Phạm Ðình Lân
Vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng (ADIZ)
…Trên thế giới có nhiều quốc gia có Vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng (ADIZ: Air Defence Identification Zone). Nhưng sự khác nhau giữa ADIZ của các nước khác với ADIZ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là ADIZ của các quốc gia khác không trùng lấp trên không phận của vùng đang tranh chấp như trường hợp chòm đảo Senkaku và đảo đá ngầm leodo Rock…
***
Dưới thời Mao Zedong (Mao Trạch Ðông) Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) đã đụng độ với quân Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc ở Triều Tiên (1950-1953), xâm lăng Tây Tạng (1959), chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974), chiến tranh biên giới với Ấn Ðộ (1962) và Liên Sô (1969), có bom nguyên tử (1964), phóng vệ tinh nhân tạo lên không gian (1970). Sau khi Stalin mất, Mao Zedong tự cho mình xứng đáng lãnh đạo khối Cộng Sản trên thế giới hơn Liên Sô.
Sau khi Mao Zedong mất, Trung Hoa Cộng Sản đánh nhau với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1979, 1984) ngoài biên giới. Năm 1988 họ tấn công Hải Quân CHXHCNVN để chiếm một phần của quần đảo Trường Sa.
Dưới thời Mao, kinh tế Trung Hoa lục địa còn lạc hậu trái với ước vọng của Mao. Trong vòng ba thập niên qua CHNDTQ thành công trong việc thực hiện Bốn Hiện Ðại Hóa do Deng Xiaoping (Ðặng Tiểu Bình) đề ra. CHNDTQ sớm trở thành một cường quốc kinh tế hạng nhì sau Hoa Kỳ và một cường quốc quân sự hạng ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nga. Mộng đế quốc có cơ hội nẩy nở mạnh mẽ. CHNDTQ phát triển Hải Quân và Không Quân để thực hiện mộng bành trướng xa xôi ở biển Ðông và Ðông Trung Hải (East China Sea). Beijing không che dấu nổi tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình khi đặt vấn đề chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ. Ðông Thái Bình Dương thuộc ảnh hưởng Hoa Kỳ và Tây Thái Bình Dương thuộc Trung Hoa Cộng Sản. Họ tự cho có chủ quyền trên biển và đảo đá san hô, bãi cạn trong Lưỡi Bò do họ vẽ ra chạy dài từ tây bộ đảo Palawan của Phi Luật Tân xuống đến Mã Lai và Indonesia trên một diện tích lối 3 triệu km2, bất chấp sự khiếu nại chủ quyền của Phi Luật Tân, Việt Nam, Ðài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), Mã Lai và Brunei.
Lưỡi Bò của Trung Hoa Cộng Sản chẳng những gây bất mãn cho Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei mà còn gây sự lo ngại cho Indonesia và Úc Ðại Lợi ở Nam Bán Cầu.
Tàu chiến Hoa Kỳ rời Cam Ranh năm 1973. Hải quân Hoa Kỳ còn hiện diện ở Subic Bay, Phi Luật Tân. Nữ tổng thống Aquino, thân mẫu của đương kim tổng thống Aquino III, tìm cách đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Subic Bay để chứng tỏ sự độc lập của Phi Luật Tân. Singapore là một đảo quốc rộng 650km2 với 75% dân số là người Hoa, ý thức được CHNDTQ sẽ là mối đe dọa đối với các nước trong khối ASEAN. Không quốc gia nào trong khối ASEAN có thể đương đầu lại CHNDTQ cho dù cả khối đoàn kết lại cũng không đủ sức chống lại sự bành trướng của CHNDTQ nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ. Tàu Hoa Kỳ vừa rời Subic Bay năm 1992 thì họ có một ụ sửa tàu ở Singapore, cửa ngõ nối liền Tây Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương.
Các nước Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Ðiện không bị ảnh hưởng gì do Lưỡi Bò gây ra nên không có ý kiến gì khả dĩ gây phật lòng đại ca trong xóm Ðông Nam Á. Việt Nam, Brunei và Mã Lai cũng không dám lên tiếng cụ thể về chủ quyền của mình. Chỉ có Phi Luật Tân kiện CHNDTQ về vấn đề chủ quyền trên bãi cạn Scarborough ngoài khơi đảo Palawan. Tuy vụ kiện này không đi về đâu đối với một cường quốc kinh tế và quân sự đang lên nhưng nó làm tổn thương danh dự của CHNDTQ rất nhiều. Một đại cường có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc lại xem thường công lý và luật pháp quốc tế. Các nước khác nhìn CHNDTQ hành xử theo lối đại ca phường xóm hơn là một quốc gia có văn hóa lâu đời với hai tôn giáo lớn: Ðạo Giáo và Khổng Giáo. Khổng Giáo dạy con người sống theo lương tri, sự công bằng, xem mọi người là huynh đệ và không làm những gì mà mình không muốn người khác làm cho mình.
