Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cẩn Thận
Đến giữa tháng tư, vùng ven biển Trung Bắc Phần Lan vẫn còn lạnh và mưa rỉ rả suốt ngày đêm, nước đọng vũng hai bên đường. Chiếc tắc xi đưa tôi và Robbert, viên thợ máy, xuống tới tàu thì đã hơn một giờ khuya. Muljono, ông đầu bếp già, còn thức chờ chúng tôi xuống để giao chìa khoá. Robbert nhận chìa khoá xong liền rinh đồ lên phòng. Muljono day qua đưa chìa khoá cho tôi và dặn tôi cứ việc ngủ, công việc sáng ngày mai để ông lo.
Vậy thì tôi yên tâm đánh một giấc thẳng cẳng. Khi tôi thức dậy, thay quần áo, xuống phòng bếp thì mọi người đã ăn sáng xong và Muljono cũng đã dọn dẹp sạch sẽ. Thấy tôi xuống ông rót cà phê ra mời. Nhâm nhi tách cà phê tôi bắt chuyện:
– Mấy giờ ông bay?
– Bốn giờ chiều, nhưng mười hai giờ trưa tao phải có mặt trên phi trường.
– Đổi người ở đây đường bay thì ngắn, nhưng chờ đợi lâu lắc, hôm qua tui với Robbert chờ ở Helsinki từ ba giờ trưa tới mười một giờ đêm.
– Tao ghét nhứt là cảnh ngồi la lết trong phi trường.
– Ông về thẳng In Đô hay còn phải đổi chuyến bay?
– Phải đổi một trạm ở Đức.
– Đi được mấy tháng rồi?
– Bảy tháng.
– Bảy tháng trời lênh đênh, chờ đợi chỉ ngày nầy.
– Sao mầy qua tàu nầy.
– Công ty đổi tàu nào thì mình đi tàu đó. À, ông về nghỉ được mấy tháng?
– Hai tháng.
– Hải hành hơn nửa năm trời, về nghỉ ít vậy?
Ông đưa ngón tay cái và ngón trỏ ra chà chà:
– Tiền.
Tiền thì ai cũng ham nhưng mỗi khi nói động tới nó thì câu chuyện thường hay lơ lửng... Hồi sau Muljono cho tôi biết:
– Viên thuyền trưởng người Bun ga ri, ông bắt tao mỗi bữa phải bưng phần ăn lên phòng cho ông ta.
Tôi hỏi:
– Ông ta bị què hả?
Muljono trả lời:
– Đâu có, ông không chịu ngồi chung với mấy thằng Ukrainia:
– Con cháu Mác, Lê với nhau mà cũng phân biệt à. Rồi ông có bưng lên cho ông ta hông?
– Phải vậy thôi.
Tôi gằn giọng:
– Phải!
– Ông ta mới xuống tàu một tháng mà tao bị stress.
– Ghê vậy, khủng bố hả?
– Ngày nào ông ta cũng gọi điện sai tao làm nầy làm nọ, có khi mười hai giờ đêm ông gọi tao dậy lấy sữa hoặc lấy trái cây đem lên cho ông.
*
Gần cả cuộc đời chung chạ với người ngoại quốc đã tập cho tôi tánh xét người qua tư cách hơn là màu da chủng tộc. Trong đời tôi ghét nhứt những tên ỷ có chức vụ lạm dụng quyền hành ăn trên ngồi trốc, bóc lột kẻ dưới. Cho nên khi nghe Muljono nói về viên thuyền trưởng, trong lòng tôi cũng có chút ấn tượng không tốt về ông ta. Nhưng dù sao tôi cũng chưa biết ông là người như thế nào. Thường những đầu bếp người In Đô mới đổi xuống hay lo lắng hỏi về tánh tình thuyền trưởng và khi trò chuyện thì hay than phiền những thói xấu của ông ta. Trên tàu chuyện con ếch thổi phồng thành con bò cũng khá phổ biến, nên tôi dè dặt nói:
– Chờ xem.
Muljono dẫn tôi vào phòng dự trữ thức ăn để chỉ cho tôi biết những chỗ để đồ. Vừa bước vô phòng, tôi dội ngược vì nghe mùi hôi của rau úng nực nồng và đồ đạc vứt ngổn ngang giống như kho chứa hàng phế thải. Thấy tôi nhăn mặt khó chịu, Muljono liền phân trần, phòng lạnh bị hư cả tuần rồi, đồ đông đá tan ôi hết mà thuyền trưởng không cho liệng bỏ. Tôi hỏi:
– Để ổng ăn hả?
– Tao hổng biết.
May mắn là cái thùng đông đá không bị hư, một số thịt cá được ông dồn vô đó, chừng đó thịt cá cũng đủ ăn vài tuần. Thấy trước sau gì mọi việc cũng sắp xếp lại hết nên tôi nói với Muljono:
– Ông lên tắm rửa thay quần áo chuẩn bị lên đường, cái nầy để đó cho tui.
Tiếng điện thoại reo trong phòng bếp. Tôi đi vô bếp bắt ống nghe. Viên thuyền trưởng gọi tôi đem giấy tờ lên làm thủ tục xuống tàu và nhắn Muljono lên nhận giấy tờ để rời tàu. Tôi vô phòng lấy pasport và seamen’s book cùng với Muljono lên phòng thuyền trưởng.
