Nguyễn Tài Ngọc
Trồng “cỏ” – Làm giầu ở Canada.
Ở Canada và ở Mỹ có hai nghề phần đông đại đa số nhân công là người Việt Nam, người nước ngoài khó chen chân vào. Cả hai giống nhau ở những điểm:
1. Không cần có học thức cao.
2. Không cần biết nói hay hiểu tiếng Anh nhiều. Phát âm bập bẹ “Hao a-rờ dzu?” (I just came to the Unites States a few years ago) là đủ trình độ đi làm.
3. Chủ luôn luôn là người Việt.
4. Không nộp thuế cho chính phủ.
5. Chỉ cần làm trong một thời ngắn là tài chính được dồi dào, có thể mua xe Lexus hay Mercedes, không như những người học đại học, ra trường tìm đỏ mắt không ra việc mà còn phải trả tiền nợ mượn khi đi học, nghèo xấc bấc xang bang.
6. Giờ làm tùy hỷ, không nhất định.
7. Chủ trả tiền mặt.
8. Chủ không mua cho bảo hiểm y tế.
9. Có thể ngửi hóa chất hại cho cơ thể.
10. Làm việc trong nhà có máy lạnh.
11. Khi làm việc nghe nhạc Sến Đàm Vĩnh Hưng 24/24 thoải mái, chủ không than phiền.
Và những điểm cách biệt:
1. Ở Mỹ làm việc trong sung sướng, danh chính ngôn thuận, tiếp xúc với nhiều khách; ở Canada làm việc trong âu lo, sống chui sống nhủi, không muốn gặp ai.
2. Phần đông nhân công ở Mỹ là người Việt ngày xưa sống trong thời Việt Nam Cộng Hòa, trong khi ở Canada phần đông là người miền Bắc (sinh sống ở ngoài Bắc trước tháng 4-1975).
3. Ở Mỹ tuy giầu, nhưng không giầu kinh khiếp như ở Canada.
4. Ở Mỹ việc làm hợp pháp; ở Canada bất hợp pháp, cảnh sát bắt.
Hai nghề đó là: ở Mỹ, nghề làm nail; ở Canada, nghề “trồng cỏ”: trồng lậu cây cần-sa để bán.
Tờ báo Winnipeg Sun số ra ngày 9-tháng 8-2011 loan báo Cảnh Sát RCMP – Royal Canadian Mounted Police – vừa phát giác một khu trồng trọt quy mô gần 3000 cây cần-sa marijuana trị giá 2.9 triệu đô-la ở vùng đồng quê gần St. Amelie. Theo lời cảnh sát, những cây cần-sa này được trồng trong sáu nhà kính lớn (green house), với rất nhiều nhà kính khác đang trong tình trạng xây dựng dở dang. Ba người Việt Nam chủ miếng đất này, thường trú nhân của bang British Columbia, đã bị cảnh sát bắt giữ.
Theo tài liệu thu nhặt của tờ báo Winnipeg Sun, phần đông những nơi trồng cần-sa là ở phía Bắc Winnipeg, nơi rừng cây trùng trùng điệp điệp, và 90% chủ nhà cửa đất đai của những người trồng cần-sa bị bang Manitoba thưa để tịch biên tài sản là người Việt Nam. 15 trong số 17 chủ nhà trồng cần-sa tịch biên là người Việt Nam. Một trong những người này là hội viên của một băng đảng gây tội ác, trồng cần-sa, chuyên chở và buôn bán với tổ chức quy mô và tinh xảo.
Đây không phải là một vấn đề nan giải chỉ riêng cho bang Winnipeg, mà cho toàn cõi Canada.
Đa số tội ác về trồng cây cần-sa, buôn bán thuốc phiện ở Canada là do người Việt Nam. Lý do nguyên thủy tại sao người Việt trồng cần-sa ở Canada cũng có chữ “Việt Nam”: Chiến tranh Việt Nam. Vào thập niên 1960, chính phủ Hoa Kỳ bắt quân dịch gửi quân sang Việt Nam chiến đấu. Hơn 50,000 thanh niên bỏ Mỹ sang Canada sống để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Phần đông chọn nơi cư ngụ ở bang phía Tây Canada, British Columbia (có thành phố Vancouver) vì nơi đây có nhiều rừng núi và khí hậu mát mẻ hơn ở phía Đông. Những thanh niên này theo phong trào hippie nên họ có đời sống thác loạn, hút thuốc phiện là chuyện thông thường. Họ bắt đầu trồng cây cần-sa, đa số với mục đích dùng riêng cho cá nhân, hoặc nếu có bán thì chỉ bán cho đủ sống. Nhưng dần dần băng đảng “Hells Angels” bắt đầu tổ chức trồng trọt quy mô, làm hẳn kỹ nghệ sản xuất để bán lại cho thị trường tiêu thụ bên Mỹ.
