Lâm Văn Bé
Tương lai của sách in và sách điện tử
Ông Vương Hồng Sển, trong quyển “Thú chơi sách”, đã trân trọng dành cả trang đầu tác phẩm của ông để đăng nguyên văn lời của nhà văn hàn lâm Georges Duhamel như sau:
“De tous les présents que nous pourrons offrir à nos amis, le livre est le plus utile, le plus aimable, le plus durable. Vêtu d’une belle reliure, il fait l’ornement de nos maisons. Ouvert à point nommé, il nous instruit, il nous console, il nous amuse, il se mêle à notre vie morale pour l’animer et l’enrichir”.
Nhà cổ ngoạn họ Vương cẩn dịch:
“Trong các tặng phẩm dành riêng để thù tạc lương bằng, sách là món quà hữu ích, khả lân khả ái, và sách làm cho mối tình kết giao đôi bên càng sâu đậm, càng lâu bền hơn các tặng phẩm nào cả. Đóng bìa rõ đẹp, rõ khéo, quyển sách trang biện nhà cửa thêm xuê. Dở ra đúng chỗ, sách dạy khôn dạy khéo, vừa an ủi cơn sầu, vừa giúp vui và gây phấn khởi, sách làm đời sống tinh thần người đọc thêm hào hứng hùng mạnh”. (Tuyển tập Vương Hồng Sển, tr.542)
Một thế kỷ sau, Robert Darnton, sử gia, Giám đốc hệ thống Thư Viện Đại học Harvard, trong tiểu luận của ông tựa đề là “The case for books, past, present and future” có trích dẫn một đoạn trong bài diễn thuyết của Bill Gates, sáng lập viên của Microsoft: Đọc sách trên màn ảnh vẫn còn ít hơn đọc sách in trên giấy. Ngay như tôi, người tiên phong trong lối sống Internet và trang bị những máy điện toán đắt giá, mỗi khi có một tài liệu nhiều hơn bốn hay năm trang, tôi in ra để đọc và ghi chú. Đó là một khó khăn thực tiển mà kỹ thuật phải vươn tới để cho tất cả những gì mà chúng ta làm hôm nay với giấy sẽ trở thành điện tử (sđd tr.167).
Và gần đây, trong một cuộc hội thảo về truyền thông ở Lake Tahoe ngày 6 tháng 8 năm 2010, Nicolas Negroponte, giáo sư lỗi lạc về kỹ thuật truyền thông, sáng lập viên Media Lab ở MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã làm chấn động giới xuất bản sách với lời tuyên bố “The physical books dead in five years”.
Có thể nào quyển sách với một lịch sử lâu dài hơn 20 thế kỷ mà George Duhamel đã hết lời ca tụng sẽ biến mất trong những năm sắp tới để nhường chỗ cho sách điện tử. Và có thể nào, các thư viện, kho tàng văn hóa lưu trữ và truyền bá kiến thức của nhân loại, sẽ trở nên hoang phế một ngày gần đây khi độc giả chỉ cần nằm trên giường với cái máy đọc sách trên tay.
Chúng tôi thử tìm hiểu vấn đề dựa vào những dữ liệu mới nhất và quan điểm của một số chuyên gia trong lãnh vực kỹ thuật truyển thông, ngành xuất bản và thư viện học để ước định xem những tiên đoán bi quan về số phận của sách in là một xu thế tất nhiên của tiến hóa kỹ thuật hay chỉ là những ước vọng, những ảo vọng của các nhà tin học.
Từ thỏi đất sét đến sách điện tử
Không kể những chi tiết về những tiến trình của quyển sách từ lúc sơ khai cho đến nay, có ít nhất 4 biến chuyển lớn cần ghi nhận, Trước tiên, khoảng 4000 năm trước Tây lịch, con người bắt đầu học viết. Những dấu hiệu, hình ảnh tìm được trên vách đá trong các hang động là những cách thức thông tin của người xưa. Người Sumerian biết ghi chép những dấu hiệu hình đinh có nhiều góc cạnh (cunéiforme) trên những thỏi đất sét ướt rồi đem phơi cho cứng lại. Người Ai Cập, rồi người Hi Lạp, người La Mả dùng giấy cói (papyrus), một loại thảo mộc dồi dào dọc theo sông Nil để viết. Những mảnh giấy cói được kết hợp lại thành cuộn để dễ đọc và di chuyển, hoặc theo chiều ngang (volumen), hoặc theo chiều dọc (rotulus). Với kỹ thuật cuộn giấy theo chiều ngang, chữ viết theo từng cột, đó là ý niệm đầu tiên của trang sách sau nầy, và với cuộn giấy theo chiều dọc chữ viết sẽ phủ đầy lên bề ngang của cuộn, giống như cách đọc sách điện tử hôm nay. Thì ra, những phát minh nhiều khi chỉ là những biến hóa của những gì đã có. Chữ viết bằng ký hiệu, bằng hình tượng phải kéo dài đến hàng mươi thế kỷ, mãi cho đến năm 1000 (trước Tây lịch), chữ viết La Mả mới xuất hiện. Đó là cuộc cách mạng truyền thông đầu tiên của con người.
Sau đó, vào thế kỷ thứ III, với sự phát minh codex (chữ La Tinh nghĩa là tấm bảng nhỏ để viết), quyển sách mới thực sự thành hình. Với khám phá thứ hai nầy, các trang giấy được kết hợp chung lại thành một quyển, bảo vệ bên ngoài bằng một cài bìa, đóng lại bằng dây hay kẹp để người đọc có thể lật từ trang nầy sang trang khác theo thứ tự, đọc ở trang muốn đọc, có thể vừa đọc vừa viết, trái với trước đó, những tờ giấy cói cồng kềnh phải cuộn lại hay mở ra khi đọc. Sự khám phá giấy da (parchemin) thay cho giấy cói là một tiến bộ để các trang giấy được xếp lại dễ dàng hơn không bị gãy như giấy cói. Vào thế kỷ XI, người Á Rập du nhập vào vùng Địa Trung Hải một loại giấy làm bằng bột gỗ mà trước đó người Trung Hoa đã sáng chế vào đầu thế kỷ thứ nhứt, giấy lần lần được cải thiện và thông dụng thay cho giấy da vì quá đắt và nặng.
Quyển sách trở nên thực sự là quyển sách với hình thức mà con người sử dụng trong hơn năm thế kỷ nay là nhờ phát minh chữ in của Johannes Gutenberg vào khoảng năm 1450. Thực ra, trước đó, khoảng năm 1050, người Trung Hoa đã biết in với những chữ rời trên các bện tre hay lụa, và khoảng năm 1230, người Cao Ly đã biết dùng mẫu chữ bằng kim loại, nhưng chính phát minh của Gutenberg đã làm cho việc in ấn, phổ biến sách trở nên dễ dàng và rộng rãi hơn. Quyển sách truyền bá kiến thức, giáo dục con người, phổ biến các tư tưởng tự do dân chủ, giải phóng con người thoát khỏi các thế lực độc tôn chính là nhờ cuộc biến đổi thứ ba nầy.
Quyển sách lại chuyển mình lần thứ tư, dĩ nhiên chưa phải là lần chót, với cuộc cách mạng truyền thông điện tử kể từ năm 1974, năm mà danh từ internet xuất hiện.
Nếu lược kể tiến trình của quyển sách nói riêng và truyền thông nói chung như trên, sự biến đổi đã đi theo một vận tốc lũy tiến theo thời gian: từ chữ viết đến codex phải mất 4300 năm, từ codex đến chữ in phải 1150 năm, từ chữ in đến Internet 524 năm. Nhưng kể từ Internet đến nay, sự biến đổi của kỹ thuật truyền thông đã tiến theo một vận tốc phi mã, không phải hàng chục năm mà gần đây hàng năm. Thử điểm qua vài mốc thời gian các phát minh hay biến đổi chính yếu của thời truyền thông điện tử.
–1969: Tháng 10/1969, lần đầu tiên các máy điện toán của 4 đại học là Stanford Research Institute, đại học UCLA (California, Los Angeles), UCSB (California, Santa Barbara) và đại học Utah được nối kết với nhau nhờ mạng Arpa (Advanced Research Project Angency) của Bộ Quốc Phòng. Arpanet được xem như mô hình đầu tiên của internet sau nầy.
– 1971: Thư điện tử e-mail ra đời, sử dụng ký tự @ để phân biệt giữa tên người sử dụng (username) và tên máy điện toán (computer name). Cùng năm nầy, dự án Gutenberg ra đời, mở đầu cho sách điện tử.
–1973: Hệ thống mạng xuyên Đại Tây Dương nối kết Arpanet với Đại học UCL (University College of London) và e-mail phổ biến, chiếm đến 75% trên Arpanet.
