Nguyễn Lê Hồng Hưng


Câu chuyện lòng bên bờ sông

Thường thì chiếc Clément chạy chỉ có một tuyến đường từ Heysham Anh Quốc sang Belém Ba Tây. Dọc hải trình có ghé những cảng phụ như Dublin thủ đô Ái Nhĩ Lan, Tenerife, Las Palmas quần đảo nằm ngoài Ðại Tây Dương thuộc Tây Ban Nha, hải đảo Barbados và Trinidad thuộc Nam Mỹ, những cảng nầy chỉ ghé một hai ngày lên hàng. Riêng Belém và Heysham mỗi nơi đậu lại xuống hàng mất gần hai tuần lễ.

Ngoài ra mỗi năm đến mùa hột nuts khô tàu phải chạy dọc theo dòng sông Amazonas vô Manau xuống hột nuts, sau đó mới trở ra Belém lấy hàng rồi về lại Heysham. Belém, một trong những thành phố lớn của Ba Tây, đứng lừng lững trên bờ sông Pará. Rio Pará, theo tiếng địa phương, là một trong những sông nhánh của dòng Amazonas. Ngọn sông Amazonas bắt nguồn từ cao nguyên Peru chảy xuyên qua nhiều quốc gia, khi đến bình nguyên xứ Ba Tây chia ra nhiều nhánh, cuối cùng xuôi thẳng ra Ðại Tây Dương. Sông dài ngun ngút, rộng thênh thang, sức mạnh của nước xoáy lòng sông có nơi sâu trên một trăm hai chục thước. Dòng sông hùng vĩ, lại rất hiểm nguy. Ngoài cá sấu hung dữ còn có loài cá nóc tên Piranha, hình tròn cỡ bàn tay xoè, vảy mịn, có đầu đuôi, vĩ, kỳ in hình cá phi, đặc biệt hàm răng hô cá nóc rất bén. Người nào rớt xuống sông rủi gặp bầy cá sẽ bị chúng rỉa thịt, phân thây chỉ trong vòng vài mươi phút.

Trước đây tôi có qua nhiều dòng sông ở châu Phi, đôi lần xúc động bên sông Congo và dòng Zambesi khi nhìn thấy lục bình, rác rến tản mạn trôi trên mặt sông và phù sa cuộn trong lòng nước. Nhưng khung trời ấy tối tăm quá, tôi chỉ nhớ nó như nhớ những dân tộc chịu nhiều khổ đau và buồn chán. Lòng tôi xót xa nhớ lại những dòng sông cũ trên quê hương, nơi tôi đã trải qua những đoạn đường đời đau khổ.

Rồi dòng đời đẩy đưa tôi đến miền đồng bằng Amazonas, nơi đây tôi được sống lại một thời đã mất. Kia, sông Negro với dòng nước mầu trà, hai bên bờ có khu rừng thấp, xa xa những vườn dừa, vườn cau, tiếp liền với cánh đồng cò bay thẳng cánh. Dọc mé sông, những ngôi nhà sàn lợp lá xập xệ, những cầu tiêu trần dừng bốn bên bằng lá tràm đóp. Hình ảnh nơi đây làm tôi nhớ lại dòng sông Trèm Trẹm, nhứt là những buổi chiều vàng khi mặt trời sắp khuất xuống rặng rừng bên kia sông. Giữa dòng sông, những thiếu nữ bơi xuồng thả chậm ngược xuôi. Con gái Ba Tây dồi dào sức sống. Tình dục lẫn tình cảm họ trao đi một cách tự nhiên. Bạn đừng nghĩ tôi chỉ nói đến các cô gái chuyên làm tiền. Không, ở xứ nầy giữa cô gái bình thường và cô gái làng chơi chỉ khác nhau qua nghề nghiệp. Hễ nói tới nghề nghiệp, nghề nào lại không vì miếng cơm manh áo. Nếu bạn đem trinh tiết người con gái Ðông phương, hoặc lối sống buông thả của con gái Âu Mỹ ra để thẩm định giá trị con người tôi e rằng bạn khó đón nhận được cái đẹp ở tâm hồn của người con gái Ba Tây. Nói như vậy để bạn khỏi bỡ ngỡ khi nghe câu chuyện về xứ Ba Tây, chớ không phải tôi vòng vo tam quốc để bào chữa câu chuyện lòng mà tôi sắp kể ra đây.

Tháng tám năm trước, cũng vào mùa hột nuts khô, tàu ngược dòng sông Amazonas vô Manau xuống hột nuts. Khi tàu ghé cảng trời đã về chiều. Tôi có nhận được một số thư của bạn bè gởi xuống thăm. Vì vậy, sau giờ làm việc tôi trở lên phòng viết thư hồi âm liền cho kịp gởi đi vào sáng ngày hôm sau. Rị mọ viết xong những bức thư bỏ vô bì, dán lại, xếp ngay ngắn để trên bàn. Nhìn đồng hồ tay, đã hơn mười một giờ. Tôi bước ra boong, tay vịn thành tàu, mặt nhìn lên phố. Phố xá đã lên đèn, màu xanh, màu đỏ, màu vàng, trên những tấm bảng quảng cáo cũng có đèn màu chớp chớp, như mời mọc, thách thức tôi. Dạo nầy Manau nóng quá chừng, ban đêm nhiệt độ lên trên bốn chục. Tôi trở vô phòng tắm, tắm một cái. Lau mình, chải tóc, bận quần áo, xức dầu thơm. Xong định mang giày vô đi lên phố, nhưng cái nóng bên ngoài làm tôi ngại. Lại còn cái máy điều hòa không khí nhả hơi lạnh mát rượi chừng như muốn cầm chưn tôi. Ðổi ý, tôi cởi quần áo vắt lên thành ghế, bật đèn đầu nằm, mở đèn giữa, khóa cửa phòng, thẩy chìa khóa lên bàn, khom xuống chiếc hộc dưới gầm giường, lấy quyển tạp chí leo lên giường nằm đọc cho đến khi mắt mỏi, tôi vừa tắt đèn thì giấc ngủ cũng vừa tới.

Ngủ quên hồi nào không biết, đến khi nghe tiếng động lụp cụp ngoài cửa phòng, tôi giựt mình nhổm dậy dòm ra. Cánh cửa mở hé. Ðang nheo mắt, nhưng tôi cũng nhận ra từ ánh sáng bên ngoài có một người con gái lách mình bước vô. Cánh cửa nhẹ nhàng khép lại, có tiếng khóa cọc cạch. Trong phòng trở lại tối thui. Tôi vói tay bật công tắc đèn đầu nằm, ngồi dậy bước nhanh xuống đất. Chưa kịp lấy chiếc khăn vận phía dưới thì có tiếng: “Bom đia”. Nàng chào tôi bằng tiếng Bồ Ðào Nha, tôi “gút mô ning” lại bằng tiếng Ăng Lê.

Lấy chiếc khăn vận phía dưới, xong tôi bật công tắc đèn giữa, căn phòng sáng trưng. Tôi đoán chừng thuyền trưởng, thuyền phó, hoặc thợ máy dẫn nàng nhét vô đây, vì ngoài những người nầy ra dưới tàu không ai có loại chìa khóa đặc biệt để mở được hết các cửa phòng trong tàu. Mặc kệ, ai dẫn cũng được, chiếc giường tôi còn rộng để trống làm gì.

