Minh Hạnh
WikiLeaks đánh dấu một thay đổi lớn trong suy nghĩ của nhân loại
Năm 2006, Julian Assange cùng một nhóm người đồng chí hướng bắt đầu thành lập WikiLeaks, với mục đích phanh phui những âm mưu thao túng quyền lực cũng như quyền lợi của các cấp lãnh đạo quốc gia và những tập đoàn kinh tế tài chính qua những hình thức phi nhân, vô đạo đức. Nhóm thành lập có chung một lý tưởng là tạo một thông tin minh bạch cho tất cả mọi người, vì đó là một trong những quyền căn bản nhất của con người. Thông tin minh bạch sẽ giúp cải tổ xã hội một cách nhân bản với sự đóng góp thực sự của dân chúng toàn cầu.
Một số người tưởng lầm WikiLeaks có cùng nguồn gốc với Wikimedia, nhưng sự thực không phải vậy.
Ý tưởng “Wiki” khởi nguồn từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai, khi Jimmy Wales đề xướng ra một mạng thu thập dữ kiện mở, cho mọi người có thể đóng góp kiến thức làm thành một kho tự điển bách khoa toàn thư, tài sản chung của cả nhân loại. Ý này không phải mới, nhưng mô hình Wiki đã nhanh chóng được mọi người đón nhận, thành một kho trữ những tài liệu căn bản khổng lồ có thể tra cứu bất cứ ở đâu có đường truyền internet. Song hành với những “máy tìm dữ kiện” (search engine) mà hiện nay Google đang dẫn đầu, và những mạng xã hội với điển hình là Facebook, Wikipedia là một trong 5 mạng lớn nhất trên toàn cầu được nhiều người sử dụng thường xuyên. Trong tiến trình bành trướng vũ bão, tổ hợp Wikimedia ra đời, tiếp tục gầy dựng trên cơ sở Wikipedia thành một mạng lưới “Wiki”, trong đó có những mạng mang tính chuyên biệt hơn, như Wiktionary (tự điển), Wikibooks (mạng tập trung sách), Wikiquotes (tập trung những câu phát biểu nổi tiếng)…
WikiLeaks khác hơn những “wiki” kể trên ở chỗ nó chỉ đưa ra ánh sáng những thông tin mật bị rò rỉ. Vì “mật”, cho nên nguồn phát xuất tin gốc không được công khai. Mạng WikiLeaks công bố thường xuyên trên trang mạng những bản tin tóm tắt hay báo cáo về những đề tài chọn lọc, ký tên WikiLeaks Staff. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình, WikiLeaks cung cấp những hồ sơ tóm tắt cho những tờ báo uy tín trên thế giới như: New York Times (Hoa Kỳ), Der Spiegel (Ðức), Le Monde (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha), Guardian (Anh), để họ tiếp tục phổ biến cho đại chúng. Những tờ báo “ăn theo”, rồi báo trên mạng thường trích lại những tin đã công bố này, thêm mắm dặm muối theo chiều hướng của tờ báo. Do đó những người truy cấp tin trên internet nhưng thiếu kinh nghiệm chọn lựa nguồn dễ sa vào hỏa mù. Cũng không dễ để kiểm chứng những tin rò rỉ này có thực hay không, bởi WikiLeaks bảo đảm là tung tích những người đưa tin mật ra ánh sáng sẽ được tuyệt đối giữ kỹ. Có những người đã mạo nhận danh nghĩa WikiLeaks để làm màu cho tin vịt cồ (như trên một số báo tiếng Việt ở hải ngoại trong tháng 11/2010 đã truyền đi tin về sự liên hệ mật giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề chia phần đất/biển). Chắc chắn trong những tin “mật” có một số tin được các tổ chức gián điệp/phản gián gài vào với mục đích riêng. WikiLeaks thường xuyên bị quấy rối bởi những tổ chức quyền lực muốn ém nhẹm tin. Có những quốc gia ngăn chặn dân chúng truy cập trang mạng chính www.wikileaks.com (điển hình là Trung quốc do bởi một số thành viên sáng lập WikiLeaks là người tị nạn từ Trung Quốc) khiến cho ban điều hành đã phải chọn giải pháp thiết lập hàng ngàn mạng “mirror” (bản sao trang web dưới một địa chỉ khác) khắp nơi trên thế giới để giúp tối đa những người đói những tin hấp dẫn. Ngoài ra, họ còn dùng đủ thủ thuật để mã hóa các tin lưu trữ.