Sau khi viên thuyền trưởng trả giấy tờ lại cho Muljono, Muljono cầm lấy rồi đứng qua một bên. Tôi đưa giấy tờ cho viên thuyền trưởng xong, định day lưng, chợt ông kêu tôi lại nói:
– Công việc tui nhiều lắm, không có thời gian xuống phòng ăn, vì vậy mỗi bữa bếp phải dọn thức ăn trên phòng làm việc cho tui và sau khi ăn xong bếp lên dọn dẹp, được không?
Tôi nhìn viên thuyền trưởng già, đoán chừng ông trên dưới sáu mươi, thân thể ông, đúng ra là một đống thịt, ước chừng nặng hơn trăm ký, mặt bủng xì bủng xịt và nọng như nọng heo, đây là một trong những con người thích ăn trên ngồi trốc, hay lăm le quyền lực hù doạ người khác, đầu óc luôn luôn có vấn đề... Với loại người nầy không cần phải dài dòng, tôi trả lời gọn:
– Không.
– Tại sao?
– Tại vì tui không phải phục vụ viên.
Thấy ông lưỡng lự, tôi bồi tiếp:
– Như ông đã biết, mọi người trên tàu ăn sáng lúc bảy giờ rưỡi, trưa mười hai giờ thủy thủ ăn, mười hai giờ rưỡi là giờ ăn của officers, buổi ăn chiều năm giờ rưỡi, dĩ nhiên là trong phòng ăn.
Giọng ông cộc lốc:
– Tui biết.
– Tốt.
Tự nhiên ông chỉ qua Muljono và đổi giọng nhẹ nhàng:
– Muljono làm cho tui hết, luôn cả chuyện giặt đồ.
Như để chứng minh, ông hất mặt hỏi Muljono:
– Phải vậy không ?
Muljono cung kính gật đầu:
– Yes sir...
Nhìn thái độ khúm núm của Muljono và gương mặt cáo già viên thuyền trưởng, tôi muốn chưởi thề một cái, nhưng thấy hai ông già đầu, tóc bạc. Không nỡ nặng lời, tôi nói:
– Thì ra Muljono lo phục cho ông nên không có thời giờ dọn dẹp, để từ phòng bếp cho tới kho lương thực giống như chỗ chứa đồ phế thải.
– Tại phòng lạnh bị hư.
– Đó không phải là nguyên nhân bừa bãi, thôi được, khỏi nói tới nói lui nữa làm gì, nếu Muljono phục vụ tốt, thì ông gọi về công ty đề nghị giữ ổng lại và cho tôi về.
Nghe tôi dứt khoát, viên thuyền trưởng không nói được lời nào. Thấy cũng không còn lý do gì đứng lại đôi co với ông nữa, tôi nói:
– Ông còn dặn gì không, nếu không thì tui xuống làm công chuyện. Tôi day lưng đi khỏi cửa phòng, chợt nhớ ra. Tôi quay lại chỉ chỉ ngón tay lên khoảng không trước mặt nói:
– À nè, tui tạm thời làm việc, ông gọi báo cho công ty về chuyện của tui càng sớm càng tốt.
Không đợi ông trả lời tôi day lưng bước ra ngoài và đi thẳng xuống phòng bếp. Muljono theo sau, khi tới phòng bếp ông hỏi tôi:
– Mầy nói vậy ổng bắt tao ở lại thì sao?
Cái ông già vô lý hết sức, thuyền trưởng tư cách gì bắt ông ở lại, tuy nhiên thấy ông lo lắng, tôi doạ chơi:
– Ai biểu ông gây rắc rối, cho ở lại thêm vài tháng cũng vừa.
– Tao gây rắc rối gì đâu?
– Nếu ông hổng dưng bánh mì, trái cây, dời cà phê, nước ngọt cho ông ta thì đâu có chuyện.
Muljono bối rối, vừa đưa tay lên gãi gãi cái đầu bạc trắng vừa nói:
– Dù sao mầy cũng là người Hoà Lan.
Không hiểu sao có số người In Đô, hễ thấy thằng nào da trăng trắng, mắt nâu nâu thì sợ hãi khúm núm dạ dạ thưa thưa, cam phận cho họ sai khiến. Ông Muljono là một trong số người nầy. Nói thật sợ mất lòng nên tôi lái qua chuyện khác:
– Người Hoà Lan cái con khỉ khô, tui thấy nhiều đồng nghiệp người In Đô của ông, gặp những tên officers cà chớn họ chưởi thẳng mặt, còn tên nào dám hỗn hào, họ khạc nhổ hoặc lấy những chất dơ dáy trong người bài tiết ra trộn vô thức ăn dọn cho ăn. Còn tui nói để ông ta học hỏi thêm, vậy là tử tế với ông ta lắm rồi.
Muljono cười hì hì:
– Thuyền trưởng mà học mầy hả?
– Sao không, thời đại của ông ta chỉ học cách làm ông làm cha người khác, chớ chưa học được cách làm người.
– Mầy nói quá.
Tôi chỉ tay qua ngực Muljono:
– Sao lại quá, nếu ông ta có tánh người thì đâu lợi dụng ông.
– Nhưng dù sao hợp đồng tao khác hơn mầy.
Thiệt ra thì chuyện hợp đồng đâu có liên quan đến luật lao động. Tôi định giải thích cho ông nghe về luật lao động, nhưng biết tánh ông quen lòn cúi, có nói thì cũng như nước đổ đầu vịt, chỉ còn cách nói cho qua:
– Nếu ông không dám nói thẳng thì nên học cách làm của mấy bạn đồng nghiệp của ông.
Muljono cười sằng sặc:
– Dơ dáy quá.
– Có những tên đầu óc còn dơ hơn, cho ăn bẩn một chút có thấm vào đâu.
