Cao Xuân Tứ
Câu chuyện tiếp theo (trích đoạn)
Nguyên tác: ‘Het volgende verhaal', Cees Nooteboom
....
Chẳng cần nghĩ ngợi gì thêm. Tôi vớ cuốn chỉ dẫn Michelin, cái bản đồ Lisbon. Mọi thứ đều sẵn sàng. Séc du lịch, tiền Bồ trong ví, có ai đó yêu tôi, ipsa sibi virtus praemium, đức hạnh tự nó là phần thưởng. Chỉ lo hão, bởi vì khi tôi trao chìa khóa phòng, cô gái kiều diễm ở quầy lễ tân chào tôi với đôi mắt long lanh: "Chào ông Mussert". Tháng tám, tháng vương giả. Màu xanh nhạt cây đậu tía, những mảnh sân rợp bóng râm, lối đi lát đá thoai thoải, vẫn người gác dan được dòng thời gian nấu nhừ sau hai mươi năm, tôi nhận ra anh ta, và hình như anh còn nhận ra tôi. Tôi rẽ về phía tay phải, đến cái quán nhỏ nơi Maria Zeinstra từng nhồm nhoàm những mẩu bánh ngọt màu lòng trắng trứng gà, cặp môi háo ăn óng ánh mật ong như vec-ni. Cái quán vẫn còn đó, thế giới này còn mãi.
"Chào ông!" Tôi gọi một chiếc bánh để vinh danh cố nhân, để lại một lần nữa thưởng thức lại hương hoa ở miệng bà thuở trước. Cốc cà phê đặc, thật đắng. Với vị đắng ngọt ấy tôi bước qua đường, tới sạp báo mua một tờ Diário de Noticias, nhưng tin tức thế giới chẳng làm tôi bận tâm. Cũng như dạo ấy. Giờ là chuyện Irắc. Dạo ấy có gì xảy ra tôi không còn nhớ. Irắc chỉ là cái mặt nạ trễ tràng của Babylon riêng tôi, của Akkard, Sumer và quê hương dân Chalddes. Những dòng sông Ur, Eurphrates, Tigre và thành Babylon diễm ảo, cái nhà đĩ của một trăm thứ tiếng. Tôi nhận ra mình đang huýt một điệu hát xa xưa, bước chân tôi rộn ràng vào những ngày đẹp nhất đời. Tôi bước tới đường Largo de Santos, rồi qua Đại lộ 24 tháng Bảy. Bên phải tôi là chiếc xe hỏa tí hon, những tàu điện như đồ chơi với màu sắc trẻ thơ. Đằng sau nữa, dưới kia, là con sông của tôi. Tại sao trong biết bao con sông chỉ có dòng Tagus này làm tôi mềm lòng, tôi chả biết. Phải chăng cái ảo ảnh đầu tiên, đã lâu lắm rồi, vào năm 1954, khi Lisbon còn là thủ phủ của một đế quốc đến thời mục rã. Lúc đó Hà Lan đã mất Indonesia, người Anh buông Ấn Độ, nhưng ở đây, bên bờ sông này, hầu như những quy luật tự nhiên của thế giới không được áp dụng. Người Bồ còn giữ Timor, Goa, Macao, Angola, Mozambique, mặt trời của họ chưa đến hồi phải lặn, cái đế quốc ấy còn đủ rộng lớn để bao trùm cả ngày lẫn đêm cùng một lúc, và có phải vì thế mà tôi cảm thấy những người đi giữa ban ngày ở đây hình như chưa ra khỏi cơn mộng du. Đàn ông diện giày trắng, thứ giày không thấy ở Bắc Âu, khoác tay nhau dạo bước dọc theo dòng sông rộng, nước màu nâu, chuyện trò bằng một thứ tiếng Latinh dài hơi, làm tôi liên tưởng tới nước, nước của những giọt lệ, nước của đại dương, từ những cái gút dây thừng kiểu kiến trúc thời vua Emmanuel trang trí cho những lâu đài vương giả cho đến những chiếc tàu nhỏ xíu nhộn nhịp đi về giữa Cacilhas và Barreiro, và kia là ngọn tháp Bêlem, nơi giã biệt buồn thiu, điểm cuối cùng in vào trí nhớ của các nhà thám hiểm khi rời đất tổ ra đi, và cũng là điểm đầu tiên hiện lên lúc họ trở về sau bao năm xa vắng. Nếu còn trở về... Tôi đã trở về, vâng, tôi đi ngang qua bức tượng quận công De Teircera thảm thương, người đã giải phóng Lisbon khỏi hiểm họa nào đó tôi không còn nhớ vào thế kỷ qua. Tôi lách người giữa đám tàu điện, băng