Nguyễn Hoàn Nguyên


Chuyện bình thường
 

 

Sau gần hai tuần thăm viếng các di tích lịch sử, ngắm no mắt cảnh núi rừng ở miền Nam nước Pháp, nằm phơi nắng trên bãi biển và trầm mình trong dòng nước mặn của Địa Trung Hải, tôi cảm thấy tạm đủ. Tôi có cảm tưởng mình muốn nếm một cái gì khác hơn. Với túi đeo lưng tôi lang thang một mình vào miền quê của vùng Provence.

Tôi đi qua những con đường dọc theo vườn chanh, các cánh đồng trồng hoa hướng dương và lavende. Trời nắng hừng hực. Một con đường trải nhựa nhỏ dẫn vào trung tâm một ngôi làng. Ngay giữa làng có một phông tên, nước đang chảy róc rách. Tôi nhìn chung quanh. Hoa géranium đỏ và tím nở rực rỡ trong các chậu treo duới bệ cửa sổ của những căn nhà chung quanh. Nhà thờ của làng nằm cách đó vài chục thước. Phố xá chỉ có vài tiệm bán hàng đang đóng cửa, một quán cà phê nhỏ đàng xa. Tất cả đều nhỏ lại ở nơi này so với phố xá mà tôi đã thấy trong mấy ngày qua. Tất cả đều như đang mệt nhọc, ngái ngủ giữa cơn nắng trưa. Giờ sieste.

Tôi không hề thấy bóng dáng người đi lại, chẳng hề nghe tiếng xe cộ hay tiếng trẻ con. Âm thanh róc rách của nước chảy nghe càng rõ hơn. Trước một vài căn nhà có bóng mát, vài người già ngồi trên ghế gục đầu thiu thiu ngủ. Một ông Tây già kéo chiếc nón rộng vành xuống che mặt, ngoẻo đâu qua một bên như một cảnh trong phim cao bồi. Hai người đàn ông đang ngồi im lặng đánh cờ dưới tấm màn che nắng của quán cà phê. Tôi cảm thấy mình bị thu hút trong không khí tịch mịch này. Thời gian, cảnh vật như ngưng đọng lại, đặc quánh. Nếu cứ tiếp tục bước đi cho đến khi qua khỏi biên giới Ý, tôi nghĩ mọi làng mạc sẽ đều có khung cảnh giống y hệt như thế. Tôi như một con côn trùng không cưỡng lại được hấp lực của ánh sáng và đang có cảm giác say say như một tay chơi đang bắt đầu bị ngấm chất á phiện. Tôi chỉ cần ngồi xuống đây, lắng nghe tiếng nước chảy và ngắm thời gian đang dừng lại.

Sau khi rửa mặt bên phông tên nước, tôi định ghé vào quán cà phê làm một tách espresso cho tỉnh táo rồi tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng tôi lại rảo bước đi theo con đường ra khỏi làng, ngang qua những căn nhà vách đá nằm rải rác dọc theo đường. Tiếng ve chợt nổi lên rộn rã. Cùng lúc tôi sững sờ chợt nhận ra một khung cảnh cũ ngày xưa. Cũng bức tường hoa, cũng căn nhà với cửa sổ lá sách và mái ngói âm dương đỏ nằm thấp thoáng sau tàn cây, bụi hortensia màu hồng nở rộ trong sân nhà. Và dưới bóng mát của tàn cây lớn một ông Tây già đội bê-rê trắng đang nằm ngửa người bất động trên chiếc ghế dựa. Cây ba-toong đen được gác trên một cái ghế khác nằm trong tầm tay...

