Topa
Sau Chả Giò - Nghề Nail Đang Tung Hoành Tại Châu Âu!
Hôm qua có một người bạn bản xứ làm nghề môi giới buôn bán bất động sản đến nhà thăm tôi. Anh và tôi gặp nhau rồi quen nhau và đi đến tình thân với nhau vì anh đã giúp rất nhiều người Việt Nam mua và bán rất nhiều căn nhà với nhiều lợi thế cho người Việt mình. Trong câu chuyện anh lại khen, như anh vẫn thường khen những người Việt Nam phải bỏ nước ra đi tị nạn cộng sản đã làm được những việc rất đáng ca ngợi và, như anh cũng đã biết qua tin tức báo chí của Hoà Lan là ở bên Mỹ có nữ khoa học gia người Việt Nam đã được vinh danh và được trao tặng giải thưởng cao quý của chính phủ Mỹ. Anh cũng nói thêm về những thành công to lớn mà cộng đồng người Việt tại đây đã gặt hái được, mà đặc biệt là bản tính luôn chịu khó làm ăn tự lập chứ không muốn nhờ vào trợ cấp xã hội của chính phủ; ngoại trừ những người không thể còn làm việc được.
Những lời khen tặng của anh bạn làm tôi nhớ lại khoảng hai mươi lăm năm trước đây, tức là vào năm một ngàn chín trăm tám mươi ba, người Việt tị nạn cộng sản ở Hoà Lan đã bắt đầu “xông pha” ra ngoài xã hội sống tự lập với nghề bán chả giò ngoài chợ trời mà thời tiết ở đây thì rất thường có nhiều gió, lạnh và mưa nhiều hơn là thời tiết bình thường. Thời gian đó người Việt Nam chưa bị bắt buộc phải tìm việc làm, cuộc sống thật nhàn hạ, ai muốn đi đâu thì đi rồi mỗi đầu tháng tiền trợ cấp xã hội tự động vào trong tài khoản và chỉ việc rút ra chi tiêu; nhưng đa số các gia đình người Việt Nam đã tự động xoay xở để mau chóng hội nhập với cuộc sống của người bản xứ chỉ sau có đôi ba năm được định cư ở một quốc gia còn quá nhiều xa lạ đối với đa số người Việt Nam từ khi còn ở trong nước.
Những tháng ngày khi miền Nam còn được hưởng cuộc sống tự do và mỗi một người dân miền Nam còn được hưởng nhiều quyền của con người, nếu chúng ta cho đó chỉ là tương đối thôi thì trái lại nhà cầm quyền cộng sản lại cho đó như là “xa xỉ phẩm” cần phải tiết kiệm, cần phải ngăn chận lại, tước đoạt bằng hết mọi thứ quyền và tước đoạt sạch sẽ luôn cả tài sản riêng!
Tôi bỗng chợt nhớ đến một câu thề của ai đó đã thề: “Tôi xin thề là nếu tôi mà nói dối anh (chị) thì kiếp sau cho tôi sống chung với người cộng sản đi.”
Chắc chắn là kiếp sau, nếu có, thì cộng sản cũng chẳng còn để mà phải bị sống chung, nhưng câu thề đó dù có là “chuyện mua vui trong lúc nhàn rỗi” thì cũng đã nói lên cái tính chất man rợ của chế độ mà mọi con người Việt Nam không một ai muốn có.