Nàng vẫn đứng y chỗ cũ với chiếc rốp màu nâu, áo đen, cổ rộng để lộ phần ngực no đầy, vai quảy chiếc bóp da, con gái ưa làm dáng bằng chiếc bóp da.
Tôi đi lại chiếc bàn lấy chìa khóa tra vô, vừa mở cửa vừa hỏi:
– Em tên gì?
– Edna.
– Nói tiếng Anh được không?
Nàng giơ tay lên làm dấu ngón trỏ và ngón cái hở một chút, nói:
– Ðược chút chút thôi.
– Không sao, anh cũng vậy, mình dùng tiếng Anh đi.
Nói dùng tiếng Anh cho ngon, thiệt ra tiếng Anh của tôi thuộc loại ba mứa, cộng thêm những lần ghé qua xứ Ba Tây nầy tôi xạo được vài tiếng Bồ Ðào Nha, bởi vậy khi nói chuyện với nhau giống y tài tử trong phim cao bồi đối thoại, nhưng họ nói tiếng Tây Ban Nha pha tiếng Mỹ ít hơn thủy thủ chúng tôi nói tiếng Anh trộn lẫn tiếng Bồ Ðào Nha. Nói chung chúng tôi pha đủ thứ tiếng, có những nơi nói bằng miệng không được, phải dùng tay chưn, hoặc dùng viết để... vẽ. Cũng có khi lộn bị hiểu lầm, nhưng không sao, thủy thủ mà, rất dễ được sự thông cảm của nhiều người.

Tôi mở cửa phòng bước ra, bên ngoài vắng vẻ, nhìn đồng hồ tay mới hơn một giờ. Ðám thủy thủ đi chơi giờ nầy chắc gì đã về, cũng có thể tụi nó ngủ khách sạn không chừng. Tôi đi xuống phòng bếp mở tủ lạnh lấy bốn chai bia đem lên để trên bàn, Edna vẫn còn đứng đó mặt vui tươi, môi mở hé như cười. Nàng trông khá đẹp, tôi đến bên câu cổ hôn nàng một cái, dìu nàng ngồi xuống chiếc băng.
Edna hỏi tôi:

– Anh tên gì?
– Tấn Tấn Tấn...
– Tấn Tấn Tấn...

Miệng nàng vừa đọc tên tôi, đầu nàng gật gật, tay chỉ như đệm theo từng nốt nhạc. Tôi khui bia mời, nàng bưng chai lên cụng một cái rồi cùng ực một hơi, để xuống.

– Nhà em ở Manau? – Tôi hỏi.
– Không, em ở Belém.
– Ngày mai tàu anh ra Belém.

Nàng chớp đôi mi lộ vẻ vui mừng:

– Em sẽ đón anh ở ngoài đó.

Tôi day ngang ôm nàng hôn lên mắt, lên má, lên môi. Chiếc bóp da còn vướng trên vai lòng thòng, tôi lột để qua một bên rồi mở nút áo, tháo móc quần cởi hết ra để trong góc chiếc băng. Tôi đứng dậy bồng nàng đặt lên giường thọt lét. Nàng cười sằng sặc, với tay rút chiếc khăn choàng phía dưới của tôi. Mái tóc quăn màu vàng nhạt lòa xòa trên trán, tôi giơ tay nhẹ vén lên, mũi nàng nhọn và cao, hai bên má điểm vài hột mụn, đôi mắt lim dim sẵn sàng đợi cuộc mây mưa.

Dưới tàu, những căn phòng dành cho thủy thủ có một phòng tắm chung với toilet, một chiếc giường đôi, hai tủ đựng quần áo, dưới gầm giường là những hộc đựng vật dụng linh tinh, một băng nệm da dài được bắt dính vô bên vách, trước cái băng đặt một bàn viết. Cái bàn viết! Có những đêm nhiều bia lắm rượu, tôi dẫn gái xuống tàu, nổi hứng trải mền lên mặt bàn, bắt cô nàng nằm ngửa để tôi đứng làm tình. Ðêm nay với Edna tôi tỉnh táo nên không đến đỗi hồ đồ. Tôi cẩn thận kéo ngăn tủ dưới gầm giường lấy hộp cạt pốt, rút một cái lần trồng vô. Thoạt đầu Edna không nói gì, đợi đến khi tôi trèo lên bắt đầu... tức thì nàng thò tay xuống dưới vuột cái cạt pốt ra nhét qua kẽ nệm, ưỡn mông lên kềm thiệt sát, hai tay bấu chặt lưng tôi, lắc qua lắc lại và nàng bắt đầu rên khe khẽ...

Tôi bước xuống bồng Edna vô phòng tắm, đặt nàng đứng ngay vòi sen, vặn nước, lấy xà bông chà cho nhau. Chất nhờn của xà bông cọ qua làn da làm Edna rít lên qua khe hở giữa hai hàm răng, nàng ôm tôi thiệt chặt, ghịch tôi xuống gạch... Nước trên vòi sen vẫn rào rào chảy, tiếng rên của Edna mỗi lúc một thêm dồn dập...

Sau khi bận quần cho nhau nàng mới chịu lơi tôi. Khi trở ra, nàng làm dấu ngón tay trỏ và ngón tay cái thành một vòng tròn giơ lên môi hôn, chốc chốc miệng nói “bom bom” (Bom, tiếng Bồ Ðào Nha có nghĩa là tốt). Edna hỏi mượn tôi hai chiếc khăn, tôi mở tủ lấy khăn giơ cho nàng, nàng để một chiếc lên giường còn một chiếc xổ ra lau mình cho tôi trước, sau đó mới lau cho nàng. Xong Edna lấy chiếc khăn khô bịt lên đầu, còn chiếc kia nàng vận phía dưới. Tôi cũng bận xong chiếc quần cụt, day qua dìu nàng ngồi xuống tiếp tục uống bia. Khi cạn hết bốn chai bia, tôi ngáp dài buồn ngủ, đứng dậy tắt đèn leo lên giường nằm dang tay ra: “ Edna lên nằm đây với anh”. Nàng ngoan ngoãn leo lên nằm gối đầu lên vai tôi. Cả hai im lặng. Tôi nghe rõ hơi thở của hai đứa thiệt đều, day ngang tôi ôm nàng vào lòng, da thịt nàng mát rượi.


Tiếng chuông đồng hồ trên đầu nằm reo báo thức, tôi chồm dậy bấm chiếc nút trên đầu đồng hồ cho tiếng chuông ngưng. Không thấy Edna, tôi bước xuống giường đi lại mở cửa phòng tắm dòm vô cũng không thấy nàng. Ngó qua cái băng, túi xách và quần áo nàng cũng không còn ở đó. Theo phản ứng tự nhiên tôi vội ngồi xuống kéo những hộc tủ coi lại đồ đạc, tiền bạc. May quá, không mất món gì. Ðứng dậy, dòm lên mặt giường, dấu vết mây mưa hồi hôm còn lốm đốm trên tấm ra nhăn nheo, tôi vói tay cuốn tấm ra lại liệng sang một bên, lấy tấm khác trải lên. Xong trở vô bồn tắm đánh răng, rửa mặt. Trở ra thay quần áo, đi xuống bếp, trễ giờ làm việc gần mười phút. Vậy là tôi mất cữ cà phê sáng hôm ấy.
Dĩ nhiên tôi quên ngay hình ảnh Edna trong ngày hôm đó. Tôi chỉ hơi lo, vì hồi nào tới giờ, trong lúc tỉnh rượu cũng như lúc say, ăn nằm với gái lúc nào tôi cũng cẩn thận dùng cạt pốt, nhưng hồi hôm nầy tôi phá lệ. Lòng tôi không yên, mỗi lần đi toilet tôi kiểm soát coi có triệu chứng gì lạ không. Mãi sau một tuần, khi tàu ra tới Belém thấy trong người không có triệu chứng gì khả nghi, tôi mới yên tâm thở phào nhẹ nhõm.