Nếu việc làm của Trung Hoa Cộng Sản phù hợp với luật pháp quốc tế, tại sao họ không dám cùng các quốc gia liên hệ trong vùng Lưỡi Bò mà họ vẽ ra cùng thương thảo với nhau dựa trên luật pháp quốc tế, mà chỉ muốn thương thuyết rời rạc với từng quốc gia một?
Ngược lên Ðông Bắc Á, họ tranh chấp chủ quyền với Ðại Hàn (Nam Hàn – Nam Triều Tiên) về đảo đá ngầm nằm dưới mực nước biển 4,5m. Ðó là đảo đá ngầm leodo Rock (tên mới do Viện Ðịa Chất đặt vào năm 2001). Vào năm 1900 người Anh khám phá ra đảo đá ngầm này và đặt tên là Socotra Rock. Ðảo đá ngầm Socotra Rock nằm cách đảo Jeju – mà các phim Ðại Hàn gọi là đảo Tế Châu – 149km. Vì đảo đá nằm dưới mặt nước nên không xem là lãnh thổ được. Năm 2003 Ðại Hàn thiết lập một Trạm Nghiên Cứu Hải Dương trên đảo đá ngầm leodo Rock. Ðại Hàn còn gọi đảo đá ngầm này là Parangdo. Ngày xưa thuyền bè đi đến Parangdo thì không thấy về vì thuyền bị bể đôi do đá ngầm. Người Triều Tiên cho rằng đó là nơi an nghỉ của linh hồn các ngư phủ. Năm 2012 bỗng dưng CHNDTQ cho rằng họ có chủ quyền trên đảo đá ngầm leodo Rock mà họ gọi là Suyan Rock mặc dù đảo leodo Rock nằm cách đảo Yushandao (Ngư Sơn Ðảo) thuộc tỉnh Zhejiang (Chiết Giang) 287km xa hơn khoảng cách từ đảo ấy đến miền Nam đảo Kyu Syu của Nhật (276km). Vì cần kéo Ðại Hàn về phía mình để chống Nhật, Beijing tạm quên chuyện chủ quyền trên đảo đá ngầm leodo Rock. Quanh đảo đá ngầm này không có dầu khí hay nhiều hải sản nhưng đó là cửa ngõ chiến lược giữa Hoàng Hải và Nhật Hải.
Việc tranh chấp của Trung Hoa Cộng Sản với Nhật Bản về chủ quyền trên chòm đảo đá Senkaku không người ở trở nên quyết liệt kể từ cuối năm 2012. Chòm đảo Senkaku trải dài từ vĩ tuyến 25°58’ xuống phía nam 25°41’ trên kinh tuyến 123°27’ – 124°41’. Tháng 09 năm 2002 Nhật mua lại ba đảo của một người Nhật tên Kunioki Kurihara để đặt toàn thể 8 đảo đá, tổng cộng 7km2, dưới sự quản lý hành chánh của Nhật. Người Trung Hoa gọi chòm đảo Senkaku là Diaoyu (Ðiếu Ngư). Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan – Ðài Loan) cũng giành chủ quyền trên chòm đảo Senkaku vì gần đảo Taiwan! Chính quyền Beijing quan tâm đến các đảo nầy sau khi Liên Hiệp Quốc cho biết vùng biển quanh đó có nhiều dầu khí và khoáng sản.
Về mặt chiến lược, nếu chiếm chòm đảo Senkaku thì quan sát được các hoạt động trên quần đảo Okinawa và có đường thông ra phía đông Thái Bình Dương. Trung Hoa Cộng Sản cho tàu bè và phi cơ thám thính hải phận và không phận Senkaku. Tàu của Trung Hoa Cộng Sản khiêu khích Nhật cơ hồ như muốn có một trận thư hùng với Nhật mà họ thâm thù. Những hành động khiêu khích ấy như là sự thăm dò thái độ của Hoa Kỳ. Nước nầy có liên hệ thương mại rất quan trọng với Trung Hoa lục địa nhưng họ không quên nhắc nhở rằng họ có quyền lợi ở Ðông Bắc Á và Ðông Nam Á, nơi họ từng lãnh đạo các nước đánh Nhật cho đến chiến thắng cuối cùng năm 1945 và chặn đứng quân Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn trong chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Hoa Kỳ có ký hiệp ước tương trợ với Nhật năm 1951. Có thể các nhà lãnh đạo CHNDTQ ước lượng, với sức mạnh quân sự và kinh tế của họ hiện nay và nếu Hoa Kỳ đứng ngoài vòng chiến, họ có thể đánh bại Nhật, quốc gia từng đánh bại họ trên bán đảo Triều Tiên năm 1894 và xâm lăng Trung Hoa năm 1937.