– Mầy có làm lần nào chưa?
– Chưa.
Muljono trợn mắt:
– Sao mầy kêu tao làm?
– Tui chỉ cần nói vài câu thì đã giải quyết xong chuyện, nên tui đâu có cơ hội phục vụ cho thuyền trưởng và không bị stress thì đâu cần xả stress.
Ông đứng bành cái mặt ra, không nói thêm gì, thấy vậy tôi kêu ông:
– Thôi, ông đi tắm rửa thay quần áo chuẩn bị lên đường là vừa.
– Có chờ thuyền trưởng không?
– Chậc, tui nói thiệt, nếu ông nhỏ tuổi hơn tui chắc tui phải dộng vô mặt ông một dộng quá, hết hợp đồng và giấy tờ đã nắm trong tay, về hay ở là do ông.
Muljono cười ha hả, đưa tay vỗ lên vai tôi một cái thiệt mạnh rồi day lưng đi lên phòng.
Hơn mười giờ Muljono trở xuống phòng bếp, áo quần bảnh bao, mặt mày tươi tắn, ông cho biết tắc xi đương chờ ông và ngỏ lời tạm biệt. Tôi đi theo xách phụ cái va li tiễn ông lên bến. Trước khi bước vào tắc xi ông day lại bắt tay tôi thiệt chặt và căn dặn:
– Be careful!
*
Sau khi tiễn Muljono đi rồi, tôi trở xuống tiếp tục công việc. Viên thuyền trưởng đứng chờ trước phòng bếp từ hồi nào, vừa thấy tôi ông nói liền:
– Tui đã gọi về công ty nói chuyện của ông nhưng công ty yêu cầu ông ở lại làm việc và khỏi cần phải phục vụ cho tui.
Tôi cũng thừa biết, ông không bao giờ gọi về công ty, nhưng chuyện coi như đã xong rồi, nói tới nói lui ích gì, dù sao ông cũng là thuyền trưởng. Tôi cười:
– Vậy thì tốt lắm.
Tôi đi về phòng lấy hoá đơn khám sức khoẻ, hoá đơn tắc xi và vé xe ra đưa cho ông:
– Ông gởi về công ty thanh toán tiền lại cho tui.
Ông cầm xem từng tờ hoá đơn chợt ông dừng lại tờ khám sức khoẻ hỏi tôi “Sao khám bác sĩ tới một trăm bốn mươi lăm euro, trong khi ông khám có sáu chục.”. Tôi nói:
– Tôi không biết.
– Tao sợ công ty không thanh toán lại cho mầy.
Bực mình! Tôi chưa thấy viên thuyền trưởng nào ngu ngốc như cái ông già nầy. Tôi chìa tay ra trước mặt ông và nói:
– Nếu ông không gởi thì đưa đây, tui tự gởi cũng được.
– Nhưng tao là thuyền trưởng.
– Vậy thì ông làm cái việc thuyền trưởng là được rồi.
Tàu khởi hành sang Kotka lúc tôi đương ngủ...
Tôi có thói quen lúc nào cũng thức dậy trước khi đồng hồ báo thức, mùa đông thì ngồi nhâm nhi cà phê trong phòng và đọc sách, mùa hè thì ra boong ngồi ngắm biển. Sáng nay khi vào phòng bếp pha cà phê, tôi thấy trên đầu tủ lạnh có hai cây thuốc, tôi nghĩ của một thủy thủ nào bỏ quên, tôi lấy để vào một góc. Gần tới giờ ăn sáng, trong khi tôi đương đứng chế trà trong bếp, thì Toto mặt mày hí hửng, làm như vừa lập một kỳ công, nó thò đầu qua khung cửa nhỏ, chỗ đưa thức ăn, nói lớn:
– Hồi khuya thuyền trưởng mở căn tin, tui thấy chú ngủ nên lấy dùm hai cây thuốc.
Tôi ngạc nhiên dòm qua hỏi:
– Hôm qua căn tin mở rồi và tao đã lấy thuốc và nước uống xong rồi.
Toto cho tôi biết viên thuyền trưởng rất chịu chơi, mỗi khi ghé cảng ông đều mở căn tin đưa cho mỗi người hai ba cây thuốc. Vỡ lẽ ra, tôi liền cầm hai cây thuốc để trước mặt nó:
– Mầy làm ơn trả hai cây thuốc lại cho viên thuyền trưởng dùm tao.
Nó ngạc nhiên:
– Ủa, sao vậy chú? Tuyến đường nầy bán thuốc được lắm.
Tui khoát tay:
– Vậy thì mầy bán đi.
Mắt Toto bừng sáng:
– Chú cho tui hả?
– Ừa, nhưng tao nói với thuyền trưởng ghi hai cây thuốc nầy vào hoá đơn của mầy.
Toto chồm qua cầm lấy hai cây thuốc đi ra ngoài, tôi đoán chừng nó đi tìm chỗ kín đáo để cất dấu hai cây thuốc.
