Lê Nhật Thăng


Đọc Thơ Của Chiến Sĩ Phan Bội Châu

 

Trong lịch sử đấu tranh và văn học của dân tộc Việt Nam có một họ lừng danh góp công nhiều nhất và lớn nhất. Đó là họ Phan. Chúng ta có thể kể: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Huy Chú, Phan Đình Phùng, Phan Huy Ích, Phan Huy Vịnh, Phan Phu Tiên, Phan Kế Bính, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Phan Khôi... và Phan Ngọc Châu tức Nam Xuyên, Phan Quảng Nam, Chu Phụng Kỳ (bị ám hại ở bang California năm 1989).

Hôm nay tôi cùng các bạn đợc sơ lại tiểu sử và ngâm hát lại vài bài thơ tiêu biểu của người yêu nước kiệt xuất Phan Bội Châu.

Phan tiên sinh chào đời ngày 26-12-1867 và mất ngày 29-10-1940. Trước năm 1900 có tên là Phan Văn San và ông có các bút hiệu như Hải Thu, Thị Hán, Độc Tinh Tử, Việt Điểu, Sào Nam... Bút danh Việt Điểu và Sào Nam rõ ràng Phan tiên sinh lấy trong câu Việt điểu sào nam chi để bộc lộ tâm hồn yêu nước nồng nàn của ông.

Quê của Phan Bội Châu là làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một trong những địa linh nhân kiệt. Vì song thân đều tinh thông Hán học nên họ Phan sớm được giáo hóa bằng nghiên bút và bởi có thiên khiếu nên nổi tiếng thần đồng. Ông học thuộc Tam Tự Kinh chỉ có vài ngày và còn đặt ra Phan Tiên Sinh Luận Ngữ sau khi đọc Luận Ngữ lúc mới bảy tuổi. Năm Canh Tý (1900) ông dự kỳ thi hương, đậu Giải Nguyên, thủ khoa trường Nghệ.

Ngoài việc giáo dục văn chương, kiến thức Hán Nho, Phan quân còn được cha mẹ dạy dỗ tinh thần ái quốc, nên chưa đến tuổi trưởng thành ông đã tham gia tích cực phong trào Cần Vương.

Sau cuộc mưu toan cùng đồng ngũ đánh chiếm thành Vinh năm 1901 bị thất bại, ông vận động thành lập Hội Duy Tân năm 1904. Năm 1905, ông sang Trung Hoa rồi đi Nhật học hỏi, cầu viện, phát động phong trào Đông Du trong nước.  Đầu năm 1909 tổ chức Đông Du và trường Đông Kinh Nghĩa Thục gắng hoạt động không lâu bị thực dân Pháp đóng cửa, giải tán. Phan tiên sinh bị chính phủ Nhật trục xuất.

Năm 1910 ông quay lại Trung Hoa rồi tới Thái Lan để đi tìm đồng chí. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) Phan Bội Châu trở lại Trung Hoa lần thứ ba để thành lập Việt Nam Quang Phục Hội và Hội Chấn Hoa Hưng Á. Bất hạnh thay, năm 1913, ông bị chánh quyền Quảng Châu giam giữ hơn ba năm.

Tới năm 1924, Phan quân cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng theo mẫu mực Trung Quốc Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn.

Ngày 30 tháng 6 năm 1925, trên đường đi từ Hàng Châu đến Quảng Châu, vừa tới ga Bắc Thượng Hải thì ông bị mật thám Pháp bắt cóc rồi đưa ra tòa đại hình Hà Nội kết án tù chung thân. Cuối cùng toàn quyền Merlin phải ân xá vì trước cao trào đấu tranh của đồng bào cả nước nhất loạt đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Tuy thực dân Pháp thả ông, song trên thực tế họ đưa ông về sống ở Bến Ngự, Huế như một người tù giam lỏng cho đến ngày qua đời. Biệt hiệu Ông Già Bến Ngự ra đời vì thế.

Những tác phẩm chính của Phan Bội Châu:

Hịch Bình Tây Thu Bắc (1883)
Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư (1904)
Việt Nam Vong Quốc Sử (1905)
Hải Ngoại Huyết Thư (1906)
Việt Nam Quốc Sử Khảo (1908)
Trùng Quang Tân Sử (1913)
Ngục Trung Thư (1914)
Truyện Phạm Hồng Thái (1924)
Khổng Học Đăng (1935)
Phan Bội Châu Niên Biểu (1937)

Ngoài ra còn rất nhiều văn, thơ, phú, ký, tuồng... Tính ra toàn bộ sáng tác phẩm của Phan Bội Châu dầy tới vài nghìn trang. Vì khuôn khổ báo chí, tôi chỉ giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu của Phan Bội Châu có tâm tình và bối cảnh giống chúng ta, những người mất nước, xa quê hương thực sự và lưu vong ngay trên tổ quốc của mình:

Vợ Khuyên Chồng
(hát dặm)

Chàng hỡi chàng!
Xin chàng ngồi lại
Thiếp phân giải đôi lời
Hơn bốn chục năm trời
Đem thân làm nô lệ
Nỗi đắng cay xiết kể
Nói ra những sầu bi
Chàng nam tử tu mi
Tại làm sao không biết?
Tại thế nào không biết?
Chỉ nguyệt hoa, hoa nguyệt
Chỉ chè, rượu, bạc, cờ
Chỉ hờ hững, hững hờ
Chịu làm dân mất nước
Thử nhìn sau, xem trước
Kìa các nước lân bang
Bọn nam tử đường đường
Sử xanh còn tạc để
Bia vàng còn tạc để
Chàng con nhà thi lễ
Vốn nòi giống Lạc Hồng
Lẽ nào chịu trong vòng
Cho quân Tây đầy đọa
Cho quân thù đầy đọa
Thiếp xin chàng tạc dạ
Này cách mạng, cơ quan
Kíp tổ chức kết đoàn
Làm sao cho nghiêm nhặt
Làm thế nào cho nghiêm nhặt
Còn như việc gia thất
Đã có thiếp lo trong
Dầu chết cũng cam lòng
Thiếp không ăn năn chi cả
Mấy lời vàng đá:
Chàng ơi, vị quốc vong thân!

(1904)

Đấy là một bài làm theo lối hát dặm của vùng Nghệ Tĩnh, chủ yếu theo thể thơ ngũ ngôn vần liền. Tác giả vùng câu năm chữ để nhấn mạnh một cách ngắn gọn. Nhìn chung, bài hát này sử dụng các từ ngữ dân gian hơn là danh từ Hán. Đôi chỗ Phan quân nhắc lại ý tưởng và giữ nguyên vận trắc để biểu tỏ sự cứng rắn, quan trọng của lời khuyên. Chắc hẳn người vợ đảm đang này đã khuyên răn người chồng nhiều lần nhưng đấng trượng phu của nàng vẫn chứng nào tật ấy, không 'giác ngộ'.

Chúng ta thấy vào bài người vợ nghiêm chỉnh mời chồng ngồi nghe, chắc trước khi ông ta lại rời nhà tới thế giới yên hoa tửu sắc. Bốn chục năm phối ngẫu của đôi vợ chồng già chỉ là một giả định mà thực ra tác giả muốn đề cập tới thời gian bị thực dân Pháp đô hộ.

Chàng là con nhà giòng dõi, thi lễ; thuộc giống nòi anh hùng sao cam tâm chịu sống buông xuôi; đắm chìm vào cuộc sống trác táng; quay lưng lại các khổ nhục của đồng bào; không muốn đứng lên kết hợp để đánh đuổi bọn cướp nước?

Chúng ta chú ý chí khí kiên nghị của người vơ bảo chồng, nếu thiếp có vất vả gian khổ mắc bệnh từ trần hoặc bị giặc bắt chết vì phu thê liên đới cũng cam lòng, không phàn nàn, ăn năn chi cả! Thật là một bậc nữ lưu sáng ngời, xứng đáng là hậu duệ bà Trưng, bà Triệu và còn 'tiến bộ' hơn cả người chinh phụ của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm nhiều.

Bài hát hay bài thơ này chỉ cần sửa đổi chút ít sẽ trở thành bài cảnh tỉnh cho nhiều thanh niên hay các vị trung niên đang sống buông thả, vô vị không có lý tưởng và quên cả hoàn cảnh thực tại của đất nước và dân tộc.

Đông Du Ký Chủ Đồng Chí

Đinh thiên lập địa hảo nam nhi
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy?
Giang sơn tử hĩ sinh như nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Tiện trục trường phong đông hải khứ
Côn ba kình lãng nhất tề phi

Khả vô thiên địa khả vô thân
Thư kiếm mang mang duyệt kiếp trần
Khước sỉ sinh ư thiên tải hạ
Do năng thân kiến ngũ châu xuân
Quan hà mộng lý kinh niên tuyệt
Vũ trụ kỳ quan trục nhật tân
Kỷ ngữ thương thương đông hải ngoại
Như cuồng như túy cánh hà nhân?