qua bến Do Sodré, và giờ đây đứng một mình bên con sông, vẫn con sông thủa ấy. Bây giờ thì tôi biết nó rõ hơn, vì tôi đã thấy tận mắt ngọn nguồn con sông ấy ở một mảnh đồng xanh tận bên kia xứ Tây Ban Nha, gần Cuenca, tôi đã ngắm những vách đá bị nước giũa mòn ở Toledo, con sông lững lờ thênh thang chảy qua Extremadura, vâng, tôi biết gốc gác của nó, tôi nghe giọng thì thầm của nó trong ngôn ngữ quanh tôi. Sau này, mãi tận sau này, có lần tôi bảo cô bé Lisa d'India: "Tiếng Latinh là tinh túy, tiếng Pháp là ý tưởng, tiếng Tây Ban Nha là lửa, tiếng Ý là không khí, tiếng Catalan là đất, tiếng Bồ Đào Nha là nước". Lisa cười, giọng cô bé cao và trong. Nhưng Maria Zeinstra thì chẳng cười. Có thể chính ở đây tôi đã cố thuyết phục Maria về ý nghĩ này, nhưng bà ta cho rằng tôi nói nhảm. "Tiếng Bồ nghe như tiếng thầm thì. Sao lại vu vơ đem nước vào đây. Chẳng khoa học tí nào". Như thường lệ, tôi chẳng nghĩ được gì để phản ứng. Có Maria cạnh bên đủ vui rồi, tôi cũng câm mồm khi bà ta bảo con sông của tôi sao mà xám xịt thế. "Anh cứ tưởng tượng có bao nhiêu thứ đổ cả vào đấy".
Tôi quay người nhìn thành phố lên cao dần trước mắt; tôi biết mình đang tìm kiếm gì ở đây, nhưng gì mới được chứ? Tôi muốn thấy lại gì đây, nhưng tôi chỉ nhận ra nó khi tôi thấy nó. Và bỗng nhiên kia kìa: một tòa nhà nhỏ bé, ngược ngạo, với cái đồng hồ khổng lồ - cứ hình dung một cái nhà đá làm bằng đồng hồ, cực lớn, tròn, trắng, với những cây kim chắc nịch, những cây kim cai quản thời gian. Phía trên là dòng chữ lớn: HORA LEGAL - Giờ chính thức. Giữa cái ngổn ngang, lơi lỏng của quảng trường, chúng có khả năng như một văn bản pháp lý: "Bất cứ ai muốn can thiệp vào thời gian, dù bất cứ ở đâu, dù bất cứ ai muốn kéo giãn ta, cưỡng lại ta, điều khiển ta, chuyển hướng ta, rốt cục phải công nhận luật của ta là tuyệt đối, những cây kim đầy quyền uy của ta khẳng định cái bây giờ phù du, không thể tồn tại, và chúng sẽ còn mãi như thế. Chúng chẳng muốn dính vào cái tranh chấp, cái "bây giờ" có tính vụ lợi của bọn học giả. Cái bây giờ của ta là cái bây giờ duy nhất có thực, cái bây giờ bền bỉ bao gồm sáu mươi giây đếm được" - và bây giờ, cũng như lúc ấy, tôi đứng ở đấy đếm, nhìn cây kim sắt khổng lồ màu đen chúi xuống khoảng trắng chia đều thành nấc giữa con số 10 và 15, và cây kim như đang rùng mình, cây kim bò lần tới nấc tiếp theo, độc đoán ra lệnh: bây giờ là bây giờ. Bây giờ! Một con chim câu vút qua rồi đỗ xuống cánh cửa tò vò phía trên đồng hồ, như muốn khẳng định điều gì, nhưng không đánh lạc nổi dòng suy tư của tôi. Đồng hồ, theo tôi, có hai công dụng, một là để giúp ta biết giờ, hai là để khẳng định thời gian là huyền bí, một hiện tượng khôn lường, không thể giải mã, mà con người vì hoàn toàn bất lực, chỉ bịa ra cái vẻ trật tự bề ngoài mà thôi. Thời gian là cái hệ ngăn mọi việc xảy ra cùng lúc, như tôi có lần nghe ai đó phát biểu trong một phóng sự chớp nhoáng trên đài phát thanh. Và bây giờ tôi đứng đây, như tôi có lần đứng đây với Maria Zeinstra, bà ngước cặp mắt màu lục miền Bắc Hà Lan và nói: "Lại lẩn thẩn gì nữa đây, hỡi cái ông thịt bò viên? Chỉ vì anh không tách nổi thời gian của khoa học ra khỏi thời gian của trái tim khổ kia, thảo nào anh không khá nổi".
