Lạm phát là gia tăng giá cả một cách lâu bền, và kết quả là làm giảm giá trị
đồng tiền so với hàng hoá và dịch vụ. Nói một cách tổng quát, lạm phát thường
phát sinh vì mức cầu tăng (demand-pull inflation) hoặc chi phí sản xuất tăng
(cost-push inflation) hoặc do cả hai yếu tố, Ngoài ra, lạm phát còn gây ra bởi
sự phát hành tiền giấy và tín dụng quá mức. Ba yếu tố này lại thường lại liên
quan đến nhau.
Mức lạm phát hàng năm ở Việt-Nam đột nhiên nhẩy vọt lên 8.3% trong 6 tháng đầu
của năm 2004 ngoài tầm ước đoán của nhà nước và các cơ quan tài chánh quốc tế
như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB), và Ngân Hàng
Thế Giới (3.5% - 4.5%). [1] Bài nghiên cúu này sẽ thảo luận về hiện tượng trên.
Nhưng trước hết chúng ta duyệt lại tình trạng giá cả ở Việt-Nam trong hơn hai
thập niên vừa qua.
Lạm Phát và giảm phát trong giai đoạn 1980-2003
Trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, Việt-Nam trải qua một nạn lạm phát
phi mã. Mức lạm phát gia tăng từ 125% vào năm 1980 lên đến 487% vào năm 1986.
Sau khi chính sách “đổi mới” và thả lỏng giá cả được thi hành vào năm 1986,
mức lạm phát giảm xuống 301.3% vào năm 1987, 67% vào năm 1990, và 4.2% vào năm
1999. Nạn lạm phát phi mã trong gần hai thập niên gây ra bởi một lý do chính
là nhà nước tài trợ ngân sách thiếu hụt bằng cách in thêm tiền. Ngoài ra nhu
cầu của dân chúng, nhất là về thực phẩm thì nhiều mà hàng hoá sản xuất ra thì
quá ít. Ngân sách thiếu hụt vì phải nuôi khoảng 200,000 quân đóng ở kampuchia
trong khi không nhận một đồng viện trợ nào của Tây phương. [2] Còn viện trợ
của cựu Liên Bang Sô Viết và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu bị giảm nhanh
chóng rồi chấm dứt vào cuối thập niên 1980.
Trong khoảng thời gian từ 1992 trở về sau lạm phát ở mức thấp dưới 10%. Các
yếu tố chính ảnh hưởng đến hiện tượng lạm phát trong giai đoạn này là mức sản
xuất thực phẩm nội địa và giá thực phẩm trên thị trường quốc tế đặc biệt là
giá gạo. Yếu tố thứ ba là giá săng nhớt và ảnh hưởng của nó trên chi phí chuyên
trở.
Ngược lại vào đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 21 Việt-Nam trải qua giảm phát
nhẹ ở mức -1.6% vào năm 2000 và -0.4% vào năm 2001. Trong hai năm kế tiếp mức
lạm phát trở lại bình thường ở mức 4.0% vào năm 2002 và 3.6% trong năm 2003.
Giảm phát là trường hợp ngược lại với lạm phát, có nghĩa là giá cả hạ thấp,
và kết quả là làm tăng giá trị của đồng tiền so với hàng hoá và dịch vụ. Một
hậu quả của sự giảm phát là mức thất nghiệp gia tăng. Mức tiêu thụ suy giảm
vì người mua có khuynh hướng đình hoãn chi tiêu để chờ đợi cho giá cả xuống
thấp hơn nữa.
