Nguyễn Hiền
Biển Bắc, nhà thơ Tân Hình Thức
Trong thế giới thơ Tân Hình Thức của người Việt khắp nơi, Biển Bắc là một nhà thơ có nhiều sáng tác được công nhận là có giá trị. Với số tuổi chưa đến bốn mươi, Biển Bắc đã có rất nhiều bài thơ đăng trong một số tạp chí văn học và tạp chí chuyên đề thơ. Anh cũng có 3 tập thơ đã được xuất bản. Nét độc đáo trong thơ Biển Bắc là sự sử dụng tài tình những từ ngữ gây ngạc nhiên cho người đọc qua những liên tưởng bất ngờ.
Cái Ðình hân hạnh có dịp được phỏng vấn nhà thơ trẻ này, hiện đang sống ở Hòa Lan.
***
Anh đến với thơ Tân Hình Thức trong hoàn cảnh nào?
Chào Cái Đình! Chào độc giả của CÐ, chào mọi người!
Vâng, câu hỏi đầu tiên này kéo chúng tôi ngược về năm 2005/2006. Nhân một dịp hàn huyên cùng dịch giả Cao Xuân Tứ và nhà văn Nguyễn Hiền về tình trạng bế tắc của thơ trong hoạt cảnh mỗi ngày một tẻ nhạt của văn học thời bây giờ, cụm từ Thơ Tân Hình Thức được đề cập đến như một mốt mới. Mặc dù, Tân Hình Thức lúc đó được phổ biến đã từ vài năm, phát khởi do Tạp Chí Thơ (TCT), California ở Mỹ, chủ yếu từ số 18, xuân 2000 «chuyển đổi thế kỷ». Lời kêu gọi của Khế Iêm, nguyên chủ bút của TCT, được nhiều nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước hưởng ứng. (Cười vang = LOL (laughing out loud)) mà dị ứng thì cũng không ít!! Câu nói đùa trong dịp ấy là “ nàng thơ tân hình thức lúng túng trên sàn catwalk Tạp Chí Thơ “
Riêng phần chúng tôi thì không dị- hay hưởng-ứng ngay, mà phản ứng. Động cơ thúc đẩy sự phản ứng của chúng tôi phát xuất từ hai mặt. Thứ nhất là tánh ham biết và thứ hai là khi nhìn lại quá trình sáng tác có điều gì đó bất ổn đang đi vào ngõ cụt. Biết đâu Tân Hình Thức là một khúc rẽ, may ra! Cái phản ứng của chúng tôi là một mặt tìm đọc những văn bản về thơ THT, một mặt áp dụng ngay những thứ đọc vào việc thử nghiệm sáng tác thơ THT. Sau một thời gian, máy PC báo phải dọn dẹp thùng rác vì bộ nhớ sắp bị quá tải, thấy có được đôi bài thơ THT(?) ra hồn đánh liều gửi đến trang mạng thotanhinhthuc.org do Khế Iêm sáng lập và chủ biên. Khế Iêm email cho chúng tôi, nhắn rằng mấy bài thơ “được lắm” rồi cho chạy trên trang mạng thotanhinhthuc cùng yêu cầu tiếp tục gửi thơ. Được sự khuyến khích, chúng tôi thêm phần tự tin, tiếp tục sáng tác rồi gửi đi một loạt bài thơ. Liền sau đó, ban biên tập thotanhinhthuc.org đề nghị khoan chưa cho chạy trên trang mạng trong những lần cập nhật mà để họ gửi đi ban tuyển chọn rồi ban giám khảo để dự thi giải Thơ Tân Hình Thức 2007. Loạt bài ấy có 6 bài thơ được ban giám khảo chính thức công nhận: “Những bài thơ đạt tiêu chuẩn về chất lượng để được trao giải thơ tân hình thức kỳ 2– Năm 2007”.
“Chúng ta không bao giờ thiếu tự do tìm kiếm nhưng không luôn thừa tự do để tìm thấy"
Đấy, thơ Tân Hình Thức đến với Biển Bắc song song với hành trình Biển Bắc đến với thơ Tân Hình Thức; họ đến với nhau trong một hoàn cảnh phù hợp.
