Lê Ngọc Vân
Thuốc lá và những biện pháp chống hút thuốc
Cho tới giờ người ta đã có quá đủ bằng chứng là thuốc lá gây nhiều di hại đến sức khoẻ. Trong một số bệnh, thuốc lá được qui rõ ràng là căn nguyên chính, như bệnh ung thư phổi, bệnh hô hấp kinh niên. Trong vài bệnh khác, thuốc lá được coi là một tác nhân nâng cao rủi ro mắc bệnh, như trường hợp những bệnh tim mạch.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong vài chục năm qua chính phủ đã liên tiếp thắt chặt những biện pháp nhằm bài trừ thuốc lá. Ở rất nhiều quốc gia bạn không được tự do hút thuốc nơi công cộng như trong văn phòng, trong xe bus, nhà ga, tiệm ăn, phi trường. Những nơi đó, nếu cảm thấy có nhu cầu, người ta sẽ chỉ định một chỗ riêng cho người muốn hút thuốc. Có những nơi đã đến một mức xa tới lằn ranh của quyền tự do của con người. Như ở Tasmania (Úc), người ta đang nghĩ đến biện pháp cấm hoàn toàn thuốc lá đối với những người ra đời sau năm 2000. Cũng ở Úc, một dự luật đang chờ phê chuẩn theo đó các bao thuốc lá sẽ chỉ còn một màu, một mẫu giống hệt nhau, tên hiệu thuốc chỉ được phép nằm trong một khoảng rất giới hạn phía dưới. Giá trung bình một bao thuốc Marlboro ở Úc vào tháng 8/2012 là A$ 16,31, tương đương với US$ 18,86 (tùy tiểu bang, dao động từ A$ 13,65 đến A$ 19,41, theo thống kê của Numbeo.com, cost of living in Australia ngày 30/08/2012). Nước láng giềng Tân Tây Lan đang nghiên cứu tăng giá thuốc lá từ 30 tới 60% mỗi năm, với hy vọng đến năm 2025 thuốc lá sẽ tự động biến mất ở quốc gia này.
Hoa Kỳ cũng chủ trương tăng thuế đánh vào thuốc lá. Theo tài liệu thu thập của Nic Turiciano được phổ biến ngày 26/06/2012 (What Does A Pack Of Cigarettes Cost In Each State Now?), giá mỗi bao thuốc lá ở Hoa Kỳ từ US$ 4,84 (tiểu bang West Virgiana, rẻ nhất) lên tới US$ 12,5 tại New York (đắt nhất). Giá thuốc trong năm 2011 trong tiểu bang Kentucky đã tăng đến 32% (từ $ 4,97 lên $ 6,56) để cố gắng đuổi kịp những tiểu bang khác. Tại New York, tất cả những văn phòng, chỗ ăn uống, công viên, những nơi dành cho người đi bộ, trên bãi biển và những nơi công cộng khác đều cấm hút thuốc. Tóm lại, muốn hút thuốc chỉ còn một cách là chui vào phòng riêng.
Nhưng theo nghiên cứu của tổ chức Y Tế Thế Giới WHO thì giá thuốc không có ảnh hưởng nhiều đến mức hút thuốc của dân chúng.
Vài nước Á châu cũng từ lâu cấm gắt gao chuyện hút thuốc, như Singapore và Sri Lanka phạt tiền rất nặng đối với vi phạm này (hút thuốc nơi công cộng), trong khi đó thuốc lá vẫn là một món hàng tax-free được nhiều người chiếu cố trong khi chờ lên máy bay.
Ở Âu châu tất cả các quốc gia đều có chính sách, từ khuyến cáo tới ép buộc người dân giảm thiểu hút thuốc. Tại Băng Ðảo Quốc (Iceland), muốn mua thuốc lá phải có giấy phép của bác sĩ. Ở Anh và Ái Nhĩ Lan thuốc lá không còn được phép bầy lộ liễu trong tiệm nữa.
Trong khi đó ở Hà Lan chuyện thuốc lá ra sao?
Giá một gói Marlboro 19 điếu là € 5,40 = € 5,68. Giá này nằm ở mức trung bình, so với những nước khác trong khối EU (Giá 20 điếu Marlboro: Tây Ban Nha € 5,40; Pháp € 5,30 tới € 7,00; Hy Lạp € 4,00; Ý € 4,70; Thụy Ðiển € 4,70; Bỉ € 4,80/bao 19 điếu; Ðức € 5,00/19 điếu…, theo tài liệu của landenportaal.nl, tháng 8/2012). Tuy nhiên Hà Lan có những bước chệch hướng. Kể từ 03-11-2010 người ta được phép hút thuốc những quán nước nhỏ không mướn nhân viên (lý do: đó là tự do của chủ nhân, còn khách khi bước chân vào quán này là đã quyết định dựa trên ý thức được sự độc hại của thuốc lá!). Và kể từ năm 2013, trợ cấp cho STIVORO (cơ quan lập ra với mục đích tìm cách giảm thiểu hút thuốc) bị cắt. Nhưng số người hút thuốc lá ở Hà Lan không cao (Nam hút thường xuyên 29,5%, hút mỗi ngày 22,4%; nữ hút thường xuyên 25,9%, hút mỗi ngày 20,7%, số liệu 2010 của WHO trong Report on the Global Tobacco Epidemic 2011).
Còn ở Việt Nam?
Cũng theo tài liệu trên của WHO, ở Việt Nam số nam giới hút thuốc thường xuyên là 47,4%, hút mỗi ngày 38,7%, nữ hút thường xuyên 1,4%, hút mỗi ngày 1,2% (số liệu năm 2010). Ðặc biệt thuốc lá ở Việt Nam cực kỳ rẻ, do có nhiều nguồn thuốc lậu thuế. Các thống kê cho thấy giá thuốc ở Việt Nam hiện tại khoảng US$ 0,70 (tài liệu của WHO) hay € 0,65 cho một gói Marlboro 20 điếu (tài liệu của landenportaal.nl, tháng 8/2012). Giá thuốc của những nước chung quanh là: Cambodia € 0,80; Lào và Mã Lai: € 1,00; Indonesia: € 0,70; Thái Lan € 2,40; Trung Quốc € 0,80 tới € 1,70 cho một gói Marlboro 20 điếu.
Tóm lại, có nên kết luận là vì giá thuốc rẻ hay vì văn hóa điếu đóm, thói tục ngồi quán đã đưa đến tình trạng nhiều người hút thuốc. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nay không còn trầu thì thay bằng thuốc lá vậy.
Hay vì chính phủ không có nhiều ngân sách dành cho công tác bài trừ thuốc lá. Theo WHO, năm 2010 Việt Nam đã dành ra khoảng US$ 40.000 cho những biện pháp bài trừ thuốc lá cho hơn 80 triệu người, bình quân 50 cent cho một ngàn người. Con số này ở Hà Lan cũng trong năm 2010 là 16 triệu euro tức gần 20 triệu đô la, bình quân 1 euro cho mỗi người dân để mong người ta bớt hút thuốc.
Lê Ngọc Vân