Biển Bắc
Con gà và quả trứng!
“Sự khác biệt giữa những nhà thơ Bắc-Mỹ và Đông-Âu và Châu-Mỹ-La-Tinh là những nhà thơ Bắc-Mỹ dùng bản thân như một nguồn gốc, trong khi những nhà thơ kia dùng bản thân như một dụng cụ”
Đứng trước lời bình luận của văn-hào Czeslaw Milosz, dùng làm sàn cho những câu hỏi của Damau, tôi có đôi điều (theo lần lượt của 3 câu hỏi) như sau:
1) Thú thật là trong cuộc sống " 24/7 ngày lần sống vội " ( Cơn Mưa Cần Thiết đăng lần đầu tiên trên www.thotanhinhthuc.org) tôi luôn bị lôi cuốn vào trong những " Ngày Thiếu...Giờ ", nên có rất ít thời gian để đọc nhiều/hết những tác giả Bắc-Mỹ, Đông-Âu và Châu-Mỹ-La-Tinh. Vì thế, đối với tôi, rất khó thể làm một cuộc so sánh giữa những nhà thơ đến từ những vùng đất ấy, để có thể đồng ý hoặc không đồng ý với lời phát biểu của Milosz.
Về việc " dùng bản thân " của nhà thơ như một nguồn gốc hay dụng cụ, tôi cho rằng rất khó, thậm chí là không thể nào xác định được sự phân biệt ấy một cách rạch ròi. Theo tôi, cuộc tranh biện có cơ nguy rơi vào cái cảnh " con gà với/hoặc qủa trứng ".
Nhiều khi (trong trường hợp) " dùng bản thân làm nguồn gốc " nhưng thực tế bản thân lại chỉ là một tiếng nói/phương tiện truyền thông của một ý niệm nào đó, được nuôi dưỡng/hình thành bởi những sự kiện trong cuộc sống bắt nguồn không nhất thiết từ bản thân của nhà thơ. Nói cách khác thì bản thân thi sĩ ở đây là môi trường gây xúc tác cho tiếng dội của đời sống/ý niệm. Trong đời sống cố nhiên có sự hiện hữu/tham gia của bản thân nhà thơ ở diện chủ thể và khách thể.
Ngược lại, trong khi " dùng bản thân làm dụng cụ " thì rất có thể tác phẩm lại là sự diễn đạt bắt nguồn từ sự cảm nhận của bản thân nhà thơ đứng trước những sự kiện/việc. Như vậy thì bản thân nhà thơ chính là nguồn gốc trong cái vang vọng của sự trải nghiệm đưa đến ý niệm về chính hắn ta.
Hai chức-năng-đặc-tính " nguồn gốc " và " dụng cụ " của bản thân nhà thơ thường đan chéo vào nhau. Quyện lẫn vào nhau đến độ khó thể xác định được chức-năng-đặc-tính nào chi phối chức-năng-đặc-tính nào để đặt câu hỏi: khởi điểm là " nguồn gốc " hay " dụng cụ "?
Mong rằng hai bài thơ dưới đây phần nào nói lên ý tưởng của tôi ở phần trên:
NGUỒN (NƯỚC) THƠ
Biển Bắc
* Trồi xuống;
* Thụt lên;
* Nhập ra;
* Xuất vào;
* Ngược theo;
* Xuôi lại.
Tồn tại
đa phần:
* Nước-…... (1);
* Nước-…… (1);
Mà rằng
nước nào
cũng là
kết quả,
cũng là
thơ…… cả!
(đầu 6, không 7)
(1) Thích nước gì, ở trong trường hợp / tình huống nào, thì bạn điền vào / xài nước đó!
(đăng lần đầu tiên trên www.thotanhinhthuc.org)
Tiếng Thơ : Tiếng Lặng
Biển Bắc
Im nghe
tiếng của cuộc sống/sau-cuộc-sống
mãi luôn lan truyền/vang vọng
luồn trong hơi thở tràn vào ta
từ những lỗ trống
dội ngược trở ra tiếng lọc
từ những lỗ trống
hòa thể trong chữ của câu;
trong câu của lời;
trong lời của tiếng;
trong tiếng của......thơ.
Im nghe
tiếng của thơ
va vào cuộc sống/sau-cuộc-sống
từ những lỗ trống
lan truyền/vang vọng
tiếng đọng lặng im
im lặng đọng tiếng......thơ.
Hãy im nghe tiếng lặng!
(đầu 7, không 7)
3) Trong đời sống thường thì tôi có thể đọc, viết và nói được đôi ba ngôn ngữ ở mức độ trung bình. Ngoài ra sự va chạm với nhiều văn hóa khác nhau là điều không thể tránh được. Đương nhiên là phải nhắc đến ảnh hưởng của những kỹ thuật truyền thông tối tân, điển hình là Internet.