Xin nói thêm là giải thơ Tân Hình Thức nhắc ở trên, không phải để phô trương mà cốt ý để xác minh cho sự gặp nhau phù hợp giữa TTHT và BB.
Theo anh, thơ Tân Hình Thức biểu hiện ước muốn đi tìm cái mới trong thơ hay là biểu hiện một sự phản kháng những qui luật (xã hội, văn chương…)?
Nhà thơ Khế Iêm khởi xướng phong trào Thơ Tân Hình Thức Việt hồi đầu thế kỷ 21, với những tiểu luận mở rộng mời gọi chung sức tìm tòi (phương cách) làm thay đổi (đọc làm mới) nhằm tạo một chuyển tiếp dòng chảy của thơ (Việt) để nếu không làm tăng, thì ít nhất cũng duy trì sức sống cho nền thi ca. Phần nhiều những thảo luận cùng sáng tác THT phản hồi chỉ loanh quanh những yếu tố cơ bản (vắt dòng, kỹ thuật lập lại, tính truyện và ngôn ngữ đời thường). Từ đó, TTHT được/bị đánh giá một cách mơ hồ và phi lý chỉ dựa trên cái mặt phẳng kỹ thuật thi pháp. Ở một dịp khác chúng tôi sẽ trình bày sâu, rộng hơn về những điểm này. (Cười khổ: hứa hẹn là một khoản nợ, mà bây giờ thời gian có khác chi cơn gió vào nhà trống (nghèo rớt mồng tơi)).
Thơ Tân Hình Thức không chỉ giới hạn ở khuôn viên kỹ thuật thi pháp như đã vừa nói, mà là một dạng thức mới của cuộc sống đem áp dụng vào thơ, vào thơ Việt nói riêng. Những kỹ thuật thi pháp được đề xuất và áp dụng vào sáng tác cũng chỉ là những nỗ lực khai phá để nối kết và để đánh dấu một quá trình thôi. Và cụm từ TTHT cũng chỉ là một cái tên gọi để nhận diện và phân biệt. Như vậy, cái ước muốn đi tìm cái mới được biểu hiện qua thi pháp đời thường của TTHT, như thi pháp cảm tính của thơ Tiền Chiến và cũng là phương tiện kỹ thuật. Xin nhấn mạnh một điều là tinh thần Thơ Tân Hình Thức không hề phủ nhận những giá trị của những bước đi, thành tựu của những phong trào đã qua hoặc đang hiện hành. Hơn thế nữa, TTHT trở về lối cũ vận dụng tuyệt đối những thành đạt của những quá trình đã qua một cách thích hợp để phục hồi lại những giá trị cũ tạo nên giá trị mới. Đồng thời TTHT cũng rẽ qua những quá trình đang hiện hành ở mọi lãnh vực trong cuộc sống để tích hợp những yếu tố làm giàu cho giá trị thượng thời.
Nói một cách tóm lượt, theo chúng tôi Thơ Tân Hình Thức là một dạng thức thích nghi của cuộc sống áp dụng cho thi ca qua biểu hiện thi pháp đời thường! Cụ thể hơn, những tác phẩm của TTHT là những bức phản ánh của giá trị đời/cuộc sống. Giá trị thì vẫn luôn là tương đối mà đời sống thì có cá thể và tổng thể, qui lại thành giá trị đồng tác là giá trị đều hưởng. Có một điều cần lưu ý: tương đối nghĩa là giá trị của thời điểm, là ngưng đọng mà cuộc sống lại là chuyển động và làm cho những phản ánh đã được trật tự hóa rơi vào một cảnh giới hỗn mang rồi chuyển động tới một trật tự mới. (Lại cười vang) nếu trong thời khủng hoảng kinh tế này, thị trường chứng khoán là chỉ số của cuộc sống thì phương châm xuất xứ ở lãnh vực này rất thực dụng: “kết quả ghi được trong quá khứ không đảm bảo cho thành đạt ở tương lai”.
