Lữ thị Tường Uyên
Vai trò của giới trẻ và phụ nữ trong cuộc thảo luận về tự do và dân chủ ở Việt Nam
Bài diễn thuyết được trình bày trong Tĩnh hội Họp mặt Dân chủ – 09/06/2013
Kính thưa quí vị khán thính giả,
Hôm nay tôi đến với quý vị qua đề tài ‘Vai trò của giới trẻ và phụ nữ trong cuộc thảo luận về tự do và dân chủ ở Việt Nam’.
Trước hết tôi xin hỏi ai trong quý vị còn thông hiểu tiếng Việt để có thể theo dõi bài phát biểu này. Phụ cho bài thuyết trình, tôi có bản tóm tắt những điểm chính bằng Anh ngữ cho những người nào thấy cần.
Xin quý vị đừng e ngại, vốn tiếng Việt của tôi cũng không phong phú hơn từ khi tôi bỏ nước ra đi. Quý vị sẽ có thể nhận thấy là tôi sẽ sử dụng phần lớn những từ ngữ dễ hiểu. Ðiếu này cũng mang lại cho tôi một lợi điểm. Trong công trình khảo cứu của Daniel Oppenheimer (Princeton) ông đã khám phá ra rằng: càng dùng ngôn ngữ đơn giản bao nhiêu càng làm người ta đánh giá sự thông minh của bạn cao hơn bấy nhiêu.
Câu hỏi thứ hai là ai trong quý vị là thuyền nhân?
Ít hàng về bản thân
Tên tôi là Lữ thị Tường Uyên, 49 tuổi, có gia đình và hai con 17 và 15 tuổi. Tôi đến Hòa Lan theo diện thuyền nhân lúc 16 tuổi. Tôi vừa mới nghỉ làm trong bộ phận Tiếp thị tại một công ty bảo hiểm sau 27 năm. Hiện giờ tôi đang lo gây dựng văn phòng tư chuyên môn về trị liệu Tâm lý Xã hội.
Giờ đây tôi xin trở về đề tài ngày hôm nay
Ðể có thể tranh luận về Tự do và Dân chủ, trước tiên ta phải xác định rõ hai ý niệm này mang nghĩa gì. Sau đó ta phải đặt câu hỏi vì sao ta muốn ở Việt Nam có tự do dân chủ, và sau cùng là, làm sao ta có thể đạt được tự do và dân chủ.
Ðây tôi không muốn mổ xẻ hai ý niệm này qua lịch sử hay chính trị. Chuyện này tôi xin dành cho những chính trị gia trong chúng ta. Ở đây tôi chỉ muốn xác định là ta phải bắt nguồn từ hai ý niệm này, để khi chúng ta đi vào tranh luận, chúng ta có được đồng thuận. Trọng tâm của bài phát biểu này nằm ở điểm số 3.
1. Tự do và Dân chủ mang ý nghĩa gì?
Tôi xin bày tỏ về hai ý niệm Tự do và Dân chủ dưới ánh mắt nhìn của tôi.
Hai ý niệm này thường được tóm gọn trong một chuỗi 4 từ đi liền nhau. Ở một phương diện nào đó chúng có mối tương quan với nhau. Nhưng có những khác biệt căn bản khiến cho hai ý niệm này có những lúc đối nghịch nhau hoàn toàn.
Tự do là chỉ một tình trạng trong đó mọi cá nhân được phép làm mọi chuyện mà không bị những cá nhân khác hạn chế.
Dân chủ là một phương cách trong đó những luật lệ được chính phủ lập nên. Những luật lệ này được quyết định trên căn bản của đa số.
Người dân có tiếng nói mạnh mẽ trong nhiều nguyên tắc căn bản, trên hiến pháp, thuế má, và công nhận được can thiệp và hình phạt trong nhiều vấn đề. Dân chủ do đó không phải chỉ đơn thuần đa số thắng thiểu số (50% + 1). Mà ngay cả giá trị sống và quyền lợi của những nhóm thiểu số đều được tôn trọng.