Lạm phát tăng vọt trong sáu tháng đầu của 2004
Mức lạm phát dựa trên chỉ số giá tiêu thụ (CPI) theo dự đoán của Quỹ Tiền Tệ
QuốcTế (IMF) sẽ là 3.5% trong cả hai năm 2004 và 2005. [3] Một báo cáo chung mới
nhất của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và IMF vào tháng 3, 2004 cũng đã tiên
đoán rằng mức lạm phát có thể được tiếp tục duy trì ở mức 3-4% hàng năm trong
các năm sắp tới nếu nhà nước có chính sách quản trị tiền tệ thích hợp. [4] Hai
phúc trình của Economist Intelligence Unit xuất bản vào tháng 4 và tháng 5 vừa
qua đã sớm báo động rằng mức lạm phát hàng năm tăng vọt trong những tháng vừa
qua và lên tới 6% trong tháng 4. [5] Thông thường sau Tết Nguyên Đán, năm nay
rơi vào cuối tháng 1, 2004, giá cả hạ thấp xuống. Tuy nhiên trong năm nay giá
tiếp tục lên cao. Riêng trong tháng 2, giá gia tăng 3% / tháng. Lần lượt trong
hai tháng Ba và tháng Tư mức tăng của CPI là 0.8% / tháng và 0.5% / tháng. [6]
Con số mới nhất của Sở Thống Kê Việt-Nam cho biết mức lạm phát trong nửa năm đầu
của 2004 là 8.3% / năm, cao nhất trong năm năm vừa qua. Một viên chức cao cấp
của Bộ Tài Chánh Việt-Nam nói rằng vào cuối năm nay mức lạm phát có thể lên đến
9%. [7] Như vậy, Việt-Nam sẽ không thể kiềm chế được mức lạm phát dưới 5% trong
năm 2004 như đã dự trù.
Những nguyên nhân trực tiếp của lạm phát
1. Giá thực phẩm gia tăng, một phần do dịch cúm gà vào đầu năm. Chúng ta nên
nhớ rằng thực phẩm chiếm 48% trong công thức tính chỉ số giá tiêu thụ dùng làm
căn bản để đo lường mức lạm phát. [8] Từ tháng 6, 2003 đến tháng 6, 2004 giá thực
phẩm đã tăng 14.5%. [9] Ngoài giá thực phẩm, công thức tính giá tiêu thụ còn dùng
giá của một số sản phẩm tiêu thụ và dịch vụ. [10]
2. Mức cầu nội địa gia tăng. Mức cầu này gồm có hai phần chính: tiêu thụ tư
nhân và đầu tư. Kể từ năm 2002, mức cầu nội địa vừa là sức mạnh đáng kể nhất,
hơn cả xuất cảng, đã đẩy kinh tế đi lên. Tuy nhiên mức cầu nội địa cũng làm
tăng áp lực lạm phát.
3. Hoạt động kinh tế gia tăng. Độ phát triển của Việt-Nam đã dần dần phục hồi,
từ 5.5% trong năm 2000 lên 6% trong năm 2003, và ước đoán khoảng 7% trong năm
2004 tuy rằng vẫn thua con số 9.5% của năm 1995 trước khi có cuộc khủng hoảng
tài chánh Á châu. Theo IMF, tín dụng đã gia tăng thái quá trong các năm 2002
và 2003 ở mức 45% và 28%. Đây là điều đáng ngại cho sự hoạt động an toàn của
hệ thống ngân hàng Việt-Nam. Năm ngân hàng thương mại của nhà nước hiện nay
kiểm soát 80% thị trường tài chánh của Việt-Nam. [11] Những ngân hàng này lại
được lệnh của nhà nước ưu tiên cho các xí nghiệp quốc doanh vay.
4. Nhà nước tăng lương cho nhân viên trong năm 2003. Chi phí về lương bổng nhân
viên tương đương với 3.5% của tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm 2002, tăng
lên đến 4.1% của GDP trong năm 2003 và 3.9% trong năm 2004. Ngoài ra kế hoạch
cải tổ lương bổng và an sinh xã hội cho nhân viên trong khu vực dịch vụ công
cộng và hành chánh mới bắt đầu vào tháng Tư năm 2004 cũng làm tăng áp lực lạm
phát. [12]
5. Chi phí sản xuất tăng vì giá nguyên liệu và thuế tăng. Kể từ đầu năm 2004,
việc tu chính thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế trị giá gia tăng đã tăng giá xe
hơi và bia hộp lần lược là 20% và 10%. [13] Cũng bắt đầu từ đầu năm 2004, chính
phủ Việt-Nam bãi bỏ bao cấp đối với dầu hỏa và các biến chế phẩm và đồng thời
cho phép các công ty dầu tự ấn định giá bán, nhưng không đươc cao hơn giá căn
bản của nhà nước 10% và đối với dầu Kerosene là 5%. [14] Vào giữa tháng 6, chính
phủ Việt-Nam quyết định tăng giá các dầu hỏa và các sản phẩm chế biến 17.2%.