(1905)

Gửi Các Đồng Chí Đông Du

Đường đường một đấng nam nhi đứng trong trời đất
Không thể để trời đất tự xoay vần đến đâu cũng được
Trong cuộc đời trăm năm này cần có ta
Còn chuyện nghìn năm sau nữa chẳng lẽ không có ai?
Non sông mất rồi sống chỉ là nhơ nhuốc
Sách vở thánh hiền tẻ ngắt, đọc chỉ mụ người
Theo ngọn gió xuôi mà đi ra biển Đông
Cùng với cá côn, cá kình bay nhảy trong ngàn sóng

Thà không có trời đất và cả thân ta nữa
Là kẻ hào hùng phải dấn thân vào nơi xa xăm cho từng trải
Khỏi bị hổ thẹn với lớp người ở nghìn năm sau
Còn có thể dám nhìn thấy cảnh xuân tươi của năm châu
Giấc mộng quan hà đã bẵng đi bao năm
Vũ trụ mỗi ngày một mới lạ
Gửi lời tới người ở ngoài biển đông xa xôi
Ai là người say sưa cuồng nhiệt?

Ai có thể hiên ngang trả lời Phan tiên sinh những câu hỏi đầy tâm huyết ấy? Xin thưa: Chính những người Đông tiến.

Ái Quốc

Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
   Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
Ông cha ta để cho ta lọ vàng

Trải mấy lớp tiền vương dựng mở
Bốn ngàn năm giãi gió, dầm mưa
   Biết bao công của người xưa
Gang sông, tấc núi, dạ dưa, ruột tầm

Hào Đại Hải âm thầm trước mặt
Dải Cửu Long quanh quất miền Tây
   Một tòa xan xát xinh thay
Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn

Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp
Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu
   Giống khôn há phải đàn trâu
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng?

Hai nươi triệu dân cùng, của hết
Bốn mươi năm nước mất quyền không
Thương ôi công nghiệp tổ tông

Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao

Non nước ấy biết bao máu mủ
Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang
   Cờ ba sắc, xứ Đông Dương
Trông càng thêm nhục, nói càng thêm đau

Nhục vì nước, mà đau người trước
Nông nỗi nầy non nước cũng oan
   Hồn ơi về với giang san
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này:

'Hợp muôn sức ra tay quang phục'
Quyết có phen rửa nhục, báo thù!'
   Mấy câu ái quốc reo hò
Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng

(1910)

Cách đây hơn 100 năm, lời kêu gọi đầu tiên và quan hệ nhất cho công cuộc quang phục tổ quốc vẫn là việc đồng tâm, đoàn kết. Nước mạnh, nước giầu mà đoàn kết thì càng giầu mạnh hơn và nước nghèo yếu thì chỉ có đoàn kết mới giữ vững được nền độc lập tự chủ và bảo toàn mạng sống cho mình, cho gia đình mình.

Tác giả nói chúng ta có lọ vàng do tiền nhân để lại, ý nói tài nguyên đất nước của chúng ta phong phú, thoát ý câu tiền rừng, bạc bể.

Bài thơ này mà Phan tiên sinh gọi là bài hát yêu nước và cũng là bài gọi hồn thiêng sông núi về giúp cho con dân hợp sức cứu nước.

Bài Ca Chúc Tết Thanh Niên

     Dậy, dậy, dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Xuân hỡi xuân, xuân có biết cho chăng?
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh
Thưa các cô, các cậu lại các anh
Đời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Đây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần
Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn
Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa (1)
Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân!
Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân

 (1927)

Hai câu đầu của bài này gợi cho chúng ta nhớ đến một bài thơ của Từ Diễn  Đồng có hai câu kết:

Hàng xóm láng giềng ai đã dậy?
Dậy thì lên tiếng gọi làng Nho

Phan Bội Châu viết bài chúc Tết dành cho các người trẻ tuổi là thế hệ nòng cốt của dân tộc bằng những lời động viên, nhắc nhỡ thiết tha như một người bạn cùng trang lứa. Dù đã hơn hai mươi mùa xuân qua nhưng mọi người 'nào biết có xuân là gì' bởi phải sống trong vòng nô lệ của ngoại bang. Ống chỉ trông vào lớp thanh niên sẽ vùng lên, nắm và tạo thời cơ đặng làm tròn nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mình.

Theo tôi, câu thơ có hùng khí nhất là câu: Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa. Sắt lửa ở đây hiểu theo nghĩa bạo quyền có nhiều ưu thế kỹ thuật, vũ khí hơn chúng ta.
Ý của câu kết ngày một thêm mới, thêm mới nữa chúng ta có thể hiểu là vạn vật tuân theo lẽ biến dịch và nói theo từ ngữ mới là sự vận động theo điều kiện nội tại và khách quan của lịch sử.

Vô Đề

Chán khóc ai rồi lại khóc mình
Dở cười, dở nói, dở làm thinh
Lung tung sóng bể, à đa sự
Lấp ló trăng đêm, ủa hữu tình
Cương ngựa, ách trâu cười một giống
Tiếng gà, máu quốc khác năm canh
Ngán cho kìa chiếc thuyền con cỏn
Chở nổi bao nhiêu khối bất bình

(1929)

Đây là một bài cảm khái cao độ của Phan tiên sinh đăng trênbáo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng vào đầu thời kỳ tác giả đang bị 'quản chế'. Tên bài đặt Không Đề vì ông mở rộng xúc cảm và suy nghĩ về thời cuộc và bản thân. Cả hai liên hệ chặt chẽ thành một khối, một mệnh nổi trôi theo dòng đời. Bài thơ giàu ẩn dụ, hình tượng.