Luật pháp chỉ là một trong những sản phẩm của dân chủ mà thôi. Quan trọng hơn là cách ứng dụng luật pháp trên quan điểm mọi người đều bình đẳng. Ngay cả công an, quân đội, nhà lãnh đạo (chính phủ, chính quyền địa phương, vua, hoàng đế) cũng có thể bị hạn chế quyền hành như nhau.
Những thuyền nhân như tôi, trên nguyên tắc đã quay lưng lại với Ðảng Cộng sản Việt Nam, phần lớn đã và đang được sống. Họ đã trải nghiệm trên thực tế từ bản thân là sống trong một quốc gia Tự do Dân chủ thực sự ra sao.
Trong 33 năm sống ở Hòa Lan tôi đã được thấy nhiều thuyền nhân không thấu hiểu được sự tự do này và lại đâm ra lạm dụng nó. Có những người đã khoác cho mình chiếc áo dân chủ mà chính họ lại cố tình áp dụng luật rừng. Giữa sự mong mỏi có được tự do dân chủ và khi có thể cảm nhận và phát huy những giá trị này – mà có người đã dấn thân để tranh đấu cho nó – có cả một trời khác biệt.
Ngay cả những người Tây phương hoặc những giống di dân cũng có thể cũng lạm dụng tự do và dân chủ. Không phải vì họ không biết quyền lợi và bổn phận của họ, bởi vì những người này tôi thấy trong mọi tầng lớp xã hội. Nhưng có thể tuổi thơ của họ đã bị chà đạp nên lòng tham lam và mê danh vọng đã có cơ hội phát triển. Nhưng vấn đề này nằm trong một đề tài khác.
Tóm lại, tự do trong một quốc gia dân chủ hàm chứa những quyền lợi và bổn phận. Bất kỳ ai không đồng ý với điều này, họ bắt buộc phải thích ứng. Một cách hợp pháp để thoát khỏi tình trạng này là di cư. Nhưng vì lúc này dân chủ được coi như hình thức tốt nhất trong tất cả các cơ chế quốc gia, bạn không có gì nhiều để lựa chọn.
Khi bạn không làm tròn bổn phận hay vi phạm luật bạn phải đối mặt với luật pháp trong nhiều bực bội. Nhưng những luật này cũng bảo vệ bạn khi nào những kẻ khác cố ý làm hại bạn, ngay cả khi đó là người đại diện của chính quyền.
Bên cạnh đó chúng ta phải ý thức được một thực trạng là một quốc gia dân chủ không phải là một thiên đường trong đó mọi người đều hạnh phúc và mãn nguyện giống nhau. Có những người giàu thu lợi trên đầu trên cổ những người khác (nghèo hơn) qua tham nhũng, lừa gạt. Bao che cũng không phải là chuyện không có ở Tây phương. Một quyền lực pháp trị không phải là không có sai sót. Những trường hợp đau lòng về nạn rượu chè be bét, bạo hành trong gia đình, loạn luân, tình dục với trẻ em, ghét người đồng phái, ghét người nước ngoài v.v… đều có thể xảy ra.
2. Mục đích của Tự do và Dân chủ là gì?
Việt Nam hiện nay chính thức là một nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Ðất nước được cai trị bởi một đảng duy nhất, Ðảng Cộng Sản. Còn hai năm nữa là đảng này ngự trị liên tiếp 40 năm trên toàn cõi Việt Nam.
Trong dân chúng, lời đòi hỏi có thêm Tự do và Dân chủ ngày càng lớn. Ước muốn thì rõ rệt. Mọi người đồng kêu gọi như nhau. Nhưng khi bạn đi sâu thêm, bạn sẽ thấy thực tế có những giải pháp khác nhau. Ðại thể, tôi chia nó thành hai nhóm:
Nhóm của những người trung thành với lý tưởng cộng sản, với Ðảng Cộng Sản và với Hồ Chí Minh. Họ cũng gán những thành quả kinh tế cho sự sáng suốt của Ðảng.