Những tháng năm xa xưa đó, những tháng năm mà miền Nam còn có cuộc sống tự do và no ấm, mỗi ngày tôi đi đến trường tiểu học của tỉnh nhỏ và tôi đã được biết đến xứ Hoà Lan qua câu chuyện kể của thầy: “Có một cậu bé kia một hôm trên đường đi cậu ta đã phát giác ra một cái lỗ nhỏ của con đê đang bị nước biển rỉ vào. Cậu bé dáo dác nhìn quanh để tìm xem có người lớn nào đứng gần đó để đến trám cái lỗ đang bị rỉ nước đó lại nếu không thì có thể cái lỗ đó sẽ từ từ bị nước làm cho lớn hơn và rồi nước biển sẽ tràn vào và làm ngập cả đất nước quê hương của cậu, vì quốc gia Hoà Lan là quốc gia độc nhất trên thế giới nằm dưới mặt nước biển và được bao quanh bởi con đê bằng bê tông. Vào lúc cậu bé khám phá ra cái lỗ đó thì trên đường hoàn toàn không có một người nào qua lại nên cậu bé đã đút ngón tay trỏ vào cái lỗ đó và nhờ vậy mà nước đã không bị rỉ vào và con đê không bị bể lớn hơn. Đã hai ngày trôi qua nhưng vẫn không có một người nào đi qua chỗ cậu bé nên cậu bé vẫn đành phải đứng đó với ngón tay đã bị tê cứng vì lạnh và đói khát;rồi cậu bé đã xỉu ngay tại đó nhưng ngón tay vẫn được để vào đúng vị trí cũ cho đến khi có người đi qua. Nhờ lòng can đảm và ý thức bổn phận của người công dân trong một nước nên cậu bé đã cứu được cả một quốc gia khỏi bị biển cả nhận chìm. ”
Dĩ nhiên đây chỉ là câu chuyện vui nhằm đề cao lòng yêu nước và bổn phận của người công dân đối với quê hương, dù đó chỉ là một cậu bé nhóc con.
Những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ thứ hai mươi cho đến nay và mãi mãi về sau này, món chả giò của Việt Nam vẫn luôn nổi tiếng và vẫn đang chinh phục toàn cõi châu Âu; ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam đến sinh sống.
Cũng trong thời gian này thì tại Hoa Kỳ người Việt Nam đã và đang nổi tiếng với nghề làm nail, nhưng tại châu Âu thì nghề nail vẫn còn rất xa lạ và chẳng có bao nhiêu người bản xứ biết về nó.
Năm một ngàn chín trăm chín mươi lăm, cô N. T. Anh đang định cư tại Hoa Kỳ và sinh sống với nghề làm nail đã trở lại Hoà Lan thăm gia đình ở vùng Breda miền Nam Holland. Cùng đi với cô Anh đến Hoà Lan còn có cô bạn đồng nghiệp tên N. T. Mão mà sau này cô Mão đã cho biết:
– Em đi theo chị Anh cho biết cái xứ có vườn hoa đẹp và rất nổi tiếng mang tên là Keukenhof mà từ lâu em chỉ được xem qua hình ảnh mà thôi. Em cũng muốn xem tận mắt để thấy hai cái con đê, và đó cũng là hai cái xa lộ rộng thênh thang ngăn đôi cái biển nó ra làm sao. Những ngày sau đó gia đình chị Anh có ý kiến là ở Hoà Lan hiện chưa có một tiệm nail nào của người Việt thì tại sao chị Anh và em không thử. Thế rồi sau đó gia đình chị Anh đã mướn cho hai đứa em một cái tiệm ở ngay trong trung tâm thành phố Amsterdam và tụi em khởi nghiệp làm nail tại châu Âu kể từ khi đó với bảng tên là “American nail”.
