Phạm Khắc Trí


Thời gian gần đây, có một thân hữu hỏi, có chuyện gì không mà sao vắng tiếng,
cuộc chơi chữ nghĩa còn đang nửa chừng mà đã thôi xao?
(xin lỗi, chữ "xao" lẽ ra phải viết cho đúng là "sao",
một số người miền bắc thường mắc phải cái lỗi chính tả này).
Xin mời đọc câu chuyện Thôi Xao cho vui.

 

Ðề Lý Ngưng U Cư

Giả Đảo (793-865)

Nhàn cư thiểu lân tình
Thảo kính nhập hoang viên
Điểu túc trì biên thụ
Tăng "xao" nguyệt hạ môn

Dịch Nghĩa: Đề Ở Nơi Ẩn Cư Của Bạn Lý Ngưng

Chỗ ở vắng vẻ , láng giềng thưa thớt
(Lần theo) lối cỏ đi qua (một khu) vườn hoang
(Thấy) chim ngủ trên cây bên bờ ao
Dưới ánh trăng thanh, người-khách-tăng-tôi đến gõ cửa nhà bạn đây 

Đến Thăm Nhà Bạn

Chốn nhàn ít nhà cửa,
Lối cỏ qua vườn hoang.
Chim ngủ bờ ao vắng,
Tăng gõ cửa trăng vàng.

Phạm Khắc Trí
(05/2010)

Chú thích: Giai thoại Thôi/Xao
"Thôi" nghĩa là đẩy, "xao" nghĩa là gõ. Giả Đảo nổi tiếng là một nhà thơ rất thân trọng trong việc lựa chọn chữ nghĩa. Nhị cú tam niên đắc – phải mất ba năm mới làm xong được hai câu thơ. Nhà thơ của chúng ta đang phân vân giữa "thôi" và "xao" thì gặp được Hàn Dũ khuyên nên dùng chữ "xao". Tăng "gõ cửa" dưới trăng hay hơn là Tăng "đẩy" cửa dưới trăng. Còn chúng ta bây giờ thì sao? Đến thăm nhau, trong một đêm trăng, "đẩy" cửa hay "gõ" cửa đế vào nhà đây? Ý riêng, tôi thích "thôi" hơn "xao". Chỉ cần đẩy cửa mà vào, chứ nếu phải gõ cửa mới vào nhà nhau được thì tôi không đến làm gì. PKT.

 

 


Cái Đình - 2010