Thuốc lá và rượu mạnh trên tàu mua miễn thuế, nhưng một tuần mỗi thuyền viên chỉ được mua một cây thuốc và một lít rượu. Tôi nhìn theo thằng nhỏ mà lòng bâng khuâng nghĩ ngợi, sống nơi xứ nghèo, sang đây làm việc với giá lương thấp, thấy có thêm chút ít lợi lộc thì quên mất sự hiểm nguy. Bán buôn thì thủy thủ ra mặt, như tháo thùng rượu và thuốc lá bỏ vô bao rác giấu đâu đó trong khoang tàu, mỗi khi ghé cảng len lén giao hàng, một lần bán được một vài thùng, thuyền trưởng đưa cho thủy thủ một vài cây thuốc và hai ba lít rượu bán lẻ, nếu lỡ xui xẻo bị quan thuế bắt phạt, thì tiền phạt chia ra đều ra, thuyền trưởng hưởng lợi nhiều hơn mười lần thủy thủ, sau khi nộp phạt ông vẫn còn lời. Thủy thủ bán lẻ, chắt mót được bao nhiêu gởi về gia đình hết bấy nhiêu, đến khi đóng phạt đứt hết mấy tháng lương, mặt mày xuôi xị, có anh ngồi ôm đầu khóc hu hu. Năm ngoái có hai thủy thủ lãnh án năm năm tù vì tội mua, bán ma túy,vài đồng nghiệp bị liên lụy mất cả việc làm và bị thu hồi giấy thông hành sang Âu Châu. Vậy mà vẫn không ngán, quả là điếc không sợ súng.
Trưa hôm sau thuyền trưởng gọi tôi lên phòng riêng của ông. Tôi nghĩ chắc có chuyện căng lắm nên đã chuẩn bị tinh thần đối phó. Nhưng vừa bước vô phòng ông cười vui vẻ và mời tôi ngồi. Ông mời tôi lon nước ngọt, tôi nói không uống nước ngọt, ông lấy nước lọc ra mời tôi. Giọng ông rất nhỏ nhẹ gọi tôi bằng Mr. Nguyễn chớ không có kêu bếp bếp như mấy bữa đầu:
– Ông Nguyễn, tại sao nói chuyện với tui lúc nào cũng thấy ông khó chịu?
Mới mấy hôm trước ông tỏ uy quyền hết mực, tự dưng hôm nay dịu giọng, không biết ông định giở trò gì, mặc kệ ông, tôi có cách của tôi:
– Có lẽ tại vì ông chưa quen nghe lời nói thật, nên ông khó chịu, chớ hổng phải tại tui khó chịu với ông.
Ông ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi tôi:
– Với thuyền trưởng Hoà Lan ông cũng vậy sao?
Đành rằng trên tàu thủy thủ đoàn không được quyền cãi lịnh thuyền trưởng, tuy nhiên thuyền trưởng vô cớ lạm dụng vật chất hay xúc phạm tinh thần, thì thuyền viên có quyền nói lại, nói thôi, nhưng không được phép thượng cẳng tay, hạ cẳng chưn. Thật ra thì người nước nào cũng vậy thôi, có chút quyền hành rồi muốn làm mưa làm gió gì thì làm. Tuy nhiên người Hoà Lan đôi khi cũng kêu réo sai vặt, ganh tị và dành ăn với thuyền viên, nhưng khi bị vạch trần thì họ biết mắc cở và xin lỗi liền. Còn ông nầy tánh độc tài của một thời vẫn còn trong tim, óc, muốn gột sạch cần có thời gian. Định giảng cho ông một bài luân lý của thế giới tự do nhưng nghĩ lại, đối với loại người nầy chỉ có cách thẳng thắn để khỏi mất thời giờ. Tôi nói:
– Thuyền trưởng Hoà Lan biết tôn trọng kỷ luật và không bao giờ lạm dụng người khác, ngoại trừ những người bất bình thường.
Nghe tôi trả lời ông ngập ngừng một hồi rồi lên tiếng:
– Thôi quên chuyện đã qua đi, mầy người Việt, tao người Bulgarian, cùng đi chung tàu, mình nên vui vẻ với nhau.
Ông chìa tay ra, thấy ông có ý hoà, tôi cũng đưa tay lên bắt tay ông:
– Tốt, tốt lắm.
Giọng ông trở nên thân thiện:
– Ông đạo gì? Ông Nguyễn.
– Tui hổng theo đạo nào hết.
Ông lần tay trong cổ áo móc ra mặt dây chuyền thánh giá, đưa ra trước mặt, nói với tôi:
– Tui theo đạo Thiên Chúa.
Lạy Chúa! Nhờ Ngài mà câu chuyện tưởng như căng thẳng lại trở nên êm dịu. Ông đổi đề tài mau đến đỗi làm tôi từ lúng túng sang cảm thông, không biết nói gì hơn ngoài câu:
– Vậy thì tốt, tốt lắm...
Trong lúc ông nhét thánh giá vào cổ áo, chợt tôi nảy ra ý khôi hài, tôi chỉ tay vô phía dưới ngực bên trái của ông, hỏi:
– Cái đó là cái gì?
Ông tưởng tôi nhìn chưa rõ mặt dây chuyền nên ông kéo dợi dây chuyền vàng ra lần nữa, cầm cái thánh giá nhỏ xíu đưa cho tôi xem và nói:
– Thánh giá mà.
Tôi chỉ tay vô sát ngực bên trái của ông vừa cười vừa dí dỏm:
– Không, tôi hỏi cái đương nhịp nhịp phía sau thánh giá của ông kìa, Các Mác, Lê Nin hay là Xta Lin?
Vỡ lẽ ra ông cười khằn khặc, tay khoát khoát, miệng tía lia:
– No, no, no… đó là chuyện trước kia.
– Trước kia ông là đảng viên đảng Cộng Sản?
Ông xác nhận bằng cái gật đầu. Nghe tới đây, tôi chợt nhớ nhiều chuyện buôn lậu ở mấy nước Đông Âu sau thời các nước nầy mở cửa và nhớ chuyện hồi sớm. Tôi rụt vai, rùng mình, hỏi:
– Ông ghi hai cây thuốc hồi tối hôm qua hoá đơn Toto chưa?