Ngụp lặn trong con sóng toàn-cầu-hóa (globalisation), thì cái đa-văn-hóa (tôi thường gọi là multi-culti) đã trở thành bản năng sinh tồn mà lại thời thượng nữa. Không ít thì nhiều những sáng tác cũng nhuốm màu đa-văn-hóa. Tuy vậy, khó mà nhận ra được sự chi phối đặc thù của một văn hóa nào trong tác phẩm nào.
Phát xuất từ cái bản năng sinh tồn của con người (nhà thơ), văn chương/thơ/văn hóa cũng có nhu cầu sinh tồn. Sự hòa nhập vào và biến dạng theo môi trường thời đại là động cơ tất yếu và tự nhiên của bước tiến hóa văn chương/văn hóa. Nếu nói nôm na thì tác phẩm/sáng tác là trái-mùa công quả của văn chương/văn hóa. Tạm lấy 3 yếu tố sau đây làm cơ cấu hạ tầng cho môt tác phẩm:
1.- Bản thân tác giả
2.- Nội dung của thông tin;
3.- Không gian và thời gian với những cọng hưởng trong đó.
Ba yếu tố này luôn hòa nhập vào nhau; chi phối/tương tác để tạo nên một tác phẩm đặc thù. Với bức tranh văn chương/văn hóa toàn cầu hiện nay, nói đến “da màu” thì tôi thấy nó dần dà chuyển sang màu nâu (pha trộn của 4 dân-sắc: vàng, đen, trắng và… đỏ).
Xin tạm dừng với bài thơ sau đây (đăng lần đầu tiên trên www.thotanhinhthuc.org):
MƯU TẦN * THẾ KỶ 21
Biển Bắc
Màn quảng cáo cô ca cô
la đang diễn ra hào hứng thì một
tên sơn mình chụp cái mi
cờ rô vung tay lên hét lớn rằng
nếu si-mêu (1) là sản phẩm
của sự biến thái để thoát thai kiếp
nghèo đói cung ứng cho nhu
cầu của cao trào sóng du lịch tình
dục thì những quái thai mang
nhiều hội chứng nan y mới lạ là
tỷ số của cuộc cạnh tranh
thị trường kinh tế thải ra hàng loạt
mỗi ngày bờ-lú-sồn (2) môi
sinh em đang hít hà để cung ứng
cho nhu cầu tiêu dùng và
tác phẩm của quá trình um-lau-(văn)
hóa cung ứng cho nhu cầu
của sự toàn-cầu-hóa thì lại là
lớp hệ của những tâm hồn
màu nâu mang nhiều cơn sốt......khủng hoảng!
(cuối 3, không 7)
* Mutant = kết quả của sự biến đổi
Mưu-Tần = Mưu đồ thống nhất 6 nước thời Chiến-Quốc của Tần-Vương (Tần Thủy Hoàng)
(1) Shemale = một giới tính 1/2 nam 1/2 nữ
(2) Pollution = sự/chất thải làm ô uế
Biển Bắc
_________
Chú thích của Ban Biên Tập:
Tạp chí văn học trên mạng Internet www.damau.org , trong mục ‘Món ăn suy ngẫm' (Food for Thought), một hình thức phỏng vấn thoải mái lấy cảm hứng từ những lời trích dẫn của các nhân vật văn chương quan trọng, đã đưa ra 3 câu hỏi dựa trên một lời bình luận của văn hào Czeslaw Milosz: ‘Điều khác biệt giữa những nhà thơ Bắc Mỹ và những nhà thơ Đông Âu và Châu Mỹ La-tinh là những nhà thơ Bắc Mỹ dùng bản thân như một nguồn gốc, trong khi những nhà thơ kia dùng bản thân như một dụng cụ.':
1.- Anh/chị có suy nghĩ gì với lời bình luận trên, đồng ý/không đồng ý, xin cho biết tại sao? Nếu tiện, xin anh/chị cho ví dụ.
2.- Trong cuộc sống sáng tác, anh/chị cảm thấy mình giống trường hợp nào trong lời bình luận, của những nhà thơ Bắc Mỹ hay những nhà thơ Đông Âu và Châu Mỹ La-tinh?
3.- Anh/chị có viết/nói hơn một ngôn ngữ hoặc có bị ảnh hưởng hơn một văn hóa không? Anh/chị có lời bình luận nào so sánh những ngôn ngữ/văn hóa và phong cách sáng tác trong các ngôn ngữ đó không?
Bài trên là những cảm nghĩ của Biển Bắc, một nhà thơ hiện sống ở Hòa Lan, về nhận định trên. Biển Bắc sở trường về thơ tân hình thức, có nhiều đóng góp trên hai tạp chí văn học www.thotanhinhthuc.org và www.damau.org.