Trong khi đó giá thép tăng 15.4%. [15] Giá vàng, dầu hoả, phân bón, vật liệu
xây cất, gạo và nói chung là nông phẩm trên thị trường quốc tế đều gia tăng
trong nhiều tháng vừa qua.
Giá dầu hỏa tiếp tục lên cao kể từ cuối năm 2003. Hiện nay giá dầu cao hơn cả
trong thời gian quân Mỹ đánh mạnh ở Iraq. Giá dầu thô vào giữa tháng 5 lên đến
gần 42 Mỹ kim một thùng. [16] Kinh tế thế giới, đặc biệt là tại Hoa-Kỳ, Nhật
Bản và Âu châu phục hồi kể từ giữa năm 2003 đã làm gia tăng mức tiêu thụ dầu.
Trong khi đó tổ chức OPEC lại hạn chế sản xuất dầu và tình hình bất ổn tiếp
tục ở Trung Đông. Đây cũng là những nguyên nhân làm cho giá dâu tăng. Việt-Nam
tuy xuất cảng dầu thô, nhưng lại nhập cảng dầu lọc với một trị giá tương đương
nên Việt-Nam không hưởng lợi lộc gì đặc biệt cả khi giá dầu thế giới lên cao.
Trái lại Việt-Nam còn chịu ảnh hưởng lạm phát vì chi phí về săng nhớt chiếm
30-40% giá chuyên chở. [17] Do đó giá hàng nhập cảng và giá hàng sản xuất nội
địa phân phối đi các nơi trong nước cũng chịu ảnh hưởng của giá săng nhớt.
6. Đồng tiền Việt-Nam mất giá ít so với đồng Mỹ kim nhưng mất giá đáng kể so
với các ngoại tệ khác (Euro, Yen, v.v.). Mức sụt giá của đồng Việt-Nam so với
Mỹ kim là khoảng 3% trong năm 2004 và 4% trong năm 2005. Trong tháng 3 vừa qua
lần đầu tiên giá của đồng Mỹ kim vuợt lên trên 16,000 đồng VN. [18] Sự mất giá
của đồng tiền Việt-Nam sẽ khiến cho giá hàng Việt-Nam nhập cảng tăng. Tuy nhiên,
ảnh hưởng tích cực của nó là làm cho giá hàng xuất cảng của Việt-Nam rẻ hơn
và dễ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và đây là ưu tiên số một của Việt-Nam.
Một nghiên cứu của IMF cho thấy rằng thay đổi của hối suất ảnh hưởng lớn trên
hàng nhập cảng tuy nhiên không ảnh hưởng đến giá hàng tiêu thụ vì công thức tính
CPI gồm nhiều sản phẩm và dịch vụ không hoán đổi (có nghĩa là chỉ tiêu thụ được
tại chỗ). [19]
Những nguyên nhân gián tiếp của lạm phát
1. Khu vực quốc doanh là một gánh nặng về ngân sách quốc gia và cản trở cho
sự phát triển kinh tế: Vào cuối năm 2003, tổng số vốn của 4,800 xí nghiệp quốc
doanh là 12.1 tỉ Mỹ kim so với số nợ là 13.6 tỉ Mỹ kim. [20]
Nhà nước có 4 ngân hàng thương mại chính và 2 ngân hàng thương mại nhỏ. Vào
cuối năm 2000, tổng số nợ xấu của các ngân hàng này là 23 ngàn tỉ đồng, tương
đương với 5% của tổng sản lượng nội địa (GDP). Tỉ lệ vốn trên tài sản của các
ngân hàng thương mại nhà nước là 3% so với chỉ tiêu quốc tế là 8%-12%. Ngân
Hàng Trung Ương của nhà nước đã phải bơm vào các ngân hàng thương mại nhà nước
9.25 ngàn tỉ đồng. [21] Tỉ lệ tín dụng trên GDP tăng từ 19% trong năm 1995 lên
đến 45% trong năm 2002 do sự cho vay bừa bãi.
2. Cán cân thương mại thiếu hụt gia tăng. Con số cho năm 2003 là 5.1 tỉ Mỹ kim
kể cả chi phí chuyên chở (fob-cif), tương đương với 13% cuả GDP. Lý do là Việt-Nam
nhập cảng nhiều máy móc và nguyên liệu dùng trong kỹ nghệ chế biến. Khuynh hướng
này sẽ tiếp tục trong các năm tới.
