Nguyễn Lê Hồng Hưng
Bão ngoài trời bão trong lòng
Trước khi lên hội quán anh có bỏ ít tiền vô bao thư định lát nữa gặp Nonie nhờ nó gởi giúp những người bị bão Hải Yến ở bên Phi Luật Tân. Nhưng nãy giờ ngồi trước hội quán uống hết hai chai bia rồi mà không thấy mặt mũi nó đâu hết. Chợt thấy Gel bận áo sơ mi trắng, choàng áo lạnh màu vàng, quần jeans, vai mang túi da trắng trông không có vẻ gì là nhân viên hết, từ trong hội quán đi thẳng ra chỗ anh ngồi. Anh chỉ mới hello chào, chưa kịp hỏi gì thì cô liền khoe:
– Tui từ Manila mới qua.
Cô tháo túi xách để lên chiếc ghế bên cạnh và kéo ghế trước mặt ra ngồi xuống.
– Tui nghe Nonie nói cô dìa thăm gia đình. Nghe bên đó bão lớn lắm, nhà cô có sao không?
Gel lắc đầu:
– Hông sao, hông sao, Manila hổng sao... cô đưa ngón tay trỏ chà chà vô ngón tay cái nói tiếp... nhưng tốn khá nhiều tiền.
Gel nhìn ra khoảng không gian rộng, phía trước có hàng cây lưa thưa lá vàng và sau hàng cây là một tòa nhà chọc trời, cô nàng nói:
– Mấy hôm trước nơi đây cũng có bão nhưng nhà cửa ở Đức kiên cố nên ít thiệt hại hơn ở Phi Luật Tân.
Anh cười pha chút khôi hài, nói:
– Ờ há, chỉ tội cho cây cối bị gió quật ngả nghiêng và tơi bời lá hoa rụng.
Mặt Gel tỏ vẻ nghiêm nghị cô thốt lên:
– Cái ông này! Chuyện buồn mà...
Anh chồm người qua nhìn thẳng mặt Gel cười cười, nói:
– Mỗi năm nước Phi chịu hàng trăm trận bão, hổng lẽ cô đau buồn suốt năm. Cô coi, bão chạy qua tàn phá miền Trung Việt Nam nữa rồi mà tui có buồn đâu.
Gel ngẩng đầu lên, nói:
– Ờ, hồi còn ở bển tui nghe nói người Việt cũng gởi tiền, gởi người qua giúp dân Phi.
– Thì hồi trước dân Phi giúp dân Việt, bây giờ họ giúp lại. Nhưng có thấm thía gì đâu, cả thế giới giúp dân Phi đó mà.
Gel đưa ngón tay cái ra gặt gặt:
– Nhưng người Việt Nam tốt.
Anh dí dỏm:
– Cầu trời cho Phi Luật Tân bị bão hoài hoài để người Việt có cơ hội chứng tỏ lòng tốt với dân Phi.
Gel đưa tay vừa xỉ lên giữa trán anh vừa nói:
– Ông này, lúc nào cũng khôi hài, gần chục ngàn người chết chớ hổng phải chơi.
– Nhưng ngồi đây mình làm được gì? À, làm được, làm được, cái này ai cũng làm được và làm rất dễ.
– Cái gì?
– Cầu nguyện, cô cầu nguyện với tui nhe, tui bảo đảm hổng tốn xu nào.
Anh liền ngồi ngay ngắn, chắp hai tay, cúi đầu nhép nhép miệng... Gel cười thành tiếng:
– Ha ha... ông còn làm được cái này nữa, cũng hổng khó.
Anh ngước lên:
– Cái gì?
– Mời tui ly bia.
Anh làm mặt nghiêm:
– Còn đòi uống bia... gần chục ngàn người chết chớ đâu phải chơi.
Gel ngẩn người dựa lưng ra sau ghế trố mắt nhìn anh, có lẽ cô phân vân không biết anh nói thiệt hay chơi... Sợ cô mất hứng anh liền đứng dậy cười hì hì:
– Uống rượu, uống rượu đi, rượu ngon hơn uống bia.