Những gì họ bất mãn là sự lạm quyền của guồng máy chính quyền và những cá nhân đang nắm luật. Các nguyên tắc và phẩm chất con người bị chà đạp. Tuy nhiên người ta cho rằng điều kiện sống hiện nay đã cải tiến rất nhiều so với 15, 20 năm trước. Nếu Việt Nam trước kia bị coi là một nước trong thế giới thứ ba, thì Việt Nam trong 10 năm vừa qua đã lớn mạnh thành một trong những con cọp kinh tế trong khu vực Ðông Nam Á mà cả thế giới rất muốn bang giao.
Nếu trước kia chỉ có người nghèo, thì nay có cả người nghèo lẫn người giàu. Người ta lại được phép có hãng xưởng riêng, họ lại được du lịch ra nước ngoài, mặc dù còn hạn chế. Nếu trước kia những tù chính trị bị xử tử hay giam cầm không cần xét xử giống như những tội phạm hình sự, thì nay có những phiên tòa công khai. Có nhiều cởi mở trong truyền thông, trong tín ngưỡng, trong nghệ thuật, ngay cả chuyện người ta có thể vào được internet.
Theo như nhóm này thì đã có nhiều Tự do và Dân chủ hơn xưa. Nhưng những con sâu phải được nhặt ra hết, để cho điều kiện sống có thể tương đương với Tây phương.
Giải pháp cho nhóm này: duy trì cơ chế độc đảng; cải tổ bộ máy chính quyền (xem thí dụ của cơ chế nhà nước Singapore!)
Một nhóm khác thì đã từng sống trong cả hai chế độ VNCH và CHXHCNVN, hay do du lịch, du học, có bạn ngoại quốc hay nhờ thế giới digital đã có những tiếp xúc với nền Dân chủ ở Tây phương. Nhóm này cho rằng khi nào còn cơ chế độc đảng thì sẽ không có vấn đề Tự do và Dân chủ. Ðảng Cộng Sản phải bị lật đổ hay phải có nhiều đảng phái chính trị bên cạnh nhau để cho đa số có thể quyết định, theo mô thức Âu châu.
Giải pháp cho nhóm này: chế độ đa đảng, Tự do và Dân chủ theo như mô hình Tây phương!
Ðây là khác biệt căn bản mà chúng ta phải xác nhận và tìm ra một lối đi chung. Nếu không, chúng ta sẽ tạo ra tình trạng như ở Ấn Ðộ và Pakistan. Ðầu tiên là đuổi kẻ thù chung, sau đó xuất hiện những dị biệt giữa các phe nhóm. Những gì tiếp theo là một cuộc nội chiến đẫm máu.
Giờ bạn hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng là ông Tổng Bí Thư Ðảng đứng ra tuyên bố trước công chúng là: kể từ hôm nay Việt Nam là một nước Dân chủ và mọi người Việt Nam có quyền tự do. Chấm dứt Ðảng Cộng Sản và giã biệt Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa. Bạn sẽ nghĩ sao?
Trước tiên là bạn không tin ở tai mắt của mình. Có thể bạn tự nhéo mình hai ba lần để chắc là mình không nằm mơ. Sau đó có thể bạn bật khóc và quỳ xuống tạ ơn tổ tiên, ông Táo, Phật, Chúa hay Allah… Sau vài ngày, khi những phấn khởi đầu tiên qua đi, bạn tự hỏi, nhưng bây giờ phải làm sao? Phải làm điều gì trong giai đoạn tiếp và đâu là chân lý?
Ðương nhiên chúng ta có thể kêu gọi ở một mức trừu tượng rằng chúng ta muốn chính phủ mới phải tôn trọng quyền căn bản làm người theo như Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã định. Và chúng ta muốn có một nếp sống nhân bản hơn cho Việt Nam trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của nhà cầm quyền cũng như của người dân được xác định và được tuân thủ. Nhưng điều này chưa nói lên được những thay đổi thực tế nào mà chúng ta phải làm. Tôi mong mỏi mọi người tự suy gẫm về những điều này.
