Lê Ngọc Vân


Tiếng nước khác

 

Với cụm từ đặc biệt này cho chúng ta nhận ra những tên-không-có-gốc-Hà-Lan viết theo dạng nguyên thủy, thí dụ như Müller, Lahaye, Smith, Grandia, Pirovano, Tan, Tot, Ovaa, Mac Lean, Tito, Stahlie en Laghuwitz.

Chúng ta có thể nhận thấy là Hà Lan là một quốc gia thu nhận người nhập cư tuyệt vời. Không chỉ sau Thế chiến thứ hai mà số lượng các họ đã lên xấp đôi nhờ thu nhập thêm những họ có một gốc ngôn ngữ khác, mà cũng trong những năm và thế kỷ trước đây nhiều người từ những nơi khác đã tìm thấy ở nơi đây một nơi trú ngụ. Kho tàng họ trong kỳ kiểm kê dân số năm 1947 cho thấy điều đơn giản sau: trong số 100.000 họ chứa trong kho dữ kiện thông tin thì đã có hơn 25.000 họ có nguồn gốc nước ngoài. Trong số này có 22.000 ở “nguyên trạng” hay được thâu nạp vào kho thông tin sau khi đã được chuyển âm sang hệ thống tên Hà Lan và 3.000 họ đã được đồng hóa, có nghĩa là những họ này trước khi được ghi vào sổ hộ tịch đã được cải biến theo kiểu đánh vần của Hà Lan (thí dụ như Wetselaar là từ họ Wezlar, Caljouw là từ học Cailloux, Brus là từ họ Bruce).

Ngoài ra cũng còn có những họ tuy không bị đồng hóa nhưng đã tồn tại cả nhiều thế kỷ trong những vùng mà hiện nay là nước Hà Lan. Một số những họ này là chữ có trong tiếng Hà Lan lẫn tiếng nước ngoài, hay có thể là một tiếng Hà Lan cổ. Thí dụ họ Smith. Ðây là một họ rất phổ thông ở Anh hay Hoa Kỳ, nhưng ở Hà Lan họ này cũng được kể là họ bản xứ, có nghĩa là họ này có thể phát xuất từ Hà Lan.

Do bởi trong quá khứ đại đa số dân nhập cư đến từ nước Ðức, cho nên ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy những tên họ Ðức chiếm rất nhiều; phần lớn chúng là những họ mang nghề nghiệp: Scheffer, Schmidt, Schmitz, Weber, Koch, Schröder, Müller, Schneider, Fischer, Metz, Keller, Braun, Kuster, Pieper, Wagner  v.v…

Sau đó tới lượt những họ Pháp: Martin, Moret, Lahaije và Lahaye (cho dù người ta có thể nói rằng vần ij là một biến thể theo hệ thống ngôn ngữ Hà Lan), Dubois, Toussaint, Michel, Lafeber, Caron, Collet, Jumelet.

Những họ thường thấy nhất của người Hà Lan nhưng không sinh đẻ ở Hà Lan trong năm 2007 là: Nguyen (Việt Nam); Martina (quần đảo Antilles thuộc Hà Lan, Aruba); Yilmaz (Thổ Nhĩ Kỳ); Kaya (Thổ Nhĩ Kỳ); Yildiz (Thổ Nhĩ Kỳ); Martis (quần đảo Antilles thuộc Hà Lan); Yildirim (Thổ Nhĩ Kỳ); Maduro (quần đảo Antilles thuộc Hà Lan); Mohamed (Somalië, Ai Cập, Irak, Suriname, Ethiopië); Singh (Ấn Ðộ); Chen (Trung Quốc); Demir (Thổ Nhĩ Kỳ); Sahin (Thổ Nhĩ Kỳ); Ali (Somalië, Irak, Pakistan); Aydin (Thổ Nhĩ Kỳ); Öztürk (Thổ Nhĩ Kỳ); Hu (Trung Quốc); Özdemir (Thổ Nhĩ Kỳ); Tran (Việt Nam); Çelik (Thổ Nhĩ Kỳ); Ahmed (Somalië, Irak, Pakistan, Ai CẬp); Wong (Hongkong, Trung Quốc, Suriname); Cheung (Hongkong, Trung Quốc); Pinas (Suriname).

• [Corrie van Eijl & Marlou Schrover, 'Dẫn nhập’, trong: Broncommentaren 5: Bronnen betreffende de registratie van vreemdelingen in Nederland in de negentiende en twintigste eeuw, Den Haag (Instituut voor Nederlandse Geschiedenis) 2002].

 

Ai đã tới Hà Lan?