Vỡ lẽ ra Gel bật cười và cả hai cùng cười ha hả. Anh đứng lên đi vô bar mua chai rượu nho trắng ướp lạnh, loại rượu mà Gel thích, mượn hai cái ly và cái mâm, mua bịch da heo chiên dòn, xin chén dấm ớt, da heo chiên dòn chấm dấm ớt nhậu rất bắt. Xong, anh sắp mọi thứ lên mâm bưng ra để lên bàn. Gel cười cười, hỏi:
– Tiệc mừng hả?
Anh gật gật đầu:
– Ừa, mừng chớ, mừng cô còn sống sót trở về.
Nét mặt Gel trở nên nghiêm nghị:
– Lần này tuy bão lớn, thiệt hại rất nhiều nhưng tui thấy ít buồn hơn lần bão trước.
– Tại cô hổng phải là nạn nhân.
Anh tháo bịch da heo ra trút vô dĩa, rót rượu ra hai ly và ngước lên hỏi:
– Ủa, trận bão trước kia! Cô có bị bão sao?
– Trước kia vùng quê tui bị bão cho nên gia đình tui tản cư lên Manila. Lúc đó đâu còn tiền, tui mới làm trong quán bar, tình cờ gặp anh chàng người Đức, đưa tôi qua đây làm trong phòng đèn đỏ, sau đó tui bị bịnh không làm được nữa mới bị cho ra đứng đường. Rồi hôm trời mưa giông, tôi lại gặp ông trong quán bar ở pemerhaven. Ông cho tui một trăm hai mươi lăm Mark, ông hổng nhớ sao?
Chuyện này anh nghe Gel thường nhắc đi nhắc lại mỗi khi cô buồn nên anh cũng không để ý chuyện cô bị bão. Anh không muốn cô nàng nói tiếp câu chuyện, anh nói:
– Nhớ rồi, cái chuyện xa lắc đâu hồi Âu Châu chưa xài euro. Chuyện buồn mà cô nhớ hoài làm chi .
Tuy nhiên trước khi kể tiếp có lẽ phải bắt đầu từ cái năm nào không nhớ, nhưng anh chỉ còn nhớ cái thời tiền euro chưa ra đời. Đêm hôm đó anh lên bờ chơi tới gần khuya, chợt giông gió nổi lên, tắc xi không chạy được, anh bèn ngồi lại quán bar chờ cho cơn gió dịu. Chợt một cô gái người Phi thân thể cao ráo, đi tới bên anh khép nép chào và xin ngồi trên chiếc ghế trống cạnh bên, cô không phải người ốm nhưng trông tiều tụy trong chiếc áo lông màu đỏ, da vẻ nâu nâu nhưng không dấu được nét xanh xao bịnh hoạn. Trong quán cả đống đàn ông tới đây ăn nhậu và tìm gái mua vui. Nếu không thì cũng như anh, ngồi uống bia ngắm nghía cho đỡ thèm, vậy mà không ai để ý tới cô hết. Động lòng trắc ẩn anh mời cô ly bia, cô từ chối uống bia và xin ly nước lọc, anh mua cho cô ly nước. Nét mặt dàu dàu mệt mỏi, nhưng cô vẫn tươi cười vui vẻ và hỏi xin anh năm chục mark, đổi lại cô sẽ dùng miệng cho anh thỏa mãn... Anh nhìn qua cô gái, tuy mùi dầu thơm từ thân thể cô xông lên nồng nặc nhưng không át được cái mùi hôi từ miệng cô phả ra ngây ngấy. Anh rùng mình một cái:
– Ý, đâu được, cái miệng của cô mà ngậm vô, cây kèn của tôi bị nghẹt làm sao!
Cuộc sống nghiệt ngã này đã dạy anh không được phép khinh thường bất cứ ai, và bất cứ vật nào có mặt trên trần gian này. Chỉ vì tánh bỡn cợt bẩm sinh lỡ miệng nói ra làm xúc phạm cô gái. Anh ái ngại khi thấy cô ta thở dài ra chiều thất vọng. Anh ân hận choàng tay câu vai cô ả xoa xoa bóp bóp, dịu giọng:
– Xin lỗi, tui giỡn chơi thôi.