– 1974: Danh từ Internet xuất hiện.
– 1975: Bill Gates và Paul Allen thành lập Microsoft.
– 1982: Giao thức TCP /IP (Transmission Control Protocol/ Internet protocol) được sử dụng để liên kết các mạng với nhau. Internet trở thành liên mạng lớn nhất thế giới, mạng của các mạng.
– 1984: Sáng chế tên miền (domain name server) cho máy chủ. Từ đó số máy chủ tăng lên nhanh chóng:1000 (năm 1984), 10 000 (1987), 60 000 (1988), 100 000 (1989), 1 triệu (1992). Năm 2011, trên thế giới có 346 triệu trang mạng.
– 1990: Các công cụ tìm kiếm trên trang mạng trở nên phổ biến.
–1991: Sáng chế World Wide Web (www.) giúp ngưởi sử dụng Internet truy cập dễ dàng và nhanh chóng hơn trên trang mạng.
– 1994: Yahoo ra đời.
– 1995: Amazon.com là nhà sách đầu tiên trên mạng.
–1996: Hotmail ra đời cung cấp dịch vụ web mail. Sau 18 tháng đã có 12 triệu người sử dụng, Microsoft mua lại với giá 400 triệu để tránh cạnh tranh.
– 1997: Chánh sách “hội tụ truyền thông” (convergence multimedia) tập trung nhiều cơ sở truyền thông (sách báo, truyền thanh, truyền hình, điện thoại, dịch vụ văn hóa, giải trí… thành một tập đoàn thương mại) tạo nên nhiều tiện lợi và bất lợi cho người tiêu thụ, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị của người dân và chánh phủ.
–1998: Google ra đời – Internet trở thành một công cụ phổ biến trong các sinh hoạt của thư viện.
– 2000: Internet đa ngữ được phổ biến
– 2002: Bách khoa điện tử làm sụt giảm các loại sách bách khoa, tự điển, sách tham khảo.
– 2003: Sách in thuộc loại bán chạy (best sellers) có thêm bản sách điện tử.
– 2004: Facebook ra đời. Cuối năm nầy, Google tuyên bố thành lập Dự án Thư viện điện tử toàn cầu.
– 2005: YouTube ra đời.
– 2007: bắt đầu máy đọc điện tử (ebook reader) và sau đó là những thiết bị khác như Ipod, Iphone, Ipad…
– 2011: Amazon tuyên bố bán sách điện tử nhiều hơn sách in.
Từ dự án Gutenberg đến dự án Google
Năm 1971, tuy các máy điện toán còn thô sơ, Michael Hart, sinh viên đại học Illinois đã có sáng kiến đưa lên máy điện toán của ông các tác phẩm xưa đã thuộc phạm vi công cộng (có nghĩa là đã không còn bị ràng buộc bởi tác quyền) để có thể đọc được trên máy điện toán .Ông quan niệm công việc chính yếu của máy điện toán không phải chỉ dùng để tính, mà dùng để lưu trữ, phổ biến và sưu tầm tài liệu.
Ngày 4-7-1971, ngày lễ độc lập của Hoa Kỳ, Michael Hart bắt đầu gõ trên máy điện toán của ông bằng chữ viết hoa (lúc nầy chưa có chữ nhỏ) bản “Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ” đã phổ biến 195 năm trước đó (4/7/1776) và thông báo cho bạn bè biết sự hiện diện của văn bản (fichier) nầy mà ông gọi là e-text, nhưng chưa gởi đi được vì trang mạng chỉ thực sự phát triển từ năm 1983. Ông đặt tên là dự án Gutenberg, tên người thợ in Đức đã phát minh ra kỹ thuật in làm phát triển và phổ quát kiến thức của nhân loại. Hart là người thông minh, là người mở đường cho ebook, nhưng người đương thời cho là ông viễn tưởng, thậm chí là mất trí. Ông kiên trì làm việc, và dần dần trong những năm sau đó, với sự hợp tác và đóng góp của những người thiện nguyện, Hart và các bạn tiếp tục đánh máy các tài liệu và tiểu thuyết trên máy điện toán, cho đến năm 2000, dự án mới thực sự áp dụng kỹ thuật số hóa.
Năm 2011, sau 40 năm, dự án Gutenberg đã có một thư viện sách điện tử (www.gutenberg.org) gồm 40 000 tựa đủ các thể loại, sách báo, âm nhạc, phim ảnh (nhưng đa số là sách) bằng 47 ngôn ngữ (đa số là tiếng Anh) mà độc giả có thể truy cập miễn phí về máy điện toán hay các thiết bị khác. Ngoài ra, nếu kể cả sự hợp tác thiện nguyện của một số cơ quan văn hóa, thư viện, nhà xuất bản, bộ sưu tập điện tử Gutenberg lên đến khoảng 100 000 tựa. Đó là một công trình đáng phục của Hart và những người thiện nguyện, không mưu cầu lợi nhuận, danh vọng, trong nỗ lực phổ biến kiến thức, văn hóa một cách miễn phí cho đại chúng.
Nếu dự án Gutenberg được sự đồng thuận và hưởng ứng của mọi giới, từ người sử dụng tài liệu đến người cung cấp tài liệu, Dự án Thư viện điện tử toàn cầu Google bắt đầu từ tháng 12 năm 2004, khổng lồ hơn dự án Gutenberg với nhiều tham vọng đã gặp nhiều trở ngại và chống đối.
Theo kế hoạch, Google Print (sau đổi là Google Book Search) sẽ scan laị các sách in, chuyển sang định dạng (format) OCR (Optical Character Recognition) có thể đọc được trên máy điện toán và đưa vào Thư viện ảo của Google. Người đọc có thể tìm kiếm sách (và từ tháng 12 năm 2008 có thể tìm cả tựa một số tạp chí) trên trang mạng, đọc được toàn bộ nội dung của quyển sách hay một vài đoạn trích dẫn, và tùy theo tình trạng bản quyền (copyright), độc giả có thể tải về máy của mình miễn phí dưới dạng PDF, có thể in ra để đọc, hay phải mua qua Google Books.
Tháng 10 năm 2010, Google công bố đã số hóa được 15 triệu quyển sách trong số 130 triệu sách trên toàn thế giới (xem bổ túc phụ lục) và sẽ hoàn tất dự án số hóa kho tàng kiến thức của nhân loại vào cuối thập niên nầy.
Dự án Google, trên lý thuyết là một công trình đồ sộ sẽ giúp con người thông minh hơn, gần gũi nhau hơn qua sự tiếp cận dễ dàng với nền văn hóa, văn minh của các thế hệ, các chủng tộc, các quốc gia, nhưng sau những thỏa hiệp lúc ban đầu, những nghi kỵ, chống đối, kiện tụng đã xảy ra mà cho đến nay, với những phương tiện tài chánh và tham vọng của Google, các tranh chấp vẫn chưa kết thúc bởi trên căn bản Google là một công ty thương mại mà mục đích tối hậu là tìm lợi nhuận.
Trước tiên là số sách mà Google sẽ đem lên trang mạng. Năm 2006, Google thỏa thuận số hóa sách của 5 thư viện gồm bốn thư viện lớn của Hoa Kỳ là Thư Viện New York, đại học Harvard, Stanford, Michigan và Thư viện Oxford của Anh Quốc. Thỏa thuận nầy gây niềm tin tưởng cho giới đại học bởi sẽ giúp cho giới nghiên cứu có thể khai thác nguồn tài liệu mênh mông trong các thư viện, đỡ gánh nặng cho các thư viện đang gặp khó khăn về phòng ốc và ngân sách. Số sách mới xuất bản càng lúc càng nhiều mà giá sách càng lúc càng cao, thư viện không có chỗ để chứa sách và mua sách. Nhiều thư viện đại học, để có chỗ lưu trữ sách báo mới đành phải áp dụng biện pháp chụp thành vi phim rồi vứt bỏ hay bán rẻ các sách báo đã chụp, chẳng hạn như “Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, từ 1968 đến 1984 đã chụp 93 triệu trang giấy và vứt đi hơn 10 triệu tài sản công” (Robert Darnton, tr.157).
Về giá mua sách báo, nhất là các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành, giá mua dài hạn tăng lên một mức không tưởng tượng. Năm 2007, giá mua dài hạn một tạp chí khoa học nhiều khi trên 20 000 mỹ kim mỗi năm, thí dụ tạp chí Nuclear Physics A&B là 21 003 mỹ kim, mà các tạp chí nầy không thể thiếu được cho giáo sư và sinh viên. Hậu quả là thư viện phải giảm ngân quỹ để mua sách và nhiều nhà xuất bản đại học (presses universitaires) phải ngưng hoạt động hay đổi hướng in sách cho đại chúng. (Robert Darnton tr.168-69). Do đó, khi Google đề nghị các đại học đem lên trang mạng sách các thư viện, giới chức thư viện không ngần ngại, nhưng những văn bản khế ước dài hàng trăm trang lúc ban đầu đã không thi hành được trọn vẹn, thí dụ như thư viện muốn sử dụng sách điện tử của Google phải trả một số tiền (abonnement institutionnel) và độc giả của thư viện bị ràng buộc bởi nhiều giới hạn. Thì ra, thư viện phải trả tiền quyền sử dụng tài sản của mình một khi qua tay Google.