Ở bến cảng Belém, cảnh sát cấm đàn bà, con gái xuống tàu, vì vậy tôi với Chirly khi cần nhau phải dùng khách sạn. Chirly làm nghề vũ khỏa thân cho một hộp đêm tại thành phố nầy vào những ngày cuối tuần. Tôi quen nàng trong những lần đến chơi nơi đó. Nhan sắc Chirly trung bình, nhưng thân hình nàng rất hấp dẫn, nhờ biết cách trang điểm nên trông nàng có phần sang trọng. Tôi thích cặp ngực chắc nịch của nàng và màu da ngâm đen tràn đầy sức sống. Lúc đầu tôi đến với nàng, nàng đòi giá cao. Tôi sòng phẳng. Về sau, mỗi lần đến Belém, tôi thường ‘đi’ với nàng, riết rồi cảm mến, vui chơi với nhau một cách bình thường, nàng không còn móc túi tôi tàn nhẫn và trắng trợn như trước kia nữa.

Hai đêm rồi tôi bận rộn với Chirly, trong người cảm thấy uể oải. Sau giờ làm việc tôi ngã người lim dim rồi ngủ quên cho đến tối. Giựt mình thức dậy thì giờ hẹn đã trễ, tôi lật đật tắm rửa, thay quần áo đi lên bến. Chirly chờ tôi, có vẻ hơi sốt ruột, vừa thấy tôi, nàng trờ tới, tôi định ngỏ lời xin lỗi nàng. Nhưng ngược lại nàng hôn tôi hai cái rồi ngỏ lời xin lỗi vì đêm nay nàng bận chuyện. Nói đoạn nàng ngoe nguẩy bỏ đi một nước. Thường là vậy, đêm nào nàng bận, tức đêm đó nàng trúng mối xộp hơn. Tôi cũng chẳng chào, thả bộ tiếp ra dãy quán.

Những cái quán xập xệ nho nhỏ cất liền nhau ở khu chợ cạnh bờ sông, tôi thích lắm. Chirly chê chỗ đó tồi không thèm đến. Ðêm nay vắng nàng, tôi định men ra đó uống bia và nói chuyện với một cô bán quán cho vui. Tôi vừa bước được vài bước, chợt nghe phía sau có tiếng kêu giựt ngược và tiếng guốc lộp cộp chạy theo.

– Tấn! Tấn! Tấn!

Tôi day lại, ngạc nhiên khi thấy người con gái trờ tới trước mặt. Edna! Nàng ôm chầm lấy tôi hôn chùn chụt, tôi cũng chùn chụt hôn trả lại nàng. Sau màn giáo đầu, buông tôi ra, nàng hỏi:

– Khỏe không?

Tôi gật đầu:

– Khỏe, còn em.

Nàng hôn tôi thêm một cái:

– Khỏe, cám ơn.
– Em về đây hồi nào?
– Hồi trưa nầy.
– Sao đêm đó em bỏ đi mà không cho anh biết để anh đưa tiền cho em?
– Không sao, không sao – nàng chặp hai tay lại với nhau rồi áp lên má, tiếp – đêm đó anh ngủ ngon quá, còn em thì phải về nhà chị em cho kịp chuyến đò sớm.
– Nhà chị em ở đâu?
– Ở bên kia sông Negro.

Bỏ sang câu chuyện, tôi đề nghị:

– Ði chơi với anh nghe?
– Ði đâu?
– Ra dãy quán ngoài khu chợ kia, em thích hôn? Nàng gật đầu rồi câu chặt tay tôi nhí nhảnh tung tăng bước đi như trẻ nít.

Ðêm hôm ấy trời đầy sao, dải Ngân Hà vắt ngang nền trời sáng rực. Ánh sáng mơ màng của những vì sao chỉ đủ để che cảnh vật lờ mờ trên mặt sông. Bên kia bờ, khu rừng thấp lưa thưa vài ánh đèn đom đóm. Hai đứa dắt nhau đi tới một vườn bông, những bụi bông bụp lùm xùm như che chở cho những đôi tình nhân ngồi trong mấy chiếc băng đá, họ ôm nhau trao những nụ hôn nóng bỏng. Chỗ nầy những đêm khuya trai gái thường trần truồng với cảnh màn trời chiếu đất rất tự nhiên, có lẽ cũng vì vậy mà vườn bông trở nên dơ bẩn. Phảng phất mùi nước đái bốc khai. Edna giơ tay lên mũi phác phác, mặt nhíu lại tỏ vẻ khó chịu. Thấy vậy, tôi vội dắt nàng bước quẹo lên dãy quán.

Quán liền nhau thành một dãy. Phía dưới chia ra từng gian bằng cây, không có ngăn vách. Người bán hàng thường là đàn bà con gái, vắng khách người bán hàng bên nầy ngồi day qua đâu mặt với người bên kia tự do tán chuyện. Ðồ nghề trong quán gồm có một tủ lạnh nằm vừa đựng thức ăn tươi vừa giữ cho bia lạnh, một lò ga và một cái chảo. Người ăn cách người bán hàng một chiếc bàn có bày những mâm đựng thức ăn đã nấu sẵn. Khách cần ăn món nào cứ chỉ, chủ nhân sẽ đem hâm nóng lại rồi dọn ra trước mặt. Nơi đây có vẻ bình dân, dưới chỗ ngồi rác rến vương vãi, chó đi loanh quanh tìm thức ăn đổ. Cạnh mỗi dãy quán có một đường mương dài thẳng tới bờ sông, hơi bùn khăn khẳn bốc lên. Tuy không được vệ sinh, nhưng có tình, vì nơi đây gợi lại trong lòng tôi cái xứ sở của một thời xa xưa nào ấy.

Hai đứa tôi chọn một gian có cô bán hàng khá duyên dáng. Cô hàng đứng dậy cười chào, hỏi chúng tôi dùng chi. Edna chọn cơm chiên với đùi gà khìa, tôi chọn cá chiên ăn với rau sống trộn chua. Tối nay tôi với nàng uống bia, hai đứa uống chung một cái ly. Ăn cá, ăn gà bỏ xương xuống đất cho chó gặm.
Ăn, uống xong, tôi day qua nói với Edna:

– Ðêm nay mình ngủ khách sạn nhé?

Nàng gật đầu rồi vói tay lấy hai tấm giấy lau miệng đưa cho tôi một tấm. Tôi cầm tờ giấy, lau miệng qua loa, sau đó kêu cô chủ tính tiền. Xong, chúng tôi dắt nhau ra đường lộ đón tắc xi.

Nơi nầy lúc nào cũng hầm nực, đi ngoài đường một lát, mồ hôi mồ kê tuôn ra rít trịt. Vô khách sạn nhận phòng vừa xong, hai đứa liền cởi đồ vô phòng tắm một cái... Khi trở ra lau mình chưa kịp ráo thì Edna đã câu vật tôi lên giường. Nàng đè đầu tôi xuống bịt lỗ tai bên nầy, kê miệng thổi vô lỗ tai bên kia một cái phù... Tôi chới với, da nổi gai, đầu óc kêu vo vo, cảm thấy mình đang bay bổng.