– Rồi.
Ông nhìn tôi hỏi:
– Ông không business?
– Bán vài cây thuốc cũng gọi là business sao.
– Bên Bulgarian tui có quen với nhiều người Việt cũng bán thuốc lá. Tôi cười khôi hài:
– Chẳng những họ bán thuốc lá mà còn bán con gái, súng đạn, ma túy..., tôi định nói thêm... “nếu ông đi chơi với mấy người Việt bên đó, có ngày vợ, và con gái ông cũng bị họ đem bán luôn”, nhưng tôi kịp dừng.
Hình như ông chưa đọc được ý nghĩ của tôi, ông đưa tay ra chà chà ngón cái vô ngón trỏ, hỏi như thiệt:
– Mầy hổng cần tiền?
– Cần chớ, thưa ông, nhưng tui cần yên tâm để có một giấc ngủ ngon.
Bây giờ ông mới bắt được ý tôi, ông lập bập:
– Ô kê, ô kê...
Có lẽ không kéo tôi vào được chuyện “business” của ông nên ông sang đề tài khác. Ông hỏi tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào. Tôi lắc đầu:
– Lâu quá rồi tôi chưa về nước nên tôi hổng biết gì về đất nước tôi hết.
Ông nói ông nghe đài, và đọc báo thấy Việt Nam bây giờ phát triển dữ lắm, bằng cớ là hôm ở Porri, vô một tiệm bán giày dép, ông thấy giày, dép sản xuất ở Việt Nam nhiều hơn các nước khác. Tôi không muốn nói ba cái chuyện giày dép Việt Nam nên tôi hỏi qua tình hình nước ông:
– Ở nước Bun ga ri của ông thì sao?
Ông đứng dậy mở tủ lạnh lấy ra hộp yoghurt có dấu sản xuất ở Bulgarian ra khoe:
– Nước tao cũng có xuất cảng cái nầy và cũng có mấy xưởng may mặc bên đó nhận hàng từ các nước Âu Mỹ.
Nhìn hũ yoghurt hình cái ly bằng nhựa màu xanh da trời, có in hình cô gái bận quốc phục Bulgarian, tôi nhớ hôm phòng lạnh bị hư, Muljono đem mấy lố yoghurt Bungarian nhét vô tủ lạnh trong phòng bếp, thật ra thì phẩm chất yoghurt nước nào cũng như nhau, nhưng tại vì sản xuất ở Bulgarian nên không ai rớ tới, nhứt là mấy thằng Nga và Ukrainia, thấy hộp yoghurt Bulgarian thì nó ọe oẹ giống như đàn bà ốm nghén, có thằng lố lăng hơn, mở hộp ra rồi đem liệng vô thùng rác. Thỉnh thoảng tôi ăn vài hộp, ngày nào viên thuyền trưởng cũng lấy vài hộp đem lên phòng cất trong tủ lạnh, vậy mà vẫn dư cả đống, sắp hết hạn rồi, phải đem bỏ thôi. Từ trước tới giờ, để tránh chuyện gần lửa rát mặt, dù cho được bề trên yêu thương cách mấy đi nữa, tôi dứt khoát không thân cận với bất cứ officer nào. Nãy giờ giỡn mặt với thuyền trưởng bao nhiêu đó cũng nhiều rồi, tôi đứng dậy, nói câu cuối cùng trước khi từ giã:
– Tưởng sản xuất được cái gì to tát, chớ ba cái giày dép, may mặc, yoghurt thì có gì đâu.
Buổi sáng, thuyền phó xuống kêu tôi làm đồ ăn bưng lên cho thuyền trưởng. Cái thằng nhãi ranh nầy, mấy năm trước còn là phụ thuyền phó, tánh tình nó hiền hậu rất dễ thương, chuyến nầy mới vừa lên thuyền phó thì bày đặt láu cá rồi. Mặc kệ nó, tôi chú tâm cắt cục thịt bò làm bít tết. Một lát sau nó trở lại hỏi tôi có đem phần ăn lên cho thuyền trưởng chưa. Thiệt là bực mình, chỉ có chuyện dưng bánh mì, trái cây, dời sữa tươi, nước ngọt cho thuyền trưởng mà mấy ngày qua đã gây biết bao phiền phức. Tôi chỉ tay thẳng mặt nó chưởi thề một cái:
– Tụi mầy có phải là con người không! Tao cho mầy biết, mầy mà chàng ràng trong lúc tao làm việc thì coi chừng cái bản mặt thú vật của mầy đó!
Thấy tôi làm dữ nó liền xuống nước:
– Ông hổng làm thì tui làm.
– Làm xong dọn dẹp đàng hoàng, không được bày biện bừa bãi.
– Tui biết rồi.
Từ đó trở đi thuyền phó và phụ tá thuyền phó phục vụ bữa điểm tâm cho thuyền trưởng. Dĩ nhiên hai đứa không được vui và mỗi lần soạn thức ăn cho ông chúng trây trét bậy bạ không vệ sinh chút nào hết. Sáng nay thuyền phó bực mình sao đó, vừa lấy phần ăn cho viên thuyền trưởng vừa chưởi thề, có lẽ vì giận quá run tay làm cặp bánh mì kẹp phó mát rớt xuống sàn, nó cúi lượm cặp bánh phủi phủi rồi lật úp mặt dính bụi xuống lòng dĩa bưng lên cho thuyền trưởng. Cũng được thôi, để bọn “cá mè một lứa” cư xử với nhau, miễn đừng làm phiền tới tôi được rồi.