Về số sách đem lên trang mạng, Google dự trù trong giai đoạn đầu là 15 triệu quyển, nhưng tổng số sách của các thư viện nghiên cứu ở Hoa kỳ là 543 triệu quyển chưa kể một số thư viện của 8 quốc gia khác tham gia vào dự án (Áo, Bỉ, Đức, Pháp, Nhựt, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ) và các thư viện tư là nơi tàng trữ sách quý, mà dự án Google loại trừ trong dự án. Trong nhận định ấy, tham vọng số hóa cả kho tàng kiến thức của nhân loại chỉ là ảo tưởng nếu không nói là lừa dối.
Ngoài ra, trở ngại lớn nhất của dự án Thư Viện toàn cầu của Google là vấn đề bản quyền. Khi Google công bố dự án xây dựng Thư Viện toàn cầu hồi tháng 12 năm 2004, Google đã số hóa trước đó hàng triệu sách mà trong đó có nhiều sách còn bị ràng buộc bởi tác quyền. Theo luật tác quyền của Hoa Kỳ năm 1976 và bổ túc bởi luật năm 1998 (luật Mickey Mouse) thì tất cả các sách xuất bản sau năm 1923 còn bị ràng buộc bởi luật tác quyền trong thời gian tác giả còn sống và kéo dài thêm 70 năm sau ngày chết của tác giả. Mỗi năm, tại Hoa Kỳ có hàng trăm ngàn tựa sách mới (không kể sách tái bản) thí dụ như năm 2006 có 274 416 tựa và gia tăng mỗi năm, thì thử hỏi Google có thể nào theo dõi được số sách hiện hành, huống chi các sách trong quá khứ.
Số sách in (sách mới xuất bản lần đầu) và tái bản của Hoa Kỳ
|
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
2010 |
Sách mới xuất bản |
274 416 |
284 370 |
289 729 |
302 410 |
316 480 |
Sách tái bản |
21 936 |
123 276 |
271 851 |
1 033 065 |
2 776 280 |
Tổng số |
296 352 |
407 646 |
561 580 |
1 335 475 |
3 092 760 |
(Nguồn: Bowker industry report, new booktitles and edition 2002-2010).
Nói khác đi, Google số hóa những sách chọn lựa theo tiêu chuẩn của Google, do đó các thư viện quá trông cậy vào Thư viện toàn cầu của Google sẽ là một thất vọng lớn
Nhiều tác giả và người thừa kế đã kiện Google. Sau nhiều cuộc thương lượng, năm 2008, Google và Hiệp hội tác giả và các nhà xuất bản (Authors Guild and Association of American Publishers) thỏa hiệp là Google sẽ trả 125 triệu cho các tác giả cho phép Google Books đem tác phẩm lên trang mạng và Google tiếp tục trả tiền cho những sách được sử dụng tính theo số lần hiển thị theo tỷ lệ 37% Google và 63% tác giả. Tuy nhiên, thỏa hiệp đã bị thẩm phán liên bang Denny Chen bác bỏ với luận cứ là dự án số hóa và thành lập Thư viện điện tử toàn cầu của Google, tuy có đem lợi ích cho nhiều người sử dụng, nhưng thỏa hiệp tạo cơ hội thuận tiện cho Google nắm giữ sự độc quyền trong kỹ nghệ sách điện tử, ưu thế trong các quyết định đến kỹ nghệ truyền thông và đe dọa quyền tự do căn bản của con người.
Thực vậy, Google đã thay đổi phương thức đề ra lúc ban đầu, thay vì cho người sử dụng đọc miễn phí toàn bộ tài liệu, Google chỉ cho đọc một phần và nếu muốn đọc hết phải trả tiền và phải cung cấp nhiều tin tức cá nhân khi ghi danh . Làm như vậy, Google sẽ biết được tất cả lý lịch của người đọc. Phải hiểu rằng trong lãnh vực truyền thông, Google đa năng và đa dụng, bởi lẽ ngoài “Big Google” còn phải kể thêm hàng mươi công cụ khác như Google Earth, Google Maps, Google Housing Maps, Google Images, Google Labs, Google Finance, Google Arts, Google Food, Google Sports, Google Health, Google Checkout, Google Alerts… và những dự án khác đang phát triển hay chưa công bố. Với các công cụ nầy cộng thêm dự án vĩ đại Google Book Research, Google sẽ là cơ quan độc quyền, mạnh hơn cả CIA, FBI bởi lẽ Google sẽ kiểm soát tất cả, biết thân chủ của hệ thống Google ăn cái gì, đọc cái gì, nhà cửa ra sao, tài sản bao nhiêu, sở thích thế nào, tiếp xúc với ai…
Trong Dự án Thư viện điện tử toàn cầu, nhân danh công ích, Google đã vi phạm tác quyền chẳng những với các tác giả trong nước Mỹ mà cả trên thế giới. Sau nhiều năm thương lượng, Google chỉ đồng ý trả tiền bản quyền cho 8000 tác giả trong Authors Guild nhưng theo giới tư pháp Hoa Kỳ, số tác giả hay người thừa kế các tác phẩm mà Google đã và sẽ đem lên trang mạng có thể lên đến trên 100 000 người. Đối với các quốc gia khác trên thế giới (Google công bố là hơn 100 quốc gia), Google không xin phép trừ 3 quốc gia Anh, Canada và Úc.
Trước tình trạng đáng ngại nầy, Robert Darnton, Giám đốc Thư Viện Harvard đề nghị cách hay nhất là chánh phủ đứng ra nhận lãnh trách nhiệm việc thành lập Thư viện điện tử cho Mỹ Quốc .
Trong khi chờ đợi giải quyết các bất đồng, Google tiếp tục kế hoạch với một đội ngũ chuyên viên lão luyện trong các ngành tài chánh vả truyền thông. Độc giả có thể tìm đọc độ 3 triệu tựa sách điện tử trong books.Google.com, tải về máy điện toán hay các thiết bị khác như Iphone, Ipad, Ipod, smartphone hay máy đọc sách, hoặc miễn phí, hoặc trả tiền. Google cam kết là giá rẻ hơn các nhà sách khác, như vậy cuộc tranh hùng giữa Google với các nhà xuất bản đang tiếp diễn.
Sách điện tử (ebook) và sách in
Ebook (electronic book, livre électronique hay livre numérique) là danh từ để chỉ những tài liệu in trên giấy được số hóa để có thể đọc trên máy điện toán hay các thiết bị khác qua Internet. Những văn bản (etext) được gõ trực tiếp trên màn ảnh rồi chuyển đi không phải là ebook vì không có những đặc điểm của ebook.
Ebook đã xuất hiện từ bốn thập niên qua nhưng phát triển rất chậm. Năm 2004, theo Burt Helm, sách điện tử chỉ bán ra có 0,1% trong số 2,3 tỷ sách mà các nhà xuất bản Hoa Kỳ bán ra cho thế giới (Curling up with the a good ebook in Business Week on line ngày 29/12/2005). Sách điện tử thực sự bắt đầu được phổ biến từ năm 2007, khi các máy đọc sách (reader, tiếng Pháp là liseuse) bành trướng và cạnh tranh nhau như Kindle của Amazon, eReader của Sony, Nook của Barnes & Nobles và Kobo của Borders… không kể các phần mềm ứng dụng dành cho điện thoại thông minh (smartphone) và tablets (iPhone, iPad, Blackberry Playbook, Google Android Xoom&Galaxy Tab…).
Ebook trở nên thực sự một đề tài tranh luận và làm chấn động độc giả cũng như các nhà xuất bản sách khi vào tháng tư năm 2011, Amazon công bố là số sách điện tử bán ra nhiều hơn sách bìa cứng (105 sách điện tử so với 100 sách in). Trước đó, Amazon cũng đăng một thống kê về đặc tính của người sử dụng máy đọc sách Kindle theo đó có 22% người trẻ tuổi (18-34), 38,4% người trung niên (35-54) và 37,3% người lớn tuổi trên 55), lợi tức trung bình đồng niên của gia đình là 100 000$, học lực đại học và hậu đại học. Họ là những người sử dụng rất nhiều internet và đọc sách in cũng rất nhiều. (http://kindleculture.blogsp.com/2009/04/kindle-demographics.html).