Thủ tướng Abe là người cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền chòm đảo Senkaku. Nhưng ông luôn luôn tỏ ra mềm dẻo để dư luận thế giới phán xét thái độ gây hấn và những đòi hỏi trịch thượng của Trung Hoa Cộng Sản qua cái Lưỡi Bò ở Biển Ðông, bãi cạn Scaborough của Phi Luật Tân và Senkaku trực thuộc Okinawa về phương diện hành chánh. Cuối tháng 10 vừa qua Abe ra lịnh bắn phi cơ lai vãng trên vòm trời Senkaku sau khi xác định lý lịch. Sự im lặng và sợ sệt của các nước ASEAN trên Biển Ðông, thái độ ỡm ờ của Hoa Kỳ, sự thận trọng và dè dặt của Ấn Ðộ, sự xé lẻ của các quốc gia ASEAN khích lệ tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Hoa Cộng Sản khắp Ðông Á.
Ngày 23-11-2013 Beijing lập ra Vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng, gọi tắt là ADIZ (Air Defence Identification Zone) trên Ðông Trung Hải. Không phận ADIZ này là vùng không gian rộng lối 300.000km2, kể cả chòm đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật và đảo đá ngầm leodo Rock đang tranh chấp với Ðại Hàn. Beijing cho rằng họ có quyền lập Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng vì trên thế giới có 20 quốc gia có không phận như thế. Beijing nói đúng. Trên thế giới có nhiều quốc gia có Vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng. Nhật Bản có lập ADIZ năm 1969. Nhưng sự khác nhau giữa ADIZ của các nước khác với ADIZ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là ADIZ của các quốc gia khác không trùng lấp trên không phận của vùng đang tranh chấp như trường hợp chòm đảo Senkaku và đảo đá ngầm leodo Rock.
Thông Báo ADIZ chào đời ngày 23-11-2013. Chánh quyền Xi Jinping (Tập Cận Bình) được sự đón nhận đầy tự hào của nhân dân Trung Hoa. Theo thông báo, bất cứ phi cơ nước nào vào ADIZ rộng lối 300.000km2 trên biển Ðông Trung Hải phải báo cáo cho Beijing biết trước. Nếu không, phi cơ của Trung Hoa Cộng Sản sẽ có phản ứng phòng vệ! Tự ái Hán Tộc được kích thích tối đa. Các nước Nhật, Hoa Kỳ, Ðại Hàn và nhiều quốc gia Tây Phương khác phải xin phép Beijing mới được bay trong vùng ADIZ đã định!
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ðại Hàn không chấp nhận vùng ADIZ của Trung Hoa Cộng Sản. Trung Hoa Dân Quốc bày tỏ sự lo ngại. Các nước không liên hệ đến vùng Ðông Bắc Á tỏ vẻ lo sợ việc phi cơ hàng không dân sự bị bắn rơi như đã xảy ra năm 1983 khi Liên Sô bắn rơi một phi cơ Boeing chở hành khách của Ðại Hàn. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều lấy làm tiếc về quyết định đơn phương của Beijing. Hoa Kỳ cho B-52 bay vào ADIZ do Trung Quốc qui định mà không báo cáo chi cả. Nhưng không thấy phản ứng gì về phía Beijing. Họ nói họ đã giám sát chiếc B-52 ấy rồi. Nhật và Ðại Hàn cũng cho phi cơ bay vào không phận đã qui định mà không thông báo chi cả. Hoa Kỳ yêu cầu các công ty hàng không Hoa Kỳ nên tuân hành thông báo của Trung Hoa Cộng Sản nếu phi cơ chở hành khách đi ngang qua không phận đã ghi. Nhật Bản lấy làm tiếc về quyết định này của Hoa Kỳ mặc dù chánh quyền Washington cho rằng họ không chấp nhận ADIZ của Beijing và việc các công ty hàng không dân sự Hoa Kỳ báo cáo đường bay và quốc tịch phi cơ cho Beijing không có nghĩa là Washington nhìn nhận ADIZ của Beijing đưa ra. Nhật yêu cầu các công ty hàng không Nhật không báo cáo gì với Beijing. Các công ty hàng không Nhật nghe theo lời của chánh phủ họ. Vì chánh phủ Nhật do ông Abe lãnh đạo cương quyết không thương thuyết với Trung Hoa Cộng Sản về vấn đề Senkaku vì chòm đảo nầy thuộc chủ quyền của Nhật. Nếu nhìn nhận ADIZ do Trung Hoa Cộng Sản đưa ra, tức là công nhận không phận và chòm đảo Senkaku thuộc về Trung Hoa Cộng Sản! Vấn đề này rất dễ gây ra những cuộc nổ súng giữa các phi công hoạt động trong vùng và từ đó xảy ra những xung đột rộng lớn giữa hai quốc gia.