Thi pháp chỉ là kỹ thuật, biểu hiện chỉ là hình thức và thơ cũng chỉ là phương tiện trong rất nhiều phương tiện để chuyển tải, truyền đạt. Mục đích vẫn là cuộc/đời sống! Ôi, Thơ Tân Hình Thức, có nghĩa gì đâu một cái tên?! What’s in the name?!
Trước khi bắt đầu thử nghiệm lối thơ Tân Hình Thức, anh đã có những bài thơ theo “hình thức cũ” hay không? Nếu có, cảm tưởng của anh ra sao khi bây giờ đọc lại những bài thơ đó?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi muốn minh định cái lấn cấn của cụm từ để trong ngoặc kép “hình thức cũ” ở câu hỏi. Như đã nói rõ ở phần trên, Thơ Tân Hình Thức vận dụng tuyệt đối “hình thức cũ” như lục bát (6,8), thất ngôn tứ tuyệt (4x7), thơ 5 chữ, thơ 8 chữ, vân vân. Nhưng thể hiện theo thể loại thơ không vần (free verse) ứng dụng những kỹ thuật cơ bản của TTHT (vắt dòng, kỹ thuật lập lại, tính truyện và ngôn ngữ đời thường) và đôi khi kết hợp với những hình thức mới ví dụ ngũ ngũ (5x5) song tứ qui lục (4,6) vân vân, miễn là biểu thức có một quy luật trật tự dễ nhận ra.
Giải quyết được sự ngộ giải của cặp từ hình-thức rồi, chúng ta trở lại câu trả lời nhé. Vâng, trước khi thực hành thi pháp đời thường, chúng tôi có “làm” những bài thơ vần điệu biểu hiện theo thể thức lục bát (6,8), thất ngôn tứ tuyệt (4x7), thơ 5 chữ, thơ 8 chữ, vân vân rồi cũng thể thơ Tự Do. Nói chung là thực hành theo thi pháp cảm tính. Bây giờ đọc lại vẫn thấy lâng lâng với cảm xúc của lúc đó. Có điều, những băn khoăn trục trặc lúc đó chưa giải mã/quyết được, bây giờ đọc lại đã có câu trả lời và lối giải. Và để thấy ra rằng, những giá trị của những bước đi trước, đã được những người đi trước khai phá và đẩy tới tột đỉnh rồi, chúng tôi cùng quá chỉ là rập khuôn, lặp lại mà chẳng tạo được gì thêm giá trị đáng kể.
Dựa trên tiêu chuẩn nào mà một bài thơ được xếp vào loại thơ Tân Hình Thức? Bằng cách nào những người chưa có dịp tiếp cận với thơ Tân Hình Thức có thể nhận ra được sự khác biệt giữa thơ Tân Hình Thức và những thể loại thơ “không cổ điển” khác?
Một bài thơ Tân Hình Thức có những tiêu chuẩn cơ bản sau đây:
Một bài thơ TTHT nếu có những kỹ thuật cơ bản trên, chưa hẳn đã là một bài thơ THT hay. Ví dụ, có một số người bảo thơ Bút Tre, có vắt dòng hẳn hoi, hẳn là TTHT rồi; như vậy TTHT đã có từ lâu có gì mới đâu!? Hay hoặc lấy một bài thơ tự do đếm đủ chữ xuống hàng..rồi voilà…một bài thơ THT. Hay theo cách ông nhạc sĩ “nhạc cà lăm” quá cố Hoàng-Thi-Thơ cứ lặp đi lặp lại một đoạn hay câu nói thì ..okay…thơ cứ như mây.