Mức đông đảo của sự nhập cư trong thế kỷ 19 còn hạn chế so với những thế kỷ trước đó. Vào thế kỷ 19, số người ngoại quốc trong dân chúng sinh đẻ ở ngoại quốc là khoảng 2 phần trăm. Vào thế kỷ 18 con số này lâ 6 phần trăm. Trong hậu bán thế kỷ 19 con số này giảm xuống còn dưới 2 phần trăm. Khi ấy có khoảng 50 tới 60 ngàn người nước ngoài có đăng ký cư trú ở Hà Lan. Con số phần trăm này vẫn ở mức thấp cho tới những năm cuối của thế kỷ 20 và gia tăng lên đến 5% vào những năm 1990. Nói chung thì số người nước ngoài ở thành phố tương đối lớn hơn con số ở vùng quê. Bên cạnh sự chuyển dịch trên số phần trăm và số lượng người, còn só sự chuyển dịch về thành phần của những nhóm nhập cư. Tỉ lệ giữa con số người tị nạn và người không tị nạn đã thay đổi. Sự phân biệt giữa người tị nạn và người không tị nạn một phần là do người ta tự chế ra. Con số người tị nạn chịu ảnh hưởng của những cơ hội khiến cho người ta có thể vào Hà Lan nhập cư theo dạng kinh tế.

Trong thế kỷ thứ 19, người Ðức nhập cư là nhóm quan trọng nhất trong số những nhóm dân người nước ngoài ở Hà Lan. Họ vẫn giữ vị trí là nhóm lớn nhất cho tới sau Thế chiến thứ II, khi những người thợ khách đến lập nghiệp. Trong thế kỷ 20 đã có vài nhóm người mới tới, tuy riêng lẻ nhưng mang số đông. Nước Bỉ khi bị chiếm đóng trong Thế chiến I đã đưa người tị nạn Bỉ đến. Trong tháng 10/1914 đã có 340.000 người Bỉ được tiếp nhận do tư nhân hay được ở trong trại tiếp cư. Trong thập niên 20 có những cô gái giúp việc nhà đã đến Hà Lan hàng loạt để tìm việc trong cố gắng thoát ra khỏi những khó khăn ở quê hương của họ, do hậu quả của lạm phát khủng khiếp thời bấy giờ. Tổng cộng, theo tờ Interbellum cho biết, đã có 175.000 phụ nữ Ðức đã đến Hà Lan để giúp việc trong nhà. Phong trào bài Do Thái ở Ðông Âu cũng đã mang lại 10.000 người tị nạn Do Thái đến Hà Lan. Trong thập niên 30 lại có thêm 20.000 người Do Thái và 7.000 người không phải là Do Thái đến từ Ðức và Áo. Sau Thế chiến thứ II đã có khoảng 3.000 người ở lại Hà Lan, phần lớn là quân nhân Ba Lan trong đội quân giải phóng, do sự xoay chiều của tình hình chính trị tại xứ sở của họ.

Sau Thế chiến thứ II số người nhập cư từ những thuộc địa cũ của Hà Lan đã tăng vọt, phần lớn là từ vùng Ấn thuộc Hà Lan. Sau ngày Indonesia độc lập đã có khoảng 400.000 người từ nước này đến Hà Lan. Năm 1951 đã có 12.500 người Molukker (Malacca) “tạm thời” được đưa tới Hà Lan. Năm 1956, sau khi cuộc khởi nghĩa ở Hung Gia Lợi thất bại, có vài ngàn người Hung tị nạn, theo chân là những người tị nạn Tiệp rời bỏ nước của họ sau khi Mùa Xuân Praha không được nối tiếp bởi mùa hè. Trong thập niên 60 người ta đã tận lực tìm mướn thợ khách từ những quốc gia quanh vùng Ðịa Trung Hải. Trong thập niên tiếp đó những người Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc là nhóm dân nhập cư đông nhất ở Hà Lan, sau Suriname. Trong thời gian Suriname được độc lập vào năm 1975 đã có nhiều người Suriname đến Hà Lan. Năm 1990 ở Hà Lan có 237.000 người có gốc là Suriname. Con số người nhập cư từ quần đảo Antilles thuộc Hà Lan là 84.000 vào năm 1990. Trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1982 đã có 6.000 người Việt xin được hưởng quy chế tị nạn.

Năm 1994 có tất cả 52.000 đơn xin tị nạn, phần lớn là của những người từ Iran, Irak, Sri Lanka, Ethiopië, Somalië và Nam Tư cũ. Trong năm này đã có 31.185 người tị nạn bị trục xuất khỏi Hà Lan, 13.293 trong số đó là người xin tị nạn chính trị. Chính sách mới là kể từ 1985 những người xin tị nạn không được phép tự do cư ngụ ở Hà Lan. Chính sách này dẫn đến sự thành lập những trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn.

Thành phần của những di dân cũng thay đổi theo ngày tháng. Cho tới khoảng năm 1900 có một số lớn người nhập cư đến Hà Lan theo mùa, như là những nhân công lưu động hay những người buôn bán theo mùa. Phần lớn họ trở lại quê hương vào những tháng mùa đông. Vào cuối thế kỷ 19 những người nhập cư theo mùa này gần như biến mất toàn bộ. Người nhập cư đến, cũng vẫn như xưa, với ý định cư ngụ tạm thời như thể những thợ khách vào thập niên 60 của thế kỷ 20, nhưng nếu có trở lại quê hương, họ đã không trở lại theo mùa như trước.

 

Lê Ngọc Vân
Dịch theo tập tài liệu “andere taal” của Viện Nghiên cứu Meertens

 


Cái Đình - 2012