Đúng như ông bà mình thường nói:vạn sự khởi đầu nan, và... quả là nan vô cùng anh à! Tiệm mở ra cả một hai tháng trời rồi mà chẳng có một con ma... một người khách nào bước vào mặc dù chị Anh và em đăng quảng cáo rất xôm trò, thậm chí hai chị em em cũng đã hạ giá đến mức gần như là... làm không biếu không, vậy mà chỉ có lác đác vài ba người khách da đen trong một tháng thì anh thấy quả là nan lắm phải không anh. Chị Anh, em và với một cô học nghề tên là Hương phải cầm cự suốt nhiều tháng dài với tiền túi xuất ra cũng khá bộn, tuy nhiên chị Anh và em cũng đã quyết một lòng theo cho đến cùng vì chị Anh và em tin là rồi đây nghề nail ở Hòa Lan cũng sẽ phát triển mạnh như tại Hoa Kỳ thôi. Sau hơn một năm hành nghề, hai chị em em đành phải tạm ngừng công việc lại để trở về Mỹ vì nhà cửa và công việc còn dở dang ở bên đấy cần phải có mặt của tụi em để giải quyết. Thế rồi ba năm sau, tức là năm hai ngàn lẻ một, chị Anh và em quay trở lại Hoà Lan và chị Anh mở tiệm cũng ngay trong trung tâm Amsterdam với bảng hiệu cũ như trước kia, còn em thì gặp lại cô Hương và mở tiệm ở thành phố cảng Rotterdam với bảng hiệu “Huongs' nail”. Lúc này tại Hoà Lan cũng vẫn chỉ có hai tiệm nail, một ở Amsterdam của chị Anh và một ở Rotterdam của em, nhưng lần này tụi em trang bị ghế ngồi, dụng cụ, thuốc làm móng vân vân hoàn toàn từ Mỹ đưa qua và quảng cáo dữ dội hơn lần trước nên chỉ trong một hai tuần đầu tiên là đã có nhiều khách hàng tìm đến và rồi mỗi ngày khách đến mỗi đông hơn vì tiếng đồn cũng đã bắt đầu lan rộng ra khắp các thành phố lớn khác. Công việc đang trên đà phát triển thì em lại phải trở về Mỹ vì có đủ thứ chuyện mà em bắt buộc phải về và em đã sang tiệm lại cho cô Hương. Chị Anh vẫn tiếp tục bám trụ tại Amsterdam và lúc này khách muốn đến tiệm của chị Anh thì phải lấy hẹn trước mặc dù tiệm luôn luôn có ba người làm móng, kể cả chị Anh.
Có một điều mà cô Mão không biết là ngay sau khi cô vừa mở tiệm ở thành phố cảng Rotterdam không bao lâu đã xuất hiện một tiệm nail của gia đình anh chị L. do cô con gái tên T. đứng tên nhưng vì tiệm tọa lạc ở địa điểm vắng vẻ nên không có khách. Sau khi cô Mão về lại Hoa Kỳ không bao lâu, tiệm nail của gia đình anh chị L. đã dời về gần tiệm “Huongs' nail” và hiện nay tại thành phố cảng đó đã có tổng cộng mười một (11) tiệm nail mà người Việt Nam làm chủ hết bảy tiệm còn bốn tiệm kia, hai của người Phi châu, một của người Tàu và một của người Nam Dương.
Riêng tại Amsterdam, trên một con đường ngắn nhưng có rất đông người qua lại đã có đến năm (5) tiệm của một gia đình đông nhân sự đã từng sinh sống với nghề bán chả giò trước kia.
Tiệm nail American của cô Anh từ đầu năm hai ngàn lẻ tám cho đến nay đã bị mất rất nhiều khách chỉ vì ai muốn đến tiệm của cô phải làm cuộc hẹn trước mà giá cả có phần hơi cao hơn những tiệm nail khác.
Ở một thành phố nhỏ thuộc vùng North Holland có gia đình anh chị Hòa và Sơn đã học cách tổ chức tiệm làm nail như của anh chàng con lai triệu phú bên Cali, chị Hòa anh Sơn đã và đang thành lập ở mỗi tỉnh, thành phố một hai tiệm làm nail và giao cho người Việt nào muốn quản lý để mỗi tháng anh chị nhận lại một số tiền mà hai bên đã thỏa thuận.
Khoảng ba tháng trước đây (nǎm 2008 – chú thích của Ban Biên tập) chị Hòa và anh Sơn đã khai trương một cơ sở rất lớn ở thành phố Zaandam cũng thuộc vùng North Holland để chuyên phân phối các dụng cụ và thuốc đủ loại được nhập từ Mỹ về cho người hành nghề làm nail với giá cả tương đối. Cơ sở của chị Hòa và anh Sơn cũng đang trên đà phát triển mạnh.