Sau tháng Tư năm 1975, làn sóng tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Canada. Họ ở trải khắp mọi nơi trên Canada, chủ yếu là những thành phố lớn như Vancouver, Toronto, Ottawa, Montreal, và Quebec. Những người Việt tỵ nạn này phần đông là thành phần có học, hoặc là dân buôn bán chăm chỉ cố gắng rồi thành công ở xứ người. Ottawa là thành phố tập trung nhiều kỹ nghệ tân tiến của Canada và có khá nhiều người Việt trẻ tuổi tốt nghiệp kỹ sư. Tờ báo Ottawa Citizen đã viết một bài ca tụng người Việt tỵ nạn đã đóng góp vào công việc nâng cao Canada.
Thành phố Vancouver thì lại khác. Rất nhiều người Bắc ở Hải Phòng vào cuối thập niên 1980 dùng thuyền sang Hồng-Kông lánh nạn. Những người Bắc này phần đông ít học thức, quá nghèo nên trốn đi. Họ rời Việt Nam vì lý do kinh tế, không như những người Nam Việt Nam rời bỏ quê hương vì lý do chính trị. Có một tin đồn, không biết đúng hay sai là chính phủ Cộng Sản Việt Nam nhân cơ hội này đẩy hết những tù nhân thuộc thành phần gian ác của xã hội ra khỏi Hải Phòng. Những người tỵ nạn từ Hải Phòng này cùng với những băng đảng đến trú ngụ ở Vancouver. Người ta không biết tại sao nhưng có thể đó là chính sách của chính phủ Canada trải rộng người Việt khắp nơi và chỉ vì một trùng hợp ngẫu nhiên mà những người này đến Vancouver. Không có kiến thức học vấn, ít nơi mướn làm việc, đời sống tài chính không ổn định, những người Việt vùng miền Bắc này và những băng đảng quay sang nghề kiếm tiền nhanh nhất: trồng cần-sa để bán.
Theo một bản tường trình năm 2000 của DEA (Drug Enforcement Agency) Hoa Kỳ, vào thập niên 1990, một loại thuốc phiện tên BC Bud ở Vancouver một pound (nửa ký) bán từ $1,500 đến $2,000, ở California bán $3,000, và New York bán $8000. Bán được lời rất nhiều tiền mà hình phạt hầu như không hữu hiệu. Đối với luật pháp Canada, buôn bán marijuana chỉ là một tội nhẹ, bị phạt một số tiền và một án treo, chẳng ai bị bắt (ở British Columbia, chỉ có 10% người bị bắt về tội trồng cần-sa phải vào tù). Vì lý do này mà những băng đảng người miền Bắc trong một sớm một chiều chiêu dụ bao nhiêu người đồng hương nhẩy vào nghề trồng cần-sa.
Băng đảng Hells Angels của Mỹ lúc bấy giờ chú trọng trồng cần-sa hàng loạt trong một nông trại ở ngoại ô. Một khi phát giác và bị tịch thu, chẳng những vốn bị mất nhiều mà khai triển trở lại cũng khó. Ngược lại, người Việt Nam đổi chiến thuật trồng cần-sa ở trong nhà ngay trong thành phố hay ở vùng lân cận thành phố để đánh lạc hướng cảnh sát. Làng xóm không nghi ngờ, mà cảnh sát cũng không nghĩ ra. Chẳng phút chốc người Việt quá thành công, và rồi vào thập niên 1990, hoàn toàn làm bá chủ việc trồng “cỏ”.
Trồng cần-sa tiêu thụ số lượng điện nước rất lớn. Dùng điện nước trong nhà sẽ bị công ty Điện Nước phát giác nên người Việt Nam câu lậu điện, nước từ những nơi khác hoặc ở đèn đường. Đôi lúc họ sửa cả số đồng hồ. Có một ước lượng là mỗi nhà trồng cần-sa ăn cắp điện nước trị giá $15,000 đô-la một năm.