Tôi chẳng buồn trả lời, không phải vì tôi bị xúc phạm, ngược lại tôi rất khoái được gọi là cục thịt bò viên (hoặc cái chụp đèn, miếng cá rán, cái đầu quả dưa), nhưng tôi biết câu trả lời đang chờ chúng tôi cách đấy trăm thước ở đầu phố, trên bức tường trong quán có cái tên British Bar. Maria chẳng mảy may nghi ngờ lúc chúng tôi bước vào quán, và sau khi đã an vị trong bóng tối mát rượi và bà nhấp xong một hớp rượu port, tôi hỏi tỉnh bơ: "Mấy giờ rồi nhỉ?".
Bà ta nhìn cái đồng hồ lớn bọc gỗ treo trước mặt, tỏ vẻ khó chịu như một kẻ chợt thấy những thỏa hiệp thiêng liêng giữa mình với vũ trụ an bài chung quanh tự dưng bị xáo trộn. "Được rồi, được rồi", bà ta nói, nhìn chiếc đồng hồ đeo tay để so sánh. "Biết mà. Sao mà giở lắm trò thế?".
"Có gì đâu. Đó cũng là một cách nhận thức thời gian. Einstein chế biến thời gian thành nước mật đường, Dali làm cho nó tan đi: đồng hồ, tất cả, tuốt". Cái đồng hồ trước mặt chúng tôi có hàng số sắp xếp theo lệ thường. Nó cần thiết giúp ta tuần tự vượt qua cái hình - cầu - phân trên cái khí cầu khổng lồ mà ta thừa hưởng, nhưng ở đây những con số lại sắp đảo ngược: sáu giờ hai mươi phút trở thành hai mươi phút trước sáu giờ. Như thế làm sao kẻ nhìn không bị chóng mặt nhức đầu? Có lần tôi hỏi anh chủ quán vớ được cái của nợ này ở đâu, anh ta cho biết nó thuộc mớ đồ đạc thừa hưởng khi được sang nhượng cái quán. Và không, anh ta chưa hề thấy cái đồng hồ nào như thế, nhưng một ông người Anh có lần giải thích rằng nó có gì dính dáng tới cách rót rượu port của những tay nhà nghề.
"Thì có khác gì những đứa lái xe trái đường?"- bà ta nói. "Nào, ta đi lên phố".
Câu chuyện chấm hết, tôi bước theo mớ tóc đỏ tung bay, qua Avenida das Naus, Đại lộ thuyền bè, như thể tôi không phải là người hướng dẫn bà tham quan thành phố, mà bà dẫn tôi. Lúc ấy, không phải bây giờ đâu nhé! Cái đồng hồ chạy ngược đời vẫn còn treo ở đấy, và từ khi tôi ghi nó vào trong cuốn Chỉ nam du lịch của tiến sĩ Strabo, một nửa dân Hà Lan đã sang đấy chiêm ngưỡng nó. Chín mươi mốt độc giả đã viết thư cho tôi biết muốn xem giờ trên cái đồng hồ ấy chẳng khó gì nếu ta nhìn vào gương chiếu lại, có điều là họ nói chẳng thấy cục bò viên nào như tôi đã ghi trong cuốn chỉ nam.
Phía trước tôi, Maria nhảy tung tăng như một chiếc tàu thuỷ, và bọn đàn ông đi đường phải quay người thêm một lần nữa để ngắm phần kỳ quan đong đưa phía sau của người đàn bà, không phải vì bà ta đẹp tuyệt, nhưng vì ở đó, vào lúc ấy, bà là hiện thân cho cái tự do ra mặt thách thức công khai. Còn lời nào diễn tả hay hơn: phải chăng bà đang đưa đẩy tấm thân qua đám đông với chủ ý cho mọi người nhìn ngắm. Có lần tôi nói với bà ta, gợi lại bài thơ nổi tiếng của Robert Holst: "Em bước chẳng giống một người đàn bà không bao giờ phải chết, mà như một người đàn bà ai cũng sẵn sàng bỏ hết tất cả vì nàng", và trong một thoáng chốc tôi nghĩ rằng bà ta sẽ phát cáu, nhưng bà chỉ nói: "Đúng thế, chỉ trừ cái anh Arend Herfst dở hơi kia"
....
Nguyên tác: ‘Het volgende verhaal', Cees Nooteboom
Người dịch: Cao Xuân Tứ