Lê Ngọc Vân


Việt Nam: Nơi giáo dục miễn phí lại không miễn phí

 

Quốc gia Ðông Nam Á theo chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ có nền giáo dục không phải trả tiền,
nhưng thường xuyên không giữ được những lời đã cam kết.

 

Việc giáo dục tại quốc gia Ðông Nam Á mang ý nghĩa miễn phí. Tuy nhiên chỉ có vài gia đình được hưởng chuyện đó.

Trong một công viên bên ngoài Nhà hát Thành phố ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, bé Trang sáu tuổi chơi đùa cả ngày với những cây gậy, hay theo cha cô nếu ông phải chở khách bằng chiếc xe gắn máy. Trang không đến lớp vì cha cô không có tiền trả cho chuyện này.

Những tình cảnh như thế thông thường trên khắp Việt Nam. Thay vì chúi đầu vào sách, các em ở tuổi đi học lại đi chạy bàn, làm việc tại những cửa hàng đầy tiện nghi, hay lang thang khắp phố bán kẹo cao su hoặc vé số cất trong cặp táp. Qui định của hiến pháp Việt Nam, “Cưỡng bách và miễn phí trong giáo dục cơ bản”. Nhưng những phí tổn khác, giả sử như tiền sách hay đồng phục, đã loại những em nhà nghèo ra. Chi phí này cao hơn trong trường cấp 2 và cấp cao hơn, nơi những cơ sở có thể và gần như luôn luôn đòi tiền học.

Ðất nước theo chủ nghĩa xã hội này vẫn chưa có thể đại chúng hóa nền giáo dục một cách toàn diện, khi mà tiền học của một phần lớn những trường trung bình vẫn còn nằm ngoài tầm tay của nhiều người.

Trường công lập không được đòi tiền học cho đến cấp hai, vì thế họ đòi hỏi học sinh phải trả những chi phí cho việc giữ vệ sinh, trật tự viên hướng dẫn giao thông, tiền làm vườn, bút, vở và ngay cả phải trả tiền để sơn lại cơ sở trường ốc. Những chuyện xảy ra trên thực tế đã được người ta coi là lạm dụng khiến cho Bộ trưởng Giáo dục Ðào tạo năm 2011 đã ra lệnh cho các trường chấm dứt việc thu phí quá đáng nơi các bực phụ huynh.

Ðến nay, đúng ra là phải mở rộng cánh cửa đến trường, những vị quyết định chính sách vẫn cho thấy dấu hiệu là họ đang rời xa nền giáo dục phổ thông. Trong bản dự thảo cải tổ hiến pháp người ta đã gạch bỏ đoạn giáo dục miễn phí, và thay bằng điều 42 mang tính mơ hồ hơn: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.”

Lời đề nghị đã làm bật lên sự lẫn lộn và lo ngại là nó sẽ mở ra con đường dẫn đến việc thu thêm học phí ở cấp đại học. “Nó đã đi đến chỗ quá tổng quát và quá rộng, và nó sẽ mang theo những nguy cơ là yếu tố tự do trong giáo dục cơ bản sẽ có thể bị xóa nhòa,” Trưởng khối Giáo dục của Unicef Việt Nam, Mitsue Uemura, đã nói trong một cuộc phỏng vấn.

Soạn thảo lại

Những cơ quan của Liên hiệp quốc đang vận động những nhà làm luật ở Việt Nam là phải giữ lại sự bảo đảm trước đây về giáo dục miễn phí được ấn định trong điều 59. Những cố gắng của họ là một phần trong cuộc kêu gọi toàn dân tập trung phản hồi cho việc cải tổ toàn diện bản hiến pháp 1992 sẽ kéo dài cho đến cuối tháng ba. Vào mùa hè này (2013, chú thích của người dịch), Quốc hội sẽ tiến hành soạn thảo sửa đổi hiến pháp – điều có thể mang lại ảnh hưởng trên diện rộng, từ vấn đề nhân quyền cho đến việc giám sát bầu cử – và sẽ đưa đến quyết định vào cuối năm.

Trên trang mạng của Quốc hội có lời mời dân chúng gửi ý kiến đóng góp. Từ Ðại học Chicago, Giáo sư Ðàm Thanh Sơn đã gửi một bức thư cảnh báo là “qua việc bỏ nhiều qui định trong Ðiều 59” nhà nước có thể gây nguy hiểm đến những thoả thuận với công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền của trẻ em. Ðiều 28 của công ước ghi: “Trẻ em có quyền hưởng một nền giáo dục cơ bản, phải được miễn phí.”

Những nhà soạn thảo bản dự thảo đã gợi ý là đề nghị của họ có thể nới rộng chính sách của nhà nước dành cho lớp 1 tới lớp 5, để có thể tạo nên nền tảng cho việc đưa học tập lên một mức cao hơn. Nhưng những nhà quan sát nói rằng nếu họ chủ trương như vậy, thì những luật mới không phản ánh điều này.

