Khế Iêm


Ðọc thơ Biển Bắc

 

Biển Bắc ra khỏi nước từ hồi còn rất nhỏ, lúc mà tiếng Việt của anh chỉ mới bắt đầu giai đoạn phát triển, thế nhưng vì hoàn cảnh anh lại rơi ngay vào môi trường sống không hề sử dụng tiếng Việt. Tiếng Việt nơi anh, lạ thay lại là tiếng Việt của thơ ca, mà ngay những nhà thơ Việt sinh sống và hít thở trong đời sống và ngôn ngữ ấy cũng chưa chắc đạt được. Điều đó phải chăng là do nơi quan điểm ngôn ngữ đơn giản đời thường của thơ Tân hình thức Việt. Như vậy hẳn đây là loại ngôn ngữ mà mọi người ai cũng có thể trở thành nhà thơ nếu thật sự có tài năng?

Chúng ta thử bắt đầu với bài thơ “Ánh Nhìn / Khoảng Không”. Một giọt nước trên không bỗng rơi trên mắt (kính) cô gái, làm mờ hình ảnh của chàng trai trong ánh nhìn của cô. Nhưng sau lau khô (kính) thì ánh nhìn sáng hơn thêm, nhưng không còn thấy chàng trai nữa.

Ánh Nhìn/Khoảng Không
Giọt nước rơi từ khoảng
không trên cao xuống mắt
(kính) em… bỗng nhiên làm
nhòa đi hình ảnh anh
trong ánh nhìn của em
rồi sau đó sau khi
lau khô (kính) em
bỗng nhiên sáng hơn thêm
trong ánh nhìn… khoảng không
(cuối 1, không 7)

Chữ “kính” để trong ngoặc, nên có thể hiểu rằng chữ này có thể có hay không. Nếu không có “kính” thì giọt nước kia chắc chỉ là giọt nước mắt, rơi ra từ khoảng không trong tâm trí, làm hoen ố hình ảnh chàng trai trong lòng cô gái (có giận hờn gì không), và sau khi lau đi thì cô gái không còn nghĩ gì về chàng (giận hờn tiêu tan), cảm thấy thảnh thơi trong lòng. Nếu có “kính” thì giọt nước kia có phải là giọt mưa, làm nhòa hình ảnh chàng trai trước mặt (thực tế hay giấc mơ), và sau khi lau khô “kính” thì lại không còn thấy chàng trai nữa (giấc mơ qua). Cái ẩn ý đằng sau đó phải chăng là tính hư ảo của đời sống? Bởi ngay cả hai mặt của một toàn cảnh, trong và ngoài, nội tâm và ngoại cảnh xảy ra, cũng chỉ trong thoáng giây. Và tất cả, là một giả dụ, một suy đoán mơ hồ, vì thơ thì, như sợi tơ “trong thoáng giây”. Bài thơ hay, ngôn ngữ đơn giản và sâu sắc.

Nhưng bài thơ để đọc chứ không phải để phân tích. Vì thế chúng ta hãy đọc để những cảm xúc ngấm vào. Phân tích chỉ là phương tiện dẫn chúng ta tới những ngõ ngách của thơ. Sau đó thì hãy quên cái phương tiện vướng bận đó đi.

Nơi Bến Ga
Gã thanh niên vẫn đứng bên
kia đường ray xe lửa như
mọi ngày tôi đứng bên này
ga xe lửa chờ chuyến xe
tới đưa chúng tôi tới trạm
tới là mục đích của hành
trình của chúng tôi. Có điều
mục đích/trạm xe mà hắn
muốn tới nằm ở trạm xe
đằng sau lưng của tuyến hành
trình của tôi còn trạm xe/
mục đích tôi muốn tới lại
ở trạm xe đằng sau lưng
trên tuyến hành trình của hắn.
Tôi đứng bên này ga bên
kia đường ray sắt hắn đứng
chúng tôi nhìn nhau…nghi hoặc.
(đầu 2, không 7)

 

Bài thơ “Nơi Bến Ga” lại giống như một màn kịch. Hai người cùng chờ đợi chuyến xe nhưng ở hai phía đối nghịch. Người đi về phía Đông, người về phía Tây. Tuyến đường là vậy nhưng cả hai chuyến xe vẫn chưa có chuyến nào tới. Và hai người nhìn nhau nghi ngại như có điều gì xa cách và không nói được. Bài thơ  nói lên tâm trạng ở rất nhiều tình huống trong cuộc đời thường. Bởi cuộc đời, bản chất là sự phân cách, chia lìa, mâu thuẫn. Và cũng là sự chuyển động. Nhưng trong bài thơ, những chuyến xe chưa tới, và hai người ở hai tuyến đường vẫn đứng nguyên một chỗ. Nếu sự chuyển động làm nên đời sống thì thơ làm ngưng đọng đời sống. Bởi bài thơ là bức hình chụp những góc cạnh đời qua phương tiện chữ. Bức hình làm cho sự chuyển động thành bất động. Và sau đó người đọc, qua tưởng tượng sẽ làm cho nó chuyển động trở lại. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể thưởng thức cái hay của thơ trong im ắng tuyệt cùng, mọi tạp âm lắng xuống. Đời sống, tâm trí và thời gian cũng phẳng lặng để không còn một khởi niệm nào ngoài cảm xúc. Có điều gì lạ kỳ nơi bài thơ này làm chúng ta phải phân vân đến thế? Bài thơ có khả năng đẩy người đọc tới một tâm trạng như vậy mới có thể coi là bài thơ hay. Thơ vì vậy phải luôn luôn ở những “nơi bến ga”.