Hiện nay tiệm làm nail do người Việt Nam làm chủ đang có mặt gần như “trên từng cây số” ở mỗi tỉnh mỗi thành phố;bất cứ ở tỉnh nào thành phố nào mà có người Việt sinh sống là nơi đó có tiệm làm nail.
Ở Hoà Lan nếu bạn gặp bất cứ người Việt Nam nào tị nạn cộng sản hoặc đoàn tụ gia đình mà bạn hỏi về khu chợ Beverwijk thì không một người Việt nào mà không biết, cũng giống như khi người Việt nào đến tiểu bang California mà hỏi khu Phước Lộc Thọ vậy. Tôi nói như vậy để phân biệt với một số người Việt Nam mới qua đây du học hoặc đi du lịch thì có lẽ những người đó sẽ không biết gì về khu chợ Beverwijk vì chợ này chỉ họp vào hai ngày cuối tuần mà thôi: thứ bảy và chúa nhật.
Khu chợ Beverwijk hiện diện từ hơn ba mươi năm qua, trước khi có người Việt Nam đến đây định cư, và khu chợ này tọa lạc tại vùng North Holland mà khởi đầu chỉ là khu chợ bán đồ cũ của người Thổ Nhĩ Kỳ. Khu chợ này dần dà nổi tiếng vì bán đồ rất rẻ nên vào hai ngày cuối tuần khách tứ phương tìm đến rất đông.
Khi nghề bán chả giò đang tung hoành khắp đất nước Hoà Lan cũng đã có hai gia đình người Việt tên Hải và Mậu nhanh chân lẹ tay mở hai tiệm trong khu chợ này... cho đến nay đã có thêm ba tiệm nữa.
Người Hoà Lan thấy sự thành công của khu chợ Beverwijk nên đã thành lập ra thêm hai khu chợ nữa, một ở ngay trung tâm Amsterdam và một ở thành phố Purmerend nhưng cả hai khu chợ này đều thất bại và phải giải tán vì quá nhỏ và không có chỗ rộng để làm chỗ đậu xe.
Mới khoảng gần hai năm nay, tức là năm hai ngàn lẻ sáu, người Tàu đã mở một khu thương mại chuyên bán đồ Á châu ngay trong khu chợ Beverwijk này và người Việt Nam đã chiếm lĩnh được mười hai (12) gian hàng để làm nail.
Vào ngày thứ bảy và chúa nhật đẹp trời thì khu chợ này khó mà đi thong thả được vì người tứ xứ và đủ mọi sắc dân đến đây đi chợ rất đông nên mười hai tiệm nail của người Việt lúc nào cũng đông khách và luôn luôn có khách đứng chờ hoặc hẹn giờ quay lại để khỏi phải chờ đợi.
Khu chợ Beverwijk này nếu so sánh với khu Phước Lộc Thọ bên Cali thì quả là không xứng về sự sang trọng. Để bạn dễ hình dung ra hơn tôi lấy hai khu chợ ở Việt Nam làm một cuộc so sánh: khu chợ Beverwijk là chợ Vườn Chuối trên đường Phan Đình Phùng thuộc quận ba và khu chợ Phước Lộc Thọ là khu thương xá Tax ở Sàigòn!
Tuần vừa qua tại khu chợ Beverwijk tôi tình cờ gặp một người đẹp đi với một em bé đang đứng nhìn những tiệm nail của người Việt. Người đẹp này nói tiếng Anh với em bé và thỉnh thoảng có chêm vào vài chữ tiếng Việt Nam nên tôi nghĩ người đẹp phải từ quốc gia khác đến nên tôi đến làm quen và nhân tiện làm một cuộc “phỏng vấn” luôn:
– Chào chị, chị ở cũng gần đây?
Rất lịch sự, người đẹp trả lời:
– Dạ thưa anh không, em ở Mỹ, ở tiểu bang Cali qua đây đi du lịch anh à.
– Cô... em đi với cháu... này thôi à?
– Đi với chị bạn nữa, chị ấy đang ở trong restroom.
