Nguyễn Hiền
Bạn của kẻ thù có phải là kẻ thù không?
Ba mươi năm trước, sau ba tháng sống trong một trại tị nạn tại Singapore, tôi đã bay đến Hòa Lan trên một chiếc máy bay của KLM. Khi đó tôi chỉ mang theo chút xíu hành lý nhẹ. Kể từ lúc đó tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm. Trong năm năm đầu ở Hòa Lan tôi đã thâu thập được nhiều kiến thức. Tôi phải học một ngôn ngữ mình hoàn toàn mù tịt và tạo cho mình một chỗ đứng trong ngành quản thủ thư viện. Và giờ đây, với hai mươi lăm năm kinh nghiệm nghề nghiệp, không những tôi đã rất vững mạnh trong nghề, mà tôi còn có thể, với chút hãnh diện, nói là tôi đã tạo được một cuộc sống tốt đẹp nơi đây.
Trong những năm đầu tiên tôi đã thường bị đối đầu với sự hiểu lầm từ những nhóm tả phái ở Hòa Lan. Những người này không hiểu nổi vì sao tôi lại phải chạy trốn khỏi một đất nước đã được giải phóng khỏi nạn đế quốc. Vì thế chúng tôi, bốn thuyền nhân tị nạn ở Hoorn, đã nảy ra ý định viết một bài báo để đăng trên những tờ nhật báo lớn. Cuối cùng bài này sau khi được thu ngắn, đã xuất hiện trên mặt báo NRC Handelsblad. Chỉ nội cái tựa – Những người tị nạn từ Việt Nam không phải là những kẻ phản bội – đã nói đủ về sự phẫn nộ của chúng tôi đối với định kiến khi đó.
Những định kiến đó không phải là nhẹ nhàng. Một người bạn của tôi đã không được thâu nhận vào học trong học viện xã hội ‘De Horst’. Sự kiện đó năm 1985 đã lên tới cả trên mặt báo de Volkskrant. Nhiều sinh viên và giảng viên từ mọi phía cho rằng sinh viên Việt Nam sẽ rất có thể mang lại tình trạng bất ổn, bởi vì quan niệm chính trị của họ mâu thuẫn với triết lý của ngành học. Bạn tôi nói là anh không thể hiểu được, bởi vì anh muốn được nhận vào học viện để học chứ không phải để hoạt động chính trị.
Tôi dễ hiểu vì sao bạn tôi khi đó chợt thấy thất vọng, vì anh đương nhiên đã không lường trước một chuyện như vậy lại xảy ra với anh ở nước Hòa Lan tự do. Anh đã trải qua những đau khổ do chính trị gây ra và bây giờ anh lại một lần nữa phải đối đầu với nó ở Hòa Lan.
Suy nghĩ về chính trị, ở Hòa Lan trong những năm vừa qua đã làm một bước rẽ sang hữu phái. Những định kiến tả phái đã được đổi thay bằng định kiến hữu phái. Sự phân chia giữa tả và hữu rõ ràng là đã phù hợp khít khao với suy nghĩ trắng-đen một cách dễ dãi của những người “đơn giản”. Duy chỉ có khi nào con người không loại bỏ nhau dựa trên quan niệm chính trị, thì chúng ta mới có thể bỏ sự đối đầu nguy hiểm này lại đằng sau. Phật giáo dạy ta là tất cả các chúng sinh phải đùm bọc nhau.
Một bài viết từ giã trong mục nhận định này đương nhiên sẽ không đầy đủ nếu thiếu vắng những lời cảm ơn. Trước hết tôi muốn cảm ơn Tú Ngô, con gái lớn của tôi, về công sửa chữa những lỗi ngữ pháp trong những bản nháp đầu tiên của tôi. Tôi cũng muốn cám ơn người đồng nghiệp, Jaap Anten, cho những lần thảo luận về nội dung và những lời khuyên quý giá của ông. Tôi phải biết ơn chủ biên radio Ton Maas rất nhiều về sự chuyên nghiệp của ông và niềm đam mê đầy cảm hứng mà ông mang tới mỗi khi ông đến nhà tôi để thu âm cho chương trình. Không có quý vị, những thính giả đáng quý (và những độc giả mục column của tôi qua những trang mạng của BOS, của Chùa Vạn Hạnh, viethoa.nl và caidinh.com), tôi đã không hoàn thành được với nhiều thích thú như vầy qua năm năm là nhà bỉnh bút. Và sau chót hết tôi muốn nói là tôi vui sướng không tưởng được khi thấy ánh mắt hãnh diện của vợ tôi khi đọc những công trình tôi làm, bởi vì suốt trong hai mươi lăm năm qua nàng đã là người nâng đỡ và tin tưởng tôi.
Nguyên tác: “Is een vriend van een vijand een vijand”, column trong chương trình phát thanh của BOS ngày 23/06/2012.
Người viết: Lam Ngo
Người dịch: Nguyễn Hiền