Số máy điện toán sử dụng tại 15 quốc gia hàng đầu thế giới năm 2009
Quốc gia | Số máy (triệu) |
%thế giới |
Hoa Kỳ |
276 |
21.2 |
Trung Quốc |
118 |
9 |
Nhật |
90 |
7 |
Ðức |
65 |
5 |
Anh |
50 |
3.8 |
Pháp |
47 |
3.6 |
Nga |
43 |
3.2 |
Ấn Ðộ |
39 |
3 |
Ý |
39 |
3 |
Ba Tây |
38 |
2.9 |
Ðại Hàn |
37 |
2.8 |
Canada |
29 |
2.2 |
Mễ Tây Cơ |
21 |
1.6 |
Tây Ban Nha |
18 |
1.4 |
Úc |
17 |
1.3 |
Tổng số 15 q.gia |
925 |
7.1 |
Tổng số thế giới |
1300 |
100 |
Nguồn: The world almanac and book of facts 2011, p.367
Những con số mà Amazon công bố không nhất thiết phản ảnh thị trường sách báo trong nước Mỹ và thế giới, vã chăng Amazon không nói rõ là số sách điện tử mà Amazon bán ra đa số từ 0,99$ đến 9,99$ trong khi các sách bìa cứng phần lớn là các best-sellers mới xuất bản giá trên 20$.Ngoài ra, nếu hiện nay sách điện tử bán tại Mỹ chiếm 80% thị trường trên thế giới cũng là điều tất nhiên, bởi lẽ tuy dân Mỹ chỉ chiếm 5% dân số trên thế giới nhưng số máy điện toán sử dụng tại Mỹ lên đến 21% chưa kể những thiết bị điện tử khác.
Người thích sách điện tử và sách in thường viện dẫn các tiện lợi và bất lợi tùy theo sở thích cá nhân và tương lai của sách điện tử và sách in như vậy không phải chỉ tùy thuộc vào các yếu tố viện dẫn mà chính do tiến bộ của kỹ thuật và áp lực của khuyến mãi.
Trước tiên là việc mua sách. Độc giả ebook chỉ cần bấm vào địa chỉ của nhà sách, lựa chọn sách theo danh mục, trả tiền bằng thẻ tín dụng, thông báo địa chỉ điện thư và trong vài phút quyển sách sẽ được tải về máy. Nhanh chóng và kín đáo bởi độc giả có thể không phải bị hỏi han lôi thôi bởi người bán, và tránh được sự ngượng ngập khi độc giả mua một quyển sách “cấm kỵ” chẳng hạn như quyển kuma-sutra. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng. Trừ trường hợp độc giả đã có một chọn lựa nhất định, người mua sách điện tử không tìm được cái thú vị khi thảnh thơi đi dạo qua các kệ sách, ung dung giở từng trang sách mới, ngửi mùi thơm của giấy mới, đọc lướt qua hay đọc kỹ các trang sách, trang hình, trước khi quyết định mua và nâng niu mang về nhà xếp trên kệ sách hay bàn viết để rồi từ từ thưởng thức lời hay ý đẹp của tác giả. Đó đích thực là thú đọc sách và tiện ích của đọc sách. Ngoài ra, mua sách hay bất cứ dịch vụ nào trên Internet nhiều khi đem lại thất vọng vì mua trâu vẽ bóng, và khi mua một quyển sách điện tử, độc giả phải tiết lộ một số thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ điện thư, những cam kết khi sử dụng, điều mà người mua sách in không gặp phải.
Mua quyển sách in, độc giả có thể mua bất cứ ở nhà sách nào. Mua sách điện tử, độc giả bị hạn chế với nhà cung cấp, bởi sự cạnh tranh đã khiến mỗi nhà xuất bản (hay phát hành) tạo ra một định dạng (format) riêng biệt, mà hiện nay có khoảng 10 định dạng. Độc giả chẳng những chọn sách đọc mà phải chọn định dạng bởi lẽ chẳng ai muốn định dạng tủ sách điện tử của mình sẽ biến mất một ngày trên thị trường. Sự hạn chế nầy là một bất lợi lớn.
Mua quyển sách in, độc giả là sở hữu chủ tuyệt đối, có thể cho mượn, bán lại. Mua quyển sách điện tử, độc giả chỉ mua một bản điện tử (file) tải vào trong máy, không thể chuyền tay cho kẻ khác nếu không chuyển luôn cả thiết bị để đọc.
Tuy nhiên, sách điện tử có những ưu thế mà sách in không có. Mỗi máy đọc có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn quyển sách in, đó là một thư viện bỏ túi. Cái thư viện di động nầy sẽ đi theo người chủ bất cứ nơi đâu, đọc được bất cứ thời gian nào (có thể đọc dưới ánh nắng, trong đêm tối), có thể điều chỉnh font chữ lớn nhỏ tùy thích, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết với những mạng nối (links) để đọc thêm những tài liệu liên quan đến một chủ đề, một từ ngữ, kể cả nghe nhạc và xem các hình ảnh. Những ưu thế nầy tiện lợi cho các loại sách tham khảo, nghiên cứu, đặc biệt cho học sinh, sinh viên không phải mang theo những túi sách cồng kềng nặng trĩu, điều mà nhiều quốc gia, thí dụ như Đại Hàn, Úc Châu đã bắt đầu sản xuất các tài liệu giáo khoa trên sách điện tử. Ngoài ra, về phương diện môi trường, sách điện tử làm giảm bớt sự tiêu thụ giấy, bớt phá rừng và bớt ô nhiễm vì các chất hóa học để sản xuất giấy.
Nhưng ưu thế nầy lại kèm theo những bất tiện, bất trắc. Khi đi du lịch, khi đọc sách trên xe bus, chúng ta không cần mang theo cả tủ sách. Nếu vì bất cẩn, vài quyển sách bị mất, bị rách, bị ướt, chúng ta chỉ mất có thế. Nếu máy đọc sách trong đó chứa hàng trăm sách điện tử rủi ro bị đánh cắp, bị vỡ, bị thời tiết làm hỏng, chúng ta mất tất cả. Ngoài ra, chất liệu dùng làm các thiết bị đọc sách, tuy tân kỳ nhưng không đảm bảo sự lâu bền với thời gian, chưa kể sự tiến bộ của kỹ thuật chóng làm cho các dụng cụ nầy sớm bị đào thải. Thực tế cho thấy đa số các vật dụng điện tử, máy móc, chỉ trường tồn tối đa trong 10 năm nếu không hư thì cũng trở nên lổi thời. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái máy trong đó chứa đựng cả thư viện điện tử của chúng ta không còn hiệu nghiệm vài năm sau với những ứng dụng kỹ thuật mới. Những máy điện toán cách đây 20 năm nay đã là cổ vật. Windows Vista được tưng ra năm 2007 để thay thế Windows XP trước đó 6 năm và Vista lại bị thay thế bởi Windows 7 vào năm 2010 chỉ sau 3 năm ứng dụng. Tuổi thọ các công cụ điện tử càng ngày càng thu ngắn lại trong khi quyển sách thời thế kỷ Ánh Sáng (siècle des Lumières) cho đến nay, sau hơn hai thế kỷ, dù cho giấy có vàng ố, mực có mờ, nhưng vẫn còn trường tồn với thời gian.
Sau hết phải nói đến thú đọc sách. Người đọc sách thường có thú đam mê. Thông thường chúng ta đọc sách và xem phim ảnh. Trang giấy để đọc và màn ảnh để xem. Cơ chế của hai động tác nầy khác nhau và cách thu nhận cũng khác nhau. Khi đọc, óc ta suy nghĩ và tim ta rung cảm, chữ viết trên trang giấy tác dụng người đọc khác hẳn với chữ viết trên màn ảnh. Cũng tương tự như vậy, sự linh động của một bức ảnh trên màn ảnh cao hơn trên giấy. Trừ khi người chưa bao giờ đọc sách trên giấy, người đọc trên màn ảnh không bao giờ tìm được những rung động như khi đọc trên trang giấy. Thử đọc bức thư tình trên giấy và trên mạng. Đọc trên trang mạng thường chỉ là lướt qua (surf), và dù cho có dừng lại, chữ nghĩa không có sức vang dội trong tim óc chúng ta như khi đọc trang giấy. Chúng ta thường tìm đọc trên Internet tin tức, mà tin tức chưa phải là kiến thức bởi từ tin tức đến kiến thức, người đọc phải vận dụng nhiều tri thức để tiêu hóa và thu nhận. Chúng ta thường xem lướt qua tài liệu, truyện ngắn, nhưng ít khi có đủ kiên trì đọc hết một truyện dài, thậm chí một truyện ngắn dài quá cũng bỏ dở nửa chừng. Thị giác và thói quen con người từ bao giờ vẫn là vậy. Thị giác cũng không cho phép người đọc dán mắt vào những dòng chữ nhỏ li ti trên màn ảnh nhỏ của các thiết bị đọc trong một thời gian dài. Ngay cho Bill Gates, cha đẻ của Microsoft cũng thú nhận thích đọc sách trên giấy hơn là trên các màn ảnh dù rằng ông có những máy đặc biệt. Tiên tri quyển sách sẽ chết là một lạc quan quá đáng. Thử nhìn qua thị trường sách điện tử để có một nhận định khách quan hơn.