Hôm nay tàu chạy dọc bờ biển Na Uy. Biển êm và gió nhẹ, nắng mùa xuân hanh vàng trải khắp mặt nước xanh.
Tôi có đề nghị với thuyền trưởng, trong khi chờ đợi phòng lạnh sửa lại, tàu ghé mỗi cảng mua thêm rau và trái cây tươi, nếu không thì phải ăn rau, đậu và trái cây đóng hộp. Thuyền trưởng cho tôi biết, phòng lạnh sẽ được sửa ngay khi tàu ghé Belfast và ông kêu tôi đặt hàng. Tôi hẹn chiều nay tôi đưa đơn đặt hàng cho ông.
Từ ngày có vi tính tới giờ tôi dùng mẫu đơn của công ty có ghi sẵn tên các mặt hàng trong chương trình Excel, tất cả tàu trong công ty đều dùng chương trình nầy, rất đơn giản chỉ cần đánh số những món cần thiết vào ô đặt hàng vào là xong. Trước kia tôi copy qua USB, sau nầy xài mp3, tôi copy qua mp3.
Chiều hôm đó tôi lên đưa đơn đặt hàng cho thuyền trưởng. Khi vừa lên tới phòng lái, tôi thấy thuyền phó khoát tay ngang trán, dấu hiệu ám chỉ ai đó bị khùng hoặc đầu óc có vấn đề. Chỉ cần vài ngày trên tàu tôi cũng đánh giá được phần nào tánh tình, nhân cách từ thuyền trưởng tới đám thuyền viên. Tàu chỉ có Robbert là người Hoà Lan và tôi là người Hoà Lan gốc Việt, phần còn lại người phía Đông Âu và In Đô cho nên lộn xộn từ giờ giấc làm việc, cách ăn uống cho tới lối nói chuyện. Lần đầu nghe hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, tôi cảm tưởng như họ chưởi lộn, tiếng tăm gì nghe khủng khiếp, khó mà phân biệt chưởi lộn hay thảo luận chuyện gì, đầu óc mấy người nầy dường như lúc nào cũng có vấn đề, tốt nhứt là thây kệ họ để ý làm gì. Tôi khoát tay chào lại viên viên thuyền phó một cái rồi đi thẳng vô phòng làm việc. Viên thuyền trưởng ngồi trước bàn vi tính. Tôi chào ông một cái. Nghe tiếng tôi, ông day lại, tôi giựt mình đánh độp một cái, không hiểu sao mặt ông bành ra, mày ông vảnh ngược, mắt đỏ ngầu trông khủng khiếp như ác quái trong phim kinh dị. Tôi hít thở trấn tĩnh rồi chìa mp3 đưa cho ông. Ông hỏi:
– Cái gì đây?
Tôi nói.
– Đơn đặt hàng ở trong nầy.
– Làm sao?
Tôi chỉ ông gắn mp3 vô vi tính mở lấy đơn đặt hàng ra rồi copy qua tập hồ sơ lưu trong máy của ông, khi nào ông kiểm lại xong rồi gởi đi. Ông gắn mp3 vô mở toàn chương trình. Ông nói:
– Cái nầy tao biết, nhưng lớn quá gởi e mail hông được.
Tôi từ tốn nói với ông:
– Ông mở bên đơn đã đặt hàng chỉ có một hai trang đâu chừng trên dưới hai mươi kb.
Không hiểu sao ông quay qua tiếp tục rà chuột, cho mũi tên chạy vùn vụt lên xuống, dọc ngang, miệng hỏi đâu đâu... Thấy vậy tôi mới chỉ tay vô chỗ đơn đặt hàng nói:
– Chỗ nầy nè, ông hổng thấy sao?
Tự nhiên ông nạt:
– Tao là thuyền trưởng!
Xong ông rút cái mp3 của tôi liệng xuống sàn. Chuyện bất ngờ làm tôi giựt mình, nhưng không hoảng hốt. Tôi có nghe nhiều chuyện ở các nước nước kém văn minh, công nhân không được công đoàn bảo vệ, tạo cơ hội cho thành phần có chức, có quyền hành hung thuộc cấp. Ngày nay vì kinh tế khó khăn, họ tràn qua những quốc gia giàu có kiếm ăn, tánh tình họ có nhẹ bớt phần nào, nhưng khi rượu vào họ quát nạt và hay vô cớ chưởi bới người khác, vì vậy mỗi khi gặp tình huống gay go, tôi cần phải tỉnh táo, biết đâu ông đương nổi cơn, sẵn có tôi đứng bên ông táng vài bạt tai thì nguy. Tôi cúi xuống lượm cái mp3, mặt vẫn hướng thẳng về ông ta, khi đứng lên tôi thụt lùi giữ khoảng cách hơn một tầm tay, nếu ông giở trò tôi có đủ thời gian quật cái bị thịt xuống sàn để thoát thân. Tôi cầm mp3 vá vá về hướng mặt ông và nói:
Khi nào ông bình tĩnh thì xuống cho tui biết, tui sẽ làm theo ý ông, còn bây giờ tui về phòng thử cái mp3 nầy, nếu nó bị trục trặc gì thì ông phải thường cho tui.
Như lửa đổ thêm dầu, ông cao giọng rống lên:
– Tao là thuyền trưởng, tao là thuyền trưởng...