Bài thơ “Buổi Sáng / Vườn Hoa / Hái hoa” là sự “dằng co” của khí hâu và thời tiết qua ngôn ngữ. “Giông Bão Trong Ly Nước” là tấm gương soi phản ảnh tâm trạng giữa cảnh và người. Những bài thơ trên, chúng ta thấy rõ sự sắp xếp tinh tế của tác giả nhưng khi đọc lên lại rất tự nhiên. Đó là nghệ thuật, và qua đó chúng ta nhận ra sự tài hoa của tác giả.

Nhà thơ Biển Bắc ngay khi xuất hiện đã có được một phong cách hoàn hảo. Sự thành công của thơ anh nằm trong ngôn ngữ và cấu trúc đơn giản để diễn đạt những cảm xúc tức thì. Nhưng những bài thơ dài thì lại không được như vậy, ngoài cái không khí tươi vui, và ít để lại nơi người đọc ấn tượng nào đặc biệt. Chính điều này làm chúng ta phải suy nghĩ.
Một nhà thơ khi tìm ra được một phong cách, giọng điệu, ngôn ngữ, rồi cứ thế mà đi, hết bài này đến bài khác, tập này đến tập khác, sẽ đưa tới tình trạng lập lại chính mình. Thay vì ngưng lại, dành năng lượng cho những bước kế tiếp, thì lại phung phí cho đến khi vắt kiệt cảm xúc mà chẳng có thêm được sáng tác nào giá trị. Phong cách giống như một đoạn đường, một hình thức, một cái khuôn của một giai đoạn sáng tác nào đó. Nó hiện thân cho quá khứ. Khi thay đổi ngôn ngữ, làm cho nội dung thay đổi, rồi rót vào cái khuôn mẫu phong cách cũ, chúng ta sản xuất ra hàng loạt những bài thơ hao hao giống nhau. Và tưởng rằng cái nội dung khác đó là một bài thơ khác, mà không hay rằng đó chỉ là bản copy của hàng loạt những sản phẩm đã qua. Chúng ta lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa sáng tác và lập lại. Khi một người không còn làm thơ được nữa, họ chấm dứt là một nhà thơ. Khi một người lập lại chính mình, họ tự đánh lừa mình là một nhà thơ. Điều này thơ vần điệu và thơ tự do đã vướng phải. Làm thơ chỉ tìm chữ để rót vào cái khuôn mẫu có sẵn của vần điệu hay cái phong cách riêng biệt đã tạo ra trước đó. Nhận ra được những bài học và kinh nghiệm trên, chúng ta mới phong phú hóa được tiến trình sáng tác của mình.
Viết về thơ Biển Bắc là một điều thú vị. Thơ anh đã hoàn toàn thoát ra khỏi “cách dùng chữ để gây sốc” của thế hệ trước. Thay vì đó, thơ anh đang báo hiệu một tín hiệu mới, quan tâm tới nghệ thuật thơ. Anh là một nhà thơ còn rất trẻ, mà những đóng góp sẽ rất lớn, nếu ý thức một điều, phải thay đổi toàn bộ quan niệm về thơ, ngay trong thực hành. Mỗi nhà thơ tân hình thức phải là một người tạo được cho mình rất nhiều phong cách. Mỗi phong cách chỉ tối đa trong khoảng 20 bài thơ, đủ để khai thác hết khả năng một giai đoạn thơ, rồi sau đó phải tìm cách diễn đạt bằng một phong cách mới. Dĩ nhiên với một nhà thơ đa phong cách như vậy, hẳn sẽ là một nhà thơ lớn. Và họ phải sống với đủ mọi tình huống thì mới thể hiện được cái muôn mặt cuộc đời. Đó là một thách thức. Đã không thiếu những nhà thơ bỏ cuộc, tự chấm dứt cuộc đời nhà thơ của họ. Nhưng với Biển Bắc và những nhà thơ trẻ ở thế hệ anh, chúng ta có quyền hy vọng, vì họ còn có quá nhiều thời gian.

Qua bài viết, tôi muốn tâm tình với nhà thơ Biển Bắc một điều: Thơ anh đang ở bước khởi đầu đầy sung sức. Hãy thận trọng trong những bước kế tiếp để khỏi uổng phí năng lượng sáng tác. Tôi cũng muốn chúc anh có được những thành công mới, và chúng ta có được những bài thơ hay để đọc. Thân tình.

 

Khế Iêm
(trích từ website www.thotanhinhthuc.org)

***

Tiểu Sử
Tên thật là Vũ Nguyên Quang-Vũ, thế hệ hậu-nội-chiến 7x sinh tại Sài-Gòn.
Rời Việt Nam năm lên 12, hiện sống tại Hà Lan và làm tư vấn về ngành quản trị và tổ chức xí nghiệp.

 


Cái Đình - 2012