Thị trường sách điện tử và sách in tại vài quốc gia trên thế giới.
– Hoa Kỳ:Năm 2010, doanh thu sách điện tử là 780 triệu so với 24 950 triệu doanh thu sách các loại (sách biên khảo, tiểu thuyết, sách giáo khoa, sách audio), như vậy chiếm khoảng 3,1%, một tỷ lệ còn khiêm tốn. Tuy nhiên, thị trường sách điện tử phát triển nhanh và mạnh nhờ giá sách điện tử rẻ hơn sách in, thị hiếu của độc giả trẻ và chuyên cần với các thiết bị điện tử, và những nhật báo lớn như New York Times, USA Today đăng tải thường xuyên các tựa ebook cùng lúc với sách mới xuất bản trong danh sách best-sellers. Ngoài ra, những thiết bị đọc sách cũng tân kỳ hơn mà giá càng lúc càng giảm nên theo ước lượng của Association of American Publishers (AAP), đến năm 2014, sách điện tử sẽ chiếm 13, 4% thị trường sách.
Thống kê sách điện tử và máy đọc sách điện tử của Hoa Kỳ
|
2007 |
2008 |
2009 |
2010 |
2011* |
2014* |
Tổng số doanh thu sách các loại (triệu $) |
24 960 |
24 300 |
23 850 |
24 950 |
24 840 |
22 720 |
Doanh thu e-books |
70 |
110 |
310 |
780 |
1 400 |
3 050 |
% doanh thu e-books |
0,28% |
0,45% |
1,3% |
3,1% |
5,6% |
13,4% |
Tổng số máy đọc sách (triệu máy) |
|
1 |
3,8 |
9,7 |
16 |
30 |
*dự đoán – Nguồn: Historical data from AAP: Forecast from iSupppli, April 2011
Điều cần lưu ý là tổng số doanh thu sách trong bảng thống kê trên bao gồm sách các loại, từ sách giáo khoa cấp tiểu học đến đại học, sách cho giới chuyên nghiệp đến sách tôn giáo…, nhưng nếu so sánh sách điện tử với sách thông dụng (trade print) bày bán trong các nhà sách, tỷ lệ doanh thu sách ebooks cao hơn. Thí dụ: trong năm 2010, doanh thu sách thông dụng là 8230 triệu, như vậy tỷ lệ doanh thu sách điện tử lên đến 9,5%. Năm 2011, dự trù tiền bán sách thông dụng là 7980 triệu (giảm 250 triệu), tỷ lệ sách điện tử sẽ tăng lên đến 17% và đến năm 2014 tỷ lệ nầy sẽ là 47%. Những tỷ lệ nầy thường dùng để viện dẫn khi nói đến sự đe dọa của sách điện tử. (Nguồn: Historical data from AAP. Forecast from iSuppli, April 201).
– Anh Quốc: Thị trường ebooks tại Anh Quốc tuy bắt đầu chậm hơn so với Hoa Kỳ nhưng cũng gia tăng cùng nhịp điệu với Hoa Kỳ trong những năm gần đây nhờ sự phổ biến các thiết bị đọc sách như điện thoại thông minh và các máy đọc sách như Kindle, eReader… Chỉ trong 2 năm 2009-2010, số doanh thu sách điện tử đã tăng từ 1% đến 9% trong tổng số thương vụ sách báo thông dụng. Richard Mollet, giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà xuất bản cho biết là sách in vẫn còn rất phổ biến và sách điện tử cần được hỗ trợ bởi những đạo luật nghiêm nhặt hơn để bảo vệ tác quyền. (nguồn: Digital books – BBC.co.uk ngày 2011/05/11).
– Nga: Với một quốc gia trải rộng trên 9 múi giờ và một dân tộc ham thích đọc sách, sách điện tử là một phương thức hữu hiệu để đưa sách đến gần độc giả ở những vùng xa xôi bởi lẽ 80% sách báo xuất bản và lưu hành chỉ ở hai thành phố lớn là Moscou và St-Pétersbourg. Tuy nhiên, nếu internet được phổ biến nhiều, sách điện tử vẫn còn hạn chế trong giới độc giả trẻ và thị dân. Trong nước, chỉ có khoảng 3% sử dụng ebook.
– Nhật: Nhật Bổn là quốc gia thứ hai sản xuất nhiều các loại thiết bị đọc sách (Sony) và luật tác quyền chỉ áp dụng đối với sách in, nên sách điện tử được phổ biến. Theo Viện nghiên cứu Nomura Reseach, sách điện tử sẽ chiếm ít nhất 10% thị trường vào năm 2015.
– Trung Quốc: Theo một nghiên cứu của Book Industry Study Group, sách điện tử hiện nay đã phổ biến đến tận vùng nông thôn Trung Quốc và độc giả sử dụng ebook càng lúc càng nhiều vì những lý do như sau:
* Dân Trung Quốc vốn có truyền thống ham đọc sách và hệ thống phát hành sách đến các vùng nông thôn trên một dải đất rộng lớn như Trung Quốc với phí tổn chuyên chở cao và thiếu sách chọn lọc nên trong số 250 triệu người Trung Quốc sử dụng internet đã có một số độc giả càng lúc càng đông nghiêng về đọc sách điện tử hay sách trên mạng.
* Dân Trung Quốc rất “háo” điện thoại di động, đoc sách bằng điện thoại hay các loại thiết bị điện tử biểu hiện lối sống mới theo thời đại. Ngoài ra, sách điện tử đã phát sinh một lối viết tiểu thuyết mới với văn phong ngắn và trực tiếp về những đề tài gần gũi với đời sống và suy tư, thích hợp với lối đọc và trao đổi trên điện thoại, xa rời với các loại sách kinh điển và hàn lâm dành cho thế hệ xưa.
* Các thiết bị sách điện tử sản xuất tại Trung Quốc giá hạ khiến người sử dụng tăng nhanh, từ 800 000 máy đọc năm 2009 lên 3 triệu năm 2010. Theo ước tính, đến năm 2015, số người sử dụng máy đọc điện tử tại Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ, trở thành quốc gia có độc giả sách điện tử nhiều nhất trên thế giới. (ebouquin.fr 11/01/2011 viết theo Wall Street Journal)
– Các quốc gia khác
Ngoài các quốc gia kể trên, tại một số quốc gia khác như Pháp, Đức, Canada, Tây Ban Nha, Ý, thị trường sách điện tử còn ở trong giai đoạn sơ khởi và tỷ lệ doanh thu sách điện tử tại các nhà sách chỉ từ 1% đến 3% (nếu tính với toàn bộ ấn phẩm thì tỷ lệ nầy còn ít hơn)
Thị trường sách in và sách điện tử tiếng Việt
Khi đề cập sách đến sách tiếng Việt, chúng ta cần phân biệt sách tiếng Việt trong nước và ngoài nước.
Với một quốc gia trên 85 triệu dân, ngành xuất bản ở Việt Nam từ thập niên qua chỉ đếm được trên dưới 15 000 tựa mỗi năm. Theo thư mục của Thư Viện Quốc Gia Việt Nam, số sách xuất bản năm 2009 là 17 740 tựa và năm 2010 là 16 308 tựa. Viện Thống Kê Việt Nam công bố con số cao hơn, nhưng chúng tôi căn cứ vào thống kê của Thư Viện Quốc Gia vì mỗi quyển sách, trước khi lưu hành phải nộp bản cho Thư Viện Quốc Gia sau khi được bộ Thông Tin cấp giấy phép xuất bản. Có thể Viện Thống Kê kể thêm cả những văn kiện nội bộ của Đảng không có nộp bản ở Thư Viện.
Sách in ở Việt Nam mang bản chất nghèo nàn về lượng lẫn phẩm. Về lượng chỉ có thể xếp hơn Miên và Lào và về phẩm, chúng tôi không thể có nhận định chính xác vì không có dữ kiện ở hai xứ lân bang. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia có cùng một chỉ số phát triển nhân sinh và dân số như VN, ngành xuất bản sách ở Việt Nam phải xem là lạc hậu, căn cứ vào các dữ kiện của thư mục Thư Viện Quốc Gia VN năm 2010.
