Lê Ngọc Vân
Thuế Trị giá Gia tăng ở Hà Lan quá cao?
Theo thông lệ, mỗi năm vào ngày thứ ba của tuần lễ thứ ba trong tháng 9, chính sách tổng quát kèm theo là dự thảo ngân sách quốc gia cho năm sau của Hà Lan được công bố. Năm nay, 2012, năm thứ ba thắt lưng buộc bụng, để cứu nguy cho kinh tế Hà Lan cũng như trong nỗ lực đưa EU thoát cơn khủng hoảng kinh tế, một số biện pháp tăng thu, giảm chi trong năm 2013 đã được đưa ra cho mọi người có thể chuẩn bị tinh thần. Mục tiêu là qua những biện pháp này, chính phủ hy vọng sẽ thu thêm được 5,2 tỉ euro trong năm 2013. Những biện pháp có ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống có thể kể:
– số tiền phải tự trả cho chi phí y tế mỗi năm tăng lên thành € 350.
– nằm bệnh viện từ nay phải phụ thêm chi phí ăn ở € 7,50 mỗi ngày.
– tuổi hưu sẽ tăng dần đến 67 tuổi vào năm 2023.
– và thuế Trị giá Gia tăng (btw) đánh trên những mặt hàng không thuộc dạng “nhu cầu tối thiểu” sẽ tăng từ 19% lên 21%.
Ngoài ra trong thời gian tới, quốc hội sẽ nghiên cứu những biện pháp nhắm vào tiền vay để mua nhà và chi phí di chuyển từ nhà đến chỗ làm, theo như thỏa thuận nửa năm trước đây.
Trong những biện pháp trên, biện pháp tăng thuế Trị giá Gia tăng có ảnh hưởng sâu rộng ở khắp mọi lãnh vực. Người dân than phiền phải đóng thuế quá nặng và lo sợ rồi đây giá cả sẽ tăng chóng mặt. Nhất là khi biết được rằng chính phủ Hà Lan dự trù sẽ có thể thu thêm được 4,2 tỉ euro mỗi năm qua biện pháp tăng thuế này.
Thực tế có phải Hà Lan có mức thuế Trị giá Gia tăng quá cao không, và tác động của nó trên thị trường ra sao?
Thuế TGGT là loại thuế gián thu đánh vào mỗi giai đoạn trong suốt quá trình sản xuất - phân phối, khởi đi từ nguyên vật liệu cho đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Trong sản xuất, cứ qua mỗi công đoạn, giá trị sản phẩm lại tăng thêm một chút. Thuế TGGT là thuế đánh trên mức gia tăng này, và như thế thuế sẽ được truyền đi cho tới khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng thì trong giá bán đã tính sẵn tổng số thuế TGGT của suốt chặng đường sản xuất - phân phối.
Qua cấu trúc trên đây, thuế TGGT không bỏ sót khâu nào trong suốt chặng đường này. Ðây là hình thức thu thuế đơn giản nhất người ta đã nghĩ ra, mặt khác chính phủ không cần phải tuyển nhiều nhân viên làm công việc thu thuế.
Ðể cho hợp lý, và cũng để hợp lòng dân, thuế TGGT thường có hai mức, ở Hà Lan được qui định như sau:
– Mức thấp cho những nhu cầu “tối cần thiết của đời sống” như đồ ăn thức uống, sinh hoạt và sản phẩm văn hóa, thể thao và giải trí cần thiết (công viên, vườn chơi, xem phim/kịch, nghe radio, xem TV…)
– Mức cao cho những hàng hóa dịch vụ “xa xỉ”, tức là những thứ như quần áo, đồ tiêu dùng, máy móc, xe cộ, dịch vụ linh tinh…
Ngoài ra có những dịch vụ/hàng hóa được miễn thuế TGGT như tiền khám bệnh, thuốc mua theo toa, giáo dục, một số dịch vụ ngân hàng…
Hà Lan bắt đầu áp dụng thuế TGGT từ đầu năm 1969, với hai mức là 4% và 12%. Hiện nay là 6% và 19%, và kể từ tháng 10/2012 là 6% và 21%. Trong suốt khoảng thời gian 43 năm vừa qua, chỉ có 2 lần giảm thuế TGGT mức cao là 01/01/1989 (giảm từ 20% xuống 18,5%) và 01/01/1992 (giảm từ 18,5% xuống 17,5%), do kinh tế phát triển vượt bực.
Như vậy đã có những năm thuế TGGT cao hơn hiện giờ.
Nhìn sang 26 nước bạn trong khối EU ta thấy thuế TGGT ở Hà Lan tuy cao nhưng chưa phải là cao nhất EU.
