Nguyễn Hoàn Nguyên


Cội mai già miền quê ngoại

 

Nếu cơn gió Lào thổi cái nóng mùa hạ vào miền Trung chập chùng núi đèo thì ngọn gió chướng lướt qua những cánh đồng lúa bao la, chờn vờn trên sông nước, luồn qua những vườn cây xanh um lá thổi nhẹ vào lòng người miền Nam một nỗi xao động êm đềm. Họ cảm nhận không khí của mùa đã đổi khác. Ngày Tết sắp đến.

Trong cái lành lạnh của buổi sáng sớm cuối tháng chạp Trí cảm thấy rằng được ngồi bên bếp lửa của bà ngoại nhắp một tách cà phê đen quả là một khoái lạc. Bỗng dưng Trí phân vân không biết phải gọi buổi sáng hôm nay là buổi sáng cuối mùa mưa hay buổi sáng cuối mùa đông ở xứ Nam Kỳ lục tỉnh hai mùa mưa nắng này. Trí vẫn thích gọi buổi sáng cuối mùa đông hơn. Nó có vẽ lãng mạn thơ mộng. Nhất là cái cảm giác từ mùa đông se lạnh sẽ dẩn đến mùa xuân ấm áp. Trí nhắp thêm một ngụm cà phê, nghe nghe cái ấm và hương vị đậm đà thấm vào người. Mình đang sống trong hai mùa mà vẫn cảm nhận bước chân của bốn mùa. Những cây mai, cây phượng, cây sen năm nào cũng báo hiệu bằng ngôn ngữ của hương sắc.

Căn bếp của bà ngoại thật ra chỉ là nền đất đấp cao, để trống phía trước và phía hông dẫn ra vườn. Nó là một phần của nhà dưới để phân biệt với nhà trên , một căn nhà gỗ có cửa nẻo cẩn thận. Nhưng căn nhà dưới này rõ ràng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sinh hoạt của mọi người trong nhà. Căn nhà trên hầu như chỉ để dành để nghỉ ngơi mà thôi. Ngồi ở bên bếp lửa nhìn ra ngoài thì đúng là cảnh ba ngõ bốn bề trời.

Giờ này bên ngoài vẫn còn tối đen. Gà chung quanh xóm cất tiếng gáy inh ỏi. Tận ngoài đường cái tiếng bánh xe bò lăn lọc cọc đánh động bầu không khí êm đềm buổi sáng. Mỗi ngày ông bà ngoại đều dậy rất sớm. Việc đầu tiên của ông ngoại trong ngày là nấu ấm nước sôi để pha bình trà. Thứ trà ông ngoại uống là trà trồng trong vườn nhà, ông tự hái, cắt phơi theo kỹ thuật riêng của mình. Ấm trà buổi sáng của ông ngoại rất đơn giản. Tuy không cầu kỳ như tuần trà của những bậc tài tử phong lưu sành điệu, nhưng nó cũng đủ tạo thành một nghi thức trang nghiêm buổi sáng khá bình dị, một cái bình dị rất Nam kỳ.

Trong lúc ông ngoại trong bộ đồ bà ba trắng, đầu đội khăn, ngồi thù lù bên bàn ăn với mớ ấm tách thì bà ngoại lại lui cui trong bếp pha chế ly cà phê buổi sáng cho mình. Bà ngoại ghiền cà phê từ bao năm nay. Thứ cà phê bà ngoại uống Trí phải mua trong một tiệm Tàu ngoài chợ thị xã. Bà chỉ uống độc nhất cà phê của tiệm này mà thôi. Mỗi ngày bà ngoại đều pha sẵn cho Trí một tách đầy. Hôm nào Trí dậy trễ hơn, bà đậy nắp lại cẩn thận, đặt gần bên bếp lửa để phần cho Trí.