Trong gần 30 phân loại đề mục (sujets), chúng tôi nhận thấy trong gần tất cả đề mục, tài liệu giáo khoa và tài liệu liên quan đến Bác, Đảng chiếm từ 10% đến 90%, thậm chí trong đề mục Ngôn ngữ, có tác giả đã viết về “ Chủ tịch HCM với cách nói và cách viết”. Trong 457 quyển sách về Phê bình văn học (từ số 9918 đến 10375) có ít nhất 400 tài liệu giáo khoa về Ngữ văn với các tựa đại loại như bài tập, hướng dẫn thi, giáo trình… Trong 300 tựa sách về chính trị (từ 1140 đến 1440) có ít nhất 40 tựa bài tập về Giáo dục công dân, 200 tựa về lịch sử đảng bộ từ cấp huyện đến trung ương, 20 tựa về tư tưởng HCM. Bài tập công dân có ở nhiều đề mục khác: Triết học, Tâm lý, Luật pháp, Quản lý.
Sự nghèo nàn tư tưởng đã hiển nhiên khi đọc quyển sách: “Hội nghị khoa học kỷ niệm 35 năm Viện Khoa học và công nghệ VN 1975-2010” chỉ có 108 trang. Các ông bà tiến sĩ, phó tiến sĩ, các nhà văn, nhà nghiên cứu VN làm gì khi sách nghiên cứu, tiểu thuyết, đa số dịch từ các tác giả ngoại quốc, đặc biệt là Trung Hoa và Nhật Bản. Điểm đặc biệt tên tác giả ngoại quốc nhiều khi không ghi tên nguyên gốc mà ghi theo phiên âm, sách ngôn ngữ thí ít thấy nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam mà chỉ có sách học tiếng Anh.Trong 601 tựa sách ngôn ngữ (5702 - 6303) thì có quá nửa là các loai trắc nghiệm, giáo trình tiếng Anh, tiếng Pháp giờ chỉ còn ngang hàng với tiếng Nhật, Trung Hoa, Đại Hàn, Indonésia. Sau hết, người nghiên cứu Sử học sẽ phải thất vọng đi tìm những sử liệu khi những sách nói về Chiến tranh chống Mỹ Ngụy, tư tưởng và tiểu sử Bác và các người lãnh đạo Cộng Sản tràn ngập thư mục. Tựa sách đã ít mà số ấn bản càng ít, thông thường khoảng 1000 quyển. Có những quyển thuộc loại “đọc được” thì khi đặt mua đã hết dù rằng mới xuất bản trước đó chưa đến một năm.
Nếu tình trạng sách in như vậy thì sách điện tử còn ở thời kỳ dò dẫm, một số ít sách giáo khoa đại học được đưa lên trang mạng dưới dạng PDF. Sách điện tử phải còn nhiều năm mới có thể phổ biến vì giá sách in vẫn còn hạ, máy đọc sách giá cao và kỹ thuật số hóa sách tiếng Việt chưa ổn định và nhất là vấn đề bản quyền trong một quốc gia mà chuyện luật lệ là trò hề. Gần đây, nhà sách Phương Nam, Trẻ, và Alezaa đã tuyên bố sẽ xúc tiến việc bán ebook tiếng Việt.
Tại hải ngoại, sách tiếng Việt đã trải qua thời kỳ hưng thịnh trong các thập niên 80-90, nhưng kể từ đầu thế kỷ mới, hiện tượng lão hóa về phía người viết lẫn người đọc cộng thêm ảnh hưởng của etext trên Internet đã khiến nhiều nhà sách, nhà phát hành lần lượt ngưng họat động. Sự kiện nầy khiến các tác giả sách biên khảo nghiêm túc không thể phổ biến được công trình nghiên cứu của mình đến độc giả, là một thiệt thòi lớn cho ngành biên khảo hải ngoại. Trường hợp điển hình mà chúng tôi biết được, từ 5 năm nay, tập biên khảo bằng 3 ngôn ngữ Việt Anh Pháp dầy hơn 700 trang của hơn 50 học giả như Thái Công Tụng, Thái Văn Kiểm, Tôn Thất Trình, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Đăng Trúc, Lê Hữu Mục, Trần Văn Đạt, Trần Văn Đoàn, Philippe Papin… không ra đời được vì không nhà xuất bản nào “dám” đầu tư vào một công trình, tuy thực sự hữu ích nhưng không đem lại được lợi nhuận.
Đối với tạp chí văn học còn thảm hại hơn, một vài tạp chí sống thoi thóp nhờ sự góp công góp vốn của chính người viết. Tuy nhiên, sinh hoạt văn hóa, báo chí vẫn sinh động nơi các thành phố có đông đảo người Việt nhờ các tờ báo chùa, báo chợ mà nội dung càng lúc càng phong phú nhờ sự cộng tác của một số cây viết cần có chỗ để phổ biến chuyện tim óc của mình.
Về sách điện tử, một số trang mạng đã đem lên một số sách để độc giả vừa có thể đọc trên màn hình miễn phí, vừa có thể in ra giấy để đọc từ từ hay đóng bìa lại thành quyển như sách in. Việt Nam thư quán, với hơn 10 000 truyện dài, truyện ngắn, âm nhạc, là thư viện online đầu tiên và quan trọng ở hải ngoại. Ngoài ra phải kể thêm các trang mạng biên khảo, văn học, đã đem lên trang mạng những bài viết và những tác phẩm chọn lọc mới và cũ của các tác giả trong và ngoài nước để thay thế phần nào sự thiếu vắng của những sách in. Có thể đan kể một số trang mạng có uy tín: Tiền Vệ, Da Màu, Gio-o, Diễn đàn Thế Kỷ (hậu thân của Tạp chí Thế kỷ 21), khoahoc.net. Về các trang mạng chuyên đề có Chim Việt Cành Nam, Nam Kỳ Lục Tỉnh, Hồ Biểu Chánh… Trang mạng Talawas sinh hoạt hơn mươi năm, nay đã đình bản, nhưng còn để lại hơn 200 sách và tạp chí trong đó có nhiều tác phẩm thời VNCH khó tìm được trên thị trường. Ngoài ra, cũng cần giới thiệu trang mạng vanchuongviet ở Bến Tre là một trong những trang mạng hiếm hoi ở trong nước không bị kiểm duyệt và độc giả hải ngoại có thể tìm đọc được những bài viết ít có bản chất tuyên truyền. Sau cùng phải kể đến nhà sách điện tử Kệ Sách kesach.org vừa thành lập đã có 120 tựa của các tác giả trong nước và hải ngoại.
Sách in và các blogs trên internet
Sách điện tử phát xuất tại Mỹ và cũng phát triển tại Mỹ. Sách điện tử là sản phẩm tiêu thụ của một số độc giả có tiền, có học thức cao và có kiến thức rộng về internet.
Nếu sách điện tử khởi động chậm và giới hạn tại một số quốc gia, Internet trái lại phát triển với một vận tốc phi thường làm thay đổi cuộc sống của con người trên thế giới trong những thập niên vừa qua, trong đó việc đọc sách in có phần bị ảnh hưởng. Số giờ đọc sách in bị giảm đi vì con người phải san sẻ thời giờ với các văn bản trên các blog, Facebook, Twitters, tuy sách in vẫn gia tăng mỗi năm.
Nếu phải nói sách in bị đe dọa thì không phải bởi sách điện tử mà chính là bởi các blog trên Internet. Blog là một tập hợp các bài viết, hình ảnh, xếp theo thời gian phát hành (hay xuất hiện) trên một trang mạng. Blog lần lần trở nên thông dụng trong việc phổ biến thông tin, bài viết của cá nhân hay tập thể, của các cơ quan thương mại, là bản tin cập nhật hóa của các cơ quan truyền thông. Blog không những ảnh hưởng đến sách in mà cả đến báo chí, truyền thanh và truyền hình. Đối với người không có nhiều thời giờ, xem một số blog ưa thích đã là đầy đủ.
Đối với sách, các blog trên Internet cho đến nay chưa “tác hại” lắm vì gia đình nào cũng còn mua sách, ít nhất các loại sách gia dụng (làm bếp, làm đẹp), sách đọc cho trẻ con (để buộc chúng bớt thời giờ chơi games trên máy) và vài quyển tiểu thuyết để đọc trên xe bus hay dỗ giấc ngủ. Tuy nhiên, Internet đã làm khủng hoảng thị trường nhật báo và tạp chí nghiên cứu. Thói quen nhâm nhi ly cà phê bên cạnh tờ báo buổi sáng đã lần lần bị thay thế bởi “check e-mail” trước khi vội vã đến sở hay đưa con đến trường, nhiều nhật báo mất độc giả dài hạn phải đóng cửa hay “tái phối trí” cơ sở.