Tôi nhớ lại một khẩu hiệu mà tôi thường nghe trong truyền hình lúc còn nhỏ: đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm. Một câu nói khác tôi cũng đã được nghe sau khi Sài Gòn rơi vào tay của cộng sản: nếu muốn thắng cộng sản, phải để cộng sản thắng trước.
Hai câu khẩu hiệu này có liên quan mật thiết với nhau. Bởi vì những người cộng sản là bặc thầy trong sự tuyên truyền lý tưởng cộng sản. Nhưng ngay khi quyền lực vào tay họ, họ sẽ lộ ra bản chất thực. Lúc đó mọi người mới thức tỉnh và sẽ nổi lên chống lại.
3. Làm sao để đạt được Tự do và Dân chủ trên Việt nam?
Thường thì cuộc tranh luận về những đề tài được dựa trên những lý luận chính trị và kinh tế. Người ta quyết liệt chống lại chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam hay ca tụng Dân chủ hay làm cả hai việc. Ðể làm chuyện này, người ta dựng lên một đảng, và săn tìm những cảm tình viên.
Tôi tin rằng lòng yêu nước của ai cũng như nhau nhưng điều tôi thấy, cho tới bây giờ, là người Việt hải ngoại tỏ ra ít tôn trọng ý kiến lẫn nhau. Những cuộc bàn cãi phi lý về lá cờ nào sẽ được dùng, có hay không hát quốc ca chỉ làm tốn thời gian và giảm hiệu quả buổi tranh luận. Đã không tôn trọng phẩm giá của nhau, nhiều khi còn chụp mũ cho người khác là Cộng sản, khiến cho những người có nhiệt tâm cảm thấy bị thương tổn nặng nề và cuối cùng bỏ cuộc.
Phần lớn người ta chỉ loay hoay để giải tỏa những đau đớn cá nhân trong quá khứ qua cách bắt bẻ, hăm he, dùng bạo lực với người khác để chứng tỏ là mình có lý.
Chính trị dùng dao búa (cả nghĩa đen), nhất là tại các quốc gia có một nền tảng dân chủ chuyên chính, là điều không được phép làm và không thể chấp nhận được. Phương tiện này để chống chủ nghĩa cộng sản trong thực chất cũng độc đoán như chế độ toàn trị.
Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Mỗi nhân sinh cần được tôn trọng như nhau. Người ta quên là chẳng có một phương pháp nào gọi là tốt nhất cả. Chỉ có phương pháp nào thích hạp nhất với bạn mà thôi.
Một phương cách khác trong cuộc tranh đấu chống Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam là tẩy chay. Ý tưởng nằm sau phương pháp này là nếu không có hỗ trợ tài chánh từ thân nhân, từ những cơ quan bác ái, viện trợ phát triển thì Việt Nam sẽ trở nên nghèo đói và tự nó phải sụp đổ trong cảnh nghèo khó này. Hay đúng hơn, bắt nguồn từ sự nghèo khó này và những sự bức xúc từ đó của giới bần cùng, sẽ phát xuất một cuộc cách mạng, tỉ như cuộc cách mạng Pháp hay Nga.
Theo quan niệm của tôi, mỗi cuộc cách mạng đi liền với bạo động, tước đoạt, hy sinh, cảm giác bất lực, đau khổ và buồn rầu. Một khi những người không quyền lực lên nắm quyền, thường họ sẽ xử dụng bạo lực y như cũ để áp đảo những người khác quan điểm. Và rồi họ lại làm mồi do chính sự quyến rũ của quyền lực và tham lam.
Nhưng dù sao đi nữa mỗi người đều có quyền làm chuyện gì họ cho là đúng miễn là họ đừng vi phạm luật pháp. Ý kiến tôi sẽ đưa ra hôm nay là những gì tôi tin nó là một trong những phương pháp hữu hiệu, bên cạnh những con đường khác, để dẫn tới La Mã. Tôi hoàn toàn cởi mở mong muốn các bạn bổ sung để đưa đến sự hoàn thiện cho những ý tưởng này.