Theo thói quen, tôi đứng dậy, đi lại chỗ máng quần áo, móc túi lấy hộp cạt pốt – Trong túi quần tôi lúc nào cũng có cạt pốt, có lần thằng bạn người Việt tình cờ thấy được, nó cười chế nhạo tôi là nhát gan, nó còn nói: “Có mắc tim la mới ra thằng điếm!”. Tôi nói lại với nó rằng: “Tôi là thủy thủ chớ không phải thằng điếm.” Tôi trở lại ngồi bên mép giường, nhưng chưa kịp mở hộp cạt pốt ra thì Edna chồm lên chận tay lại, giựt chiếc hộp nhét xuống kẽ nệm rồi kéo tay tôi đặt xuống giữa hai bắp đùi khép lại, hai tay nàng câu vai tôi, đầu lắc lắc, miệng nói không sao, không sao. Ðoạn nàng ôm tôi thật chặt, hôn một cái thiệt dài. Thân nàng uốn éo, miệng nàng rên nhỏ, Edna cũng như những người con gái Ba Tây khác, lúc sướng thường rên la chói lói. Bây giờ tôi mới cảm được cái sung sướng khi gần gũi Edna... Cái sướng tự nhiên như ngọn gió bấc mát rượi thổi lùa ngang mặt sông Pará... Cũng cái mửng cũ, khi xong đâu đó, nàng làm dấu ngón tay trỏ với ngón tay cái thành một vòng tròn, giơ lên môi hôn, miệng nói bom bom, rồi day qua tôi hôn chùn chụt, bom bom..

Hai đứa nằm im lặng hồi lâu, Edna, day qua nói:

– Ngày mai về nhà em ngủ, chớ ngủ ở đây phải trả tiền...

Tôi ngắt lời:

– Thì đây là khách sạn phải trả tiền chớ sao.

Edna giơ tay đấm nhẹ nhẹ lên ngực tôi rồi nói:

– Ðêm nào cũng ngủ ở đây tốn tiền lắm.
– Em có nhà riêng?
– Không, em ở chung với má.
– Anh về nhà má không rầy em à?

Nàng lắc đầu quầy quậy:

– Không sao, không sao đâu.


Hôm sau, tôi với Edna về nhà lúc hơn nửa đêm. Chiếc tắc xi dừng ở đầu ngoài một con đường đất. Dọc phía trái con đường, những cây điên điển trổ bông màu hồng, những cây xoài cổ thụ xum xuê cành lá. Dây điện nối từ cây xoài qua cây điên điển thành hai đường song song, sà xuống gần đụng đọt cỏ. €nh sáng những bóng đèn tròn gắn theo từng thân cây, chiếu xuống trải trên bãi cỏ đã ướt sương. Những tiếng dế than rên rỉ hòa lẫn tiếng côn trùng lúc rền lúc tắt, nghe giống như một điệu nhạc thiên nhiên trên những cánh đồng. Nhớ quá! Nhớ những ngày ruộng khô ở quê hương tôi sau mùa gặt. Hai đứa tôi đi bộ trên con đường đất ngoằn ngoèo, mỗi lần ngang một bóng đèn đường, chúng tôi phải đi nhanh, vì phía ánh sáng chói bầy thiêu thân bay như trấu vảy. Chúng đậu lên đầu lên vai hai đứa tôi, trắng như cô dâu chú rể được rắc bông ngày cưới.

Ði hết một đoạn đường, quẹo vô một con hẻm, Edna dừng lại trước một ngôi nhà có cửa rào bằng sắt. Nhà xây tường, một từng, bề ngang không lớn lắm nhưng nối liền một dãy với những căn nhà lá xập xệ nên trông căn nhà có vẻ đồ sộ. Edna moi bóp lấy chìa khóa tra vô mở cửa sắt, nàng lách mình một bên nhường tôi vô trước. Khi cửa nhà mở, tôi nghe có tiếng thở đều. €nh sáng từ phía sau dọi lên lờ mờ, tôi thấy có hai chiếc võng giăng ngang căn phòng. Edna dẫn tôi chun qua đầu võng, tới chiếc võng kế tôi vấp phải vật gì dưới chưn, chúi nhũi, đầu va vô đầu võng. Tôi nín thở, tim đập thình thịch, nhưng người nằm trên võng thở khì ra, rồi day ngang ngủ tiếp. Qua khỏi hai chiếc võng, vô tới cửa buồng trong. Edna đi tới trước, lấy chiếc đèn bão để trên kệ, vặn tỏ lên soi đường cho tôi. Dãy buồng có ba phòng, Edna dừng lại căn cuối, mở cửa:

– Vô đi anh, phòng của em đó.

Tôi bước vô, nàng vói tay bật công tắc đèn, rồi đi qua đặt chiếc đèn bão trả lại chỗ cũ, vặn tim thấp xuống.

Căn phòng ngăn cách phòng bên bằng một vách ván sơn trắng, giữa bức ván có dán hình Rambo cầm cây M72 loại cải tiến đứng ghìm trong thế thủ. Những lọ nước hoa và son phấn được xếp ngăn nắp trên chiếc bàn nằm bên góc phòng, cạnh bên tủ đứng đựng quần áo là cái giường đôi lót nệm đặt nằm sát vách bên trong. Ðối diện đầu nằm, một cái truyền hình nhỏ kê trên bàn, trên đầu truyền hình có để chiếc quạt máy. Edna bấm nút quạt máy, sau đó nàng mở tủ lấy cái móc kêu tôi cởi áo cho nàng máng vô tủ. Xong nàng tháo bóp da để lên bàn phấn, cởi lớp áo ngoài vắt lên thành ghế, rút khăn lông máng trên sợi dây căng ngang vách, dắt tay tôi đi ra nhà sau.

Nàng dẫn tôi vô phòng tắm, bật công tắc đèn lên. Trong phòng có cái lu nước bằng nhựa màu đỏ, trên miệng lu chuyền một vòi nước. Hai đứa cởi hết lớp đồ còn lại vắt lên sào phơi quần áo rồi lấy ca múc nước dội cho nhau. Edna sợ ướt tóc, nàng nhắc tôi chỉ xối từ vai trở xuống... Xối ào ào một hồi, nước trong lu dựt hơn nửa mái. Edna mở vòi cho nước đầy trở lại. Xong khóa vòi, hai đứa lau mình, bận quần áo rồi trở về phòng.

Hồi mới vô phòng tôi không để ý, trên trần nhà có móc một chiếc lồng căng bằng vành kẽm hình chữ nhựt, phủ bốn bên bằng vải lưới màu hồng, phía dưới cuộn lại một cục tròn. Khi Edna tháo cục tròn xổ xuống tôi mới biết đó là chiếc mùng. Cái mùng chỉ có một góc móc trên trần nhà, nên khi tấn xong trông giống như chiếc lồng bàn chụp lên chiếc giường vậy. Ðã lâu lắm tôi mới được ngủ mùng.
Edna lui cui tấn mùng. Xong nàng kêu tôi vô nằm phía trong, nàng nằm phía ngoài, đầu gối trên bắp tay tôi, tay thoa thoa lên ngực tôi, miệng thủ thỉ:

– Mai đừng ăn cơm dưới tàu, lên đây em nấu cho anh ăn.
– Ờ, mai anh lên – tôi day qua vén tóc nàng và hôn một cái lên trán.
– Edna, em tắt đèn và bớt quạt máy lại rồi mình ngủ, mấy hôm nay anh mệt quá, sáng còn phải làm việc nữa.

Nàng ngoan ngoãn làm theo. Xong, nàng lại nằm nép bên tôi im lặng dỗ giấc ngủ.
Ánh sáng trên trần nhà chiếu xuống làm tôi giựt mình thức giấc. Tôi ngỡ mái nhà lủng, nhưng khi dụi mắt nhìn kỹ mới biết đó là tấm mi ca lợp xen kẽ với ngói để lấy ánh sáng từ bên ngoài. Sáng rồi, tôi lồm cồm trở dậy, không thấy Edna đâu. Bên ngoài có nhiều tiếng cười nói, chắc có lẽ tất cả người trong nhà đã thức. Tôi lấy quần áo bận vô, muốn đi ra ngoài nhưng ngại quá. Ðành ngồi xuống móc thuốc ra hút, chờ Edna.