WikiLeaks ra đời năm 2006, đột nhiên nổi tiếng qua những tiết lộ tài liệu và đoạn phim video có dính dáng đến cuộc chiến Afghanistan (tháng 07/2010) và cuộc chiến Irak (10/2010). Cho tới giờ, chưa có tổ chức hay cá nhân nào kiện Julian Assange về những tội có liên quan đến chuyện tiết lộ tin mật. Julian Assange bị hai người đàn bà ở Thụy Ðiển kiện về một tội hoàn toàn khác (tội về tình dục) đưa tới việc ông bị bắt ở Anh và rất có thể sẽ bị giải sang Thụy Ðiển chờ phân xử của tòa án. Điều này khởi thủy đã làm dấy lên nguồn tin là Hoa Kỳ dựng nên một tội hình sự để có lý do bắt (tương tự như trong trường hợp một số nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam), hay là một chiêu thức bắt Julian Assange xuất đầu lộ diện để dễ theo dõi. Nhưng cho đến nay người ta chưa tìm được mối dây liên hệ nào gìữa hai vụ kiện này với chuyện phát tán tin mật. Tổng kết cho đến nay, số tin WikiLeaks đã tiết lộ phần lớn lại là những chuyện “ruồi bu”, những phê bình ngoài lề phiên họp, nhận xét riêng tư về cá nhân v.v… Có những câu hỏi lớn như “phải chăng có một âm mưu đằng sau vụ khủng bố bằng máy bay ngày 11/09/2001 làm sập Twin Towers ở New York”, hay “bí mật nào trong vụ ám sát Tổng Thống J.F. Kennedy năm 1963”… vẫn chưa có lời giải.
Sự xuất hiện của WikiLeaks với những tiết lộ mang tầm quốc gia và có ảnh hưởng trên bang giao quốc tế đã thành một hiện tượng được bàn cãi. Ðiều quan trọng là nó đã tạo nên một số thay đổi quan trọng trong nhận thức và sinh hoạt của nhân loại:
1.- WikiLeaks đã tạo ra thứ khí giới mới: Ðánh đổ bí mật, một yếu tố tối cần thiết trong xã hội.
Bí mật đã góp một phần tạo nên trật tự xã hội. Ðiều này mới nghe tưởng như vô lý, nhưng từ khi con người bắt đầu sinh hoạt bầy đàn, bí mật là một dạng võ khí phòng thân không thể thiếu để mang lại quyền lực cho con người, cho một tổ chức hay cho một quốc gia. Trong chiến tranh, biết được bí mật của đối phương là đã thắng nửa cuộc chiến. Theo chân WikiLeaks những mạng “phanh phui sự thực” tương tự đã được xây dựng trên vài quốc gia, điển hình là mạng OpenLeaks do Daniel Domscheit-Berg, từng là một cộng sự viên đắc lực của WikiLeaks nhưng bất mãn nên đã cùng vài đồng nghiệp tách ra cuối năm 2010. Hay mạng Cryptome ở Hoa Kỳ do John Young and Deborah Natsios khởi xướng từ 1996. Tuy nhiên cho tới giờ, vì những người chủ xướng không đủ uy tín để bảo đảm cho an ninh của người đưa tin, những mạng này không được nhiều người lưu ý. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có những mạng “phơi bày sự thật” khác, và người ta đành phải chấp nhận như một thành tố của xã hội. Sự ra đời của những mạng này cộng với nhu cầu liên lạc xuyên quốc gia sẽ làm cho con người mất đi phần lớn căn cước riêng của mình. Trong truyền thông dạng mở hiện đại, một khi có trao đổi thông tin với người khác, sẽ không có gì bảo đảm là thông tin đó sẽ không được lan truyền đến những người xa lạ. Có khi chỉ là do sự vô tình, vì cá nhân không thể nào kiểm soát được những mạng lưới xã hội mình đã gia nhập, cũng như không thể tránh khỏi sự bấm nhầm một nút trong máy tính, khả năng hacker gửi spyware lục lọi hồ sơ. Cá nhân vì thế sẽ trở nên rất “mở”. Cá nhân sẽ trở thành một thành viên của một hay nhiều nhóm, mọi suy tư, sinh hoạt mang ý nghĩa suy tư chung, hay sinh hoạt chung của nhóm, tức trở lại sinh hoạt cổ xưa của các bộ tộc, nhưng ở một cấp cao hơn, là một cá nhân sẽ phân thân làm nhiều mảnh, mỗi mảnh ở một ‘nhóm’.
2.- Ranh giới tốt/xấu, thiện/ác đang được định nghĩa lại?