Ðến Nhật ngày 03-12-2013 phó tổng thống Biden xác nhận liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ. Ông cho rằng Hoa Kỳ tôn trọng hiệp ước Nhật Bản - Hoa Kỳ năm 1951 nhằm bảo vệ Nhật khi bị một quốc gia khác tấn công, kể cả việc bảo vệ các đảo do Nhật quản lý về phương diện hành chánh (ám chỉ chòm đảo Senkaku). Nhưng Hoa Kỳ ước muốn Tokyo và Beijing tự kìm hãm để tránh chiến tranh. Ngày 04-12 ông Biden đến Beijing và thảo luận với Xi Jinping rất lâu về vấn đề Vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng (ADIZ) và gợi ý Beijing nên thu hồi lịnh thành lập ADIZ trên Ðông Trung Hải ngang qua các vùng đang tranh chấp. Ðây là một chuyện rắc rối gây khó xử cho Xi Jinping trong và ngoài nước. Trong một ảnh chụp giữa ông Xi Jinping và Biden, ông Xi Jinping có vẻ mặt lo lắng và mất tự nhiên.
Lịnh thiết lập ADIZ ra đời giữa lúc phe áo vàng biểu tình rầm rộ ở Bangkok chống chánh phủ của bà Yingluck, em gái của Thaksin. Người biểu tình cho rằng bà Yingluck làm việc theo sự chỉ đạo của Thaksin. Ở Ukraine dân chúng biểu tình chống chánh phủ thân Nga giữa lúc Liên Âu mở cửa đón chào Ukraine. Càng quan trọng hơn khi Trung Hoa Cộng Sản, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ðại Hàn đồng ý nhau về việc phi nguyên tử hóa Bắc Hàn. Dượng rể của Kim Jong Un là Jang Song Thaek, nhân vật số 2 ở Bắc Hàn bị bắt và bị hành quyết. Hai phụ tá của ông bị hành quyết vì tham nhũng (?). Hàng không mẫu hạm Liaoning (Liêu Ninh) rời bến đi về Ðông Nam Á.
Người ta tự hỏi quyết định thành lập ADIZ vội vã nầy là sáng kiến của Xi Jinping hay của phe “diều hâu” trong Quân Ðội Nhân Dân Giải Phóng? Mục đích thật sự của ADIZ là gì? Chỉ để chứng minh Trung Hoa Cộng Sản là một đại cường quốc? Ai đi đâu đều phải xin phép Beijing? Nhắm vào việc bắn hạ phi cơ quân sự lẫn dân sự bay vào không phận ADIZ mà không báo cáo?
Cách giải thích của phát ngôn viên bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao CHNDTQ có vẻ khác nhau. Bộ Quốc Phòng như sẵn sàng khai chiến với bất cứ phi cơ của quốc gia nào vào vùng ADIZ mà không khai báo. Bộ Ngoại Giao chỉ nói đến phi cơ quân sự, nhưng không phải phi cơ quân sự của Hoa Kỳ mà là của Nhật! Như vậy ADIZ được thành lập để buộc Nhật phải chấp nhận vào bàn thương thuyết về vấn đề Senkaku. Thủ tướng Nhật Abe khăng khăng cho rằng các đảo ấy thuộc chủ quyền của Nhật nên không có tranh chấp thay thương thuyết gì cả. Nếu phi cơ quân sự của Nhật bay trên không phận ADIZ và bị phi cơ Trung Hoa Cộng Sản bắn thì họ bắn trả và chiến tranh giữa hai nước có thể bùng nổ. Còn phi cơ của hàng không dân sự? Abe đưa việc này ra Tổ Chức Hàng Không Dân Sự Quốc Tế, trụ sở ở Montreal, để giải quyết trên căn bản luật pháp hàng không dân sự quốc tế. Với cách hành xử theo lối đại ca quốc tế, Trung Hoa Cộng Sản phải tốn nhiều xăng nhớt hằng ngày cho hàng không mẫu hạm, tàu chiến, phi cơ hoạt động từ Ðông Bắc Á xuống Ðông Nam Á để dương oai diệu võ, hầu thực hiện mộng bành trướng bá quyền của họ.