Cắt nối dây điện, sửa đổi công-tơ điện, tăng cường độ điện dùng, dùng thêm quạt máy… tất cả làm tăng thêm nạn nguy hiểm cháy nhà, không những chỉ nhà trồng cần-sa, mà cho cả những nhà lân cận. Trong một vài thành phố, cứ mỗi một trong tám điện thoại cứu cấp gọi cảnh sát báo cháy nhà là do nhà trồng cần-sa gây ra hỏa họan.
Cây cần có không khí để sống nên thông thường họ đổi lại hệ thống thổi gió từ lò sưởi để không khí lưu chuyển khắp nhà. Hơi độc của các chất hóa học dùng cho cây tăng trưởng tích tụ ở trong nhà, hay phát ra bên ngoài, ảnh hưởng không khí của các nhà láng giềng. Áp xuất của hơi tích tụ có thể nổ tung, phá vỡ nhà bất cứ lúc nào.
Để đem một số lượng nước rất cao vào nhà tưới cây, họ thường làm một hệ thống nước đặc biệt ở dưới hầm nhà. Nước vào càng nhiều thì độ ẩm ướt càng cao nên họ phải đặt thêm ống thoát hơi ra ngoài, thông thường là đi ra lối trên nóc nhà. Đèn phải sáng suốt ngày đêm cho cây lớn, sức nóng làm nước ẩm trong đất quyện với những thuốc acid giết bọ trở thành hơi độc hại trong không khí, ảnh hưởng đến người trong nhà. Không khí ẩm ướt tạo ra mốc trong tường, gây độc hại cho người hít thở không khí.
Người Việt trồng cần-sa ở nhà mướn, và cả ở nhà họ mua. Để nhà trống không thì bị hàng xóm nghi hoặc nên họ mướn người Việt khác đến ở để hàng xóm khỏi dòm ngó. Những người được mướn này sẽ chăm sóc cho việc trồng cần-sa. Nếu bị cảnh sát phát giác thì chỉ có những người này bị bắt, chủ không bị hề hấn gì. Nhà trồng cần-sa như thế này ở Canada gọi là GROW OPS. Người Việt Nam mướn hay mua nhà để trồng cần-sa nhiều đến nỗi vào năm 2004, Hiệp Hội Buôn Bán Bất Động Sản Canada phải phát hành một quyển cẩm nang để huấn luyện nhân viên làm cách nào có thể phát hiện nhà đã dùng để trồng cần sa hay để ý những người như thế nào có thể dùng nhà để trồng cần sa khi hỏi mua hay mướn. Vào tháng 9 năm 2008, cảnh sát Canada khám phá một nông trại trần cần-sa nhiều nhất trong lịch sử Canada với hơn 40,000 cây cần-sa, trị giá bán ngoài thị trường tiêu thụ là $40 triệu đô-la. Chủ nông trại là một người Việt Nam, Việt Hà, mua nông trại này vào tháng 11 năm 2005 với giá là $190,000 đô-la.
Ở Mỹ trồng cần-sa là một trọng tội (felony) với án tù mười năm, trong khi ở Canada chỉ là một tội nhẹ. Ngay cả sau khi bị bắt và kết tội, chỉ có 10% bị đi tù nên đó là lý do dân Việt Nam ở Canada tranh nhau trồng cỏ, bán qua thị trường tiêu thụ bên Mỹ (85% cần-sa trồng ở British Columbia bán qua bên Mỹ) . Tiền thu vào quá nhiều – chỉ ở British Columbia tiền cần sa bán thu vào là bẩy tỷ đô-la-, nên càng thêm nhiều người Việt nhẩy vào trồng cần-sa. Có nhiều gia đình thân nhân ở phân tán khắp nơi, người ở Canada, người ở Pháp, người ở Mỹ… nên sau khi khám phá môi trường thuận lợi giống Canada và có người tiêu thụ, người Việt trồng cần-sa nhanh chóng lan sang Anh Quốc. Năm 2004 luật pháp Anh Quốc hạ thấp tội trạng cần-sa từ Cấp B xuống cấp C, có nghĩa là nếu một người bị bắt vì hút cần-sa với một số lượng ít thì sẽ không bị kết tội. Dân chúng lại nghĩ trái ngược là luật pháp thay đổi không bắt người hút cần-sa nữa nên số lượng trồng cần-sa một sớm một chiều tăng lên gấp bội. Ở London, vào năm 2003-2004, cảnh sát bắt 500 nhà trồng cần-sa, Năm 2005-2007, con số đó tăng lên gấp ba, 1,500. 75% những người trồng cần-sa ở London là người Việt Nam, nhiều đến nỗi mà Cảnh Sát của Sở Ngoại Kiều tháp tùng Cảnh Sát thành phố mỗi khi bố ráp. Băng đảng hay người Việt trồng cần-sa ở Anh chiêu dụ trẻ con chăm sóc cây cối, nhà cửa vì luật pháp Anh Quốc không khắt khe với con nít. Giống như Canada, trồng cần-sa ở Anh mang một số tiền lời khổng lồ. Họ ước lượng một nhà có thể mang vào $500,000 một năm.