Tôi hút chưa hết điếu thuốc thì Edna đẩy cửa bước vô, tay cầm bàn chải đánh răng, tóc nàng còn rối bù chưa chải, nàng bận chiếc áo thun trắng dài tới đầu gối. Thấy tôi nàng cười một cái, âu yếm câu vai hôn một nụ, miệng nàng thơm mùi kem, nàng hỏi tôi hồi hôm ngủ được không. Tôi bắt chước thói quen của nàng, làm dấu ngón tay trỏ với ngón cái thành một vòng tròn, giơ lên môi hôn, miệng nói bom bom. Nàng cười, vói tay mở tủ lấy bàn chải đánh răng mới trét kem sẵn, cầm chiếc khăn đi lại kéo tay tôi đứng lên đi ra ngoài.

Bên ngoài nhà bếp và cũng là phòng ăn, tôi thấy ba người con gái đang ngồi quanh bàn, ăn điểm tâm gì đó trong những thau nhỏ. Thấy tôi bước ra cả ba cô cùng chào một lượt “Bom đia”. Tôi gật đầu và “bom đia” lại. Edna dắt tay tôi đi gặp một bà già đứng bên giàn bếp. Edna giới thiệu bà là Mama của nàng. Tôi cúi đầu chào, bà chìa tay ra bắt và chào tôi một câu thông lệ, sau đó bà nói nhiều chuyện nữa mà tôi không hiểu, hễ cứ mỗi câu bà nói dứt tôi chỉ biết gật đầu “sim sim” (dạ dạ) và cười. Thấy bà vui vẻ, tôi yên tâm không ái ngại, cũng không cảm thấy phiền phức mặc dầu ngôn ngữ bất đồng.

Sơ sơ một màn giới thiệu, Edna dẫn tôi qua phòng tắm. Cửa phòng khóa, có tiếng nước xối rào rào bên trong. Edna đấm đấm vô cánh cửa, hối người bên trong. Lát sau cửa phòng tắm mở, một người con trai bận quần cụt, vai vắt khăn lông, tay cầm bàn chải đánh răng đi ra. Thấy tôi, anh ta chìa tay bắt và lại một màn chào buổi sáng, xã giao xã búa thông thường. Sau đó anh nhướng đôi mắt, hất hàm miệng mỉm cười hỏi tôi Edna đẹp không. Tôi giơ ngón tay cái lên gật đầu “bom bom”. Anh ta day ngang chỉ Edna rồi cười như chế giễu, nói gì tôi không hiểu, nhưng Edna lại thẹn rồi đấm lên vai anh ta và đẩy đi chỗ khác, nàng trao khăn và bàn chải cho tôi, kêu tôi vô phòng đánh răng rửa mặt.

Làm vệ sinh cá nhân xong, tôi trở về phòng. Edna đã quần áo tươm tất, ngồi trước bàn phấn cầm lược chờ tôi, nàng đứng dậy đi lấy khăn và bàn chải. Xong kêu tôi ngồi xuống ghế để nàng chải tóc và sửa lại cổ áo.

Khi chúng tôi trở ra, dĩa muỗng đã dọn sẵn trên bàn. Người con trai hồi nãy bận xong quần áo, đầu tóc tém gọn, đứng xớ rớ như chờ đợi. Thấy chúng tôi bước ra, anh kéo ghế mời hai đứa tôi ngồi đối diện. Ba cô gái hồi nãy, một cô đang pha cà phê, hai cô đứng dựa lưng vô vách. Sau phần giới thiệu tên tuổi, tôi biết anh ngồi cạnh tên Max em kế của Edna, cô đứng pha cà phê là vợ Max, vợ chồng Max có đứa con gái gần hai tuổi, còn hai cô gái là hai chị em song sanh, em kế Max, một cô tên Almira, một cô tên Mara. Mama làm thức ăn xong đem xới cho từng đứa, phần bà cũng một đĩa. Sáng nay điểm tâm bằng bắp nấu đường ăn với dừa nạo. Max nói chuyện, pha trò một cách hồn nhiên, nhờ vậy mà buổi ăn sáng không ngớt tiếng cười.

Ăn sáng xong, tôi với Edna từ giã gia đình đi ra lộ. Nàng sợ tôi trễ giờ làm việc, đòi đón tắc xi, tôi đòi đi xe bus. Từ hôm quen nhau tới giờ, Edna lúc nào cũng chiều theo ý tôi.

Xe bus ở thành phố Belém, lên cửa sau, xuống cửa trước. Tài xế và người thu ngân bận đồng phục giống nhau, quần đen, áo sơ mi xanh màu đọt chuối, thắt cà vạt xám tro. Người thu ngân ngồi phía bên trái xe, trước mặt là một chiếc bàn có những hộc đựng các thứ tiền (Cruzado). Hành khách lên xe còn ngồi phía sau chưa phải trả tiền, chừng nào đi ngang chiếc rào lăn trái khế chặn ngang xe mới trả tiền cho người thu ngân, xong mới được đi ra phía trước. Tôi đã đi qua nhiều quốc gia tự do, nhưng chưa thấy nơi nào xe bus rẻ mạt như xứ nầy. Nghe đâu Ba Tây sản xuất được một loại rượu cao độ bằng mía đủ cung cấp cho xe hơi – xe hơi ở Ba Tây hầu hết chạy bằng rượu mía – cho nên xe bus mới rẻ như vậy. Buổi sáng người đi làm rất đông. Xe chật ních, có người đeo phía sau cửa đứng suốt đoạn đường. Ðến trạm bến cảng, tôi xuống, còn Edna đi thẳng ra chợ....

Hơn ba năm trời đi đi lại lại xứ nầy, lần đầu tiên tôi được ngắm một buổi sáng đẹp lộng lẫy như hôm ấy. Lòng tôi phơi phới vui tươi đón nhận không khí trong lành của một ngày mới bắt đầu. Cách đây không lâu, tôi đến với Chirly hoặc những người con gái khác bằng sự tham lam, vội vã với những đêm thâu, bia, rượu, thuốc lá và dục tính. Sáng xuống bến đầu óc nặng trịch, lầm lũi bước đi, không muốn nhìn cảnh vật chung quanh. Ðôi lần tôi cộc cằn cự nự với anh gác cổng chỉ vì anh ta chận tôi lại xin thuốc hút. Thời gian đó tôi sống không tình cảm, đến nỗi dửng dưng, lạnh lùng, khinh khi, coi rẻ những người chung quanh. Tôi đến đây để hưởng thụ cho thỏa mãn, rời khỏi đây tôi lãng quên không nuối tiếc.

Bây giờ thì khác. Tôi đứng trên bến cảng Belém. Mặt trời đã lên khỏi dạng rừng bên kia sông rồi, nhưng tôi chưa vội xuống tàu. Tôi còn đủ thời giờ đứng vịn hàng rào bến cảng, ngó mặt ra giữa dòng sông Pará để hớp ngọn gió trong lành của buổi sớm mai. Coi kìa, những công nhân bến cảng tụm năm tụm ba dưới tàng cây xoài vừa hút thuốc vừa chuyện trò ra vẻ vui lắm. Một ông già bước đến xin tôi điếu thuốc, tôi cho hết nguyên bao. Những cảm nghĩ và việc làm của tôi sáng hôm ấy không hề có trước đây. Có chăng là sự bố thí cho những người ăn xin, là hành động của một người đến từ nơi thừa mứa vật chất, ban ân và thương hại, chớ không san sẻ với tấm lòng.