Nói tóm lại, sự phát triển các blog trên internet đã làm giảm bớt số giờ đọc sách trên giấy, và từ đó ảnh hưởng đến kỹ nghệ sách in. Internet đã khiến con người đọc nhiều hơn, thông minh hơn, thu nhận nhiều tin tức hơn, thực và sai, đọc được nhiều sáng tác cũ và mới, hữu ích và nhảm nhí. Mỗi ngày trên thế giới có hàng trăm ngàn blog ra đời và cũng có hàng chục ngàn blog biến mất, nhưng nói chung, số blog tăng lên vùn vụt hàng năm, trí tuệ con người cũng theo đó càng tăng.. Năm 2007, trên thế giới có 62 triệu blogs, năm 2011 tăng lên 156 triệu (Wikipedia).
Thử xem số trang mạng trên thế giới và số lần truy cập trên một số trang mạng ưa thích để thấy rõ Internet đã ảnh hưởng đền thời giờ đọc sách thế nào.
Nếu tính chung cả số trang mạng chủ (hosting sites) và những trang mạng nhỏ chia sẻ trên các mạng chủ, theo Netcraft (công ty chuyên cung cấp server và web hosting, trụ sở ờ Bath, Anh Quốc) thì trên thế giới vào tháng 6 năm 2011 có 346 triệu trang mạng (Web Server Survey www.newsnetcraft.com ngày 7/06/2011). Thống kê hồi tháng 1/2011 là 286 triệu, như vậy trong 6 tháng, thế giới đã tăng thêm 60 triệu trang mạng, trung bình mỗi tháng tăng thêm 1 triệu.
Trong số 346 triệu trang mạng trên, nếu phải kể tên những trang mạng được truy cập nhiều thì phải kể 15 trang mạng “top 15” vào tháng 6 năm 2010 như sau (số người truy cập ít nhất một lần trong tháng 6 năm 2010)
1. Google.com: do 2 sinh viên điện toán ở đại học Stanford là Larry Page và Sergy Brin thành lập năm 1998 trong một nhà xe. Mười năm sau (2008), trị giá của công ty Google lên đến 210 tỷ mỹ kim, sử dụng 28 000 nhân viên (tháng 6/2011) tại trụ sở chính ở Mountain View (California) và nhiều thành phố lớn tại Hoa Kỳ và trên thế giới. Google có hơn 1 triệu serveurs đặt tại 32 địa điểm (sites) và Google đã làm danh mục (index) hơn 1000 tỷ trang web. Năm 2010, cứ mỗi giây, Google nhận được 34 000 câu hỏi (requêtes) và như vậy mỗi ngày Google thực hiện gần 3 tỷ câu trả lời. Đối với người sử dụng công cụ tìm kiếm Google là miễn phí, nhưng đối với khách hàng, họ phải trả cho Google 1,5 xu cho mỗi chữ chính yếu (mot-clé) trong câu trả lời liên quan đến thương vụ hay dịch vụ xem như quảng cáo. Ngoài ra còn phải kể thêm một website chuyên về video và phim ảnh là YouTube mà Google đã mua lại của 3 sinh viên trẻ là Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim chỉ sau một năm thành lập với giá thật đắt là 1,6 tỷ , và một wesite nữa tên là Blogger chuyên về thành lập blog và quàng cáo. Google có 943 triệu người truy cập trong tháng 6 năm 2010.
2. Microsoft.com (Bing): Bing thay thế Windows Live Search, MSN Search từ tháng 6 năm 2009 cung cấp những công cụ tìm kiếm như Google nhưng ít “bình dân” hơn Google. Tháng 6,2011, Microsoft có 801 triệu người truy cập.
3. Yahoo.com (Flickr, Delicious): là chữ đầu của Yet Another Hierarchical Officious Oracle, được thành lập năm 2004 bởi Jerry Yang và David Filo chuyên về các dịch vụ cung cấp bởi Yahoo Mail, Yahoo Search, Yahoo Directory, Yahoo Maps, Yahoo Videos… Mặc dù Microsoft nhiều lần thương lượng mua Yahoo để tránh cạnh tranh, nhưng Yahoo vẫn giữ sự độc lập. Đứng hạng 3 với 621 triệu khách hàng.
4. Facebook.com: thành lập năm 1997 bởi Mark Zuckerberg và các đồng nghiệp ở đại học Harvard , là trang mạng xã hội hiện có 600 triệu thành viên đăng ký để trao đổi tin tức và tâm tình (551 triệu).
5. Wikipedia.com: như tên gọi Wikipedia the free encyclopedia, trang mạng nầy do Jimmy Wales và Larry Sanger thành lập năm 2001 là một thư viện bách khoa điện tử, cung cấp các tài liệu on-line cho độc giả internet. Hiện nay có 4 triệu tài liệu bằng tiếng Anh trong số 18 triệu tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ. (379 triệu)
6. AOL.com: là chữ tắt của American on line, thành lập năm 1985, tài sản của tập đoàn Warner Time (phim ảnh, xuất bản). Số người truy cập vào tháng 6/2010: 255 triệu.
7. Amazon.com: là công ty bán sách báo, âm nhạc trên trang mạng (221 triệu).
8. eBay.com: công ty bán hàng các loại trên mạng (217 triệu).
9. Apple.inc: đại công ty sử dụng gần 50 000 nhân viên chuyên về máy điện toán (Macintosh, Ipod, Iphone, Ipad…) và logiciel (213 triệu).
10. Ask Network(Evile, Dictionary.com): trang mạng Thiên chúa giáo (208 triệu).
11. CBS Interactive: trang mạng về truyền thông , giải trí và quảng cáo (204 triệu).
12. Tentcent Inc. ( hay QQ = see you): thành lập năm 1999 tại Thẩm Quyến là trung tâm kỹ nghê mới thành lập sau khi Trung Quốc mở cửa, là một loại twitter của dân Trung Quốc, phục vụ với 4 ngôn ngữ: Quan thoại, Anh, Pháp và Nhật. (177 triệu).
13. Baidu.com: thành lập năm 2000 bởi Robert Li và Eric Yu, đăng ký ở đảo Cayman nhưng trụ sở chính ở Beijing. Baidu là một loại Google của người Trung Quốc (55% người sử dụng internet truy cập trang mạng nầy để đọc tin tức và tài liệu). 174 triệu người truy cập.
14. Glam Media (Glam,Brash,Tinker): chuyên về thời trang và sàn phẩm về sắc đẹp (167 triệu).
15. WorldPress.org: trang mạng của 5204 nhật báo thuộc 192 quốc gia trên thế giới (165 triệu).
(theo: Most visited world websites,June 2010 / The world Almanac and book of facts 2011, p.372)
Thay lời kết
Sau khi xét qua vài yếu tố chính yếu của vấn đề sách in và sách điện tử, câu hỏi cần đặt ra là sách điện tử có thay thế sách in trong tương lai hay không. Từ những câu trả lời cực đoan đến lững lờ, chúng tôi xin trích đăng sau đây những quan điểm khác biệt của một số chuyên gia lỗi lạc trong nhiều lãnh vực để độc giả cùng suy tư.
– Judith Reagan: biên tập viên nhà xuất bản và chủ nhân công ty điện toán Sirius XM .
Hiện nay giá sách in đắt quá. Các nhà xuất bản thật ngớ ngẩn khi chỉ nhắm vào việc sẽ bán được bao nhiêu sách bìa cứng với giá 26$ mà không nghĩ đến sẽ bán nhiều hơn sách điện tử. Tôi mới đọc quyển Cleopatra với cái Ipad. Tôi yêu cái Ipad của tôi. Thật là tuyệt diệu, tôi thường phải đi xa, tôi không muốn mang theo hàng triệu món.
– Dave Eggers: tiểu thuyết gia, sáng lập viên nhà xuất bản McSweetney’s:
Tôi không sử dụng máy đọc sách, chưa bao giờ đọc một trang sách trên các loại máy nầy và cũng thu xếp để không phải dán mắt vào màn hình. Tôi không nghĩ là sách điện tử đã vượt quá 10% thị trường và tôi đoán nó cũng sẽ chiếm từ 15-20%, bởi vì các thiết bị đọc sách rất đắt tiền và có khuynh hướng tăng giá mãi. Sách in có bản chất để lưu giữ. Khi người ta mua sách bìa cứng không phải vì người ta xem thường sách bìa mềm mà vì người ta muốn có một cái gì để gìn giữ được lâu. Mọi thứ sách, từ bìa bọc vải, da giả, đến bìa in chữ nổi, giấy nặng hơn, gáy sách đóng đẹp hơn, các nhà xuất bản cần chú tâm đến khía cạnh nầy. Họ phải để cho độc giả có một chọn lựa: hoặc với một sản phẩm phong phú, giấy in đẹp, bìa cứng bọc vải, hoặc với một sản phẩm nghèo nàn trong máy. Phải làm cho quyển sách in hấp dẫn hơn bởi làm như vậy là tạo rào cản vững chắc ngăn chận sự thống trị của sách điện tử.