Từ kiến thức của tôi như một nhà trị liệu tâm lý xã hội và một chuyên viên tiếp thị thâm niên, tôi rất muốn được trình bày cho quý vị thấy bằng cách nào ta có thể áp dụng hai lãnh vực để đạt được nhiều Tự do và Dân chủ hơn tại Việt Nam.
Trước hết tôi muốn nói một chút về Tâm Lý Học và đặc biệt về trường phái Tâm lý nhân văn (humanistic psychology). Phần này xin trích dẫn từ trong Wikipedia ra vì mục đích ở đây không phải đi sâu vào trường phái này. Tôi sử dụng lý thuyết này để áp dụng vào con đường mình đi. Nếu muốn biết thêm về trường phái này, xin lên Google kiếm và đọc thêm.
Một người đặt nền móng cho lý thuyết này là Abraham Maslow (1902 – 1987). Maslow chủ trương là con người từ thuở sinh ra đã tự do. Trong những hoàn cảnh thuận lợi, môi trường lành mạnh, con người có thể trở thành một người tự trị, một sinh vật tự do và có trách nhiệm.
Theo Maslow, con người sanh ra có năm nhu cầu căn bản mà muốn được thỏa mãn. Mỗi nhân sinh đều hoạt động nhằm mục đích thỏa mãn những nhu cầu này. Các nhu cầu này được sắp theo một thứ bậc được mang tên là Hệ thống nhu cầu 5 bậc của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs).
5 tầng trong Tháp nhu cầu của Maslow:
Các nhu cầu cơ bản thấp hơn phải được ưu tiên chú ý trước so với những nhu cầu bậc cao hơn.
Nhu cầu thứ nhất: nếu một người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu ngủ... họ sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về vẻ đẹp, sự tôn trọng…
Nhu cầu mong muốn bảo vệ cho cuộc sống của mình nằm trong bậc thứ nhì. Nó được biểu lộ qua sự mong muốn có một xã hội an lành, cuộc sống ổn định, được che chở bởi pháp luật, tôn giáo, v.v…
Nhu cầu thứ ba được thể hiện qua việc tìm kiếm bạn bè, người yêu, lập gia đình, đi làm, tham gia hội đoàn để trao đổi tình cảm, tình thương, tình bằng hữu.
Nhu cầu thứ tư là nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng về những thành quả và giá trị của bản thân. Khi đạt được điều này rồi, con người mới biết quý trọng giá trị của những người khác. Đây mới là lúc con người quý trọng nhau thật sự.
Nhu cầu cao nhất là nhu cầu được khai thác hết khả năng, tiềm năng của mình, để có thể khẳng định rằng, năng lượng, trí tuệ và khả năng của mình đã được phát huy tột đỉnh. Lúc này là lúc mình sẽ hài lòng với gì mình làm, chấp nhận những cái tốt xấu trong chính bản thân mình cũng như của những đối tượng khác. Đây cũng là lúc mình có thể sống vì mọi người, một tập thể lớn hơn bản thân mình.
Giai đoạn này có thể so sánh với đạo Khổng. Từ nhỏ đến lớn trẻ em đã được giáo dục để coi tập thể lên trên hết. Sự khác biệt lớn ở hai trường phái này là: đạo Khổng ép và ràng buộc con người vào khuôn khổ để theo chân lý đó. Trong khi bên Tâm lý nhân văn con người phải được khuyến khích, cho cơ hội tự tìm đến chân lý. Con đường tìm đến chân lý nhiều khi còn thú vị hơn khi đã đạt được chân lý.