"Ta khóc cho tiền nhân đang mỏi mắt mong cầu con cháu giành lại tổ quốc, khóc cho những anh hùng anh thư bị thất bại trong sự nghiệp giải phóng đất nước thân yêu và khóc cho mình đang bị biếm trích bên dòng sông nhỏ. Cười ư? Không có chi vui cả! Nói chăng? Biết nói gì khi bị canh chừng ráo riết! Thôi đành làm thinh, âm thầm nuôi hy vọng kẻo mang vạ vào thân nữa.

Sóng ngoài biển xa kia ầm ì khiến ta hồi tưởng những chuyến đi mang theo viễn mộng, chất ngất hoài bão. Những lớp sóng kể mãi cho ta bao nhiêu chuyện đổi rời, dâu bể. Vầng trăng đêm đối diện cùng ta hẳn cùng ta thông cảm lòng ta u uẩn, đời ta cô đơn?

Than ôi! Dân tộc ta đang biến thành kiếp ngựa, trâu cực nhọc khiến cho dân tộc khác cười chê một dòng giống kiêu hãnh có hơn bốn nghìn năm lịch sử hào hùng. Tiếng gà lay giấc hôn mê đầy ảo tượng và tiếng từ quy vang vọng đến ứa máu đâu đây suốt đêm dài thao thức triền miên mà ta đang là khách trọ của Bến Ngự cô liêu.

Ta bỗng thành một chiếc thuyền bé nhỏ chất chứa bao nhiều nỗi niềm sầu hận bất bình..."

Năm bài tôi trích dẫn trên biểu hiện tuyệt vời tấm lòng yêu nước vô hạn và tổng quan tất cả tác phẩm của Phan Bội Châu, đã nhất loạt chứng tỏ ông rất xứng đáng là một chiến sĩ tiên phong, có tinh thần tiến công tích cực thường xuyên dù bất cứ ở tuổi nào, nơi nào.

Những sản phẩm văn chương của khối óc và trái tim Phan Bội Châu được ánh sáng dân tộc soi rọi, hướng dẫn nên bao giờ cũng huy hoàng, thân thiết, gom thành ngọn lửa sáng tạo để cho các thế hệ sau nầy phải bồi hồi, nao nức, hãnh diện và hành động.

Như thế tên ông và tên đệm đặt cho ông quả là một minh chứng rực rỡ.

Điều đáng quý trọng Phan tiên sinh nhất là ông nói, viết và làm hợp nhất như một chất rắn hơn kim cương mang hình tam giác đều không lệch, không nghiêng, không chảy và không vỡ dù ngoại giới có tác động mạnh mẽ ra sao chăng nữa!

Tuy Phan quân rất tâm đắc hai câu thơ của nhà thơ Viên Mai, Trung Hoa: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch, Lập thân tối hạ thị văn chương (Mỗi bữa ăn đều mong ghi sử sách, Lập sự nghiệp thấp kém nhất bằng văn chương). Chắc chắn ông quá khiêm tốn hoặc vì thấy phần lớn trí thức gia đương thời chuộng hư danh, cử nghiệp mà quên đại nghĩa nên ông khuyên răn dè chừng đó thôi.

Cuối cùng, tôi trích thêm đoạn cuối bài Mấy Lời Vĩnh Quyết của ông đăng trên báo Tiếng Dân ngày 31-10-1940 gần như là bài chót trong đời cầm bút để chấm dứt bài tưởng niệm ngắn này:

"... người đến khi gần chết, lời nói hẳn lành. Nay tôi đã đến lúc gần chết đó, xin có mấy lời gan phổi tỏ lời hy vọng cuối cùng với đồng bào: Đồng bào Việt Nam ta có trên hai mươi triệu, bấy nhiêu đầu óc, bấy nhiêu tai mắt, bấy nhiêu chân tay, nếu biết thương yêu nhau, đồng lòng hợp sức làm cái bổn phận quốc dân đối với Tổ Quốc... Không thế, trên mặt địa cầu sau này sẽ không có hình bóng dân tộc Việt Nam nữa, thì Bội Châu này có trốn nợ, vỡ nợ cũng may mà được chết trước anh em, tôi lấy làm một điều hạnh phúc.

Mấy lời trên, tôi xin từ biệt và cảm ơn đồng bào..."

 

Lê Nhật Thăng

_________________

Chú thích:

(1) Có bản chép: Đem gan óc quyết dời non, lấp bể.

 


Cái Đình - 2012