– Cô... em thấy nơi này ra sao?... - Vì người đẹp đẹp quá nên tôi không ngần ngại gì mà không đổi cách xưng hô. Tôi hỏi tiếp:
– Em thấy có gì khác lạ với những tiệm nail ở bên ấy không?Khu này có giống như khu Phước Lộc Thọ... của em không?
– Những tiệm nail như thế này mà đặt ở bên Cali thì sẽ bị đói ngay, sẽ phải dẹp tiệm ngay; tiệm... gì mà trông có vẻ amateur quá. Còn khu này thì làm sao mà so sánh được với khu Phước Lộc Thọ của... chứ.
– Vì khu này chỉ mở có hai ngày vào mỗi cuối tuần thôi nên nếu muốn làm cho tiệm nail ở đây giống như ở bên em thì đòi hỏi phải đầu tư nhiều lắm mà tiền mướn tiệm và thuế thì cũng khá cao.
– Mấy ngày qua em đi đến thành phố nào cũng thấy có tiệm làm nail do người Việt mình làm chủ, những tiệm đó khá đẹp và cũng sang trọng lắm chứ không như ở đây. Những... mấy tiệm nail ở... ở... ở Holland này có lâu chưa anh?
Tôi nhìn người đẹp cười vui vì người đẹp có lẽ quên - hay không biết – chữ Holland tiếng Việt Nam gọi là Hoà Lan, nhưng thà gọi là Holland vậy mà hay hơn là gọi Hà Lan theo cách gọi của Việt cộng mà cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lúc còn sinh tiền đã chứng minh là Việt cộng gọi sai.
– Nghề làm nail đã và đang tung hoành ở xứ này chỉ mới đây thôi em à, và nay mai chắc chắn sẽ lan tràn qua các nước bên cạnh cũng giống như hai mươi lăm năm về trước cũng tại đất nước này đã phát sinh nghề bán chả giò và rồi sau vài năm đã lan tràn qua các nước khác. Ở làng Vleuten gần thành phố Utrecht cũng có một cái chợ Bazaar lớn bằng chừng một phần ba khu chợ này và trong đó cũng có một tiệm làm nail của người Việt Nam, em đã đến đó chưa?
– Đến rồi anh. Ngay trung tâm thành phố đó, thành phố... gì? Utrecht phải không anh? Ở đó cũng có một tiệm làm nail của người Việt; người Việt mình chịu khó làm ăn quá... há anh.
Tôi chỉ cho người đẹp thấy một anh chàng trẻ tuổi đang “miệt mài” dũa móng cho người khách da trắng:
– Anh chàng đó tên là Hùng, là chủ tiệm bán gà và có rất đông nhân viên người Việt làm công cho anh ta nhưng anh ta nhận thấy nghề làm nail sẽ phát triển mạnh nên anh ta đang học nghề và đã sẵn sàng để mở một vài tiệm cho người nhà.
Người đẹp cười với vẻ thán phục. Thấy người đẹp của xứ Hoa Kỳ vui tánh quá và cởi mở quá nên tôi... làm tới:
– Em có thể cho anh biết tên em được không?
– Tên của em hả? Em đang thù ghét cái tên của em quá xá đi và vì vậy em đang làm thủ tục để đổi tên khác đây.
Có lẽ người đẹp thấy bộ mặt của tôi lộ vẻ ngu ngơ khờ khạo vì không hiểu người đẹp nói với ngụ ý gì nên người đẹp hả miệng cười thật lớn đưa hai hàm răng trắng bóc và thật đều rồi nói tiếp cho tôi khỏi đưa cái mặt ngu đần ra nữa:
– Nếu anh mang một cái tên... trùng với tên của người nổi tiếng nào đó thì có lẽ anh cũng hãnh diện lắm phải không? Còn em, lúc em mới đổi tên em đâu có ngờ cái tên của em lại trùng với tên của con mẹ lưu manh, gian ác, giả dối, con mẹ đá cá lăn dưa ăn cháo đá bát; con mẹ tên là... em họ Nguyễn tên em cũng là Madison!
Topa