Ðoàn công nhân bến cảng lần lượt xuống bến, tôi cũng bước theo họ đi xuống tàu. Lòng tôi bịn rịn, tiếc nuối một buổi sáng đẹp trời với nắng vàng trải khắp mặt sông.


Những ngày sau đó tôi dặn Edna đừng xuống bến đón tôi, tôi hứa sẽ lên nhà sau giờ làm việc. Nàng có thắc mắc hỏi vì sao, tôi chỉ trả lời là tôi không thích. Dĩ nhiên Edna không làm những gì tôi không thích. Thiệt ra tôi không muốn nàng chạm mặt Chirly để tôi có thời giờ giải quyết ba cái chuyện lủng củng nầy.
Nói giải quyết, chớ thiệt tình tôi cũng chẳng giải quyết được gì. Chỉ còn cách lánh mặt Chirly cho yên chuyện, nhưng có yên được đâu. Buổi chiều sau giờ làm việc, tôi lên bến, tà tà ra lộ đón xe bus về nhà Edna. Trên đường đi tôi dòm quanh rất kỹ để tránh mặt Chirly, nhưng đi vừa tới gốc xoài, bỗng Chirly từ gốc bên kia bước ra chận tôi. Nàng lạnh lùng hỏi:

– Tại sao anh đi với con nhỏ khác?

Lỡ rồi tôi ngang luôn:

– Có sao đâu, em cũng đi với người khác vậy!

Bất thình lình, không nói, không rằng, nàng giơ xách tay lên xáng thẳng vô mặt tôi. Không biết trong túi xách đựng cái giống gì cứng ngắc, khi chạm vô sống mũi làm tôi đau điếng, nổi đom đóm. Tôi bụm mặt, khom xuống. Một hồi lâu sau bớt đau tôi cảm thấy lỗ mũi nhột nhột, bàn tay nong nóng. Tôi giơ bàn tay ra coi, trời đất!... Máu đỏ lòm trong lòng bàn tay. Ngó lên, Chirly bỏ đi đâu mất, còn người ta thì bu lại rất đông. Tôi quê quá, tay bụm mũi co giò chạy trở xuống tàu.

Chuyện xô xát, có khi đến bắn giết xảy ra ở xứ Ba Tây như cơm bữa. Thằng thợ máy tàu tôi, năm trước lên bờ cũng vì tranh giành gái mà bị khắc nhượng phải nằm nhà thương cả tuần lễ, may là không đứt gân. Khi nó lành bịnh, xuống tàu tôi có nói giỡn với nó: “Chúa dạy hễ người ta đánh mình bên má nầy thì đưa gò má bên kia cho người ta đánh thêm cái nữa, còn mầy bị khắc nhượng có một chưn sao không đưa chưn kia cho nó khắc luôn như vậy mới đúng lời Chúa dạy”. Hôm ấy tôi bị chảy máu cam mang xuống tàu, anh ta lấy bông, lấy thuốc cầm máu cho tôi, đợi lúc tôi tỉnh táo rồi nó mới lại ngồi bên cười hì hì, vỗ vai tôi:

– Hồi nãy tao thấy mầy chảy máu có một lỗ mũi, sao mầy không kêu con nhỏ đập thêm một cái nữa cho lỗ kia chảy máu, có như vậy mới đúng lời Chúa dạy.

Tôi nhìn nó cười cầu hòa, rồi đi vô phòng bếp mở tủ lạnh lấy bia ra mời nó uống. Ðêm đó tôi đi tắc xi lên nhà Edna chớ không đi xe bus như thường bữa.

Ăn một xách tay xịt máu mũi, vậy mà có yên được với nàng đâu. Sau nầy hễ mỗi lần gặp tôi là Chirly chạy lại thoi vô mặt, đá vô mông, níu áo đòi mười đô. Chuyện đã rồi, tôi không giận gì Chirly. Suy cho cạn, nghĩ cho cùng là lỗi do tôi, tự nhiên bỏ nàng không nói một lời, thử hỏi như vậy ai mà không tức. Sau này mỗi lần gặp mặt, không đợi nàng kiếm chuyện, tôi cứ móc tiền đưa nàng, lúc mười đô, khi hai chục. Dần dà tôi không cần phải lánh mặt Chirly nữa, đôi khi lén Edna dẫn nàng đi ăn nhà hàng hoặc vô những bar mà nàng thích. Chirly tuy giòng giống Indian nhưng tánh tình còn tốt hơn nhiều người học đòi văn minh, tự xưng trí thức gì đó mà tôi gặp nhan nhản khắp xã hội Tây phương. Nàng giận thì đùng đùng như vậy, qua rồi thì thôi. Về sau nàng không còn đòi tiền tôi nữa. Có bữa nàng nói với tôi: “Anh muốn dứt tình với em thì anh cứ nói, làm gì mà trốn em. Bộ anh sợ em ăn anh hả?”. Té ra những chuyện tôi làm vừa qua nàng đều biết hết.

Sóng gió coi như đã qua, những ngày sau đó đến cảng nầy, tôi với Edna sống với nhau như vợ chồng trong một mái ấm gia đình có má và các em.

Mỗi buổi chiều tôi lên nhà, Max mua bia về, hai anh em ngồi lai rai tán vài mẩu chuyện vui, sau đó Max đi nơi khác để tôi với Edna được tự do. Mặc dầu nói chuyện tiếng được tiếng mất, quơ tay múa chưn, đôi lúc khó khăn chúng tôi phải dùng tự điển, vậy mà Almira và Mara rất thích trò chuyện với tôi. Có khi tôi với Edna dẫn hết cả nhà đi ăn nhà hàng hoặc đi xi nê. Dần dà ai cũng thương tôi. Ðôi lúc nhớ lại những ý nghĩ coi thường Edna lúc đầu, tôi day ngang ôm nàng âu yếm nói:

– Edna, anh xin lỗi em.

Tự nhiên nghe tôi nói vậy, nàng ngơ ngác, rồi ôm hun tôi chùn chụt, nói không sao không sao, không sao mà. Edna có tật ngủ hay rúc đầu vô nách tôi và ôm tôi suốt đêm. Có khi đương ngủ nàng thức dậy khèo tôi:

– Tấn! Tấn! Tấn!
– Gì đó cưng?
– Về sau anh đừng có đánh em à nghen.

Tôi vuốt lên tóc nàng:

– Em có làm gì đâu mà anh đánh em.

Nàng thủ thỉ:

– Ðàn ông Ba Tây hay đánh đàn bà lắm. Ba em cũng vậy, bị mù, nhưng đàn bà theo ông nhiều lắm, ông ở hết bà nầy tới bà kia, bà nào cũng bị ông đánh chửi tàn nhẫn.

Chuyện nầy nghe nàng nói tôi mới nhớ. Có cái ông hàng xóm sáng trưa chiều tối, bất kể, hễ gặp tôi là ông gút-mô-ning rồi xin thuốc hút. Có đêm không hiểu cớ gì mà ông lôi vợ ra đánh chửi làm rùm beng cả xóm. Lâu ngày sống đất Âu châu tôi không thấy cảnh nầy, nên khi thấy lại cũng vui vui. Tôi có nói với Edna về ý nghĩ của mình, nhưng nàng không thích. Nàng than với tôi người đàn bà Ba Tây khổ lắm... Tôi hỏi Edna:

– Bộ ba giàu lắm sao?
– Không, ba nghèo lắm.
– Ba nghèo, mà lại mù làm cách nào đàn bà đeo theo và chịu khổ với ông như vậy?
– Ba mù nhưng ông rờ giỏi lắm, ông chỉ rờ phía dưới là biết con gái liền.