Từ bếp lửa nhìn thẳng ra là khoảng đất lót đá với những lu, ảng, khạp chứa nước đặt liền nhau làm thành sàn nước. Đồ ăn thức uống được rửa sạch và quần áo được giặt giũ nơi này. Trong mùa mưa ông ngoại hứng nước từ máng xối chảy xuống trữ vào những lu to lớn, sau đó lọc dùng làm nước uống cho cả năm. Băng qua sàn nước là căn nhà tường vuông vắn. Nhà từ đường. Trên vách ngôi nhà thờ này ông ngoại treo những liễn gỗ đen mun với những hàng chữ Nho được viết theo lối thảo và triện bằng thứ mực có màu kim nhũ. Một bên nhà ông ngoại kê hai bộ ván gõ dày lên nước đen bóng, phía bên kia là một dãy tủ thờ chạm trỗ tỉ mỉ. Trên đầu tủ các các bộ lư, chân đèn và lộc bình được sắp đặt ngăn nắp trước bài vị của tổ tiên cùng hình của những người thân đã khuất. Ngay giữa nhà ông ngoại bài trí một bộ bàn sáu ghế kiểu cổ. Không khí trong nhà thờ luôn mát lạnh. Mỗi lần bước vào đây, Trí đều có cảm giác lạ và tự nhiên Trí thấy mình phải cẩn thận trong dáng đi tướng đứng. Ông ngoại chỉ tiếp những người khách quí nơi này. Ngôi nhà thờ chỉ được mở rộng cửa ra vào vào ba ngày Tết.

Trí nhìn ra vườn qua khung gỗ trống. Cội mai già phía sau nhà bếp hiện lờ mờ trong khoảng không gian tranh tối tranh sáng. Cả khu vườn rộng lớn trồng đầy cây ăn trái mà chỉ có một gốc mai duy nhất. Chung quanh nhà ông ngoại trồng khá nhiều bông hoa cây kiểng nhưng cũng không có gốc mai thứ hai nào. Cội mai già quá quen thuộc với Trí. Chung quanh gốc nó những chiếc rễ phụ đã nhô lên khỏi mặt đất. Gốc mai khá to, đoạn gần mặt đất điểm lấm tấm những chấm xanh trắng của mốc và rêu. Dù tóc ông bà ngoại đã bạc trắng, Trí có cảm tưởng cội mai này còn già tuổi hơn ông bà ngoại nhiều.

Trí cảm thấy cội mai có vẻ nhẫn nhục cam chịu. Nó không kén chọn đất đai hay sự săn sóc tỉ mỉ nhưng nhũng cây kiểng khác trong vườn nhà.. Những thời gian còn lại trong năm sau ngày Tết, đi ngang qua gốc mai, chẳng ai buồn để ý đến thứ cây tua tủa nhánh lá chẳng có gì đặc biệt. Cho dù cây mai đứng sừng sửng giữa ngay lối đi ra vườn, mọi người chỉ nhìn thấy bụi hồng gai, bụi cúc vàng hoặc cảm nhận mùi hương của hoa ngọc lan, nguyệt quế hay mai chiếu thủy.

Không biết cội mai được trồng từ bao giờ. Trí chỉ biết rằng khi mình lớn lên thì đã có cội mai rồi. Lúc cậu bé Trí bắt đầu rung cảm trước một ánh mắt nhìn, một mái tóc đổ dài và thấy trăng sao bỗng dưng có ý nghĩa mới lạ thì màu vàng của mai đã ẩn trú trong tâm tưởng từ lâu. Kể từ đó Trí và cội mai âm thầm giao cảm nhau qua nhịp gõ của bốn mùa.

Thật ra Trí cũng đã từng nghe bà ngoại nói qua về lai lịch của cội mai già. Bà bắt đầu bằng mấy tiếng “hồi trào Tây”, thứ thời gian trở nên lãng đãng mơ hồ với tuổi của bà. Nhưng những người thân yêu đã khuất, chắc chắn vẫn còn nguyên nét trong tâm tưởng bà. Cái thời ông bà ngoại cũng đã cống hiến những đứa con trong cơn biến động của đất nước. Lúc đó ông ngoại tháp tùng mấy người bạn lên vùng rừng miền Đông. Trong chuyến đi ông tình cờ gặp một cây mai mọc tươi tốt giữa rừng. Đang lúc đó ông không thể nào bứng cội mai về ngay đươc dù ông rất cao hứng muốn chở cội mai về trồng ngay trong vườn nhà. Theo lời chỉ dẫn của dân địa phương, ông ngoại dùng xẻng xắn xuống thành một rãnh cạn chung quanh gốc mai, một dấu hiệu được thừa nhận cho biết cội mai này đã… có chủ. Vào mùa mưa đất mềm hơn, ông sẽ tiếp tục xắn sâu xuống bên dưới thành một bầu đất để có thể bứng trọn gốc mai. Ông đã làm theo lời chỉ dẫn, tìm mướn xe bò chở cả cội mai từ rừng ra đường cái và mướn xe ngựa thồ về tới vườn nhà.