Tôi đi thụt lùi ra cửa mắt vẫn nhìn cái đống thịt bầy nhầy hơn trăm ký ngồi chật cả chiếc ghế bành và án hết bàn vi tính. Khi ra ngoài tôi mới day lưng bước về hướng cầu thang và không nhịn được cười:
– Ha ha ha...
Viên thuyền phó đứng cạnh bàn hoa tiêu và không biết Robbert lên hồi nào mà đứng cạnh bên. Robbert ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi cái gì. Tôi không trả lời mà lấy tay gạt ngang trán một cái, cử chỉ giống y chang như viên thuyền phó đã làm trước khi tôi vô gặp viên thuyền trưởng. Thuyền phó nhìn tôi lắc lắc đầu và đưa tay lên khoát khoát.
Robbert đi theo tôi xuống phòng, nó tò mò hỏi tôi chuyện gì. Tôi sơ lược cho nó nghe và nói tôi chẳng hiểu trời trăng mây gió gì ráo, ngoài mấy tiếng thét: “Tao là thuyền trưởng! tao là thuyền trưởng!!!”. Nó à lên một cái rồi cho tôi biết viên thuyền trưởng không rành sử dụng vi tính. Tôi nói:
– Nhiều thuyền trưởng già đâu rành xử dụng vi tính.
– Nhưng thuyền trưởng khác chịu học hỏi, còn ông nầy hổng biết nhưng tài khôn, ai tới gần hỏi han muốn giúp thì ông nạt nộ chưởi bới người ta.
– Hèn chi tao mới hỏi ông ta một câu thì ông ta rống rên như bò rống. – Không ai gần ông ta được hết luôn cả thuyền phó và phụ thuyền phó cũng bỏ mặc ông ta làm gì thì làm.
– Vậy mỗi lần đặt hàng ông ta làm sao?
– Ông dùng e mail.
– Vậy à.
– Nếu ông cần thì đưa mp3 của ông cho tui, tui in đơn đặt hàng ra để ông đưa cho thuyền trưởng.
– Không, không cần đâu, chuyện của ông ta để ổng làm, vả lại trước tới giờ tao chưa làm việc với thuyền trưởng và officers phía Đông Âu, tao muốn biết cách làm việc của họ như thế nào.
Chợt có tiếng còi reo inh ỏi dưới hầm máy. Robbert đứng dậy đi nhanh ra ngoài. Một lát sau có thông báo, máy tàu bị trục trặc và tàu sẽ tắp vào bờ biển Tô Cách Lan tìm chỗ bỏ neo để sửa chữa. Đêm nay Robbert và thằng phụ máy chắc phải thức suốt đêm.
*
Hồi hôm tôi ngủ mê man, không biết máy sửa xong hồi nào mà khi thức giấc con tàu đã ra khơi. Vùng biển phía bắc Anh Quốc tuyết không rơi nữa, màu trời hết u ám và mặt biển như một tấm vải lụa mỏng mảnh gợn sóng xa tít chưn trời nhập liền với bầu trời xanh xám.
Nhờ biển êm, gió nhẹ, tàu tới Belfast sớm hơn dự định. Đây là phần đất thuộc Anh Quốc nằm về hải đảo Ái Nhĩ Lan. Sáng nay kim hàn thử biểu đã cất lên khỏi độ không. Thường thì tàu bè mang cờ Âu Châu khi ghé cảng Belfast cảnh sát không cần xuống kiểm tra và lo thủ tục nhập cảng, nhờ vậy thùng thuốc lá của thuyền trưởng được thủy thủ giao hàng trót lọt. Hôm qua tới giờ tôi không thấy mặt thuyền trưởng, hôm nay bán xong rượu, thuốc mới thấy ông mò xuống phòng của thủy thủ chia tiền. Nhìn ông đứng đếm tiền bỏ vô túi, giống y một tay anh chị ma cô hơn là thuyền trưởng. Trước khi rời khỏi phòng, ông thông báo cho mọi người biết, trong khi chờ cảnh sát xuống làm thủ tục nhập cảng thủy thủ không ai được lên bờ.
Lâu ngày lênh đênh trên biển, ghé cảng nhằm chiều thứ bảy, gặp phải mưa rỉ rả làm khắp bến cảng ướt át. Thủy thủ buồn chưn, lòng bồn chồn muốn đi đâu đó, chợt nghe thông báo của thuyền trưởng mặt mày anh nào anh nấy buồn hiu. Tuần qua tụi In Đô thấy tôi hay đôi co với viên thuyền trưởng, đám In Đô tưởng tôi uy tín lắm, nên chúng nhờ tôi nói với thuyền trưởng về luật lệ nhập cảnh ở cảng Belfast.. Thật ra thì tôi cự lại thuyền trưởng vì ông xúc phạm tới quyền lợi cá nhân tôi, nhưng giữa tôi và ông đã dàn xếp xong rồi. Chuyện nầy đâu có liên can tới tôi. Không muốn xía vào chuyện thiên hạ, tôi nói:
– Trước kia thuyền trưởng hải hành tàu của phe xã hội chủ nghĩa, ghé cảng nào cũng phải chờ cảnh sát xuống kiểm tra và đóng dấu thông hành xong thủy thủ mới được lên bờ. Ông ta mới sang đây làm việc, chưa quen cách sinh hoạt của thế giới tự do. Tụi mầy chịu khó sống theo cách quản lý người của thời xã hội chủ nghĩa vài chuyến, khi ông ta quen nước quen cái rồi thì tất cả sẽ được tự do.