Nói tới đó nàng cười ré lên, tôi phải bụm miệng nàng lại, sợ phòng kế bên vợ chồng thằng Max giựt mình.
Gần gũi với Edna tôi rất là hạnh phúc. Nàng không đòi hỏi ở tôi cái gì hết, tiền tôi đưa bao nhiêu nàng lấy bấy nhiêu, không chê nhiều ít. Có lần nàng nói với tôi là nàng cần tôi chớ không cần tiền. Mỗi bận về lại Âu châu tôi mua cho nàng son phấn, dầu gội đầu, quần áo, nàng rất vui mừng khi nhận những món quà tôi trao tặng, những món đồ ở nơi thừa mứa vật chất các cô chê ‘rẻ tiền’, nhưng khi tặng Edna tôi rất cảm động vì biết nàng nhận bằng tất cả tấm lòng.


Ngành hàng hải ở Hòa Lan có hai loại công tra. Người nước ngoài đến làm việc ký công tra một năm mới được nghỉ một lần, nghỉ ngắn hạn dài hạn tùy ý, ngày nghỉ hãng tàu không trả lương. Thủy thủ Hòa Lan hải hành bốn tháng về nghỉ hai tháng, hai tháng nghỉ lãnh lương đủ. Tôi sống ở Hòa Lan, dĩ nhiên được hưởng quy chế theo người Hòa Lan. Ðối với người Hòa Lan, sau bốn tháng làm việc, khi xách chiếc va-li lên bến trở về, sự hân hoan lộ rõ trên nét mặt, họ chào tạm biệt một cách vội vã như sợ trễ tắc xi, bước đi như trốn chạy không quay nhìn lại chiếc tàu dù chỉ một lần. Chuyện cũng dễ hiểu, vì những người thân của họ đang chờ đón họ ở một sân ga hoặc phi trường nào đó. Còn tôi, suốt mười năm qua làm thủy thủ tàu, nhưng ít khi tôi tự ý xin về nghỉ, chỉ khi hãng tàu thấy ngày nghỉ của tôi dồn nhiều quá, mới bắt tôi về nghỉ cho hết ngày để tụi nhân viên điều hành ở công ty tiện bề sổ sách. Chuyến nầy đây, đúng lý hãng cho tôi về hôm ở Heysham, nhưng tôi kèo nài, năn nỉ ông thuyền trưởng cho tôi đi thêm chuyến nữa. Ngày nghỉ chồng lên hơn năm tháng rồi, đi thêm chuyến nầy về là sáu tháng chẵn. Nhớ tới sáu tháng ở đất liền tôi ngán ngẩm. Tôi sẽ sống trên bờ vào mùa đông, nơi có gió và tuyết lạnh..., lạnh cũng như cái tình đời, tình người ở nơi đó.

Chuyến trước, tàu ghé Barbados, tôi mua cho Edna chiếc áo thun màu xanh nước biển, trước ngực có in hình cánh buồm. Chiếc áo rộng quá mà nàng không dám chê cứ lấy ra bận hoài, bị vợ thằng Max chọc quê đến phát khóc. Vậy mà nàng không nói lại với tôi. Ðến khi Almira cho tôi biết, tôi mới kêu nàng cất chiếc áo đó và hứa sẽ mua cho nàng chiếc áo khác.

Chuyến nầy về nghỉ, khi trở lại hải hành không biết có đi tuyến đường nầy nữa không, hay là đổi qua tàu khác, đi tuyến đường khác. Hôm tàu ghé lại Las Palmas tôi có mua cho nàng chiếc áo tơ màu trắng và một số quà cáp cho gia đình. Ngoài ra tôi cũng có chuẩn bị một số tiền, nếu chuyến sau có trở lại nữa thì càng hay, không thì coi như số tiền tôi tặng nàng lần cuối.

Trước khi tàu ghé cảng một hai ngày, lần nào tôi cũng điện tín cho Edna để nàng ra đón. Kỳ nầy chuyến chót, tôi phải cộng hết tất cả đồ dự trữ trong kho lại để bàn giao cho thằng đầu bếp mới. Bận rộn suốt cả ngày nên hồi tàu cặp bến tôi không có thời giờ lên cổng để mừng Edna. Lần quần đến khi xong việc trời vừa xâm xẩm tối. Tôi lên phòng tắm, tắm rửa thay quần áo. Xong, tôi gom hết những vật mà tôi mua hôm trước bỏ vô bọc ny-lon rồi quảy tòn ten đi lên bến. Edna ngồi chờ tôi dưới gốc một cây xoài, thấy tôi nàng trờ tới ôm hun lia lịa, nước mắt chảy dài hai bên má. Tôi ngạc nhiên hỏi vì cớ gì. Nàng chậm nước mắt giọng nghẹn ngào:

– Em ngồi đấy chờ anh hồi sáng tới giờ.
– Trời đất! – Tôi giựt mình hỏi – Em có ăn uống gì chưa?

Nàng không nói, chỉ nhìn tôi lắc đầu. Tôi giơ tay lau nước mắt rồi hun lên má nàng một cái:

– Edna, anh xin lỗi em.

Ðoạn tôi dẫn nàng đến một sạp bán bánh mì gần đó, mua hai ổ bánh mì thịt và hai ly nước cam. Mặc dầu tôi mới ăn cơm ở dưới tàu, vẫn còn no, nhưng cũng phải ăn với nàng, nếu không nàng sẽ không chịu ăn. Chúng tôi vừa cạp bánh mì vừa đi lần ra bến xe bus.

Hai đứa về nhà thì trời đã tối. Almira đang ngồi trên chiếc ghế nệm trước phòng khách. Thấy tôi nàng trờ dậy ôm, hun mừng rỡ. Ở nhà sau, Mama với vợ chồng thằng Max cũng chạy ra mừng tôi. Sau màn hỏi thăm sức khỏe, tôi lấy sô cô la cho Almira một phần. Mara đi chơi đâu đó nên phần của nó tôi gởi luôn cho Almira. Phần Mama tôi có mua chiếc khăn lông khổ lớn, vợ Max thì một lố xà bông Lux. Max hồi nãy chào tôi rồi bỏ đi ra ngoài, bây giờ trở về hai tay cầm hai chai bia lạnh, nó kêu tôi vô nhà sau. Tôi trao phần quà còn lại cho Edna rồi cùng nàng đi ra nhà sau. Mấy người kia còn ngồi mân mê những món đồ tôi vừa tặng.

Max để bia lên bàn, đi qua bếp lục nồi xúc ra một đĩa tép rang, mở tủ lấy ba cái ly để lên bàn rồi khui bia rót ra ly. Edna cũng đi lại bếp định lục nồi. Tôi đến bên nói với nàng đừng ăn gì hết để lát nữa sẽ dẫn nàng đi ăn pizza, món mà nàng thích nhứt. Nghe tôi nói với Edna như vậy, Max chen vô:

– Muốn đi đâu thì đi, nhưng phải uống bia với tôi trước mới được.

Tôi với Edna lại ngồi uống bia với Max. Chúng tôi uống hết hai chai bia và nói vài câu chuyện vui. Xong Max đứng dậy đi ra đằng trước. Edna nắm tay tôi kéo vô phòng đóng cửa lại, nàng thẩy gói đồ lên bàn phấn, day ngang câu cổ tôi hôn một cái thiệt dài. Tôi câu nàng vật xuống giường và ôm xiết chặt nàng trả lại những cái hôn. Edna la ái ái, xô tôi ra, tay vỗ nhè nhẹ lên bụng nói:

– Cẩn thận anh, coi chừng em bé.