Sự thử thách ở đây là làm sao phải phối hợp những kỹ thuật cơ bản nhịp nhàng để thu hút người đọc. Kinh nghiệm của chúng tôi khi áp dụng kỹ thuật vắt dòng và lập lại là phối hợp 2 yếu tố này ở một biên độ rộng hơn. Vắt dòng không chỉ gò bó ở dòng văn, câu chữ, mà chúng tôi nới rộng ra phía vắt dòng tư tưởng, vắt dòng cấu truyện, vắt dòng âm thanh/điệu. Song song chúng tôi dùng kỹ thuật lập lại để lôi kéo người đọc trở lại với bài thơ. Đặc biệt là nếu phối hợp hai kỹ thuật này nhuần nhuyễn, chúng ta có thể từ vắt dòng buộc người đọc phải rơi vào bế tắc trên con đường rồi dùng lập lại, cụm từ giống nhau nhưng ở một ngữ cảnh khác xô người đọc vào một thế giới khác, tùy theo sự suy diễn của độc giả, rồi từ chỗ này đến chỗ khác cùng nhau phiêu lưu trên hành trình bài thơ. Như vậy, độc giả cùng tác giả tương tác để đồng tạo giá trị đều hưởng. Mỗi lần đọc, tùy lúc vắt dòng và tùy theo suy diễn ngữ cảnh của sự lập lại, một bài thơ lại có thể thành một bài thơ khác với một tính truyện khác ở một góc đời/cuộc sống khác. Đấy, đó là lớp kem làm cho chiếc bánh (kỹ thuật) ngọt ngào nhiều dư vị và hấp dẫn hơn. Sự thử thách của một đầu bếp sáng tạo: phối hợp gia vị và thay đổi món ăn!
Nếu độc giả chưa có dịp tiếp cận với thơ Tân Hình Thức có thể dùng “bảng kiểm” những yếu tố kỹ thuật nêu ở phần trên để nhận ra được sự khác biệt giữa thơ Tân Hình Thức và những thể loại thơ “không cổ điển” khác. Ngoài ra, thêm phần “hướng dẫn nguyên tắc” sau đó có thể dẫn bạn đọc chạm vào TTHT.
Tập thơ Thúy Liên Khúc Ngoài là một tập thơ song ngữ, trong đó những bài thơ của anh đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Những bài thơ “dịch” này có chuyên chở được phần nào cấu trúc của thơ Tân Hình Thức không, bởi thơ Tân Hình Thức đòi hỏi một cảm nhận những gì nằm phía sau mỗi con chữ khi chúng được xếp cạnh nhau trong một văn cảnh tưởng như rời rạc nhưng thực ra liên kết chặt chẽ?
Vâng, một trong những ước nguyện của chúng tôi khi chuyển những bài thơ Việt sang Anh ngữ là để giới thiệu thơ Việt, văn hóa Việt với thế giới. Ngoài ra, thế hệ thứ hai thứ ba của người Việt ở ngoài nước Viêt Nam, ngôn ngữ thông dụng vẫn là Anh ngữ. Như vậy họ có thể đọc từ bản tiếng Anh rồi trở về với ngôn ngữ Việt. Nếu TTHT là một nhịp cầu để nẻo cội nguồn được thông suốt, ôi như vậy thì hay biết bao!
Bước khởi đầu là chú tâm vào giới thiệu với bạn ngoại quốc, nên chúng tôi chú trọng nội dung (=tính truyện) cho nên cho dù cố gắng “dịch thoát” nhưng vẫn đi sát nội dung. Về phần vắt dòng, chúng tôi hết sức cố gắng tạo một trật tự cấu trúc hẳn hoi. Riêng phần lặp lại, thì ở mặt văn/ngữ cảnh chúng tôi chưa đẩy được đến mức song song với Việt Ngữ, bởi vì chúng tôi chọn nội dung làm yếu tố ưu tiên hàng đầu của những bước đầu tiên trong công việc chuyển ngữ. Cái ưu điểm của Việt ngữ là sự “đồng âm dị nghĩa” (homoniem), đồng thời cũng là cái chướng ngại vật trong công việc chuyển ngữ những bài thơ THT. Ví dụ, một bài thơ của chúng tôi, Về Một Dòng Sông khi chuyển sang Anh ngữ có ít nhất hai bản:1) About A River và 2) Return To A River.