“Tinh thần của công việc xây dựng một xã hội có học vấn trong đó mọi người có thể học tập, và mọi người giúp đỡ lẫn nhau trong việc học, đã không thấy trong bản dự thảo cải tổ hiến pháp,” tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục & Ðào tạo thành phố Hồ Chí Minh, trong một email đã cho biết như thế.

Cho dù kết quả của cuộc tranh luận về hiến pháp có ra sao đi nữa, nó đã giúp cho ta thấy rõ sự thiếu sót trong chuyện ở Việt Nam phải trả tiền học ra sao. Phần lớn những gia đình phải xoay sở ít nhất là một phần của chi phí cho việc học, một điều trái với những ý niệm đương nhiên của một thể chế xã hội chủ nghĩa. Ngay cả những nước theo sát kinh tế thị trường nhất cũng có khuynh hướng để nhà nước quản lý vấn đề cơ bản của tình trạng phúc lợi này.

Kataria Tomasevski, nguyên báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về giáo dục, đã bào chữa là Việt Nam đã một phần nào tư nhân hóa việc giáo dục bằng cách sang một phần gánh nặng tài chánh cho cha mẹ. “Sự ‘tự nguyện trả tiền’ cho việc giáo dục đã làm mất đi ý niệm là giáo dục phải là một bổn phận của công chúng, và mất đi ý niệm cho mô thức trước đây của nền giáo dục là dịch vụ miễn phí cho công chúng,” bà đã viết trong bản báo cáo toàn cầu về giáo dục: “Tự do hay phải trả tiền”.

Võ Thị Diễm, hiện nay 18 tuổi, nói là, để giúp cô qua được trường cấp 1, bạn bè cô đã cho cô mượn sách cũ, và một giáo viên đã cho cô áo đồng phục trắng, là một yêu cầu để được phép vào lớp. “Tôi đã lo là tôi bị đuổi”, cô nói, Theo Văn phòng Thống kê Trung Ương, 15,5 phần trăm học sinh trong hạn tuổi từ 5 đến 18 phải bỏ học nửa chừng.

Diễm đã không rơi vào trường hợp này vì người giáo viên đã giới thiệu cô đến hội Từ thiện Trẻ em Saigon, mà châm ngôn của họ là “xóa bỏ sự nghèo nàn trong giáo dục”.

Hiệu trưởng Paul Finnis nói là chi phí cho nhà trường lên cao quá tiền học.

“Như các bực phụ huynh cũng biết là luôn luôn có những chuyện cần tiền cho đồng phục, giày dép,” Finnis cho biết. “Có ngày tôi bắt gặp một em học sinh của chúng tôi đi chân không. Và khi chúng tôi hỏi em về điều đó, em nói là em có một đôi giày, một đôi dép lê, nhưng em phải để dành nó cho ngày Tết.”

 

Nâng cao trình độ biết chữ

Qua nhiều biện pháp, Việt Nam đã mở một cuộc tấn công vào ngành giáo dục trong khoảng hai thập niên trước đây. Số học sinh bỏ học là 22 phần trăm năm 1989. Trong cùng năm, số người biết chữ trong hạn tuổi từ 15 trở lên là 87,3 phần trăm, so với 93,5 % năm 2009. Trải dài suốt 10 năm đó, số người từ 15 tuổi trở lên với ít nhất là một trình độ học vấn cơ bản đã từ 1,7% vọt lên 4,4%.

Việt Nam, vốn có truyền thống hiếu học lâu đời, dường như đang trên đường đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đề ra, đặc biệt là trong giáo dục cơ bản cho đại chúng.

Chính phủ rõ ràng là đang thực hiện những việc đầu tư. Giáo dục trong năm 2010 tốn 19,8% ngân quỹ nhà nước, so với mức trung bình ở những nước trong vùng Ðông Nam Á là 13,7%, theo Unesco. Nhưng một nhân viên của Unicef, Uemura, nói là Việt Nam phải xét lại cách tiêu dùng những quỹ giáo dục một cách có hiệu quả nhất. “Nếu họ thực sự đang phân biệt mọi chuyện, nhất là cho những người bị thiệt thòi, thì ai sẽ bị bỏ rơi lại?” Uemura đặt câu hỏi.

Người bị bỏ lại gồm có 22,7% dân số Việt Nam, từ 5 tuổi trở lên, mà không theo hết chương trình giáo dục cơ bản. Cho dù có 95,5% trẻ em ghi tên vào trường cấp 1 đúng theo tuổi, nhưng chỉ còn 88,2% là có thể theo suốt nó cho đến cùng.

Còn số 9% trẻ em khác bỏ học dẫn ta đến một lãnh vực xa hơn, nơi mà cô giáo Trần Thị Thanh Phong nói là có những gia đình rõ ràng là khó có thể lo liệu cho việc học.

“Với họ, tiền đẻ có thể sống còn là một vấn đề,” bà nói. “Giả sử họ phải trả tiền trường, thì làm sao họ còn có thể lo liệu cho cuộc sống?”

Nguyên  tác: “Vietnam: Where free education isn’t so free”, Lien Hoang.
Trích từ al Jazzera, ngày 07/04/2013
Lê Ngọc Vân chuyển ngữ

 


Cái Đình - 2013