Bốn nước trong khối EU có Thuế TGGT thấp nhất là:
Luxemburg (15%) – Cyprus (17%) – Malta (18%) – Ðức (19%)
Năm nước trong khối EU có Thuế TGGT cao nhất là:
Rumania (24%) – Ðan Mạch và Thụy Ðiển (25%) – Hungary (27%)
Trên đây chỉ nói về Thuế TGGT mức cao, vì người dân không chú ý nhiều đến thuế TGGT mức thấp.
Như thế chúng ta thấy mức thuế TGGT 21% Hà Lan đánh vào hàng tiêu dùng không phải thuộc hạng cao so với những nước trong vùng. Trong 27 nước thuộc khối EU thì có 10 nước đánh thuế TGGT vào sản phẩm tiêu dùng cao hơn Hà Lan.
Thuế TGGT tăng từ 19% lên tới 21%, ảnh hưởng ra sao trong giá cả thực tế?
Không như nhiều người nghĩ, là khi thuế tăng 2% thì mọi sản phẩm cũng sẽ tăng 2%. Trên thực tế, giá bán của món hàng là một giá mang tính hạch toán kinh tế hơn là trị giá thực của sản phẩm hay dịch vụ. Giá này do nhà phân phối định, căn cứ vào tiềm năng của thị trường, mức độ cạnh tranh và giá “ảo” của món hàng (mức độ được ưa chuộng). Cách định giá những mặt hàng ở Hà Lan tuân theo một số qui định bất thành văn:
– Giá những món hàng trong siêu thị thường được kết thúc bằng số lẻ 5, 8 hay 9 cent.
– Giá những món hàng tiêu dùng trên vài trăm euro thường có số cuối là 5 hay 9.
– Giá đồ ăn thức uống trong quán thường có số lẻ 25, 50 hay 75 cent (vì người ta thấy rằng con số này mang tính kích thích khách hàng cho thêm tiền “boa” cho chẵn).
– Giá những món hàng bán đổ bán tháo ngoài chợ, hay đồ cũ thường tính chẵn euro, không có số lẻ.
– Một số tiệm bán hàng tiêu dùng điện máy, trang trí nội thất… có cách ghi giá riêng coi như dấu ấn của cửa hiệu, như ba số giống nhau (€ 222, €555) hay hai số cuối đặc biệt (thí dụ kết bằng số 50, như € 1250, € 2750) v.v…
Như thế một món hàng hiện đang ghi giá € 9,99, khi thuế tăng 2% thì ít có khả năng tăng giá. Trong khi đó một món hàng hiện đang ghi giá € 12,49 rất có thể sẽ tăng thành € 12,99, tức tăng 4%.
Ly nước € 2,50 có thể sẽ tăng thành € 2,75 (tăng 10%) trong khi ly nước hiện tại giá € 2,75 sẽ khó tăng thành chẵn 3 euro.
Tóm lại chỉ sau một thời gian, nửa năm hay một năm, khi giá cả hàng hóa đã tự điều chỉnh theo kinh tế thị trường xong, người ta mới có thể biết giá sinh hoạt tổng quát tăng bao nhiêu. Văn phòng Thống kê Trung ương của Hà Lan qua thăm dò thấy là cho tới đầu năm tới sẽ có 3/4 mặt hàng không tăng giá.
Nhưng như vậy vì sao người dân lo phát sốt?
Là vì có những dịch vụ chịu ảnh hưởng dây chuyền của sự tăng thuế TGGT. Có những dịch vụ “dựa hơi” sự tăng thuế để tăng giá nhiều hơn, thí dụ tiền nhiên liệu (xăng điện nước gas), giá vé xe, vật liệu xây dựng, giá biểu gia công…, tóm lại những mặt hàng, dịch vụ không có sự cạnh tranh, hay trong những trường hợp mà người có nhu cầu tiêu thụ không có thời gian chọn lựa, dọ giá. Sau đó sẽ tới những mặt hàng mang tính phô trương, như quần áo giày dép, trang trí nội thất... sẽ tung ra mẫu mã mới với giá hoàn toàn "mới".
Ngoài ra người dân Hà Lan phải đóng góp nhiều hơn cho những sắc thuế khác và cho bảo hiểm an sinh xã hội để chúng ta có một cuộc sống thoải mái khi về già, vì thế thuế TGGT khi tăng sẽ là một gánh nặng trên vai người dân hơn là ở những quốc gia có mức thuế thấp.
Và đây là mấu chốt của vấn đề: Nếu người dân sợ, bóp bụng không tiêu nữa thì nhà nước sẽ thất thu, kinh tế có thể bị đình trệ quá mức dự tính của chính phủ. Tóm lại, bản phân tích cuối cùng về hậu quả của việc tăng thuế TGGT vẫn còn là một bí mật.
Lê Ngọc Vân
(09/2012)