Nguyễn Hoàn Nguyên


Chuyện nhà tôi

 

– Cháu thấy ba cháu làm như vậy đúng hay không?

– ...

Lão lập lại câu hỏi lần thứ hai:

– Cháu đã mười bảy tuổi rồi, cũng sắp đến tuổi trưởng thành. Cháu thấy ba cháu làm như vậy có đúng không?

Lảo đứng cạnh bàn ăn, tóc bạc muối tiêu, dáng người thấp nhưng đầy vẻ tự tin. Qua gọng kính trắng, lão vừa nhìn tôi vừa gằn giọng hỏi như một gã giáo viên buộc học trò phải thú nhận tội lỗi.

Câu chuyện cũng hơi dài dòng. Lão vừa từ bên Mỹ trở về. Căn nhà mà ba mẹ tôi đang ở do bà cô tôi và lão – theo đúng lẽ tôi phải gọi lão là ông dượng – cất cho bà cố tôi ở. Một thời gian sau đó ba tôi đã lấy lý do là muốn có người để chăm sóc sức khỏe cho bà cố tôi đã cao tuổi, xin phép – và cả năn nỉ – cô dượng để gia đình tôi, gồm ba mẹ và thằng em trai tôi, được vào ở trọ. Bà cố tôi – bà nội của ba tôi – phần thương cháu, phần nghe lọt tai nên tán thành liền. Bà cô và ông dượng ở Mỹ có vẻ ngần ngại rồi mới quyết định. Mọi chuyện rồi cũng xong. Gia đình tôi rời căn nhà mướn lụp xụp ổ chuột để về ở trong căn nhà khang trang nầy. Mấy năm sau này bà cố tôi có đầy đủ giấy tờ định cư ở Mỹ. Bên xứ người bà ở chung nhà với con gái và con rể. Ở xứ người buồn, bà thường trở về ở trong căn nhà này. Mỗi năm bà ở Mỹ sáu tháng, rồi về ở thành phố này sáu tháng, nhất là trong những tháng mùa đông lạnh giá bên Mỹ.

Cuối năm qua bà cố bị bệnh bất ngờ và qua đời bên Mỹ. Khi nhận được tin, ba tôi đã tìm các đường dây, lo liệu giấy tờ để trở nên chủ nhân của căn nhà. Bên kia bờ đại dương bà cô tôi đánh hơi được điều đó. Sức khoẻ bà cũng suy sụp sau khi bà cố của tôi mất. Bà tìm cách liên lạc để bán căn nhà. Ba tôi tìm đủ phương cách để cản trở. Bà đành phái ông chồng tức tốc trở về thành phố để giải quyết vụ nhà cửa cho xong…

Bước vào nhà, sau khi thăm hỏi xã giao qua loa, lão vào đề lập tức về căn nhà. Mẹ tôi thấy không khí căng thẳng nên tránh mặt dưới bếp. Thằng em khù khờ của tôi giờ này đang chạy rong đâu đó ngoài đường. Chỉ còn ba tôi tiếp chuyện lão và tôi đứng gần đó lắng nghe cả câu chuyện ngay từ lúc đầu.

Lão cố gắng tự chủ để ra vẻ có tư cách của bậc trưởng thượng. Lão muốn biết do chính miệng ba tôi nói ra tại sao đã cản trở việc bán căn nhà này. Ba tôi chỉ ầm ừ không trả lời thẳng vấn đề. Lão kể lể dài dòng:

– Cháu có biết là cô thương cháu vì ba cháu mất sớm, mẹ cháu bỏ đi lấy chồng khác, cuộc sống của cháu sau này gặp nhiều khó khăn nên cho cháu về ở chung với bà nội để đỡ gánh nặng. Bây giờ cháu muốn sang đoạt căn nhà do cô và dượng tạo nên. Lương tâm cháu cảm thấy thế nào?

Ba tôi nhìn ra nơi khác, tránh ánh mắt của lão, cũng tránh luôn câu trả lời. Lão thuyết luôn một hơi vể tình cảm gia đình, về giá trị đạo đức. Lão từ một nơi chốn khác trở về, du lịch một thời gian ngắn ở đây mà lão tưởng chừng mình thấu hiểu hết thực tế cuộc sống. Đất nước này có những thay đổi và nó cho mọi người nhiều cơ hội. Nếu  mình không chụp lấy những cơ hội đưa đến thì có vô số đứa khác đạp lên đầu lên cổ mình để chụp lấy. Mặc cho lão nói, ba tôi chỉ im lặng. Rồi lão lại hỏi ba tôi:

– Cháu nói thực đi. Có phải ngay từ ban đầu cháu đã có ý định sang đoạt căn nhà của bà nội cháu? Mình là đàn ông với nhau, cháu cứ nói thực đi.