Xi Jinping tìm cách gieo rắc sự hận thù của người Trung Hoa và các dân tộc Ðông Nam Á đối với Nhật. Ông thành công với dân tộc Trung Hoa, Bắc Triều Tiên và một tỷ lệ nào đó ở Ðại Hàn nhưng không thành công với các dân tộc ở Ðông Nam Á. Những hình thức dương oai diệu võ của Trung Hoa Cộng Sản làm cho cả thế giới kiêng dè đại cường quốc đang lên này chớ không riêng gì các quốc gia Ðông Nam Á. Các nước ASEAN sợ Trung Hoa Cộng Sản hơn là sợ Nhật. Trong 65 năm qua Nhật chinh phục cảm tình thế giới bằng những cống hiến của họ đối với nhân loại qua những đóng góp tài chánh cho Liên Hiệp Quốc, những phát minh và hàng hóa do họ sản xuất. Họ xin lỗi về những sai lầm đáng tiếc trong đệ nhị thế chiến. Ðập Thủy Ðiện Ða Nhim của Việt Nam Cộng Hòa hình thành theo khuôn khổ chương trình bồi thường chiến tranh của Nhật. Sự hiện diện của hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới trong đám tang Nhật hoàng Hirohito năm 1989 cho thấy cảm tình, sự ngưỡng mộ và thán phục của các dân tộc trên thế giới đối với Nhật. Là một đại cường kinh tế hạng nhì trên thế giới, Trung Hoa Cộng Sản chỉ lo sản xuất bom đạn, xe tăng tàu chiến, phi cơ, hỏa tiễn để hù dọa các nước láng giềng hầu thực hiện mộng đế quốc cổ điển. Trung Hoa Cộng Sản có những cống hiến gì cho nhân loại ngoài sự cóp nhặt kỹ thuật của nước khác và sản phẩm đầy tai tiếng?
Xi Jinping cũng thành công ít nhiều khi cho dựng tượng An Jung-geun (1879-1910), người Triều Tiên ám sát ông Ito (tổng lãnh sự Nhật ở Triều Tiên) năm 1909 tại một ga xe lửa ở Mãn Châu, để lấy lòng Ðại Hàn hiện có tranh chấp với Nhật về chủ quyền trên đảo Dokdo (tên Triều Tiên, Nhật gọi là Takeshima – đảo Tre). Ðại Hàn lo sợ chủ nghĩa quân phiệt (militarism) hồi sinh ở Nhật. Việc thiết lập ADIZ của Trung Hoa Cộng Sản làm cho Ðại Hàn phải tìm mẫu số chung chánh trị với Nhật và Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh cho một nước nhỏ có nền kinh tế đứng hạng 13 trên thế giới.
Dư luận diều hâu trên lục địa Trung Hoa vừa phấn khởi với ADIZ thì cũng thất vọng khi hai chiếc B-52 Hoa Kỳ bay vào không phận phòng thủ và nhận dạng trên Ðông Trung Hải mà không khai báo gì cả. Tiếp theo là phi cơ của Nhật Bản và Ðại Hàn. Ðể thỏa mãn dư luận diều hâu trên lục địa, phi cơ quân sự Trung Hoa Cộng Sản bắt đầu bay trên vùng ADIZ. Các phi cơ hàng không dân sự phải thận trọng vì có thể bị họ bắn rớt để thị uy là lấy lại uy tín trong nước.
Trung Hoa Cộng Sản càng tỏ ra hiếu chiến thì liên minh Nhật - Hoa Kỳ - Ðại Hàn càng vững chắc hơn. Mỗi lần Bắc Hàn hay Trung Hoa Cộng Sản đe dọa thì Hoa Kỳ có lý do đưa hàng không mẫu hạm đến Á Châu hay giúp cho Nhật và Ðại Hàn thêm những loại phi cơ mới. Nó khởi động lòng yêu nước và tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật, quốc gia duy nhất trong lịch sử nhân loại chỉ có một dòng Nhật hoàng lãnh đạo từ thời Zimmu Tenno đến bây giờ, tức từ năm 600 trước Tây lịch đến nay.