– William Lynch: giám đốc đại công ty phát hành sách Barnes &Noble:
Chúng tôi nghĩ là số nhà sách sẽ giảm, điều nầy sẽ lợi cho chúng tôi. Barnes & Noble có một hệ thống nhà sách và mô hình tổ chức hàng đầu thế giới. Sách in vẫn là mặt hàng chính trong các cửa hàng của chúng tôi, nhưng chúng đang sụt giảm dần. Chúng tôi đã thành lập khu bán máy đọc sách điện tử Nook, phòng đọc sách điện tử, thậm chỉ khu đọc sách điện tử cho trẻ con. Amazon không phải là toàn bộ thị trường sách, Chỉ khoảng 50% sách in được bán ở các nơi không phải là nhà sách (non-bookstore outlets) như dược phòng, cửa hàng câu lạc bộ. Có nhiều biến đổi trong kỹ nghệ sách, nhưng chắc chắn sách in sẽ không rơi vào “hư vô”.
– Joyce Carol Oates: nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng.
Chồng tôi, Charlie là một bác sĩ thần kinh và tất nhiên, ông ấy lúc nào cũng kè kè cái máy Ipad và Kindle. Khi đi xa, chúng tôi đọc sách và báo New York Times bằng Ipad, nhưng tôi vẫn thích đọc sách in hơn.
– James Hadley Billington: Giám Đốc Thư Viện Quốc Hội Mỹ (thư viện lớn nhất Hoa Kỳ): Người dân nhập cư không bao giờ bắn người dân bản địa khi họ di cư đến để sinh sống. Một kỹ thuật mới có khuynh hướng bổ sung hơn là thay thế một kỹ thuật đang có. Việc bạn đọc bằng phương tiện gì không quan trọng bằng việc bạn có đọc hay không? Việc bạn đọc một quyển sách, ví như một đoàn tàu vô tận của tư tưởng và văn hóa truyền lại cho người khác, không giống như các kỹ thuật cài quyển sách điện tử vào máy để lôi cuốn mọi người lướt qua, thay vì đi suốt theo đoàn tàu để hưởng thụ toàn vẹn cái kho tàng tư tưởng.
(các trích dẫn trên dịch từ: The future of the book / by Ramin Setoodah in Newsweek Feb. 06, 2011).
– Robert Darnton: Giám Đốc hệ thống Thư Viện Đại học Harvard, gồm 70 thư viện, 17 triệu quyển sách, 60% ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, đứng hàng nhì của Hoa Kỳ:
Điều mà người ta tiên đoán hay lo sợ là sách in sẽ giảm bớt, đó là điều sai vì thực tế số sách in mỗi năm mỗi tăng. Số sách in trên thế giới năm 2011 khoảng 1 triệu tựa sách mới. Một trong những luận cứ của tôi trong công trình nghiên cứu về lịch sử quyển sách là một phương tiện truyền thông mới không bao giờ giết một phương tiện truyền thông cũ. Những phương tiện truyền thông sống chung với nhau, tương tác nhau, đó là nguyên tắc căn bản. Hãy xem truyền thanh đâu có giết nhật báo, truyền hình đâu có giết truyền thanh, màn hình máy điện toán đâu có giết truyền hình, và như vậy sách điện tử không thể giết sách in. Các sử gia đã cho thấy sau khám phá sách in của Gutenberg hồi thế kỷ 15, những sách chép tay vẫn còn tiếp tục sau đó hàng mấy thế kỷ, Lịch sử cho thấy những người sao chép tay (copiste) vẫn còn hành nghề cho đến thế kỷ 18, bởi lẽ chép tay vẫn còn hữu hiệu, khi chép tay dưới 100 bản vẫn rẻ hơn in. Hiện nay tại Hoa Kỳ, thị trường sách in vẫn gia tăng song song với sách điện tử và tôi vẫn lạc quan nghĩ rằng hai loại sách trên bổ túc cho nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người đọc sách điện tử cũng chính là những người đọc sách in.
Nói về bản chất của sách in, Darnton không hết lời ca tụng:
Chúng ta không thể nào tìm được trên máy đọc sách những đặc tính đa tình đa cảm như quyển sách in bởi lẽ sách in cung cấp cho ta một lạc thú khi sờ mó, khi ngửi mùi thơm của giấy, khi lật từng trang và thói quen 2000 năm rồi vẫn chưa dứt bỏ. Về phương diện kỹ thuật, giấy là một nguyên liệu bền bĩ có thể lưu trữ được lâu trong khi nguyên liệu để số hóa sách và máy đọc dễ bị hư hỏng
Nhưng khi đề cập đến Dự án Thư Viện điện tử Google, Darnton quyết liệt:
Cái nguy hại là Google sẽ trở nên độc quyền. Còn có gì để độc giả chọn lựa ? Có gì bảo đảm sự lưu trữ ? Và chuyện gì sẽ đến khi Google tuyên bố khánh tận ?
(Trích dịch từ: Le livre numérique ne tuera pas le papier – Telerama.fr ngày 19 mars 2011/ Phỏng vấn Robert Darnton nhân Hội chợ sách tại Paris tháng 3/2011)
– Françoise Benhamou, giáo sư môn kinh tế văn hóa ở Đại học Paris 13:
Kỹ nghệ truyền thông và thói quen tiêu thụ của con người thay đổi nhanh chóng. Sách báo cũng chịu cùng chung số phận. Tôi nghĩ là trong vài năm sắp tới, sách điện tử có thể chiếm đến 80% thị trường các sách thuộc loại tự điển và bách khoa, 60% sách hướng dẩn du lịch nhưng chưa đến 10% tiểu thuyết (France Ouest 25/3/2010).
Là người gần gũi với sách vở trong suốt 30 năm, chúng tôi nghiêng về quan điểm của vị giáo sư kinh tế nầy.
Lâm Văn Bé
15/7/2011
******
Thư mục chính yếu:
- Robert Darnton. Apologie du livre: demain, aujourd’hui, hier.- Paris: Gallimard, 2011 (dịch từ:The case for books, past, present and future – publié par PublicAffairs,2009).
- Lorenzo Soccavo. Gutenberg 2.0, le futur du livre.- Paris: M21 Éditions, 2008.
- The world almanac and book of facts 2011. – New York: World Almanac&Books, 2010.
- Thư viện quốc gia Việt Nam. Thư mục 2009, 2010.
- Wikepedia và các trang mạng về sách in và sách điện tử.
Phụ lục: Có bao nhiêu sách in trên thế giới
Năm 2010, dựa vào nghiên cứu áp dụng toán học, các dữ kiện cung cấp bởi các các thư viện, bởi Worldcat (cơ quan làm biên mục cho khoảng 10 000 thư viện trên thế giới), Google công bố thống kê tổng số sách trên thế từ khi phát minh chữ in cho đến nay là 130 triệu quyển sách (chính xác là 129.864.880).
Theo Google, con số nầy không kể tài liệu phần lớn là những cuộn giấy papyrus trước khi có chữ in tàng trữ tại đại thư viện Alexandrie ở Ai Cập đã bị cháy năm 47 trước Tây Lịch bởi đạo quân của César, được trùng tu rồi cũng bị cháy nhiều lần sau đó.
Nếu tính theo đơn vị sách, trên thế giới có đến 1 tỷ quyển, nhưng Google đã dựa vào algorithme để loại đi những quyển sách có cùng một tựa (doublons), bởi 1 tựa có thể có hàng trăm ngàn quyển hay chỉ 1 quyển, nói khác đi, một quyển sách theo Google là một tựa và tiêu chuẩn nầy phù hợp với số ISBN (International Standard Book Number) là phương pháp ấn định mỗi tựa sách có một mã số riêng biệt áp dụng trong thư viện học từ nửa thế kỷ nay. Sau khi loại đi những quyển sách có cùng một tựa, Google đi đến con số 210 triệu tựa. Loại đi những tài liệu thuộc loại vi phim, tài liệu thính thị, bản đồ, còn lại 146 triệu. Trừ thêm những ấn phẩm công (publications officielles) là những công văn, tài liệu ấn hành bởi các cơ quan nhà nước, Google công bố con số sách trên thế giới là 130 triệu và con số nầy gia tăng mỗi năm.
Trích từ: Ðịnh Hướng, số 63, Mùa Thu 2011
_____
Lâm Vản Bé. Cao học Thư Viện Học, Université de Montréal (1978). Từ năm 1980 đến khi về hưu là thư viện trưởng các thư viện của thành phố Montréal (Canada). Trước 1975 là giáo chức.