Tôi không hiểu tại sao lão lại có nhu cầu muốn nghe sự thật từ cửa miệng của một người mà lão tra vấn. Lão cũng là hạng người ưa thích quyền lực và chứng tỏ rằng mình sở hữu thứ hàng xa xỉ này. Nhưng thay vì trả lời lão, tôi thấy ba tôi cúi gằm mặt xuống. Lão có thể dễ dàng thuyết đủ loại tiêu chuẩn với giá trị. Còn tôi và gia đình tôi phải sống và tìm cách vươn lên. Nếu ba tôi không chụp bắt cơ hội này thì giờ đây tôi hãy còn chui rúc trong căn nhà mướn ổ chuột hôi hám, chật chội. Ba mẹ tôi cũng chẳng lo liệu gì được cho tôi và thằng em. Tiền từ Mỹ gởi về cho bà cố, gia đình tôi cũng được hưởng lây phần nào, đời sống khấm khá hơn nhiều. Tôi càng trở nên bực bội khi thấy ba tôi vẫn im lặng cúi mặt xuống...

Lão quay mặt về phía tôi, kiên nhẫn lập lại câu hỏi lần thứ ba:

– Cháu thấy ba cháu làm như vậy có đúng không?

Lần này tôi ngó thẳng vào mặt lão, cười khẩy:

– Đúng quá!

Tôi thấy mặt lão tái xanh lại. Sự kiên nhẫn của lão đã tới mức giới hạn. Tôi biết chắc chắn giờ đây nếu vớ được khẩu súng hay con dao trong tay, lão sẽ tặng tôi một phát vào trán hay một nhát vào giữa ngực. Lão cũng biết thế nên lẳng lặng đeo xách tay, kéo cái va-li đi ra khỏi cửa một nước. Tối nay lão phải ngủ trong khách sạn. Tôi cảm thấy lòng hả hê. Thay vì cúi gầm mặt xuống như ba tôi, tôi chỉ để nhẹ hai chữ ngắn gọn là lão đã không thể ở lại trong căn nhà do chính lão bỏ tiền ra xây cất. Tiền lão bỏ ra xây cất thật đấy, thế còn công khó gia đình tôi suốt bao nhiêu năm nay đổ mồ hôi sôi nước mắt để giữ gìn và tu bổ căn nhà cho không bị xuống cấp thì sao không ai đề cập đến.

Nhưng rồi gia đình tôi cũng bị bắt buộc phải rời khỏi căn nhà khang trang này. Lão tìm ra được một người bạn kinh doanh ở thành phố này trong vài năm nay. Gã đó cố vấn lão mướn luật sư, chi tiền đúng chỗ cho các cửa quyền nặng ký nên lão đã có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, cho công an bứng gia đình tôi ra khỏi nhà trước khi sang tên cho chủ nhân mới. Không biết lão phải chi bao nhiêu tiền, nhưng rõ ràng lão có nhiều lợi thế hơn ba tôi. Hơn nữa xem ra lão rành các luật chơi ở nơi này hơn là tôi đã nghĩ về lão.

Gia đình tôi may mắn được dọn về ở chung với ông bà ngoại tôi. Căn nhà của ông bà ngoại tôi tuy nhỏ nhưng trăm lần khá hơn căn nhà mướn ổ chuột. Tôi lại nghe mẹ tôi kể về một bà chị họ của mẹ, cũng ở bên Mỹ, nhờ hỏi thăm cách thức để mua hay cất một căn nhà mới ở thành phố. Tôi đã nói trước rồi. Ðất nước này cho rất nhiều cơ hội. Tôi đã học kinh nghiệm sống từ gia đình bên nội, bây giờ có thể thực hành ở gia đình bên ngoại. Trong tương lai nếu khéo xoay sở, có thể cả hai căn nhà đó sẽ thuộc về gia đình tôi. Hay thuộc về một mình tôi. Tôi khá hơn mẹ tôi ở chỗ tôi không lẩn tránh dưới bếp, tôi hơn ba tôi ở chỗ tôi không cúi gằm mặt xuống. Còn thằng em ngu ngốc muốn tranh chấp quyền lợi với tôi thì còn lâu nó mới là đối thủ của tôi.

 

Nguyễn Hoàn Nguyên

 


Cái Đình - 2011