Nghe tôi nói mấy đứa cười ha hả và bỏ qua chuyện lên bờ. Tôi định cảnh cáo bọn thủy thủ rằng viên thuyền trưởng chưa quen luật lệ mấy bến cảng của nước tự do, vậy mà dám buôn bán rượu mạnh và thuốc lá lậu, liệu chúng có thể tin cậy làm theo ông ta được không. Nhưng nghĩ lại giữa lúc chúng đương mần ăn thuận buồm xuôi gió, tôi mà xía vào thế nào chúng cũng nghĩ tôi không bán thuốc, bán rượu rồi đem lòng ganh tỵ.
Tôi có thói quen, tối nào tôi cũng ngồi gõ vào laptop, ghi lại những chuyện đã xảy ra trong ngày. Đêm nay cũng vậy vừa mở máy chưa kip gõ chữ nào thì chợt có tiếng lọc cọc nhè nhẹ ở ngoài cửa phòng. Tôi đứng lên đi ra mở cửa. Viên thuyền trưởng đứng trước cửa, hôm nay gương mặt ông trông dễ nhìn hơn. Giọng ông rất nhẹ nhàng:
– Xin lỗi ông Nguyễn, tui thấy phòng ông còn đèn nên tui mới gõ cửa.
Nhìn trên tay ông cầm mấy tờ giấy tôi cũng đoán được ông muốn gì, tuy nhiên tôi vẫn lễ phép hỏi:
– Không sao, chuyện gì vậy ông?
Ông đưa tôi mấy tờ giấy:
– Ông đặt hàng, ngày mai đưa tôi được không.
Tôi cầm mấy tờ giấy, cũng là mẫu đơn trong chương trình cài sẵn của công ty mà ông đã in ra. Tôi thấy những con số chỗ ô đặt hàng cũ chưa xoá, tôi hỏi ông:
– Điền vô chỗ nào?
Như người thạo việc, ông rút một tờ đơn trên tay tôi ép vô thành cửa, cầm cây viết mực màu đỏ lên để ngay hàng đầu rồi hỏi:
– Ông cần bao nhiêu đường cát trắng.
– Hai chục ký.
Ông liền ghi số hai chục chồng lên con số đen ở cạnh ô đường cát rồi khoanh một vòng tròn ngoài con số, xong ông đưa tờ giấy và luôn cả cây viết màu đỏ cho tôi:
– Ông làm như vầy.
Tôi ực ực mấy cái để nén tiếng cười:
– Ô kê, trước giờ cà phê sáng ngày mai tôi sẽ giao lại cho ông.
Ông định day lưng, chợt nhớ ra ông day lại, đưa ngón tay trỏ và ngón tay cái hở ra gần một gang, ông hỏi:
– Cái walkman của ông có bị hư không, ông Nguyễn.
Ý ông muốn hỏi về cái mp3 của tôi:
– À, ông yên tâm, không vấn đề.
Ông đi rồi, tôi day lại bàn viết, để giấy tờ lên bàn. Tôi ngồi xuống trước laptop nhìn vào màn ảnh còn trắng tinh định viết cái gì đó nhưng đầu óc cứ xoay quanh tới cái quá khứ thuyền trưởng của ông, chức vụ cỡ đó đủ để làm mưa làm gió một thời và chung quanh biết bao kẻ nịnh người nọt. Thời vàng son ấy đã qua rồi, như cá voi ở trong hồ được người ta săn sóc chu đáo, nay thả ra biển, bỡ ngỡ trước cảnh mênh mông của đại dương, mọi sinh hoạt mới mẻ, tuổi già sức yếu, đầu óc tối tăm... Tôi ví như vậy không quá lắm đâu, ông không biết gì về việc văn phòng hết, có mấy hoá đơn và giấy tờ đưa cho ông, ông cứ kêu lên hỏi tới hỏi lui. Ông làm toàn những chuyện ngớ ngẩn, tạo cơ hội cho mấy tên Ukrainia nói ông đã mua bằng cấp, cứ tiếp tục làm việc như vầy thì không biết chức thuyền trưởng của ông còn được bao lâu. Tôi vói tay bấm tắt laptop. Day ngang lấy cây viết đỏ, mở tờ đơn ra bắt đầu đặt hàng theo cách của viên thuyền trưởng người Bulgarian....
*
Robbert thức rất sớm, xuống từ giã tôi để về Hoà Lan. Từ lúc gặp nhau trên chuyến bay từ Amsterdam sang Helsinki, Robbert đã than phiền về chuyện khó sống với những người bên Đông Âu. Mấy năm nay tôi đã nghe đầy tai, thấy đầy mắt chuyện va chạm cách sống của những người bên Đông Âu sang đây làm việc nên tôi cũng không ngạc nhiên về chuyện Robbert xin về. Tôi hỏi:
– Qua tàu khác hay về bờ luôn?
– Chưa biết.
– Mấy giờ đi.
– Lát nữa.
Khi tắc xi tới tôi theo tiễn Robbert, Trước khi vào tắc xi nó quay lại bắt tay tôi và căn dặn:
– Voorzichtig!
Tôi nhìn theo chiếc tắc xi cho tới khi khuất dạng trong không gian ẩm ướt. Chợt nhớ ra tuần trước ở Porri, trước khi lên đường, Muljono cũng bắt tay tôi và căn dặn: “Be careful” bằng tiếng Anh, bây giờ Robbert dặn tôi: “voorzichtig” bằng tiếng Hoà Lan. Tuy hai ngôn ngữ khác nhau nhưng ý nghĩa của hai câu đều nhắc nhở tôi nên cẩn thận.
Bắc Đại Tây Dương 14-5-2009
Nguyễn Lê Hồng Hưng