*

Tôi thấy mình là đứa bé đang đứng bên lề quốc lộ 13 năm nào, nhìn vào sân nhà của ông Tây già. Tôi thường đi bộ từ nhà, băng qua đường rồi đi dọc theo quốc lộ 13 về hướng ngã sáu nhà thờ của thị xã. Trên lộ trình đó tôi phải đi ngang qua nhà ông. Sân nhà ông nằm sau bức tường hoa thấp. Một cây vú sữa rộng tàn che nắng trước căn nhà với mái ngói âm dương đỏ. Ông thường nằm ngửa người trên chiếc ghế dựa dưới bóng mát của tàn cây, đầu vẫn đội bê-rê trắng. Cây ba-toong màu đen được để gần tầm tay. Ông nằm trong tư thế song song với quốc lộ, mặt hướng về phía sân đối diện. Thỉnh thoảng tôi thấy ông chống gậy đi bách bộ trong sân nhà hay đang đứng ngắm bụi hortensia và mấy bụi anh đào. 

Tôi không nhớ đã thấy ông lần đầu từ bao giờ. Tuy thường tò mò đứng nhìn ông, nhưng một ông Tây già nằm thảnh thơi trong sân nhà trên đất nước này đối với tôi thật ra cũng chỉ là một chuyện bình thường. Nó cũng bình thường như tiếng súng đại bác nổ rền hàng đêm. Đôi khi chiến trận ập về đến thị xã, sợ thì có sợ, nhưng đó cũng là chuyện bình thường. Giữa trưa trời nắng hừng hực, mấy chiếc xe GMC chở đầy lính Mỹ chạy bạt mạng trên quốc lộ 13: chuyện bình thường. Đôi khi xe nhà binh chở thương binh hay lính tử trận chạy ngang qua: chuyện bình thường. Dân tỵ nạn từ miền trên đổ về, nằm la liệt trong các trường học hay sân chùa: chuyện bình thường.

Khi lên lớp ba tiểu học, tôi đã bắt đầu được học tiếng Pháp với một ông thầy già. Lên đến lớp nhì – tôi đã được chín tuổi – thì tôi bập bẹ được vài câu tiếng Pháp đơn giản. Dù đã thường xuyên đi ngang qua nhà ông Tây già, tôi vẫn không đủ tự tin để có thể chào ông một câu bằng tiếng Việt chớ đừng nói tới bằng thứ tiếng Pháp vỡ lòng. Tuy nhiên ý nghĩ sẽ áp dụng một câu tiếng Pháp để chào hỏi ông đã bắt đầu thôi thúc. Tôi âm thầm chuẩn bị một câu câu chào hỏi nhỏ trong đầu, nghĩ rằng mình phải thử một lần, chắc cũng không khó lắm. Tôi cũng phải bạo dạn hơn, giống như những thằng cỡ lứa tuổi tôi thường cởi trần trùng trục, vừa chạy theo mấy chiếc xe Mỹ vừa hét hé lô hé lô với hy vọng được mấy người lính Mỹ ném cho vài chiếc kẹo.

Vào một buổi trưa tôi lại đi ngang nhà ông. Như một thói quen, tôi bước chậm lại rồi đứng nhìn vào sân nhà. Lúc đó ông đang đi bách bộ trong sân. Bỗng dưng ông chợt đổi hướng và đi lần ra phía cửa. Thay vì tiếp tục bước đi, tôi lại đứng bất động nhìn ông, phân vân không biết có phải đây là cơ hội để thử câu chào  bằng tiếng Pháp đã chuẩn bị từ nhiều ngày. Tôi chợt nghe tiếng ông Tây già vang lên rõ ràng từng chữ giữa nắng trưa: Bonjour, comment ça va? Điều này thật bất ngờ. Tôi vẫn đinh ninh người hỏi câu này chính là tôi chớ không phải là ông. Bây giờ vai trò đột nhiên thay đổi, tôi đứng đờ người ra. Ông Tây già kiên nhẫn đứng chờ và mỉm miệng cười. Trong cơn bối rối, tôi nghe mình lắp bắp: Bông dua, mẹt xi. Và không chào ông, tôi bước đi thẳng luôn một nước.