Trời đất! Tôi bật dậy như chiếc lò xo bung, bồng nàng lật ngửa lên, vén áo ra, áp tai lên bụng, không hiểu sao tôi làm vậy chớ nghe được khỉ khô gì. Edna uốn éo, tưởng tôi giỡn với nàng hay sao mà cứ vừa cười vừa nói: “Papa Tấn, Papa Tấn...” Trong lúc tôi rầu thúi ruột thúi gan. Ngóc dậy dòm cái bụng, cái bụng không lớn, nhưng sự thay đổi khác thường cũng đủ cho tôi không nghi ngờ được nữa... Edna có chửa thật rồi!


Trăng tròn và sáng, bầu trời không áng mây bay. Mặt trời từ xa chen chiếm mặt trăng. €nh sáng chầm chậm thu lại. Hơn nửa giờ sau trời tối sầm. Bây giờ mặt trăng chỉ còn tròn vo màu nâu thẫm nằm chung với những vì sao. Lâu lắm rồi tôi mới theo dõi được một đêm nguyệt thực như vầy.

Tôi với Edna ngồi bên ngoài cửa một nhà hàng, cạnh bến sông. Nàng ăn pizza, tôi ăn cua luộc chấm muối tiêu vắt chanh, hai đứa uống rượu chát. Ngồi đây chúng tôi nhìn rõ được bến tàu đò bên cạnh hè của nhà hàng. Dưới sông giờ nầy tàu chở hàng bông ra nườm nượp. Nào chuối nải, cải tươi, dưa leo, dưa hấu, cà chua, rau dền... lần lượt cập bến. Những người phu khuân vác đứng nối nhau chuyền hàng lên bến, chất gọn thành đống trên sân xi măng. Ðám con nít bu quanh rình mò ‘chôm chĩa’, bất chấp chủ hàng cầm roi dọa la ỏm tỏi. Edna thấy tôi chăm chú nhìn đám con nít, nàng nhìn theo và nói:

– Những đứa nhỏ đó không ba, không má.

Không ba, không má trở thành đá cá lăn dưa, đánh giày, móc túi, ngủ vỉa hè, bờ bụi ở xứ Ba Tây nầy nhiều vô số. Edna kể cho tôi nghe, phần đông đàn bà Ba Tây có rất nhiều con mà không có chồng. Có người chửa vô nhà thương đẻ xong, bỏ con lại trốn đi... Tôi kéo ghế đâu lại dựa ngửa ra sau, đỡ Edna day lại ngã vô ngực tôi, ra dấu cho nàng đừng nói nữa. Thấy tôi trầm ngâm yên lặng, Edna tìm cách gợi chuyện, nàng lúc nào cũng muốn làm tôi vui, chỉ tay lên mặt trăng nàng nói:

– Tấn! Lua amor!

Lua là mặt trăng, amor là tình yêu. Tôi ngó lên thấy mặt trăng tách mặt trời gần phân nửa. Trước đây, thấy trăng đẹp nàng cũng hay nói lua amor, cái câu nàng thích thú khi nói ra thường được tôi ôm vào lòng và tặng nụ hôn thiệt dài. Hôm nay lòng tôi rối bời, chỉ vuốt nhẹ mái tóc và ôm nàng thiệt chặt. Edna còn ngây thơ quá, cứ nói, cứ cười một cách hồn nhiên. Có khi nào nàng nghĩ đến ngày sanh nở mà không có người yêu bên cạnh cùng chia xẻ đau đớn, vui mừng, và cùng lo cho tương lai đứa nhỏ. Tương lai! Nghĩ tới đây tôi buồn quá, nếu đứa nhỏ chào đời trong cảnh thiếu thốn và lớn lên trong một xã hội xô bồ xô bộn như vầy, không được dạy dỗ rồi nó sẽ lăn vào cuộc sống như những đứa con hoang ở đây thì tội lỗi đó là do tôi, do nàng chớ không thể đổ thừa cho hoàn cảnh xã hội được. Tôi phải làm sao bây giờ? Trong khi tôi là một người lang bạt không nhà cửa, không quê hương. Phải chi tôi đừng có một quá khứ đau buồn và sống một cách hồn nhiên bên bờ sông Pará nầy. Ðừng suy tư, đừng nghĩ ngợi gì hết thì tôi sẽ cùng Edna sống bên nhau cho đến bạc đầu, hạnh phúc biết là bao. Ý nghĩ bỏ hết tất cả những gì để trở về đây sống với nàng, nhận quê hương nàng làm quê hương mình vừa nhen ở trong đầu, tôi liền xua đuổi. Không, tôi không thể nào... Bạn đừng thắc mắc hỏi vì sao, chuyện tôi tôi đã không thể giải quyết được thì làm sao tôi cắt nghĩa. Chừng nào bạn sống cuộc đời lang bạt như tôi và biết quý yêu cuộc sống lang bạt của mình, lúc đó bạn sẽ hiểu vì sao người như tôi không thể nào quyết định được chuyện lâu dài cho tương lai.

Tôi lần túi móc ra bốn trăm đô la định trao nàng, nhưng tôi ngần ngại. Món nợ tôi vay nàng lớn quá, số tiền lại ít oi. Cuối cùng tôi không dám đưa thẳng cho nàng. Tôi rình mò như tên trộm, lấy chiếc bóp da của nàng mở ra nhét hết số tiền vô rồi nhẹ nhàng đóng lại.

Hai đứa tôi yên lặng ngồi bên nhau, lâu lâu nhấp một hớp rượu. Sự trầm ngâm yên lặng bị phá tan bởi những tiếng quát tháo ỏm tỏi, rùm beng trên bến tàu. Tôi đứng dậy, hai tay vịn lên hàng rào trước quán dòm qua. Edna cũng đứng dậy nép bên tôi. Tôi thấy một em nhỏ trạc chín mười tuổi, quảy một chiếc bao trên vai có vẻ không nặng lắm. Em chạy thoăn thoắt, tuột xuống bực thạch, chui qua sân cầu. Ở trên bờ, một đám người cầm cây phang theo vù vù và chia nhau dí em trên thềm bực thạch. Em hết đường chạy nên cứ vòng quanh dưới sàn cầu. Một người đàn ông vạm vỡ, nhào xuống chụp bắt em lôi xệt lên. Một người con trai nhào xuống nắm giữ chiếc bao... Em nhỏ mồ côi! Người ta bắt em để giữa sân gạch. Hai tay em giơ lên ôm đầu, người co lại như con tôm kho tàu. Bất chấp... bất chấp những cái tát nẩy lửa, những cú đá thẳng giò. Không nghe tiếng em khóc, mà em chỉ nghiêng qua nghiêng lại để đón nhận trận đòn. Tôi nghĩ trong chiếc bao em đeo chỉ có một trái dưa hấu, hay một nải chuối là cùng, mà em phải đổi lại một trận đòn dã man như vậy.

Tôi không muốn dòm cảnh tàn nhẫn quá. Day ngang dìu Edna ngồi xuống. Ðêm nay chúng tôi ăn uống hơi chậm. Chai rượu còn hơn nửa, cái pizza của Edna còn phần tư, con cua của tôi còn một miếng. Tôi bưng ly lên nhắp một hớp rượu rồi để xuống, cầm miếng cua lên, day qua nói với Edna:

– Em ăn bánh đi, bỏ uổng lắm. Em thấy hôn, em nhỏ hồi nãy cũng tại vì thiếu ăn.

Edna nghe tôi nói, ngoan ngoãn ngồi ngay ngắn lại, ăn hết miếng pizza một cách ngon lành.

***

Nguyễn Lê Hồng Hưng có nhiều sáng tác đã được đăng trên một số lớn tạp chí văn học tại Hòa Lan, Đức, Hoa Kỳ. Trong giới sáng tác tại Hòa Lan, anh là một trong những người viết đều và phong phú.


Cái Đình - 2003