3. Ngân sách thâm thủng gia tăng. Một mặt lợi tức thuế sẽ giảm vì nhiều thuế suất
về xuất nhập cảng giảm theo hiệp định thương mại AFTA và 3 năm sắp tới (2005-2007)
theo BTA, và việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Lợi tức về dầu thô và thu
nhập của các xí nghiệp quốc doanh sẽ giảm. Mặt khác nhà nước lại phải tiêu nhiều
hơn vì chi phí cho việc cải tổ các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước,
tăng lương cho nhân viên chính phủ và xây dựng hạ tầng cơ sở.
Kết luận
Theo hai kinh tế gia Loungani và Swagel, có bốn nguồn gốc ảnh hưởng đến hiện
tượng lạm phát tại các nước đang phát triển như Việt-Nam. Thứ nhất ngân sách
thiếu hụt. Sự kiện này đưa đến việc in thêm tiền để tài trợ ngân sách hoặc khủng
hoảng cán cân vãng lai (balance of payments) và đồng tiền mất giá. Nguồn gốc
thứ hai là mức cung không đủ thỏa mãn mức cầu. Nguồn gốc thứ ba là chi phí sản
xuất đột ngột gia tăng. Nguồn gốc thứ tư làm trì hoãn lạm phát là khế ước lương
bổng. [22] Đối với Việt-Nam, nguồn gốc của tình trạng lạm phát hiện nay là ngân
sách thiếu hụt và chi phí sản xuất đột ngột gia tăng.
Khi giá cả tăng khoảng một vài phần trăm một năm, mức lạm phát này không đáng
ngại. Trái lại lạm phát giá cả ôn hòa còn kích thích nền kinh tế phát triển
thêm vì làm cho mức tiêu thụ gia tăng nhờ vào gia tăng lợi tức giả tạo, việc
đầu tư vào nhà cửa cũng tăng vì giá nhà sẽ tăng trong tương lai. Việc đầu tư
vào máy móc và cơ sở thương mại sẽ bành trướng giá thị trường tăng nhanh hơn
chi phí sản xuất. Tuy nhiên mức lạm phát hàng năm lến cao ở mức trên 5% là một
điều đáng ngại vì nó sẽ làm xáo trộn các hoạt động kinh tế và xã hội. Những
người nghèo và hoặc có lợi tức cố định bị thiệt thòi nhiều nhất. Hưu bổng mất
giá. Giới tiêu thụ mua sắm vội vàng vì sợ giá cả sẽ tiếp tục tăng lại càng làm
cho vật giá leo thang thêm. Hậu quả là mức tiết kiệm, việc mua bảo hiểm và trái
phiếu dài hạn bị giảm mạnh. Ngoài ra lạm phát còn tạo ra nạn đầu cơ tích trữ.
Khu vực quốc doanh tiếp tục xử dụng hoang phí tài nguyên quốc gia. Cán cân thương
maị thiếu hụt và ngân sách nhà nước thâm thủng ngày càng lớn. Những điều kiện
kinh tế này có triển vọng đưa đến mức lạm phát đáng kể tại Việt-Nam vào năm
2004 và 2005 trong lúc Việt-Nam đang cố mở mang nền kinh tế và tranh thủ để
xin vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).
Trước áp lực về giá cả gia tăng đột ngột, Ngân Hàng Nhà Nước Việt-Nam (NHNNVN)
cho rằng giá cả gia tăng hiện nay không đồng nghĩa với mức lạm phát cao và không
đồng ý gia tăng lãi suất trong lúc này, có lẽ vì sợ làm cản trở đầu tư và phát
triển kinh tế. [23] Lý do này hợp lý vì lạm phát ở 8.3% chưa phải là cao so
với thập niên 1980 và ngay cả thập niên 1990. Thật vậy, mức lạm phát trung bình
hàng năm của Việt-Nam từ 1993 đến 2003 là 6%. [24] Tuy nhiên trong ba tháng
tới tình hình sẽ rõ hơn. Khi đó sẽ dễ dàng cho NHNNVN có một quyết định chính
xác. Mặc dù tăng lãi suất và chính phủ giảm chi tiêu sẽ làm kinh tế phát triển
chậm lại, Việt-Nam sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là ưu tiên ngăn chặn nạn
lạm phát.