Trong những ngày cuối năm, bà ngoại lo tuốt những mớ lá chuối hột, phơi những lõi lá để dùng làm dây chuẩn bị gói bánh tét, bánh chưng. Ông ngoại lẳng lặng bắt cái thang ghế đặt cạnh gốc mai. Ông còn đủ tráng kiện để leo lên thang, bắt đầu ngắt đi những lá mai xanh từ ngọn cho đến gốc. Trí cũng giúp đỡ ông ngoại trong công việc này dù Trí cảm thương những chiếc lá xanh đang bị ngắt rời khỏi thân mẹ phơi mình đầy dẫy dưới gốc mai. Trí nhủ thầm, cuối mùa đông miền Nam của Trí là mùa lá mai xanh rụng. Trong âm thanh lách tách của những chiếc lá bị ngắt lìa cành, của tiếng chim hót trong vườn cùng tiếng xào xạt của những bước chân của Trí dẩm lên mớ lá bắt đầu dày bên dưới, tiếng ông ngoại chậm rãi giải thích cho Trí hiểu bài học ngắt lá mai. Những chiếc lá phải được ngắt đi đúng thời hạn để nhựa sống của cây đổ dồn vào nuôi những chiếc nụ thì hoa mai mới nở to, đẹp, thơm và lâu tàn trong mấy ngày Tết. Bài học này gần như được ông lập lại mỗi năm.

Như một cô gái đẹp bỏ bớt đi những mảnh vải rộng thùng thình che dấu thân thể, cây mai bây giờ mới để lộ ra những đường nét cốt cách của nó. Những cành mai đâm ngang mang đầy nụ toát ra vẽ lãng mạn khả ái. Tuy thế Trí vẫn cứ lẩm cẩm áy náy rằng ngắt rời những chiếc lá xanh ra khỏi thân mẹ là một cực hình cho cội mai. Nhưng Trí cũng biết rằng sự tình chưa ngừng lại ở việc ngắt lá. Chỉ vài ngày nữa, cậu Năm sẽ từ thành phố về lựa vài nhánh mang đi. Cậu về rất đúng thời hạn, lựa những nhánh đẹp nhất. Chiếc thang ghế lại được sử dụng để cậu leo lên, dùng lưỡi cưa nhỏ, cưa rời những nhánh mai khỏi thân mẹ.. Rồi đến ngày bà ngoại, mẹ cùng các chị họ ngồi xúm xít nhau chuẩn bị gói những đòn bánh chưng, bánh tét, đến lượt ông ngoại bắt thang ghế, cưa những nhánh mai khác đem vào chưng trên bàn thờ tổ tiên trong ngôi nhà từ đường. Chỉ riêng cho việc này ông ngoại phải cần bốn cành mai khá lớn. Chưa kể một vài người hàng xóm thỉnh thoảng đến xin. Không còn những nhánh đẹp, ông ngoại cưa cho họ những nhánh mọc thẳng, ít nụ, họ cũng vui lòng.

Trước khi cắm bốn nhánh mai vào cái lộc bình to bằng sứ, ông ngoại lui cui vào bếp nhóm lửa để thui gốc. Bên sàn nước, Trí vừa bận rộn châm nước vào các lộc bình vừa nhìn ông ngoại đưa những cành mai tươi thui gốc trong lửa đỏ. Sau khi những cành mai được cắm vào bình, hai ông cháu khệ nệ khiêng lên nhà từ đường. Ông ngoại bảo chắc chắn những cành mai này sẽ nở đúng vào đêm giao thừa.

Khi mớ bánh tét, bánh chưng đã được vớt ra để ráo nước thì mọi người trong nhà cũng đã chuẩn bị cúng giao thừa. Mấy cành mai trên bàn thờ bây giờ đang từ vẻ lãng mạn khả ái bỗng dưng biến thành vẽ trang nghiêm bên nhang đèn nghi ngút. Trong giây phút này, Trí có cảm giác nhựa sống của mùa đang chảy rần rần trong các nhánh mai chuyển dần ra các nụ, một sự chuyển hóa của đất trời, âm thầm nhưng kinh thiên động địa. Đúng như lời ông ngoại nói, các nụ mai mọng to, trên chỏm nụ đã hé một chút mảnh vàng và như chỉ chờ đợi đúng giờ thiêng là nở bùng ra. Những cành mai bị ngắt đi những chiếc lá xanh, bị cắt rời khỏi thân mẹ và bị trui trong lửa đỏ đã dịu dàng trao gởi thông điệp mùa xuân.