Cô xua tay lia lịa:
– Hổng sao, hổng sao...
Nhìn cô gái anh có cảm giác cô đương gặp chuyện khó khăn cần giúp đỡ. Anh hỏi:
– Cô cần năm chục mark chi vậy?
– Mua vé xe đi Hamburg tìm người quen nhờ họ giúp tui trị bịnh.
– Cô bịnh?
Cô gái gật đầu, mắt long lanh buồn buồn... Thấy vậy anh móc bóp lấy hết xấp tiền giấy đưa cho cô và nói:
– Tui còn có bao nhiêu thôi, cô cầm đi.
Cô nàng cầm tiền xong cảm động nói:
– Đủ quá rồi, cám ơn ông nhiều lắm.
Anh day ngang uống bia tiếp. Cô ta thấy anh không nói gì bèn kề miệng gần anh tai nhắc nhỏ:
– Bên trên có căn phòng, ông lên đó với tui...
Anh day qua nghiêm túc, nói:
– Trông cô mệt lắm rồi, tìm chỗ nghỉ ngơi, sáng mai còn đi qua Hamburg.
Cô gái từ từ đứng lên, gài nút áo lạnh rồi cúi hôn anh một cái và nói lời cám ơn rồi bước ra cửa. Anh nhìn theo cô gái thoáng chút buồn buồn...
Ngoài trời cơn mưa giông đã dịu từ lúc nào. Anh ngó lên chiếc đồng hồ tường thì đã hơn ba giờ sáng, định kêu tắc xi nhưng trong bóp chỉ còn có mấy đồng tiền cắc, đành kéo áo lạnh lên cho kín cuốc bộ về tàu.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, anh đã quên mất chuyện mưa giông đêm ấy. Chợt một hôm lên hội quán gặp lại Gel, chuyện đời cũng ngộ, có người quen nhau rất lâu và xa nhau thời gian ngắn gặp lại ngờ ngợ, còn anh với cô gái gặp nhau có một lần trong đêm và sau khi chia tay ra đi anh đã quên bẵng, nhưng không hiểu sao vừa gặp lại, cả hai liền nhận ngay. Cô nàng mừng rỡ ôm chầm lấy anh hôn hai ba cái lên má, làm như lâu ngày mới găp người yêu. Nhìn bảng hiệu trên ngực anh mới biết cô tên Gel và là nhân viên trong hội quán. Chào hỏi xong Gel nói:
– Ông ở đây được bao lâu?
– Tàu mới ghé, mai tui khởi hành.
– Tui phải làm việc tới mười giờ – Chợt nhớ ra cô ta tiếp: Ờ hay là lát nữa nghỉ giải lao tui lại nói chuyện với ông.
Anh gật đầu chỉ tay ra chiếc bàn trống cạnh sân bóng rổ:
– Ô kê, tui ngồi đằng kia chờ cô.
Anh đi vô bar mua bia rồi bưng ra bàn ngồi. Mùa hè, chiều mát, trời sáng sủa, ngồi xem hai đội đấu nhau bình bịch, nghe vui tai và trông cũng đẹp mắt.
Một lát sau tay cầm chai bia, tay chai nước ngọt, Gel đi ra ngồi đối diện anh. Gel mời anh chai bia, còn cô thì uống nước ngọt. Anh hỏi thăm sức khoẻ.
Cô khoe:
– Tui đã hết bịnh rồi.
– Cô có chồng con gì chưa?
Cô cười nói:
– Tui mà chồng con gì.
– Sao vậy?
– Tui bịnh không có chồng được.
– Cô mới nói đã hết bịnh rồi mà.
– Thì sức khoẻ tốt, bình thường, cô chỉ chỉ ngón tay trỏ vô phía dưới bụng nói:
– Chỗ này có vấn đề...
– Ô kê, nhưng đừng nói là cô đã chuyển giới tính à nhe.
Gel khoát tay lia lịa.
– No... no... no...
Cũng từ đó tới nay hễ mỗi lần về Hamburg, đêm nào không vô phố thì anh lên hội quán, khi nào Gel bận việc thì hỏi qua vài câu, không thì ngồi với nhau uống bia hoặc uống rượu nói chuyện đời sống, chuyện tình người. Thỉnh thoảng Nino cũng ngồi chung góp chuyện.