Lạm phát là một vấn đề kinh tế có ảnh hưởng quan trọng tới đời sống của dân chúng,
đến guồng máy xã hội và chính trị. Sự thiếu ăn thiếu mặc, đặc biệt là nạn lạm
phát đã làm cho dân nghèo vô cùng điêu đứng tại Trung Quốc. Yếu tố này một phần
nào đã dẫn đến của cuộc nổi dậy tạiThiên An Môn của nhân dân Trung Quốc vào năm
1989. Những nhà lãnh đạo Hà-Nội dư biết điều này. Ông Mark Sidel của Ford Foundation
từng làm việc tại Trung Quốc và Việt-Nam đã đưa nhận xét như vậy. [25]
Nguyễn Quốc Khải
(Trích trong www.nguoi-viet.com)
__________________________
Chú thích:
[1] Asian Development Bank, “Vietnam Economic Growth to Remain Strong in 2004
and 2005,” April 28, 2004.
[2] Stanley Karnow, “Vietnam A History,” Penguin Books, New York, 1997, p.56.
[3] IMF, “Vietnam: 2003 Article IV Consultation,” IMF Country Report No. 03/380,
December 2003, pp. 35.
[4] IMF, “Vietnam: Joint Staff Assessment of the Poverty Reduction Strategy
Paper Progress Report,” IMF Country Report No. 04/57, March 2004.
[5] Economist Intelligence Unit, “Vietnam at a Glance,” Country Risk Service,
London, April 2004, p.5.
[6] Economist Intelligence Unit, “Vietnam at a Glance,” Country Report, London,
May 2004, p.4.
[7] Reuters, “Vietnam Undicided On Rate Rises Despite Inflation,” June 25, 2004.
[8] Trước tháng 7, 2001 thực phẩm chiếm 60% trọng lượng để tính chỉ số tiêu
thụ (CPI).
[9] Reuters, “Vietnam Undicided On Rate Rises Despite Inflation,” June 25, 2004.
[10] IMF, “Vietnam: Selected Issues and Statistical Annex,” IMF Staff Country
Report No. 98/30, Washington, DC: April 1998, p. 6 (Statistical Annex).
[11] Reuters, “Vietnam holds rates – IMF Urges Inflation Vigilance,” June 28,
2004.
[12] Asia Pulse, “Vietnam Tries to Keep Prices Down,” Hanoi: March 18, 2004.
[13] Vietnam Investment Review, “Tax Increases Fuel Car, Beer Price Hikes,”
March 24, 2004 from website www.vir.com.vn.
[14] Financial Times, “Vietnam Allows Petrol Firms to Set Prices Ends Subsidies,”
December 20, 2003.
[15] Financial Times, “Vietnam Fails to Keep Inflation Below 5%,” April 23,
2004.
[16] Vietnam News Brief, “Gasoline Prices Raise Transport Fees in Vietnam,”
May 18, 2004.
[17] Vietnam News Brief, “Gasoline Prices Raise Transport Fees in Vietnam,”
May 18, 2004 [18] Vietnam News Brief, “Vietnam Moves to Address Local Currency
Depreciation,” March 16, 2004.
[19] IMF, “Vietnam: Selected Issues,” IMF Country Report No. 03/381, Washington,
DC: December 2003, pp. 4-11.
[20] IMF, “Vietnam: Selected Issues,” IMF Country Report No. 03/381, Washington,
DC: December 2003, pp.43.
[21] Anh Minh, “Reform of SOCBs Proves Difficult,” the Financial Times – the
Saigon Times, December 22, 2003.
[22] Loungani, P and Swagel, P, “Sources of Inflation in Developing Countries,”
IMF Working Paper 01/198, Washington, DC.
[23] Reuters, “Vietnam holds rates – IMF Urges Inflation Vigilance,” June 28,
2004.
[24] IMF, “Vietnam: Selected Issues,” IMF Country Report No. 03/381, Washington,
DC: December 2003, pp.4-11.
[25] The Economist, “Vietnam Beats China at Its Own Game,” November 5, 1994.
Cái Đình - 2004