Trở lại tình hình Việt nam, nếu ta đặt Việt nam vào 5 bậc thang nhu cầu ta sẽ nhận thấy những điều như sau:
Việt nam không thuộc vào xứ nghèo nữa. Lao động trên hết đã nhường chỗ cho kinh doanh. Hợp tác xã tiêu tán và buôn bán hàng nhập và xa xỉ phẩm đã được chấp nhận từ lâu.
Một số lớn đã và đang sống theo mức độ an sinh của Âu Mỹ. Nhờ toàn cầu hóa nên Việt nam có thể theo dõi và bắt chước theo. Nói chung là giai đoạn một của nhu cầu Maslow phần lớn đã được thoả mãn.
Khi có sở hữu người ta cần an ninh để bảo vệ những gì mình đã thu hoạch được. Đây chính là giai đoạn người ta cần Tự do và Dân chủ. Càng có nhiều tài sản chừng nào, bạn lại càng sợ mất mát nhiều chừng đó. Chỉ trong một nước có nền Tự do Dân chủ vững vàng mới có thể cho con người cảm giác tương đối an toàn. Đây là giai đoạn thứ hai của Maslow.
Tôi dự đoán Việt nam sẽ cần vài thập niên nữa để đi đến giai đoạn 4 và 5 nhưng đó là chân lý mà chúng ta muốn đi tới. Những thay đổi mà tôi muốn nêu ra hôm nay dành cho giai đoạn 2 và 3.
Để đáp ứng lại nhu cầu được bảo vệ trong giai đoạn thứ hai này, đây là lúc chúng ta nên đẩy mạnh phong trào đòi hỏi tự do và dân chủ. Để phát triển đìều này tôi nêu ra 5 phương pháp thực hành theo từng giai đoạn của hệ thống Maslow. Những hành động ngày hôm nay sẽ gieo mầm mống cho những biến đổi quan trọng trong giai đoạn 3, 4 và 5.
5 bước đi này không cần phải theo đúng thứ tự. Nó cũng có thể đi song song với nhau.
Dưới đây tôi sẽ nêu ra cách hành động thực tế.
Những bước đi thiết thực và những vấp ngã sẽ gặp
Những hành động sau đây dựa trên căn bản kết hợp năm nhu cầu của Maslow và Mạng xã hội (Social media), xin xem Tháp của John Antonios.
Hành động giai đoạn 1: Nâng cao an sinh
Hành động giai đoạn 2: Nâng cao dân trí, ý thức
Hành động giai đoạn 3: Tìm hiểu và chia sẻ
Hành động giai đoạn 4: Phát huy phẩm chất cá nhân
Hành động giai đoạn 5: Cùng đi đến chân lý
Những vấp ngã trước mặt:
Như đã nêu trên những thay đổi trong giai đoạn 2 sẽ lập nền tảng vững mạnh cho giai 3, 4 và 5. Nhưng nó đòi hỏi công sức bền bỉ của mỗi người.
Kết thúc
Bạn đã nhận thấy trong suốt bài thuyết trình này tôi chưa nhắc đến tuổi trẻ, và càng không nhắc đến vai trò phụ nữ trong việc đấu tranh cho tự do dân chủ. Tôi cố tình không nêu lên vì tôi tin chắc rằng những hành động tôi nêu ra tất cả mọi người, già, trẻ, nam, nữ, đồng tính, lưỡng tính, da vàng, da trắng, đều có thể làm được.
Điều quan trong nhất bạn nên làm tập trung tư tưởng để tìm hiểu mình đang nằm trong giai đoạn nào trên Tháp Maslow; khám phá tiềm năng và khai triển tất cả khả năng bạn có, và ứng dụng vào công cuộc đấu tranh cho Tự do và Dân chủ cho đất nước Việt nam. Tôi tin chắc mỗi cá nhân đều có thế đứng lên để thay đổi cục diện.
Dù bạn có ao ước thay đổi thế giới bên ngoài bao nhiêu đi nữa, những thay đổi đầu tiên phải bắt đầu từ trong tâm của bạn ra!
Xin cám ơn các bạn đã lắng nghe những lời tôi nói.
Lữ thị Tường Uyên