Anh đưa ly rượu qua mời:
– Thôi, uống đi cho quên chuyện cũ.
Gel cầm ly lên cụng, hớp một hớp, để ly xuống, lấy giấy lau miệng, nói:
– Từ đêm gặp ông tui mới biết trên đời này còn có nhiều người tốt.
– Gặp khó khăn mới biết được lòng người, sống êm ả một nơi thì ai cũng như ai.
– Có nhiều chuyện muốn quên nhưng khó vô cùng.
– Không quên hết được thì quên một nửa thôi.
Gel cười:
– Quên mà quên một nửa là sao?
– Cô hổng thông minh chút nào hết. Thí dụ như đêm hôm đó cô chỉ cần nhớ từ lúc đi Hamburg gặp người bạn giúp cô trị bịnh và tới khi gặp Nonie giới thiệu việc làm cho cô, tức là cô chỉ nhớ một nửa, cái phân nửa này đủ để cho cô bớt khổ tâm rồi.
Gel gật gật đầu miệng lẩm bẩm:
– A ha... Có lý, có lý... Nhưng làm được như ông nói hổng dễ đâu.
Anh cầm chưn ly rượu xe xe và nói:
– Trên đường đời ai không có những lúc khó khăn, trải qua biết bao nhiêu sóng gió cuộc đời mà vẫn sống cho tới ngày hôm nay, thì dù sao đi nữa mình cũng là người may mắn. Nếu có bất an về chuyện gì thì cô nên ngồi lại bình tĩnh xem coi mình có thể làm được gì xoa dịu không, được thì làm, không thì cứ để mặc cho nó tự nhiên qua.
Gel đưa tay lên bóp trán:
– Mỗi lần có chuyện buồn, ngồi nói chuyện với ông tui cảm thấy an tâm.
Anh bưng rượu lên cụng, hớp một hớp cạn phần rượu. Anh định rót thêm nhưng chai rượu đã gần hết, anh rót cho Gel phân nửa và anh phân nửa. Anh khoa tay ngang lên mặt bàn nói:
– Đúng ra cô an tâm là nhờ cái mớ này đây.
Nãy giờ hai người lai rai hết chai rượu và gần hết bịch da heo chiên dòn:
– Cô uống nữa không?
Gel lắc đầu.
– Thôi đủ rồi.
Anh ngó quanh một vòng rồi day qua hỏi Gel.
– Hôm nay Nonie không làm việc sao?
– Không, ảnh nghỉ vài hôm lo chuyện giúp người.
– Vậy thì mình uống hết cái này.
Hai người cụng ly nốc cạn phần rượu. Để ly xuống, anh gom vỏ chai, bọc, dĩa để hết vô mâm.
– Ông để tui.
Gel hai tay bưng chiếc mâm đứng dậy và hỏi:
– Ông muốn xuống tàu bằng xe của hội quán không?
– Khỏi, tui cuốc bộ quen rồi, hơn nữa tàu đậu cảng gần đây.
Gel đem đồ vô trong lát sau trở ra lấy chiếc túi xách mang lên vai.
– Tui vô trong có chút chuyện, lát nữa gặp lại:
– Tui cũng xuống tàu rồi.
Gel chìa tay ra bắt:
– Vậy lần sau gặp lại.
Từ giã xong chờ Gel đi rồi, day lưng bước đi, theo thói quen, đi bộ anh hay thọt tay túi quần, chợt đụng cái bao thư, anh bèn day lại, thấy Gel đi gần tới cửa hội quán. Anh vừa chạy vô vừa gọi lớn:
– Gel, Gel...
Gel ngoái lại. Anh tới trước mặt, đưa bao thư cho Gel:
– Cô đưa cái này cho Nonie dùm.
Gel à một cái và cầm lấy bao thư nhét vô túi xách:
– Tui biết rồi, cám ơn ông nhiều.
– Cái này hổng phải cho cô đâu.
– Cái ông này.
Brevick, 27/11/2003
Nguyễn Lê Hồng Hưng