Sáng mồng một những cành mai trong ngôi nhà từ đường mở rộng cửa nở đầy hoa. Qua đến mùng hai, hoa mai nở càng rực rỡ hơn. Ông ngoại bảo đám con cháu đang tụ tập đầy ngôi nhà dưới, bày bàn tiệc chè chén cùng mấy ông bạn già bên gốc mít xum xuê lá. Trời quá ngọ đã lâu, ánh nắng đấu xuân không thể chiếu xuyên qua cành lá dày đặt nên bàn tiệc dưới tàn lá vẫn mát rượi. Quanh nhà từ đường, những chậu cúc, chậu hồng, vạn thọ và cả chậu mồng gà tha hồ khoe sắc thắm. Tiệc rượu bây giờ được dọn đi, thay thế bằng một tuần trà. Đến lúc này như đã ngấm đủ hơi men và đủ hương xuân, các cụ bắt đầu xoay đề tài qua chuyện thi tứ cổ kim. Các bài cổ thi dược đem ra đọc ngâm và bàn luận sôi nổi. Một ông giáo già hưu trí, bạn thân ông ngoại, sau khi ngâm mấy câu thơ Đường, cao hứng nói:

“Mấy anh nè! Ngày tư ngày tết mà không bàn đến mai thì quả là thiếu sót. Mấy anh còn nhớ hai câu này không?”

Không đợi mọi người trả lời, ông cất giọng ngâm nga:

“Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn
.

Một cụ khác cao hứng tiếp liền:

“Đó là hai câu thơ của một thi sĩ đời Tống. Tôi còn biết thêm hai câu vịnh về cái đẹp của mai:

Nhất chi xung phá song tiền nguyệt
Bất đáo La Phù mộng diệc hương”

Một ông già có mái tóc lơ thơ bạc phơ nhưng vóc dáng cao lớn tráng kiện, ý chừng không nhịn được nữa tiếp luôn:

“Nãy giờ ta chỉ bàn luận về thơ Đường thơ Tống. Thơ vịnh về mai trong văn học ta đâu có dở. Như mượn hình ảnh mai để tả người, tả tình, tả cảnh, chỉ cần lấy từ Kiều cũng đã có quá nhiều câu hay…”

Ông cụ nhắp một hớp trà, hắng giọng ngâm những câu mình đắc ý:

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Nét buồn như trúc điệu gầy như mai
Mơ màng phách quế hồn mai
Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương…”

Như thế ngày Tết đã thong thả trôi qua. Buổi trưa tháng giêng Trí đứng yên bên cội mai già ngắm nhìn vóc dáng của nó. Trên các cành còn lại đã xuất hiện những chiếc lá xanh nõn. Giờ đây trong mùa xuân ấm, ngược lại với nhiều loại cây khác trong vườn, cội mai già trông thật xơ xác tiêu điều. Tết năm nay có quá nhiều người đến xin nhánh. Có lẽ cuối năm nay ông ngoại cũng khó có những nhánh lớn đẹp để chưng trong nhà từ đường. Dưới ánh nắng đầu xuân tựa hồ như cội mai già đang bám sâu những chiếc rễ vào lòng đất, tích tụ lại sinh lực để có thể dâng tặng nét đẹp của mình cho mùa xuân tới. Trên những cành lơ thơ của cội mai già không còn sót lại một bông hoa nở muộn nào nữa. Nhưng Trí tưởng chừng như ngọn gió chướng không thể thổi đùa đi được bước chân của thời gian, không thể thổi đi mất biệt màu hoa mai vàng. Trí vẫn còn nghe trong gió giọng ngâm sang sảng của một cụ già trong buổi tiệc trà bên gốc mít:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Đừng ngỡ xuân tàn hoa rụng hết
Trước sân đêm qua một cành mai)

***

xứ thấp này bầu trời âm u nhưng đã bắt đầu vào xuân. Bên ngoài vẫn còn khá lạnh. Trí đến bên cửa kính nhìn ra ngoài. Trong mảnh vườn con phía trước, bụi forsythia nở hoa vàng rực. Người Hoà Lan gọi hoa này là hoa chuông nhỏ Trung Quốc (Chinees klokje). Trí đã đứng lặng nhìn màu vàng của hoa từ mấy ngày nay, bàng hoàng thấy ra màu vàng của những đóa hoa của cội mai già năm nào.

 

Heino - Cuối năm Ầt Sửu
Nguyễn Hoàn Nguyên

 

 


Cái Đình - 2009 .