Cho nên trong quá trình sáng tác, phát xuất từ ngôn ngữ gốc là Việt ngữ, chúng tôi đã cố gắng lưu ý cách chọn từ ngữ để dọn đường cho công việc chuyển ngữ .
Trong tương lai, có thể chúng tôi sẽ dịch một bản gốc (Việt ngữ) đã có sẵn ra thành nhiều bản lai (Anh ngữ) đồng thời khi sáng tác, chúng tôi sẽ dùng cả hai ngôn ngữ Việt và Anh làm gốc (nghĩa là không có gốc). Như vậy sẽ có hai tác phẩm riêng biệt ở hai ngôn ngữ khác nhau, nhưng nội-dung-tư-tưởng là một.
Sinh hoạt của “xóm” thơ Tân Hình Thức trong làng thơ Việt trên thế giới ra sao? Anh và các bạn thơ trao đổi sáng tác qua internet, qua tạp chí…, hay có những buổi họp mặt sinh hoạt giữa những người làm thơ Tân Hình Thức?
Già mười năm nay, TTHT Việt vẫn sinh hoạt ở mức bình quân. Chủ yếu là trang mạng www.thotanhinhthuc.org. Ở đây đăng tải những sáng tác, tiểu luận, phê bình về TTHT. Một điều chúng tôi muốn bày tỏ là TTHT Việt không có quan điểm “trung tâm”, nên sự đồng tác nằm trên tầng độ tương đương, bất kể ở tầng lớp xã hội nào hay ở nơi nào trên quả đất. Cho tới nay, chúng tôi chưa có kinh nghiệm dự buổi họp mặt sinh hoạt TTHT nào cả. Vào thời kỹ thuật truyền thông đã lên tới tột đỉnh rồi thì “họp mặt” không nhất thiết có nghĩa là tụ lại một chỗ à la “trà dư, hậu tửu”. Những trao đổi kinh nghiệm học hỏi thường thì qua email, điện thoại, hay qua trung gian trang mạng.
Khi nói về thơ người ta thường liên tưởng đến nhạc tính của bài thơ. Thơ Tân Hình Thức được ngâm đọc thế nào? Có bài thơ Tân Hình Thức nào đã được phổ nhạc chưa?
(Cười vang) Vâng, thơ THT chú tâm tới nội dung và nhạc tính để chuyên chở tư tưởng một cách trực tiếp trên chiếc xe truyện kể. Cái thú vị của TTHT là một bài thơ có nhiều cách đọc, tùy theo sự chọn lựa chỗ vắt dòng của người đọc và tốc độ của yếu tố lặp lại. Cũng ở trang mạng www.thotanhinhthuc.org, ở mục “Âm Thanh Đọc” có một số bài thơ THT được đọc bởi Nguyên Ngọc, Phạm An Nhiên, Linh Vũ, vân vân…
Riêng rất gần đây, nhạc sĩ Hà Nguyên Du, lần đầu tiên trong lịch sử nhạc Việt, đã có phổ 3 bài thơ Tân Hình Thức thành nhạc đồng thời đã phổ biến trên trang mạng www.thotanhinhthuc.org ở mục “Nhạc & Tranh "Thơ Tân Hình Thức"”.
Cho thấy, Thơ Tân Hình Thức Việt vẫn luôn nỗ lực. Ở phạm trù thơ, rồi nhạc rồi tranh vân vân. Những bước kế tiếp, chúng tôi muốn tạo sự ngạc nhiên cho các bạn, nên chưa tiện “bật mí”. (Lại cười vang) Rồi, thêm một hứa hẹn, lại thêm một khoản nợ …yếu tố lập lại!
Tinh thần TTHT là từ cuộc sống, vì cuộc sống, cho cuộc sống và là của cuộc sống, là của mọi người. Thế nên, mời gọi các bạn đồng tác!
Người thực hiện: Nguyễn Hiền
_________
Xem thêm: Nhà thơ Biển Bắc nhận giải thơ Tân Hình Thức 2007