắp đập. Thứ ba, nhóm tranh đấu Còn Nước Còn Tát không mấy quan tâm đến vấn đề an ninh của dân chúng, như thế là vô trách nhiệm. Tôi đòi hỏi toà tuyên án bị cáo – ở đây là biển – không được xâm nhập vào Oosterschelde, với biện pháp xây đập như đã quyết định trong đạo luật Delta.”

*

Khi về đến nhà, Henk hỏi hai cậu con có cần phải tiếp tục tranh đấu chống lại việc xây đập Oosterschelde hay không. Piet bàn với Valeer một lúc.
“Bọn con sẽ đưa ra luận cứ của mình,” Piet nói. “Hai tuần nữa. Cần thời gian chuẩn bị.”
“Như vậy, phiên toà hoãn lại hai tuần.”

 

Cao Xuân Tứ
(trích từ Oosterschelde – Bão cấp 10. Nguyên tác: Oosterschelde Windkracht 10 – Jan Terlouw)

________________

(1) Jenever: rượu trắng Hà Lan cất từ ngũ cốc như lúa mạch, ngô... , cỡ chừng 35 độ.


Cái Đình - 2004