***
ADIZ trở thành bài toán khó do chính Xi Jinping tạo ra cho ông. Sự phồn vinh của Trung Hoa Cộng Sản ngày nay là do các nước dân chủ Tây Phương mang lại cho họ. Ðó không phải là thành quả bất biến. Bao nhiêu sức mạnh của họ đã được phô bày. Nào là phi cơ tàng hình, nào là hàng không mẫu hạm mua lại của Ukraine kiều thập niên 1980, nào là phóng vệ tinh lên cung trăng, nào là bom nguyên tử, nào là phi cơ và võ khí do họ sản xuất phỏng theo võ khí và phi cơ chiến đấu của Nga. Những thành phẩm kỹ thuật đó mới lạ với người Trung Hoa nhưng cũ với Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp. Phẩm chất hàng hóa của họ bị tai tiếng khắp thế giới. Ðến năm N nào đó Hoa Kỳ, Nhật, Ðại Hàn và các nước Tây Phương chuyển vốn sang các nước láng giềng ở Ðông Nam Á thì kinh tế của Trung Hoa Cộng Sản sẽ ra sao?
Vào thập niên 1920 Hoa Kỳ và Anh Quốc ngăn chận không cho Nhật đụng đến chế độ Cộng Sản ở Nga. Năm 1929 Hoa Kỳ và thế giới bị khủng hoảng kinh tế. Ðó là cơ hội cho Hitler nắm chánh quyền ở Ðức, phát triển kỹ nghệ nặng để chuần bị chiến tranh ở Âu Châu trong một thời gian kỷ lục: 6 năm. Năm 1928 Stalin đưa ra kế hoạch ngũ niên đầu tiên biến nước Nga trở thành một cường quốc kỹ nghệ hạng nhì sau Hoa Kỳ. Chỉ 11 năm sau ngày Cách Mạng Tháng 10 thành công, Nga có bước tiến quá dài do sự đóng góp của các nhà khoa học và kỹ thuật Nga chớ không cóp nhặt như Trung Hoa Cộng Sản làm hiện nay. Các thành quả kỹ nghệ do các kế hoạch ngũ niên mang lại cho Liên Sô bị Hitler phá hủy trong đệ nhị thế chiến. Liên Sô là quốc gia đồng minh chiến thắng trong đệ nhị thế chiến nhưng nước nầy bị tàn phá nặng nề. Gần 30 triệu người chết vì chiến tranh. Bù lại Liên Sô kiểm soát các quốc gia Ðông Âu. Ðó là tiền đề của sự ra đời của NATO từ năm 1949 đến nay vẫn còn. Liên Sô sụp đổ năm 1991.
Năm 1954 SEATO (South East Asia Treaty Organization: Liên Minh Phòng Thủ Ðông Nam Á) ra đời nhằm ngăn chận làn sóng Cộng Sản Maoist xuống các quốc gia Ðông Nam Á. SEATO rất lỏng lẻo và không có quân đội. Các nước trong vùng không nhìn thấy hiểm họa Trung Hoa Cộng Sản. Trái lại họ biểu tình rầm rộ chống Hoa Kỳ. Tổ chức SEATO giải tán năm 1977, tức hai năm sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Sự lớn mạnh kinh tế và quân sự của Trung Hoa Cộng Sản với gần 1,5 tỷ dân và tham vọng bành trướng bá quyền của nước này hiện nay làm cho người ta nghĩ đến một vòng đai rộng lớn chạy dài từ Ðông Bắc Á đến Hồng Hải sẽ được thiết lập để chặn đứng tham vọng ghê gớm của nước nầy. Ở Âu Châu trước kia Ðức chi phối nước Nga. Ở Á Châu, Nhật đóng vai trò này đối với nước Trung Hoa từ cuối thế kỷ XIX đến 1945. Có thể vai trò này sẽ được tiếp diễn. Nước Nga của Putin không khác Liên Sô của Stalin trước kia bao nhiêu. Nếu năm 1950 Stalin thích thú nhìn quân Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đánh nhau với chí nguyện quân của Mao Zedong thì bây giờ Putin cũng rất vui nếu Trung Hoa Cộng Sản đánh nhau với Nhật hay Nhật - Hoa Kỳ - Ðại Hàn.
Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.