Dù sao đi nữa tôi đã vượt qua giai đoạn đầu khó khăn. Từ đó về sau, khi đi ngang nhà ông, nếu tình cờ gặp ông trong sân, tôi đủ can đảm vẫy tay chào ông và nói được nguyên một câu tiếng Pháp đã học trong trường. Như thường lệ ông vẫy tay chào và trả lời lại bằng tiếng Pháp. Ông vẫn nằm thảnh thơi dưới tàn cây vú sữa với chiếc nón bê-rê cố hữu giữa tiếng ồn ào của xe cộ trên quốc lộ 13 và tiếng ồn ào kinh khiếp của bom đạn rơi rớt trên đất nước này. Tình trạng tiếp xúc giữa ông và tôi không có gì thay đổi nhiều cho đến khi tôi đang học năm đầu của chương trình đại học vào năm một chín bảy mươi lăm. Cái ngày ba mươi tháng tư định mệnh đó đổ ập đến.

Từ thành phố trở về, trong không khí bàng hoàng và hồi hộp chờ đợi chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra, tôi thấy cả thị xã như bị chìm lấp, ngộp thở dưới rừng cờ lạ lẫm màu sắc. Đi ngang qua nhà ông Tây già, tôi không thấy ông nằm dưới tàn cây vú sữa hay đi bách bộ trong sân. Một lá cờ tam tài thật lớn phủ lên gần hết hai cánh cổng ra vào căn nhà ông đã được khóa kín. Vài tuần sau đó, tôi cũng không còn thấy lá cờ tam tài. Và tôi không bao giờ gặp lại ông Tây già nữa. Tôi nghe người lớn trong nhà nói với nhau rằng ông đã hồi hương.

Hoàn cảnh nào đã làm ông Tây già nhận nơi này là quê hương, đã nằm thảnh thơi trong bao nhiêu năm chiến tranh dưới tàn cây vú sữa, đã đi bách bộ trong khoảnh sân gần quốc lộ dẫn về những vùng giao tranh ác liệt nhất. Tôi đã đủ lớn khôn để thấy rằng đó không phải là chuyện bình thường. Vậy mà khi chiến tranh chấm dứt, ông lại từ bỏ nơi chốn này để trở về quê mẹ của ông ở Âu Châu. Điều đó lại càng không phải là chuyện bình thường.

*

Qua giây phút bàng hoàng, nhìn kỹ lại, tôi thấy khung cảnh có khác hơn căn nhà nằm sát bên quốc lộ 13 ngày xưa. Tàn cây che mát cho ông Tây già là cây cam của miền Provence. Trong góc sân một bụi trúc đào nở hoa đỏ rực, nằm gần cây ô liu. Tôi đang ở miền nam nước Pháp. Hoàn cảnh đất nước cũng đưa đẩy cho tôi đến sinh sống trên cùng lục địa Âu Châu của ông Tây già ngày xưa. Giờ đây tôi đang đứng trên quê mẹ của ông. Bỗng dưng một nỗi buồn thật sâu, thật thấm thía vặn thắt gan ruột tôi. Tôi nghe mình buộc miệng hỏi một câu của những buổi trưa nhiệt đới ngày nào: Bonjour Monsieur, comment ça va? – chào ông, ông khoẻ không?

Ông Tây già vẫn nằm bất động trong bóng mát. Nhưng ông chợt từ tốn ngẩng đầu lên nhìn về hướng tôi đang đứng, rồi cũng cùng cử chỉ thật từ tốn ông từ từ đưa bàn tay lên vẫy vẫy chào. Xong ông lại nằm im trở lại theo tư thế cũ. Có lẽ ông thấy gã đàn ông mang túi đeo lưng chỉ là một du khách tình cờ đi ngang qua nhà ông. Đó là chuyện bình thường.

 

Nguyễn Hoàn Nguyên

 


Cái Đình - 2013