Biến cố Sep-11-2001, và gần đây giá nhà bên Mỹ sụp so với Canada, thay đổi cục diện trồng cần-sa ở Canada. Để chống quân khủng bố xâm nhập vào nước Mỹ quá dễ dàng (vài không tặc ngày Sep-11 đã xâm nhập vào Mỹ qua đường bộ từ Canada), chính phủ Hoa Kỳ siết chặt kiểm soát an ninh ở vùng biên giới. Sự gia tăng tuần tiễu ở biên giới chống khủng bố này vô tình bắt nhiều dân buôn lậu bạch phiến từ Canada. Dân chuyên môn trồng cỏ ở Canada do đó thay đổi chiến thuật, di chuyển sang bên Mỹ: New Jersey, Seattle, San Francisco, Houston, và ngay cả vùng San Gabriel Valley phía Đông của Los Angeles. Ở Seattle, người Việt Nam trồng cần-sa trong những tiệm bán cây cối trá hình. Họ tìm những người Việt Nam mua bán nhà cửa khác mượn tiền ngân hàng cho họ mua những miếng đất lớn ở vùng thôn quê để trồng marijuana với kế hoạch quy mô vĩ đại.
Vào tháng 3 năm ngoái, cảnh sát viên Thomas Lucasiewicz trong một đêm đi tuần ở thành phố Monrow Township, New Jersey ngửi thấy mùi cần sa đốt khá nặng qua gió vào trong xe của mình. Nhìn chúng quanh không thấy ai hút, anh ta và người lính đồng hành dừng lại ở một căn nhà và gõ cửa. Khi có người ra mở cửa thì hai người khám phá một cảnh chưa từng thấy: hàng hàng lớp lớp chậu cần-sa trồng khắp nơi trong nhà. Dây điện chằng chịt trong nhà đốt cháy sáng 64 bóng đèn cho cây sống. Chủ nhà là Thu Nguyên, đàn bà,và hai người đàn ông khác, công dân Canada, bị bắt. Số lượng cây cần-sa trong nhà trị giá 10 triệu đô-la.Trong vòng hai ngày kế tiếp, cảnh sát khám phá thêm năm căn nhà mướn trồng cần-sa, với 3,370 cây trị giá $400,000, hai người bị bắt giam. Cảnh sát New Jersey nói là kế hoạch trồng cần sa này nhập cảng từ Canada. Tất cả những người này bị kết tội trồng cần sa, oa trữ bạch phiến với mục đích phân phối bán – mỗi tội có thể mang án tù đến 20 năm, và ăn cắp điện. Một người đã tẩu thoát, hai người đã bỏ trốn sang Thái Lan.
Tuy rằng một thống kê gần đây nhất cho thấy 51% dân Canada ủng hộ việc cho phép hút marijuana, Đảng Bảo Thủ The Conservative Party do Thủ Tướng Stephen Harper lãnh đạo trình bày nhiều dự án thay đổi luật pháp tăng án tù, và tích cực trong việc bố ráp và bắt giam những người trồng cần-sa. Chỉ có thời gian mới trả lời là phe nào sẽ thành công, chính phủ Stephen Harper, hay nhóm thiểu số người Việt Nam dùng đủ mọi thủ đoạn bất chính với mục đích duy nhất là kiếm ra tiền, làm tổn thương danh dự của bao nhiêu người Việt Nam khác trên thế giới.
Nguyễn Tài Ngọc
September 2011