Các giá trị luân lý cổ xưa đang bị lung lay, khi qua WikiLeaks người ta thấy, với bằng chứng rõ ràng, là có những hành động tưởng như nhân đạo, nhưng núp đằng sau lại là một âm mưu dơ bẩn không thể tưởng. Những vụ ngụy tạo thông tin tuyệt mật mang cấp quốc gia để từ đó lấy cớ can thiệp vào nội tình quốc gia khác (như vụ tàu Maddox bị tấn công ở hải phận ngoài khơi Việt Nam hay sự hiện diện của những cơ sở sản xuất võ khí hóa học ở Irak, lời thỏa thuận của các nguyên thủ quốc gia EU về sự tham chiến ở Afghanistan…) làm cho người ta đâm ra nghi ngờ những quyết định của các vị nguyên thủ quốc gia. Tuy biết vậy, nhưng con người cảm thấy bất lực trước nan đề: dùng phương cách nào để diệt cái “mình cho là xấu”?
Hơn nữa, thế giới đã trở nên quá phức tạp để người ta thấy là mọi chuyện đều mang tính tương đối. Ngay cả chuyện WikiLeaks công bố những tin mật có làm nguy hại thế giới hay không cũng đang làm những lý luận gia điên đầu. Bởi vì…
3.- Có được phép công bố những văn bản mật một cách tự do như thế không?
Nhiều người lên án hành động của WikiLeaks là gián tiếp gây nguy hại cho an ninh của những nhân vật tình cờ có liên quan, vì tên tuổi được nêu rõ trong văn bản. Những gián điệp có thể bị lộ mặt. Bí mật quốc gia, vốn là con bài tẩy, sẽ bị lộ theo chiều hướng bất lợi cho một bên.
Thế nhưng, mặc dù hành động của WikiLeaks (công bố tài liệu mật) bị nhiều người không đồng ý với luận điểm nêu trên, nhưng khó có lý đo để kết tội WikiLeaks cũng như kết tội Julian Assange, người phát ngôn chính thức của WikiLeaks:
+ WikiLeaks không ăn cắp tài liệu, mà tài liệu do người khác tự nguyện cung cấp. Vì lý do bảo vệ an toàn cho người gửi tin, một bộ phận tự động lọc đã để cho WikiLeaks hoàn toàn không biết người đó là ai. Vì không biết cho nên không thể truy tố (Cũng cần nói thêm rằng cho đến nay chưa có ai chứng minh được là một cá nhân bị thiệt hại lây do những phát giác được công bố từ WikiLeaks).
+ Nhưng nếu muốn kết tội rằng những tài liệu này là tài liệu ngụy tạo thì người trong cuộc phải lên tiếng xác nhận là chúng không có thực, mà sự thực là…, thì vấn đề sẽ trở nên rối rắm hơn và mang nhiều rủi ro, vì chẳng ai biết WikiLeaks có còn đang nắm những văn bản nào khác làm con bài tẩy để hạ gục những người đâm đơn kiện WikiLeaks hay không.
+ Nếu bảo rằng WikiLeaks phạm tội vì đã công bố những âm mưu lừa đảo của các viên chức cao cấp trong chính phủ, hay các thông đồng lũng đoạn, thao túng tình hình chính trị kinh tế trên thế giới, thì chẳng hóa ra những người đã âm mưu thao túng, lũng đoạn kia đang làm điều đúng, ích quốc lợi dân hay sao? Hơn nữa, trong quá khứ, có những tờ báo phanh phui những âm mưu tày trời, điển hình là tạp chí New York Times đã nhận tài liệu mật của Daniel Ellsberg để tạp chí này làm một serie phanh phui vụ chính phủ Hoa Kỳ đã lèo lái dư luận trong khi can thiệp vào sinh hoạt chính trị trong cuộc chiến Việt Nam mà cũng không bị án phạt gì.
Và như thế thì…
4.- WikiLeaks có đang làm công tác báo chí không?
WikiLeaks đã khai sinh một kiểu báo chí mới: Báo chí khoa học. Chủ trương của WikiLeaks là cung cấp cho quần chúng những tin tức “ở dạng thô” từ một khía cạnh khác. Cho quần chúng thấy những tin “không được chính thức công bố” chính là để duy trì sự khách quan của vấn đề, theo Julian Assange. Nếu so sánh những tiết lộ của WikiLeaks với sự công bố 4000 trang trong “Hồ sơ Ngũ Giác Đài” (The Pentagon Paper) của Daniel Ellsberg năm 1971 thì chẳng có gì khác nhau, ngoài số lượng, nhưng cũng đừng quên là phương tiện và số lượng thông tin trao đổi đã tiến xa trong 40 năm qua. Tức là…
5.- Báo chí sẽ mang một sắc thái mới.
Các phóng viên, bình luận gia không thể bỏ qua yếu tố WikiLeaks trong những bài viết của họ. Nhà báo trong tương lai sẽ không còn là những người phải tiếp xúc với thực tế nữa, mà là một chuyên viên tổng hợp những nguồn tin qua mạng truyền thông cá nhân toàn cầu, miễn là giữ đúng lương tâm chức nghiệp là moi tìm tin từ mọi nguồn trong khả năng và công bố tin một cách có trách nhiệm. Cả nhân loại sẽ trở thành phóng viên tự nguyện, cung cấp dữ liệu thông tin và hình ảnh.
Và rồi trong những buổi diễn thuyết hay tranh luận, thế nào cũng có người đặt câu hỏi: “Ông/bà nói như thế nhưng theo hồ sơ của WikiLeaks thì sự thực nó là…, ông/bà nghĩ sao về điều này?” Câu hỏi thuộc loại này bắt buộc diễn giả phải chuẩn bị đề tài kỹ lưỡng, kể cả bằng cách tham cứu hồ sơ WikiLeaks, một chuyện gần như không thể thực hiện được.
Cái nhìn của thế giới đã thay đổi nhiều về nguồn của tin. Mười năm trước, khi Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ra đời, đã dấy lên một cuộc tranh luận là làm sao bảo đảm những dữ kiện trong website Wikipedia là trung thực. Những hiện nay, số lượng bài viết trích dẫn dữ kiện từ Wikipedia ngày càng nhiều, vì người ta đã nghiệm ra rằng: chưa chắc sách viết ra (và đã xuất bản) mang thông tin trung thực. Người đọc hiện nay có đủ phương tiện để kiểm chứng chéo từ nhiều nguồn tin khác nhau, đương nhiên cũng có thể từ WikiLeaks. Như thế, trong tương lai, WikiLeaks (và những mạng tố cáo mang tương tự) sẽ trở thành một nguồn tra cứu tin tức không thể loại bỏ để đối chiếu với những tin từ dòng chính. Còn chính sự quái dị, phi truyền thống của WikiLeaks đang và sẽ là một thách thức cho các cơ quan truyền thông và cũng là một thách thức (rất có thể sẽ là chuẩn mực) cho các mạng tố cáo trong tương lai.
***
Cuối cùng, ta có thể đưa ra một kết luận rõ như ban ngày. Ðó là:
*** Những mạng như WikiLeaks chỉ có ở những xã hội tự do dân chủ đúng nghĩa ***
Dưới chế độ độc tài, bất kể theo chủ nghĩa nào, đều thẳng tay đàn áp những mầm mống đối kháng từ trong trứng nước. Bởi độc tài là dựa trên quyền lực tự ban phát cho mình và băng đảng, không dựa vào thực tài.
Sự kiện website WikiLeaks bị Trung quốc khóa từ 2007 đã là một bằng chứng cho thấy đâu là độc tài. Tuy nhiên cũng có nhiều người cho đây là một bất công, bởi những quốc gia tự do dân chủ sẽ bị quấy phá nhiều do những tiết lộ tin mật. Những người theo quan niệm ngược lại thì cho rằng đó là cái giá tất nhiên phải trả để có tự do dân chủ, họ hỏi ngược lại là muốn tình trạng như vậy hay muốn sống trong một nước mà mọi người phải bịt mắt câm miệng nút lỗ tai, chỉ được tiêu thụ tin do nhà cầm quyền ban phát?
Và một vấn nạn:
*** Luật lệ đành bó tay trước tự do? ***
Thực tế đã cho thấy là những ngăn chặn phát tán tin từ Wikileaks không mang đến những kết quả mong muốn. Ngược lại, nó còn mang tới phản ứng chống đối của những người ủng hộ nguyên tắc “thông tin trung thực và đầy đủ”. Mạng buôn bán amazon.com, ngân hàng, thẻ tín dụng Visa, tổ hợp thanh toán tài chánh PayPal, cơ quan chính quyền cấp bộ, tòa án... đã nhiều lần bị đột kích do hacker như là một hành động trả đũa cho việc những cơ quan này muốn ngăn trở ý nguyện của Julian Assange và tổ chức WikiLeaks. Với họ, Julian Assange là một người dũng cảm, dấn thân hết mình để bảo vệ sự thực. Dĩ nhiên đang có những nỗ lực từ các luật gia để soạn thảo một bộ luật chống những hành động như WikiLeaks đang làm, tuy nhiên luật này sẽ giới hạn tự do thông tin cá nhân, là một trong những quyền căn bản của con người. Có lẽ cuối cùng người ta sẽ thấy là chẳng còn cách gì khác hơn là đành phải chấp nhận WikiLeaks như đã chấp nhận con dao vừa là vũ khí vừa là dụng cụ hữu ích, tùy theo người và tùy theo lúc.
***
Nói chung, con người bao giờ cũng muốn biết sự thực. Nhưng sự thực lại mang tính tương đối, tùy theo số lượng thông tin nhận được, và tùy theo sự lọc lựa của từng cá nhân. WikiLeaks đã mang con người đến gần sự thực tuyệt đối thêm một bước nữa.
Minh Hạnh